Tục ngữ nói: “Ba loại hàng xóm chớ nên thân, ba loại người thân chớ nên nhận" (ảnh: Aboluowang)
Khổng Tử từng nói: “Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu. Hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hĩ. Hữu tiện tích, hữu thiện nhu, hữu tiện nịnh, tổn hĩ.” Ý nói có ba loại bạn tốt và ba loại bạn xấu. Bạn tốt là những người có lòng chính trực, người sống vị tha độ lượng, người học rộng, biết nhiều, bạn như vậy thân cận tất sẽ có lợi. Còn loại người giả dối, nịnh bợ và xảo ngôn là bạn xấu, gần gũi ắt có hại.
Đó là lời dạy của Khổng Phu Tử về sự cẩn trọng trong việc chọn bạn để kết giao. Vậy còn các mối quan hệ khác như hàng xóm, họ hàng thân thích thì chúng ta nên đối đãi như thế nào?
Cổ nhân dạy, có ba loại hàng xóm không nên thân, ba loại họ hàng không nên gần. Vậy ba loại hàng xóm không nên thân là gì?
Người hàng xóm sống hai mặt
“Tôi kể cho bạn nghe một chuyện quan trọng, bạn đừng kể với ai nhé!”
“Bạn còn không hiểu tính tôi sao? Cứ kể đi, mình không nói với ai đâu!”
Những câu nói như thế này chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua. Thường nghe nhất là từ là mấy cô, mấy dì, mấy bà hàng xóm, hay ngồi túm tụm lại với nhau để buôn chuyện. Họ nói từ chuyện xấu đến chuyện tốt trong nhà, từ chuyện nhà này qua nhà khác. Nói không biết mệt.
Không ai nói xấu sau lưng kẻ khác, thì không ai bị nói xấu (ảnh: Deedayfasion)
Thực ra việc tán gẫu với nhau vốn không có gì đáng trách. Cổ nhân có câu nói rất hay: “Không ai nói xấu sau lưng kẻ khác, thì không ai bị nói xấu”.
Nhưng có những người bề ngoài thì tỏ ra một đằng, trong lòng lại nghĩ một nẻo. Trước mặt người ta thì nói tốt về họ, nhưng sau lưng lại đi nói xấu, thị phi đủ thứ. Vậy thì đâu còn đơn thuần là tán gẫu tầm phào nữa, mà chính là biểu hiện của đạo đức thấp kém rồi. Gặp phải hàng xóm hai mặt như vậy, tốt nhất là nên giữ khoảng cách.
Người hàng xóm chỉ muốn được mà không muốn mất
Tục ngữ có câu: “Anh em xa không bằng láng giềng gần”.
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc gặp khó khăn cần giúp đỡ. Hàng xóm, láng giềng sống cùng nhau lâu dài, ngày ngày đều thấy nhau, khi gặp khó khăn tự nhiên sẽ giúp đỡ lẫn nhau.
Nhưng cũng có loại hàng xóm thường sống ích kỷ. Khi họ có việc muốn bạn giúp, không cần biết là hoàn cảnh bạn đang như thế thế nào, có thể giúp được họ hay không. Họ đều không ngại mở miệng nhờ vả. Nếu bạn không giúp, có thể họ sẽ tức giận với bạn, ngay cả khi bạn đã cố gắng hết sức để giúp đỡ thì họ cũng chẳng hề cảm kích, hay cám ơn bạn được một lời. Tới khi gia đình bạn có chuyện, muốn nhờ họ một chút, họ lại đưa ra cả đống lý do để từ chối, thậm chí là giữ khoảng cách với bạn.
Đối mặt với loại người này, chúng ta nên lý trí bảo vệ bản thân một chút, không nên chuốc khổ vào thân.
Người hàng xóm lòng dạ hẹp hòi
Đây là loại người nhỏ nhen, ích kỷ. Họ luôn ghi thù từ những chuyện nhỏ nhặt, dù cho thời gian đã trôi qua thật lâu, thì họ vẫn ôm giữ mối hận trong lòng. Hàng xóm như vậy thì nên tránh xa, bởi vì trong mắt họ chỉ có lỗi lầm của người khác, và luôn kiếm cớ bắt bẻ mọi người.
Hàng xóm sống gần nhau, không tránh khỏi những xích mích, hiểu lầm nhỏ nhặt (ảnh: Instanews)
Hàng xóm láng giềng chung sống gần nhau, không tránh khỏi những xích mích, hiểu lầm nhỏ nhặt. Đối với người độ lượng, thì mọi chuyện rồi cũng có thể nhẹ nhàng hóa giải, sau đó tình làng nghĩa xóm lại hòa thuận như xưa. Nhưng đối với người lòng dạ hẹp hòi thì chỉ làm cho mọi thứ càng tệ hơn, căng thẳng hơn, và cuối cùng là trở mặt không còn tình nghĩa gì.
Vậy thế nào là ba loại người thân không kết giao?
Người có vay mà không có trả
Cổ ngữ nói: “Máu mủ tình thâm”, người thân như máu mủ ruột già. Người thân với nhau, giúp đỡ lẫn nhau là chuyện thường tình; nhưng cũng cần có giới hạn, giúp những việc chính đáng, giúp người trong lúc khẩn cấp chứ không thể giúp lâu dài. Đặc biệt trong chuyện vay mượn tiền bạc, tốt nhất nên thận trọng.
Có nhiều người, thấy bạn làm ăn phát tài, liền tìm tới nhận họ hàng thân thích. Lúc đầu vì để mượn tiền hoặc muốn được bạn giúp đỡ; họ sẽ tỏ ra rất biết điều, nói gì nghe nấy, tươi cười đon đả với bạn. Nhưng khi mượn được tiền rồi, họ sẽ trở mặt không thèm nhận người thân, cũng không nhắc tới chuyện trả nợ. Nếu bạn muốn đòi nợ, họ sẽ cho rằng bạn khinh thường họ, là đồ con cháu bất hiếu.
Có người họ hàng như vậy, tốt nhất nên hạn chế qua lại, tránh rước phiền phức vào thân.
Người lười biếng
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Không sợ người thiếu năng lực, chỉ sợ người thiếu nghị lực. Một người mà ham ăn lười làm, suốt ngày chỉ biết oán trời trách đất, không có chút chí tiến thủ nào, thì nên tránh càng xa càng tốt. Bởi vì họ thường mang theo những năng lượng tiêu cực, và làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
Người hám lợi, quý giàu khinh nghèo
Người xưa thường nói: “Cùng tại nháo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân.” Ý nói người nghèo dẫu ở phố xá đông người cũng không ai thèm hỏi thăm; người giàu thì ở trên núi vẫn có người tới nhận họ hàng xa.
Khi bạn giàu có, thì nào là cậu ba, cô bảy, dì tám, thậm chí những họ hàng xa tít mấy đời cũng sẽ tìm đến bạn để nhận người thân. Nhưng khi bạn nghèo, dẫu bạn chủ động đến thăm họ, chưa chắc họ đã thèm đếm xỉa tới bạn.
Trên thực tế, dù là quan hệ hàng xóm hay họ hàng, chúng ta cũng nên thật lòng đối đãi với nhau. Hãy cố gắng nhìn vào điểm tốt của người khác và học cách sống bao dung hơn. Có như vậy mới có thể chung sống hòa thuận.
Nếu gặp phải sáu loại người trên, chúng ta hãy nhớ lời dạy của cổ nhân, tốt nhất nên giữ khoảng cách, tránh chiêu mời những phiền phức không đáng có.
Chân Mỹ / Theo: Aboluowang
Link tham khảo: