“Bớ con đĩ chó mặt mâm
Mày mà hỗn ẩu tao bằm nát thây”
Đĩ nghĩa ban đầu là cái tam giác chỗ “đó” của người đờn bà.
Thành ra trên mái nhà xưa chỗ đầu hồi hai mái có cái tam giác kêu là khu đĩ.
Chữ đĩ là của Bắc Kỳ, xứ nầy kêu cha bé gái là bố đĩ, kêu má nó là mẹ cái đĩ.
Đĩ sau ám chỉ gái lầu xanh làm nghề “nằm ngữa”.
Người Nam Kỳ xưa kêu gái làm nghề đó là “điếm”.
Trong tuồng cải lương “Nữa đời hương phấn”, bà Hai Lung chửi cô The trước mặt cha cô ta là: “Con gái ông làm điếm ở Sài Gòn.”
Đĩ là từ Bắc Kỳ lan vô những năm 1930.
Đĩ ngựa là từ chửi Nam Kỳ ví những người đờn bà dữ tợn, con ngựa là mượn từ Huế “ngựa Thượng Tứ”. [*]
Người đờn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng được ví như là “Con ngựa Thượng Tứ”.
Đĩ chó là chửi những người đờn bà sảnh sẹ, xí xọn, lanh chanh lẹo tẹo với đờn ông, tại vì chó là loài xà nẹo suốt ngày.
Phần đông câu “Đĩ chó” và “Đĩ ngựa” trong Nam là chửi thôi, và người bị chửi không phải là người làm nghề bán thân.
Người đờn bà Nam Kỳ bình dân trong cách nói chuyện hàng ngày với nhau hay chửi vậy như là tiếng đệm, đôi khi không ác ý mà là quen miệng.
Theo: Nguyễn Gia Việt
[*] Cửa Thượng Tứ Huế là nơi có cái trại nuôi ngựa của Hoàng gia, mỗi khi động dục thì lồng lộn, dân Huế ám chỉ gái dữ là ngựa Thượng Tứ.