Saturday, April 20, 2024

TÂM AN THÌ ĐẤT BẰNG, KHÔNG CHẤP KHÔNG CẦU THÌ UNG DUNG, THẢN ĐÃNG


Chuyện kể lại rằng: Thuở xưa, Bồ Tát Trì Địa sinh đúng vào thời đức Như Lai Phổ Quang xuất thế. Ngài mới nghe qua Phật Pháp liền phát tâm xuất gia, và phát nguyện rằng hễ ngài còn sống đời nào thì trong đời ấy sẽ dùng hết sức lực của mình vì chúng sinh mà xây cầu đắp đường, lập dựng uy đức.

Phàm thấy có chỗ nào địa thế đi lại hiểm nguy, Bồ Tát Trì Địa đều tới đó gia công tu sửa cho đường xá phong quang, bằng phẳng giúp cho mọi người đi lại được thuận lợi và an toàn.

Năm lại tháng qua, trong rất nhiều đời xuất tâm xuất nguyện vì chúng sinh như thế, Bồ Tát Trì Địa cứ một lòng làm việc khổ nhọc, không giải đãi, không mệt mỏi, không than vãn, không khoe khoang.

Ngày ngày, trong lúc xây cầu và đắp đường, cứ thấy người già, trẻ nhỏ hoặc khách bộ hành qua lại mà phải xách vác, gồng gánh hành lý hay vật dụng nặng nề cồng kềnh là Bồ Tát Trì Địa vội vàng chạy đến ân cần giúp đỡ, không cần biết đường xa hay gần, và tuyệt đối không nhận một sự đền ơn báo đáp nào. Vì thế ngài được rất nhiều người ngợi ca, kính ngưỡng.

Có một lần, Quốc vương nước sở tại lập đàn cúng dường Phật Như Lai, Bồ Tát Trì Địa biết được liền vội vàng cẩn thận tu sửa con đường mà đức Như Lai sắp bước qua cho được bằng phẳng, rồi cung kính đứng chờ đức Như Lai giáng lâm.


Thế rồi một hôm đức Phật Như Lai Tỳ Xá Phù cũng đi ngang qua con đường ấy. Ngài hết lời khen ngợi Bồ Tát Trì Địa có tâm phó xuất vì người, nói đoạn Đức Phật đưa tay lên quán xuống đỉnh đầu của Bồ Tát Trì Địa và nói rằng:

– Ông phát tâm tu sửa tất cả mọi con đường khiến đâu đâu cũng được bằng phẳng. Tâm an thì đất bằng, trong tương lai ông sẽ chứng đắc quả vị rất mau chóng.

Bồ Tát Trì Địa nghe đức Như Lai khai thị xong, lập tức đốn ngộ, biết rằng tâm của mỗi người cùng thế giới và tất cả vạn sự vạn vật đều có sự linh thông đối ứng, không hề có một sự sai khác nào. Bỗng nhiên ngài cảm thấy mình vô cùng an nhiên thản đãng, vô chấp vô cầu, vô tư vô ngã, từ đó mà chứng đắc được quả vị.

Lời bàn:

Xưa nay nhân thế vẫn thường mạn đàm về việc làm từ thiện, phó xuất vì người như thế nào để lập dựng nên uy đức, công quả. Có người nói: nên phải phóng sinh, bèn đi mua các loài vật và chim muông về rồi thả; Có người nói phải đóng góp tài vật, xây dựng chùa chiền mới mong sớm thành uy đức; Có người nói phải cưu mang giúp đỡ kẻ bần hàn, thấy người đói rét thì bố thí cho họ miếng cơm manh áo; Lại có người đi khắp các đền chùa miếu mạo thắp hương bái lạy, đốt vàng mã, soạn lễ hậu mà cầu Thần khấn Phật… thôi thì nhân gian muôn hình vạn trạng, ngộ sao làm vậy!

Có hay đâu rằng tất cả những việc làm kể trên đều là hữu vi, chỉ chấp vào danh-lợi-tình của bản thân, gia đình, dòng tộc hoặc là hữu cầu công đức cá nhân, hoặc là cố chấp vào những ràng buộc, thị phi ở thế gian chứ nào đâu có xuất tâm vì người, lại càng không biểu lộ được cái tấm lòng kính ngưỡng Thần Phật, vậy hỏi sao mà có công đức cho được? Càng không thể nói tới chuyện tu hành viên mãn.


Ngài Bồ Tát Địa Tạng khi xưa chỉ phát nguyện một lòng vì hạnh phúc của chúng sinh mà nhiều đời chịu làm việc khổ nhọc, không giải đãi, không mệt mỏi, không than vãn, không khoe khoang… lại lập chí tu thành, nhất tâm hướng Phật, không vị tư vị lợi, vô chấp vô cầu, vô tư vô ngã: ấy mới là cái ‘Tâm an’ của người tu Phật, tu Đạo quả là đáng trân quý lắm thay.

Phật gia có giảng: “Tướng do tâm sinh”, thiển nghĩ: khi tâm của một người mà Chân-Thiện-Nhẫn thì từ diện mạo con người cho đến hình tướng của sự việc cũng như vạn sự vạn vật xung quanh đều trở nên viên minh tốt đẹp. Đó cũng chính là nói lên cái đạo lý ‘tâm an thì đất bằng’ vậy.

Đường Phong / Theo: ĐKN

Friday, April 19, 2024

NỢ NGƯỜI DỄ TRẢ HƠN NỢ CHÍNH MÌNH

Năm nay tôi đã gần bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi. Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được…

Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị. (Ảnh: Baq)

Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, tại chính cái ký túc xá mà tôi ở khi đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự, duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hoa.

Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường. Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường, và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi.

Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ…

Cuộc khám xét không thành công. Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng.

Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S quả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.

Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một bao tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc.

Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình.

Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác.

Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống, đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ, thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.

Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.

Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa. Trong đám bạn bè, có những người rất thành đạt, đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính mình. Anh là một người được xã hội biết đến.

Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó.

Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: “Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính”.

Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng.

Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy. (Ảnh: Pinterest)

Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương.

Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm, mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.

Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.

Một buổi sáng có tiếng chuông cửa, tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: “Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này”.

Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: “Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó đã trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi”.

Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: “Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh”.

Nói xong, H như ngã đổ vào tôi và khóc rống lên….

Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi. Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.

Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S. Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi.

Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.

Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S.

Nhưng S gạt đi và nói: “Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp”. Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói: “Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào”.

S mỉm cười và nói: “Ông đã trả hết nợ rồi”. Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói: “Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình”.

Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này. Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.

Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Nếu như S không có nghị lực, không có lòng tin thì có thể đã dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.

Thưa các anh, các chị! Câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời.

Tuệ Tâm / Theo: Tinh Hoa

HOA THANH CUNG VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ NỔI TIẾNG CỦA TRUNG QUỐC

Tới thăm thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vốn là kinh đô của 13 triều đại phong kiến Trung Hoa, du khách không nên bỏ qua Hoa Thanh Cung, một khu thắng cảnh, di tích thắng cảnh mang đậm dấu ấn văn hóa thời Đường và gắn liền với những câu chuyện lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc.

Tượng Dương Quý Phi tại Hoa Thanh Cung với bối cảnh phía sau là ngọn Ly Sơn.

Hoa Thanh Cung, có tên gọi ban đầu là Thang Tuyền Cung, nằm cạnh chân núi Ly Sơn, phía bắc là sông Vị Thủy, cách thành phố Tây An khoảng 30 km. Đây là thắng cảnh du lịch cấp 5A, là khu bảo tồn văn hóa, văn vật trọng điểm của Trung Quốc.

Hoa Thanh Cung vốn là cung điện ngoài thành trong suốt các triều đại Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường. Nơi đây đạt độ cực thịnh vào thời Đường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ, còn gọi là Đường Minh Hoàng, 685-762) khi ông cho xây dựng một quần thể cung điện, lầu son, gác tía rất tráng lệ, đổi tên thành Hoa Thanh Cung (còn gọi là Hoa Thanh Trì) để chiều lòng và thường xuyên đến vui vầy với Dương Quý Phi (tên thật là Dương Ngọc Hoàn) – một trong tứ đại mỹ nhân có vẻ đẹp “hoa nhường” của Trung Quốc, được ông hết mực sủng ái.

Sau khi xảy ra loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh (755-762), tình hình triều chính có nhiều thay đổi, vị thế của Hoa Thanh Cung nhanh chóng sa sút. Sau thời Đường, các đời hoàng đế tiếp theo rất ít khi đến nghỉ dưỡng ở Hoa Thanh Cung.

Bể tắm ở đầu nguồn suối nước nóng của Dương Quý Phi tại Hoa Thanh Cung.

Mặc dù các vương triều sau này đều từng tiến hành duy tu, nhưng đến trước khi nước Trung Hoa mới ra đời, Hoa Thanh Cung đã trở nên tương đối tiêu điều. Từ năm 1959, Hoa Thanh Cung được chính quyền địa phương tiến hành trùng tu, cải tạo, mở mang xây dựng với quy mô lớn.

Tại Hoa Thanh Cung hiện nay có nhiều thắng cảnh, di tích hấp dẫn như bảo tàng di chỉ bể tắm hoàng gia thời Đường, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là hai bể tắm của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, bảo tàng di chỉ vườn lê thời Đường, Ngũ gian sảnh, hồ Cửu Long và hồ Hoa Sen.

Bên cạnh đó, tại Hoa Thanh Cung còn có quần thể kiến trúc mang tính biểu tượng như điện Phi Sương, điện Vạn Thọ, điện Trường Sinh, điện Vũ Vương. Ngoài ra, trên ngọn Ly Sơn nằm ở độ cao 1302m so với mực nước biển, thuộc khuôn viên Hoa Thanh Cung, cũng có nhiều di tích nổi tiếng như điện Lão Quân, Phong Hỏa Đài, Binh Gián đình, chùa Thạch Ông, cầu Ngộ Tiên.

Hoa Thanh Cung nổi danh tại Trung Quốc cũng như trên thế giới bởi nơi đây đã xảy ra nhiều câu chuyện lịch sử nổi tiếng. Thứ nhất là chuyện Chu U Vương nổi lửa trêu chư hầu, mất thiên hạ vì nụ cười Bao Tự.

Vào thời Tây Chu (khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên), Chu U Vương mê đắm nàng Bao Tự, một đại mỹ nhân thời cổ nhưng nét mặt lúc nào cũng âu sầu, ủ rũ vì nhớ nhà. Chu U Vương nghĩ ra kế khi yên ổn bỗng lệnh cho quân canh nổi lửa tại Phong Hỏa Đài trên ngọn Ly Sơn - dấu hiệu báo nhà Tây Chu bị xâm lăng, để chư hầu đem binh tiếp cứu.

Phong Hỏa Đài được phục dựng trên ngọn Ly Sơn.

Bao Tự thấy nét mặt thất vọng của quân chư hầu khi đến ứng cứu biết bị gạt, quả nhiên cười lớn. Chu U Vương thấy thế rất đỗi vui mừng, sau đó còn nhiều lần làm như vậy để đổi lấy nụ cười giai nhân.

Kết cục Chu U Vương chết thảm khi bị rợ Khuyển Nhung tấn công, cho đốt lửa tại Phong Hỏa Đài nhưng không chư hầu nào tới cứu. Đây là một trong nhiều minh chứng cho bậc tuyệt sắc có thể làm nghiêng thành đổ nước trong lịch sử Trung Quốc.

Thứ hai là Biến cố Tây An. Thời điểm năm 1935, quân Nhật Bản đã chiếm gần hết miền Hoa Bắc, Trương Học Lương được Tưởng Giới Thạch phái lên đóng ở Tây An để bao vây Hồng quân (quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Tuy nhiên Trương Học Lương lại chủ trương thuyết phục Tưởng Giới Thạch đoàn kết với Hồng quân chống Nhật. Ngày 7/12/1936, Tưởng Giới Thạch bay đến Tây An, ở tại Hoa Thanh Cung, nhằm huấn thị quân đội đóng tại Tây An.

Sau 3 ngày thuyết phục Tưởng Giới Thạch thay đổi chính sách nhưng không đạt kết quả, rạng sáng 12/12, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành phát động binh biến nhằm đạt mục đích nêu trên. Tưởng Giới Thạch sau đó bị giam trên núi Ly Sơn 14 ngày, thậm chí tính mạng bị đe dọa.

Ngày 25/12, dưới sự chủ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chu Ân Lai, Tưởng Giới Thạch chấp thuận chủ trương “chấm dứt nội chiến, đoàn kết chống Nhật”, Biến cố Tây An (còn gọi là Biến cố 12/12) được giải quyết trong hòa bình.

Điều này tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc chống Nhật, trở thành bước ngoặt chuyển từ nội chiến sang cuộc kháng chiến chống Nhật của dân tộc Trung Hoa.

Tấm bia đá là chứng tích cho nhiều điển cố tại Hoa Thanh Cung trong hàng ngàn năm lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Thứ ba, ấn tượng, đặc biệt hơn là Hoa Thanh Cung gắn liền với mối tình đầy lãng mạn, nhưng cũng rất đỗi bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Ngọc Hoàn. Dương Ngọc Hoàn vốn là con dâu của Đường Minh Hoàng, tức vợ của hoàng tử thứ 18 là Thọ Vương Lý Mão. Khi Võ Huệ Phi - mẹ Lý Mão, đồng thời là sủng phi của Đường Minh Hoàng qua đời, ông vô cùng buồn bã.

Hoạn quan Cao Lực Sĩ, một cận thần của Đường Minh Hoàng đưa Dương Ngọc Hoàn vào đài Tập Linh trong cung Hoa Thanh với cớ để con dâu xuất gia làm đạo sĩ chịu tang mẹ chồng. Việc này được xem như thay đổi đời người, không còn là vợ của hoàng tử Lý Mão nữa.

Đường Minh Hoàng nhanh chóng bị mê hoặc bởi nhan sắc tuyệt trần của Dương Ngọc Hoàn. Sau một thời gian chịu tang, Đường Minh Hoàng đã rước bà nhập cung và chính thức sắc phong làm Quý Phi. Dương Ngọc Hoàn từ con dâu trở thành vợ của cha chồng, người hơn bà trên 30 tuổi.

Vì say mê Dương Quý Phi, Đường Minh Hoàng vốn tài hoa về nghệ thuật lại càng ra sức chiều chuông bà, lao vào đàn ca hưởng lạc, bỏ bê chính sự, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao cho anh họ Quý Phi là Thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu.

Dương Quốc Trung lộng quyền, triều chính hỗn loạn, khiến dân chúng lầm than, xã tắc lụn bại, gây cớ cho phản tướng An Lộc Sơn dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi báu và người đẹp. Đường Minh Hoàng và triều thần phải bỏ kinh thành, chạy vào đất Thục (Tứ Xuyên).

Đường lánh nạn đầy gian nan, hiểm trở, đến vùng Mã Ngôi Dịch, quân binh không chịu đi tiếp, buộc tội mối họa đó do Dương Quý Phi và anh em bà gây ra. Họ nổi loạn giết Thừa tướng Dương Quốc Trung, hai em gái của Dương Quý Phi rồi ép Đường Minh Hoàng phải hạ lệnh xử tử bà.

Đường Minh Hoàng như đứt từng khúc ruột, nhưng không thể cứu nổi bà. Xung quanh cái chết của Dương Quý Phi vẫn tồn tại một số phiên bản khác nhau. Có phiên bản cho rằng Đường Minh Hoàng bất đắc dĩ ban cho Dương Quý Phi dải lụa trắng để bà tự treo cổ trên cành cây lê; có sách chép hoạn quan Cao Lực Sĩ thừa lệnh dùng dải lụa trắng siết cổ bà; một số bài thơ, văn thời Đường lại mô tả bà bị chết bởi đao kiếm binh lính nổi loạn ở Mã Ngôi Dịch; thậm chí có phiên bản cho rằng bà bị ép nuốt vàng mà chết.

Văn hóa rực rỡ thời Đường được tái hiện qua đại vũ kịch “Trường Hận ca”.

Dù tồn tại dị bản, nhưng Dương Quý Phi vẫn được xác định mất ngày 15/7/756, khi mới 38 tuổi. Xác của bà khi đó được chôn vội ven đường, sau này Đường Minh Hoàng cho người tìm lại để hậu táng nhưng không thấy. Sau đó, Đường Minh Hoàng nhường ngôi cho con là Đường Túc Tông. Dẹp xong loạn An Lộc Sơn (757), ông hồi kinh (Tây An) nhưng sống âm thầm, lủi thủi cho đến khi qua đời vào năm 762.

Mối tình bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi được truyền tụng trong dân gian, trở thành đề tài cho bao áng văn thơ thời đó, cũng như các thể loại tranh, truyện, kịch, phim sau này. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Trường Hận ca”, một tuyệt tác về mối hận tình muôn thuở dưới ngòi bút tài hoa của thi hào Bạch Cư Dị.

Đoạn kết của vở đại vũ kịch mô tả cảnh Đường Minh Hoàng mơ nhịp cầu Ô Thước đưa ông gặp lại và sống đời đời bên Dương Quý Phi tại chốn Tiên Cung.

Dựa trên tác phẩm này, Tập đoàn du lịch Thiểm Tây đã đầu tư cả trăm triệu nhân dân tệ để xây dựng vở đại vũ kịch cảnh thực đầu tiên và được coi là hoành tráng nhất tại Trung Quốc, bắt đầu được biểu diễn tại Hoa Thanh Cung từ năm 2007 trong khoảng tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.

Vở vũ kịch này lấy ngọn Ly Sơn làm bối cảnh, hồ Cửu Long làm sân khấu, dùng cung điện, đình, hành lang, mặt hồ, liễu rủ làm điểm nhấn trang trí, kết hợp với các biện pháp công nghệ cao để tạo ra khung cảnh sống động như cung đình tráng lệ, trời sao nhấp nháy, thác nước cuồn cuộn, biển lửa ngùn ngụt…

Vở vũ kịch hoành tráng dài 70 phút, chia thành 9 màn, với sự tham gia của 300 diễn viên, thông qua phong cảnh non nước, âm nhạc và vũ đạo cổ điển, lời thoại bằng thi ca, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng bằng công nghệ cao đã tái hiện sống động khung cảnh thời Đường thịnh trị và thiên tình ca bất hủ.

Theo đó, khán giả bỗng chốc có cảm giác như quay ngược thời gian, cảm thụ rõ rệt văn hóa rực rỡ thời Đường và câu chuyện của cặp tình nhân Đường-Dương trong suốt 10 năm thường xuyên sống ở Hoa Thanh Cung, đồng thời không khỏi xúc động, ấn tượng với đoạn kết của chuyện tình lịch sử được vở đại nhạc kịch tô điểm, nâng lên thành huyền thoại về tình yêu bất diệt.

Bài và ảnh: Triệu Vĩnh Hà (P/v TTXVN tại Trung Quốc)



KHI NỀN GIÁO DỤC DẠY CON NGƯỜI PHÁN XÉT ẨU

Nền giáo dục tôi muốn nói ở đây là bao gồm cả gia đình, xã hội và nhà trường.


Trước tiên, ta nhìn trong gia đình, tôi dám chắc một điều trong những bạn đọc bài viết này thì phần đông đều đã từng bị mắng, bị đánh, bị phán xét trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Làm đổ chai nước mắm, bạn bị mắng là “Thằng phá hoại.” Làm vỡ cái bát khi rửa chén, bạn bị mắng, “Thứ đồ hậu đậu.” Chạy chơi vấp ngã hoặc làm đổ vỡ lọ hoa, bạn bị mắng, “Đồ hư. Mắt mũi để ở đâu?” Thậm chí tôi bị mắng, bị đổ thừa cho những việc mình không làm hoặc không biết như cái tivi hỏng, cái radio hư chỉ vì suy đoán, “Không phá sao nó hư? Nãy mày đụng vô giờ nó hư mà còn chối à? Con gái gì mà đụng đâu hư đó đổ vỡ đó.” Với cái lý ấy thì bạn sẽ chỉ biết câm lặng nuốt cục ức vào lòng.

Bạn cũng sẽ dễ bị đổ thừa tại bạn nên tóc ba mẹ bạc nhiều, tại bạn là đứa không ra gì nên ba mẹ phải vất vả và do bạn không bằng đứa hàng xóm nên ba mẹ không vui, không tự hào, sự có mặt của bạn trên đời làm họ phải lao động không ngơi tay chỉ để nuôi những cái mồm ăn hại học hành không ra gì chả được cái tích sự chi, thậm chí con mèo làm vỡ cái ấm thì chẳng biết cách nào đó bạn cũng sẽ bị mắng do không trông nó và do đó bạn là đứa không biết tiết kiệm giữ gìn tài sản… Với một đứa trẻ phải chịu đựng những thứ ấy nhiều lần trong nhiều ngày thì sau giai đoạn tâm trạng hoang mang sẽ quen dần với việc bị phán xét và hình thành thói quen phán xét, đổ thừa một cách vô thức.

Đi học, bạn có thoát không? Không. Bởi chúng bạn xung quanh đều là những đứa trẻ cũng phải chịu đựng tổn thương như bạn và đã hình thành thói phán xét trong vô thức. Thiếu kiến thức và trẻ con nên đứa nào cũng bị tình trạng phán xét ẩu. Cả đám chia phe nhảy dây, bạn vấp dây, làm đội mình thua, cả đám sẽ nhìn bạn với cặp mắt hình viên đạn cùng những lời đổ thừa. Bạn đẹp hơn những đứa chơi cùng, bạn bị chúng mắng “Chảnh chẹ”. Bạn mặc đẹp và gọn gàng hơn chúng bạn, bạn bị mắng. Bạn xấu hơn và có khuyết tật? Đời bạn là bi kịch bởi cả lũ sẽ trêu chọc bằng những lời đầy cay nghiệt. Những tưởng chỉ là những lời và trò trẻ con, không quan trọng nên thường là không ai quan tâm, nhưng chính nó lại bồi đắp thêm cho việc hình thành thói phán xét và phán xét ẩu.

Bạn phải học thuộc khẩu hiệu, nếu không thuộc hoặc thắc mắc, bạn sẽ bị đánh giá đạo đức loại trung bình chứ không được loại tốt. Bạn không đọc thuộc lòng các bài văn thơ, các bài học, các bài bạn làm không theo khuôn mẫu mà chỉ trả bài theo cách của bạn thì bạn bị phán xét “đứa cứng đầu” và dĩ nhiên điểm thấp. Về nhà bạn sẽ tiếp tục chịu đựng sự kêu gào, phán xét của ba mẹ, họ thà “đẻ quả trứng luộc ăn còn hơn”.

Ra xã hội, bạn cũng chẳng thể nào thoát. Không một ai cho bạn thoát.

Bạn chạy xe chở một người. Lỡ gặp tai nạn, bạn sống còn người kia chết. Cuộc đời của bạn sau đó sẽ phải chịu đựng những phán xét, đổ lỗi làm bạn ước cái đứa chết là mình. Trong những chuyện nho nhỏ hằng ngày, bạn cũng sẽ gặp những lời phán xét và phán xét ẩu khắp nơi từ mọi người. Bạn tưởng bạn thành đạt và giỏi giang thì bạn thoát ư? Không hề. Người ta vẫn sẽ phán xét bạn trong những điều bạn không thể nào ngờ được. Và, bạn nhạn ra hay không thì bạn cũng nhiễm thói phán xét và phán xét ẩu người khác.


Sự phán xét, nhất là phán xét ẩu luôn gây ra tổn thương. Nó không có lợi cho việc chung.

Làm sao để nhận diện ra sự phán xét, phán xét ẩu trong chính mình để học cách loại bỏ nó?

Một ví dụ, hôm trước, tôi đọc một chia sẻ ngắn vài dòng của một ông bạn, ông bảo ông gặp khó trong việc bóc vỏ tỏi và khi ông làm vỡ kết cấu của nó thì ông lột vỏ nó dễ hơn. Vừa đọc xong, tôi cười mỉm nghĩ, “Cái ông này, chuyện vậy cũng viết. Tôi đã biết đập dập tép tỏi cho dễ lột vỏ từ hồi bảy tám tuổi. Cả đời ổng không biết làm gì mà đến khi già mới biết cách đập dập củ tỏi cho dễ lột?” Ngay lập tức tôi nhận ra trong tiềm thức mình đang phán xét anh ta chỉ vì anh ta biết một điều trễ hơn mình, vậy thôi. Anh ta có ăn hết của nả gì của tôi đâu? Anh ta có tội gì? Anh ta có dạy dỗ gì tôi đâu? Anh ta chỉ đơn giản là chia sẻ một điều anh ta biết và thậm chí còn có ẩn ý phía sau đó về xã hội. Cớ gì tôi lại cho mình cái quyền phán xét anh ta dở hơn mình, rằng anh ta là người chả biết làm gì? Sao tôi có thể dễ dàng phán xét một người bạn thân quý của mình đến vậy? Để tôi ve vuốt cái tôi bản thân là ít ra tôi cũng giỏi hơn người khác ở một điều gì đó? Những suy nghĩ trên diễn ra trong đầu tôi rất nhanh và nó làm cho tôi thấu hiểu, làm cho tôi dừng lại không gõ một cái còm trêu chọc phán xét, nếu tôi không tự vấn và ngăn mình, có thể tôi đã mất một người bạn vì suy nghĩ xấu về họ hoặc nói ra những lời phán xét thô thiển làm cho bạn buồn.

Lại một ví dụ khác, anh chở chị đi đường, ngã xe. Câu đầu tiên hai người nói với nhau là trách, người này đổ thừa tại người kia và phán xét nhau. Cái đau vẫn y nguyên còn cộng thêm bực mình và đứa nào trong lòng cũng đầy hoang mang tự trách sau đó, dù chẳng đứa nào có lỗi. Cái thói phán xét bật ra như một phản xạ tự nhiên để tự bảo vệ mình, dù nó chẳng bảo vệ được ai mà còn gây tổn thương cho nhau.

Anh em bạn bè tôi có nhiều người có những đoạn đời đầy đau đớn và họ giữ nhiều bí mật trong lòng, có người đã từng làm sai, có người từng chịu nhiều tổn thương trong gia đình hoặc trong chiến tranh, có người từng giết ai đó… và họ không thể kể với một ai bởi họ sợ người khác không thể hiểu và cái chính là họ sợ sự phán xét cay nghiệt từ người khác.

Anh trải qua chiến tranh, từng cầm súng bắn giết, từng trả thù tàn bạo khi đồng đội mình bị giết. Nỗi ám ảnh chiến tranh và những việc đã làm thường làm anh bị trầm cảm. Anh không kể với ai vì biết rằng người ta sẽ không thể hiểu. Tôi nghe, không một câu phán xét, không một suy nghĩ anh xấu xí cần tránh xa, tôi chỉ nghe và khen anh đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng hậu chiến. Ở chiều ngược lại, anh bảo tôi “đừng tự huyễn hoặc mình” chỉ vì nhìn một bức tranh anh thấy bão tố còn tôi thì thấy bình yên. Qua ví dụ này ta thấy, cho dù bạn có thấu hiểu người khác và không phán xét họ thì họ cũng phán xét bạn không kiểu này thì kiểu khác không lúc này thì lúc khác. Và điều đó đến từ vô thức. Cái vô thức không được nhận biết này thường gây tổn thương.


Chúng ta thường khuyên nhau mặc kệ những lời phán xét, phán xét ẩu và thô thiển của người khác. Chúng ta giả bộ là chúng ta mạnh mẽ lắm, bất chấp được những lời phán xét và vẫn giữ được mình. Không có đâu, thưa bạn. Chúng ta là con người với rất nhiều cảm xúc, chúng ta rất mong manh và dễ vỡ, yếu đuối lắm. Cái tư duy đúng phải là nhận ra và thay đổi chính mình, thay đổi người xung quanh, thay đổi xã hội để bớt đi thói xấu chứ không phải là mặc kệ. Vì chúng ta mặc kệ nên bây giờ cho dù chúng ta có vẻ là một cộng đồng nhưng chúng ta chẳng có một sự kết dính nào vì chúng ta luôn nghi ngờ, lo sợ hoặc đề phòng nhau. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết cho dù đang ở giữa đám đông hay trong chính nhà mình.

Tôi đã phải tự học và tự rèn mình rất nhiều để không phán xét. Tôi muốn cuộc sống của mình và những người xung quanh mình dễ chịu hơn. Xa hơn nữa, tôi muốn thay đổi xã hội.

Có một anh chia sẻ trong bài viết của tôi rằng ở đâu, xã hội nào cũng có những người thích phán xét, phán xét ẩu. Đúng. Nhưng, họ nhận ra đó là thói xấu cần sửa và họ cố gắng sửa bằng cả nền giáo dục không phán xét mà tự vấn. Có lần, xem chương trình “America’s Got Talent”, giám khảo Simon tỏ thái độ “Cô này xấu vậy thì hát không ra gì.” Và khi cô hát xong, Simon thẳng thắn, “Trước tiên, tôi xin lỗi bạn vì tôi đã phán xét bạn…” Đó là thái độ trung thực, tự vấn, thẳng thắn mà tôi muốn có, tôi cố gắng học để có và tôi mong muốn người Việt có bởi tôi biết nó sẽ thay đổi được rất nhiều điều và là một trong những chất gắn kết xã hội cho sự thay đổi lớn hơn. Nếu không chúng ta sẽ chẳng thể làm được việc gì lớn vì mỗi người đều bị tổn thương và dần xa nhau bởi thói phán xét, phán xét ẩu.

Nguyễn Thị Bích Ngà
(26/8/2018)

PHI CƠ RIÊNG ĐƯA TIM COOK ĐẾN VIỆT NAM

Chiếc phi cơ riêng đưa Tim Cook đến Việt Nam: Không phải thể hiện sự giàu có mà đây còn là “luật” của Apple, vì sao CEO không được đi máy bay thường như bao người?


Sáng 15/4, CEO của Apple - Tim Cook đã bất ngờ có mặt tại Việt Nam. CEO nổi tiếng làng công nghệ dự kiến sẽ có chuyến công tác Việt Nam trong vòng 2 ngày. Được biết, trong chuyến đi này, Tim Cook sẽ gặp gỡ các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung trẻ và làm việc với các lập trình viên Việt Nam.

Chuyến thăm của ông không chỉ là dấu hiệu mở rộng kinh doanh tại Việt Nam mà còn thể hiện cam kết lâu dài của Apple với thị trường đầy tiềm năng này.

Tim Cook đi phi cơ riêng tới Việt Nam

Như mọi khi, CEO đế chế công nghệ lớn nhất hành tinh đã bay đến Việt Nam trên chiếc phi cơ riêng của mình. Đây là phương tiện di chuyển quen thuộc của Tim Cook. Thế nhưng ít ai biết đó không phải thói quen do sở thích hưởng thụ của ông. Việc Tim Cook, hay thậm chí các CEO trước của Apple phải di chuyển bằng phương tiện sang chảnh này là do luật của công ty.

Máy bay riêng vốn là tiêu chuẩn trong giới thượng lưu siêu giàu. Nhưng có những trường hợp như Tim Cook thì chi phí đi lại này hoàn toàn do công ty chi trả. Ông được yêu cầu phải đi máy bay riêng, không di chuyển bằng máy bay thương mại.

Đây không chỉ là luật bất thành văn mà đã đi vào chính sách công ty. Trong tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ năm 2018, Apple cho biết họ đưa ra chính sách quy định Giám đốc điều hành hiện tại của họ, Tim Cook, phải di chuyển bằng máy bay riêng cho tất cả các chuyến bay công tác và cá nhân của ông “vì lợi ích an ninh và hiệu quả”.

Apple yêu cầu CEO phải di chuyển bằng máy bay riêng

Theo báo cáo, năm 2017, Apple đã chi gần 100.000 USD (khoảng 2,5 tỷ đồng) để thuê chuyên cơ riêng cho CEO. Công ty cũng tốn thêm 224.000 USD (khoảng 5,6 tỷ đồng) chi phí an ninh để bảo vệ Tim Cook.

Đồng thời, công ty cũng cho phép các giám đốc điều hành đi du lịch cùng đối tác hoặc thành viên gia đình của họ bằng phi cơ Apple thuê. Tất nhiên phần chi phí này các CEO sẽ tự chi trả.

Vì sao các CEO phải đi máy bay riêng?

Việc “bao” máy bay riêng cho các giám đốc điều hành đã là một truyền thống của Apple. Người tiền nhiệm của Tim Cook, Steve Jobs, cũng có niềm vui tương tự.

Ngay sau khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 2000, công ty đã thưởng cho ông một phi cơ Turbo-Jet 22 chỗ có tên N2N. Phần trang trí cabin của N2N được thiết kế bởi Phó chủ tịch thiết kế Jony Ive của chính Apple. Sau khi Jobs qua đời, Jony đã mua lại chiếc máy bay này với giá ưu đãi từ vợ của Steve Jobs, Laurene Powell.

Phi cơ riêng do Apple mua cho Steve Jobs

Trang bị cho các giám đốc điều hành máy bay riêng không phải là lợi ích độc quyền của Apple. Nhiều công ty lớn cũng có cách làm tương tự, với lý do chủ yếu là bảo vệ an ninh cho các nhân vật quyền lực này.

Tờ Financial Times ở Anh đã có một thống kê vào năm 2016 liệt kê top 10 giám đốc điều hành chi nhiều tiền nhất cho máy bay tư nhân. Xếp số 1 là Barry Diller, chủ tịch của trang du lịch trực tuyến Expedia. Facebook cũng phải chi hàng trăm ngàn USD mỗi năm cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg.

Đối với những tỷ phú khác như Bill Gates hay Jeff Bezos, máy bay riêng của họ không yêu cầu công ty cung cấp mà là tài sản cá nhân. Ví dụ như Bill Gates sở hữu một số máy bay phản lực tư nhân, bao gồm một chiếc Boeing 757, một chiếc Challenger 604, một chiếc Bombardier BD-700 Universal Express và có nhiều nguồn tin cho biết bộ sưu tập máy bay của ông còn có một chiếc Airbus A380.

Thu Lê / Theo: Nhịp Sống Thị Trường
Link tham khảo:




Thursday, April 18, 2024

NỢ CHỈ MỘT MIẾNG TRỨNG CHIÊN MÀ TRẢ CẢ MỘT ĐỜI

Trước đây, tôi là một Hướng Đạo sinh.


Nhớ lại ngày đó, mỗi sáng Chủ Nhật mặc vô bộ đồng phục Hướng Đạo, cài cây gậy vào xe, tôi náo nức đạp thẳng một mách tới vườn Tao Đàn để họp đoàn. Cuộc đời và sinh hoạt hào hứng của đoàn thể HĐ, tôi hẹn các bạn trong một bài khác. Hôm nay, tôi muốn nói đến một lý do khác, không Hướng Đạo chút xíu nào hết, nhưng cũng khiến tôi rất háo hức mỗi sáng Chủ Nhật đạp xe đến vườn Tao Đàn: Bột Chiên.

Bạn có biết ở vườn Tao Đàn có một xe bán bột chiên ngon nhất thế giới của ông Tàu già không? Những ngày khác ông bán ở đâu không rõ, nhưng mỗi Chủ Nhật là ông có một chỗ cố định trong vườn Tao Đàn bán cho những Hướng Đạo sinh sinh hoạt chung quanh. Xui làm sao, chỗ ông bán kế bên chỗ tôi họp đoàn. Cho nên, duyên tình định mệnh của tôi cũng bắt đầu từ đó.


Chỉ có hai giá tiền ở xe bột chiên này: $50 cho loại đĩa có trứng và $30 cho đĩa không trứng, nhưng bột chiên thì nhiều bằng nhau. Mỗi sáng Chủ Nhật đi họp, tôi được 30 đồng ăn sáng, tức là vừa vặn một đĩa bột chiên không trứng. Tôi chưa bao giờ sang đủ để kêu một đĩa bột chiên có trứng mặc dù cũng thèm lắm. Thỉnh thoảng tôi cũng giầu đủ 50 đồng để ăn trứng đó chớ, nhưng mà mỗi lần như vậy tôi đều ráng kiếm …10 đồng nữa để chơi luôn hai đĩa không trứng cho nó sướng cái bụng. Cho nên, nếu không nhờ một biến cố xảy ra trong đời, thì không biết đến chừng nào tôi mới biết bột chiên có trứng nó khác với bột chiên không trứng thế nào.

Xe bột chiên ngon như vầy dĩ nhiên là đắt. Khi nào cũng có người ăn và kẻ chờ. Vấn đề là ông Tàu chỉ có thể xếp khoảng gần chục cái ghế nhỏ chung quanh xe. Không đủ. Lâu lâu tôi cũng phải đứng chờ. Tôi để ý có một cô bé nữ Hướng Đạo cái đoàn bên cạnh hình như tuần nào cũng qua ăn bột chiên. Ô không, bạn đừng có nghĩ…xa quá oan uổng cho tôi lắm. Lúc đó tôi chưa biết yêu đâu. Tôi còn nhỏ, mà ả Hướng Đạo này xem ra còn nhỏ hơn tôi nữa. Nó ốm toong, tóc thắt đuôi gà, và hình như…hơi đen (sau này lớn lên tôi mới biết chữ da bánh mật!). Vậy đó, nó không có gì đặc biệt. Nhưng tôi lại để ý đến “nó” vì tôi… ganh.

Không hiểu nó có bà con họ hàng gì với ông Tàu bán bột chiên hay không. Tôi thấy, người khác tới mà hết ghế thì phải đứng chờ, nhưng hễ nó bị hết ghế là ông…hóa phép lấy ra một cái ghế khác từ trong xe ra. Bất công thiệt, nhưng tôi không dám giận ông, chỉ dám…giận nó mà thôi.

Còn nữa nhe. Như đã nói, tôi bao giờ cũng chỉ ăn đĩa không trứng, nhưng con nhỏ này bao giờ cũng ăn đĩa… có trứng. Nó đâu cần kêu. Chỉ cần tới ngồi xuống là ông Tàu tự động làm một đĩa có trứng bưng ra. Xíí! Nhưng điều làm tôi tức tối nhứt là mỗi lần ngồi bên cạnh thấy nó ăn không hết, bột hay trứng gì nó cũng để lại, và ông Tàu cho vô giỏ rác hết. Ôi thiệt là phí của trời. Phải gặp tôi, hừ hừ Phải gặp tôi thì…không còn một cọng hành chứ đừng nói chi bột hay trứng. Vậy là từ “giận”, tôi đâm ra “ghét” nó dễ sợ.


Một bữa kia tôi ăn xong đĩa bột chiên nhưng còn luyến tiếc, ngồi nhâm nhi ly trà nhạt chưa chịu đứng dậy thì …“nó” tới.

Như thường lệ, ông Tàu làm nó một đĩa bột chiên có trứng. Tôi liếc sang mà tức cành hông. Ông Tàu này quả là bất công. Tôi bự con như vầy mà ổng chỉ cho tôi một đĩa chút xíu. Trong khi con bé ốm toong thấp lè tè này ổng lại làm một đĩa thiệt bự.

Tôi ngồi mà ngao ngán cho tình đời đen bạc. Chưa biết phải làm gì. Bỗng nhiên nó quay sang nhìn cái đĩa bóng loáng không một miếng hành của tôi nhoẽn miệng cười hỏi:

-Muốn ăn miếng trứng của tui hông?

Ô! Tôi có nghe lộn không? Sợ mình lãng tai nên giả bộ không nghe. Nó lấy đôi đũa chỉ vào miếng trứng vàng óng ánh nói lần nữa, vẫn cái giọng trống không:

-Ăn miếng trứng này nhe?

Lần này thì nghe đã rõ ràng. Các bạn ơi, trong mấy giây, tôi biết là trong đầu tôi suy nghĩ đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm. Không biết tôi suy nghĩ được những gì, và đã ôn được bao nhiêu bài công dân giáo dục về phép tự trọng, nghèo cho sạch rách cho thơm… Chỉ biết cái đầu tôi suy nghĩ gì mặc kệ nó. Cái cổ của tôi ngoan ngoãn …gật cái cụp. Nó lấy muổng xúc nguyên miếng trứng bỏ sang đĩa tôi. Chưa hết, lại còn sớt gần nửa đĩa bột chiên của nó sang bên tôi luôn.

Và đó là lần đầu tiên tôi biết mùi vị của bột chiên có trứng.

(Tôi quên không biết mình có nhớ mà cám ơn hay không ha? Hic!)

Tuần sau tôi không dám tới ăn xe bột chiên đó nữa. Sợ gặp lại nó chắc tôi sẽ mắc cỡ lắm. Không quen, không biết, người ta mới mở lời là OK cái rụp. Thiệt tình xấu hồ ghê. Tôi định bụng sẽ có đủ 50 đồng mua một đĩa có trứng trả lại. Trong lúc chưa trả được thì đành tạm lánh mặt vậy.

Tôi tạm lánh mặt, nhưng vẫn kín đáo để ý nó bởi vì cũng đâu cách trở xa xôi gì cho cam. Chỉ qua một cái xe bột chiên. Tôi họp bên phải, nó họp bên trái. Nên tôi dễ dàng thấy nó vẫn tới ăn bột chiên như thường lệ. Chỉ khác là mỗi lần tới, trước khi ngồi xuống ghế nó đều nhìn dáo giác chung quanh như tìm kiếm ai thì phải (!)

Công viên Tao Đàn nổi tiếng với thiên nhiên xanh mát, trong lành (Ảnh: Sưu tầm)

Rồi nhiều chuyện xảy ra lắm. Đoàn của tôi rời vườn Tao Đàn di chuyển chỗ họp lên công viên trước mặt Dinh Độc Lập, rồi 30/4, Hướng Đạo bị ngưng hoạt động. Tôi trôi nổi đời mình theo vận nước. Không có dịp gặp lại cô ả Hướng Đạo đó để mà trả lại món nợ trứng chiên…

* * * * *

Một hôm, tôi ngồi chơi và không hiểu sao bỗng hát nghêu ngao như vầy: “Anh em ta, mau cố chất cây khô vào đây, đốt chung. Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng…”. Chưa kịp hát tiếp, bỗng đâu đó một giọng ca ỏn ẻn vang lên tiếp lời “…dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng, trong bóng đêm khói đưa bốc cao, cùng cầm tay hát vang lừng …”

Ai?

Ai mà có thể biết được bài hát này?

Bà xã chứ ai!

Tôi như trên trời rớt xuống. Sao nàng biết được bài này? Đây là bài ca Nhảy Lửa của Hướng Đạo Việt Nam và dĩ nhiên chỉ có những người từng là Hướng Đạo sinh, từng tham gia trại đêm mới biết. Nàng nhớ và hát một cách rành rỏi như vậy thì chứng tỏ đã nhiều lần tham dự lửa trại, và là một Hướng Đạo sinh kỳ cựu. Tôi ngạc nhiên quá:

-Sao em biết?

Nàng nhún vai:

-Well, why not? Bài này ai đi Hướng Đạo cũng biết mà.

-Vậy em cũng là Hướng Đạo? Sao không nói?

-Có bao giờ hỏi đâu mà nói! Nàng nguýt.

Ờ nhỉ. Sống với nhau gần ba năm. Thằng con đầu đã gần 2 tuổi, đây là lần đầu tôi nghe nàng ư ử ca, mà lại một bài ca Hướng Đạo mới hay chứ. Thôi kệ, trễ còn hơn không. Tôi dã lã hỏi:

-Vậy hồi đó em họp ở đâu?

-Vườn Tao Đàn chứ đâu.

Hay nhỉ!

– Vườn Tao Đàn mà khúc nào?

Nàng ngưng dọn dẹp, suy nghĩ một hồi rồi lắc đầu:

-Vườn Tao Đàn rộng quá khó nói khúc nào. Chỉ nhớ là tụi em thường họp bên cạnh cái xe bán bột chiên.

Tôi suýt nữa la lên. Cái xe bột chiên này thì còn lạ lùng gì. Tôi hỏi lại cho chắc ăn:

-Có phải xe bột chiên của ông Tàu đầu trọc lóc không?

Nàng cười ngất:

-Đúng rồi, ổng chứ ai. Anh cũng biết ổng hả? Mà hình như cả vườn Tao Đàn chỉ có một cái xe bột chiên đó thôi. Công nhận ngon hết xẩy. Tuần nào em cũng làm một diã. Mà hồi đó anh họp ở đâu?

Hừ, đâu phải ngon hết xẩy, ngon nhất thế giới mới đúng!

Nhưng bỗng nhiên tôi hơi chột dạ bèn nói trớ đi:

-Hơơ anh họp cách đó xa lắm, lâu lâu mới lại ăn bột chiên vậy thôi.

Nàng chậc lưỡi:

-Uổng quá ha. Phải chi hồi đó anh họp đâu đâu gần đó là tụi mình đã gặp nhau rồi.

Tôi chịu không nổi nữa hồi hộp hỏi:

-Em nhớ hồi đó ăn bột chiên có khi nào cho một thằng Hướng Đạo khác ngồi ăn bên cạnh miếng trứng không?


Nàng phá ra cười nắc nẻ:

– Có chớ! Có chớ. Tức cười lắm anh. Em nhớ hồi đó tuần nào cũng ngồi ăn với một thằng ở cái đoàn bên cạnh. Tội nghiệp. Nhà nó chắc nghèo lắm cho nên nó chỉ ăn bột chiên không trứng mà thôi. Có bữa em thấy “thằng nhỏ” ăn rồi mà còn thòm thèm nhìn sang cái đĩa em hoài thấy thương ghê, em hỏi nó có muốn ăn trứng không em cho. Trời ơi anh biết sao không, nó gật đầu chịu liền đó anh. Tức cười quá… Ủa mà sao anh biết chuyện này?

Nàng ngưng lại, trợn mắt nhìn tôi mấy giây, rồi la lên:

-ÁÁáááá!!!!!

. . .

Than ôi, chỉ vì thằng bé không trả nổi món nợ trứng chiên thời nhỏ mà dù đã chạy sang tới tận nước Mỹ, vẫn không thoát tay cô ả da… bánh mật.

Nợ chỉ một miếng trứng chiên mà trả cả một đời.

Nguyễn Cao Thái

NGÀY NẦY, NĂM 1975

Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc :« Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! » (Tiểu Tử)


Năm nay tôi 80 tuổi . Vợ tôi thường nói với mấy con :« Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá ! Bây coi : ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua ! Chi vậy hổng biết ? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ ! Trời đất ! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày ! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam… »

Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật ! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch chéo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút – một chút thôi – đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về…

Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình : ngày nầy, năm 1975 ! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ « cái ngày đó » nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già , tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại…

Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu.

Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu miền nam, từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè…

Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè !

Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có bảy ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời :

« Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút ! ».

Tôi quen ông nầy – tên W, thường được gọi là « Xếp » – nhờ hay đi họp chung.

Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói :” Bonjour ! çà va ?” ( Chào ông ! Mạnh hả ?)

Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa !

Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết :

«Rất tiếc ! Chúng tôi không giúp được! Thôi ! Chúng tôi về ! ».

Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp :

« Allez vous en ! » (Ông hãy đi, đi ! )

Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng ” Allez vous en ! ” (Ông hãy đi, đi !) …


Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì « họ » dán…đầy đường cái nhãn « hai bàn tay nắm lấy nhau » để chứng tỏ sự thật tình « khắng khít », rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng «thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình» !

Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng :

« Chánh quyền Mỹ từ chối ! ».

Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu :« Không có hộ tống ».

Họ trả lời ngay :« OK ! Good Luck ! » ( Nhận được ! Chúc may mắn ! )

Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót !

Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên :

« Sao về vậy anh ? ».

Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc :« Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! »

Ngày đó, tháng tư năm 1975…Đúng là ngày nầy !

Tiểu Tử
Nguồn :vantholacviet