Khi chín trái tự rụng xuống chứ không cần hái, người dân mang trái về để vài hôm cho chín hẳn rồi dùng vật cứng đập nhẹ là vỏ tự nứt ra. Ba cách làm dưới đây sẽ giúp cơm quách phát huy tác dụng độc đáo của nó trong ẩm thực:
Quách ghém cùng mắm
Mắm cá sặc, cá chốt hay cá trẽn trộn đường tỏi, ớt là loại thức chấm hấp dẫn được dùng với các loại rau sống như xà lách, cải thảo, bông súng... kèm thêm vài lát khế chua hoặc chuối chát để đậm vị. Thêm vào đó, người ta còn nạo cơm quách ra làm nhân cuốn chung trong rau và chấm mắm.
Vị nồng của mắm hòa cùng vị chua ngọt của từng miếng cơm quách đặc sệt. Cái giòn giòn của lát khế chua, mùi thơm của những cọng rau tươi thấm dần qua đầu lưỡi. Trái quách khi ăn không làm thực khách ngán vì không béo, lại có vị chua thanh, rất thích hợp để đổi vị cho bữa cơm hàng ngày.
Cơm quách ăn như rau sống khi kèm với mắm. Ảnh: nguoidothi
Quách dầm sinh tố
Dùng quách dầm sinh tố có thể nói là rất mới lạ đối với nhiều người phương xa, nhưng riêng tại Trà Vinh thì khá phổ biến. Món nước này được ưa dùng vào những ngày hè nóng bức, giúp giải nhiệt rất tốt.
Dùng muỗng múc ruột quách cho vào ly, thêm đường, sữa cùng nước đá, ta sẽ có một thứ nước giải khát lạ miệng. Nếm thử một muỗng quách, mùi thơm lập tức phảng phất lên cánh mũi, vị chua thanh làm vị giác tê mê. Đường ngọt và sữa béo hòa vào nhau trong từng miếng quách sền sệt trông như kem tươi thơm béo.
Một ly sinh tố quách giúp giải nhiệt rất hữu hiệu. Ảnh: Hữu Tưởng
Rượu quách
Hầu như nhà nào trồng quách cũng sở hữu vài ba chai rượu trong nhà để thết đãi khách hoặc dùng thường xuyên giúp cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng, dễ tiêu. Muốn có rượu thuốc này, người ta dùng muỗng cạo lấy cơm trái quách ngâm trong hũ rượu nếp hoặc rượu gạo. Để rượu ngon hơn, người ta bổ trái ra làm vài ba mảnh ngâm rượu. Nhưng theo một số người thì đục vài lỗ trên trái bỏ ngâm sẽ giúp nước rượu trong hơn hai cách làm trên.
Lan Thoa
VnExpress Du lịch