Ân Tố Tố có lẽ là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng với những người yêu mến Ỷ thiên đồ long ký.
Tinh thần xuyên suốt truyện mà cố nhà văn Kim Dung muốn truyền tải chính là ranh giới chính tà mong manh. Có kẻ đường đường là trưởng môn một phái lại thật tiểu nhân bỉ ổi, người mang tiếng “đại ma đầu” thực chất rất hiệp nghĩa, trọng tình cảm. Ngoài ra, còn cả những nhân vật được cảm hóa, tìm lại thiên tính tốt đẹp ẩn sâu trong tâm hồn. Ân Tố Tố chính là người con gái như vậy.
Ân Tố Tố là con gái của Ân Thiên Chính, giữ chức đường chủ Thiên Vi Đường chỉ đứng sau cha và anh trai. Nàng có võ nghệ cao cường, xinh đẹp mưu trí. Nữ ma đầu này có nụ cười rất lãng mạn, say đắm lòng người. Kim Dung không trực tiếp mô tả nhan sắc của nàng, mà chỉ thuật rằng khi mới gặp cô, hai kiếm khách của phái Côn Lôn là Tương Đào và Cao Tắc Thành đã gần như đứng tim, líu lưỡi. Rồi họ sinh ra đánh nhau, đâm chém thật tình như hai kẻ thù không đội trời chung.
Ân Tố Tố có võ nghệ cao cường, xinh đẹp mưu trí.
Do sinh trưởng trong môi trường toàn những người làm việc xấu và ra tay độc ác nên ngay từ khi chỉ mới mười mấy tuổi, Ân Tố Tố đã dần trở thành một nữ ma đầu có thể ra tay tàn nhẫn, giết người không ghê tay.
Ân Tố Tố có sở trường chuyên dùng ám khí độc. Nhờ thông minh, sử dụng mưu kế "hiểm độc", Ân Tố Tố đã dễ dàng đoạt lại được Đồ long đao từ tay của Du Đại Nham, một đệ tử của phái Võ Đang. Sau khi ám toán Du Đại Nham nàng đã thuê Long Môn tiêu cục chở Đại Nham về núi Võ Đang. Ân Tố Tố còn trả giá tận 2000 lượng vàng, đưa ra ba nguyên tắc bảo tiêu để chuyến đi được cẩn thận hết mức, nếu không hoàn thành tốt thì sẽ giết sạch cả Long Môn tiêu cục.
Kết quả Long Môn tiêu cục trong lúc đưa Du Đại Nham về núi Võ Đang đã xảy ra sự cố. Sau đó, Trương Thuý Sơn vâng lệnh thầy xuống bảo vệ cho gia đình của Đỗ Đại Cẩm, Tổng tiêu đầu của Long Môn tiêu cục trong khi Ân Tố Tố lại hoá trang như Trương Thuý Sơn để giết chết 72 mạng của tiêu cục này và một số đệ tử khác phái Thiếu Lâm. Cho nên món nợ của vụ huyết án đó đều trút lên đầu của Trương Thuý Sơn.
Ân Tố Tố đã thẳng tay giết chết 72 mạng của Long Môn tiêu cục.
Sau khi có được Đồ long đao, Ân Tố Tố còn tổ chức đại hội võ lâm ở trên Vương Bàn Sơn để khoe chiến tích này. Tại đại hội Đồ long ở Vương Bàn Sơn, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đã đến cướp lấy đao và nảy ra ý định giết chết tất cả để bịt đầu mối. Ông sử dụng tuyệt kỹ Sư tử hống của mình để làm điên khùng hết thảy, chỉ trừ có hai người là Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn, họ an toàn do đã thắng Tạ Tốn trong 1 cuộc tỷ thí, Thúy Sơn lấy bút pháp lồng vào kiếm pháp, một tuyệt kỹ do sư phụ Trương Tam Phong truyền thụ mà viết 24 chữ thành bài thơ về Đồ Long đao vào vách núi, Tạ Tốn chịu thua vì không viết được như thế.
Sau này, cả Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đều bị Tạ Tốn bắt đi và cùng trôi dạt tới Băng Hoa Đảo. Tại đây, vị thiếu hiệp hào hoa, võ công được xếp vào hàng đầu thiên hạ vướng vào mối tình với Ân Tố Tố - con gái của Bạch My Ưng Vương Ân Thiên Chính, một trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Mối tình lén lút giữa hai người có xuất thân từ chính phái và ma giáo cứ thế nảy nở, cuối cùng hai người đã kết nghĩa phu thê và sinh ra Trương Vô Kỵ (nhân vật sau này trở thành giáo chủ Minh giáo và là cao thủ bậc nhất võ lâm). Tình yêu của người chồng và đứa con trai nhỏ đã giúp Ân Tố Tố trở thành một con người khác, thiện lương và giàu tình cảm.
Ân Tố Tố từ một nữ ma đầu giết người không ghê tay, nàng trở thành một người vợ hiền lương, người mẹ thương con.
Sau 10 năm sống trên hoang đảo, đôi vợ chồng Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng cậu con trai Vô Kỵ đã vượt biển quay về đất liền Trung thổ. Tuy nhiên, sóng gió từ đây bắt đầu ập đến, việc Trương Thúy Sơn tự ý kết duyên với người của ma giáo đã bị võ lâm chính phái phản đối mạnh mẽ. Ngoài ra các môn phái trong thiên hạ thi nhau kéo đến núi Võ Đang để truy hỏi Trương Thúy Sơn về tung tích của Tạ Tốn cũng như cây bảo vật Đồ long đao. Trước sức ép của quần hùng và để bảo vệ cho tung tích của nghĩa huynh Tạ Tốn, phần vì cảm thấy có lỗi với Du Đại Nham. Trương Thúy Sơn đã tự sát bằng chính cây Ngân câu Thiết hoạch của mình. Chứng kiến người chồng vì bị bức đến nỗi phải tự sát, Ân Tố Tố cũng đau khổ mà tự vẫn theo, để lại Trương Vô Kỵ.
Có thể nói Ân Tố Tố từ một nữ ma đầu giết người không ghê tay, cô trở thành một người vợ hiền lương, người mẹ thương con và một người trọng tình nghĩa, biết ăn năn về những lỗi lầm gây ra trong quá khứ. Cái chết của Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố do bị quần hùng trong võ lâm bức tử là một kết thúc đầy nghiệt ngã đã lấy đi nước mắt của bao người. Chỉ vì những tranh đoạt lợi ích trên giang hồ, vì mối thù hằn giữa chính phái với ma giáo, và hơn cả là vì muốn giành được Đồ long đao để thành bá chủ võ lâm, mà quần hùng nhẫn tâm ép chết Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố.
Quốc Tiệp / Theo: Người Đưa Tin