Trong “Khổng Tử gia ngữ” có một điển cố như sau: Một lần, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Nghe nói mở rộng dinh thự về phía đông sẽ không tốt, có thật vậy không?
Khổng Tử trả lời rằng: “Thiên hạ có năm việc chẳng lành, nhưng việc ‘mở rộng nhà về phía đông’ không phải là một trong số đó”.
Năm điều chẳng lành đó là gì?
Khổng Tử nói: “Tổn nhân nhi tự ích, thân chi bất tường dã; khí lão nhi thủ ấu, gia chi bất tường dã; thích hiền nhi dụng bất tiêu, quốc chi bất tường dã; lão giả bất kính, ấu giả bất học, tục chi bất tường dã; thánh nhân phục nặc, ngu giả thiện quyền, thiên hạ bất tường dã”.
Thứ nhất: Tổn nhân nhi tự ích, thân chi bất tường dã. (損人而自益, 身之不祥也 - Làm tổn hại người để lợi ích cho mình, đó là chuyện chẳng lành của bản thân)
Ý nghĩa là làm gây tổn hại cho người khác để lấy lợi cho bản thân, sẽ mang lại điều xui xẻo cho chính mình.
Thứ hai: Khí lão nhi thủ ấu, gia chi bất tường dã. (棄老而取幼, 家之不祥也 - Ruồng bỏ người già và chỉ chăm sóc nuông chiều trẻ con, đó là chuyện chẳng lành của gia đình)
Ý nghĩa là gia đình nào bỏ mặc người già, chỉ quan tâm đến con trẻ là điều đáng lo ngại của gia đình đó.
Tại sao nó đáng ngại? Có người ví mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái như một cái cây lớn, quả của cây này là con, thân cây là cha mẹ của con, gốc cây là ông bà của con v.v. Muốn cây sai trái xum xuê thì phải tưới nước và chất dinh dưỡng vào lên gốc rễ của cây.
Nhưng ngày nay, hầu hết các bậc cha mẹ đều trực tiếp tưới nước và chất dinh dưỡng này lên trái cây, dẫn đến trái cây không thể tiếp nhận các chất dinh dưỡng này và bị thối. Đây chính là mấu chốt của những vấn đề trong giáo dục trẻ em hiện nay.
Tấm gương dạy dỗ của cha mẹ thông qua hành động có sức mạnh hơn nhiều lời nói. Người lớn ở nhà nói lời tử tế với cha mẹ, rất kính trọng cha mẹ, con trẻ nhìn thấy điều đó, và chúng sẽ tự nhiên làm theo mà người lớn không cần phải nói.
Thứ ba: Thích hiền nhi dụng bất tiếu, quốc chi bất tường dã. (釋賢而用不肖, 國之不祥也 - Ruồng bỏ người hiền lương, trọng dụng kẻ vô đức, đó là chuyện chẳng lành của quốc gia)
Ý nghĩa là một nước không trọng người hiền tài, chỉ bổ nhiệm kẻ xấu bất tài, chính là điều xui xẻo của quốc gia.
Thứ tư: Lão giả bất giáo, ấu giả bất học, tục chi bất tường dã. (老者不教, 幼者不學, 俗之不祥也 - Người già không muốn dạy bảo, trẻ con không muốn học tập, đó là chuyện chẳng lành của phong tục)
Ý nghĩa là người già trí tuệ không muốn dạy bảo, người trẻ không chịu học, đó là một phong tục đáng ngại.
Tại sao lại như vậy? Dựa vào kinh nghiệm phong phú của mình, những người lớn tuổi dạy cho con cháu những phong tục truyền thống tốt đẹp, để chúng học làm người tốt, đây là bài học bắt buộc đối với một gia đình. Nhưng hiện nay nhiều gia đình đã mất đi những điều này. Điều đó có nghĩa là gia phong, gia đạo tốt đẹp đang bị mất đi, điều đó thật đáng sợ.
Khổng Tử đã từng cảnh báo: “Thiếu nhi bất học, trường vô năng dã, lão nhi bất giáo, tử mạc chi tư dã”.
Ý nghĩa là: “Một người khi trẻ không học tập, lớn lên sẽ không có năng lực; người lớn không dạy bảo con trẻ, sau khi qua đời sẽ không ai tưởng nhớ”.
Giáo dục gia đình chủ yếu là dạy con cái cách làm người, một khi mất đi sự giáo dục đó thì tai họa sẽ không còn xa.Khổng Tử. (Epoch Times)
Thứ năm: Thánh nhân phục nặc, ngu giả thiện quyền, thiên hạ bất tường dã. (聖人伏匿, 愚者擅權, 天下不祥也 - Thánh nhân ẩn tích, kẻ ngu chuyên quyền, đó là chuyện chẳng lành của thiên hạ)
Ý nghĩa là khi người có tài và đức rút lui về, và kẻ ngu dốt và thiếu trí huệ, đức hạnh lên nắm quyền, đây là một điềm xấu trong thiên hạ.
Tại sao? Bởi vì người tài đức không được trọng dụng, không được quốc gia coi trọng, lời khuyên của họ không được tiếp nhận, nên họ sống ẩn dật và không ra làm quan. Nhưng những kẻ ngu ngốc nắm quyền lực và thao túng các vị trí. Đây chính là điều xui xẻo cho thiên hạ.
Theo: Lý Hiểu Mai - NTDTV
Minh An biên dịch