Chúng ta trước tiên nên đối mặt với những gì chúng ta đã thấy, đã nghe, nghĩ đến, dùng tấm lòng khoáng đạt hơn nữa để dung nạp hết thảy, thấu hiểu đạo lý, như vậy đối với tri thức đã học mới có thể vận dụng thoải mái. (Ảnh Pixabay)
Cuối tuần tôi đang ở nhà nghỉ ngơi, bất chợt nhận được tin nhắn từ đồng nghiệp, cô ấy đang chỉnh lý lại hồ sơ, có một vài chỗ không rõ ràng lắm nên nhờ tôi hỗ trợ xem qua một chút.
Tôi đọc đoạn bài viết do đồng nghiệp gửi xong, cảm thấy vấn đề thực ra rất đơn giản và hầu hết mọi người đều có thể dựa vào trực giác để đưa ra phán đoán chính xác. Nguyên nhân khiến đồng nghiệp cảm thấy bối rối không phải vì cô ấy thiếu kiến thức, mà là vì cô ấy có quá nhiều kiến thức. Những tri thức tích lũy trước đây khiến cho cô khi nhìn nhận vấn đề, vô hình chung lại sử dụng những giới hạn cứng nhắc từ những kiến thức đã học, sau khi vận dụng chúng lại cho ra kết luận có phần đi ngược lại với trực giác, do vậy cô không biết điều gì mới là đúng.
Tôi gọi điện thoại cho đồng nghiệp trò chuyện một lúc, rồi không thể kìm được mà nghĩ ngợi khá nhiều.
Thông thường thì chúng ta tuổi tác càng lớn thì đọc sách càng nhiều, lẽ ra càng phải thông thái hơn nữa. Nhưng sự thực lại là, chúng ta học càng nhiều tri thức lý luận phong phú, những tri thức này ngược lại lại quay qua hạn chế tư duy của chúng ta. Chúng ta theo thói quen thường xem những gì trong sách viết là đúng, sau đó dùng cái gọi là lý thuyết đúng đó đi giải thích thực tế, liền phát hiện ra đủ thứ mâu thuẫn, đến nỗi khiến chúng ta “nhìn núi không phải núi, xem sông không phải sông”, ngay cả những việc đúng sai đơn giản nhất cũng khiến phán đoán của chúng ta nghi ngờ không chắc chắn.
Việc xuất hiện tình huống khôi hài như thế, tôi nghĩ chủ yếu là do chúng ta chưa hoàn toàn hiểu hết những kiến thức mình đã học, đã biến những thứ lẽ ra phải hỗ trợ cho chúng ta trở thành cái khung. Những gì chúng ta học được là do tiền nhân đúc kết, mà nhận thức của tiền nhân vừa không nhất định tuyệt đối chính xác, mà trong quá trình lưu truyền có thể bị người đời sau trong khi giải thích có thể tam sao thất bản. Do vậy, đem những tri thức đã có áp dụng vào trong thực tế đôi khi khiến người ta trở nên lúng túng.
Tri thức nên xem tựa đôi cánh, giúp chúng ta bay cao hơn chứ không nên trở thành một cái khung. Bất kể chúng ta có học được bao nhiêu kiến thức, đều không nên lấy đó làm lý do phủ nhận những gì mình nhìn thấy. Chúng ta trước tiên nên đối mặt với những gì chúng ta đã thấy, đã nghe, nghĩ đến, dùng tấm lòng khoáng đạt hơn nữa để dung nạp hết thảy, thấu hiểu đạo lý, như vậy đối với tri thức đã học mới có thể vận dụng thoải mái. Trong tâm có niềm tin, trước mắt cho dù có mây giăng vạn dặm, cũng sẽ không bị chúng phiền nhiễu…
Xin Sancai
Thanh Tùng biên dịch / Theo: Etviet