Monday, July 18, 2022

VÌ SAO MỘT SỐ CON VẬT BẰNG MỌI GIÁ LAO ĐẦU VÀO CHỖ CHẾT?

Chó, cá voi, ngựa, và các loài động vật khác có cố ý tự kết thúc đời mình không?

Chó chắc chắn là loài động vật có nhiều cảm xúc. Ành: DOMINIK QN/CC BY 2.0

Hồi 1845, một câu chuyện khá kỳ quặc xuất hiện trên Illustrated London News.

Tin tức nói rằng một chú chó mực, được mô tả là "thân thiện, đẹp, đáng giá", đã "tự quăng mình xuống nước", có vẻ như cố ý tự vẫn. Chân cẳng nó rơi vào trạng thái "hoàn toàn bất động" - điều vô cùng bất thường đối với một con chó khi ở dưới sông.

Thậm chí còn lạ lùng hơn nữa là sau khi được vớt lên, nó "lại quăng mình xuống nước và cố tìm cách chìm nghỉm lần nữa..."

Rốt cuộc, chú chó đẹp đẽ này đã thành công trong nỗ lực tự vẫn, và rồi đã chết.

Theo báo chí thời Nữ hoàng Victoria, chú chó này không phải là con vật duy nhất tìm cách tự kết liễu đời mình. Ngay sau đó, đã có hai trường hợp khác xuất hiện trên báo chí: một con vịt cố tình chết đuối, và một con mèo tự treo mình trên cành cây sau khi các con con của nó chết.

Thế nhưng sự thật về các vụ này là gì?

Chúng ta biết rằng động vật có thể bị các vấn đề về sức khỏe tâm lý giống như con người: chúng cũng cảm thấy bị căng thẳng, bị trầm cảm, là các yếu tố góp phần dẫn đến hành động tự vẫn ở con người.

Chúng ta cũng biết rằng các cách hành xử từng được cho là đặc biệt, chỉ có ở con người thì tới nay cũng đã được tìm thấy ở các loài động vật khác.

Một số con chó nhanh chóng chết sau khi chủ nhân chúng qua đời
NGUỒN HÌNH ẢNH,ALFLO/NATUREPL.COM

Thế nhưng trong số các cách hành xử đó, có hành vi tự vẫn không? Các con vật có thực sự có ý thức tìm cách tự tử không?

Đây không phải là một câu hỏi mới: người Hy Lạp cổ đại đã từng trăn trở về điều này. Hồi hơn 2000 năm về trước, Aristotle nói về một con ngựa giống đã tự gieo mình xuống vực sau khi mọi sự hóa ra là, giống như Oedipus, nó đã giao phối với mẹ ruột của mình mà không biết.

Hồi thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, học giả người Hy Lạp Claudius Aelian đã viết nguyên một cuốn sách về đề tài này. Ông nhắc tới 21 vụ rõ ràng là các vụ tự tử ở động vật, trong đó có vụ một con cá heo cố tình để cho bị bắt, hay một số con chó nhịn đói đến chết sau khi chủ nhân chúng qua đời, và một con đại bàng "tự hy sinh đời mình bằng cách lao vào dàn lửa đang thiêu xác chủ nhân đã quá cố của nó".

Cũng giống như "chú chó đẹp đẽ" đã chết đuối, ý tưởng về việc các con vật tự tử vẫn là một chủ đề được nhiều người quan tâm trong thế kỷ thứ 19, thời Victoria ở Anh.

Có một nhà tâm lý học, William Laude Lindsay, đã gọi hiện tượng động vật tự hủy hoại mình này là "tự vẫn do u sầu", mô tả việc làm thế nào chúng có thể "cố tình đưa bản thân vào tình thế tức giận điên cuồng hoặc tuyệt vọng" trước khi tự tử.

Vào thời điểm đó, các ý tưởng này đã được các nhóm bảo vệ động vật đón nhận, chẳng hạn như Hiệp hội Hoàng gia Ngăn chặn Hành vi Tàn nhẫn với Động vật của Anh (RSPCA).

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật dựa vào những cảm xúc của động vật đã được nhân cách hoá, theo giải thích của Duncan Wilson từ Đại học Manchester, Anh quốc, người đã nghiên cứu các vụ từng diễn ra để tìm hiểu về tình trạng các con vật tự tử trong một nghiên cứu hồi 2014.

Họ làm vậy, ông nói, để cho thấy động vật "chia sẻ cảm xúc, trong đó gồm cả việc tự vẫn khi quá đau buồn hoặc giận dữ."

Chẳng hạn như trong ấn bản Thế giới Động vật in hồi 1875 của RSPCA, bìa cuốn tạp chí vẽ hình một con hươu đực nhảy tìm cái chết. Bài xã luận đi kèm nói rằng "một con hưu đực hoang, thay vì để bị những kẻ săn đuổi bắt được, đã nhảy vào miệng kẻ thù để tìm tới cái chết đau đớn."

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y khoa trong thế kỷ 20, thái độ của con người đối với việc tự tử trở nên thận trọng hơn, và những kiểu 'mô tả bi hùng' về chuyện động vật tự tử bắt đầu ít đi.

Thay vào đó, sự tập trung được chuyển sang khía cạnh hành vi tự tử ảnh hưởng ra sao tới đám đông dân chúng, thường là hậu quả của áp lực xã hội, theo Wilson. Việc tự vẫn trở nên mang tính tệ nạn xã hội nhiều hơn. Chẳng hạn như các con chuột lemming rõ ràng đã cố tình đi tới vách đá dựng đứng rồi thả mình xuống, hay những vụ cá voi mắc cạn.

Bất chấp những giai thoai, chuột lemming không tìm cách tự vẫn hay cố ý gây đau đớn cho bản thân khi nhảy xuống từ các vách đá. NGUỒN HÌNH ẢNH,BENOITB/ISTOCK

Nhưng Wilson không đi tìm câu trả lời về việc liệu động vật có thực sự muốn tự vẫn hay không. Thay vào đó, nghiên cứu của ông nhằm cho thấy rằng sự thay đổi trong thái độ đối với hành vi tự vẫn ở con người được phản ánh trong những câu chuyện của chúng ta về động vật.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu khác muốn tìm câu trả lời trực tiếp.

Không nên để những câu chuyện như vậy đánh lừa chúng ta, theo Antonio Preti, nhà tâm lý học tại Đại học Cagliari ở Italy, người đã nghiên cứu về hành vi tự vẫn ở động vật.

Ông đã rà soát khoảng 1.000 công trình nghiên cứu được công bố trong thời gian hơn 40 năm, và không thấy có bằng chứng nào về việc một con vật nào đó cố tình tự vẫn trong đời sống tự nhiên. Các trường hợp như được ghi nhận trong cuốn sách của Aelian là "những chuyện ngụ ngôn của con người", ông nói.

Các nhà nghiên cứu nay biết rằng những cái chết hàng loạt của chuột lemming là hậu quả đáng tiếc của việc có quá nhiều con di cư cùng lúc với nhau.

Trong trường hợp một thú nuôi chết sau khi chủ nó qua đời, điều này có thể giải thích bằng sự gián đoạn mối liên hệ xã hội, theo Preti. Con vật không có chủ ý là sẽ chết, thay vào đó, nó đã quá quen với chủ nhân và không còn chấp nhận ăn những gì người khác không phải là chủ nó cho ăn.

"Việc cho rằng nó tự vẫn giống như con người sau khi vợ hay chồng qua đời chỉ là điều phỏng đoán, diễn giải [một cách lãng mạn] của con người."

Các con vật trong đời sống tự nhiên biết cảm thấy sợ hãi trước những kẻ ăn thịt mình. NGUỒN HÌNH ẢNH,ANUP SHAH/NATUREPL.COM

Ví dụ này cho thấy một thực tế quan trọng. Tâm trạng stress có thể làm thay đổi cách ứng xử của một con vật theo cách có thể đe doạ tới tính mạng của nó.

Điều này từng xảy ra tại công viên hải dương SeaWorld của Tenerife hồi tháng Năm 2016.

Một video lan truyền trên mạng về một con cá kình vừa chào đời trong đời sống tự nhiên sau khi được đưa vào một trong các công viên thuộc SeaWorld có vẻ như đã lao mình vào thành bể cá trong khoảng 10 phút. Hàng chục bài báo dường như đã tường thuật câu chuyện là con cá tìm cách tự vẫn.

Chúng ta biết rằng cá kình hành xử rất khác khi bị nuôi nhốt so với khi sống trong thế giới tự nhiên, và điều đó khá là dễ hiểu khi một bể cá thì chỉ bằng một góc cực kỳ nhỏ so với đại dương mênh mông.

Những môi trường phi tự nhiên lâu nay được biết là gây stress cho các con cá kình bị bắt, khiến chúng lặp đi lặp lại các hành vi như cọ mình vào thành bể và nhe răng.

Điều quan trọng, theo Barbara King từ Đại học William & Mary tại Virginia, Hoa Kỳ, là cần phải hiểu mức độ biểu cảm của động vật có ý nghĩa nhiều ít tới mức nào. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu được lý do gì khiến chúng hành động theo hướng tự huỷ hoại bản thân.

"Theo kinh nghiệm của tôi thì đa số các trường hợp là do sự can thiệp của con người dưới hình thức này hay hình thức khác, có thể là do kết quả của nạn săn bắt trộm hay nhốt giữ," King, người từng viết chuyên sâu về tâm lý tức giận và hành vi tự vẫn ở động vật, nói.

Khỉ thường đau buồn khi bạn tình của nó chết. NGUỒN HÌNH ẢNH,BIN YANG

Nhiều loài động vật khác bị giữ trong những điều kiện gây chấn thương cũng trải qua những thứ tương tự như tâm trạng stress, rối loạn stress hậu chấn thương, và trầm cảm.

Tin tức nói một con gấu bị nuôi nhốt trong trại gấu ở Trung Quốc đã bóp chết con mình rồi sau đó tự vẫn. Chuyện này xảy ra sau một lần hút mật tàn bạo, điều vẫn thường xảy ra ở những nơi như Trung Quốc, nơi mà mật gấu được dùng làm thuốc trị bệnh.

Báo chí viết rằng gấu mẹ đã giết chết con mình và tự vẫn nhằm tránh phải chịu đựng them những năm tháng bị hành hạ dã man.

Đây là một ví dụ khác cho thấy cách hành xử không tự nhiên phát sinh từ tình trạng stress và bị nhốt trong các điều kiện cầm giữ phi tự nhiên trong thời gian dài. Nó cũng có thể coi như sự phản ứng của "một con vật tìm cách thoát khỏi cảnh tù đày," Preti nói.

Các loài động vật khác thường được nhắc tới như cố ý tự sát là tình trạng cá voi dạt vào bờ.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao các con cá voi lại bị dạt vào bờ. Có một ý được nêu lên là có một con trong đàn bị ốm muốn tìm chỗ an toàn ở khu vực nước nông. Bởi cá voi sống thành bầy đàn, nên những con khác cũng bơi theo và bị mắc cạn. Ý này được gọi là "giả thuyết về con đầu đàn bị bệnh". Nhưng điều này không được coi là tự vẫn.

Melissa Hogenboom
BBC Earth