Friday, June 30, 2023

BÍ ẨN VÙNG CẤM ĐỊA CHẾT CHÓC, CHỨA NHIỀU HUYỀN BÍ, NƠI KHÔNG AI DÁM ĐẶT CHÂN ĐẾN Ở TRUNG QUỐC

Nằm ở phía Đông Nam Tân Cương, Lop Nur (罗布泊 La Bố Bạc) từng là hồ nước mặn lớn thứ hai Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đã khô cạn hoàn toàn từ khoảng 1.500 năm trước, hòa mình vào sa mạc Gobi.

Lop Nur (罗布泊 La Bố Bạc)
Tương truyền, ở Lop Nur có cất giấu kho báu cổ của người Lâu Lan thu hút vô số dân buôn đồ cổ, những người ưa khám phá đến tìm kiếm bảo vật. Nhưng tất cả đều một đi không trở lại. Bởi vậy, Lop Nur từng được mệnh danh là "Biển Chết".

Có ai ngờ rằng, Lop Nur vốn khô cằn hàng nghìn năm cùng với những xác muối cứng nhọn có thể chọc thủng bất cứ bật gì ấy nay không còn là cấm địa chết chóc. Hóa ra, nước đã trở lại Lop Nur, nuôi sống hàng trăm triệu người Trung Quốc. Điều gì đã xảy ra với Lop Nur?

Nhìn từ vệ tinh, lòng chảo Lop Nur giống như hình tai người.
Lop Nur là nơi bất cứ ai cũng phải kinh sợ

Khi nhắc đến Lop Nur, người ta nghĩ đến đại mạc khô cằn. Bên cạnh đó, nhiều người còn nhớ đến bí ẩn truyền kỳ lâu đời, đó là ngọc bội Song Ngư. Việc nhiều cuốn tiểu thuyết giả tưởng dựa vào sự kiện có thật để viết, nhiều người tin rằng ngọc bội Song Ngư có thể "sao chép" nhân đôi đồ vật là có thật. Sau nhiều cuộc điều tra bác bỏ, đồn đoán về "cánh cửa thời gian" ngọc bội Song Ngư là giả. Nhưng cái chết của nhà khoa học Bành Gia Mộc là thật.

Có thông tin cho rằng, vào những năm 1970, người dân khu vực Lop Nur ăn phải một loại thực vật địa phương, giống cây ma hoàng nên hình thành nhiều triệu chứng ngộ độc. Năm 1980, nhà nước tổ chức một đoàn chuyên gia đến Lop Nur để khảo sát.

Năm 1980, nhà khoa học Bành Gia Mộc cùng đoàn thám hiểm đến Lop Nur khảo sát và ông mất tích từ đó.
Lop Nur chào đón bất cứ người nào ghé thăm là sự heo hút hoang vắng đến rợn người. Nhiệt độ ở đây trên 40 độ C vào mùa hè và âm dưới 20 độ C vào mùa đông. Lượng mưa hàng năm ít ỏi đến đáng thương vào khoảng 20mm.

Đặc biệt, ở đây luôn có gió mạnh. Hơn 2 tháng trong năm sẽ có gió giật cấp 8. Gió mạnh cuốn cát đá bay tứ phía, khiến người ta còn không nhìn rõ bầu trời chứ đừng nói đến con người. Ngay cả lạc đà, được gọi là "con thuyền của sa mạc" cũng rất khó sống ở đây.

Lop Nur bị sa mạc hóa, đến lạc đà còn khó sống nổi.
Trở về 300 năm trước, Lop Nur không khô cằn như ngày nay, hồ vẫn có diện tích khoảng 3.000km2 đo vào năm 1942. Nhưng đến năm 1970, hồ đã hoàn toàn biến mất, trở thành sa mạc như bây giờ. Sau này, nhiều đoàn thám hiểm đã mang theo các thiết bị tân tiến bước vào Lop Nur khám phá. Nhiều người đã không trở về, trong đó có nhà khoa học nổi tiếng Bành Gia Mộc.

Địa hình ở Lop Nur chủ yếu là những gò yardang bị phong hóa bởi gió cát, nhiệt độ khắc nghiệt vô cùng.
Từ thời cổ, người ta đã hy vọng có thể tìm được bảo vật - kho báu huyền thoại của người Lâu Lan ở Lop Nur. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn tìm thấy bộ xương người ở Lop Nur. Bởi nơi ấy như một cái phễu hút người, ai vào rồi đều không trở lại.

Tàn tích thành cổ Lâu Lan ở Lop Nur

Khoảng 2.000 năm trước, Lop Nur từng là hồ nước mặn lớn thứ 2 trên thế giới. Thời ấy, Lop Nur đích thực là nơi vượng khí thích hợp cho con người sinh sống. Người Lâu Lan cổ đại đã sống tại đây. Do khí hậu biến đổi cùng nhiều lý do khác, đất nước cổ đại từng trù phú ấy biến mất trong dòng chảy lịch sử.

Lâu Lan không còn, Lop Nur cũng dần trôi vào quên lãng. Nhưng nhiều năm trở lại đây, vùng đất được mệnh danh là "Tai của Trái đất" này lại có nhiều thay đổi đáng kể.

Di tích thành cổ Lâu Lan là nơi được nhiều người chú ý và khao khát tìm kiếm cổ vật.
Lop Nur nằm trong lòng chảo Tarim, gần với phía đông sa mạc, là trung tâm khu vực thịnh vượng của Lâu Lan. Là hồ nước lớn, mọi sự thịnh vượng và văn minh phát triển của Lâu Lan đều được ghi dấu nhờ đó.

Thời cổ đại, khi còn là hồ nước mặn, Lop Nur từng là một nơi xinh đẹp. Trong thời đại hoàng kim của mình, được ghi lại trong Hán thư rằng, diện nước của nó lên tới 5.000km2, hoàn toàn đánh bại các hồ nước ngọt hiện nay của Trung Quốc.

Không may, một số con sông thay đổi dòng chảy, Lop Nur cuối cùng khô cạn. Thật khó để nó tái tạo được vinh quang của mình như trước kia. Chỉ nổi tiếng là nơi tồn tại nhiều điều ma quái, kỳ dị và từng là nơi sinh sống của người Lâu Lan cổ đại mà thôi.

Cho đến thứ kỷ III SCN, Lop Nur vẫn là nơi dồi dào cây cỏ và đầy nước.
Lịch sử của Lop Nur luôn gắn chặt với quốc gia cổ đại Lâu Lan. Theo truyền thuyết, khi Trương Khiên đi sứ sang Tây Vực, nhìn thấy quanh Lop Nur có chăn thả gia súc, có người đi bè trên hồ và đánh cá.

Theo các ghi chép cổ, nước của sông Tarim, sông Khổng Tước cùng các sông khác chảy vào Lop Nur, diện tích chỉ đứng sau hồ Thanh Hải. Đến sau thế kỷ III SCN, lượng nước giảm dần do sông đổi hướng chảy cùng với việc người Lâu Lan khai thác quá mức phá hủy hệ sinh thái của Lop Nur. Đến thế kỷ VI SCN, Lop Nur gần như khô cạn. Với sự biến mất của nó, đất nước Lâu Lan cổ đại cũng bị chôn vùi dưới lớp cát vàng.

Lop Nur hiện nay đã "hồi sinh"?

Mặc dù Lop Nur không thoát khỏi số phận khô hạn nhưng với lịch sử lâu đời gắn với đất nước Lâu Lan xinh đẹp và bí ẩn, đến bây giờ, vẫn có nhiều người bị cám dỗ bởi quá khứ ấy mà tìm về thám hiểm và du lịch ở Lop Nur. Hiện nay, Lop Nur chỉ có thể đón khách du lịch từ giữa tháng 4 đến tầm giữa tháng 10 mà thôi.

Lop Nur năm ấy khô hạn, nhưng nước không hoàn toàn bốc hơi vào không khí mà một phần thấm vào lòng đất, tích trữ ở tầng sâu. Chỉ đợi đến khi có cơ hội thích hợp sẽ "hồi sinh" lại. Có thể, lớp ngầm dưới lòng Lop Nur được kết nối với mạch ngầm của sông Tarim và sông Khổng Tước?

Sự gia tăng lượng mưa trong đất liền đang dần mang đến những dấu hiệu hồi sinh tích cực cho vùng hoang mạc này.

Thật khó để có thể nhìn lại được Lop Nur tràn trề nước như hàng nghìn năm trước.
Trong nửa thế kỷ qua, lượng nước mưa ở Tân Cương đã tăng lên được khoảng 5%. Điều này khiến cho dòng chảy của các dòng sông tăng lên, dựa vào tàn tích của hồ ban đầu, sự trữ nước dần được bổ sung.

Cần phải một chặng đường dài nữa để Lop Nur có thể tìm lại hào quang của mình. Thật khó để có thể nhìn lại được Lop Nur tràn trề nước như hàng nghìn năm trước. Bởi tình hình khí hậu biến đổi bất ổn ngày càng gia tăng, tốc độ bay hơi của nước sẽ luôn nhanh hơn tốc độ trữ nước của hồ.

Hình ảnh sông Tarim và hướng chảy.
Sự xuất hiện trở lại của nước ít ỏi nhưng đó là dấu hiệu tích cực. Và thực sự, đây không chỉ là tin vui cho Lop Nur mà còn "hồi sinh" cả cuộc sống của nhiều người dân. Tàn tích thành cổ Lâu Lan đi vào đời sống của dân theo một phiên bản khác. Nơi đây không phải là nước thường mà là nước muối giàu kali.

Nước ở Lop Nur không uống được, ngoài việc chứa nhiều thành phần độc hại thì nồng độ mặn hơn nước biển. Nước ở đây chứa các ion kim loại như natri, kali và magie. Chúng có thể được tinh chế để thu về kali clorua, kali sunfat, tất cả đều là phân bón kali tốt.


Sau nhiều nghiên cứu, có khoảng 250 triệu tấn mỏ kali ở phía Bắc Lop Nur. Nếu được khai khác chúng sẽ hỗ trợ nhiều cho nền nông nghiệp Trung Quốc không phải phụ thuộc việc đi nhập khẩu phân bón kali. Đồng thời điều này tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân.


So với phân kali nhập khẩu trước đây, phân kali sản xuất ở Lop Nur có gia thành thấp được bà con nông dân vô cùng yêu thích.

Theo: Pháp luật & bạn đọc
Link tham khảo:




HỮU DUYÊN VÔ PHẬN CŨNG ĐÀNH NGẬM NGÙI MÀ THÔI

Hữu duyên vô phận nghĩa là hai người có duyên gặp gỡ, nhưng lại không đủ ‘phận’ để có thể bên nhau trọn đời, một chút tiếc nuối, một chút ngậm ngùi.


Duyên phận là điều gì đó rất kỳ lạ, khó ai có thể nói rõ về nó. Có thể hữu duyên vô tình quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau. Có thể hòa hợp với nhau nhưng lại không thể gần nhau. Không cố ý theo đuổi thì lại được, bỏ tâm cố gắng lại chẳng thành. Cũng như câu nói: “Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”.

Có những duyên phận, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ, nhưng lại chẳng thể quên. Nó gieo cho bạn sự tiếc nuối, nhưng cũng khiến bạn cảm thán mãi không thôi. Có những phút giây say đắm như mật ngọt, cũng có những khoảnh khắc lệ ướt bờ mi. Vậy nên, điều đã mất cũng đừng tiếc nuối, điều đã lựa chọn thì phải đặt tâm, thứ đã có lại càng phải trân trọng. Duyên phận chính là hành trình gió mưa của sinh mệnh.

Mối tình dang dở của Hải Thượng Lãn Ông

Nói đến hữu duyên vô phận, chúng ta có thể kể đến mối tình dang dở của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – một đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền Việt Nam.

Hồi nhỏ, gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi cho ông một cô gái, là con gái quan Thừa ty Tham chánh ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn và về ở Hương Sơn.

Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa. Người con gái nói rằng: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ, nay còn mặt mũi nào mà lấy chồng khác”.

Hải Thượng Lãn Ông luôn day dứt mối tình dở dang thuở xưa (ảnh: Pinterest)

Lê Hữu Trác biết tin này thì trong lòng hoảng hốt: “Do mình thu xếp công việc không chu đáo, có trước chẳng có sau, khiến cho cô ta ôm hận. Mình thực là người bạc hạnh! Tội này đeo đuổi lấy mình, không biết có cách nào gỡ được”.

Về sau khi ông trở lại kinh thành để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, thì một ngày nọ có hai vị sư bà đến chỗ ông trọ nói rằng, ở chùa Huê Cầu đang đúc chuông lớn nhưng công quả chưa thành nên họ lên kinh thành để khuyến hóa (quyên góp ủng hộ). Một trong hai vị sư bà xưng mình là con gái quan Tả thừa ty ở Sơn Nam, người làng Huê Cầu – chính là người có ước hẹn với Lãn Ông ngày trước.

Cả hai bất chợt nhận ra nhau, sư bà làng Huê Cầu có ý thẹn không dám trò chuyện thêm. Còn Lãn Ông cầm lòng không đặng, hình bóng người cũ vốn trong tâm tưởng nay trở lại ngay trước mắt, ông gọi người học trò tên Tài đến, thuật lại mọi chuyện và nhờ giúp đỡ:

“Nay chỉ còn một cách: nuôi dưỡng bà cho trọn đời, để mong chuộc cái tội ngày xưa. Hiện nay, ta đang ở kinh thì việc phụng dưỡng, chu cấp còn dễ. Nhưng nay mai ta trở về nơi núi cũ, đường sá xa xôi, làm sao giúp đỡ được nữa.

Ví bằng, bà bằng lòng về Hoan Châu với ta, thì trong vườn của ta cũng có một nơi thanh u tịch mịch, có một ngôi chùa do ta dựng, có thể cung phụng đèn nhang. Còn việc lo lắng ăn mặc thì ta xin chịu hết. Như thế là một phần mong báo đáp cái tiết hạnh cao quý của bà, một phần để chuộc cái tội của ta. Anh hãy hỏi chuyện xưa rồi nói vậy xem bà có thuận không để ta định liệu”.

Trọn vẹn nghĩa tình

Người học trò tìm đến ngôi chùa sư bà ở và thuật lại lời Lê Hữu Trác nói. Sư bà nghe xong sụt sùi khóc mà rằng:

“Cám ơn cụ có lòng tốt. Tôi không có chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu? Cái thân tàn này nào có tiếc gì! Chỉ hiềm một nỗi, nhìn quanh nhìn quẩn, thân thích chẳng còn ai, phần mộ của cha ông không có người coi sóc. Tôi dám đâu tìm đường ấm no một mình. Xin ông về thưa với cụ: ‘Tôi chưa được cái ân huệ của người, nhưng tấm lòng của người đã hiểu cho như thế, cũng là đủ an ủi cái cảnh lênh đênh cô độc của tôi rồi’”.


Từ đó hai người thường đi lại hỏi thăm lẫn nhau. Trong những ngày tháng ấy, Hải Thượng Lãn Ông có cảm khái mà làm một bài thơ:

“Lầm người, bởi sự vô tâm,
Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than!
Một cười, giọt lệ chứa chan,
Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay.
Anh em kết nghĩa kiếp này,
Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là,
Trót vì người phụ lòng ta,
Ôi thôi, đành vậy, biết là làm sao?”

(Bản dịch thơ của Phan Võ)

Quả là hữu duyên vô phận! Người hữu duyên không hẹn mà gặp, kẻ vô duyên ước hẹn khó thay! Làm được như Hải Thượng Lãn Ông cũng đã là trọn vẹn tình nghĩa rồi.

Bỏa Ngọc (t/h) / Theo: nguyenuoc

XÓT XA CÂU CHUYỆN TÌNH THẮM MÀU CÂY HOA GẠO

Không ai biết hoa gạo có tự bao giờ, chỉ biết khi được sinh ra, người ta đã thấy cây gạo nghiêng mình bên dòng sông, cánh đồng. Và rồi cứ thế từng ngày, cây gạo theo tuổi thơ mỗi người lớn dần lên với bao ký ức không thể xóa nhòa. Mỗi dịp du lịch mùa hè, người ta lại đến với Hà Nội tìm kỉ niệm trên những cánh hoa rơi và nhớ về câu chuyện tình cổ tích nhuộm thắm màu hoa gạo đầy xót xa.

Du lịch Hà Nội mùa hè, tìm kỉ niệm trên những cánh hoa rơi - Ảnh: Sưu tầm

Du lịch về miền Bắc Bộ mùa hè, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vùng trời đỏ của hoa gạo để đắm say trong nét đẹp chân thật, giản dị của chúng như chính câu chuyện tình cảm động về chính loài hoa này.

Hoa gạo nhuộm thắm khung trời đầu Hạ - Ảnh: Nguyệt Đặng

Du lịch về Hà Nội vào mùa hè, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những hàng hoa gạo nghiêng mình bên cánh đồng xanh thẳm - Ảnh: Hung Tran

Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng: “Ở một ngôi làng nọ, có đôi trai gái yêu nhau và chuẩn bị cưới thì bỗng nhiên trời đổ mưa to biến thành cơn lũ lớn, cuốn đi tất cả lễ vật của chàng. Không bằng lòng với số phận, chàng quyết định lên trời để hỏi rõ sự tình. Vậy là dân bản đã trồng cây nêu thẳng lên trời để giúp chàng trai. Ngày ra đi, chàng đã buộc vào tay nàng dải băng đỏ có tua năm cánh thay cho lời ước nguyện thủy chung.

Hoa gạo gắn liền với câu chuyện tình yêu cảm động - Ảnh: Quangthu52

Từng cánh hoa đỏ như dải lụa nguyện ước của chàng và nàng - Ảnh: Longcactus

Sau khi bẩm báo với Ngọc Hoàng và biết rằng thần Sấm đã xao nhãng, gây ra bi thảm này, Ngọc Hoàng đã giữ lại chàng trai để giúp thần Sấm làm mưa. Chính vì thế, trời đất dần xa nhau, cây nêu cũng biến mất, chàng ngậm ngùi ở lại làm thần Mưa vì dân làng.

Cô gái ngày đêm trông ngóng người yêu nơi xa, sau khi chết vào một ngày tháng ba đã biến thành loài cây có rễ bám sâu vào lòng đất, thân vươn thẳng cao vút lên bầu trời xanh thẳm, dải băng trên tay biến thành những bông hoa rực thắm để chàng có thể nhìn thấy. Phảng phất trong làn mây, thần Mưa nhìn thấy loài hoa và nhớ người yêu, chàng đã khóc thật nhiều. Và người ta gọi đó là hoa gạo, loài hoa tượng trưng cho tình yêu nồng thắm mãnh liệt của đôi tình nhân bất hạnh”.

Nàng chờ hoài không thấy chàng trai trở về… - Ảnh: LongCactus

… vào một ngày tháng ba nàng đã biến thành loài cây có rễ bám sâu vào lòng đất, thân vươn thẳng vút lên bầu trời, dải băng biến thành những bông hoa rực thắm - Ảnh: Thành NC

Hoa gạo tượng trưng cho tình yêu nồng thắm mãnh liệt của đôi tình nhân bất hạnh - Ảnh: Sưu tầm

Như hòn than đỏ rực, như vô số mặt trời nhỏ lơ lửng giữa trời, hoa gạo tháng ba gợi nhắc cho người đi xa về thời ấu thơ êm đềm, về câu chuyện mộc mạc mà tràn đầy nỗi nhớ tình yêu đôi lứa miên man. Cứ mỗi tháng 3, hoa gạo lại nở. Từ trên trời cao nhìn xuống, thần Mưa nhận ra người yêu qua những cánh hoa đỏ thắm, nước mắt chàng rơi lã chã… bắt đầu cho một mùa mưa dài đằng đẵng của năm.

Đối với những người lần đầu tiên được ngắm hoa gạo đỏ, sẽ có cảm tưởng như bước vào những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa của bà để lòng bồi hồi về những kỷ niệm khó quên. Hoa gạo với nét đẹp chân chất rất đỗi giản dị dễ đi vào trong tâm tưởng của từng người để dậy lên một sức sống ẩn sâu trong tâm hồn, cả cơ thể như lặng đi khi được lạc bước vào thế giới của hoa gạo tháng ba.

Du lịch mùa hè ngắm hoa gạo, tưởng chừng như có vô số mặt trời nhỏ lơ lửng giữa trời - Ảnh: Trần Văn Hệ

Dưới gốc hoa gạo mỗi chiều về, dễ bắt gặp hình ảnh của lũ nhóc quẩn quanh nhặt từng bông hoa xâu lại thành từng vòng làm vương miện đội trên đầu, hay tranh nhau để ăn như một thức quà mà nếu bỏ lỡ sẽ không đành lòng. Đâu đó, có tiếng cười đùa, tiếng bước chân nhảy nhót để bắt lấy hoa gạo đang rơi rơi nhẹ theo làn gió cuối xuân.

Hoa gạo, loài hoa gắn liền với tuổi thơ và nỗi nhớ - Ảnh: Sưu tầm

Du lịch về Bắc Bộ mùa hè để nhớ về tuổi thơ với màu hoa gạo đỏ thắm - Ảnh: Netdepviet

Thỉnh thoảng, dưới gốc hoa gạo đỏ rực, mấy cô bác nông dân ngồi nghỉ mát với những câu chuyện thường ngày, hay chỉ là hình ảnh chiếc xe đạp, bước chân người bước nhẹ nhàng dưới màu đỏ tháng ba cũng trở thành những hình ảnh đẹp mà ai đã từng bước qua đều không nỡ để lãng quên. Để đâu đó trong sâu thẳm của trái tim, nhịp đập lại vang lên khúc hát nhẹ nhàng tháng ba ngợp trời hoa gạo đỏ thắm mối tình rạo rực đất trời, khiến người lữ khách ghé qua cũng tự tình miên man.

Gumi vtp - Mytour



Thursday, June 29, 2023

BÁNH LỌT - LỌT TỪ ĐÂU LỌT TỚI?

Bạn có từng nghe đến mì kim bạc, mì tí chuột (đã tí còn chuột!), bánh mắt rây? Loại nghe rổn rảng sang chảnh, thứ thì thiệt dân dã, cái lại rất tượng hình. Nhưng tất cả đều là tên gọi của một món ăn vô cùng giản dị quen thuộc ở miền Nam mà hầu hết mọi người nếu chưa được ăn thì chắc cũng đã từng nghe – bánh lọt!


Bánh lọt là món quà quê rất quen thuộc ở miền Tây ngày trước, rồi lên cả Sài Gòn hoa lệ, từ từ lan ra tận miền Bắc. Ở thành phố hoa phượng đỏ, nó còn được gọi bằng cái tên hơi kém mỹ miều “chè giun”! Nhưng khi ra xứ Bắc, hầu như bánh lọt chỉ hiện diện ít ỏi trong danh mục các món ngọt. Trong khi đó họ hàng trong miền Nam đã sinh sôi nảy nở đa hình lắm dạng, mặn ngọt khô nước đều có.

Vậy bánh lọt từ đâu mà có?


Hành trình truy tìm nguồn gốc bánh lọt

Cho dù trang Wikipedia “bánh lọt” nói rằng bánh lọt có xuất xứ từ đất Chùa Tháp, tôi thật sự không tin lắm. Thứ nhất là thông tin quá ngắn gọn, sơ sài, không nguồn chứng. Thứ nữa vì tôi đã từng lang thang nhiều nước châu Á và thấy bánh lọt hiện diện khá phổ biến, còn trội hơn bên Campuchia rất nhiều. Trong tiếng Anh, bánh lọt được gọi là cendol, cái tên thông dụng ở vùng Nam Đảo, gồm Indonesia và Malaysia. Wikipedia cho rằng nguồn gốc “cendol” là từ Indonesia. Tra kiếm từ “lot chong”, cách gọi bánh lọt trong tiếng Thái Lan, bằng Wikipedia tiếng Thái cũng cho rằng món này đến từ xứ vạn đảo.


Đến đây, phần thắng có vẻ hơi nghiêng về người Indo khi cả tên địa phương đã được Anh ngữ hóa, được sử dụng phổ biến toàn cầu, cũng như có nhiều nguồn chứng hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến giành nguồn gốc này vẫn chưa ngã ngũ khi xuất hiện nhân tố mới, “to khỏe” hơn nhiều cũng như có gia thế nguồn gốc lâu đời.

Trả lời những câu hỏi lúc đầu còn treo cho đến bây giờ, mì kim bạc là tên gọi bánh lọt của người Hong Kong - có lẽ vì sự óng ánh trong veo của những sợi bánh tươi mới. Bánh mắt rây là cách gọi của người Quảng Châu, khá tượng hình mô tả việc ép bột gạo qua những mắt rổ hoặc tấm ván, tấm kim loại có đục lỗ như mắt rây. Mì tí chuột là cách gọi cũng rất tượng hình của người Khách Gia về những sợi bánh lọt ngăn ngắn, nhọn nhọn hai đầu - không sang lắm nhưng dù sao cũng thanh nhã hơn cách gọi chè giun chẳng hiểu vì sao mà người Hải Phòng sáng tác ra được. Ngoài cách gọi mì tí chuột, người Khách Gia cũng gọi món này là bánh lọt. Ở Sài Gòn bây giờ, trong các khu phố người Hoa cũng có món hơi tương tự gọi là lầy phá. Món này ít phổ biến, kết cấu hình dáng hai đầu khá dài, nhọn cũng như cách ăn với nước đường nấu với thuốc Bắc, nhẹ vị hoa hòe, lại càng không giống.


Truy tìm nguồn gốc của 珍多冰 (cendol) trong web tiếng Trung, vẫn thấy nói rằng xuất xứ từ Indonesia. Thế nhưng trong một chương trình truyền hình trên kênh ẩm thực Asian Food Channel, các tác giả cho rằng món này có nguồn gốc của người Khách Gia, Trung Quốc, rất phổ biến ở những miền đất có nhóm cộng đồng này sinh sống. Những người di cư đã mang theo món này đến Indonesia, Malaysia… Khi đó, do sự phổ biến, yêu thích của những món ăn nguồn gốc từ gạo (phần nửa trên Hoàng Hà dân bên đó vẫn quen thực phẩm làm từ lúa mì hơn), khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới nóng ẩm thích hợp với món nước, món giải khát... nên món này đã phát triển và lan truyền mạnh mẽ hơn ở cố hương.

Chuyện vẫn còn chưa ngã ngũ, cũng như cần những chứng cứ, kể cả nghiên cứu khảo cổ học chứng minh, nhưng theo thiển ý của tôi có một sự đứt gãy khó hiểu trong giả thiết này. Nếu như món này xuất xứ từ Trung Hoa xưa, tại sao ở những khu vực gần với bên đó nhất, rồi cả ngàn năm đô hộ, cũng như nhiều đợt di dân đổ về… nhưng món này lại không phổ biến ở Đàng Ngoài mà mãi đến bây giờ mới lội ngược ra?


Và sự tiếp biến của người Việt

Nguồn gốc dẫu quan trọng, nhưng sự tiếp biến để phát triển còn quan trọng hơn bởi nó làm thăng hoa món ăn, điều mà lang thang cũng kha khá, nêm nếm cũng không ít tôi thấy người Việt đã làm rất tốt với món bánh lọt này. Ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore, món này chủ yếu dùng dưới dạng giải khát, sợi bánh thường có màu xanh vị lá dứa. Ở Trung Quốc, Malaysia, món này dùng mặn như súp, bún với sợi bánh trắng. Còn ở mình, xanh trắng vàng gì cũng đề huề. Món nước, ngọt đủ các phiên bản bánh lọt nước cốt dừa, bánh lọt đậu xanh, bánh lọt bà ba…. Món mặn có ngay bánh lọt sườn heo, súp bánh lọt tôm thịt. Món khô thì có bánh lọt xào, khoái ngọt thì xào dừa, thích mặn thì xào tôm, xào ba rọi, xào trứng bánh lọt hoành thánh. Rất dễ ăn dễ nuốt dễ tiêu cho cả em bé người già…, đáp ứng đủ nhu cầu khô nước mặn ngọt.


Dẫu lọt từ đâu lọt tới, bánh lọt giờ là món ngon yêu thích của người Việt. Không chỉ đi xa mới nhớ mà ở gần vẫn thèm hoài. Nhất là những ngày xuân đến tết về ngán mỡ chán thịt, một chén bánh lọt thanh cảnh nóng hổi lừng thơm mùi hẹ buổi mai sớm sẽ đuổi nhanh những cơn lừng khừng do buổi đêm trước tiếp khách hơi nồng nàn. Mới thèm làm sao!

Hoàng Bảo / Theo: PLO

TƯỢNG ĐÀI CÓ SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT NHẤT XỨ HUẾ

Được đúc từ thập niên 1970, phải đến năm 2012 tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế mới chính thức được khánh thành. Vì sao lại như vậy?


Nằm ở vườn hoa số 19 đường Lê Lợi, thành phố Huế, tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu có một số phận lịch sử khá đặc biệt.


Việc đúc tượng cụ Phan đã được một số nhân sĩ trí thức (họa sĩ Vinh Phối, họa sĩ Phan Đăng Trí, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư Bửu Ý, giáo sư Trần Viết Ngạc…) khởi xướng vào năm 1973 nhằm duy trì và cổ vũ phong trào yêu nước.


Vị trí đặt tượng mà những người tổ chức mong muốn là ở bên bờ sông Hương, bên trục đường Lê Lợi.


Giới trí thức, văn nghệ sĩ, các ban đại diện học sinh sinh viên Huế và gia đình cụ Phan đã đóng góp và quyên góp tiền từ nhiều nguồn trong dân để đúc tượng. Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, khi ấy đang thỉnh giảng ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế nhận trách nhiệm tạo hình tượng.


Lê Thành Nhơn đã hoàn thành bản thiết kế tượng trong năm 1973 và bắt tay thực hiện ngay ở một xưởng tại Phường Đúc. Theo đồ án, tượng cụ Phan Bội Châu được làm từ 12 mảnh đúc đồng và khi ghép lại tượng cao 4,5 m, rộng 3,5m và dày 2,5m, nặng khoảng 7 tấn.


Biểu cảm khuôn mặt tượng bộc lộ nhiệt huyết, khí chất khẳng khái của một nhà ái quốc. Bên phải tượng là phù điêu diễn tả cuộc đấu tranh của dân chúng, mặt bên trái tượng miêu tả ước vọng cảnh sống thanh bình. Đây là pho tượng lớn nhất ở Huế từ trước tới nay.


Tượng đang đúc dở thì Huế có sự thay đổi của bối cảnh chính trị. Và trong khoảng 10 năm sau đó, bức tượng vẫn nằm trong xưởng ở phường Đúc.


Đến cuối năm 1987, UBND TP Huế chính thức xin tỉnh cho tiếp tục hoàn thiện bức tượng. Trong khi chờ tỉnh quyết định vị trí đặt tượng, xin tạm đưa về khu nhà lưu niệm cụ Phan ở Huế để làm tiếp phần còn lại. Ý kiến này đã được tỉnh chấp nhận.


Trong khoảng 15 năm, tượng cụ Phan đã hoàn chỉnh và đặt trang trọng tại vườn nhà cụ Phan. Nhưng không gian chật hẹp ở nơi đây không chứa nổi quy mô của một bức tượng đồng quá lớn. Đến ngày 25/3/2012, bức tượng được đưa về đặt tại điểm xanh 19 đường Lê Lợi. Điều này cũng phù hợp với ý nguyện của những người khởi xướng việc đúc tượng.


Vào ngày 5/4/2012, tượng đài cụ Phan Bội Châu tại Huế chính thức được khánh thành giai đoạn 1. Việc di dời và đặt tượng cụ Phan tại vị trí mới nhằm phát huy giá trị tác phẩm, đồng thời khẳng định vai trò và đóng góp của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, sự kính trọng về một con người đã sống hết mình cho quê hương, đất nước.


Theo đánh giá của giới chuyên môn, tượng cụ Phan Bội Châu ở Huế hiện là bức tượng đầu có kích cỡ lớn nhất Đông Nam Á, có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật. Tượng đã được xem là một bộ phận vùng quần thể di sản văn hóa cần được bảo tồn tại Huế dưới sự bảo tồn của UNESCO.


Vào năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, hiệp hội ASABA (Nhật bản) đã lập một tấm bia cạnh tượng đài để tưởng nhớ việc cụ Phan Bội Châu đã dựng bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro – người đã có công hỗ trợ cho phong trào Đông Du của người Việt do cụ Phan khởi xướng ở Nhật Bản.

Theo Kiến Thức



CÁI YẾM

Cái yếm rất thô sơ, thô sơ nhưng lại rất thơ mộng làm nguồn cảm hứng cho thi văn lãng mạn và trữ tình tạo nên sắc thái văn hóa được biểu hiện qua luồng thi văn bình dân dưới hình thức ca dao rất mộc mạc, dễ hiểu . Thí dụ như :

Hỡi cô yếm thắm đeo bùa,
Bác mẹ có bán anh mua nửa người.


Cái yếm thì gợi tình được diễn tả bằng thi văn tao nhã, tế nhị giữa đàn ông và đàn bà đối đáp văn chương hữu tình với nhau. Đàn ông thường mượn cái yếm để tỏ tình vì vậy mà cái yếm trở thành chủ đề lãng mạn trong thi ca tình tứ của dân tộc.

Cách mặc áo yếm

Áo yếm che hững hờ trước ngực, vừa kín vừa hở rất là gợi cảm nên thơ, còn lưng thì để trống. Áo yếm thường làm bằng một mảnh vải hình vuông, một góc cắt lẹm đi rồi đính 2 dải vải buộc vào sau gáy. Hai góc trái và phải cũng đính 2 dải vải gọi là dải yếm, dài đủ dài để buộc ra sau lưng. Bên ngoài yếm là áo cánh trắng, mỏng được chiếc thắt lưng giữ với cạp váy. Ngoài cùng khoác áo tứ thân. Cái yếm ở miền Trung thì có hình tam giác.


Mầu vải yếm

Yếm của các bà lao động nghèo thì bằng vải thô, màu nâu. Vào ngày lễ hội thì yếm đủ màu sắc : yếm trắng, yếm thắm, yếm hồng bằng nhiễu, chúc bâu, lụa...

Hỡi cô yếm thắm lòa lòa,
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là chúc bâu.
Hay là luạ bạch bên Tàu,
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài.
Hỡi cô mặc áo yếm hồng,
Đi trong đám hội có chồng hay chưa.

Các loại yếm (1)

Các thi nhân thường phân loại yếm theo đặc tính của yếm : yếm xạ hương, yếm ém trầu, yếm hở lườn, yếm gặp mưa, dải yếm phải gió...


Yếm đeo bùa xạ hương

Bùa là xạ hương (tỏa mùi thơm như nước hoa ngày nay) đựng trong cái túi buộc vào cổ yếm. Cô gái có cổ yếm đeo bùa (túi đựng xạ hương) tỏa ra hương thơm ái tình (giống như mọi sinh vật trên trái đất) đứng hàng thứ 5 trong mười thương :

Năm thương cổ yếm đeo bùa.

Dù đọc kinh nhắm mắt bịt tai nhưng mũi phải mở để thở nên nhà sư dễ dàng thất điên bát đảo khi ngửi thấy hương thơm của bùa đeo ở cổ yếm hòa quyện với mùi da thịt.

Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.


Bùa mùi hương của cơ thể ấp ủ trong yếm cũng làm cho chàng trai si tình phải thốt lên :

Đêm nằm đắp chục chiếc chăn,
Làm sao sánh được ấm bằng yếm em.

Vào ngày mưa gió giá lạnh, anh chàng si tình đã chiếm được lòng cô gái thì ở nhà ôm dải yếm hít hà mùi hương cơ thể ấp ủ trong dải yếm mà mơ màng.

Trời mưa trời gió kìn kìn,
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.

Cái yếm ém trầu

"Khẩu trầu dải yếm" là miếng trầu được " ém " trong dải yếm đem ra mời người tình.

Khi chàng trai hợp nhãn đến chơi thì cô gái mời trầu để mở đầu câu chuyện.

Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.

Nàng có 3 loại trầu : trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn), trầu dải yếm (trầu ém trong dải yếm) và hỏi chàng rằng :

Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào ?


Nếu chàng trai chọn trầu trong túi trong khăn tức ẩn ý chỉ là bạn hữu. Nếu chàng trai chọn trầu dải yếm tức khẩu trầu dải yếm có nghĩa đã thuận tình nhau mong cùng nàng kết nhân duyên thì cô gái mở gói trầu buộc ở dải yếm đem ra mời chàng. Ăn xong miến trầu thì nàng mới hỏi :

Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?

Cái yếm mưa gió

Nếu bất chợt gặp cô nàng mặc yếm mỏng manh giữa trời mưa gió, thì mắt anh chàng mở to như hai cái tô say mê nhìn cảnh cái yếm chống lại mưa gió như thế nào.

Gió đùa yếm thắm đu đưa,
Mưa rơi ướt yếm, trái dừa đòi ra.

Đến khi gió nổi to quá, đánh vạt cái yếm thì mắt anh chàng sáng rực tưởng nàng hớ hênh.

Gió đánh yếm nàng, gió đè ngực nàng,
Mắt anh rực sáng vì nàng hớ hênh.

Lúc đó chàng trai mới tán tỉnh:

Trời mưa lấy yếm mà che,
Anh đây đứng gác còn e nỗi gì.


Cái yếm hở lườn, dải yếm phải gió

Mặc yếm để lộ ra phần lưng và yếm cắt hẹp lại để hở hai bên lườn trông thật hấp dẫn và được coi là đẹp và trữ tình nhất.

Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh.

Anh lái đò rạo rực lúc nhìn thấy yếm để hở lườn, dải yếm lại phất phơ trước gió, mà cao hứng tán tỉnh cô gái như thế này :

Thuyền anh ngược thác lên đây,
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo đò.

Cô gái biết anh chàng láu lỉnh ghẹo mình nên trả lời :

Ước gì dải yếm em to,
Để em buộc lấy mũi đò kéo lên.
Ước gi dải yếm em bền,
Để em buộc lấy kéo lên trên bờ.


Mối tình dải yếm bên sông

Cảnh dòng sông cách trở đôi bờ cũng làm chúng ta nhớ đến cô gái mơ tưởng đến người tình mà mơ màng cởi dải yếm làm cầu cho chàng sang chơi.

Ước gì sông hẹp bề ngang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

Còn anh hàng xóm bên kia sông, ngày ngày thấy nàng phơi yếm mà gạ gẫm nàng :

Gần đây mà chẳng sang chơi,
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.

Khi nàng đã thuận tình nghĩ đến việc trăm năm thì cô gái mượn dải yếm mà ấp ủ duyên tình dải yếm bắt đầu bằng câu trả lời :

Mồng tơi chả bắc được đâu,
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.

Thế là từ ngày nàng cởi dải yếm, duyên tình dải yếm làm anh chàng tương tư cái yếm suốt đời.

Ta về ta cũng nhớ mình,
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.


Yếm làm quà tặng

Nhìn thấy cô gái kia mặc yếm hoa chanh, đó là quà tặng của người yêu đấy.

Anh mua cho em cái yếm hoa chanh,
Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng.

Nhưng chẳng may, tình yêu lại ghé bến sầu, dải yếm đổi mầu nay thành lỗi hẹn, khiến chàng dỗi hờn đòi lại cái yếm.

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em có chồng rồi trả yếm cho anh.

Cái yếm lỗi hẹn thì trả lời rằng.

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi.


Chiếc áo yếm làm anh chàng xót thương, tiếc nuối mà nguyện ước rằng.

Kiếp sau đừng hóa ra người,
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.

Có cái gì bên trong yếm ?

Bài thơ "Gái rửa bờ sông" của thi hào Nguyễn Khuyến tả ông Hà Bá nhìn thấy vật đó bên trong yếm có hình thù như thế này.

Thu vén giang sơn một cặp tròn,
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn.
Biết chăng chỉ có ông Hà Bá,
Mỉm mép cười thầm với nước non.


_____________________________________

(1) - Tại số 38 Hàng Đào, Hà Nội, còn giữ lại tấm bia đá ghi lại đây vốn là đình thờ cụ tổ của những người bán yếm lụa có ghi hàng chữ nho " Đồng lạc quyển yếm thị " (Ngôi đình của chợ bán yếm lụa ) tức là xưa kia Hàng Đào là nơi sản xuất và bán yếm lụa và bà Nguyễn thị Riệu Duyên là tổ sư nghề làm cổ yếm được thờ ở phố hàng Đào (Nguyễn Thế Long, Đình và đền Hà Nội, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2005, tr. 28)

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Theo: Chim Việt Cành Nam