Tuesday, March 19, 2024

NGHỆ THUẬT GẤP GIẤY ORIGAMI CỦA NGƯỜI NHẬT HÀM CHỨA ĐIỀU GÌ ĐẶC BIỆT?

Từ khi công nghệ sản xuất giấy từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản vào thế kỉ thứ 7, người Nhật Bản đã áp dụng và biến đổi sáng tạo ra các loại giấy và đi cùng với nó là sự ra đời một loại hình nghệ thuật đắc sắc, nghệ thuật gấp giấy Origami.


Nhắc tới văn hóa truyền thống của người Nhật Bản, thì điều đáng ghi nhận là sự chuyên cần tỉ mỉ, chính xác cho từng chi tiết. Có những thú vui tưởng chừng như giản đơn nhưng được nâng lên là một nét nghệ thuật độc đáo bởi óc sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự kiên trì nhẫn nại của người Nhật đã làm nên những tác phẩm đẹp mê hồn từ những vật dụng rất đơn giản và thông dụng.

Origami hay còn được biết đến với tên gọi 折り紙, おりがみ (xếp giấy hay gấp giấy), là bộ môn nghệ thuật độc đáo có xuất xứ từ đất nước mặt trời mọc- Nhật Bản.

Nghệ thuật gấp giấy Origami. (Ảnh: Fiveprime)

Origami là môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời của người Nhật

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, người ta ghi nhận rằng nghệ thuật xếp gấp giấy bắt nguồn từ Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ 1 hay thứ 2. Sau đó, thuật xếp giấy này đã lan sang Nhật vào thế kỷ thứ 6. Được người Nhật sáng tạo và cải biến từ các loại chất liệu giấy biến nó thành một nghệ thuật độc đáo của xứ sở hoa anh đào. Vào triều đại Muromachi 1392–1573 những sản phẩm của nghệ thuật gấp xếp giấy đã được dùng để phục vụ lễ nghi.

Vì nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm là giấy, nên người Nhật đã áp dụng và biến đổi nhiều phương pháp chế tạo cũng như nguyên liệu chế tạo giấy. Người Nhật tự hào về công nghệ sản xuất giấy có chất lượng cao, với họa văn họa tiết trang nhã, gấp mở nhiều lần không rách, mềm, bền và đẹp… Đây là loại giấy mà với người Nhật nó gắn liền với văn hóa của họ, là loại giấy đặc trưng có một không hai trên thế giới mà được nhiều người biết tới với cái tên Washi. Và cũng từ đây nghệ thuật xếp giấy Origami của người Nhật Bản chính thức được nâng lên xứng tầm là một loại hình nghệ thuật gắn liền với văn hóa truyền thống của người Nhật Bản.

Nghệ thuật gấp giấy Origami là một môn giải trí mang tính trí tuệ

Nghệ thuật gấp giấy Origami được chào đón nồng nhiệt ở Nhật Bản và lan rộng ra toàn thế giới. Ban đầu nó được coi như trò chơi giải trí. Chỉ sử dụng những vật liệu đơn giản như những tờ giấy màu hình vuông hoặc hình chữ nhật, mà người ta có thể sáng tạo và tưởng tượng ra những hình thù hay những hình ảnh con vật đẹp mắt. Trò chơi này kích thích khả năng sáng tạo nên nó rất hấp dẫn và là một môn được ưa thích của các tầng lớp dân chúng.


Sau này người ta phát hiện ra rằng, Origami không chỉ là một trò chơi tiêu khiển giải trí hay làm đồ trang trí thông thường. Mà nó là một loại hình nghệ thuật rất độc đáo. Từ đó để kích thích sự sáng tạo và phóng tác của các nghệ sĩ người ta coi trọng những sản phẩm và bắt đầu biết thưởng thức hơn.

Theo đà phát triển, Origami bắt đầu chuyển mình từ một trò chơi tiêu khiển đơn thuần mang tính giải trí rồi trở thành một môn nghệ thuật, một biểu tượng văn hóa của người dân Nhật.

Tại sao Origami lại cần tới trí tuệ? Bởi để tạo được một tác phẩm giấy đẹp mắt, đòi hỏi người ta phải có tinh thần tập trung cao độ, sự tỉ mỉ và chính xác tới từng nếp gấp, từng chi tiết xếp ghép. Mặt khác trí tưởng tưởng và kiến thức tạo hình khối, cũng như kiến thức về hình học không gian. Khả năng tuy duy hình ảnh trừu tượng hay không gian 3 chiều… Một tác phẩm càng khó thì càng kỳ công. Đây cũng là một thước đo để đánh giá về tinh thần kiên nhẫn và tính thẩm mĩ của người thực hiện.

Ngày nay người ta phát hiện ra rằng, nghệ thuật gấp giấy Origami còn là một liệu pháp giúp giải tỏa tâm lí, trấn an tinh thần. Có tác dụng tích cực trong việc kích thích tinh thần trở nên phấn khởi, tạo niềm vui cho người gấp mỗi khi hoàn thành bất kì một tác phẩm nào.

Chính vì thế mà Origami không chỉ đơn thuần được coi là một trò chơi giải trí, mà là một bộ môn nghệ thuật trí tuệ, một nét văn hóa đặc sắc của đất nước mặt trời mọc.

Người Nhật coi nghệ thuật Origami như một môn giáo dục con người và giúp con người cân bằng tâm lý


Trước tiên người ta nhận thấy được rằng, tính kiên nhẫn của một con người là sự rèn giũa ngay từ khi còn nhỏ. Và họ nhận định, một con người thiếu kiên nhẫn từ việc nhỏ thì sẽ không làm được việc lớn. Do đó ngay từ trong giáo dục mẫu giáo, đứa trẻ đã được ngồi học tỉ mỉ từng chút một để gấp được giấy.

Hơn nữa nó kích thích khả năng sáng tạo và tư duy, nên việc lồng môn nghệ thuật này vào trường học được Nhật Bản lựa chọn.

Mặt khác, Origami là một môn nghệ thuật nhẹ nhàng tỉ mỉ. Có tác dụng làm êm dịu thần kinh, cân bằng lại trí não, chữa bệnh mất ngủ và giảm thiểu căng thẳng do áp ức từ cuộc sống. Nên nhiều bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu đã dùng origami như một liệu pháp bổ ích vật lý và tinh thần. Bác sĩ Ronald S. Levy, tại Hội Thảo Quốc Tế lần thứ nhì về origami đối với giáo dục và trị liệu, đã kêu gọi dùng origami để phục hồi chức năng và trị liệu về tay.

Trong y học cổ truyển Trung Quốc cho rằng, 10 đầu ngón tay là những đầu mối của những dây thần kinh tập trung trên não. Việc hoạt động thường xuyên các ngón tay chính là làm tăng khả năng làm việc của trí não, kích thích việc ghi nhớ chống lãng quên ở người già. Chính vì vậy ngay từ thời sơ khai của nghệ thuật gấp giấy ở Trung Hoa, người ta đã khuyến khích sử dụng loại hình nghệ thuật này.

Nên khi nó được lan truyền sang Nhật Bản, thì người Nhật lại thấy được sự tích cực của nó trong việc duy trì và phát triển trí não sáng suốt minh mẫn qua hoạt động đôi tay. Nên đã biến nó từ một môn mang tính giải trí trở thành một môn nghệ thuật rồi nâng tầm lên thành tính giáo dục.


Nghệ thuật Origami giúp con người phát triển tư duy hình học. Có rất nhiều cao thủ Origami sáng tác được những tác phẩm có độ khó và mang theo hình mẫu phức tạp. Họ có phương châm: “Bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được.”

Có thể nói Origami cũng như nhiều từ tiếng Nhật khác như Sake, Shushi, Kimono… đã được quốc tế hóa để khi nhắc đến ai cũng hiểu đó là một đặc trưng của văn hóa Nhật. Và dù bây giờ nghệ thuật xếp giấy đã phát triển vượt biên giới, mang lại niềm say mê cho biết bao nhiêu người trên toàn thế giới, nhưng người ta vẫn trân trọng gọi nó bằng cái tên giản dị Origami như một sự tưởng nhớ đến cái nôi cho một sự hình thành và phát triển một môn nghệ thuật độc đáo.

PV (Theo Tạp chí Văn Hiến) / Dân Việt



LỮ DẠ ĐẮC CỐ NHÂN THƯ - TUY LÝ VƯƠNG


Lữ dạ đắc cố nhân thư - Tuy Lý Vương

Tiểu quán bế sài kinh,
Hàn đăng ám phục minh.
Hốt kinh thư vấn tấn,
Toạ giác tuế tranh vanh.
Hiểu nguyệt kiêm sương sắc,
Thu phong tự vũ thanh.
Tửu tỉnh tương ức xứ,
Chung lậu cách nghiêm thành.


旅夜得故人書 - 綏理王

小館閉柴荊
寒燈暗復明
忽驚書問訊
坐覺歲崢嶸
曉月兼霜色
秋風似雨聲
酒醒相憶處
鐘漏隔嚴城


Đêm tại đất khách, được thư bạn cũ
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Đèn tàn le loi trong đêm.
Hắt hiu quán nhỏ, cửa then vội cài.
Thư nhà trao vội về ai.
Ngồi trông năm rộng tháng dài còn đâu.!
Trăng mờ sương nhuốm một mầu.
Gió thu thổi tới, ngỡ đâu mưa về.
Tỉnh rượu thêm nỗi nhớ quê.
Nghiêm Thành cách trở, não nề chuông ngân.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tuy Lý Vương sinh ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (3 tháng 2 năm 1820) tại viện sau điện Thanh Hòa. Mẹ ông là Tiệp dư Lê Thị Ái (hay Cầu; 1799 - 1863), người An Triền (Phong Điền, Thừa Thiên) là con gái thứ ba của Cẩm y Hiệu úy Lê Tiến Thành. Năm 1813, bà được tuyển vào cung, hầu Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng). Năm 1836, bà được sách phong Tiệp dư, là bậc thứ 6 trong 9 bậc phi tần nhà Nguyễn.

Vốn thông minh, hiếu học, tính nết đôn hậu lại được mẹ và thầy Thân Văn Quyền dạy dỗ chu đáo, nên ông sớm nổi tiếng là người uyên bác, sáng tác thơ giỏi và thạo cả nghề thuốc.
Năm 1839, Miên Trinh được phong là Tuy Quốc công, cho lập phủ riêng gọi là Tĩnh Phố, ở bên cạnh Ký Thưởng viên của người anh khác mẹ là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), nhà vua bắt đầu lập nhà Tôn học, cử ông giữ chức Đổng sự.
Năm 1854, ông được phong Tuy Lý công. Năm 1865, vua chuẩn cho ông kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Hữu Tôn Nhơn, nhưng vì mẹ mất, ông xin từ để cư tang, đến năm sau mới tựu chức, rồi thăng Tông Nhân Phủ Tả Tông Nhân (1871), Tuy Lý Quận vương (1878), Tông Nhân Phủ Hữu Tông (1882). Năm Quý Mùi (1883), Tự Đức lâm bệnh nặng, Miên Trinh có vào Y viện hầu thuốc, nhưng không công hiệu, vua mất.

Sách Vua Minh Mạng với Thái y viện kể:

Bấy giờ, trong Hội đồng phụ chính, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm nhiều quyền hành, lại đứng đầu phái chủ chiến, tích cực chống thực dân Pháp. Họ thực hiện các cuộc phế lập để chọn ông vua đứng về phe mình. Trong cuộc phế lập ấy, Lãng Quốc công Hồng Dật lên ngôi, cải nguyên Hiệp Hòa, và Miên Trinh được tấn phong Tuy Lý Vương...

Tuy có lòng yêu nước thương dân, nhưng vì chịu sự chi phối của hệ ý thức phong kiến (lấy quyền lợi triều đình, hoàng tộc làm đầu) nên Miên Trinh ngấm ngầm chống đối Tường và Thuyết. Rồi Hồng sâm, con trai của Miên Trinh, mưu cùng vua Hiệp Hòa, nhờ tay thực dân Pháp để trừ hai người ấy. Việc bại lộ, cả vua và Hồng Sâm đều bị giết.

Miên Trinh sợ hãi, lánh đến sứ quán Thương Bạc xin tá túc, nhưng Tham biện Nguyễn Cư không cho. Cùng đường, ông đem cả gia đình xuống Thuận An xin tị nạn trên tàu Pháp do Picard Destelan chỉ huy.

Mười ngày sau (30 tháng 11 năm 1883), mặc dù được Khâm sứ De Champeaux che chở, nhưng vì Tôn Thất Thuyết đòi, nên Pháp trao trả ông cho triều đình Huế. Ông bị Tôn Thất Thuyết cách hết chức, giáng xuống tước Tuy Lý huyện công, đày vào Quảng Ngãi (1884). Mãi đến khi Đồng Khánh lên ngôi (1886), ông mới được tha về và cho khôi phục tước vương.
Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, ông được cử làm Ðệ nhất phụ chính thân thần kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Tả Tôn Chính.

Năm 1897, vì tuổi già, ông xin về nghỉ, chẳng bao lâu thì bị bệnh mất ngày 24 tháng 10 năm Đinh Dậu (18 tháng 11 năm 1897), hưởng thọ 77 tuổi.

Nghe tin ông mất vua Thành Thái cấp một ngàn quan tiền lo việc tang và ban thụy là Ðoan Cung. Mộ Tuy Lý Vương ở cạnh mộ mẹ, nay thuộc phường Phường Đúc, sát bên đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế.

Nguồn: Thi Viện

KHÔNG ĐAU, KHÔNG BỆNH KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ BẠN KHỎA MẠNH, 8 DẤU HIỆU BAN ĐẦU BÁO HIỆU CƠ THỂ GẶP VẤN ĐỀ

Bạn có định nghĩa thế nào về sức khoẻ? Phải chăng một người chỉ được xem là khoẻ mạnh khi họ không mắc bệnh hoặc cảm thấy khó chịu, đau đớn?


Thực ra, nhiều bệnh lý nguy hiểm có khả năng phát triển âm thầm trong cơ thể mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

8 dấu hiệu thường xuất hiện sớm khi có bệnh tiềm ẩn trong cơ thể

- Thay đổi cân nặng

Tăng hoặc giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn không phải là hiện tượng bình thường, có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau.

- Rối loạn đại tiện

Phân có bình thường hay không là một trong những dấu hiệu cho thấy sức khỏe của hệ tiêu hóa. Trong đó, màu sắc và hình dạng của phân sẽ là một chỉ dấu cho nhiều khía cạnh liên quan đến đường ruột.

Thông thường, chúng ta đại tiện một hoặc hai ngày một lần, điều này cho thấy quá trình tiêu hóa và bài tiết rất khỏe mạnh.

Nếu trong nhiều ngày liên tục, bạn không đại tiện, hoặc hình dạng và màu sắc của phân bất thường thì đây là những dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hoá gặp vấn đề hoặc bệnh lý khác.

- Mất ngủ

Nếu bạn là người dễ ngủ, ít mơ màng, về cơ bản là từ lúc nằm xuống cho đến lúc bình minh, gần như không bị thức giấc giữa đêm, cảm thấy tràn đầy năng lượng vào ngày hôm sau, thì điều này cũng là một yếu tố cho thấy sức khoẻ ổn định.

Ngược lại, nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay thức giấc giữa đêm, thức dậy cảm thấy uể oải và mệt mỏi thì đó có thể là sức khoẻ đang gặp vấn đề.

- Thay đổi móng tay

Móng tay là nơi cách xa tim nhất, là đầu của các chi ngón. Móng tay khoẻ mạnh thường có màu hồng nhạt, bóng mượt, không có gờ hay vết nứt, vết lõm. Nó cho thấy khí huyết đầy đủ và nội tiết bình thường.

Ngược lại, móng tay có các dấu hiệu bất thường như sần sùi, đổi màu, nứt vỡ… có thể là dấu hiệu của bệnh lý về tim mạch, gan hoặc thận…


- Tóc yếu rụng

Y học cổ truyền cho rằng tóc dày và bóng, chân tóc chắc khỏe là dấu hiệu khí huyết đầy đủ. Nếu tóc bạn khô, dễ gãy, thậm chí rụng nhiều thì có thể là do thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn nội tiết tố hoặc các vấn đề khác.

- Bụng lạnh

Hầu hết các cơ quan nội tạng đều tập trung ở bụng, thông thường, bụng sẽ có cảm giác ấm khi chạm vào, không có khối u, đau đớn...

Nếu bạn cảm thấy mát khi sờ vào bụng, điều đó cho thấy trong bụng đang bị lạnh, có khả năng là dấu hiệu của khí huyết hư, lưu thông máu kém, hoặc các vấn đề về tiêu hoá.

- Cảm xúc thất thường

Thông thường, tâm trạng và tính cách của con người sẽ không dễ thay đổi nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.

Y học cổ truyền cho rằng ngũ tạng chứa đựng ngũ ý, nếu bạn cảm thấy hay cáu gắt, buồn bã hoặc lo lắng, chán nản vô cớ thì có thể là do khí gan ứ đọng hoặc các vấn đề khác.


- Khả năng hồi phục chậm

Thi thoảng bạn khó tránh khỏi những va chạm nhỏ, vết thương nhỏ, nếu cầm máu nhanh và vết thương nhanh lành thì khả năng đông máu và mọi chức năng khác của cơ thể đều bình thường.

Ngược lại, nếu vết thương lâu lành, chảy máu khó cầm thì có thể là do chức năng miễn dịch bị rối loạn hoặc các vấn đề về máu.

Theo Song Yun - Aboluowang
Bảo Vy

Monday, March 18, 2024

LÝ BẠCH VÀ NỖI SẦU VẠN CỔ

Từ thuở bé, vì là út, tôi thường được cha tôi, một nhà Nho - thầy giáo - thầy thuốc nông thôn, cho gối đầu lên đùi người, rồi ru ngủ dần bằng cách ngâm ngợi những bài Đường thi. Ban đầu, tôi chẳng hiểu gì, chỉ thấy âm điệu của chúng thật bổng trầm, thật dễ ngủ.


Dần dần, từ tuổi ấu thơ qua thời niên thiếu, bên cạnh âm điệu, qua lời bình giải của cha, tôi mới hiểu Đường thi đôi chút. Tôi lớn lên, đi học tự nhiên mà lòng không lúc nào vợi nhớ thi ca, nhất là Đường thi. Cùng với sự lớn lên, già đi của mình, càng ngày tôi càng thấy nhiều hơn, rõ hơn cảnh, tình, sự, lẽ đời rồi lẽ trời trong những bài thơ ấy.

Nỗi ngạc nhiên của tôi trước vẻ đẹp và sự sâu sắc ẩn trong Đường thi, không những không bớt đi mà ngày càng nhiều lên. Những bài thơ Đường hay, mỗi lần đọc, lại thấy chúng lấp lánh một kiểu, tùy vào lứa tuổi và tâm thế lúc ấy, thậm chí, tùy cả vào từng cách đọc. Chúng giống như ngọc quý: Xem sớm, xem chiều, xem tối, xem dưới ánh trời, xem dưới đèn nến, xem lúc vui lúc buồn, xem lúc trẻ lúc già... đều thấy khác nhau, chỉ có điều, chẳng khi nào thấy... xấu, dẫu chẳng ai “ngậm ngọc ngày ngày thay cơm”.

Âm điệu của chúng cũng vậy, nó không phải chỉ để cho dễ ngủ, mà vô cùng ảo huyền, kỳ thú, siêu việt: Có thể như gió thoảng ngoài, lại có thể như ầm ầm binh mã; có thể như cây cỏ nỉ non dưới trăng thu, lại có thể như thác bay đá lở; có thể như thủ thỉ tâm sự, ung dung nhàn tản; lại có thể như hì hụi qua trăm núi ngàn đèo; có thể như tiếng thở, lại có thể như tiếng khóc, tiếng thét...

Hóa ra, âm điệu thơ sinh ra không chỉ do bằng - trắc. Âm điệu thực của thơ lại là âm điệu ảo, sau bằng - trắc. Khi trong lòng đã chất chứa cảnh, tình, sự, lẽ đời, lẽ trời, thì nhà thơ phải nói ra, hát lên, kêu lên, thét lên qua bằng - trắc. Thấy bằng - trắc mới chỉ là thấy cái vỏ. Cái âm điệu thực sau bằng- trắc, mượn bằng- trắc, còn cao hơn nhiều và lớn hơn nhiều. Đó mới là âm điệu thực của thơ hay - âm điệu của cõi lòng.


Nỗi sầu vạn cổ

Tôi thường tự hỏi, người đời Đường (618 - 907), dù sống cách tôi cả ngàn năm, sao lại có thể thấu triệt lẽ trời, lẽ đời và tình người đến thế? Dần dần, tôi hiểu ra rằng, sau mọi thứ chủ nghĩa, sau mọi chế độ xã hội mà loài người đã và sẽ trải qua, thì nhân tình vẫn thế.

Loài người văn minh dần, loài người bèn khoác lên mình những thứ vỏ bọc khác nhau, mà trái tim họ vẫn luôn dễ rung động, dễ tổn thương như cũ. Có lúc nào sắt đá lại, thì cũng chỉ vì dễ bị tổn thương mà thôi. Đúng là, “loài người chưa bao giờ đổi tên”!

Hóa ra, mọi sự vui buồn vốn đã có tự ngàn xưa và sẽ còn đến ngàn sau. Ái, ố, nộ, hỉ của con người là bất di bất dịch. Lẽ tử - sinh là lẽ đời cao nhất, cuối cùng, của con người. Lý Bạch, cùng với thời Đường tăng đi lấy chân kinh, đã viết những điều ấy thành thơ.

Trong bài Nghĩ cổ thứ sáu, ông bảo: “Sống, như là khách qua đường ấy - Thác xuống, là ta mới được về - Đất trời như quán trọ kia - Ta như hòn cuội lăn đi giữa đời” (Sinh giả vi quá khách - Tử giả vi quy nhân - Thiên địa nhất nghịch lữ - Đồng bi vạn cổ trần). (*) “Vạn cổ trần” không phải là những buồn bã thường ngày, mà là nỗi đau lớn vì không giải quyết được bài toán sinh - tử, không thể có thuốc trường sinh.

“Vạn cổ trần” mới sinh ra “vạn cổ sầu”. Cho nên Lý Bạch mới bảo: “Ngũ hoa mã, thiên kim cừu - Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu - Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu” (Có con ngựa năm hoa kia, có áo cừu đáng giá ngàn vàng đây. Hãy bảo bọn trẻ đem đổi hết ra rượu ngon, để ta cùng bạn bè uống cho tiêu tan mối sầu vạn cổ). “Sầu vạn cổ” là nỗi sầu lớn, muôn đời, của con người, trước cái chết.

Mối “vạn cổ sầu” ấy còn được Lý Bạch nói đến ở nhiều bài thơ khác. Ở bài “Cổ phong” thứ ba, ông viết: “Dây dài khôn buộc mặt trời - Xưa nay ngồi ngẫm sự đời mà cay - Chất vàng cao chín tầng mây - cũng không mua được một ngày xuân xanh” (Tràng thằng nan hệ nhật - Tự cổ cộng bi tân - Hoàng kim cao Bắc đẩu - Bất tích mãi dương xuân).

Ở bài Cổ phong thứ năm, ông viết là: “Đất trời sẽ chẳng còn nguyên - Tháng ngày rồi cũng cạn trên vai người - Tùng xanh, ve đến lả lơi - Nào hay tùng cỗi lâu rồi, còn đâu - Tìm chi tiên dược thêm sầu - Bàn chi những lẽ nông sâu với người - Hỏi ai nghìn tuổi trên đời - Hay là chen chúc một thời, rồi đi?” (Nhật nguyệt chung tiêu hủy- Thiên địa đồng khô cảo - Huệ cô đề thanh tùng - An kiến thử thu lão - Kim đan ninh ngộ tục - Muội giả nan tinh thảo - Nhĩ phi thiên tuế ông - Đa hận khứ thế tảo).

Ở bài “Tương tiến tửu”, ông bảo: “Anh không thấy tóc tơ ngày nọ - Sớm đương xanh, chiều đã tuyết sương - Nhà cao, ai đứng trong gương - Trông lên tóc bạc mà thương phận người!” (Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát - Triêu như thanh ti mộ thành tuyết).

Ở bài “Đối tửu”, ông lại viết: “Tóc đen ngày trai tráng - Nay đã đòi pha sương” (Tạc nhật chu nhan tử - Kim nhật bạch phát thôi).

Ở bài “Tặng Tiền trưng quân Thiếu Dương”, “tóc trắng” lại xuất hiện: “Rượu nồng đang đợi trong chén ngọc - Liễu xanh đưa trời vào tháng ba - Gió xuân còn thổi dăm ngày nữa - Tóc trắng trên đầu hai đứa ta” (Bạch ngọc nhất bôi tửu - Lục dương tam nguyệt thì - Xuân phong dư kỷ nhật - Lưỡng mấn các thành ti) v.v...

Đến bài “Thu Phố ca, thì sự “cộng bi tân”, nỗi “bạch phát thôi”, cảnh “thử thu lão”, tình “bi bạch phát”, tóm lại là “nỗi buồn tóc trắng”, là mối “sầu vạn cổ”, đã nén chặt lại trong một bài tứ tuyệt trữ tình, súc tích, nghẹn ngào, hoành tráng, vĩ đại: “Tóc trắng dài ba ngàn trượng - Sầu ta cũng dài lê thê - Đầy gương, hỏi đâu còn chỗ - Gọi chút sương thu theo về” (Bạch phát tam thiên trượng - Duyên sầu tự cá trường - Bất tri minh kính lý - Hà xứ đắc thu sương).


Tại sao lại là “Tóc trắng dài ba ngàn trượng”? “Tóc trắng” ở đây, chính là nỗi “sầu tóc bạc”, là mối “sầu vạn cổ”, vừa nói. “Ba ngàn trượng” với một đời, cứ như là hoang đường! Thế nhưng, với cả “vạn cổ”, thì không có cách gì nói đúng hơn, đẹp hơn, hay hơn. Mỗi câu một vẻ, đều “nối điêu” cho câu đầu, làm cho nỗi sầu đau trước lẽ tử - sinh, chồng chất lên như núi trên núi, thác trên thác, cây trên cây, trời trên trời, đời này trên đời khác, vô tận, đầy gương, không còn chỗ cho bất cứ một cái gì khác nữa, kể cả chút sương thu - vẻ đẹp mỏng manh, thơ mộng trong cổ thi phương đông.

Ở đây, thi sĩ là người đại diện cho mọi kiếp người mà phát biểu về cái lẽ đời cao nhất, cuối cùng ấy, của con người, cho nên nó thấm đẫm hiện thực nhân sinh. Mặt khác, với tư cách một thiên tài, ông đã tạo ra một bài tứ tuyệt bất hủ, huyền ảo - rắn như kim cương, lấp lánh như kim cương, mà lại có thể tan ngay ra thành sương khói phiêu diêu, tan ngay ra thành “bể khổ” nhân gian.

Thế là từ hơn một ngàn năm trước, Lý Bạch, chỉ cần bốn câu thơ ngắn, đã là “tiền kiếp” của chủ nghĩa “Hiện thực huyền ảo” rồi.

Quả thật, một thi sĩ viết về lẽ trời, lẽ đời, về mối “sầu vạn cổ” bất di bất dịch kia, sâu sắc như vậy, cảm động như vậy, tài hoa như vậy - để cả ngàn năm sau vẫn còn vằng vặc những lời thơ; để cả ngàn năm sau, đọc lại vẫn thấy hệt bây giờ - thì thi sĩ ấy chỉ có thể là Lý Bạch!

Thấu hiểu đến cùng kiếp nhân sinh như thế, Lý Bạch và các thánh nhân, hiền nhân phương đông mới có thể nhìn đời bằng con mắt cao hơn đời. Họ, dù cũng ôm mối “sầu vạn cổ”, dù cũng bất lực trước lẽ tử - sinh, nhưng thông tuệ hơn đồng loại trong việc giải quyết những mâu thuẫn thế tục - sau này triết học hiện đại gọi là những “cặp phạm trù đối lập” - như là “vinh - nhục”, “xuất - xử”, “được - mất”, “thành - bại”, “hơn - thua”, “giàu - nghèo”, “sướng - khổ”, “vui - buồn”..., vì nói đến cùng, không có “cặp phạm trù” nào lớn hơn, gai góc hơn, khiến người ta bất lực hơn, và vì thế cũng vô nghĩa hơn, “cặp phạm trù” “tử - sinh”!

Ở bài “Nghĩ cổ” thứ mười sáu, ông viết: “Vinh hoa như nước chảy về đông- Muôn sự xem như sóng giữa dòng” (Vinh hoa đông lưu thủy - Vạn sự giai ba lan) - khi đã biết vinh hoa, cái mục đích, cái ham hố của bao đời thế tục, cũng chỉ như “nước chảy về đông”, cũng phù du như dòng hoài niệm truyền kiếp, không thể khác; thì mọi chuyện còn lại trên đời này chỉ nên coi như mấy làn sóng dợn, nào có đáng kể gì? Nhọc lòng mà làm chi?

Loài người - tuyệt đại đa số không phải là thánh nhân, hiền nhân - thường buồn, lo, vật vã, tranh giành và chết vì những thứ “giai ba lan” kia, nếu không có Lý Bạch, sao có thể thanh thản mà thâu lấy cái lẽ lớn ấy? Sao có thể thanh thản sống? Sao có thể vươn lên từ “bể khổ”? Quả là, Lý Bạch đã giúp cho loài người nhiều lắm!

Ở bài “Nghĩ cổ” thứ sáu, ông bảo: “Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần - Phù vinh được mấy đồng cân, mà cầu?” (Tiền hậu cánh thán tức - Phù vinh hà túc trân), cũng là cái ý đó.

Đến bài Giang thượng ngâm, ông lại nhắc: “Nếu phú quý công danh bền được - Hán thủy đành chảy ngược về tây” (Công danh phú quý nhược trường tại - Hán thủy diệc ưng tây bắc lưu) v.v...và v.v...

Vì thấu hiểu lẽ trời, lẽ đời như đã nói, Lý Bạch tất yếu phải công bố cái phương châm xử thế - cho ông và cho những người có triết lý sống, có khí chất giống ông, cho “trường phái” của ông.

Trong bài Xuân nhật túy khởi ngôn chí, ông viết: “Đời là cơn mộng lớn- Nhọc lòng mà làm chi?” (Xử thế nhược đại mộng - Hồ lao vi kỳ sinh).

Ở bài Nghĩ cổ thứ nhất, ông cũng nói: “Đời như một giấc mộng thôi” (Tức sự dĩ như mộng)...

Trời đã như vậy, đời đã như vậy, một ngã ba đường tất hiện ra trước mắt ông, buộc ông phải chọn một trong hai ngả: “Xuất” hay là “Xử”.

“Xuất”, thì ông cũng đã thử rồi, và thất bại! Vì thế mà năm 744, ông dứt khoát xin vua cho về quê rồi đi ngao du khắp chốn dù ông cũng từng ôm chí giúp đời. Ông vẫn ví mình như Trương Lương. Nhưng có lẽ, ông có duyên với phần đời sau của Trương Lương: Sau khi giúp Hán Cao tổ lập nghiệp, Trương Lương đi theo Xích Tùng tử, rong ruổi nước non chứ không ở triều nữa.

Ở nhiều bài, ông ca ngợi những tao nhân ung dung tự tại, tự do, xa thế tục, bỏ vinh hoa. Ông làm thơ đề ở nơi ông Đông Khê ở ẩn (Đông Khê cũng là nơi Lý Bạch từng bị lưu đày): “Đỗ Lăng có một người hiền - Ẩn trong nhà cỏ ở miền Đông Khê - Nhà ven núi khác chi Tạ Diểu - Liễu đua xanh cùng liễu Đào Tiềm - Hoa bay mời rượu trước hiên - Đón xuân đã có tiếng chim sau nhà” (Đỗ Lăng hiền nhân thanh thả liêm - Đông Khê bốc trúc tuế thì yêm - Trạch cận thanh sơn đồng Tạ Diểu - Môn thì bích liễu tự Đào Tiềm).

Lý Bạch yêu tiếng đàn trong núi của Thục Tăng Tuấn: “Vì ta gẩy khúc tương tri - Sơn khê gửi tiếng thầm thì lên thông - Gội lòng khách lâng lâng tựa suối - Cùng chuông chùa tan dưới chiều sương” (Vị ngã nhất huy thủ - Như thính vạn hác tùng - Khách tâm tẩy lưu thủy - Di hưởng nhập sương chung).

Điển hình nhất là bài “Tặng Mạnh Hạo Nhiên”: “Yêu sao Mạnh Phu tử - Tiếng phong lưu có thừa - Tóc xanh khinh xe, mũ - Bạc đầu nằm núi xưa - Say trăng thành thánh rượu - Gần hoa không gần vua - Sạch thơm trong trời đất - Với tùng mây bốn mùa” (Ngô ái Mạnh Phu tử - Phong lưu thiên hạ văn - Hồng nhan khí hiên miện - Bạch thủ ngoạ tùng vân - Túy nguyệt tần trung thánh - Mê hoa bất sự quân - Cao sơn an khả ngưỡng- Đồ thử ấp thanh phân); hay là bài “Hỏi đáp trong núi”: “Hỏi sao chọn chốn non xanh- Ta cười không nói, lòng thanh thản lòng - Kìa hoa đào cùng theo dòng - Sang trời khác, chẳng ở chung với đời” (Vấn dư hà sự thê bích san - Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn - Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ - Biệt hữu thiên địa phi nhân gian).

Cái hướng cuối cùng mà ông chọn, chính là hướng mà Trương Lương, Phạm Lãi, Tạ Diểu, Đào Uyên Minh, Mạnh Hạo Nhiên... đã chọn.


Thi tiên

Chọn rồi, thì ung dung tự tại; thì phong, hoa, tuyết, nguyệt; thì làm bạn tốt, làm tài tử - thi nhân; thì cợt đùa - cảm thán khi gặp gỡ - tiễn biệt; thì tức cảnh sinh tình; lúc hoài cổ, khi xuất khẩu vịnh cảnh nhãn tiền; khi suy nghĩ gần xa mà nhả ngọc phun châu, mà phơi bày tâm dạ của bậc thiên tài tao nhân mặc khách:

“Nâng bầu rượu, ừ ta nghèo đói - Cầm nắm nem vui với bạn bè - Người tiên còn sợ nỗi gì - Lần xem vẻ thực trong ly rượu nồng” (Đề hồ mạc từ bần - Thủ tửu hội tứ lân - Tiên nhân thù hoảng hốt - Vị nhược tửu trung chân),

“Náu mình trong rượu ngọc kia - Còn hơn tất tả đi, về nhân gian” (Ẩn tửu nhập ngọc hồ - Tàng thân dĩ vi bảo), “Cuối thuyền sáo ngọc đang reo - Tiêu vàng chờ thổi còn treo đầu thuyền - Mái ngoài, ca kỹ làm duyên - Khoang trong, rượu quý chất nguyên ngàn vò” (Ngọc tiêu kim quản tọa lưỡng đầu - Mỹ tửu tồn trung trí thiên hộc - Tải kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu),

“Cùng nhau ta say mãi - Cùng nhau ta ngâm thơ” (Ẩm quân tửu - Vị quân ngâm), “Từ lâu muốn chối đường quan lộc - Về lại vườn xưa khoác áo xưa” (Cửu từ vinh lộc toại sơ y), “Rừng sẽ trùm cung cấm - Hươu nai đầy đài cao - Bụi vàng chôn thành quách - Người xưa đâu thấy nào - Bụi vàng chôn thành quách - Không uống, còn ra sao” (Cức sinh Thạch Hổ điện - Lộc tẩu Cô Tô đài - Tự cổ đế vương trạch - Thành khuyết bế hoàng ai - Quân nhược bất ẩm tửu - Tích nhân an tại tai).

Ông bảo: “Trời đất đã nhiều phen nghiêng chén - Ta say mèm chẳng thẹn cùng ai - Thánh nhân thích rượu mới hay - Hiền nhân say tít cung mây càng hiền - Thì phải ước thần tiên chi nữa - Thánh với hiền đã đủ thần tiên - Một ly hợp lẽ tự nhiên - Ba ly đạo lớn thông lên tận trời” (Thiên địa ký ái tửu - Ái tửu bất quý thiên - Dĩ văn thanh tỷ thánh - Phục đạo trọc như hiền - Hiền thánh ký dĩ ẩm - Hà tất cầu thần tiên - Tam bôi thông đại đạo - Nhất đẩu hợp tự nhiên).

Ông cũng nói: “Say không còn trời đất - Ôm gối nằm lẻ loi - Thân này như chẳng có - Thế mới là thậm vui” (Túy hậu thất thiên địa - Ngột nhiên tựu cô chẩm - Bất tri hữu ngô thân - Thử lạc tối vi thậm), “Lúc sống mà không uống - Danh hão nào hơn ai - Ta có cua và rượu - Thế là thành Bồng Lai” (Đương đại bất lạc ẩm - Hư danh an dụng tai - Giải ngao tức kim dịch - Tao khâu thị Bồng Lai),

“Ta thường ngày say khướt - Nằm ngoài hiên ngủ khì” (Sở dĩ trung nhật túy - Đồi nhiên ngọa tiền doanh), “Ta bên nhau hoan hỷ - Rượu ngon cùng nâng mời - Gió ngàn thông, hát mãi - Sao trên trời dần vơi - Ta say, bạn vui vẻ- Bên nhau quên sự đời” (Hoan ngôn đắc sở khế - Mỹ tửu tiêu cộng huy - Trường ca ngâm tùng phong - Khúc tận tinh hà hy - Ngã túy quân phục lạc - Đào nhiên cộng vong ky).


Bài thơ nổi tiếng “Tương tiến tửu” chính là bài điển hình cho cách uống rượu tiêu sầu của ông.

Ở đây cần phải nói rõ, rượu, đối với Lý Bạch, là để tiêu nỗi “sầu vạn cổ”; cũng là vì ông thấy: “Từ thời Kiến An lại đây - Đã không còn sang như cũ”; vì “mộng Trương Lương” không thành; vì: “Tâm can giãi cùng ai đây?”; vì: “Ngàn năm trăng vẫn một vầng - Ngàn năm người vẫn như dòng nước trôi”; vì: “Ta cầm lòng chẳng được - Lại đành ngồi nghiêng be - Hát vang chờ trăng sáng - Buồn xưa thôi không về”; cả vì rằng: “Ai cũng tìm nơi nương tựa - Riêng ta một mình tái tê”...;

rồi lại vì rằng: “Ngẩng đầu, trăng sáng trên kia - Cúi đầu, dạ đã tìm về cố hương”; vì rằng: “Vầng trăng chiếu xuống Tây Thi ngày trước - Nay chỉ còn thầm rọi xuống Tây Giang”; vì rằng: “Cái nơi ruột xé gan bào - Là nơi tiễn khách, là Lao Lao đình”; vì rằng: “Tóc trắng dài ba ngàn trượng - Sầu ta cũng dài lê thê”; vì rằng: “Mộ nàng đẫm giọt thương đau - Là bao nhiêu lệ đời sau khóc nàng”;

vì rằng: “Tháng ba, thành Hàm Dương - Bụi chiến tranh trùm khắp - Dân trong thành kêu trời - Sương trắng phơi lăn lóc - Máu người pha đỏ sóng - Dưới chân cầu Thiên Tân”; vì rằng: “Đất trời sẽ chẳng còn nguyên - Tháng ngày rồi cũng cạn trên vai người”; vì rằng: “Đất trời như quán trọ kia - Ta như hòn cuội lăn đi giữa đời”;

vì rằng: “Hỏi ai ngàn tuổi trên đời - Hay là chen chúc một thời, rồi đi?”; vì rằng: “Nhớ anh như nước trên sông Vấn - Tràn đi tìm bạn cuối trời nam”; vì rằng: “Tỉnh, e miệng thế chê cười - Chỉ mong được suốt một đời say sưa”; vì rằng: “Vẫy tay giã biệt từ đây - Buồn thương tiếng ngựa chiều nay lìa đàn”;

vì rằng: “Mộng dài, đèn tắt, trăng tà - Mộng dài mới biết đường xa ngàn trùng - Kìa ai lên núi trông chồng - Thân thành ra đá chồng không thấy về”; vì rằng: “Chàng đi núi thẳm sông đầy - Thiếp mười sáu tuổi khoanh tay đợi chồng”; vì rằng: “Thiếp, chàng nay như nước - Rẽ đôi dòng đông, tây”;

vì rằng: “Dâu vò dạ nhớ quanh năm - Cỏ kia thì cũng bao lần thở than”; vì rằng: “Hương xưa thì vẫn còn đây - Người xưa nước nước, mây mây chẳng về”; vì rằng: “Soi vào trong gương cũ - Đã mòn bao hồng nhan - Rồi khi chàng trở lại - Biết nói sao với chàng”; vì rằng: “Mình ta còn lại bên dòng - Chỉ nghe tiếng hát mà không thấy người”; vì rằng: “Đợi người, người chẳng về đây - Ngõ hoa lặng lẽ rơi đầy hoa rơi”;

vì rằng: “Chim đàn bay hết lên xanh thẳm - Một thức mây nhàn lẻ loi trôi”, “Mây trắng trên đầu tan lại hợp”, “Trời mây huy hoàng thế - Mà người xa mịt mù”, “Nghe lời bẻ liễu trong đêm - Lòng nào không chạnh nỗi niềm cố hương”, “Truyện còn kể với muôn thu - Dám xem cái chết nhẹ như lông hồng”;

lại vì rằng: “Nước đổ từ ba ngàn thước xuống - Như thể sông Ngân gãy giữa trời”, “Động Đình, trăng ngả sang tây - Tiêu Tương, hạc sớm theo bầy về nam”, “Mắt kẻ lưu đày ôm trời lạ - Bãi dài trăng lẻ để cho ai?”, “Tương tư, biết bao giờ tương kiến”; lại vì rằng: “Trời cũng khoanh tay mà bái phục - Lên trời không khó bằng sang Thục”.v.v... và v.v...; tức là cũng vì bao nhiêu nỗi buồn vui đời thường, vì bao nhiêu nỗi yêu mến và ngạc nhiên trước thiên nhiên tráng lệ. Tóm lại là vì: “Không uống, còn ra sao?”.

Thiên tài Lý Bạch đã làm cho rượu thêm vinh dự, chứ không phải rượu làm nên Lý Bạch. Còn những kẻ phàm phu tục tử, “giang hồ vặt”, lấy chính rượu làm... rượu, uống chỉ để... uống, thì chả có liên quan gì đến Lý Bạch, thì không có gì để bàn nữa!

Biết hết, vô cùng cao ngạo và cao đạo; khinh tiền bạc, xe mũ, thói tục, vinh hoa như cỏ rác; mà thơ không hề miệt thị, khinh bạc; yêu cái đẹp và con người đến cùng (Ký viễn, Xuân tứ, Tặng nội, Bạch đầu ngâm, Thiếp bạc mệnh, Cửu biệt ly, Song yến ly, Ngô vương vũ nhân bán túy, Việt nữ từ, Vương Chiêu Quân, Thanh bình điệu, Khuê tình, Trường Can hành, Oán tình...), mà thơ không một lời tầm thường, thô tục; thì người ấy, chỉ có thể là... Lý Bạch!

Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị làm tôi càng thêm yêu quý Đường thi. Bên cạnh ba ngôi sao lớn này, các nhà thơ khác thời Đường cũng mang tên tuổi mình rắc thêm vào bầu trời Đường thi, làm cho nó hóa Thiên hà.


Người ta thường gọi Lý Bạch là “Tiên thi”, Đỗ Phủ là “Thánh thi”, Bạch Cư Dị là một thi sĩ lớn nặng lòng với nhân tâm. Nhưng thực ra, “Tiên thi”, “Thánh thi” mà không nặng lòng với nhân tâm thì thơ cũng khó có thể sống lâu đến như thế.

Sách Trung Hoa còn có một cách giải thích khác, hẹp hơn: Vì Lý Bạch nghiêng về Đạo Lão; thích ẩn dật, phóng túng, tiêu dao; ưa tiên thuật, nên ông là đại diện của các nhà thơ thích tu tiên, vì thế mà được gọi là “Tiên thi”. Còn Đỗ Phủ được gọi là “Thánh thi” vì ông trung thành với Khổng giáo, với đạo “Thánh hiền”. Nhưng hãy nghe Hồ Thích, một nhà phê bình nổi tiếng của Trung Hoa, nói về Lý Bạch: “Nhạc phủ ca từ xuất tự dân gian, nhưng đến tay Lý Bạch thì bay lên trời”.

Thơ mà “bay lên trời” được, thì người thơ thành “Tiên thi” cũng không có gì là lạ.

(*) Những câu thơ của Lý Bạch được trích dẫn ở đây, là do người viết bài này khởi dịch.

Đỗ Trung Lai / Theo: laodong

NGƯỜI XƯA DẶN "NGHÈO KHÓ GẶP BA NGƯỜI, SẼ MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG", Ý CHỈ 3 KIỂU NGƯỜI NÀO?

Người xưa thường nói “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, bạn bè nhân phẩm tốt hay xấu, không chỉ phản ánh trình độ, sự tu dưỡng và đức hạnh của một người, mà còn giúp dự đoán trước được vận mệnh, tương lai phúc họa sau này.

Bạn bè nhân phẩm tốt hay xấu có thể phản ánh trình độ, sự tu dưỡng và đức hạnh của một người. (Ảnh: News)

Có câu tục ngữ “Nghèo khó gặp ba người, sẽ mã đáo thành công”, hiểu nôm na là khi nghèo khó khốn cùng nếu may mắn được gặp gỡ và kết bạn với 3 kiểu người này, thì sự nghiệp liền thăng tiến, tai họa sẽ tránh xa.

Vậy nên “ba người” trong câu tục ngữ trên cũng có thể hiểu là 3 quý nhân trong đời mỗi người, nếu gặp được thì đều nên trân quý, đó là:

Người chính trực

Với kiểu người chính trực, họ sẽ không vì cường quyền mà sợ hãi, cũng không vì tài năng xuất chúng, năng lực nổi trội của bản thân mà khinh thường người khác, trong tâm của họ luôn tồn tại một chuẩn tắc đối nhân xử thế, làm người cũng như làm việc.

Họ cho dù có gặp phải chuyện gì đi nữa, đều sẽ dựa vào nguyên tắc của mình để giải quyết vấn đề. Và dù cho có làm sai, thì họ vẫn là dám làm dám chịu, sẽ không trốn tránh trách nhiệm.

Người chính trực nội tâm của họ cũng vô cùng tĩnh tại, dù cho có đạt được thành tựu vô số, bọn họ đều chỉ thản nhiên cười xòa bỏ qua, không thích khoe khoang, cũng không kiêu ngạo tự mãn. Kiểu người này bất kể là ở giai tầng nào, dù là giàu sang hay nghèo khó, thì đều sẽ được người người tôn kính.

Người chính trực nội tâm của họ cũng vô cùng tĩnh tại. (Ảnh minh họa qua Internet)

Nếu ai có duyên được gặp gỡ, kết giao với kiểu người này, thì trong cuộc sống hàng ngày và sự nghiệp sau này của bản thân đều sẽ thu được lợi ích.

Vậy nhưng trong xã hội vội vã ngày nay, kiểu người chính trực này rất khó kiếm, nếu ai may mắn gặp được kiểu người này, nhất định phải biết quý trọng. Bởi vào thời điểm bạn hoang mang nhất, họ có thể chỉ ra sai lầm cho bạn, giúp bạn có thêm dũng khí tiếp tục bước đi trên con đường của bản thân.

Người thành tín

Từ xưa đến nay, thành tín luôn là phẩm chất mà mỗi người đều coi trọng. Người giữ lòng trung thực và chữ tín mới được người khác tín nhiệm, lãnh đạo mới tin tưởng sẵn sàng đem nhiệm vụ giao phó cho họ.

Tuy nhiên, ngày nay, rất nhiều người thiếu mất đức tính này, họ đa số đều nghĩ đến lợi ích của bản thân, nếu thấy lợi ích trước mắt của mình có thể bị tổn hại, họ sẽ không ngại ngần mà thất tín với người khác. Vậy nhưng vì tính ích kỷ của mình nên cuối cùng đa phần họ đều sẽ bị người đời khinh bỉ, chẳng ai dám đặt niềm tin vào họ thêm một lần nào nữa.

Trong xã hội ngày nay, nếu không có người sẵn lòng tin tưởng bạn, vậy thì đừng than là bản thân mãi cứ dậm chân tại chỗ, sự nghiệp không thể thăng tiến, bởi người tuân thủ nguyên tắc thành tín sẽ được mọi người tán dương và tín nhiệm, tất cả mọi người đều sẵn lòng kết giao với họ, giúp đỡ họ.

Nếu ai gặp được kiểu người này thì cũng phải quý trọng họ, vì có được một người bạn như vậy, bạn mới có thể thoải mái mở rộng lòng, hơn nữa họ cũng đáng là người mà bạn có thể tin tưởng, dựa vào lúc gặp phải khó khăn.

Người có tri thức uyên bác

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều muốn bản thân trở lên ưu tú hơn, nhưng tài năng đến đâu thì cũng đều có hạn, nếu bạn có thể gặp một người nào đó có tri thức uyên bác, người từng trải với kinh nghiệm phong phú, vậy thì tầm mắt của bạn sẽ được mở rộng hơn… Nếu có thể được kiểu người này chỉ dạy, con đường thăng tiến của bạn sẽ càng thênh thang hơn.

Gặp một người nào đó có tri thức uyên bác, người từng trải với kinh nghiệm phong phú, thì tầm mắt của bạn sẽ được mở rộng hơn. (Ảnh minh họa qua Internet)

Trên đây là 3 kiểu người được nhắc đến trong câu tục ngữ “Nghèo khó gặp ba người, sẽ mã đáo thành công”, nhưng nếu bạn được gặp gỡ và kết giao với chỉ 1 trong 3 kiểu người trên thì đã là điều rất may mắn rồi. Nếu có thể kết giao với cả 3 kiểu người này thì họ chính là những tri kỷ, quý nhân trong đời của bạn.

Nhiệt Bạch / Theo: Tinh Hoa

NÚI TRƯỜNG BẠCH "SINH RA" TỔ TIÊN MÃN THANH, CÓ THỦY QUÁI BÍ ẨN

Nhắc tới dãy núi Trường Bạch, chắc hẳn nhiều độc giả của Đạo Mộ Bút Ký sẽ nhớ tới ước hẹn mười năm của Ngô Tà và Muộn Du Bình.


Không phải chỉ trong tác phẩm nổi tiếng như Đạo Mộ Bút Ký mới nhắc tới dãy Trường Bạch, mà dân gian Trung Quốc cũng có vô vàn những tác phẩm và câu chuyện truyền miệng đầy thần bí về dãy núi này.

Nhưng các bạn có biết tại sao dù là trong văn học hay là ở ngoài đời thật, dãy Trường Bạch vẫn được khoác lên mình tấm áo huyền bí như vậy không?


Núi Trường Bạch vào thời cổ đại được xưng là núi Bất Hàm. Sách Sơn Hải Kinh – bộ sách địa lý đầu tiên ở Trung Quốc từng ghi chép về ngọn núi này như sau: “Giữa vùng hoang vu, có ngọn núi tên Bất Hàm, trên ngọn núi có quốc gia của người Túc Thận”. Bởi vì Trắng như muối lại không mặn như muối nên có tên Bất Hàm, ngoài ra từ "Hàm" còn được lấy từ quẻ Hàm trong Kinh Dịch, nên núi Bất Hàm còn có nghĩa là ngọn núi có thần linh.

Những dân tộc thiểu số cư trú ở vùng Đông Bắc như Túc Thận, Ốc Tự, Uế Mạch, Phù Dư, Tiên Bi, Cao Câu Lệ, Mông Cổ, Khiết Đan,… đều cực kì kính ngưỡng và thần hoá ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc này. Không ít truyền thuyết, thần thoại về các thiên nữ không hoài thai mà sinh con đều được ghép cho thần linh trên núi, cũng từ đó núi Trường Bạch còn được biết đến với danh xưng núi Tiên.

Từ thời Hán kéo dài đến tận thời Nguỵ Tấn, dãy Trường Bạch có rất nhiều tên gọi khác như núi Đồ Thái, núi Thái Bạch, núi Thái Hoàng,…

Mãi tới khi tộc Khiết Đan và tộc Nữ Chân đóng đô ở Trung Nguyên, thành lập vương triều nhà Liêu, vương triều nhà Kim, mới thống nhất cách gọi ngọn núi là Trường Bạch.

Núi lửa ngủ say


Xuyên suốt dòng chảy lịch sử ở Trung Quốc, dãy núi Trường Bạch từng có không ít lần phun trào. Theo tư liệu ghi lại bắt đầu từ khoảng 2500 năm trước công nguyên đến ngày nay, dãy núi đã trải qua 4 lần phun trào lớn, một lượng lớn dung nham bazan từ tận sâu trong vỏ Trái Đất trào ra ngoài; trong lần hoạt động thứ 4 của mình, những vật chất nó phun ra phải cao đến hơn 200 mét. Đồng thời quanh miệng núi lửa chính, còn có một vài miệng núi lửa nhỏ hơn.

Lần gần nhất nó phun trào là vào năm 1702 – thời trị vì của vua Khang Hi nhà Thanh.


Từ đó đến nay dãy Trường Bạch vẫn đắm mình trong giấc ngủ say. Vì từng phun trào và có lượng lớn dung nham nguội lạnh tạo thành những hình thù kỳ quái, nó đã thu hút không ít các nhà thám hiểm và những người có tinh thần mạo hiểm đến tìm hiểu.

Vương triều Nữ Chân xem núi Trường Bạch như cái nôi

Trong lịch sử Trung Quốc người Mãn là một dân tộc vô cùng đặc biệt, họ từng được biết đến với vô vàn những cái tên như: Túc Thận, Ấp Lâu, Vật Cát, Mạt, Nữ Chân, Mãn,… Dân tộc này có khởi nguồn từ vùng "bạch sơn hắc thuỷ", cũng tức là dãy Trường Bạch ngày nay. Đây cũng chính là dân tộc từng thành lập vương triều nhà Kim và triều Thanh thống lĩnh cả Trung Nguyên.


Ngay từ khi bắt đầu dân tộc này vẫn luôn cho rằng dãy Trường Bạch là cái nôi của mình, thường xuyên quỳ bái ngọn núi, mong thần linh có thể phù hộ cho quốc thái dân an, đế quốc trường tồn, hưng thịnh mãi mãi.

Kim Thế Tông Hoàn Nhan Ung sau khi đăng cơ không lâu đã hạ chiếu sắc phong núi Trường Bạch là Hưng Quốc Linh Ứng Vương, cũng lệnh cho các văn nhân ở Hàn Lâm Viện biên soạn một bài chiếu sắc phong, cả bài chiếu đều là khen ngợi và thần hoá ngọn núi.

Đến năm 1172 sau công nguyên, ông hạ lệnh xây thần miếu Linh Ứng Vương ở phía sườn phía bắc ngọn núi, dẫn theo thần dân và lễ vật cũng như phần chiếu sắc phong đến làm lễ tế.


Những năm sau đó ông càng thêm kính ngưỡng ngọn núi, cho rằng thần tiên trên ngọn núi đã hạ phàm để trợ giúp dân tộc Nữ Chân tấn công nước Liêu, bình định Bắc Tống, đánh vào kinh thành Nam Tống.

Đến thời Kim Chương Tông Hoàn Nhan Cảnh, ông tấn phong núi Trường Bạch là Khai Thiên Hoành Thánh Đế, đưa ngọn núi thần hoá lên ngang tầm Ngọc Đế trên trời và Hoàng Đế Hoa Vi dưới đất, ngang hàng với Hoằng Trị Thánh Đế - hoàng đế khai quốc của triều nhà Kim.

Triều Thanh tôn sùng dãy Trường Bạch là vùng núi tiên

Vương triều phong kiến gần sát thời hiện đại nhất là triều Thanh. Vào thời kì này, các hoàng đế cúng bái núi Trường Bạch như thần tiên, xem nó như nơi mang đến điềm lành cho Thánh Tổ, tôn núi Trường Bạch thành thần núi Trường Bạch.

Thậm chí trong hầu hết các điển tích quan trọng ở triều Thành đều ghi chép lại rằng: tiên nữ đã ăn nhầm quả chu trên núi Trường Bạch rồi sinh ra tổ tiên dòng họ Ái Tân Giác La.


Họ cho xây dựng hệ thống kênh đào bằng liễu và đóng cửa dãy Trường Bạch, xưng nơi này là thánh địa, cấm người dân vào núi chăn thả, săn bắn và hái sâm. Các hoàng đế triều Thanh như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, đều từng tự mình đến núi Trường Bạch hiến tế tổ tiên, thậm chí còn xây vọng thành gần đó để tế điện sơn thần trong núi.


Năm Càn Long thứ 19 (công nguyên năm 1754), Càn Long đi tuần Cát Lâm, từng tự mình đến vọng thành ở Ôn Đức Hanh tổ chức lễ tế sơn thần núi Trường Bạch. Ông cũng từng sáng tác rất nhiều bài thơ về ngọn núi này như Vọng Trường Bạch Sơn, Tế Cáo Trường Bạch Sơn Văn,…

Thuỷ quái trong Thiên Trì ở núi Trường Bạch

Khắp nơi trên thế giới đều có truyền thuyết về những con thuỷ quái, truyền thuyết về thuỷ quái ở Thiên Trì trên núi Trường Bạch thuộc loại khá ly kì. Bắt đầu từ năm 1702 đến nay truyền thuyết này ngày càng nhiều, có vô số báo cáo cho rằng thuỷ quái từng xuất hiện, nhưng chưa một ai tận mắt nhìn thấy nó.

Vô số người mộ danh mà đến rồi lại thất bại ra về.

Tháng 8 năm 1976, một nhóm du khách đang cắm trại bên Thiên Trì đột nhiên nhìn thấy có thứ gì đó trong như gấu ngựa với bộ lông màu đen và thân thể kì quái. Con quái vật nằm sấp trên một tảng đá lởm chởm, hai mắt sáng quắc nhìn về phía nhóm du khách. Khi nghe tiếng kêu la hoảng sợ, nó lập tức nhảy xuống nước biến mất.


Đây cũng là lần đầu tiên có người nhìn thấy thuỷ quái ở Thiên Trì, từ đó về sau lần lượt những bức ảnh chụp được cho là thuỷ quái được công bố rộng rãi.

Tuy vậy sự tồn tại của thuỷ quái Thiên Trì đến nay vẫn là bí ẩn với các nhà khoa học.

Nhưng sau một thời gian dài bị chính sách phong toả, sự thần hoá và tôn sùng của các hoàng đế dưới thời đại nhà Thanh cộng thêm những câu chuyện đầy mơ hồ về thuỷ quái ở Thiên Trì đã khoác lên dãy Trường Bạch chiếc áo huyền bí trường tồn với thời gian.

Thanh Yên / Theo: Dân Việt



BI HÀI CHUYỆN NHỮNG BỨC TƯỢNG NỔI TIẾNG BỊ SỜ PHẦN "NHẠY CẢM" ĐẾN NHẴN BÓNG

Nếu như "phần nhạy cảm" trên bức tượng bằng đồng của nhà báo nổi tiếng người Pháp bị sờ đến nhẵn thín, thì phần bờ môi, mũi và cằm của tượng cũng sáng bóng do du khách thường xuyên vuốt ve.

Pho tượng bằng đồng mô phỏng nhà báo nổi tiếng Victor Noir (1852-1870).

Vì rất nhiều lý do khiến một số bức tượng nổi tiếng trên thế giới rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười". Đó là cảnh tượng "bộ phận nhạy cảm" của tượng bị khách thập phương sờ mó nhiều đến mức nhẵn bóng.

Một trong những bức tượng bị "quấy rối" nhiều nhất nước Pháp phải kể tới pho tượng bằng đồng mô phỏng nhà báo nổi tiếng Victor Noir (1852-1870).

Sau một trận đấu súng tay đôi, nhà báo Victor mất khi tuổi còn trẻ. Lễ tang của ông ước tính có khoảng 100.000 người tham dự. Ông được an táng tại nghĩa trang Père Lachaise ở thủ đô Paris. Đây còn là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều nhân vật nổi tiếng nước Pháp. 

Phía trên tấm bia mộ của Victor là bức tượng bằng đồng đen tạc hình chân dung lúc sinh thời. Thay vì tượng đứng, nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp - Amed Jules Dalou đã thiết kế để ông trong tư thế nằm khá thoải mái, với đôi môi hé mở, một phần áo khoác phanh rộng, tay buông lỏng và quần không cài nút. Đáng chú ý hơn cả là "phần nhạy cảm" của bức tượng được điêu khắc nổi lên khá rõ trên bề mặt.

Thời gian trôi qua, bức tượng đồng đen dần ngả sang màu xanh xám do bị oxy hóa. Tuy nhiên, một vài vị trí trên cơ thể ông luôn ở tình trạng sáng bóng do thường xuyên được các vị khách tới vuốt ve hoặc đặt lên đó nụ hôn. Đó là bờ môi, cằm, mũi và "bộ phận nhạy cảm" phía dưới.

Du khách chạm tay vào "phần nhạy cảm" của tượng mô phỏng nhà báo Victor (Ảnh cắt từ clip).

Từ câu chuyện được đồn thổi, khi tới thăm mộ của Victor Noir, chỉ cần chạm môi lên tượng và xoa tay vào vị trí "đặc biệt" bên dưới, các quý cô sẽ sớm có tin vui về con cái hoặc thậm chí cải thiện cuộc sống phòng the, nên nhiều người đã tin là thật.

Chính vì niềm tin này, rất đông du khách tới thăm viếng không quên đặt hoa tươi lên mũ bức tượng như lời cảm ơn rồi thực hiện "nghi lễ".

Do lo ngại bức tượng sẽ bị mất đi vẻ đẹp vốn có, vào tháng 10/2004, chính quyền thành phố quyết định xây dựng một hàng rào xung quanh công trình.

Tuy nhiên, điều này lại vấp phải sự phản đối của nhiều người, trong đó đa số là phụ nữ. Các cuộc biểu tình nổ ra khiến chính quyền phải cho tháo dỡ rào chắn không lâu sau đó.

Ngày nay, du khách khi viếng thăm nghĩa trang Père Lachaise thường không quên tới phần mộ của Victor Noir để một lần sờ vào bức tượng đồng.

Tương tự như vậy, bức tượng đồng mô phỏng nàng Juliet trong chuyện tình lãng mạn Romeo và Juliet của đại văn hào người Anh William Shakespeare cũng được du khách ở khắp nơi dành nhiều tình cảm.

Du khách hào hứng chạm tay vào bầu ngực của bức tượng (Ảnh: News).

Dù chuyện tình này chỉ là giả tưởng nhưng điều này không ngăn được hàng trăm nghìn du khách tìm về thành phố Verona, Italia - nơi có Casa di Giulietta hay "ngôi nhà của Juliet".

Đó là căn nhà với ban công "tình yêu" mà người ta vẫn tin là nơi nàng Juliet tựa mình nhìn xuống khi chàng Romeo ngỏ lời yêu. Trong nhiều thế kỷ qua, ngôi nhà đã trở thành biểu tượng tình yêu lãng mạn của thành phố Verona.

Ngoài ban công tình yêu, bức tượng Juliet bằng đồng để ở khu sân vườn là nơi được nhiều du khách ghé thăm nhất. Ban đầu, bức tượng gốc dựng vào năm 1972 với bầu ngực bên phải có vết nứt và nhẵn do nhiều bàn tay sờ chạm.

Theo lời kể lại, với những ai từng thất bại trong tình yêu, chạm tay vào ngực phải bức tượng đồng được xem là mang lại nhiều may mắn hoặc sớm tìm được duyên mới đích thực trong đời.


Đây cũng là nơi các cặp tình nhân hay vợ chồng mới cưới tìm tới. Họ sẽ không rời đi nếu chưa có bức hình chụp cùng bàn tay đặt lên bầu ngực tượng đồng.

Tuy nhiên tới năm 2014, chính quyền thành phố quyết định di dời bức tượng thật đưa vào viện bảo tàng để bảo vệ. Thay vào đó, khu vườn của ngôi nhà được đặt một bức tượng khác là bản sao, có giá 20.000 Euro.

"Bức tượng có dấu hiệu hư hỏng do bị du khách sờ nhiều nên chúng tôi quyết định đưa đi chỗ an toàn hơn", một đại diện từ hội đồng thành phố Verona cho biết.

Và mới đây, hội đồng thành phố Dublin ở Ireland phải xem xét thực hiện biện pháp bảo vệ bức tượng đồng Molly Malone nổi tiếng khỏi bị hư hại trước những tác động từ khách du lịch.

Bức tượng nàng Molly Malone với phần bầu ngực bị hoen ố (Ảnh: Idaikea).

Được biết, đây vốn là một bức tượng bằng đồng mô phỏng nữ anh hùng dân gian tại địa phương. Từ lâu nơi này trở thành điểm đến nổi tiếng của du khách khi tới thành phố. Thông thường, khách thích chụp ảnh tạo dáng cùng bức tượng, sau đó sẽ chạm tay vào phần bầu ngực để cầu may.

Kết quả sau một thời gian dài, một phần bức tượng bị hoen ố theo thời gian. Nhằm bảo vệ tác phẩm, trước mắt hội đồng thành phố đã lên kế hoạch tiến hành sửa chữa và đưa ra quy chế bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Huy Hoàng / Theo: Dân Trí