Monday, July 31, 2023

TOP 5 MÓN ĂN CAY NHẤT THẾ GIỚI

Món lẩu Tứ Xuyên của Trung Quốc, "gà giật" của Jamaica hay tôm Aguachile của Mexico... là những món ăn có vị cay nhất thế giới.


Nhắc đến những món ăn cay nhất thế giới, nền ẩm thực của mỗi khu vực trải dài từ Châu Á đến Châu Mỹ sở hữu nhiều món ăn với lớp gia vị siêu cay độc đáo thách thức ngay cả những thực khách khó tính nhất.

1. Lẩu Tứ Xuyên, Trung Quốc

Còn được biết đến với cái tên khác là Lẩu Trùng Khánh, đây là món ăn có nguồn gốc từ các ngư dân mưu sinh bằng nghề chèo thuyền dọc sông Dương Tử. Món lẩu cay này là đặc sản và cũng là niềm tự hào của người Trung Quốc với du khách thế giới.

Tác giả cuốn sổ tay hướng dẫn nấu những món ăn Trung Quốc - đầu bếp gốc Hoa Kwoklyn Wan nhận định, điểm hấp dẫn của món lẩu này không chỉ đến từ tổ hợp những nguyên liệu có tính ấm như quế, đinh hương, hoa hồi và tiêu Tứ Xuyên, bí quyết còn nằm ở việc điều chỉnh các hương liệu trên để tạo ra chính xác vị cay nồng đặc trưng của nước dùng.

Lẩu Tứ Xuyên là một trong những món lẩu ngon và cay nhất thế giới. Ảnh: ST.

Các loại thức ăn thả lẩu đa dạng như thịt vịt, hải sản, thịt gà, thịt lợn, thịt cừu và các loại rau theo mùa góp phần cân bằng hương vị nước dùng làm từ tiêu và ớt khô của vùng đất Tứ Xuyên trứ danh. Qua đó, tạo nên một món lẩu hấp dẫn ăn kèm với nước chấm sa tế.

2. Gà giật, Jamaica

Mark Harvey - một nhà sáng tạo nội dung, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Tây Ban Nha thuộc Jamaica - tiết lộ loại ớt người dân nơi đây thường dùng cho món "gà giật" Jerk Chicken nổi tiếng cay xé lưỡi là Scotch. Loại ớt này không chỉ được yêu thích bởi độ cay mà còn vì hương thơm, màu sắc và hương vị nó mang lại.

Ớt Scotch là thành phần làm nên vị cay trứ danh cho món gà giật của Jamaica. Ảnh: Saveur.

Chủ nhân của podcast Two On An Island này còn cho biết, độ cay của ớt Scotch được người dân Jamaica sắp xếp theo thứ tự màu sắc từ xanh lá dành cho trẻ em đến cam, đỏ và tím là cay nhất.

Ớt Scotch là một nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn biểu tượng của nền văn hóa ẩm thực khu vực đảo Caribe. Không khó để bắt gặp chúng ở các món ăn đường phố như gà và thịt heo hun khói tại các hàng quán lề đường trải dài khắp nơi từ vịnh Montego đến vịnh Boston. Với gà giật, thịt gà được ướp trong hỗn hợp nước sốt ngấm đều gia vị, sau đó được nướng trên than gỗ cây Pimento (quả mọng của loại cây này cũng được tận dụng làm nước sốt).

3. Cánh gà Buffalo, Mỹ

Đây là một món ăn được ưa chuộng của người Mỹ bên cạnh món Hamburger nức tiếng. Món này thường được ăn kèm cùng cần tây và một ít nước sốt phô mai xanh để tận hưởng trọn vẹn hương vị tinh túy của món ăn đặc sắc xứ sở cờ hoa.

Món cánh gà Buffalo nổi tiếng của Mỹ. Ảnh: ST.

Cánh gà Buffalo là món ăn chủ đạo trong thực đơn của các quán ăn câu lạc bộ thể thao cho đến những chuỗi nhà hàng có tiếng như Buffalo Wild Wings và những tiền đồn quân sự trải dài khắp Alaska cho đến Maine. Đúng với tên gọi của mình, nguyên liệu chính làm nên món ăn được lấy từ phần cánh gà nơi có nhiều thịt ngon nhất.

Xuất xứ từ một quán bar ở thành phố Buffalo, New York vào năm 1964, đây là một trong những món gà có cách chế biến cay và ngon nhất vào thời điểm đó (cùng với cánh gà sốt Teriyaki và cánh gà sốt tỏi mật ong). Để thổi bùng vị giác, thực khách có thể nhúng phần gà trong nước sốt bao gồm sốt ớt Cayenne pha giấm, bột tỏi, bơ tan chảy và sốt Worcestershire.

4. Tôm Aguachile, Mexico

Đây là món tôm ướp sống đặc trưng đến từ bang Sinaloa phía Tây Mexico và cũng là món ăn phổ biến dọc theo bán đảo Baja. Thực khách không chỉ bị thu hút bởi hương vị cay nồng, thơm ngon mà còn cách bài trí hấp dẫn của món ăn.

Tôm Aguachile là món ăn cay hấp dẫn du khách khi đến Mexico. Ảnh: ST.

Ớt Chiltepín nhỏ bé nhưng cay nồng là linh hồn chủ đạo của món tôm sống Aguachile. Được trồng trên khắp lãnh thổ Hòa Kỳ và Mexico, loại ớt này ấn tượng thực khách bởi vị cay tự nhiên kì diệu bên trong tôm Aguachile, có nghĩa là "nước tiêu". Ngoài ra, các loại ớt Serrano và ớt Jalapeño cũng có thể được dùng để thay thế cho ớt Chiltepín nhưng vẫn lưu giữ được hương vị.

Tôm sống được ướp đều với nước cốt chanh, ngò rí, hành tím và dưa leo. Thưởng thức cùng với bánh mì nướng giòn để tăng độ ngon cho món ăn.

5. Penne all’arrabbiata, Ý

Tên của món mì ống La Mã cổ điển này sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên bởi ý nghĩa của nó. "Arrabbiata" có nghĩa là "tức giận" trong tiếng Ý. Penne all’arrabbiata với sự kết hợp hoàn hảo từ mì ống Penne hòa cùng vị cay bốc lửa của nước sốt Sugo all’arrabbiata được rưới lên sẽ khiến bạn không ngừng mê mẩn và xuýt xoa trước hương vị tuyệt vời của món này.

Nước sốt Sugo all’arrabbiata là thành phần chính làm nên vị cay của món Penne all’arrabbiata. Ảnh: ST.

Chris Maclean đến từ cửa hàng rượu Open Tuesday Wines có trụ sở tại Ý cho biết: "Peperoncino (ớt đỏ) là thứ làm cho nước sốt này cay đến mức phải 'tức giận'".

Để làm dịu vị cay, thực khách thường ăn món này kèm một ly rượu vang đỏ đúng chuẩn, MacLean còn nói thêm, hãy thử kết hợp món mì ống này với Cesanese, một món ăn khác cũng đến từ vùng Lazio của thành phố Roma, cùng với đó là các loại trái cây giòn và có vị chát nhẹ.

MacLean cũng lưu ý các tín đồ ẩm thức yêu thích vị cay món ăn nước Ý cân nhắc khi dùng những loại rượu nặng mùi gỗ sồi hoặc cồn vì nó sẽ làm tăng nhiệt món ăn trong miệng, rượu bất giác trở nên vô vị và món ăn cũng sẽ mất đi vị ngon vốn có.

Thùy Vân / Theo: tcdulichtphcm

CHƯA BAO GIỜ HÀ NỘI CÓ TÊN LÀ TRÀNG AN

Từ câu ca dao quen thuộc: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An, có nhiều người ngộ nhận vùng Hà Nội đã từng có thời mang tên là Tràng An (hoặc Trường An). Ngay trên tạp chí Người Hà Nội xuân Ất Hợi 1995 cũng có một mục đề mang tên Ống kính người Tràng An. Và dọc đường phố Hà Nội ngày nay đã nhan nhản những hiện tượng tương tự: Tràng An Hotel (58 Hàng Gai), Hiệu may Tràng An (168 Nguyễn Thái Học), Xí nghiệp Kẹo Tràng An (1 Phùng Chí Kiên), v.v. Vậy trong lịch sử, có bao giờ Hà Nội mang tên là Tràng An?


Từ huyền thoại và cũng có thể do người đời sau mệnh danh thì Hà Nội xưa có tên là Long Đỗ. Nghĩa đen là “rốn rồng” – vùng trung tâm đất nước của một dân tộc nòi giống tiên rồng. Đến “giữa thế kỉ V, từ địa vị một làng, Hà Nội cổ trở thành một huyện. Huyện mới, thành lập vào đời Hiếu Vũ Đế (454-456) mang cái tên chẳng đẹp là Tống Bình” (1) – vùng đất bị nhà Tống (thuộc thời Nam – Bắc triều, Trung Quốc) “bình định”. Năm 607, sau khi tiêu diệt Lý Phật Tử, chính quyền đô hộ của nhà Tuỳ đã chuyển nhiệm sở từ Long Biên (Yên Phong, Bắc Ninh) về Tống Bình. Từ đấy, Tống Bình đã trở thành trung tâm đất nước, nhất là sau năm 679, khi toàn bộ đất Giao Châu bị nhà Đường đổi thành An Nam đô hộ phủ. Để củng cố và mở rộng Tống Bình thành dinh luỹ chủ yếu, bọn thống trị phương Bắc đã xây dựng trên vùng đất này một hệ thống thành luỹ ngày càng kiên cố, đồ sộ.

Năm 757, Kinh lược sứ Trương Bá Nghi bắt đầu xây dựng La Thành (2) – tường bao quanh trung tâm hành chính. Năm 866, Cao Biền, một viên Tiết độ sứ kiêm thầy phù thuỷ, đắp lại và mở rộng La thành. Từ đó, thành có tên là Đại La (3). Từ tên chung, Đại La trở thành tên riêng của một dãy thành mang tính quân sự, một tên gọi mới của Hà Nội ở thế kỉ IX. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên vùng đất này thành Thăng Long. Sau khi nhà Trần lên cầm quyền, đến đời vua thứ ba, vua Trần Nhân Tông, Thăng Long được đổi thành Trung Kinh – kinh thành trung tâm – vào đầu những năm 80 của thế kỉ XIII(4). Năm 1400, nhà Hồ chiếm ngôi nhà Trần, dời kinh đô vào Thanh Hoá – gọi vùng đất này là Tây Đô – và đổi Trung Kinh thành Đông Đô (5).

Năm 1407, nhà Minh tiêu diệt nhà Hồ, chiếm lấy đất nước ta, không cho đất “nội thuộc” có kinh đô nên đổi Đông Đô thành Đông Quan (6) – quan ải phía Đông. Sau thắng lợi của mười năm chiến tranh giải phóng dân tộc, Lê Lợi lên làm vua và đến năm thứ ba, năm 1430, cho đổi Đông Quan thành Đông Kinh (7) – kinh đô phía Đông – và cũng gọi là Trung Đô – đô thành trung tâm. Tên Đông Kinh tồn tại hơn ba trăm năm. Có lẽ Tonkin – chỉ vùng Bắc bộ Việt Nam – của người Pháp bắt nguồn từ Đông Kinh. Đến đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) – có niên hiệu Cảnh Hưng quen thuộc – Đông Kinh lại trở lại tên Đông Đô (8), để phân biệt với Tây Đô, chỉ vùng Thanh Hoá, quê hương của hoàng tộc nhà Lê. Nhà Tây Sơn lên nắm chính quyền ở miền Nam Trung Bộ, gọi vùng đế đô cũ là Bắc Thành (9). Sau khi nhà Nguyễn lên cầm quyền, đến năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831) Bắc Thành được đổi tên là Hà Nội (10). Địa danh này đã tồn tại đến tận ngày nay.

Điểm qua mấy ngàn năm, chúng ta thấy rõ Tràng An chưa bao giờ được đặt tên cho Hà Nội. Thế tại sao nhiều người nhầm lẫn cái tên đó? Số là lịch sử Trung Quốc ghi rõ Tràng An là địa danh của một huyện ở tỉnh Thiểm Tây, vùng Tây Bắc nước này, nay thuộc thành phố Tây An. Năm 202 TCN, sau khi lên làm vua, lập nhà Tây Hán, Hán Cao Tổ Lưu Bang định đô ở vùng đất ấy(11). Sau đó, Tràng An còn là kinh đô của nhà Tuỳ rồi nhà Đường cho đến tận năm 907(12). Không những thế, trước đó, vua Vũ Vương nhà Tây Chu đã định đô ở Hạo Kinh, Tần Thuỷ Hoàng định đô ở Hàm Dương thì những vùng đất ấy cũng nằm trong tỉnh Thiểm Tây mà ngày nay thuộc thành phố Tây An.


Có thể nói là ở Trung Quốc, Tràng An là vùng đất định đô khá lâu đời nên địa danh đó đã đồng nghĩa với kinh đô. Từ một danh từ riêng, Tràng An đã trở thành một danh từ chung. Các nho sĩ chúng ta lại vốn xem “Trung Hoa là trung tâm” cho nên cũng coi Tràng An là tên kinh đô của nước mình và đã sáng tác ra câu ca dao trên mà ngay cả Lý Công Uẩn, khi đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long vẫn còn đổi tên kinh đô Hoa Lư cũ là Trường An phủ (13). Vì vậy, có ý kiến cho rằng câu ca dao trên nói về kinh đô cũ thuộc địa phận Ninh Bình hiện nay thì đúng hơn.

Qua những phần vừa trình bày, có thể nói: Tràng An chỉ là một vùng đất làm kinh đô của Trung Quốc và chưa bao giờ là tên gọi của Hà Nội. Nó chỉ được mượn để gọi Hà Nội với nghĩa là đất kinh đô theo phép tu từ trong văn chương mà thôi.

Chú thích:

(1), (2) Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, 1975, tr.108, 117. (3) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tập 1, tr.140-141. (4), (6), (8), (9), (10) Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tập 3, tr.151-152. (5), (7) Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.192. (11), (12) Đổng Tập Minh, Sơ lược lịch sử Trung Quốc, NXB Ngoại văn, Bắc Kinh, 1963, tr. 37, 107. (13) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2004, tr.38.

Nguồn: Việt Nam Ngày Cũ

TRÀ PHỔ NHĨ CHÍN VÀ TRÀ PHỔ NHĨ SỐNG KHÁC NHAU Ở ĐIỂM GÌ?

Có rất nhiều định nghĩa về các loại Trà Phổ Nhĩ hiện nay, nhưng đâu mới là định nghĩa đúng nhất? Thập đại danh trà sẽ cung cấp cho bạn tất tần tật những thông tin không chỉ đơn thuần là màu nước, mùi trà, cách đóng bánh, mà chúng tôi còn hướng dẫn cách phân biệt trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống chính xác nhất thông qua quy trình sản xuất và cách pha trà phổ nhĩ sống và phổ nhĩ chín đúng cách. Để từ đó, bạn có được kiến thức tổng quan để chọn được một loại Phổ Nhĩ mà mình muốn.


Trà Phổ Nhĩ là gì?

Trà Phổ Nhĩ là một loại trà phải trải qua quá trình lên men sau chế biến, thường là trong quá trình lưu trữ. Còn đối với các loại trà thông thường thì chỉ có quá trình oxy hoá ngay trong quá trình sản xuất.

Trà Phổ Nhĩ truyền thống sau khi đã lên men thì sẽ được hấp và ép thành bánh để chuẩn bị cho quá trình ôxy hóa tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển đường dài sẽ bị các yếu tố tự nhiên như gió, mưa, nắng, nhiệt độ, độ ẩm liên tục thay đổi đã khiến cho lá trà có phản ứng sinh học và cho ra những điểm đặc trưng chỉ Trà Phổ Nhĩ mới có.

Trà phổ nhĩ sẽ được chia làm 2 loại dựa theo quá trình lên men của trà: trà phổ nhĩ sống và trà phổ nhĩ chín. Cách pha trà phổ nhĩ sống cũng khác đôi chút so với phổ nhĩ chín, tạo ra hương vị thơm ngon khác biệt.

Nổi tiếng nhất trong dòng trà này là Trà phổ nhĩ Vân Nam có xuất xứ từ trà đạo Trung Quốc.


Quy trình chung để sản xuất ra Trà Phổ Nhĩ

Yếu tố khác biệt chính giữa hai loại này là quá trình đóng bánh và lên men. Còn lại, các công đoạn khác sẽ vẫn giống nhau. Thập đại danh trà sẽ lược tổng quan để cho bạn dễ hình dung nhé:

Trà Phổ Nhĩ Sống


Hái trà → Làm héo → Sấy diệt men → Vò → Sấy khô → Lựa trà → Mao cha Đóng bánh → Lên men dần theo thời gian
 
Trà Phổ Nhĩ Chín

Hái trà → Làm héo → Sấy diệt men → Vò → Sấy khô → Lựa trà → Thúc đẩy lên men trong một lần → Đóng bánh

Hái trà: Lá trà sẽ được thu hoạch tùy thuộc vào yêu cầu về chất lượng, loại trà được sản xuất

Làm héo: Lá trà sẽ được trải ra miếng vải phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc trên các khay trong nhà máy bằng hơi gió trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, được kiểm soát nhiệt độ, nhằm giảm độ ẩm trong lá trà, giúp trà dẻo hơn trong quá trình vò.

Sấy diệt men: Trà sẽ được sấy trong máy hoặc thủ công bằng tay trên chảo để diệt men và ngăn chặn quá trình oxy hóa xảy ra

Vò: Lá trà được vò bằng tay hoặc bằng máy cán để phá vỡ các thành tế bào của lá trà, tạo hương thơm cho trà.

Sấy khô ngăn ẩm: được tiến hành trong lò sấy công nghiệp để loại bỏ 90% độ ẩm lá trà, và làm tăng hương vị của trà.


Hướng dẫn cách phân biệt trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống là quá trình lên men

Trà Phổ Nhĩ sống

Nhiều người dựa vào các yếu tố bên ngoài để có thể phân biệt trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống nhưng thực tế lại không hiểu rõ nguyên nhân chính. Yếu tố quyết định sự khác biệt của hai loại trà này là quá trình lên men.

Với Phổ Nhĩ sống, quá trình lên men sẽ được diễn ra từ từ theo năm tháng. Nên với các bánh Phổ Nhĩ sống, chúng ta thường sẽ được nghe những cụm từ như: bánh Phổ Nhĩ 10 năm, 20 năm, 30 năm. Phổ Nhĩ sống nếu để càng lâu, vị càng ngon, hương càng thơm, màu càng đẹp. Vì men Trà sẽ trở nên mặn mà hơn theo thời gian. Điều này cũng giống như các loại rượu vang, nho được ủ càng lâu thì sẽ càng ngon. Còn đối với trà Phổ Nhĩ sống, bánh trà sẽ được ủ càng lâu thì độ ngon cũng sẽ tăng dần đều theo thời gian. Quá trình này được diễn ra một cách tự nhiên.

Cách đóng bánh: Lá được hấp và nén thành bánh bằng máy ép đá truyền thống hoặc máy ép cơ giới. Sau đó sẽ được gói lại và bảo quản ở nơi có độ ẩm cao (20-30°C) để lên men từ từ.

Trà Phổ Nhĩ chín


Còn với Phổ Nhĩ chín, quá trình lên men sẽ được thúc đẩy nhanh để ra thành phẩm. Nếu như Phổ Nhĩ sống tính bằng đơn vị vài chục năm thì với Phổ Nhĩ chín sẽ được tính bằng đơn vị ngày. Quá trình thúc đẩy lên men này sẽ chỉ diễn ra trong 45-65 ngày.

Cách đóng bánh: Lá trà (hoặc bánh Trà) được đặt thành đống hoặc trải trên sàn nhà máy trong môi trường ẩm và nóng, sau đó dựng cọc và phủ khăn ẩm lên trên để thúc đẩy các khuẩn và nấm men phát triển. Thời gian thực tế phụ thuộc hoàn toàn vào sự tùy ý của chủ lên men, thường diễn ra trong 45-65 ngày.

Nhiều người nhầm lẫn rằng: Phổ Nhĩ là loại trà bánh, tuy nhiên lại không phải vậy, Phổ Nhĩ có bản chất là Trà lá rời, sau đó vì để di chuyển thuận tiện (thời xa xưa ở Trung Quốc và Mông Cổ) nên đã được đóng thành các khối khác nhau: ví dụ hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật hoặc cho vào vỏ quả quýt...với những trọng lượng khác nhau tuỳ theo nhu cầu.

Hướng dẫn cách pha trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống đúng cách

Trà cụ chuẩn bị
  • Đũa trúc hoặc gỗ cứng hoặc dụng cụ tách từng lớp trà phổ nhĩ chuyên dụng

  • Ấm pha trà phổ nhĩ nên chọn loại thân ấm to, tránh nhiệt độ bị hạ xuống nhanh

  • Nước sôi ở nhiệt độ 80-90 độ C
Hướng dẫn cách pha trà phổ nhĩ
  • Bước 1: Dùng trà cụ tách trà từ bánh trà phổ nhĩ ra, làm thật nhẹ nhàng, tránh vị vụn

  • Bước 2: Cho khoảng 5-7gram trà phổ nhĩ vào ấm trà, rót một chút nước sôi vào ấm và tráng trà.

  • Bước 3: Sau khi tráng trà, rót 250ml nước sôi nhiệt độ 80-95 độ C vào ấm, ủ trong 1 phút rồi rót ra tống trà và ly trà để thưởng thức.

  • Bước 4: Lặp lại bước 3 để tiếp tục thưởng thức vị trà phổ nhĩ. Đối với trà phổ nhĩ lâu năm quý hiếm, bạn có thể lặp lại 8-10 lần nước vẫn giữ nguyên hương vị phổ nhĩ ngon, đậm đà.

Những mẹo hay trong cách pha trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống
  • Tráng trà, tráng ấm là bước đầu tiên bạn cần làm dù pha bất kỳ loại trà lá nào để “đánh thức” trà ngủ dậy, làm dậy hương trà tự nhiên

  • Mỗi lần rót trà, chỉ đổ một nửa hoặc 60% nước trà, nên để lại một chút nước trà trong ấm lại để ngâm lá trà, như vậy mùi vị hương thơm của trà mới tỏa ra hết được.

  • Đợi khi nước trà trở nên trong, vị nhạt, thì cho nước sôi vào, tầm nửa tiếng sau uống, đây là nước trà cuối cùng – có vị tinh hoa trà được bật mí trong cách pha trà phổ nhĩ sống, phổ nhĩ chín của Thập đại danh trà

  • Trà phổ nhĩ càng để lên men lâu năm càng ngon, càng quý có thể pha được nhiều nước hơn, cho ra nhiều hương vị thơm ngon đặc biệt của mỗi bánh trà.

  • Trà phổ nhĩ sống càng để lâu năm, có vị càng cay, đắng, điểm đặc biệt của dòng trà này.
Đánh giá vị ngon của Trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống?

Nhiều người sẽ phân vân không biết nên chọn Phổ Nhĩ nào là cho phù hợp. Thập đại danh trà sẽ hướng dẫn bạn nhé.
  • Có thể nói, Phổ Nhĩ sống sinh ra là đã dành cho những người có tính tò mò về sự thay đổi hương vị theo thời gian của nó. Nên nếu bạn là người nhạy về mùi và hương thì khám phá điều này rất dễ. Đồng thời, cũng chính yếu tố thời gian đã đòi hỏi người uống phải kiên trì. Có thể nói mua Phổ Nhĩ Sống là chơi một “canh bạc” thật sự. Vì việc ngon hay không ngon sẽ luôn là ẩn số đến phút cuối cùng.

  • Ngược lại, Phổ Nhĩ Chín sẽ dành cho người uống muốn có độ chắc chắn về hương vị. Bởi ngay lúc mua Trà, bạn đã có thể cảm nhận được hương vị và chọn lựa. Tuy nhiên, độ đậm đà, tươi thơm sẽ không được sánh bằng Phổ Nhĩ Sống. Vì Phổ Nhĩ Sống là sự kết tinh của đất trời và bản thân bánh Phổ Nhĩ theo năm tháng. Phổ Nhĩ chín sẽ thích hợp ăn trong các buổi DimSum của người Hoa.
Mỗi loại sẽ có một đặc trưng về vị khác nhau. Nhưng nếu lựa chọn 1 loại Trà phổ nhĩ đặc sắc thì chắc chắn đó chính là Phổ Nhĩ sống. Áp dụng đúng cách pha trà phổ nhĩ sống Thập đại danh trà hướng dẫn thì bạn chắc chắn sẽ thưởng thức được một ly trà phổ nhĩ thơm ngon mùi của thời gian, thượng hạng và đặc biệt.


Vì sao Phổ Nhĩ thường có cân nặng 357 gram?

Bên cạnh hệ thống đo lường theo chuẩn quốc tế thì có nhiều nhà Trung Quốc làm Phổ Nhĩ vẫn giữ nguyên đơn vị Thị Dụng chế cũ là Liang hoặc Jiin.

Một bánh được đóng với khối lượng 357 gram tương đương với 7 Liang. Số 7 trong tiếng Trung đọc gần giống với chữ “khởi”, tượng trưng cho khởi đầu may mắn và chữ “khí” tượng trưng cho không khí, sự sống.

Thêm vào đó, người Trung Quốc thường hay đóng 7 bánh trà thành 1 kiện và buộc chặt bằng lạt tre. Theo đó, 7 bánh được coi là 1 đồng. Khi bán cho khách, người chủ sẽ bán luôn một “đồng” chứ không bán lẻ.

Khi mua 1 “đồng” gồm 7 bánh như vậy, thì 357*7=2499, tương đương với 2,5 kg. Nếu như theo chuẩn quốc tế: 1kg = 1000 gram, thì với Thị Dụng chế: 1kg chỉ bằng 500 gram. Nên 2,5 kg theo Thị Dụng bằng 5 kg trên chuẩn Quốc Tế.

Đó là những lý do tại vì sao mà Phổ Nhĩ lại có khối lượng 357 gram. Ngày nay, Phổ Nhĩ đã được đóng đa dạng hơn với các khối lượng như 100, 200 hoặc 500 gram. Vì sau này, người ta đã không còn quan trọng vào những con số Phong Thuỷ như vậy nữa. Ở các nước phương Tây dần trở thành thị trường lớn của Trà Phổ Nhĩ cũng đã đóng trà thành số chẵn để dễ giao dịch hơn.

Cách bảo quản Trà Phổ Nhĩ tốt nhất bạn cần biết

Một trong những yếu tố khiến cho người ta mê mẩn Trà Phổ Nhĩ đặc biệt đối với Phổ Nhĩ Sống đó chính là tận hưởng sự thay đổi trong hương vị theo thời gian. Nên thật tiếc, nếu như chưa kịp cảm nhận quá trình đó mà Trà đã bị hư hỏng phải không nào?

Trà phổ nhĩ cần được bảo quản nơi khô thoáng, tránh môi trường ẩm ướt, nên sử dụng kệ đựng trà phổ nhĩ khi trưng bày.
  • Nếu dùng liền: bạn nên tháo rời trà thành từng miếng nhỏ, để trong một túi giấy, để nơi khô thoáng

  • Nếu để một thời gian rồi uống: giữ nguyên vẹn bánh trà nơi khô thoáng, khi uống dùng dụng cụ tách bánh trà thành từng miếng nhỏ để thưởng thức.

  • Cách bảo quản trà phổ nhĩ sống: bạn không nên hút chân không, vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình lên men tự nhiên của phổ nhĩ sống.

  • Cách bảo quản trà phổ nhĩ chín: bạn có thể đựng trong hộp kín hoặc hút chân không.

  • Cách bảo quản trà phổ nhĩ hoa: loại trà này rất dễ bị mọt trà (con mọt tự sinh ra trong cánh hoa) nếu ở môi trường ẩm. Bạn có thể hút chân không bánh trà phổ nhĩ hoa để bảo quản tốt hơn nhé.
Thập đại danh trà hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thể phân biệt được 2 loại trà phổ nhĩ chín và phổ nhĩ sống cũng như cách pha trà phổ nhĩ sống/chín. Bạn còn thắc mắc hay cần chúng tôi tư vấn kỹ thêm về trà phổ nhĩ thì hãy nhắn tin hoặc gọi ngay cho Thập đại danh trà nhé.

Nguồn: thandaidanhtra
Link tham khảo (Hoa ngữ):



"LOAN MẮT NHUNG" VÀ DÒNG TRUYỆN - PHIM "XÃ HỘI ĐEN" CỦA SÀI GÒN TRƯỚC 1975

Trong dòng nhạc trước 1975, có nhiều bài hát ban đầu là được viết cho phim, nhưng theo thời gian, bài hát đó đã thoát khỏi cái tên “nhạc phim” để tồn tại tách biệt, nổi tiếng như nhiều bài hát khác và được yêu thích mấy mươi qua, trở thành một bài hát bất hủ của tân nhạc.


Bài nhạc phim đầu tiên như vậy có lẽ là ca khúc Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân viết cho phim Kiếp Hoa từ thập niên 1950. Sau đó là các ca khúc Nửa Hồn Thương Đau trong phim Chân Trời Tím, và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Người Tình Không Chân Dung, Xa Lộ Không Đèn trong các bộ phim cùng tên, ngoài ra phải kể đến bài nhạc Loan Mắt Nhung của nhạc sĩ Huỳnh Anh, viết cho phim Loan Mắt Nhung được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thụy Long.


Loan Mắt Nhung cùng với Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang là 2 tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Sài Gòn trước năm 75 viết về thế giới du đãng (ngày nay gọi bằng cái tên khác là “xã hội đen”), về những góc khuất đen tối của xã hội bên cạnh nét phồn hoa rực rỡ của Sài Gòn năm xưa. Cả 2 tiểu thuyết này đều được dựng thành phim, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra những bài nhạc trong phim cũng được yêu thích và tồn tại với thời gian mấy mươi năm như 1 bài hát độc lập.

Loan Mắt Nhung kể chuyện về Loan có biệt hiệu là “Loan mắt nhung”, là một thanh niên lương thiện bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Vì cuộc sống khốn khổ, Loan phải đương đầu để sinh tồn rồi trở thành một đàn anh trong giới dao búa. Loan có đôi mắt đẹp như nhung:

“… Loan nheo mắt, đôi mắt có hàng lông mi cong vút như mắt một đứa con gái đẹp. Khuôn mặt Loan lại đều đặn, sống mũi cao, hàm răng nhỏ và trắng sát. Loan có cái sắc đẹp của một đứa con gái nhiều hơn là một nam nhi. Mọi người ở bến xe này đều công nhận vậy. Người ta không biết Loan từ đâu lạc loài đến, hình như hắn cũng chẳng có nghề nghiệp gì…”.

Hình ảnh khán giả nô nức kéo nhau đi xem phim Loan Mắt Nhung

Là tay anh chị, dưới trướng có đàn em nhưng Loan lại cảm thấy cuộc đời cô đơn và muốn hoàn lương, nhưng hoàn cảnh thôi thúc, lôi kéo vào chốn bùn nhơ… Khi người yêu thuở hàn vi là Xuân bị kẻ xấu hãm hại đến chết, Loan đã tự giải quyết cho lối thoát đời mình bằng việc xóa sổ tất cả kẻ ác đó rồi tự nộp mình cho cảnh sát, kết thúc một đời bi thảm với niềm hối hận vì đã đánh mất thời trai trẻ.

Nhà văn Nguyễn Thụy Long sở trường về cái nhìn cuộc sống của lớp người rơi vào hoàn cảnh đen tối và đầy dẫy cạm bẫy, bởi mưu sinh thời thế xô đẩy. Cuộc đời ông cũng trải qua bao thăng trầm, hàm oan nhưng ông phó mặc cho đời. Ông bày tỏ: “Trong đời cầm bút của tôi chưa bao giờ viết lên được một nhân vật đẹp đẽ, tôi chỉ chuyên tìm con đường gai góc mà đi, những nhân vật ma chê quỉ hờn đã được thể hiện trên giấy”.


Ca khúc Loan Mắt Nhung của nhạc sĩ Huỳnh Anh đã khắc họa được phần nào nội tâm giằng xé của nhân vật Loan, về những cô đơn, lạc loài trong một xã hội không còn chốn dung thân:

Đường vắng thưa bước chân buồn âm thầm
Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu
Giữa đêm sầu ngõ không màu,
sống lạc loài thân đơn côi
Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu nhiều đắng cay…

Lòng phố khuya bước chân còn khua dài
Tìm về thơ ấu đếm ngày qua
Khóc chi nhiều đã bao chiều chỉ riêng mình thêm cô liêu
Qua vùng thương hận đêm tóc rối
tù đày ngõ tối đam mê

Xin yêu thương đến trong hồn côi
Ru cơn đau qua miền thương nhớ
Qua đêm xanh độc hành mang lẻ loi

Ôi xanh xao tiếng than hờn oán
Đêm kinh đô muôn màu ngã bóng
Một người tìm sao mắt em!

Tình dở dang ước mơ vàng phai tàn
Nghìn thương trăm nhớ vẫn là mơ!
Tiếng nhạc sầu đã tan dần giữa đêm dài không trăng sao
Buông vòng tay sầu mang nuối tiếc
Chờ đợi duyên kiếp mai sau…


Thập niên 1990, người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung đã phát cuồng vì những bộ phim xã hội đen của Hongkong, và chủ đề này cho đến nay có lẽ cũng không bao giờ bị lỗi thời. Trước năm 1975, nền điện ảnh Sài Gòn đã khai thác chủ đề này với nhiều phim đình đám như Loan Mắt Nhung, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Xa Lộ Không Đèn… Khán giả luôn cảm thấy thích thú, tò mò khi những góc khuất về 1 xã hội nằm ngoài vòng pháp luật được phô bày rõ ràng trên màn ảnh hoặc trong những trang tiểu thuyết hấp dẫn. Đó là lý do vì sao những nhân vật như Loan Mắt Nhung hay Đại Cathay vẫn được nhắc nhớ cho đến ngày nay.

Đông Kha
Nguồn: nhacxua



Sunday, July 30, 2023

"DINH THỰ BẢO ĐẠI" BỊ LÃNG QUÊN Ở HÀ NỘI

Ẩn mình trong phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, tòa nhà xây dựng từ năm 1939 có kiến trúc pha trộn giữa văn hóa phương Đông và Tây.


Theo tư liệu lưu ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, đây là dinh thự Didelot, nhà của Nam tước người Pháp Pierre Didelot và vợ là Marie-Agnes Nguyễn Hữu Hào (chị ruột của Nam Phương Hoàng Hậu). Dinh thự được xây dựng năm 1939, đến nay 82 tuổi.

Năm 1949, vua Bảo Đại (lúc đó là Quốc Trưởng Bảo Đại) đã mua lại tòa nhà để làm công thự, phục vụ mỗi lần ra Hà Nội kinh lý, sau này được chuyển làm nhà công vụ, rồi nhà nước quyết định hóa giá bán cho những người có nhu cầu. Trên hình là lối vào hiện nay, nằm bên trong ngõ 186 phố Ngọc Hà.


Trải qua nhiều năm dời chủ, khuôn viên công trình hiện bị chia cắt thành nhiều căn hộ. Tuy nhiên, tầng 1, 3 và 4 vẫn được giữ lại, bảo tồn khá tốt và ngày nay thuộc về doanh nhân Hồ Hoàng Hải (Hà Nội).


Bao quanh dinh thự là tường rào uốn lượn của khu vườn thượng uyển trước đây. Khu vườn nay bị chia cắt thành nhà ở, tường rào vẫn còn lại khá nhiều nhưng bị phủ kín bởi cây cảnh và rau của các gia đình xung quanh trồng.


Công trình dần bị nhiều ngôi nhà mới xây "bao vây" nên ít người biết tới. Mỗi cổng tò vò của tường rào cổ hiện nay thành cửa của các hộ dân, thậm chí có cửa chung của hai nhà.


Dinh thự cổ có kiến trúc kết hợp văn hóa phương Đông và Tây rõ rệt. Bên ngoài là mái cung đình rồng phượng đặc trưng phương Đông, bên trong có nội thất và trang trí theo phong cách phương Tây.

Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, Arthur Kruze (1900-1989). Ông sang Việt Nam làm giáo sư giảng dạy kiến trúc tại trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương từ 1930 đến 1954, sau đó về nước.


Bên trong tòa nhà được chia 3 - 5 phòng mỗi tầng, các phòng đều có lò sưởi, tủ âm tường bằng gỗ, tường xây dày đảm bảo mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Theo anh Hải, nhà có thang máy đưa đồ ăn từ bếp lên phòng ăn, hệ thống cửa sổ, cửa ra vào dùng bản lề, thanh ray trượt, được giữ nguyên từ xưa đến nay vẫn hoạt động trơn tru.


Cầu thang gỗ xoắn được bảo dưỡng thường xuyên nên còn sử dụng tốt.


Cầu thang, sàn gỗ, lò sưởi, cửa gỗ... đều còn được bảo quản tốt. Trong hình là hệ thống cầu thang từ thầng 3 lên tầng 4 (áp mái) trong nhà.


Anh Hải cho biết, máy bơm nước sản xuất tại Pháp từ thời Pháp thuộc đến này vẫn hoạt động (trái) và hệ thống điện được đi ngầm có ống ghen thép chôn trong tường, điện ngầm ở sàn nhà, thậm chí cả ổ điện âm sàn bằng đồng.


Cuối tháng 2/2021, dinh thự được chủ nhân mới mở cửa cho du khách tham quan tự do trong một tháng, thu hút nhiều người yêu kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật. Hiện tại ngôi nhà được thuê lại bởi đơn vị nội thất Mant làm showroom.

Tuy vậy, anh Hải vẫn tìm hiểu và sưu tầm các tư liệu, với mong muốn xác minh lịch sử và kiến trúc của công trình, đồng thời tìm giải pháp "hồi sinh" những giá trị của dinh thự cổ.

Khánh Trần / Theo: vnexpress
Ảnh: Khánh Trần, Hồ Hoàng Hải, iOne



TÒA NHÀ SEN - KIẾN TRÚC ẤN TƯỢNG Ở TRUNG QUỐC

Nếu bạn chưa có kế hoạch gì cho du lịch mùa hè năm nay, hãy thử xem xét một chuyến đi đến nước láng giềng Trung Quốc ngay kề bên. Ngoài những điểm đến quen thuộc như Vạn Lý Trường Thành, Bắc Kinh… du lịch Trung Quốc lại vừa có thêm một điểm nhấn mới bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp vốn có. Đó chính là tòa nhà hình bông sen độc đáo. Tòa nhà hoa sen Lotus Centre vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng tại Wujin, Trung Quốc, đã trở thành tiêu điểm cho các tour du lịch Trung Quốc dạo gần đây.

Đó chính là tòa nhà hình hoa sen Lotus Centre - Ảnh: Angry Architect

KIẾN TRÚC BIỂU TƯỢNG Á ĐÔNG

Hoa sen vốn là một hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Á Đông. Trên thế giới cũng không phải chưa từng có những kiến trúc lấy cảm hứng từ loài hoa dân dã này. Tuy nhiên, Lotus Centre ở Wujin đã tạo nên một bước tiến mới trong việc thiết kế lấy cảm hứng từ hoa sen. Tòa nhà đã trở thành một điểm thu hút các khách khi đi du lịch Trung Quốc, đặc biệt là trong dịp du lịch mùa hè.

Hình ảnh hoa sen vốn quen thuộc với người Á Đông - Ảnh: Bahman Farzad

Không ít kiến trúc được xây dựng lấy cảm hứng từ bông hoa sen - Ảnh: Jackfre 2

Tuy nhiên, Lotus Centre được xem là sự mô phỏng hoàn mỹ nhất cho đến hiện tại - Ảnh: sưu tầm

Tòa nhà Lotus Centre tọa lạc ngay trên một hồ nước nhân tạo, nằm ngay trung tâm thành phố Wujin. Không chỉ là điểm nhấn độc đáo của du lịch Trung Quốc, Lotus Centre còn được đánh giá là một trong những tòa nhà có kiến trúc độc đáo nhất trên thế giới tính đến bây giờ.

Toàn cảnh phác thảo khu phức hợp công viên Nhân dân - Ảnh: Architizer

Tòa nhà Lotus Centre gồm 3 kiến trúc riêng biệt mô tả hình thái của hoa sen ở ba giai đoạn khác nhau. Bản thân tòa nhà Lotus Centre là một trung tâm hội nghị. Tuy nhiên, toàn thể khu vực công viên Nhân dân rộng 3,5 héc-ta đã được thiết kế nhằm hòa hợp với kiến trúc của Lotus Centre. Toàn bộ quần thể này được xem như một góc văn hóa và thể hiện cam kết của chính quyền đối với nhân dân cũng như tham vọng phát triển trong tương lai của Trung Quốc.

Lotus Centre với 3 hình thái của bông sen tạo nên điểm nhấn độc đáo của du lịch Trung Quốc - ảnh: Architizer

Hoa sen nở rộ với phần đài sen xanh thẳm - Ảnh: Architizer

KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO CỦA LOTUS CENTER

Không phải tự nhiên mà Lotus Centre trở thành điểm nóng thu hút du khách trong các tour du lịch tại Trung Quốc. Tất cả đều là do kiến trúc rất độc đáo của tòa nhà này.

Tòa nhà Lotus Centre là một trong những điểm nóng của du lịch Trung Quốc - Ảnh: Architizer

Lotus Centre gồm 3 tòa nhà, thể hiện từng giai đoạn trưởng thành của một bông hoa sen. Tòa nhà trong suốt với những cánh sen bằng kính giúp lấy ánh sáng tự nhiên tốt nhất, giảm thiểu việc sử dụng điện và tạo khí thải ra môi trường. Hơn 2500 tấm địa nhiệt được lát trên nền tòa nhà và cắm thẳng xuống hồ vừa làm trụ cho tòa nhà vừa giúp cho Lotus Centre “đông ấm, hè mát”.

Hơn 2500 tấm địa nhiệt được sử dụng để điều hòa không khí bên trong Lotus Centre - Ảnh: Architizer

Mái vòm Lotus Centre lót kính để thu ánh sáng tự nhiên - Ảnh: Architizer

Kiến trúc bên trong Lotus Centre - Ảnh: Architizer

Một trong những điểm đặc biệt của Lotus Centre là lớp áo đa sắc màu của nó khi trời tắt nắng. Những ánh đèn chớp nháy thay đổi sau mỗi 20 giây tạo nên sự thu hút khó cưỡng. Toàn bộ dự án Lotus Centre do công ty xây dựng Studio 505 của Úc thiết kế và hoàn thành. Trong chuyến du lịch mùa hè tới Trung Quốc, bạn và gia đình có thể cùng thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của một trong những thắng cảnh mới của du lịch Trung Quốc này đấy.

Mái vòm tòa nhà Lotus Centre- Ảnh: Architizer

Trong lòng hoa sen - Ảnh: Architizer

Không chỉ là biểu tượng của thành phố Wujin nói riêng hay du lịch Trung Quốc nói chung, Lotus Centre còn được xem là một biểu tượng của sự phát triển bền vững.

Không chỉ có vẻ ngoài độc đáo, nội thất bên trong của Lotus Centre cũng được coi trọng, đầu tư sang trọng và mang tính bền vững cao. Bên trong Lotus Centre là hàng trăm phòng triển lãm lớn nhỏ khác nhau, lấy ánh sáng trực tiếp từ bên ngoài. Các phòng hội nghị được trang trí, thiết kế nội thất thể hiện đẳng cấp cao. Ngoài ra, phần vòm mái của trung tâm hội nghị Lotus Centre cũng được chăm sóc kỹ lưỡng để vừa thỏa tính nghệ thuật vừa có tính ứng dụng cao.

Ánh đèn trang trí bên trong Lotus Centre - Ảnh: Architizer

Bên trong Lotus Centre - Ảnh: Architizer

Chùm đèn độc đáo của Lotus centre - Ảnh: Architizer

Không gian phòng hội nghị bên trong Lotus centre - Ảnh: Architizer

Nổi bật trên lòng hồ nhân tạo, Lotus Centre trở thành một điểm nhấn không thể thiếu của du lịch Trung Quốc - Ảnh: Architizer

Những bông hoa sen nổi bật trong màn đêm Wujin - Ảnh: Architizer

Lotus Centre liên tục đổi màu trong vòng 20 giây - Ảnh: Architizer

Nếu trước đây du lịch Trung Quốc nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng thì nay du khách khi đi các tour du lịch đến Trung Quốc đã có thêm một lựa chọn. Du khách sẽ có cơ hội để tiếp cận và có cái nhìn mới với đất nước Trung Quốc đang ngày càng hiện đại và phát triển. Còn chờ gì nữa mà bạn không thêm tên tòa nhà Lotus Centre vào danh sách tour du lịch mùa hè của mình nào bạn.

Việt Trang & Hải Yến – Mytour
Link tham khảo:




ÔI, SAO MÀ LẮM "DIVA" ĐẾN THẾ! NHƯNG..."DIVA" LÀ GÌ?

Những năm gần đây, báo chí ở Việt Nam rất sính dùng chữ “diva” để ca tụng những nữ ca sĩ “nổi tiếng” trong lĩnh vực ca nhạc quần chúng. Chữ “diva” có sức hấp dẫn đến mức gây ra những cuộc tranh cãi “ai xứng đáng là diva,” và thậm chí người ta còn phát động một cuộc bình chọn “Diva thế hệ mới” và kết quả là… hàng loạt cuộc tranh cãi khác.


Thế nhưng, “diva” có nghĩa là gì vậy?

Chữ “diva” đã được báo chí tiếng Anh dùng từ năm 1883, mượn từ chữ “diva” trong tiếng Ý, nghĩa là “nữ thần,” để gọi những những nữ danh ca opera, đặc biệt cho giọng hát soprano (còn nam danh ca opera giọng tenor thì được chuyển sang giống đực là “divo”). Trong thế kỷ 20, khi nói “diva,” người ta liên tưởng ngay đến những giọng ca tuyệt đỉnh như Maria Callas, Joan Sutherland,…

Dần dần, giới báo chí thương mại đã làm cho chữ “diva” lan sang lĩnh vực điện ảnh và nhạc phổ thông, rồi còn lan sang cả những lĩnh vực khác nữa, chẳng hạn: “tennis diva,” “boxing diva,” “running diva,” “cooking diva,” vân vân, thậm chí… “pole dance diva” (nữ thần múa cột)!

Cái kiểu dùng chữ “diva” càng ngày càng lệch lạc này đã bị báo Time phê phán. Ngày 21 tháng 10, 2002, báo Time khẳng định: “By definition, a diva was originally used for great female opera singers, almost always sopranos.” (“Theo đúng định nghĩa, chữ diva đầu tiên được dùng cho những nữ danh ca opera, hầu như luôn luôn là những giọng hát soprano”).

Thế nhưng, chữ “diva” lại còn có thêm một nghĩa mới nữa, nhưng là nghĩa xấu. Theo từ điển Oxford, nghĩa mới của “diva” là “a woman regarded as temperamental or haughty” (một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian).

Ngày 20 tháng 12, 2012, trang blog “Oxford Dictionaries” có đăng bài “Word in the news: diva” của nhà từ điển học Allison Wright (biên tập viên của những ấn bản từ điển tại Hoa Kỳ). Allison Wright giải thích rằng danh hiệu “diva” thời bây giờ đã trở thành một sự ca ngợi lẫn sự xúc phạm, vì cái nghĩa “một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian” thì ngồi sát bên cái nghĩa mang tính âm nhạc nhiều hơn của nó (being classified a diva has become both praise and insult, where a sense like “a woman regarded as temperamental or haughty” sits comfortably next to its more musical definition.) Vì thế, Allison Wright nhận định rằng khi ta gọi một người nào đó là một “diva” thì giống như ta vạch ra một đường chỉ rất mỏng để bước đi lên đó, và đường chỉ ấy có rất nhiều hậu quả mang tính ngữ nghĩa (Calling someone a diva is a fine line to walk and one that has vast semantic consequences).


Chưa hết, trong những thập kỷ gần đây, tiếng lóng ở các đô thị nói tiếng Anh còn dùng chữ “diva” với một nghĩa rất ư là kinh khủng. Urban Dictionary định nghĩa “diva” là “female version of a hustler,” nghĩa là… gái điếm. Ngoài ra, cái nghĩa “một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian” thì được Urban Dictionary diễn dịch ra thành: “Một mụ cáu kỉnh, ngạo mạn, luôn luôn muốn ai cũng làm theo ý mình; mụ thường ăn nói thô lỗ và khinh rẻ những người khác, mụ cứ tưởng rằng mụ được thiên hạ ưu ái tột bậc, nhưng thực tế không phải vậy; mụ là loại đàn bà ích kỷ, hư hỏng, và lúc nào cũng ra vẻ kịch tính quá trớn” (“a bitchy woman that must have her way exactly, or no way at all; often rude and belittles people, believes that everyone is beneath her and thinks that she is so much more loved than what she really is; she is selfish, spoiled, and overly dramatic.”)

Trong xã hội Âu Mỹ hôm nay, song song với kiểu báo lá cải hay gán nhãn hiệu “diva” bừa bãi với mục đích thương mại, chữ “diva” cũng thường được dùng theo nghĩa xấu để mô tả thái độ ứng xử tồi tệ của giới ca sĩ và diễn viên. Do đó, rất nhiều ca sĩ lừng danh ở các nước Âu Mỹ không muốn bị gọi là “diva.” Thử nêu vài ví dụ:


– Ðại danh ca Patti LaBelle (69 tuổi, hai lần đoạt giải Grammy) không muốn bị gọi là “diva.” Bà nói: “Tôi luôn luôn thấy mình như một người đàn bà hát bằng cả tấm lòng và hiến tặng 120 phần trăm. ‘Diva’ là một chữ mà tôi không muốn gọi chính mình, vì nó bị lạm dụng một cách quá bừa bãi. Nó chẳng còn hay ho gì nữa.” [“Patti LaBelle Slams Today’s Divas as ‘Little Heifers Who Can’t Sing’,” báo Us Today, 24/01/2014]

– Nam ca sĩ Christopher Maloney cảm thấy sốc khi bị gọi là “diva.” Trong trường hợp này, chữ “diva” (với nghĩa xấu, dành cho phái nữ) lại bị áp dụng cho phái nam. [“‘X Factor’ Christopher Maloney shocked by James Arthur ‘diva’ comments,” Báo DigitalSpy, 20.11.2012]

– Vì thái độ ứng xử tồi tệ, Kenya Moore bị gọi là “diva” trong thời gian quay cuốn phim Celebrity Apprentice [“The real reason behind Kenya Moore’s diva behavior,” báo Examiner, 20.04.2014]

– Báo Celebitchy gọi ca sĩ Lorde “đích thực là một mụ diva và đạo đức giả, bị ám ảnh bởi bề ngoài” [“Lorde is a ‘total diva & hypocrite, she’s obsessed with her looks’,” báo Celebitchy, 17.01.2014]

– Vì thái độ ứng xử tồi tệ, Jennifer Aniston bị gọi là “diva” trong thời gian quay cuốn phim mới [“Jennifer Aniston a ‘Diva’ on Set of New Film? Cast Complains,” báo Christian Post, 26.02.2013]

– Nữ danh ca Jennifer Lopez cố gắng chứng tỏ mình không phải là “diva” [“Jennifer Lopez Sets Out to Prove She’s No Diva,” báo Eonline 23.04.2010].


– Nữ danh ca Mariah Carey bị sốc và cảm thấy kinh tởm khi bị gọi là một “diva” [“She said: ‘I am baffled, shocked and appalled when I am called a diva,” báo Daily Mail, 24.11.2009].

***

Ðến đây, một câu hỏi rất cần được nêu lên cho người Việt: Tiếng Việt đã có thừa từ ngữ hay ho và chính xác để mô tả những giọng ca tuyệt vời, thì tại sao lại không dùng, mà lại đi mượn chữ “diva” có nhiều nghĩa lằng nhằng dễ gây hiểu lầm của nước ngoài để mà dùng?

Không chỉ vay mượn một cách thiếu sáng suốt, báo chí ở Việt Nam còn dùng chữ “diva” một cách rất… lạ lùng. Trên trang Wikipedia tiếng Việt có một mục gọi là “Diva Việt Nam.” Mục này giải thích rằng chỉ có 4 ca sĩ Hà Nội được xem là “Diva Việt Nam” (gồm Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, và Trần Thu Hà). Mục này còn giải thích rằng “khái niệm diva thường chỉ được báo chí nhắc tới với những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam đương đại, chứ không dùng cho các ca sĩ thế hệ trước như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Dung hay của các dòng nhạc khác như Ánh Tuyết, Khánh Hà, Ngọc Hạ…”


A ha! Tại sao chỉ có “những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam đương đại” thì mới được gọi là “Diva Việt Nam”? Tại sao Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Dung thì không phải là “Diva Việt Nam”? Tại sao Ánh Tuyết, Khánh Hà, Ngọc Hạ,… thì không phải là “Diva Việt Nam”?

Trong thực chất, ở Việt Nam, cái trò dán nhãn “diva” rõ ràng chỉ nhắm vào mục đích thương mại, chứ chẳng có một chút gì hợp lý và chẳng dựa trên một tiêu chí khả tín nào cả. Càng ngày cái trò ấy lại càng thêm nhảm nhí đến mức có hàng loạt bài báo ca tụng những ca sĩ “xinh đẹp bốc lửa thể hiện đẳng cấp diva” với bộ áo thời trang “khoe trọn tấm lưng trần thon thả cùng làn da trắng nõn ngọc ngà, làm ngây ngất trái tim người hâm mộ bởi vẻ đẹp ngọt ngào, lôi cuốn,” chứ chẳng màng đến giọng hát.

Khi chữ “diva” đã trở thành một chữ càng ngày càng trở nên nhảm nhí và mang những ý nghĩa xấu như thế, thì ai còn muốn mình là “diva” nữa? Ấy vậy mà gần đây, nhân sinh nhật thứ 80 của Thái Thanh, báo Thế Giới Tiếp Thị cho rằng “Thái Thanh có lẽ là người duy nhất xứng danh diva trong âm nhạc Việt.” Chắc hẳn họ muốn dùng chữ “diva” với nghĩa tốt để ca ngợi Thái Thanh, thế nhưng, như nhà từ điển học Allison Wright đã nhận định, “khi ta gọi một người nào đó là một ‘diva’ thì giống như ta vạch ra một đường chỉ rất mỏng để bước đi lên đó, và đường chỉ ấy có rất nhiều hậu quả mang tính ngữ nghĩa,” thế thì, thay vì dùng chữ “diva,” tại sao không dùng tiếng Việt rất phong phú và đẹp đẽ của chúng ta để ca ngợi Thái Thanh như một “đại danh ca” hay “ca sĩ thượng thặng,” hay “tiếng hát vượt thời gian”?

Hoàng Ngọc Tuấn
Theo: Người Việt