Saturday, July 9, 2022

BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ CỦA LÃO TỬ: CHỈ CẦN LOẠI BỎ "LỤC HẠI" VÀ "TAM HOẠN"

Chắc hẳn rằng khi nhắc đến Lão Tử, thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến những đạo lý làm người mà ông từng giảng, đặc biệt là những lời khuyên răn con người phải biết tu tâm dưỡng thân, để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông cho rằng, muốn có một thân thể khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi, thì cần phải có đôi chút kiến thức về tu dưỡng thân tâm.


Những điều căn bản nhất mà bạn sẽ bắt gặp ngay từ ngày đầu tìm hiểu, đó chính là “Lục hại”. Để loại bỏ sáu điều hại này, bạn cần phải:
  • Một là không màng danh lợi;
  • Hai là đoạn tuyệt thanh sắc;
  • Ba là coi nhẹ tài vật;
  • Bốn là loại đi những ích kỷ, tư lợi cá nhân;
  • Năm là không nói lời xu nịnh, a dua giả dối;
  • Sáu là không ghen tức, đố kị với người khác.
Có thể nói ai cũng biết những tai họa mà “lục hại” mang đến. Nhưng để trừ bỏ chúng lại không hề đơn giản chút nào, nó không phải là điều mà người bình thường có thể làm được. Bạn đã từng nghe ca khúc Hảo Liễu Ca trong Hồng Lâu Mộng chưa? Đây là một ca khúc rất đặc biệt, cảm hóa lòng người, giúp người ta biết cách tu thân dưỡng tính, để có được một thân thể khỏe mạnh, sống trường thọ (xem ở cuối bài). Tuy nhiên rất ít người có thể làm được, cũng bởi người ta không thể nào tĩnh lặng những công danh lợi lộc, vinh hoa phú quý, tiền tài mỹ nữ được bày ngay trước mắt. Cũng chính vì lẽ đó, mà lao tâm khổ tứ, hao mòn tinh lực.

Người ta khi còn trẻ thường mải mê kiếm tiền mà không để ý đến sức khỏe của mình. Đến lúc giàu có, sung túc rồi mới bắt đầu lo nghĩ: “Làm sao để được kéo dài cuộc sống đây? Ta còn chưa được hưởng thụ sau bao năm vất vả kia mà!”. Đó cũng là một trong những lý do vì sao mà từ xưa đến nay người giàu có, quyền quý đều muốn tìm được bí quyết trường thọ. Họ dồn hết tâm huyết vào việc tìm kiếm linh đan diệu dược để có thể trường sinh bất lão; nhưng kết quả cũng chỉ như dã tràng xây cát, mò kim đáy bể, mò trăng dưới nước mà thôi.

Thực ra, bạn không cần phải đi đâu xa để tìm “bí quyết trường thọ” cả. Bạn chỉ cần chú ý hơn đến tư tưởng, hành vi của mình trong cuộc sống hằng ngày, và sẵn sàng vứt bỏ những điều không tốt, cải tà quy chính là được.


Ngoài Lão Tử bàn về “Lục hại” còn có người đúc kết ra “tam hoạn”:

Một là tham ăn biếng làm, ưa dùng xe chứ không đi bộ, luôn thụ động “há miệng chờ sung”, dần dần bạn sẽ trở nên ù lì, cơ thể không còn linh hoạt. Người như vậy, có thể sống trường thọ chăng?

Hai là ăn chơi sa đọa. Chỉ cần có chút tiền liền tụ tập ăn chơi, rượu chè be bét, suốt ngày say xỉn. Nhưng mấy ai ngờ được “Rượu chính là độc dược, sắc lại là dao róc xương”. Người xưa có câu “Đại túy tất sinh đại hại”, “Đại túy nhập phòng khí kiệt can thương” (sau khi uống say người ta dễ gây tai họa, uống quá nhiều rượu sẽ khiến gan bị tổn thương). Đam mê tửu sắc, coi rượu như mạng sống, người như vậy sao có thể trường thọ đây?

Ba là quá hủ hóa. Có chút uy quyền liền ức hiếp dân lành, ra tay vơ vét của dân, tham ô vô độ, xài tiền như nước, đam mê tửu sắc, phóng túng dục vọng; người như vậy cũng có thể mơ tưởng đến trường thọ?

Dường như “lục hại” mà Lão Tử nói và “tam hoạn” mà người đời thường nhắc đến đều là cùng một mục đích. Ngoài ra, ông cũng luận bàn rất rõ ràng giúp cho người xưa thu được lợi ích không nhỏ. Ông nói: “thể dục trường lao, lao vật quá cực, bão vật quá bán” (dục vọng bản thân trong một thời gian dài sẽ gây lao lực, chớ để “lao lực” ấy lên đến cực điểm, đừng nên ăn no quá một nửa). Chẳng phải con người hiện đại cũng đã hiểu rất rõ đạo lý này sao?

Không chỉ vậy, ông còn nói: “Tảo khởi vật tại kê minh chi tiền, vãn khởi bất tại nhật xuất chi hậu, tâm nội trừng tắc chân thần thủ kỳ vị, khí nhi định tắc tà vật kỳ thân” (chớ dậy sau tiếng gà gáy ban sáng, không dậy trễ hơn lúc mặt trời mọc, người có nội tâm “trong sáng” ắt được Chân Thần trông coi, con người ngay chính, lễ độ thì tà ma phải tránh xa). Đó chẳng phải cũng là bài học giáo huấn cho con người ngày nay hay sao?


Bài thơ Hảo Liễu Ca do một đạo sĩ hát trong hồi 1 của Hồng lâu mộng, bản dịch của Thi Viện:

Hảo liễu ca - Tào Tuyết Cần

Thế nhân đô hiểu thần tiên hảo,
Duy hữu công danh vong bất liễu!
Cổ kim tướng tương tại hà phương:
Hoang trũng nhất đồi thảo một liễu.

Thế nhân đô hiểu thần tiên hảo,
Chỉ hữu kim ngân vong bất liễu!
Chung triêu chỉ hận tụ vô đa,
Cập đáo đa thì nhãn bế liễu.

Thế nhân đô hiểu thần tiên hảo,
Chỉ hữu giảo thê vong bất liễu!
Quân sinh nhật nhật thuyết ân tình,
Quân tử hựu tuỳ nhân khứ liễu.

Thế nhân đô hiểu thần tiên hảo,
Chỉ hữu nhi tôn vong bất liễu!
Si tâm phụ mẫu cổ lai đa,
Hiếu thuận tử tôn thuỳ kiến liễu?

好了歌 - 曹雪芹

世人都曉神仙好,
惟有功名忘不了!
古今將相在何方:
荒塚一堆草沒了。

世人都曉神仙好,
只有金銀忘不了!
終朝只恨聚無多,
及到多時眼閉了。

世人都曉神仙好,
只有姣妻忘不了!
君生日日說恩情,
君死又隨人去了。

世人都曉神仙好,
只有兒孫忘不了!
癡心父母古來多,
孝順子孫誰見了?


Bài hát "Hảo Liễu" - (Dịch thơ: nhóm Vũ Bội Hoàng)

Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Người đời đều cho thần tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy,
Đến lúc dầy rồi nhắm mắt ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!
Muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây!

Thanh Thanh biên dịch / Theo: ĐKN