Một lễ cúng tại sân Tiên Trưởng chùa Hiệp Minh.
Cách đây hơn trăm năm, khi đời sống cư dân vùng Phong Dinh, Cần Thơ còn thiếu thốn trăm bề, mỗi khi đau ốm người dân chỉ biết dựa vào những phương thuốc gia truyền, dùng cây cỏ chạy chữa. Kiến thức về y học, phòng và chữa bệnh gần như là con số không. Gặp chứng nan y, người ta thường hay tìm đến những sức mạnh thần bí, tâm linh để cầu sự bình an.
Sự thật thì cũng đã có rất nhiều trường hợp nhờ hiệu ứng của yếu tố tâm lý và đức tin vào tâm linh giúp cho nhiều người khỏi bệnh.
Người xưa kể lại, đã có những cảnh tượng hãi hùng trong một đêm hoảng loạn vì bệnh dịch tả hoành hành, người ta phải tất tả đốt đuốc chạy ngược xuôi, đánh mõ cầu cứu liên hồi, để cầu mong tìm được thuốc thang cứu người. Có khi mỗi buổi sáng, xóm làng thất thần nghe tin có đến hàng chục người chết.
Rạch Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Ngay ở khu vực quanh rạch Cái Khế, Cần Thơ và các vùng phụ cận, tuy là gần thị tứ nhưng phương tiện giao thông vô cùng trắc trở. Kênh mương chằng chịt, đường đất thì hoang vu, thiếu ánh sáng…
Những ngôi chùa ra đời vì nhu cầu tế độ
Chùa Minh Sư (hay còn gọi là Đức Tế Phật đường) tức Nam Nhã đường hiện nay tại làng Bình Thủy, thành phố Cần Thơ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, do Lão Thái Nguyễn Giác Duyên lập nên. Vị trụ trì chùa lúc đó là Pháp sư Kinh thường họp mặt một số thân hào nhân sĩ, trí thức giỏi chữ tìm thú vui thanh tao như đánh cờ, uống rượu, ngâm thơ, xướng họa và thỉnh tiên. Việc lập đàn cầu cơ thỉnh tiên chủ yếu là để dạy đạo và cho thuốc chữa bệnh, cứu người.
Ông Phạm Ngọc Ngưu người tại Long Xuyên thường hay lui tới các nơi tổ chức thỉnh tiên này tại Bình Thủy và tại Long Xuyên chủ yếu tìm hiểu về đàn cơ và nhất là xin thuốc chữa bệnh nan y cho người nhà. Đàn Cơ là một buổi lễ cầu cơ thỉnh Phật Tiên Thánh Thần giáng đàn qua hình thức cơ bút. Ông quyết định xây dựng một ngôi chùa của riêng mình để cho bà con dòng họ và người dân quanh vùng có nơi tu học và nhất là cầu xin thuốc chữa bệnh.
Cầu Nhị Kiều trên đường Trần Hưng Đạo, bắc qua rạch Cái Khế; trước đây được gọi là “Cầu Đôi Mới”.
Vào thời gian đó tại thị xã Cần Thơ chỉ mới có hai ngôi chùa thờ Phật là chùa Thới Long của gia đình điền chủ trí thức Lâm Văn Phận (thầy giáo Phận, thân phụ bà Lâm Thị Phấn, hình mẫu nhân vật chính của phim Người đẹp Tây Đô) sáng lập ở gần cầu Đôi Mới (tức cầu Nhị Kiều hiện nay) và chùa thứ hai là chùa Cây Bàng trong khu chợ Cả Đài.
Ban đầu, ông Phạm Ngọc Ngưu xây dựng một đàn tế để thỉnh Phật, thỉnh Tiên. Đàn có tên là chùa Quang Xuân, được xây dựng ngay sau khu vườn nhà của ông ở số 89/16 đường Paul Emery nay là đường Huỳnh Thúc Kháng. Đàn được xây dựng đơn sơ bằng cây ván, lợp lá với sàn gỗ cao, có thang lên xuống hai bên. Kiến trúc đàn tế thời kỳ đó tuy giản đơn, mộc mạc nhưng tôn nghiêm, thanh tịnh, chủ yếu là để tổ chức đàn cơ thỉnh Phật, thỉnh Tiên.
Tháp nhốt quỷ bên phải chánh điện chùa Hiệp Minh. Truyền thuyết xưa kể rằng, trong vùng có người bị quỷ nhập, vị pháp sư dùng roi dâu để trục quỷ ra khỏi người bệnh. Quỷ lại tìm đến nhập vào người khác cũng ở trong vùng, vị pháp sư dùng ấn chú bắt và nhốt vào ngôi tháp trong sân chùa để ngày ngày quỷ nghe kinh Phật mà tu niệm.
Đàn cơ đầu tiên được tổ chức vào đêm mồng Một tháng Bảy năm Đinh Mùi (1907).
Theo năm tháng, chùa được tu bổ và tôn tạo dần vào các năm 1910 và 1930 với tường gạch, mái ngói, nền gạch bông thoáng mát rộng rãi. Chùa Quang Xuân chính là cội nguồn của đàn Tiên ở Cần Thơ.
Trong vùng có ông Phan Thông Lý, thường gọi là ông Cả Lý, cũng sống tại ven bờ rạch Cái Khế thuộc làng Thới Bình, Cần Thơ là người bên vợ của ông Phạm Ngọc Ngưu. Ông Cả Lý có người con út tên là Phan Thông Sung (Chín Sung) mắc bệnh á khẩu cứng hàm trầm trọng. Trong thời kỳ đó, bệnh như thế này là hết phương cứu chữa cho dù gia đình đã tìm thầy, chạy thuốc khắp nơi. Trong hoàn cảnh cùng kiệt đó, có người láng giềng đến mách bảo với ông bà Cả Lý nên đến chùa Quang Xuân cầu đàn xin thuốc chữa bệnh cho con. Nghe vậy, ông bà liền đến chùa Quang Xuân xin sám hối và tâm thành khẩn cầu tổ chức đàn cơ để xin thuốc. Ơn trên đã không phụ lòng thành của ông bà, ban thuốc chữa bệnh, ông Chín Sung dần khỏi bệnh.
Nhà ông bà Cả Lý tạ ơn trên bằng việc hiến cúng 6.000 mét vuông đất để cất thêm một ngôi chùa mới cho chính dòng họ mình, đó là chùa Chánh Minh. Phần đất này, mặt sau giáp ranh chùa Quang Xuân, cách con mương chưa đầy 3 mét, nhưng phía mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng thì cách nhau đến 200 mét.
Giữa năm Tân Hợi (1911) chùa Chánh Minh được dựng đơn sơ bằng cây ván, lợp lá, sàn gỗ cao, có thang lên xuống. Mãi đến năm 1916, chùa Chánh Minh mới được xây dựng trên phần đất hiến của ông Cả Lý theo đơn xin phép xây đàn và xin phép cúng đề ngày 8 tháng 8 nằm 1916 bởi quan tổng Định Bảo và tỉnh Cần Thơ thông qua hội đồng hương chức làng Thới Bình.
Hậu liêu và sân sau chùa Hiệp Minh.
Về sau, chùa Chánh Minh được đổi tên là chùa Hiệp Minh và được xây dựng lại năm 1932 bằng vật liệu kiên cố và được tôn tạo vào các năm 1942, 2003, 2009… Chùa Hiệp Minh hay đàn tiên Cái Khế là cái nhánh sinh ra từ chùa gốc là chùa Quang Xuân.
Bài viết này nói về chùa Hiệp Minh trong cụm chùa gọi là Đàn Tiên (gồm chùa Quang Xuân và chùa Hiệp Minh) vì chùa Hiệp Minh là nơi duy nhất còn lưu giữ nguyên vẹn gốc tích Tiên đàn. Chùa Hiệp Minh ở địa chỉ số 97 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, thành phố Cần Thơ. Chùa Đàn Tiên, vườn Thầy Cầu, chợ Tham Tướng, dinh Ông Lớn… là các địa chỉ cùng thời với tên các con đường xưa mang tên Hàng Dừa, Hàng Dương, Hàng Bã Đậu…
Rạch Cái Khế và dãy nhà ven bờ rạch quay mặt vào đường Cống Quỳnh xưa, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, nơi họp chợ Mít Nài.
Chợ Mít Nài có bán nhiều loại rau vườn (rau tạp tàng), cá đồng (cá tép đánh bắt tự nhiên) và các loại cây lá thuốc trị bệnh.
Trái mít nài khi chín, rụng, rơi xuống đất. Hột mít văng ra sẽ ngon hơn khi còn trên cây và được dùng để nấu các món ăn truyền thống.
Con đường Huỳnh Thúc Kháng hay chợ An Nghiệp ngày nay, vốn xưa kia là đường Cống Quỳnh với chợ Mít Nài. Cái tên Mít Nài được gọi đến nay do vùng này ngày xưa có trồng rất nhiều cây mít nài. Cây mít nài cao, to như cây sa kê. Trái thì trông giống trái mít nghệ hay mít tố nữ nhưng bên trong không có múi mít, chỉ toàn là hột. Hột mít nài béo, ngon hơn hột mít thường. Nhưng muốn ăn hột mít nài, người ta phải chờ cho đến khi trái mít nài chín, nó tự rụng xuống, hột văng ra. Lúc đó hột mít nài mới thật sự ngon. Vì vậy mà ngày xưa người vùng này trồng nhiều mít nài và dùng hạt mít nài để nấu các món ăn như ragu, bò kho…
Lâm văn Sơn / Theo: TBKTSG online