Wednesday, May 29, 2024

CỔ NHÂN DẠY "NHÂN SINH TỨ TAI", TRÁNH SỚM ĐỂ ĐƯỢC PHÚC BÁO

Cổ nhân từng nói: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu.” Điều này có nghĩa là họa và phúc là do chính con người tạo ra. Ban đầu, bạn có thể không gánh chịu bất kỳ tai họa nào, nhưng lại vì bất cẩn và không chú ý trong cách ứng xử, giao tiếp mà tự gây ra rắc rối cho bản thân mình. Do đó, người xưa nói về “nhân sinh tứ tai”, khi gặp rắc rối, đừng nghĩ rằng mình đã va phải điều gì xui xẻo, mà nên tự kiểm điểm xem liệu mình đã làm điều gì liên quan đến bốn tai họa hay không. Vậy bốn tai họa ở đây cụ thể là những việc gì?


1. Tai họa từ lời nói

Có câu thành ngữ “thị phi khẩu thiệt”, tức là nói tới việc dính dấp vào chuyện mồm lưỡi – đúng sai, ý chỉ tai họa bắt nguồn từ miệng mà ra. Người ta thường nói rằng người tốt tại miệng, miệng lành thì được hưởng lợi tứ phương. Tuy nhiên, một câu nói vô tình cũng có thể mang đến tai họa. Có những người cảm thấy bản thân có địa vị và quyền thế, cho rằng dù có nói sai điều gì đi chăng nữa, người khác cũng không dám làm gì mình.

Thời Tây Tấn có một vị hoàng đế tên là Tư Mã Diệu, chỉ vì buông lời đùa cợt với phi tần mà bị phi tần sát hại. Dẫu là hoàng đế cao quý thì cũng vì một câu nói đùa mà mất mạng. Còn có trường hợp như Dương Tu, tài năng xuất chúng nhưng không kiềm được miệng lưỡi mà bị Tào Tháo giết hại. Vì vậy, những người dân bình thường càng cần chú ý nhắc nhở bản thân, cẩn trọng lời nói và hành động thì mới có thể tránh được tai họa.

2. Tai họa từ sự kiêu ngạo

Sự kiêu ngạo không nhất thiết là chỉ những người có tính kiêu căng, mà bất kỳ ai không có lòng kính sợ đều rơi vào danh sách kiêu ngạo. Tất nhiên, những người thường xuyên phát ngôn kiêu căng, tự cho mình không sợ trời không sợ đất thường sẽ nhanh chóng gánh chịu hậu quả. Nhưng đôi khi, những người bình thường và chân thật cũng có thể rơi vào tai họa kiêu ngạo vì thiếu sự kính sợ. Hãy lấy một ví dụ đơn giản, các luật lệ giao thông được thiết lập để đảm bảo sự an toàn cho mọi người, chúng ta nên giữ sự kính sợ cần thiết đối với tính mạng của bản thân và người khác. Những người vượt đèn đỏ hoặc lái xe quá tốc độ do say rượu, cuối cùng gặp phải tai nạn chính là do họ không coi trọng và tuân thủ các quy tắc đặt ra.

3. Tai họa từ lòng tham

Có người nói rằng lòng tham là bản tính của con người, nhiều tội ác trong xã hội đều bắt nguồn từ lòng tham. Có người tham tiền, có người tham sắc, còn có người tham danh vọng và lợi ích, mọi tai họa đều xuất phát từ chữ “tham”. Những người tham lam thì dễ bị lừa, trong xã hội ngày nay có rất nhiều người gặp phải các hình thức lừa đảo điện thoại hoặc lừa đảo tài chính, đa số đều là do bị cám dỗ bởi lòng tham, không biết rằng mình đang là miếng mồi ngon của những kẻ lừa đảo.

4. Tai họa vô cớ

Tai họa vô cớ là gì? Nghĩa là gặp phải những tai nạn không lý do, chẳng hạn như bạn đang đi trên đường, bất ngờ có một viên gạch rơi từ trên tòa nhà cao và đập trúng đầu bạn, điều này gọi là tai họa vô cớ. Nhưng liệu tai họa vô cớ có thể tránh được không? Tất nhiên là có, bởi vì “họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”. Người xưa tin vào nhân quả báo ứng, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, hôm qua làm điều gian ác thì hôm nay phải chịu hậu quả. Vậy nên, muốn tránh tai họa vô cớ thì phải hành thiện tích đức, đắc được phúc báo, tránh xa tai họa.

Lan Chi biên dịch
Theo: vandieuhay