Wednesday, July 13, 2022

QUẢ CHUÔNG NẶNG 9 TẤN, GẦN 100 NĂM CHƯA MỘT LẦN ĐƯỢC ĐÁNH TẠI CHỦA CỔ LỄ

Quả chuông vĩ đại trên được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936 tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định). Do số phận đặc biệt của mình mà trong gần một thế kỷ tồn tại, chuông chùa Cổ Lễ chưa được đánh một lần nào.


Theo truyền thuyết dân gian và tài liệu lịch sử, chùa Cổ Lễ (TT. Cổ Lễ, H.Trực Ninh, tỉnh Nam Định) được xây dựng từ thế kỷ 12 dưới thời vua Lý Thần Tông, thờ Phật và Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không.

Chùa Cổ Lễ từ xa.

Chùa Cổ Lễ trước đây có kiến trúc bằng gỗ, trải qua thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902, Sư tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì và tiến hành tái thiết chùa với lối kiến trúc mới. Bắt đầu từ đây, chùa Cổ Lễ được biết đến là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với quần thể kiến trúc độc đáo có một không hai ở Việt Nam. Trên diện tích rộng 9 mẫu, các tòa tháp, cung, điện, được thiết kế theo lối: tiền Phật, hậu Thánh. Trong đó, điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng của chùa Cổ Lễ chính là tòa tháp cổ Cửu Phẩm Liên Hoa được dựng trước lối vào chùa. Tháp cao 32 m với 64 bậc, xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, được xây dựng hoàn toàn bằng các vật liệu cổ truyền như vôi, gạch, cát, mật... Tháp có tiết diện hình bát giác với nhiều nét kiến trúc độc đáo.

Tháp Cửu Phẩm Liên hoa.

Từ tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, bước qua cây cầu cuốn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể chùa Cổ Lễ độc đáo với sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với lối kiến trúc Gô tích, được cấu tạo theo thế cửu trùng - gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối và đều được xây dựng bằng vật liệu vôi, cát và mật.

Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn có mặt cầu lát gạch đất nung. Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001 với tượng Phật Quan Âm nghìn tay. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ, bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Quả chuông nặng 9 tấn nằm giữa hồ nước, chưa một lần được thỉnh

Đại Hồng Chung nặng 9000kg được ngâm dưới hồ trong khuôn viên chùa Cổ Lễ từ năm 1936 đến nay

Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn, giữa hồ có một quả chuông nặng 9 tấn. Quả chuông này được gọi là Đại Hồng Chung, do Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936, là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. 


Các cụ cao niên trong làng Cổ Lễ kể lại, xưa, nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc chuông tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó với mong ước được góp một phần nhỏ bé tâm nguyện nơi cửa phật để cầu bình an. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá giữa hồ, cho du khách tham quan từ đó đến nay.


Suốt từ đó, quả chuông nặng 9 tấn này chưa được đánh một lần nào. Nhưng dân gian trong vùng vẫn truyền miệng rằng nếu Đại Hồng Chung được đánh thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân vang của quả chuông “độc nhất vô nhị” này.

Ngọc Trân / Theo: phatgiao.org