Wednesday, May 15, 2024

THIỆN NIỆM KHIẾN NGƯỜI TA QUẢNG ĐẠI, CÒN TƯ TÂM KHIẾN NGƯỜI TA NHỎ NHEN

Trong những mối quan hệ xã hội, nếu để ý kĩ, bạn sẽ nhận thấy có người tâm tình luôn luôn quảng đại, trong khi đó có một số người không thể như thế được. Có người hỏi rằng liệu tính cách của người ấy, giới tính, kinh nghiệm sống và học vấn của họ có mối liên hệ với sự quảng đại ấy không? Thực ra những nhân tố trên không liên hệ gì với sự quảng đại cả mà kì thực, một người quảng đại là có liên hệ đến thiện niệm hay tư tâm của người đó.

Thiện niệm khiến người ta quảng đại, còn tư tâm khiến người ta nhỏ nhen (nguồn ảnh: pixabay.com)

Thế nào là người lương thiện?

Nếu bạn là một người lương thiện, mặc dù bạn không có quyền hành, sự giàu có, hay danh tiếng, bạn vẫn có thể cho người khác rất nhiều điều. Nhưng nếu bạn là người ích kỷ và có tư tâm, mặc dù bạn có rất nhiều thứ, bạn vẫn không thể cho ai một thứ gì và luôn luôn giữ lấy của cải của mình. Cổ nhân có câu: “Tâm để vô tư thiên địa khoan, tư tâm điền hung thốn bộ nan” (Với một người vô tư, trời đất trở nên rộng rãi vô cùng; với một người ích kỷ, mỗi bước đi đều thật nặng nề).

Tính lương thiện bao gồm sự khoan dung và quảng đại. Nó bao gồm luôn luôn nghĩ đến người khác trước và vui vẻ khi người khác được hạnh phúc. Với người đại thiện vô tư, họ sẽ coi việc tạo phúc cho thiên hạ như là việc làm của họ vậy. Họ bao dung vạn sự vạn vật. Họ lấy khổ làm vui, đội trời đạp đất, tạo phúc cho thế gian, và để lại tiếng thơm muôn đời.

Người lương thiện lấy khổ làm vui, đội trời đạp đất, tạo phúc cho thế gian, và để lại tiếng thơm muôn đời. (ảnh: pixabay.com)

Khi người với lòng từ thiện thấy người khác đau khổ, họ cho phép người đó dùng mọi thứ mà họ có thể cho được. Họ càng quan tâm tới người khác, họ càng được nhiều hơn, và người khác càng gần gũi họ. Vì thế, đối với những người có lòng từ thiện, con đường trước mặt họ rộng lớn vô cùng và cuối cùng họ hoà tan vào cùng trời đất.

Biểu hiện của những người ích kỷ

Mục đích của người ích kỷ là chiếm lấy và cất giữ. Họ muốn đoạt những gì mà người khác có. Họ làm tổn hại đến người khác vì quyền lợi của bản thân mình. Họ đẩy những khó khăn của mình cho người khác, và lòng ham muốn của họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Niềm vui sướng của người ích kỷ chính là nỗi đau của người khác, và họ đau khổ khi mọi người vui sướng. Họ ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí cả trong giấc mơ họ cũng lo sợ bị mất quyền lợi, và tranh đấu trong cả giấc mơ của họ. Họ tự hào về những lợi lộc mà mình giành được, và đau khổ vì những mất mát nhỏ nhoi. Họ đau khổ cả tâm lẫn thân, và không còn nhìn thấy tương lai.

Người ích kỷ thường tự hào về những lợi lộc mà mình giành được, và đau khổ vì những mất mát nhỏ nhoi

Người ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Họ không thể cho ai một chút gì, và chỉ cố gắng chiếm lấy. Nhưng những việc đó làm cho chính họ bị mất mát. Con đường của họ càng trở nên hạn hẹp. Cuối cùng, họ mất tất cả.

Bạn đang lựa chọn điều gì cho cuộc sống của mình: Lương thiện hay là ích kỷ?

Người Trung Quốc có câu: “Lùi một bước biển rộng trời trong”. Bước lùi này chính là một trận chiến giữa tính đại lượng và lòng ích kỷ. Lòng từ thiện là lùi một bước, và tính ích kỷ là tiến một bước. Khi bạn lùi một bước, dường như là bạn bị mất đi cái gì đó, nhưng thực ra bạn đang nhường bước cho người khác, con đường của bạn sẽ trở nên thênh thang hơn, và vì thế bạn có cảm giác như trời đất bao la hơn xưa. Nếu bạn tiến thêm một bước, dường như bạn chiếm được cái gì đó, nhưng thực ra bạn đang tranh giành của người khác và con đường của bạn trở nên chật hẹp hơn. Vì thế bạn cảm thấy cuộc đời đen tối hơn.

Lòng từ thiện và tính ích kỷ giống như thiên đàng và địa ngục trong tâm. Thể hiện lòng từ thiện hay tính ích kỷ là sự chọn lựa của mỗi cá nhân, và nó quyết định tương lai của một người. Hướng theo lòng từ bi, bạn đã chọn lựa lên thiên đàng! Hướng theo tính ích kỷ, chắc chắn là bạn đã chọn xuống địa ngục.

Có những con người đã trở nên nổi tiếng nhờ vào tấm lòng thiện lương chân chính. Khi tình yêu thương xuất phát từ trái tim, họ mới có thể vượt lên sự khắc chế của thù hận, sự tổn thương của bản thân để trở nên cao thượng trong ứng xử. Nhờ vậy, họ đắc được nhân tâm và trở thành những con người vĩ đại.

Một câu chuyện có thật xảy ra tại Iran và một số nước Hồi giáo, gia đình nạn nhân của một vụ giết người sẽ được phép tới gần kẻ sát nhân trong “những phút cuối cùng” trước khi hắn bị tử hình bằng thòng lọng. Họ có hai lựa chọn: khiến kẻ ác nhận lấy cái chết – hay tha thứ…

“Thế giới của tôi sụp đổ vào cái ngày tôi nghe tin con trai mình bị chết. Nếu tôi tha thứ cho Bilal, làm sao tôi có thể sống được?” – Đó là điều mà bà Samereh Alinejad từng nói khi gia đình kẻ sát nhân Bilal Gheisari cầu xin bà tha thứ. Bilal đã giết chết Abdollah, đứa con trai 17 tuổi yêu quí của bà Samereh trong một trận ẩu đả trên đường phố. Bà cũng nói với chồng rằng: “Nếu Bilal được tha, tôi sẽ chết!“

Gia đình bà Samereh đau buồn trước cái chết của con (Ảnh: Interaksyon.com)

Ngày 15 tháng 4 năm 2014, khi Gheisari đứng trên một chiếc ghế tại giá treo cổ, với hai tay bị cùm, đầu quàng thòng lọng, thì hàng trăm người đã đứng bên ngoài cổng nhà tù ở một thị trấn miền Bắc Iran để chứng kiến bà Samereh thực hiện quyền của mình…

Gheisari năn nỉ: “Xin tha cho cháu, cô Maryam“. Đó là tên gọi thân thiện của bà Samereh trong cộng đồng. Người mẹ mất con tiến đến: “Vậy cháu có tha cho chúng ta không? Cháu có tha cho con trai ta không? Cháu đã lấy đi hạnh phúc của chúng ta. Tại sao chúng ta lại phải tha thứ?” Nói rồi, Samereh tát Gheisari một cái.

Rồi khi mọi người còn đang đợi chờ cái chết của Gheisari thì Samereh đột ngột lấy thòng lọng ra khỏi cổ Gheisari. Sau bảy năm chỉ khao khát có một điều là trả thù thì trong giây phút cuối cùng đó, Samereh lại lựa chọn tha thứ. Nhiều người dân chứng kiến đã chết sững vì kinh ngạc trước hành động của bà.

Xúc động và bất ngờ trước hành động của Samereh, mẹ của kẻ sát nhân đã cúi xuống hôn chân bà (Ảnh: Interaksyon.com)

Việc làm đó đã biến Samereh thành một người hùng ở vùng Royan trên bờ biển Caspian. Đường phố treo đầy băng rôn về lòng vị tha của gia đình Alinejad và người dân hết lời ca ngợi sự rộng lượng của Samereh. Còn Samereh thì tâm sự rằng bà cảm thấy tất cả những khổ đau suốt bảy năm trời đã trôi theo cái tát mà bà dành cho Gheisari. Điều quan trọng là bà cảm thấy bình an vì đã lựa chọn tha thứ.

Câu chuyện trên đã cho thấy rằng chỉ có thiện tâm mới có thể xóa tan được thù hận, và chỉ có thiện tâm mới có thể khiến người ta trở nên vĩ đại hơn. Kể cả chức vị của bạn có cao đến đâu, dù bạn là thủ tướng hay tổng thống, nếu bạn không có thiện tâm, thì lịch sử sẽ chỉ nhớ đến bạn như một kẻ độc tài. Dù bạn có nhỏ bé đến đâu, nếu bạn có thiện tâm, thì bạn sẽ vẫn được biết đến như một người hùng, một con người vĩ đại.

Đào Sa / Theo: songdep

No comments: