Đề Lưu Quan Trương đào viên kết nghĩa xứ - Nguyễn Đề
Bôi tửu tương đề dị tính thân,
Tình vi huynh đệ nghĩa quân thần.
Thuỷ chung chí khí huyền thiên nhật,
Di hiểm can trường đối quỷ thần.
Trần cục tam phân vân cửu biến,
Đào viên thiên cổ cảnh trường xuân.
Sùng từ di tượng do đoàn tụ,
Chiêm ngưỡng nhân tri trọng đại luân.
題劉關張桃園結義處 - 阮提
杯酒相締異姓親
Thơ đề chốn vườn đào kết nghĩa giữa
Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi
(Người dịch: Lâm Giang)
Chén rượu cùng nâng buổi kết thân
Tình là huynh đệ nghĩa quân thần
Thuỷ chung chí khí treo vừng nhật
Lòng dạ hiểm di thấu quỷ thần
Cuộc thế ba phần mây biến đổi
Vườn đào muôn thuở cảnh trường xuân
Tượng thờ trong miếu còn đoàn tụ
Chiêm ngưỡng người nay trọng đại luân
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Nguyễn Đề (阮提, 1761-1805), húy là Nễ, tự Nhất Quế, hiệu Quế Hiên (桂軒, Gia phả ghi là Quế Hiên công); sau đổi tên là Đề, tự Tiến Phủ, hiệu Tỉnh Kiên, biệt hiệu Văn Thôn Cư Sĩ, là nhà thơ Việt Nam ở cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19. Nguyễn Đề sinh ngày 13 tháng 2 năm Tân Tỵ (1761) tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là con thứ sáu của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708-1755) và Trần Thị Tần (1740-1778), và là anh cùng mẹ với Nguyễn Du.
Nhờ cha làm quan lớn (Tể tướng), nên những năm tháng thiếu thời, ông sống khá yên vui cùng các anh em trong một cơ ngơi bề thế ở phường Bích Câu, trong kinh thành Thăng Long.
Nguyễn Đề làm quan với Tây Sơn và nhà Nguyễn khá tự nguyện và hăm hở, không mặc cảm, ít vướng bận nghĩa “trung quân”, thậm chí có lúc ông còn chỉ trích những người bảo thủ, lánh đời. Vì chuyện này, ông phải chịu không ít lời gièm pha. Trên ba trăm bài thơ của ông đều là những bài thơ vịnh cảnh, ngụ hứng, cảm hoài, thù tạc...Trong số đó có gần chục bài thơ viết cho em trai là Tố Như (tức Nguyễn Du)...Tuy viết bằng chữ Hán, nhưng thơ ông có giọng điệu bình dị, ít triết lý và được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ tinh tế mà không cầu kỳ và kiểu cách.
Nguyễn Đề là nhà thơ có tấm lòng nhân nghĩa, vị tha; có tâm hồn sâu lắng và nhiều trăn trở...Ngòi bút của ông bình dị, nhưng có nhiều bài hay, câu hay. Đặc biệt, ông có hàng chục bài thơ viết cho Nguyễn Du với tất cả tình cảm yêu thương của một người anh dành cho một đứa em trai có số phận khá vất vả, long đong. Lần Nguyễn Du nuôi chí chống Tây sơn, việc bại lộ bị bắt giam. Nhờ ông có thân quen với viên tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận mà người em (Nguyễn Du) được thả. Tuy hai anh em sống cách xa nhau, và mỗi người một số phận; song họ luôn nhớ nhau, đặc biệt là tình cảm của ông đối với Nguyễn Du (và ngược lại) vô cùng sâu sắc. Đây thật là một thứ tình anh em hiếm thấy trong lịch sử Văn học Việt Nam.
Nguồn: Thi Viện