Thursday, July 14, 2022

HỒI ỨC KHI XEM LẠI PHIM DR. ZHIVAGO


Một buổi chiều ở Walmart, khi xếp hàng chờ trả tiền, nhìn lên quầy tạp chí cạnh bên, tôi bất ngờ đọc thấy tựa đề bài báo in lớn: “Omar Sharif - nam diễn viên nổi tiếng với vai diễn chính trong phim “Dr Zhivago” - vừa từ giã cuộc đời ở tuổi 83”. Bản tin làm tôi xúc động; tôi vội lấy tạp chí đó lên đọc và biết thêm “Ngôi sao điện ảnh Ai Cập qua đời chiều 10/7/ 2015 tại một bệnh viện ở Cairo sau cơn đau tim. Hồi tháng 5, con trai của Omar Sharif cho biết ông mắc bệnh Alzheimer's...” Ôi! Ngẫm lại thấy cuộc đời thật là vô thường: Công danh, sắc đẹp, sự nghiệp, tài năng, danh tiếng... tới một lúc nào đó cũng đành buông xuôi!

"Phú quý vinh hoa như mộng ảo
Sắc tài danh lợi tựa phù du"

Tài tử Omar Sharif
Thời tuổi trẻ tôi ít xem phim, ngoại trừ những phim thật nổi tiếng và xuất sắc. Phim Dr Zhivago và Omar Sharif đã từng gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ về bộ phim tình cảm tuyệt vời và chàng tài tử đẹp trai đầy nam tính, mà bạn bè tôi thời đó, đã cho rằng có lẽ mãi sau này sẽ không có ai vượt qua được. Nỗi xúc động về sự ra đi của Omar Sharif dẫn tôi miên man trở về quá khứ cả trong những ngày tiếp theo khi đi chơi biển mùa hè với nhóm bạn thân. Lúc chúng tôi đang cùng nhau lội biển sát bờ để đùa với nước, tôi vừa nhắc tới nhạc phim Dr Zhivago, thì 1 giọng ca bỗng cất lên “là la lá lá...” thế là cả nhóm tự động đồng thanh hát theo điệu nhạc quen thuộc đó. Hình như nó đã ngấm vào trong tiềm thức tự lúc nào và bây giờ cứ tự động bật ra. Chúng tôi “hát bên nhau thật là hồn nhiên” như thuở còn đi học, người ngoài nhìn vào sẽ tưởng là “một lũ điên”, nhưng có hề chi khi chúng tôi đang được tự do thả hồn về “những ngày xưa thân ái”. Kỷ niệm xưa ào ạt tràn về và chúng tôi hẹn nhau sẽ cùng đi thư viện tìm mượn bộ phim Dr Zhivago để xem lại bộ phim nổi tiếng một thời , bởi nó cũng đã từng ôm ấp biết bao nhiêu là kỷ niệm thời tuổi đôi mươi. Trong khi chờ đợi được xem lại bộ phim, 1 bạn trong nhóm đã gửi đường link để chúng tôi nghe lại bản nhạc bất hủ “Người tình Lara” lời Việt do Phạm Duy phổ nhạc với tiếng hát Thanh Lan, hát cả 2 lời Anh - Việt. Nhìn hình ảnh Thanh Lan rồi nghe lại tiếng hát ngọt ngào đó, hồi ức về một thời thanh xuân tràn ngập tâm hồn làm lòng tôi rưng rưng. Quả là cái gì chạm đến trái tim cũng làm con người xúc động sâu xa...

"Người tình thương nhớ, hãy lắng nghe lời mặn mà
Dù mùa xuân đã chôn vùi bởi làn tuyết kia
Ngọn đồi trắng xóa, sẽ có hoa mọc đầu mùa...
Người em yêu hỡi, nhớ thương đời đời chớ phai."

Bác sĩ Zhivago là bộ phim được sản xuất năm 1965 do David Lean đạo diễn, dựa theo truyện nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak . Cuốn tiểu thuyết đã được Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải Nobel về văn học năm 1958, nhưng bị cấm phát hành tại Liên Bang Xô Viết cho mãi đến năm 1988.

Phim có bối cảnh những năm trước cách mạng tháng 10 Nga, khi cuộc chiến tranh thế giới đang xảy ra ác liệt và một cuộc cách mạng cũng đang bùng lên ở Nga. Bác sĩ - nhà thơ lãng mạn Zhivago - được tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh đẫm máu này. Là một trí thức có tâm hồn nghệ sĩ tiêu biểu cho truyền thống văn hóa và tính cách Nga, bác sĩ Zhivago (Omar Sharif) không thể chấp nhận cuộc cách mạng và không thấy ý nghĩa cuộc sống của chính mình trong đó. Phim cũng nói về mối tình của Zhivago, 1 bác sĩ đã có vợ con, với hồn thơ lai láng, và một cô y tá xinh đẹp lãng mạn mà ông gặp gỡ như một định mệnh oái oăm với những giằng co éo le tình cảm. Phim trình bày theo lối kể chuyện xen kẽ nhau hai cảnh đời của Dr Zhivago và Lara cho đến khi hai người yêu nhau rồi xa nhau, với nhạc phim “Lara's Theme” réo rắt làm nền, thiết tha trong tiếng đàn balalaika. Phim đã thành bất hủ trong nửa thế kỷ qua, đã khiến cho tên tuổi của nhà đạo diễn phim David Lean và tài tử Omar Sharif đi vào huyền thoại...


Phim Dr Zhivago nổi tiếng trong nhiều thập kỷ, xếp thứ 7 trong danh sách 100 bộ phim tình cảm lãng mạn hay nhất mọi thời đại và đứng thứ 8 trong danh sách các phim thành công nhất. Xếp hạng do Viện Điện ảnh Hoa Kỳ AFI bình chọn và được thông báo trong chương trình đặc biệt “100 năm của AFI... 100 nỗi đam mê”. Phim giành được 5 giải Oscar và cũng giành được 5 giải Quả Cầu Vàng cho phim chính kịch hay nhất, đạo diễn phim chính kịch xuất sắc nhất, nam diễn viên phim chính kịch xuất sắc nhất, kịch bản xuất sắc nhất, nhạc phim xuất sắc nhất.

Phim Dr Zhivago trình chiếu ở rạp REX Saigon khoảng năm 1971, 1972. Thời tuổi trẻ xem phim với non nớt kinh nghiệm đường đời, nên có lẽ chỉ để ý đến vẻ thu hút của tài tử chính và một câu chuyện tình ngang trái lãng mạn...Còn bây giờ xem lại phim mới thấy thấm thía hơn với những nẻo dẫn dắt của định mệnh đã đưa tới một cuộc tình trái ngang mà đôi khi con người không cưỡng lại được. Đặc biệt hơn nữa là thời đó chưa nếm mùi “sống với Cộng Sản” nên những hình ảnh thời C.S.. trong phim chỉ loáng thoáng qua: “Sao thấy ghê quá!”, "sao khổ quá vậy?", rồi nó trôi tuột đi không để lại dấu vết gì. Còn bây giờ từng thước phim nhắc nhở lại bao nỗi cay đắng của đời sống sau 75 khi Cộng Sản thống trị đất nước, mới thấy cảm phục tác giả và đạo diễn đã lột tả giùm bao cảnh đời éo le, cay nghiệt một cách tài tình hấp dẫn. Hèn gì mà tác phẩm đã từng bị cấm tại Liên Xô trong một thời gian dài, dù là nó đã được trao giải thưởng Nobel về Văn Học và phim Dr Zhivago dù đã nhận được quá nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng đến năm 1994 (gần 30 năm sau khi ra đời) mới được phép trình chiếu ở Nga. Hình như tuổi đời càng tăng, kinh nghiệm sống càng nhiều càng thấm hết cái hay của bộ phim. Quả đúng như nhà thơ thiên tài Nguyễn Du đã nói một cách ngắn gọn nhưng thật đầy đủ ý nghĩa:

"Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"

Tôi còn nhớ giáo sư Nguyễn Duy Cần (Đại học Văn Khoa Saigon) đã từng say mê, tấm tắc câu thơ trên và giải thích, bình luận nó cả mấy giờ mà vẫn chưa thấy đủ. Có lẽ tác giả Pasternak đã trải qua những năm tháng “đoạn trường” sống trong cuộc cách mạng vô sản nên rất thành công trong việc phác họa một nước Nga triền miên trong khói lửa chiến tranh với những người trí thức không tìm ra lối thoát. Riêng tôi với kinh nghiệm “15 năm đoạn trường” cùng bao mùi tân toan từng nhìn thấy và nếm trải trong chế độ cộng sản, nên càng theo dõi phim tôi càng thấm thía để thấy hết giá trị của đời sống trong thế giới Tự Do, đặc biệt là với giới trí thức...


Một tình yêu trái ngang đầy ngậm ngùi, nhưng cũng cũng không kém phần say đắm!

Lần đầu Zhivago gặp Lara là khi chàng theo 1 BS khác đến nhà để cứu mẹ Lara tự tử, sau khi bà biết sự dan díu giữa chồng (Victor), một luật sư rất có thế lực chính trị, với đứa con gái riêng (Lara) của mình. Rồi do 1 sự tình cờ Zhivago biết được sự sa ngã của Lara với người cha dượng. Cái cảnh cha dượng dụ dỗ con gái riêng của vợ hầu như khá phổ biến, ngay cả trong xã hội Việt Nam. Đó có lẽ cũng là lý do mà nhiều phụ nữ VN sau khi bị góa chồng hay đổ vỡ hôn nhân, dù hoàn cảnh nuôi con gian khổ khó khăn, cũng không dám đi bước nữa, nhằm bảo vệ an toàn cho con gái mình. Thành thử trong mọi hoàn cảnh, người phụ nữ luôn gánh chịu hết mọi thiệt thòi.

Lần thứ 2, khi Zhivago và Tonya (vợ sắp cưới) tham dự bữa tiệc Giáng Sinh tưng bừng nhộn nhịp của giai cấp quý tộc thì Lara xuất hiện tức giận rút súng định bắn chết Victor, nhưng viên đạn chỉ sượt qua bàn tay và làm hắn bị thương. Lara tức giận vì bị dụ dỗ và đã nhiều lần rơi vào cảnh:

"Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về."

Victor đã thể hiện loại “ tuồng vô nghĩa, ở bất nhân”, hắn trở mặt miệt thị và sỉ nhục Lara là thứ gái lẳng lơ, chẳng nên nết, bị Lara cho ăn một tát tai. Hắn quay ra dùng sức mạnh đè Lara xuống để cưỡng hiếp, xong việc hắn giở bộ mặt đểu cáng, cười khinh khỉnh cho rằng:

"Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?"

Rồi lừng lững bỏ đi! Victor tiêu biểu cho lũ đàn ông đểu giả mà Nguyễn Du đã vạch trần qua bộ mặt nhân vật Sở Khanh trong truyện Kiều, cái thứ mà bề ngoài lúc nào cũng lịch sự “Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng” nhưng tâm địa thì thật khủng khiếp! Sau khi đã chán chê Lara và để diệt trừ hậu họa, hắn đã tìm đủ cách gạ những người đàn ông khác từ Pasha, bạn trai của Lara, một nhân vật cách mạng lý tưởng, đến Zhivago để mau “tống” Lara ra khỏi vòng tay hắn. Có lẽ vì thế, nên với tâm hồn nhạy cảm của 1 thi sĩ, Zhivago đã cảm thương cho số phận “hồng nhan đa truân” của Lara. Sau đó đường đời chia cách: Zhivago cưới Tonya và có 1 đứa con trai, Lara lấy Pasha và có 1 đứa con gái.


Chiến tranh cách mạng xảy ra, Pasha bị mất tích. Lara xung phong làm y tá ra chiến trường để tìm chồng, rồi tình cờ gặp lại B.S. Zhivago làm việc cứu thương ngoài chiến tuyến. Trong khung cảnh chiến trường đầy tiếng đạn bom, mạng người thật mong manh. Hai người làm việc chung với nhau, cùng chia nhau những gian khổ hiểm nguy nơi chiến trường cũng như những vất vả trong việc cứu chữa các thương bệnh binh nơi chiến tuyến. Hoàn cảnh đã đẩy đưa họ đến gần với nhau hơn, quan tâm tới nhau hơn và tình yêu đã bước những bước đi thầm lặng của nó. Khi phụ giúp Dr Zhivago chữa trị cho 1 thương bệnh binh nơi mặt trận, thấy ánh mắt Lara ngước lên nhìn Zhivago với đầy vẻ ngưỡng phục và kính trọng, tôi hiểu tình yêu nơi Lara đã bắt đầu.

Đối với giới nữ, sự ngưỡng mộ và kính trọng là bước khởi đầu dẫn đến tình yêu.

Nhìn hình ảnh đó bỗng nhiên dĩ vãng trong tôi hối hả quay về: Ngày đó, tôi còn là 1 nữ sinh ngây thơ trong trắng, chỉ biết học hành và vui chơi với các bạn gái cùng lớp, cùng trường GL.

Tôi chưa hề biết tình yêu là gì, cũng chưa hề biết rung động trước ánh mắt si tình của bất cứ một chàng trai nào. Nhưng một hôm "Người đó" xuất hiện, với dáng dấp thư sinh, với cặp kính cận trắng, đầy vẻ trí thức... Tôi có cảm tưởng cả một vùng ánh sáng bao quanh Người. Người vừa từ phương trời xa trở về với bằng tiến sĩ của 1 đại học danh tiếng thế giới, nên những lời giảng của Người chứa đựng quá nhiều tư tưởng lạ, mở ra cho tôi cả 1 chân trời mới mà tôi đang khao khát tìm hiểu. Tôi chỉ biết nín lặng ngồi nghe để từng lời từng chữ thấm đẫm vào tim, vào óc. Rồi những lần tiếp theo đó, cả đám con gái chúng tôi hình như đều bị thu hút bởi Người, với một thứ lực vô hình không cưỡng lại được.


Những lần tham dự thánh lễ sau này, nhìn lên bàn thờ, dường như tôi không còn thấy Chúa mà chỉ thấy mỗi mình Người đang tỏa sáng. Trước kia tôi ghét giọng Huế chi lạ, âm hưởng gì mà "trọ trẹ" khó nghe làm sao, nhưng bây giờ giọng Huế của Người tôi nghe êm ái nhẹ nhàng pha chút dễ thương, tôi đón nhận những lời Người giảng cứ như mật rót vào tim... một trái tim nhỏ bé, mỏng manh. Rồi từ đó về sau những sinh hoạt nào có mặt Người, thì dù có bị trở ngại cách nào, tôi cũng san bằng để có mặt cho được. Những kỳ trại hè, những ngày picnic, những dịp tĩnh tâm, những buổi hội thảo...mỗi lần được gặp mặt, được ở bên cạnh để nói chuyện với Người thì lòng tôi rộn rã niềm vui.

Những lúc được Người ân cần giúp giải những bài toán khó, những bài triết lý khô khan khó hiểu là hôm đó tôi thấy đời bỗng dưng vui. Rồi cũng có những lúc dỗi hờn vu vơ của tuổi mới lớn, Người thông minh biết cách làm hòa thật tài tình nên lòng dù rất giận cũng không nỡ, vì "giận thì giận, mà thương thì thương". Rồi trong 1 trại hè ở Vũng Tàu, lần đầu tiên Người giới thiệu với tôi về dòng nhạc Trịnh Công Sơn, để rồi từ đó nhạc TCS đã trở thành gắn bó thân thương với tôi cho đến tận bây giờ. Có lẽ:

"Tôi được thấy mình trong nhạc Trịnh
Cũng vô thường, bất định, phiêu lưu."

Rồi Người dạy tôi hát bài “Tuổi Đá Buồn”, đó là bài hát TCS đầu tiên mà tôi biết. Ôi lời bài hát sao mà buồn chi lạ! Khiến trái tim nhỏ bé của tôi như mềm đi vì những hạt mưa rơi, mưa rơi:

Hai diễn viên Omar Sharif và Julie Christie trong một cảnh phim Bác sĩ Zhivago. Nguồn internet.
"Trời còn làm mưa, mưa rơi, mưa rơi
từng phiến mây hồng em mang trên vai
Tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi quay tận cuối trời."

Vậy đó, với từng bước thầm tôi đã lần đi vào con đường tình yêu không lối thoát, mà vẫn ngu ngơ chưa hề biết, chỉ biết mọi chuyện khởi đầu bằng sự ngưỡng mộ, kính phục. Có lẽ như TCS đã nói:

"Khi cơn đau chưa dài thì tình như chút nắng
Khi cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông."

Có phải vì thế mà tôi “đồng cảm” với mối tình “không rủ mà đến” của Zhivago và Clara chăng?

Cách mạng thành công, Zhivago và Lara chia tay để trở về với gia đình riêng của mình. Tình yêu đã nhen nhúm trong lòng, nhưng không ai can đảm thú nhận ra bằng lời vì ngang trái, vì họ đều đã có gia đình, lương tâm không cho phép họ nói tiếng yêu. Họ chia tay trong cảnh, bên ngoài có vẻ thản nhiên, nhưng trong lòng thì tan nát "Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai." Nhìn hình ảnh Zhivago mắt ngấn lệ trông theo chiếc xe chở Lara biến dần theo bụi mờ, rồi hình ảnh Lara, xe đã đi quá xa nhưng vẫn cứ ngoảnh cổ lại với hy vọng còn trông thấy bóng dáng Zhivago lần cuối. Chúng ta thấy rõ sự giằng co đau xót trong lòng họ, họ không phải là loại người ham vui phụ bạc "thấy trăng quên đèn". Tuy họ không hề nói với nhau bất cứ lời yêu đương nào, nhưng đôi mắt của họ đã thể hiện vạn lời muốn nói trong tim. Ánh mắt họ nhắc tôi nhớ đến "ánh mắt chiều hôm ấy", nó chỉ lóe lên trong tích tắc, nhưng nó đã theo tôi suốt một đời.


Thời điểm sau tết Mậu Thân (1968), không khí chiến tranh bao trùm khắp Saigon, thỉnh thoảng chỗ này chỗ kia, có xác chết bên lề đường, bên bãi rác, rồi những vụ xử bắn, những vụ kéo người ra bưng, làm ai cũng hoang mang lo sợ. Muốn biết tin tức người thân ở những nơi khác cũng không biết làm cách nào. Tất cả các trường học đều đóng cửa, ngoài đường phố vắng hoe, nếu không có việc gì thật cần thiết, không ai dám ra đường. Chiều hôm đó, má sai tôi đạp xe ra ngã 7 để mua đồ cho má, khi ra gần tới công trường, tự nhiên linh tính khiến tôi chợt nhìn lên về phía bên kia đường, Người xuất hiện trên chiếc Vespa quen thuộc. "Trời ơi, có phải là Người đó không? Vậy là Người vẫn bình an!" Tim tôi như nhẹ đi 1 gánh nặng! Cùng một lúc, có lẽ do mối thần giao cách cảm, Người bỗng ngước nhìn về phía tôi và đôi mắt Người bất chợt lóe sáng lên, rực rỡ một niềm vui nhảy múa, có lẽ vì thấy tôi vẫn bình an. Chỉ "tích tắc" thế thôi, rồi đường ai nấy tiếp tục đi! Người ta nói "đôi mắt là của sổ của linh hồn", có những giây phút bất ngờ, bị gió thổi tung, "cửa sổ tâm hồn bỗng mở toang" và ta có thể nhìn thấy hết những bí ẩn giấu kín bên trong nó. Đôi mắt rực sáng, lóe lên niềm vui chiều hôm ấy, dù trong "tích tắc" cũng đủ để cho tôi ôm ấp một đời, mối tình đầu "ngang trái" đầy câm nín của mình. Người luôn là cái bóng mát cho tôi dừng chân mỗi khi mỏi mệt, là nơi sẵn sàng lắng nghe những "rối rắm" đời thường của tuổi mới lớn. Người vừa là niềm tin yêu, vừa là nỗi kính sợ. Người có vẻ ân cần và ưu ái tôi hơn các bạn, và rất thân tình để tôi có thể chạy đến, chia sẻ hết những nỗi buồn vui của cuộc sống.Hình như có một sự "đồng cảm" sâu xa giữa chúng tôi. Tuy vậy tôi chưa bao giờ dám mở miệng nói 1 lời yêu, chưa cả một lần dám cầm tay; nhưng vẫn âm thầm quan tâm đến nhau trong lặng lẽ. Cái thứ "thương thầm" này vậy mà dai dẳng khôn nguôi, có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay:

"Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi"...

Mối tình thầm lặng giữa Zhivago và Lara tuy không nói ra lời, nhưng nó vẫn luôn âm ỉ trong tim. Có phải vì thế mà nhà thơ Tagore đã nói ”Tình yêu thầm lặng là tình yêu thiêng liêng. Trong bóng mờ trái tim ẩn kín một tình yêu sáng rực như trân châu. Trong ánh sáng ban ngày kỳ lạ, tình yêu lu mờ một cách đau thương."

Trở lại buổi xem phim Dr Zhivago chung với nhau, L cô bạn trẻ nhất trong nhóm bỗng nêu thắc mắc:


– Lúc chiếu phim này ở Saigon, em hãy còn nhỏ nên chưa được xem phim, nhưng em cũng rất thích bài hát “Người tình Clara” đến độ hôm đi biển, các chị vừa cất tiếng hát là em có thể hát theo ngay. Nhưng theo sơ lược truyện phim thì đây là một vụ ngoại tình, vì 2 nhân vật chính đều có gia đình rồi. Như vậy là vô đạo đức, chẳng lẽ người ta lại ca ngợi chuyện vô đạo đức đó sao? Mọi lần em thấy chị cũng chống lại những vụ ngoại tình mà, sao chị lại khen bộ phim này?

– Đúng là không ai tán đồng chuyện ngoại tình, nhưng mình không nên “quơ đủa cả nắm” cũng không “nhắm mắt” mà kết tội ai, hãy mở mắt để nhìn cho kỹ diễn tiến mọi sự việc rồi hãy kết luận. Thường thì đàn ông ngoại tình hay có khuynh hướng bêu riếu vợ, chê trách điều này, điều nọ, để “chạy tội” ngoại tình. Ở Zhivago, em sẽ không thấy điều này…mà là những trăn trở, những giằng co đến xé lòng…em cứ kiên nhẫn xem hết bộ phim rồi sẽ hiểu vì sao người ta ca ngợi nó, và nó chiếm được giải Nobel về Văn học.

Tôi có chị bạn thân, nhân kể vụ xem lại phim Dr Zhivago đã hồi tưởng và kể rằng : ” Lúc đó 2 vợ chồng chị vừa đám cưới xong, nên rủ nhau đi xem phim vì nghe nói phim hay và là 1 chuyện tình lãng mạn. Chồng chị là BS, tưởng là phải binh vực “đồng nghiệp” Dr Zhivago của mình chứ, ai dè xem xong 2 người lại cãi nhau vì chồng chị cho là “nói gì thì nói, nó vẫn là chuyện ngoại tình”, nên anh không thích. ( May cho chị vì chồng chị “nói thật” và “làm thật”, vì thông thường hay có những cuộc ngoại tình xảy ra giữa BS và y tá, và chồng chị đã giữ đúng quan điểm “không thích” đó cho tới cuối đời!) Trong khi chị thì cho là vì hoàn cảnh đẩy đưa nên mới xui khiến ra thế, nên phải thông cảm thay vì lên án…( Đúng là đàn bà dễ xúc động và hay tha thứ, nên thường bị các ông gạt hoài!). Vậy là tưởng đi xem phim cho vui vẻ hơn, nhưng vì quan điểm khác nhau về bộ phim mà 2 vợ chồng trẻ mới cưới, lại giận nhau không nói chuyện mất mấy hôm…”


Đúng là cuộc sống muôn hình vạn trạng, “bá nhân, bá tánh” không ai giống ai. Vì vậy mới nói có những người “hạp tánh” hay “cùng tần số” thì dể kết thân và hiểu nhau hơn.

Quay về với câu chuyện tình của Dr Zhivago, Sau khi từ biệt nhau, mỗi người trở về yên phận với gia đình mình ở 1 vùng quê yên bình. Clara vẫn không tìm được chồng, sống bình yên với con gái, làm việc ở thư viện nhỏ gần nhà. Zhivago sống đầm ấm với vợ, con và bố vợ trong 1 nông trại nhỏ. Nhưng định mệnh đã oái oăm khiến ông bố vợ cần 1 tài liệu có ở thư viện làng cạnh bên và muốn Zhivago đi mượn giùm ông, chàng đã từ chối không đi, nhưng cô vợ lại đốc thêm vào nên chàng đành đi. Và nơi thư viện nhỏ đó Zhivago đã gặp lại Clara, thế là:

“Tinh ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang”

Định mệnh đã 1 lần nữa đẩy họ gặp nhau. Họ ngỡ ngàng đầy xúc động và Clara đã mời Zhivago về thăm nhà. Trên đường về họ đã ghé lại ngồi tâm sự với nhau ở một bìa rừng và cảnh đẹp rừng Thu ở đây đã góp phần làm nên giá trị những cảnh đẹp lãng mạn mùa thu cho bộ phim. Những chếc lá vàng rơi lả tả quấn quít bước chân đi. Những chiếc lá bé xinh sắc vàng óng ánh chạy đuổi nhau lăn tăn, cuống quít theo làn gió thổi khiến tôi nhớ da diết những chiều dạo phố Tự Do mà “nắng phai từ lâu chiều vẫn dàì” của Saigon xưa yêu dấu với hình ảnh thân quen

“Nhớ Sài gòn những chiều lộng gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi”

Zhivago và Clara đã gặp lại nhau, họ không thể rời xa nhau nữa, bởi họ không thể dối lòng mình, vì:

” Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng
Người ngỡ đã quên lâu , nhưng người vẫn bâng khuâng”

Tuy là hạnh phúc khi được gặp nhau, yêu nhau, nhưng trong lòng họ vẫn day dứt vì cảm thấy có lỗi với Tonya (vợ Zhivago). Có những đêm bên cạnh vợ, Zhivago trăn trở không biết giải quyết ra sao? thành thử những người ngoại tình, nếu còn lương tâm, họ sẽ không có hạnh phúc vì luôn áy náy cảm thấy mình có lổi . Một sáng sớm Zhivago nhìn vợ mang bầu ra chăm sóc vườn trước nhà, rồi hồn nhiên đến nói chồng rờ bụng xem em bé “đạp” ra sao?…Có lẽ lòng tin yêu chồng một cách tuyệt đối và hồn nhiên của Tonya đã gia tăng mặc cảm tội lỗi và trách nhiệm, khiến Zhivago bất ngờ quyết định lấy ngựa phóng như bay đến nhà Clara để quát to khẳng định với Clara mà có lẽ cũng là khẳng định với chính mình:


– Từ nay anh sẽ không bao giờ trở lại căn nhà này nữa. Em có hiểu điều đó không?

Clara với khuôn mặt đầm đìa nước mắt gật đầu:

– Dạ, em hiểu. Anh hãy làm những gì mà anh cho là tốt nhất. Em hiểu mà!

Đối với tôi đó là cảnh cảm động nhất trong phim, nó nói lên “tình người”, nói lên “sự lương thiện” trong tính cách của Zhivago và Clara. Chưa ai phát hiện mối tình ngang trái của họ, nhưng tự họ, họ hiểu họ đang có lổi, và muốn chuộc lỗi. Thế gian này có bao nhiêu người ngoại tình có được những suy nghĩ và cảm xúc như họ? vì vậy họ đáng thương hơn là đáng kết tội trong mối tình đầy ngang trái này. Không phải ai bước vào mối tình ngang trái cũng đều có lỗi, thời tuổi trẻ tôi cũng đã hồn nhiên bước vào nó như bước vào một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, để rồi “những ngón tay ngại ngùng, đã ru lại tình gần“. Tôi âm thầm day dứt khi biết mình đã lở bước chân vào “đường tình không lối thoát”. Con bé lí lắc, bướng bỉnh, nghịch ngợm ngày nào biến mất, chỉ còn lại những suy tư dằn vặt khôn nguôi. Tôi trăn trở khi muốn ích kỷ chiếm hữu Người cho riêng một mình tôi, tình yêu nào mà không ao ước chiếm hửu? Và nếu tôi muốn, tôi biết tôi có thể làm được điều đó, bởi tôi hiểu rõ sức thu hút tuổi trẻ mạnh mẽ của mình. ( Ở tuổi 15, tôi đã “hồn nhiên” làm điêu đứng ông anh họ của mình, mà không hề biết!). Hơn nữa “ánh mắt rực sáng” chiều hôm nào như khuyến khích tôi cứ mạnh dạn tiến lên, Người đang chờ tôi! Có 1 lần tình cờ tôi nghe được các cha trong dòng gọi chúng tôi là những “tà thần áo trắng”. Áo trắng thì dễ hiểu vì nữ sinh đi học mặc áo dài trắng, nhưng tôi ngơ ngác không hiểu sao lại bị gọi là “tà thần”? Mãi đến sau này, ra trường đi dạy, đôi lần tan trường nhìn các em nữ sinh tươi mát, đẹp mơn mỡn, có sức thu hút mạnh mẽ hồn nhiên, tôi mới chợt hiểu ra ý nghĩa cám dổ của 2 chữ “tà thần” mà các cha dùng. Nhưng tình yêu không phải là 1 đứa trẻ, muốn gì là đòi cho được. Tôi không muốn hủy hoại vị trí rất được “yêu kính” của Người trong lòng mọi người, vị trí đó không phải ai muốn cũng có được. Tôi còn phải nghĩ tới nỗi đau của gia đình Người, những nổi thất vọng ê chề của bao nhiêu “con chiên” yêu mến Người, rồi những dư luận xã hội chung quanh sẽ bủa chụp Người. Như vậy thì tội nghiệp quá, làm sao tôi đành lòng cho được! Tôi không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình mà mặc kệ bao người thất vọng, buồn bả chung quanh. Tôi không cướp Người từ tay 1 người đàn bà nào, nhưng cướp từ tay Chúa thì tội còn nặng hơn.. Chúa ơi! con lạc lối rồi, Chúa làm ơn dẫn con ra. Tình yêu thực đôi khi đòi hỏi phải chấp nhận hy sinh, tôi đã từng học hỏi nơi những bài giảng của Người: Sống phải biết nghĩ tới người khác, phải biết chia sẻ, phải biết đồng cảm với tha nhân…chẳng lẽ bây giờ tôi ích kỷ làm ngược lại sao?. Nếu tôi còn tiếp tục đi con đường này sẽ rất nguy hiểm cho cả hai, khi tới lúc tôi không còn dừng lại được nữa… Không, không, tôi không được quyền làm thế : Phải rời xa, phải từ bỏ, phải rẻ sang hướng khác…bao nhiêu giằng co xé nát trong tim, suy nghĩ mãi để rồi tôi tự quyết định “buông tay” nhưng sao lòng tôi đau quá, trái tim tôi như có ai bóp nghẹt… để rồi có những buổi chiều Chúa nhật lòng đau rã rời, dầm mình trong mưa đi lang thang. Tôi cảm thấy mình quá mong manh, nhỏ bé giữa những hàng mưa tuôn xối xả. Tôi mặc cho 2 hàng nước mắt tuôn rơi, khóc cho những vụn vỡ trong tim, khóc cho những đổ nát trong hồn, rồi chân phiêu lưu hướng về giáo đường mà trong lòng cô đơn không có Chúa, khóc.. khóc …Có lẽ những giọt nước mắt cay đắng nhiều hơn những hạt mưa rơi …chúng hòa vào nhau để trở thành ” Mưa rơi mênh mang” của bản tình ca buồn định mệnh đời tôi:


” Trời còn làm mưa, mưa rơi mêng mang.
từng ngón tay buồn em mang em mang,
Đi về giáo đường Ngày chủ nhật buồn.
Còn ai còn ai?”

Có lẽ nước mưa và nước mắt đã làm trôi bớt những muộn phiền trong tim. Lòng tôi bỗng thoáng một cảm giác nhẹ nhàng lóe lên về sự trong sạch của tuổi mới biết yêu, hay cái tự hào của một người chưa làm điều gì vẩn đục dù trong tâm hồn hay thể xác…tôi đã “chiến thắng” được tôi!?..

Zhivago sau khi buông những lời mạnh mẽ vĩnh biệt Clara, hối hả lên ngựa quay về nhà với vợ con, nhưng nửa đường ngựa bỗng chậm lại rồi dừng chân. Tôi hiểu có những lúc ta biết việc phải làm, cần làm và ta đã làm cho lương tâm thanh thản, nhưng lòng ta vẫn quay quắt nhớ thương, vẫn ngần ngại không đành rời xa. Đúng lúc đó quân Cách Mạng ập tới “áp tải” chàng ra chiến trường phục vụ những thương binh vô thời hạn, không kịp một lời giả biệt vợ con…

Nhạc phim “Lara`s Theme” réo rắt làm nền, thiết tha trong tiếng đàn balalaika, dường như cho thấy biển đời không bao giờ hết sóng, nên muôn đời biển vẫn động! Tuy vậy đóa hoa “hy vọng” vẫn có thể “mọc” lên nơi một ngọn đồi nào đó, để ta còn thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao và tình yêu vẫn đẹp sao!”

“Although the Snow,
Covers the hope of Spring
Somewhere a hill
Blossom in green and gold”

Sau một thời gian dài bị bắt cóc để phục vụ ngoài chiến trường cho quân Cách Mạng đầy đói khổ chết chóc Dr Zhivago tìm cách trốn thoát để tìm về với vợ con. Nhưng tiếc thay khi chàng trở về căn nhà xưa thì chỉ thấy cảnh hoang tàn”trước sau, nào thấy bóng người” vì cả gia đình đã di tản qua Paris (giống cảnh nhiều gia đình VN di tản ra nước ngoài vào tháng 4/75). Do đó chàng đành tìm đến nhà Clara tá túc, điều cảm động là khi Zhivago mở cục gạch nơi giấu chìa khóa, thì đã có sẳn bức thư Clara để đó với nội dung cho biết Clara vẫn đợi chờ chàng vì biết một hôm nào đó, chàng sẽ trở về. Sợ chàng về bị đói, nên lúc nào Clara cũng chuẩn bị sẳn bửa ăn trên bếp cho chàng…Zhivago cảm động trước tấm tình yêu thương và chu đáo của Clara. Thế là cuộc tình của họ tưởng đã bị vùi chôn dưới làn tuyết trắng lạnh lùng, bây giờ hoàn cảnh lại giúp nó “nở hoa” tươi đẹp hơn xưa… Ở đây phải công nhận cảnh đẹp thiên nhiên đã phụ họa với tác giả để nói lên giùm tâm tình của người trong cảnh như cảnh mùa đông tuyết trắng xóa khắp nơi khi Zhivago “tơi tả” đi trong tuyết trắng mênh mông để tìm về nhà. Hình ảnh vừa nói lên sự cô độc và cả cô đơn băng giá trong hồn. Phim cũng cho thấy cảnh đẹp “rạng ngời” của mùa đông nước Nga khi tuyết bao phủ khắp nơi. Rồi những lâu đài , cung điện, dinh thự… đều có hình dáng “củ hành” trên nóc khiến tôi có cảm tưởng nó là 1 biểu tượng gì đó của nước Nga. Cách đây vài năm một lần ghé thăm St. Petersburg, tôi đã hỏi cô HDV xem nó mang ý nghĩa gì ? Cô HDV Nga cười cho biết : Đơn giản là để tuyết mùa đông sẽ trôi tuột xuống dễ dàng hơn, vì đây ở gần cực bắc nên tuyết mùa đông rất nhiều, nếu tuyết đọng lại lâu sẽ phá hủy các nóc nhà. Cô cũng cho biết các nóc đều được mạ vàng ròng thật để có sức chịu đựng với sương tuyết của thời gian. À thì ra chỉ đơn giản vậy thôi, đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, đó chính là lý do mà tôi rất thích đi du lịch. Tôi muốn viếng thăm St.. Petersburg vì nó có một số điểm tương đồng với Saigon của tôi: Nó từng là thủ đô cũ của nước Nga, nó cũng là một thành phố trẻ với hơn 300 năm thành lập. Nó cũng từng bị “cướp tên” dưới thời cộng sản Liên bang xô viết, và bị gán cho cái tên của trùm cộng sản một thời : “Leningrade”. Nhưng may mắn, sau khi Cộng sản liên bang xô viết sụp đổ, năm 1991 với một cuộc trưng cầu dân ý, thành phố đã được trả lại cái tên cũ từng đi vào lòng người dân: St. Petersburg.

“Trông người lại ngẫm đến ta!” Biết đến bao giờ lại có một cuộc trưng cầu dân ý để Saigon của tôi sẽ được trả lại cái tên nguyên thủy của nó trong một ngày không xa. Sài gòn, cái tên thân thương đã thấm vào lòng người dânVNCH, còn tên Hồ chí Minh “lạ hoắc” với người dân Sai gòn, rồi cũng sẽ đi theo tên Lenin và những pho tượng của nó bị kéo sập xuống để lịch sử đất nước tôi sẽ được lật sang một trang sử mới ?

.Cuộc sống êm đềm của Zhivago và Clara nơi thôn dã chẳng kéo dài được bao lâu thì tên cha dượng Victor kẻ đã từng hãm hiếp Lara khi xưa bỗng xuất hiện. Hắn hăm dọa rằng quân cách mạng đang truy lùng Zhivago, Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt được. Hắn hứa giúp đưa Zhivago và Lara trốn ra nước ngoài. Nhưng Zhivago không muốn rời bỏ tổ quốc và nhất là không muốn dính líu gì với tên “đểu cáng” đó, và Clara thì khẳng định “Nếu Zhivago không đi, thì nàng cũng không đi”. Cuối cùng Victor đòi gặp riêng Zhivago, và hắn cho biết hiện mẹ con Clara đang bị nguy hiểm tính mạng, bởi mối liên lụy vì chồng của Lara lúc bấy giờ đang chạy trốn do bị chính phủ cách mạng truy lùng gắt gao. Sau cùng Zhivago đành quyết định để Lara ra đi một mình, chàng phải hy sinh cuộc tình của mình vì vấn đề an toàn cho Lara và cho cả đứa con của chàng trong bụng Clara. Tuy mọi chuyện do chính mình tự âm thầm quyết định, nhưng nó cũng khiến Zhivago đau lòng khôn nguôi khi phải vĩnh biệt người yêu. Cảnh Zhivago chạy lên lầu và dùng cây để đập vở của kiếng hầu có thể thấy nhìn thấy lần cuối hình ảnh Clara dần xa khỏi tầm nhìn của mình, thật xúc động!


Một thời gian lâu sau Zhivago về Moscow sinh sống và một hôm trên chuyến xe lửa buổi sáng, Zhivago chợt nhìn thấy dáng Clara đang rảo bước dưới phố. Chàng ra sức gọi và nhảy xuống khỏi xe lửa để rượt đuổi theo hình dáng Clara, nhưng có lẽ vì quá xúc động, sợ mất hút người yêu lần nữa và có lẽ vì sức khỏe già yếu Zhivago đã “trụy tim” và ngã xuống giữa phố đông người qua lại, kết thúc một câu chuyện tình lãng mạn say đắm và nhiều đau khổ. Đây là cảnh mà nhiều người xem phim cho là xúc động nhất. Hình như chuyện yêu đương luôn ảnh hưởng đến con tim. Nhìn cảnh xúc động này khiến tôi bồi hồi nhớ lại: sau khi quyết định “buông tay” mối tình đầu của mình, để bảo vệ sự an toàn cho uy tín và danh dự Người, tôi đã âm thầm lặng lẽ rời bỏ con đường tình không lối thoát, và tự dặn lòng hãy để yên cho Người tu hành. Cuộc tình đã khép lại, bao năm rồi Người quên tôi chưa ? 15 năm sau tôi đã yên bề gia thất, mọi chuyện tưởng như đã trôi vào quên lảng. Vậy mà một hôm trên phố đông người qua, vừa chợt thấy dáng Người từ xa, tim tôi bỗng nhói đau, hụt đi 1 nhịp, tôi phải vội tấp xe vào lề đường quay mặt đi để tìm hơi thở, người tôi lao xao như oxy chung quanh đã bị hút mất hết rồi. “Có lần bàn chân qua phố,thấy người sóng lao xao bờ tôi”…

Cuối phim, một điều an ủi cho Zhivago là trong lễ tang của chàng, tình cờ định mệnh đã sắp xếp có sự tham dự của Clara, có lẽ để nàng “ru” chàng lần cuối trong đời:

“Đời đã khép và ngày đã tắt. Anh hãy ngủ đi
Ðời mãi đêm và ngày mãi buồn.Anh hãy ngủ đi”

Quả là Tình yêu muôn đời vẫn là điều khó hiểu và có lẽ mãi mãi vẫn không có lời giải đáp thỏa đáng: “tại sao yêu”?

Phim Dr Zhivago được nhiều người ái mộ dù nó đã ra đời hơn 1/2 thế kỷ. Phim có vẻ bất tử với thời gian, vì tình yêu muôn đời vẫn là đề tài ai cũng thích nghe. Nguời ái mộ phim Dr Zhivago gồm đủ mọi thế hệ : già, trẻ, lớn, bé ngay cả những người đi tu.

Nam diễn viên Omar Sharif đã nhập vai Dr zhivago quá thành công nên người ta đã đồng hóa Omar Shariff với Dr Zhivago, trên internet người ta đã nói những lời vĩnh biệt khi biết tin ông qua đời: “Vĩnh biệt Dr Zhivago”, “Hãy yên nghĩ Dr Zhivago” “Dr Zhivago sẽ được nhớ mãi, hãy ngủ yên bình”, “Good bye my love: Zhivago”. Có một sự trùng hợp lạ lùng là “Ngôi sao cô đơn” Omar Sharif ngoài đời cũng chết vì đau tim (heart attack) như Dr Zhivago ở cuối phim và Omar Sharif cũng sống trong cô đơn, bệnh tật về cuối đời như Dr Zhivago dù rất đào hoa. Quả là:

“Thân như bóng chớp chiều tà
Xuân sang tươi tốt, thu qua rụng rời”

Phượng Vũ / Theo: Góc Nhỏ Sân Trường