Wednesday, January 31, 2024

VẾ SAU CỦA CÂU NÓI: "NAM NỮ THỤ THỤ BẤT THÂN" HÀM ẨN Ý NGHĨA NÀY

Do không biết 2 vế hoàn chỉnh nên hậu thế đã hiểu lầm câu nói này suốt cả ngàn năm. Vế sau đó là gì?


Nguồn gốc của “Nam nữ thụ thụ bất thân”

Câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” xuất phát từ ghi chép trong “Mạnh Tử – Ly Lâu thượng”. Mạnh Tử là một học giả, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những luận bàn giữa học giả với học giả. Nước Tề có một người biện luận tên là Thuần Vu Khôn, ông ta rất thích tìm ai đó để thảo luận về một số chủ đề.

Một lần, ông đến thăm Mạnh Tử và hỏi: “Thưa ngài, một số người nói rằng đàn ông và phụ nữ không thể trực tiếp trao và nhận vật phẩm bằng tay, đó là một hành vi đúng đắn. Điều đó có đúng không?”

Mạnh Tử đáp: “Đúng, đây là một cách cư xử đúng mực”.

Thuần Vu Khôn hỏi tiếp: “Vậy nếu chị dâu của tôi chẳng may rơi xuống sông, tôi có thể dùng tay cứu chị ấy được không?”

Mạnh Tử đáp: “Nhìn thấy chị dâu rơi xuống nước mà không cứu, chẳng khác gì loài lang sói độc ác, tàn nhẫn. Giữa nam và nữ không nên trực tiếp trao và nhận vật phẩm bằng tay là lễ nghi, nếu chẳng may chị dâu rơi xuống sông thì hãy dùng tay để cứu. Bởi vì giải cứu là một biện pháp khẩn cấp, cần biết rằng trong tình huống đó tính mạng con người đang bị đe dọa!”


Thuần Vu Khôn lại hỏi Mạnh Tử: “Khi ngày nay thiên hạ bách tính đang chìm trong dòng nước dữ của bạo quyền, vậy tại sao ông không đứng ra cứu vãn? Lẽ nào ông vẫn còn cố chấp với cái gọi là đạo lễ thông thường, và bị kìm hãm bởi tiết độ của văn nhân?. Không chịu diện kiến chư hầu, thờ ơ nhìn dân chúng đau khổ?”

Mạnh Tử mỉm cười và đáp: “Để cứu dân chúng bị mắc kẹt trong bạo quyền, ngươi phải dùng đạo lý về nhân nghĩa để cảm hóa quân vương mà cứu giúp dân chúng. Nếu chị dâu của ngươi bị chết đuối, ngươi có thể gạt phép xã giao sang một bên và ra tay cứu giúp. Nhưng ngươi không bao giờ có thể bảo ta từ bỏ đạo lý. Dùng đôi tay để cứu thiên hạ sao?”

Đời người còn có nhiều thứ quan trọng hơn lễ nghĩa

Thời Chiến Quốc, có một diễn thuyết gia nổi tiếng tên là Thuần Vu Khôn. Ông ta không hoàn toàn đồng ý với câu nói trên trong Lễ Ký, bèn trực tiếp đến hỏi Mạnh Tử: "Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dữ?" (Nam nữ thụ thụ bất thân, có phải là đúng với chữ Lễ không?)


Mạnh Tử trả lời là đúng. Ông ta lại hỏi: "Vậy bây giờ chị dâu đi lấy nước bị rơi xuống giếng, em chồng có nên đi cứu không?"

Câu nói này quả thực là hỏi đúng vấn đề, nếu theo quan điểm trên, thì không thể cứu. Tuy nhiên Mạnh Tử ngẫm lại thấy thật sự không phải lẽ, mới tức giận nói rằng: "Nếu mà không cứu, thì có khác gì loài cầm thú không?".

Từ điển tích này, sách Lễ Ký bổ sung thêm câu nói của Mạnh Tử: "Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã; tẩu nịch, viện chi dĩ thủ giả, quyền dã" (男女授受不親, 禮也; 嫂溺, 援之以手者, 權也.- Nam nữ không được gần gũi với nhau, đó là Lễ; Chị dâu bị đuối nước, em chồng ra tay cứu giúp, đó là Quyền).


Em chồng cứu chị dâu khỏi đuối nước, dù có động chạm thân thể đi nữa, đó cũng là lẽ phải làm, đó là đạo làm người. Nếu chỉ vì chút lễ nghĩa mà bỏ qua tính mạng con người, đó mới là trái đạo.

Do đó, câu nói trong sách Lễ Ký muốn nhắc nhở mọi người rằng lễ nghĩa là thứ phải có trong cuộc sống, song ngoài lễ nghĩa ra, vẫn có những thứ quan trọng hơn cả. Mọi người không nên quá chú trọng những quy tắc, mà quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống.

Theo: Mộc/ Khoevadep

10 ĐIỂM DU LỊCH RÙNG RỢN TRÊN THẾ GIỚI

Trên thế giới có nhiều địa điểm kỳ lạ và đáng sợ nhất để ghé thăm. Đó là các điểm du lịch này nổi tiếng với lịch sử hoặc sự kiện bí ẩn mà bạn cùng người thân đừng để lỡ trong mùa Hè này.

Island of the Dolls là một khung cảnh kinh dị đối với khách du lịch, với rất nhiều búp bê treo trên cây và trang trí các cabin, trở thành một điểm thu hút du khách đến Mexico. (ảnh: Eyepix/NurPhoto via Getty Images)

Mặc dù có nhiều ý kiến về những địa điểm “đáng sợ nhất”, nhưng đây là 10 điểm đến nổi tiếng tràn ngập bầu không khí ớn lạnh và những câu chuyện sởn gai ốc.

1-Chernobyl Exclusion Zone, Ukraine

Nơi xảy ra thảm họa hạt nhân thảm khốc năm 1986, khu vực bị bỏ hoang này vẫn tỏa ra một bầu không khí kỳ lạ. Đó là một lời nhắc nhở đầy ám ảnh về thảm kịch đã xảy ra qua những tòa nhà bỏ hoang và bầu không khí ghê rợn.

Hệ thống cảnh báo để phòng thủ hỏa tiễn nằm trong khu vực Chernobyl Exclusion Zone sau thảm họa nhà máy hạt nhân và bị bỏ hoang vì chất gây ô nhiễm phóng xạ. (ảnh: Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

2-Aokigahara Forest, Japan

Nằm dưới chân núi Mount Fuji, khu rừng này được mệnh danh là “khu rừng tự sát”. Nó được biết đến với thảm thực vật dày đặc, những con đường mòn quanh co và lịch sử bi thảm của nhiều vụ tự tử. Đến đây bạn sẽ gặp một rừng cây cối rậm rạp và sự tĩnh lặng một cách rùng rợn, nhất là vào ban đêm.


3-Island of the Dolls, Mexico

Nằm ở Xochimilco, hòn đảo này được tô điểm bởi hàng trăm con búp bê cũ nát. Truyền thuyết địa phương cho rằng những con búp bê bị ám bởi linh hồn của một cô gái đã chết. Những con búp bê có vẻ ngoài bù xù, mới liếc sơ qua là đã ớn lạnh.

Island of the Dolls là một khung cảnh kinh dị đối với khách du lịch, với rất nhiều búp bê treo trên cây và trang trí các cabin, trở thành một điểm thu hút du khách đến Mexico. (ảnh: Eyepix/NurPhoto via Getty Images)

4-Hoia Baciu Forest, Romania

Thường được gọi là “Tam giác quỷ Bermuda của Transylvania”, khu rừng này nổi tiếng với những hiện tượng không giải thích được. Du khách cho biết họ đã trải qua những ánh sáng lạ, nhấp nháy và cảm giác khó chịu. Những cái cây xoắn và sự im lặng kỳ lạ của nó làm tăng thêm bầu không khí ma quái.

5-Poveglia Island, Italy

Nằm ở Venetian Lagoon, Poveglia Island có một quá khứ đen tối. Nơi đây từng được sử dụng như một trạm kiểm dịch khi có bệnh dịch hạch và sau đó là một bệnh viện tâm thần. Những câu chuyện về những linh hồn cứ lởn vởn và những sự kiện bí ẩn, khiến nơi đây nổi tiếng là một trong những nơi bị ma ám nhất ở Ý.


6-The Catacombs of Paris, France

Ẩn bên dưới những con phố nhộn nhịp của Paris là một mê cung đường hầm chứa hài cốt của hàng triệu người. Những lối đi thiếu ánh sáng, xương xếp chồng lên nhau và cảm giác bị bao vây bởi những người đã khuất, chưa tới nơi đã nổi da gà.


7-Waverly Hills Sanatorium, Hoa Kỳ

Bệnh viện lao cũ này ở tiểu bang Kentucky nổi tiếng với những câu chuyện huyền bí. Tình trạng đổ nát của tòa nhà, lịch sử đen tối và ma quái, khiến nơi đây rất thu hút những người bạo gan, thích gặp ma.


8-Suicide Forest ở Mount Mihara, Japan

Nằm trên Izu Oshima Island, khu rừng này nổi tiếng là điểm tuyệt vời nhất để… tự tử trong rất nhiều năm. Bầu không khí hoang vắng và ảm đạm, cùng với kiến thức về lịch sử bi thảm, khiến nơi đây trở thành điểm du lịch nhiều người thích một lần dựng tóc gáy.

9-The Door to Hell, Turkmenistan

“The Door to Hell” còn được gọi là “The Gate to Hell” (Cửa địa ngục) là một mỏ khí đốt tự nhiên ở Derweze, Turkmenistan, đã sụp đổ thành một hang động ngầm vào năm 1971, trở thành miệng núi lửa khí đốt tự nhiên. Các nhà địa chất đã đốt nó để ngăn khí methane lan rộng và nó đã cháy liên tục kể từ đó. Đường kính của miệng núi lửa là 69 mét (226 ft) và độ sâu của nó là 30 mét (98 ft). Miệng núi lửa là một điểm thu hút khách du lịch. Trong năm năm qua, 50,000 khách du lịch đã đến thăm địa điểm này. Khu vực xung quanh cũng nổi tiếng với hoạt động cắm trại trên sa mạc hoang dã. Cảnh tượng của miệng núi lửa rực lửa, kết hợp với môi trường khắc nghiệt xung quanh, tạo ra một bầu không khí kinh khiếp, giống như dưới địa ngục, hoặc ở một thế giới khác.

“The Door to Hell” còn được gọi là “The Gate to Hell” (Cửa địa ngục) là một mỏ khí đốt tự nhiên ở Derweze, Turkmenistan, đã sụp đổ thành một hang động ngầm vào năm 1971, trở thành miệng núi lửa khí đốt tự nhiên. (ảnh: Giles Clarke/Getty Images)

10-The Tower of London, United Kingdom

Với lịch sử lâu đời và đen tối, tòa lâu đài mang tính biểu tượng này đã chứng kiến hàng thế kỷ giam cầm, tra tấn và hành quyết. Câu chuyện về những lần ma quái hiện hình, trong đó có Anne Boleyn, khiến nơi này càng trở nên rùng rợn. Anne Boleyn Nữ hoàng Anh từ năm 1533 đến năm 1536, là vợ thứ hai của Vua Henry VIII. Bà bị hành quyết bằng cách chặt đầu vì tội phản quốc và các tội danh khác, trở thành nhân vật chủ chốt trong biến động chính trị và tôn giáo, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Cải cách ở Anh.

Mặc dù những địa điểm nổi tiếng kỳ lạ và ma quái, nhưng khi đến tham quan, bạn vẫn phải tôn trọng và tuân thủ mọi quy tắc và luật lệ của ban quản lý đặt ra.

Bảo Duy (theo Medium) / Saigonnhonews
Link tham khảo:


KHUÊ OÁN - VƯƠNG XƯƠNG LINH


Khuê oán - Vương Xương Linh

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.


閨怨 - 王昌齡

閨中少婦不知愁
春日凝妝上翠樓
忽見陌頭楊柳色
悔教夫婿覓封侯


Nỗi oán trong phòng khuê 
(Dịch thơ: Ngô Tất Tố)

Cô gái phòng the chửa biết sầu
Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu
Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu
Hối để chồng đi kiếm tước hầu.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), đỗ tiến sĩ năm 727 đời Ðường Huyền Tông, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức uý tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù. Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.

Nguồn: Thi Viện

THỊ TRẤN Ở NHẬT BẢN ĐANG "SĂN" NHỮNG NGƯỜI HỌ SUZUKI

Từ năm 2021, thị trấn Kainan ở Nhật Bản tuyên bố chi 1 triệu yen cho mỗi gia đình mang họ Suzuki chịu đến đây sinh sống. Chiến dịch "chi tiền tuyển dân" vẫn chưa thành công.

Thị trấn Kainan nổi tiếng với các sản phẩm sơn mài. Ảnh: Kainan.

Thị trấn Kainan, tỉnh Wakayama (Nhật Bản) tuyên bố chi hàng triệu yen để mời người dân đến sinh sống nhằm ngăn chặn tình trạng sụt giảm dân số.

Để nhận được tiền từ thị trấn này, người dân phải cam kết sống trong 5 năm và đặc biệt là phải mang họ Suzuki, theo Guardian.

Càng đông con càng được nhiều tiền

Kainan được cho là "nơi sinh" của của dòng họ Suzuki. Đây cũng là họ đông thứ 2 tại Nhật Bản. Trong một khảo sát vào tháng 3/2023, họ Sato dẫn đầu với 1,86 triệu người và họ Suzuki xếp thứ 2 với 1,77 triệu người.

Vì thế, vào năm 2021, chính quyền địa phương quyết định phát động chiến dịch và nhắm đến khoảng 750.000 người mang họ Suzuki đang sống ở Tokyo hoặc các vùng lân cận như Chiba, Saitama và Kanagawa.

Mỗi hộ gia đình có thể chứng minh họ của gia đình là Suzuki sẽ được nhận 1 triệu yen (gần 7.000 USD).

Ngoài ra, gia đình có con dưới 18 tuổi sẽ được thưởng thêm 1 triệu yen/người. Như vậy, một gia đình 4 người có 2 con dưới 18 tuổi sẽ nhận được tổng cộng 3 triệu yên (tương đương 20.800 USD).

Kainan là thị trấn ven biển. Chính quyền địa phương đang chi tiền để nỗ lực giải quyết vấn đề dân số. Ảnh: Kainan.

Người độc thân cũng được hưởng trợ cấp từ thị trấn. Mỗi người độc thân chấp nhận chuyển đến Kainan sinh sống trong 5 năm sẽ được 600.000 yen (tương đương 4.100 USD).

Ngoài yếu tố tiền bạc, những người mang họ Suzuki khi chuyển đến Kainan sẽ được kết nối với tổ tiên của họ. Thị trấn cũng thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ dành cho người mang họ Suzuki để tìm hiểu thêm về tổ tiên.

Họ Suzuki được cho là có nguồn gốc từ các thầy tu tại một ngôi đền ở thị trấn Kumano gần đó. Gia tộc Suzuki chuyển đến Kainan trong thời Heian (974-1185).

Gần đây, Kainan đã cải tạo công trình dinh thự thời Edo của gia đình Suzuki với tổng giá tri quyên góp từ các mạnh thường quân lên đến 70 triệu yen (khoảng 485.000 USD). Nhà sản xuất xe Suzuki cũng đóng góp trong quỹ cải tạo này.

Tuyệt vọng sau 2 năm phát động chiến dịch

Chi hàng triệu yen để tái dân số nhưng sau 2 năm, thị trấn nhỏ ở Wakayama vẫn không thể "tuyển" được người nào mang họ Suzuki.

Điều này cũng thể hiện rõ một thực trạng mà các địa phương khác ở Nhật Bản đang phải đối mặt trong cuộc chiến chống chọi với tình trạng dân số già và sự suy giảm dân số.

Trao đổi với Guardian, Tomonari Fujita, người đứng đầu bộ phận phát triển đô thị của Kainan, xác nhận từ năm 2021 đến nay, chưa một ai mang họ Suzuki chuyển đến thị trấn. Một người từng hỏi về việc sinh sống ở đây, nhưng cuối cùng người đó vẫn không chuyển đến.

Kainan không phải địa phương duy nhất ở Nhật Bản chứng kiến sự sụt giảm liên tục về dân số. Năm 2022, nước này ghi nhận mức suy giảm kỷ lục về dân số, ước tính giảm 800.000 người và hiện chỉ còn 125,4 triệu dân. Trong khi đó, số lượng người nước ngoài tăng lên mức cao kỷ lục, gần 3 triệu.

Dinh thự của gia đình Suzuki được chính quyền thị trấn Kainan khôi phục. Ảnh: Kainan.

Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia dự báo Nhật Bản sẽ chỉ còn 87 triệu dân vào năm 2070. Theo ông Tomonari Fujita, trong số 47.000 cư dân Kainan, hơn 36% người ở độ tuổi từ 65 trở lên.

“Sự suy giảm dân số ở đây thực sự rất nghiêm trọng. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm cho chiến dịch gia tăng dân số trở nên nổi bật hơn bằng cách thu hút những người có họ Suzuki, nhưng những trở ngại trong việc thu hút mọi người đến sống thực sự rất lớn", ông Fujita nói.

Các quan chức trong thị trấn Kainan hy vọng trong năm tới, khi một khách sạn được hoàn thành, nhiều người mang họ Suzuki sẽ đến thăm thị trấn nhiều hơn.

Bản thân những lãnh đạo như ông Fujita cũng hiểu rằng rất vô lý nếu yêu cầu ai đó từ bỏ cuộc sống hiện tại để chuyển đến vùng đất mới. Vì thế, ông mới nghĩ đến việc tạo ra những điều thu hút hơn để khiến những người mang họ Suzuki cân nhắc thêm.

"Nếu bầu không khí ở thị trấn có thể gây ấn tượng với mọi người trong thời gian ngắn, tôi tin là một số người sẽ nhanh chóng yêu mến nơi này", người đứng đầu bộ phận phát triển đô thị của Kainan chia sẻ.

Thái An / Theo: Zingnews
Link tham khảo:



BỮA CƠM CUỐI CÙNG TRƯỚC NGÀY LY HÔN

Những ngày này tôi đang bất mãn về cuộc hôn nhân của mình, người chồng sáng sáng ra khỏi nhà từ lúc tôi chưa ngủ dậy, tối khuya mới trở về, thậm chí nhiều hôm tôi lên giường đi ngủ một mình chẳng cảm nhận được có chồng ngủ bên cạnh.


Vậy nhưng thu nhập của chồng cũng chẳng khá khẩm gì. Tôi cảm thấy tình cảm vợ chồng giữa hai chúng tôi cứ nhạt dần. Không còn những cái ôm vội vàng, những cái hôn nhanh lên má, không còn khái niệm tặng quà, không còn nỗi hoan hỉ mỗi khi đi làm về…

Khi nghe nỗi niềm tâm sự của tôi, mấy cô bạn gái thân thiết nghiêm túc phân tích vấn về và đưa ra kết luận: “Sống với nhau nhạt nhẽo như vậy thì nên giải thoát sớm đi”. Chia tay mấy cô bạn gái đó, trên đường về nhà tôi đã hạ quyết tâm. Về đến nhà, nhìn căn phòng mấy năm rồi vẫn đơn giản không có gì thay đổi, bỗng cảm thấy chán chường khó tả. Đón con về, lấy sữa cho nó uống, nó đánh đổ cả sữa xuống sàn nhà. Tôi vội vớ cái giẻ lau sữa dưới sàn, nhận thấy căn phòng quá bừa bộn. Đang vội nấu cơm thì chuông điện thoại réo rắt, chồng báo tối nay lại về muộn. Đang bực mình tôi thò tay nắm hai quai nồi định bắc xuống bếp thì kêu lên một tiếng rồi đặt vội xuống, tay đã bị bỏng rộp lên rồi. Miếng nhựa chống bỏng ở quai nồi đã rụng ra từ lâu, tôi đã nói với chồng năm lần bảy lượt, nhưng mãi vẫn chưa sửa. Tôi càng thấy ý định ly hôn là đúng đắn.

Tôi tắt bếp, bước ra phòng ngoài, soi vào gương, đôi mắt trong trẻo ngày nào nay đã mờ nhạt đầy ấm ức, cuộc sống gia đình thật đáng sợ. Tôi cần phải thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa này, nhanh chóng rời xa nơi này.

Hai tiếng sau chồng tôi về, không thấy trên bàn có cơm, chỉ thấy tôi ngồi một mình trong bóng tối: “Sao chưa nấu cơm?”. Vừa nói anh vừa bước vào bếp. “Sao phải nấu cơm? Tôi nấu đủ rồi, từ nay trở đi tôi sẽ không nấu nữa. Sống thế này tôi không chịu được. Chúng ta ly hôn thôi”.

Trong bếp, chồng tôi đang ra sức rửa một cái chảo bị dính. Phản ứng đầu tiên là: “Em nói gì anh không nghe rõ?”, phản ứng tiếp theo là: “Anh nghe nhầm phải không? Em nói lại xem nào!”, cuối cùng anh ta cũng hiểu được ý của tôi. Lúc này con trai tôi bỗng cất tiếng khóc, anh ta chạy vội vào trong phòng bế con và cho nó uống sữa, ngạc nhiên hỏi dồn: “Sao đang sống tử tế lại đòi ly hôn?”. Tôi cười khẩy,

Tối đó, tôi cố ý ngủ riêng. Theo kinh nghiệm của các cô bạn, ly hôn không đơn giản, nhiều thứ ràng buộc như tình cảm, tài sản, thói quen, vì thế nhất định phải có nghị lực mới làm được. Để có thể tiến hành thuận lợi, tôi cần thực hiện 3 điều:

1. Thứ nhất không đi chợ thổi cơm nữa, tách sinh hoạt của hai người ra.

2. Thứ hai không ngủ chung, không cho cơ hội làm lành.

3. Thứ ba, kinh tế riêng rẽ.

Nằm trên ghế sofa mãi mà không sao ngủ được, tôi bật dậy viết đơn ly hôn. Tôi nhẩm tính tài sản trong nhà. Tôi người Bắc, chồng người Nam, cùng nhau đến thành phố biển này, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, nay đã ngoài 30, mua được hai căn nhà đều đứng tên tôi.

Chúng tôi ở căn có 3 phòng, còn căn nhỏ cho thuê mỗi tháng, chồng tôi còn có hai cửa hàng. Trong đơn ly hôn tôi viết rất rõ ràng: Hai căn nhà và con trai thuộc về tôi, cửa hàng thuộc về anh ta. Như vậy là hợp lý rồi.


Hôm sau, khi đưa cho anh ta tờ đơn ly hôn, tôi đồng thời đặt lên bàn ăn mẩu giấy:

– Tôi muốn tự do!

Anh ta ngây người ra, tôi sốt ruột giục:

– Anh ký đi! – nói xong tôi liền cảm thấy mình có phần hơi quá đáng, liền đổi giọng – Chúng ta kết hôn chưa lâu, nhưng cũng sống với nhau 5, 6 năm rồi. Lẽ nào anh không thấy chúng ta là người của hai thế giới? Chia tay tốt cho cả anh lẫn tôi…

Một tuần sau, anh gọi điện cho tôi, giọng trầm buồn, anh nói: “Anh ký rồi, chiều nay cùng ăn với nhau một bữa nhé. Vẫn chỗ cũ, anh sẽ đưa đơn cho em”. Anh gác máy rồi, tôi vẫn ngồi đờ đẫn trên ghế. Hết giờ làm việc, tôi lấy lại tinh thần đi đến nhà hàng ven biển mà chúng tôi thường đến. Mấy hôm không gặp, anh như gầy đi, ánh mắt ưu tư, râu đã được cạo nom sáng sủa hơn, anh lặng lẽ đẩy cái phong bì đến trước mặt tôi. Tôi chưa ngồi xuống đã thấy cay cay mắt. Tôi thật sự sắp phải rời xa người con trai này ư? Tôi bỗng cảm thấy hoang mang, lẽ nào cứ thế này mất anh ấy sao?

– Đã đến rồi thì gọi chút gì ăn nhé, có thể là vì đây là bữa cơm cuối cùng. – anh nhìn tôi khẽ mỉm cười, ánh mắt trong veo và dịu dàng, quay ra gọi người phụ vụ:“ Cho một suất cơm thịt bò xào ớt, một bát canh ngao”. – Đây đều là những món tôi thích nhất. Tôi ngồi im, anh bỗng nói với tôi:

– Bữa cơm cuối cùng này em có thể gọi cho anh món anh thích ăn không?

Món anh thích ăn? Tôi bỗng bối rối, tôi chẳng biết anh thích ăn món gì…

– Anh thích món gì? Chẳng phải anh luôn ăn giống em hay sao?

Anh lại mỉm cười, nói chậm rãi:

– Thực ra, ngần ấy năm sống với nhau, anh luôn ăn những món mà mình không thích. Em quên rồi sao, anh là người miền Nam, anh thích ăn những món ăn chế biến kiểu miền Nam, hơi ngọt chút.

Nghe anh nói, mặt tôi nóng bừng. Đúng là ngần ấy năm tôi chưa từng nghĩ đến việc hỏi anh thích ăn món gì, lần đầu tiên biết anh thích ăn những món ngọt lại là lúc ly hôn, thật nực cười. Tôi muốn ứa nước mắt nhưng vẫn cố kìm lại.

– Anh quyết định rồi, nhà, cửa hàng, mọi đồ đạc trong nhà đều thuộc về em, anh chỉ mang theo mấy quyển sách và vài bộ quần áo thôi.

Nghe những lời từ biệt đó, tôi không nén được buột miệng hỏi: “Anh định đi đâu?”. Gần 2000 ngày đầu kề má ấp, đã từng thề thốt, đã từng yêu nhau, tôi thực sự chưa từng suy nghĩ nghiêm túc cuộc sống không có người đàn ông này sẽ như thế nào…

– Kì thực, trong ngần ấy năm sống ở đây, bố mẹ và bạn bè anh ở miền Nam luôn giục anh về quê làm ăn. Nhưng do em thích biển, thích lãng mạn, nên anh chiều theo em. Ở đây gió biển mang mùi tanh của cá, ăn đồ biển anh không thích, công việc cũng chẳng sáng sủa gì, đã làm em thiệt thòi…

– Anh nói gì thế? Em không phải vì những thứ đó. – Tôi không ngăn được nước mắt.

– Ly hôn xong anh sẽ về miền Nam. Sau này em sống một mình, lại nuôi con, em sẽ vất vả. – Anh rít một hơi thuốc, chậm rãi nói tiếp:

– Cho nên anh để lại tất cả cho em. Tiền cho thuê nhà và cửa hàng em nên tích lại, đừng tiêu linh tinh, để phòng khi cần có cái mà tiêu.

– Vậy anh thì làm thế nào?

– Anh tính rồi, đàn ông quăng đâu chả sống, không như đàn bà con gái, cả tin lương thiện, dễ bị tổn thương.

Nhìn ánh mắt thương cảm của anh đối với tôi, tôi bỗng trào nước mắt.“Đừng khóc, em yêu!” – Anh đặt tay lên vai tôi, cử chỉ quen thuộc, tôi thích cái vẻ đàn ông ấy của anh, vậy mà không hiểu sao lúc sống bên nhau tôi lại không hề nhận thấy, thậm chí còn cảm thấy ghét.

– Anh phải đi rồi. Em biết không, mỗi lần gia đình bên em tụ họp đông vui anh đều cảm thấy trống trải. Anh cũng rất nhớ bố mẹ, họ cũng già cả rồi…

Những lời đó khiến tôi xúc động vô cùng, tôi thấy mình quá vô tâm, bỗng tôi hiểu ra rằng tôi vẫn còn yêu thương anh và không thể xa anh. Đây là người đàn ông tốt. Tôi biết nhiều vụ ly hôn vợ chồng chửi bới lẫn nhau, trở nên thù ghét nhau vì tài sản, còn tôi chưa thấy vụ ly hôn nào như thế này, nghi thức chia tay thật dịu dàng, thật thâm trầm, thật độ lượng, một sự chia tay đầy ắp tình thương và sự lưu luyến. Đến tận giây phút này tôi mới biết sống với tôi, anh cũng phải che giấu những cảm xúc không vui, những điều không hợp, chỉ vì tôi.

– Như thế, sao anh không nói sớm? – Tôi nắm chặt tay anh, không còn quan tâm đến lòng kiêu hãnh của mình nữa.

– Anh yêu em, anh muốn em sống vui vẻ, không phải bận lòng vì những việc vặt ấy.


Tôi thẫn thờ, một lúc sau tôi nói:

– Anh… Anh có thể không đi không?

Chúng tôi tay trong tay bước ra khỏi nhà hàng, bên ngoài gió biển rất mát, tôi ngồi sau xe máy của anh đi về nhà. Tôi ôm chặt lấy anh, cảm thấy thật hạnh phúc.

Sau này, bạn bè hỏi tôi: “Đã ly hôn xong chưa?”, tôi kể cho họ nghe bữa tối hôm đó và nói với họ: “Sự việc vừa rồi đã cho tôi một bài học. Hiện nay ly hôn ngày càng dễ, nhưng chính vì thế, biết giữ gìn hôn nhân mới là một việc khó, đòi hỏi phải có lý tính, trí tuệ, độ lượng và nhường nhịn”.

Theo: webtretho

Tuesday, January 30, 2024

ĐỜI NGƯỜI, HIỂU THẤU "3 VÀ 7" LÀ NẮM ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Hạnh phúc đôi khi tưởng chừng như xa vời, nhưng thực ra nó ở ngay bên cạnh mỗi chúng ta. Đừng mải mê theo đuổi những thứ cao xa, chậm lại bước chân, hưởng thụ từng phút giây của cuộc sống.

Có phải bạn đang lạc hướng trong tìm kiếm hạnh phúc. (Ảnh: Baidu)

Cuộc sống tấp nập hối hả qua đi thật nhanh, mới ngày nào còn lang thang đây đó nô đùa với đám bạn, hôm nay ngoảnh đầu nhìn lại mới thấy mình đã già.

Cuộc đời ngắn ngủi, thời gian không đợi người, nhưng đôi khi ta lại mải miết tìm kiếm truy cầu hạnh phúc, mà quên đi cách hưởng thụ cuộc sống. Niềm vui và hạnh phục kỳ thực rất đơn giản, chỉ là ta đã lãng quên mà thôi.

Khi bạn không vui

Hãy nghĩ cuộc đời là phép toán trừ, và “quên” là công cụ để thực hiện, loại bỏ đi tất cả những thứ làm ta phiền não, cớ gì phải tức giận vì những người không đáng.

Không màng chuyện cũ, không tính toán ân oán, ăn một bữa cơm thật ngon, ngủ một giấc thật dài, thị phi ngày hôm qua, hôm nay tỉnh dậy sẽ là quá khứ. Hãy tiến về phía trước, sống cho hiện tại và tương lai.

Khi bạn bất mãn

Hãy so sánh mình với người nghèo, chúng ta sẽ hiểu rằng biết đủ chính là hạnh phúc.

So sánh mình với người bệnh, chúng ta sẽ hiểu sống khỏe mạnh chính là hạnh phúc.

So sánh với người đã khuất, chúng ta sẽ biết còn sống chính là hạnh phúc.

Sống đơn giản, biết coi nhẹ, chính là hạnh phúc.

Sống đơn giản, biết coi nhẹ, chính là hạnh phúc. (Ảnh: UltraLinx)

Khi bạn so đo

Hãy nghĩ đến con người ở trong thế gian cũng tựa như bọt xà phòng, thoáng chốc rồi sẽ tiêu tan, đến thế gian tay trắng, ra đi cũng là tay trắng, một hạt bụi cũng không thể mang theo.

So đo thiệt hơn chỉ có thể làm ta thêm tổn hại, cái gì của mình ắt sẽ thuộc về mình, không của mình thì tranh giành cũng không được. Con người vốn rất nhỏ bé, sống vô tư thuận theo tự nhiên thì mới có thể vui vẻ hạnh phúc.

Hạnh phúc ẩn sau sự không trọn vẹn

Một chiếc điện thoại đắt tiền, 70% chức năng là không dùng đến;
Một biệt thự xa hoa, 70% diện tích là không được sử dụng;
Một trường đại học; 70% kiến thức của giáo sư là sinh viên không cần.


Đời người cũng vậy, trong 10 phần thì chỉ có tìm kiếm niềm vui trong 3 phần, 7 phần còn lại chính là phải bỏ qua, phải quên đi, phải buông xuống. Hãy sống thật đơn giản để tận hưởng 3 phần thuộc về mình.

Lê Hiếu biên dịch

TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT - NGUYỆT LÃNG


RAU ĐẮNG ĐẤT

Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà…

Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đượm làm sao tình nghĩa nhà quê
Nhớ làm sao thuở còn bé bỏng
Nhà ở xa trường qua mấy nhịp cầu tre
Bấm ngón chân chai bờ đất ruộng
Trời mưa trơn trợt lối đi về…

Tới cổng,
Mùi cá kho đã dậy
Lạnh cóng tay, cơn đói réo trong lòng
Em với chị vừa đi vừa chạy
Cùng tranh nhau kịp để… ngồi mâm!

Em ngồi bên cha,
Chị ngồi cạnh mẹ
Bới chén cơm đầy và đua cho lẹ
Hạnh phúc reo mừng như tiếng chim ca.

Cá rô non nấu canh rau đắng đất
Là tình thương bồi đắp mãi không tròn
Là những buổi cha dầm mưa khai ruộng nước
Quần vo cao,
Áo bà ba rách nách
Điếu thuốc vồng ngấm nước tắt, lạnh run…
Tay rổ xúc
Vai đeo đụt mướp
Lũ đĩa trâu thèm máu hút bầm chân!

Là những buổi trời vui mây dẫn gió
Trôi lang thang không biết đến phương nào
Chiều dâng hương cuồn cuộn tiếp chân nhau
Trên ruộng thấp bầy cò bay trắng xoá

Những khi nhàn hạ
Mẹ nhổ rau đắng đất
Đốt lấy tro lắng nước gội đầu
Gió thật hiền lay lá trúc lao xao
Mái tóc chị dài êm như sóng mạ

Mẹ xăm xoi bắt chí
Mẹ chăm chút chải gầu
Xức dầu dừa óng mượt
Cột đuôi gà nhỏng nhảnh đằng sau

Mẹ vuốt tóc chị trầm trồ khen đẹp
Ôi! Dòng tóc hiền thắm nghĩa cù lao!
Mười lăm năm,
Thời gian con đủ lớn
Và tóc mẹ trải màu bông bưởi bông cau
Cha lưng còng như tre gặp gió
Cho lòng con nặng một niềm đau!

Chị theo chồng về nơi xứ lạ
Em linh đinh rày đó mai đây
Thuở nhỏ mưa dầm băng mấy ruộng
Bây giờ mưa ngại bước chân đi!

Chị về bên ấy,
Ơ hờ gương lược biếng xăm xoi
Tóc chị rối bù hong mùi khói bếp
Gió dẫn mây trôi nhìn chỉ ngậm ngùi
Đường về biệt mù
Chồng con bận bịu,
Nơi quê xưa thung đường ươn yếu
Mà nhớ thương như thả tóc lên trời…

Em lang thang đầu sông cuối bãi
Thèm một bữa cơm dưới mái gia đình
Nhưng dĩa cá kho mặn mùi nhân ngãi
Tô canh ngày nào cũng đắng vị công danh!

Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng…
Đời nhiều lận đận
Nên mất rồi thời thơ dại dấu yêu
Đã hết rồi thời tan học nghêu ngao
Câu hát cũ bây giờ nghe nuối tiếc
Khi mây trắng lưng trời bay mù như tóc
Gió vờn trên lá cỏ
Và đường đời sự nghiệp trắng đôi tay…

Đêm nhà trọ chập chờn giấc điệp
Tình hoài hương ray rức ngủ không yên
Tiếng võng ai kẽo kẹt
Giọng ru hời buồn điệu Vân Tiên:
“…Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Cho rau đắng đất mọc quanh thềm nhà!”

Mười lăm năm,
Bao lần gió nam non thổi lòn hang dế
Em đi từ ấy,
Chân ruộng đồng chưa mòn gót phiêu linh
Ăn quán ngủ đình,
Nước sông gạo chợ
Bao lần đau những cuộc tình tạm bợ
Bao nhiêu lần làm khách lữ qua sông!
Chợt giựt mình, trẻ nhỏ gọi bằng ông
Bỗng nghe nhớ về cố thổ

Nhớ rau đắng nấu canh
Nhớ con cá rô kho tộ
Nhớ chị tôi theo chồng năm lên mười sáu
Tóc cột đuôi gà… khóc lúc vu quy!
Chị trách hờn… cha mẹ đuổi chị đi
Thân con gái ở nhà ngoài, ăn cơm nguội.
Con chim đa đa kêu đâu bờ bụi
Thương cha mẹ già ươn yếu chẳng ai lo…

…Chị gói một nắm tro
Dặn em gội đầu cho mượt
Xức dầu dừa cho mướt
Đừng để mủn vùa khô khốc rễ tre…!

Mười lăm năm,
Mới hiểu lời chị dặn
Thì đã bao lần mấy dề rau đắng
Mọc quanh thềm nhà… trổ bông trắng rồi… khô!
Đã mấy mùa nước ngập chân đê
Con cá rô mấy lần ra sông lớn
Cha không còn dầm mưa thăm ruộng
Không còn ai giành nữa chuyện… ngồi mâm!
Bao năm dài không một lời thăm
Thôi thì kể như nước sông chảy ra biển cả
Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba vá
Như mủn vùa mẹ gọt, lúc lên ba?

Con rô đồng ôm trứng tháng mưa
Chờ đến lúc thả con về ruộng
Chị ngồi nhớ mỗi chiều mỗi sớm
Thả nỗi buồn theo lọn tóc bay.

Một hôm chị ngồi ngạch cửa bấm lóng tay
Rồi chị khóc một mình…! Không đếm nữa…
Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ
Khói đốt đồng làm mắt chị cay.

Từ ngày em làm mây
Lang bạt giang hồ khắp ngả
Bặt tin nhạn cá
Có còn nhớ đất, thương quê?

Như ngày lặng lẽ ra đi
Em âm thầm trở lại
Vừa thương em, chị vừa ái ngại
Ba mươi năm, như thể một ngày…
Vẫn rám đen như ngày trốn học
Đi mò cua bắt ốc
Giũ trứng kiến vàng câu con cá rô non!

Chị ngồi ngạch cửa liếc mắt nhìn em
Đứa em xưa có gì ngờ ngợ
Quần áo bận nửa quê nửa chợ
Chút giang hồ, chút vị quê hương!

Chị ngồi kế bên
Nhìn em ăn cơm mà khóc
Lại bấm lóng tay, lại chùi nước mắt.
Cũng tô canh rau đắng đất
Cũng tộ cá rô kho
Lòng chị như cục than vùi dưới lớp tro
Gió đòi khêu ngọn lửa.

Chị lại ngồi ngạch cửa
Biểu em xích lại gần hơn
Chị ngập ngừng đưa ngón tay run
Lượm sợi tóc sâu ở trên vai áo.
Bây giờ chị gọi em bằng cậu
(Lẽ ra tiếng ấy,
phải kêu từ lúc chị theo chồng!)
Ôi! Con đò đã xa biệt bến sông
Chị cũng thấy mình ngượng nghịu!

Sợi tóc sao bạc phếu?
Đâu phải tóc sâu,
Mà vì bao lâu mưa dãi nắng dầu
Qua bao tháng ngày luân lạc
Hai chị em mái đầu đều bạc
Hai chị em cũng già như nhau!

Nhớ ngày nào té nước cầu ao
Hát khúc đồng dao cùng cười khùng khục
“…Chị em (người) ta như hoa dâm bụt
Chị em mình như cục… cức trôi!
Cục cức trôi, người ta còn vớt
Chị em mình như ớt chín cây…”

Không hẹn mà cùng bấm lóng ngón tay
Hai số dư không biết đường nào đếm…!
Em muốn kể quãng đời lận đận
Ba mươi năm dài bao nỗi nhớ mong.

Ngày về nhà chị
Ngủ đêm đầu tiên
Nghe rạo rực không thể nào yên giấc
Dưới mé thềm rêu mọc đầy rau đắng đất
Con dế mèn thôi kể chuyện phiêu lưu
Nén tiếng thở dài
Sợ rung giọt đèn lu
Muốn được ngủ say trong vòng tay chị
Lời trách móc sao y như mẹ
Cái hồi còn thơ trẻ bên nhau!

Ai buộc đời mình vì một cọng rau
Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng
Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng
Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!

Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?
Những chiều hoàng hôn tím
Những buổi dầm mưa đi học lạnh run!
Những buổi mưa dầm
Cha giắt đụt mướp trên lưng
Bắt con cá đồng ngược nước
Bên chái hè mưa tạt
Mẹ hái từng cọng rau đắng đất nấu canh.

Để nỗi nhớ vây quanh
Tóc trên đầu đã bạc
Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước
Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!

Nguyệt Lãng (1972)

Nhà thơ Nguyệt Lãng

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nhà thơ NGUYỆT LÃNG, tên thật Nguyễn Văn Thẩm, sinh năm 1947, quê xã Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre. Ông viết văn làm báo và viết cổ nhạc từ năm 1969. Trước tháng Tư, 1975 có thơ, văn đăng trên các báo ở Sàigòn.

Thuở nhỏ sống trong gia đình nghèo khó, ông phải bỏ quê trôi dạt lên Sàigòn, làm đủ thứ nghề để mưu sinh và đi học. Ông là người có chí lập thân. Năm 1968 bị động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi ra trường vài năm, với tinh thần nghệ sĩ chân chính, ông cảm nghiệm ra cuộc chiến “nồi da nấu thịt” hoàn toàn phi lý, bèn tự hủy hoại thân thể và được giải ngũ. Và vẫn ở Sàigòn, lăn lóc trên trường chữ nghĩa, sống cầm hơi bằng tiền nhuận bút. 

Sau ngày 30-4-75, ông trở về quê ở xã Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre, nhưng bị địa phương nơi sanh ra mình không chấp nhận, đuổi đi. Ông trở nên trôi nổi nhiều nơi, cuối cùng tìm được bến đỗ tại Xã Minh Hương, Bình Phước, làm nghề rẫy là chính, viết là phụ. Vẫn sống trong nghèo khổ


Còn thương rau đắng mọc sau hè:

Theo CHÍNH LỜI KỂ LẠI của nhạc sĩ Bắc Sơn thì ca khúc được ông sáng tác dựa trên CẢM HỨNG từ bài thơ TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT của THI SĨ NGUYỆT LÃNG viết năm 1972- để làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình BẾP LỬA ẤM, phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1974 và được ca sĩ Hoàng Oanh thu âm lần đầu tiên.


(Sưu tầm trên mạng)

LOÀI CHIM NHỎ 71 GRAM CẢ GAN MỔ ĐẦU DIỀU HÂU, KẺ SĂN MỒI KHÉT TIẾNG KHÔNG DÁM PHẢN KHÁNG

Thật bất ngờ, diều hâu dù to lớn hơn nhiều nhưng lại không dám đáp trả con chim nhỏ bé này.

Chim Great Kiskadee

Diều hâu hay còn gọi là chim cắt, chim ưng thuộc phân họ Accipitrinae và phần lớn nằm trong chi Accipiter. Diều hâu là giống chim ăn thịt được mệnh danh là chim thông minh nhất trong các loài chim theo nghiên cứu từ tiến sĩ Louis Lefebvre. Tại Việt Nam, chim diều hâu thường phân bố tại khu vực Trung và Nam Bộ.

Diều hâu là loài chim săn mồi khét tiếng nên chúng có mỏ hình móc cong sắc nhọn, cánh khá dài, rộng và một đôi chân vô cùng khỏe. Con trưởng thành có độ dài thân từ 0,7m – 1m với bộ lông màu nâu nhạt, cánh rộng và đuôi cong.

Diều hâu là loài chim săn mồi khét tiếng. (Ảnh: Dailymail)

Diều hâu là loài chim có tốc độ bay nhanh, có thể đạt tốc độ lao xuống 320km/h. Trong thế giới các loài chim, ít có loài nào sánh được với diều hâu về sự nhanh nhẹn và tinh ranh.

Diều hâu còn được cho là có thị lực rất tốt, đạt tới 20/2, tức gấp khoảng 8 lần so với những người có thị lực tốt.

Dù diều hâu là "kẻ đi săn" khiến nhiều loài vật sợ hãi nhưng trên thực tế chúng cũng bị tấn công bởi một loài chim vô cùng nhỏ bé.

Một con chim Great Kiskadee liên tục nhảy lên lưng và tìm cách mổ vào đầu một con diều hâu ở ngoại ô San Salvador. (Ảnh: Dailymail)

Gerardo Grassl, một nhiếp ảnh gia đã ghi lại cảnh một con chim Great Kiskadee liên tục nhảy lên lưng và tìm cách mổ vào đầu một con diều hâu ở ngoại ô San Salvador, thủ đô của El Salvador. Dù con diều hâu tìm mọi cách phản đòn nhưng con chim Great Kiskadee bất chấp việc có thể bị giết bất cứ lúc nào mà quyết không dừng lại.

Theo phỏng đoán của vị nhiếp ảnh gia, con chim nhỏ này dường như đang cố bảo vệ những đứa con của nó. Cuối cùng, con chim Great Kiskadee đã rời đi mà không hề hấn gì.

Great Kiskadee (tên khoa học là Pitangus sulphuratus), là một loài chim trong họ Tyrannidae. Nó là thành viên duy nhất của chi Pitangus. Loài chim này có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, từ Brazil, Paraguay, đến Argentina. Great Kiskadee có chiều dài từ 25 đến 28 cm và cân nặng từ 53 đến 71.5 gr. Đặc điểm nhận dạng là đầu của chúng màu đen với một dải trắng mạnh mẽ và một dải vàng ẩn.

Chim Great Kiskadee là loài chim này có tính cảnh giác cao, chúng thường tấn công mạnh mẽ khi cảm thấy khó chịu với kẻ thù. (Ảnh: Dailymail)

Chim Great Kiskadee thường được tìm thấy trong rừng thưa với một số cây cao, bao gồm cả cây trồng và xung quanh nơi ở của con người. Loài chim này có tính cảnh giác cao, chúng thường tấn công mạnh mẽ khi cảm thấy khó chịu với kẻ thù. Cách chiến đấu của chúng thường là bay lên cao và lao xuống đánh bất ngờ vào vùng lưng hoặc đầu của đối thủ. Nhiều loài chim như diều hâu, chim ưng hay đại bàng đều từng bại trận trước chim Great Kiskadee bởi những hành động khó đoán trước của chúng.

* Nguồn: Daily Mail
Minh Đức / Theo: doisongphapluat
Link tham khảo:



Monday, January 29, 2024

TUYỆT CÚ KHÔ LỊCH CỦ TRỘN GỎI CHUỐI CÂY

Lịch củ sống nhiều nhất ở nước lợ và thường tập trung ở vùng ven biển miền Trung. Những ngày bão lũ cuối năm, ngoài việc chống chọi với thiên tai, người dân còn đi bắt lịch củ làm khô đem bán gia tăng thu nhập. Đối với người vùng khác, lịch củ là của hiếm, bởi mùi vị của lịch củ mang lại cho người dùng dư vị khó quên khi ngày ngày đã ngập ngụa trong thịt cá.

Khô lịch củ trộn gỏi chuối cây

Lịch củ- cái tên quá đỗi lạ lùng nhưng đối với người dân các tỉnh miền Trung, lịch củ từ lâu vốn dĩ đã trở thành đặc sản. Nói tới lịch củ, người ta thường ví von: “Con lươn, con lịch, con chình/ Ba con dưới nước cái mình trơn lu”. Lịch thuộc nhà lươn nhưng nhỏ hơn, da không vảy, nhẵn bóng. Lịch có da đỏ gọi là lịch huyết đỏ, da màu giống như cát gọi là lịch cát. Các loại lịch này sống bầy đàn với số đông. Còn lịch củ thì sống vùi trong cát, có thân to hơn các loại lịch còn lại, đặc biệt thích hợp khi phơi khô làm khô lịch củ.

Cá lịch củ có nhiều nhất ở vùng biển miền Trung

Năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa bão đến, nước lũ tràn về, người dân vùng biển bắt đầu vào mùa bắt lịch. Ở các vùng ven biển, gần như nhà nào cũng có các dụng cụ để bắt lịch, đó là một nghề mưu sinh trong mùa bão lũ. Lịch củ mang về ngâm trong tro bếp vo đều như vo gạo cho sạch nhớt trước khi cắt thành từng khúc cho vừa ăn. Thịt lịch củ đậm đà hương vị biển có thể chế biến thành nhiều món như xào măng, nấu cháo, xào sả ớt. Người miền Trung còn dùng lịch củ phơi khô biến thành khô lịch củ nổi danh trên khắp vùng miền.

Chọn cây chuối xiêm non, mập mạp xắt rau ghém

Hơn một năm trước, trong chuyến tham quan vùng biển miền Trung đúng vào mùa mưa, một người bạn hiếu khách gửi tặng gói khô lịch củ cùng lời giới thiệu thân tình: “Đặc sản quê mình đó bạn”. Mang gói lịch củ cùng lời hướng dẫn tỉ mỉ cách chế biến món ăn, tôi rời miền Trung vào một biểu chiều có mưa lắc rắc. Người miền biển ít nói nhưng dễ gần, ẩm thực chính là sợi dây kết nối những con người lại với nhau. Và tôi, với gói lịch củ trên tay chào tạm biệt bạn thân với biết bao vương vấn trong thời gian lưu lại trên mảnh đất này.

Lửa vừa nóng là lịch củ tỏa mùi thơm

Mang gói lịch củ về nhà, đúng như lời hướng dẫn của bạn, tôi bắt đầu chế biến món khô lịch củ trộn gỏi chuối cây. Trước khi chế biến món này, đầu tiên bạn phải tìm cho được một cây chuối xiêm non, mập ú. Sau đó, xắt thành từng miếng, bóp rau ghém nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. Lịch củ trở qua trở lại trên bếp vừa nóng là chín, tránh để lịch chín quá sẽ mất đi mùi vị đặc trưng vốn có của nó. Kế đến, trộn lẫn gỏi chuối cây với lịch củ cắt khúc để lên trên mặt, thêm ít rau thơm, rau quế cho có mùi thơm. Chỉ tầm vài phút là đã hoàn thành khâu chế biến món ăn tuyệt cú, vốn dĩ là đặc sản của vùng biển miền Trung.


Món ăn dù đơn giản nhưng mang lại dư vị khó quên đối với người dùng
Những ngày mưa gió, ngồi quây quần bên nhau với đĩa lịch củ trộn gỏi chuối cây đi kèm với chai rượu gạo thì còn thú vị nào bằng. Người lớn thích mùi vị ngọt lành của lịch, trẻ nhỏ thích cái dai dai dễ ăn được dùng với cơm cũng là sự kết hợp đúng điệu. Tôi nhớ lại lời giới thiệu của người bạn miền Trung, thật không ngoa khi xác nhân lại rằng: “Lịch củ đúng là đặc sản!”

Mùa mưa bão lại về, cũng như mọi năm người dân vùng biển miền Trung lại gánh chịu biết bao thiệt hại về người và của bởi thiên tai, bão lũ. Công việc bộn bề, tôi cũng không thể sắp xếp được một chuyến về lại miền Trung như lời hứa với người bạn năm xưa. Làm lại món lịch củ trộn gỏi chuối cây, hướng về miền Trung mà trong tôi lại canh cánh biết bao nỗi niềm. Hôm nay viết những dòng này để nhớ về một món đặc sản của người bạn năm ấy và cũng tự nhắc nhở mình rằng, xin hãy đừng quên.

Hoàng Lê

LABA - MÙA LỄ HỘI CHO SỰ GIÁC NGỘ CỦA ĐỨC PHẬT

Đã từ lâu, tồn tại một ngày lễ hội tên là “Laba” để kỷ niệm cho sự giác ngộ của Đức phật tại Trung Quốc. Lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 12 âm lịch, và trong năm 2019 này là nhằm ngày 13 tháng 1 dương lịch. Chính vì thời điểm dịp lễ hội diễn ra gần với ngày Tết cổ truyền nên ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày lễ cũng trở nên sâu sắc hơn.

Photo/ visitbeijing

Nguồn gốc của ngày lễ hội này được cho là xuất phát từ Ấn Độ- cái nôi của Phật giáo trên khắp thế giới. Khi Phật giáo được truyền bá vào Trung Hoa thì lễ hội này cũng theo đó mà dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của họ. Từ thời nhà Thanh, lễ hội sẽ được tổ chức tại đền Yonghe, Bắc Kinh. mọi người tới đây chủ yếu là để cầu nguyện cho sự may mắn vào năm mới và những mùa vụ thuận lợi của mình. Theo truyên thống của Phật giáo Đại Thừa, đây là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo.

Lễ hội Laba trong tiếng Trung gồm từ “La” (臘 lạp) chỉ tháng 12 âm lịch và “ba” (八 bát) có nghĩa là số 8. Vào ngày này, các Phật tử sẽ đến chùa cầu nguyện cho những người đã khuất và ước vọng những mùa vụ thuận lợi trong năm mới, cũng như mong muốn có sức khỏe, tài lộc.

Photo/discoverchina

Cháo Laba là món ăn truyền thống trong ngày lễ hội, dù hiện nay với sự phát triển không ngừng của quốc gia này đã khiến cho không ít vùng, đặc biệt là vùng phía nam Trung Quốc không còn giữ được phong tục này nữa. Tuy nhiên, ở một số thành phố hay vùng quê khác thì đây vẫn là món ăn không thể thiếu.

Photo/chinadaily

Đây là loại cháo được làm từ hơn 20 loại đậu, ngũ cốc và trái cây sấy khô. Người gốc Bắc Kinh thường nấu loại cháo này vào đêm mùng 7 tháng 12 âm lịch. Sau một đêm được ninh kỹ lưỡng, tất cả các thành phần của cháo được hòa quyện với nhau và sẵn sàng để mọi người có thể thưởng thức vào sáng ngày mùng 8, trở thành món ngon ấm áp vào những ngày đông. Còn nguyên bản, loại cháo này chỉ được nấu từ 8 loại nguyên liệu chay, bắt buộc phải có gạo, đậu, rau củ và hạt.

Photo/discoverchina

Ngoài ra, sau ngày lễ hội này cũng là đến dịp Tết cổ truyền nên mọi người cũng tranh thủ chuẩn bị những vật phẩm cần thiết. Ví dụ như họ sẽ ngâm tỏi trong giấm, hơn 20 ngày kể từ ngày bắt đầu lễ hội, và đây sẽ trở thành một gia vị không thể thiếu để làm nên món há cảo thơm ngon- một món ăn truyền thống của người Trung Quốc vào dịp Tết cổ truyển.

Photo/discoverchina

Người ta quan niệm, đón lễ hội Laba còn là sự nhắc nhở cho việc chuẩn bị Tết truyền thống, khiến những đứa con xa nhà bắt đầu lên kế hoạch đoàn viên với gia đình.

Thanh Anh (t/h)
What is Laba Festival ?

China celebrates Laba Festival with rice porridge


HOA PHI HOA - BẠCH CƯ DỊ


Hoa phi hoa - Bạch Cư Dị

Hoa phi hoa,
Vụ phi vụ.
Dạ bán lai,
Thiên minh khứ.
Lai như xuân mộng kỷ đa thời,
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ!


花非花 - 白居易

花非花
霧非霧
夜半來
天明去
來如春夢幾多時
去似朝雲無覓處


Hoa không phải là hoa

Là hoa mà chẳng hoa hương
Là sương mà chẳng phải sương mới tình
Nữa đêm nàng đến lung linh
Gót sen vàng lúc bình minh giã từ
Mộng xuân nàng thực hay hư?
Giọt sương mai đọng bây chừ dấu xưa.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, 9 tuổi đã hiểu âm vận, 15 bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động.


Năm Trinh Nguyên ông thi đậu tiến sĩ được bổ làm quan trong triều, giữ chức Tả thập di. Bởi mâu thuẫn với tể tướng Lý Lâm Phủ, ông chuyển sang làm Hộ tào tham quân ở Kinh Triệu rồi lại được triệu về kinh lo răn dạy thái tử. Năm Nguyên Hoà thứ 10 (Đường Hiến Tông), do hạch tội việc tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích và ngự sử Bùi Độ bị hành hung, đám quyền thần cho là ông vượt qua quyền hạn, đày làm Tư mã Giang Châu. Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức.

Nguồn: Thi Viện



DU KHÁCH AUSTRALIA BỊ DU THUYỀN BỎ RƠI Ở MỸ

Tin này dù trể một tí nhưng cũng cần cho tôi và các bạn rút kinh nghiệm vì có nhiều nơi cần phải có visa mới vào được nhất là những hành trình du lịch đa quốc gia.

Du khách Australia bị du thuyền bỏ rơi ở Mỹ

Chuyến đi để đời đã biến thành cơn ác mộng trị giá 20.000 USD với nhóm du khách người Australia khi bị cấm lên tàu ở Los Angeles.

Ảnh: cruisemapper.

Một nhóm gồm 42 người Australia đã bị cấm lên tàu Princess Cruises’ Sapphire Princess ở Los Angeles sau khi nhà chức trách phát hiện họ không có thị thực.

Con tàu khởi hành chuyến hành trình 17 ngày vòng quanh Nam Mỹ vào ngày 2/12. Kay Jones, một vị khách bị bỏ lại, cho biết nhóm đã bối rối khi chính quyền chặn họ tại trạm lên tàu.

Jones nhận ra hàng chục hành khách khác cũng bị giữ lại, tất cả đều đến từ Australia. Họ được thông báo rằng họ không thể lên tàu vì không có thị thực vào Chile. Khác với các hành khách đến từ Mỹ, Australia không có thỏa thuận miễn thị thực với Chile.

Trước đại dịch, quy định này chưa được áp dụng. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2020, người mang hộ chiếu Australia phải có thị thực điện tử để nhập cảnh Chile.

Nhóm du khách bị từ chối lên tàu vì thiếu thị thực nhập cảnh. Ảnh minh họa: Nataliya Vaitkevich/Pexels.

Du thuyền kiên quyết từ chối mọi trách nhiệm đối với nhóm du khách. “Thật không may, một số ít khách không thể tham gia chuyến đi này do sự khác biệt trong các giấy tờ thông hành cần thiết,” một phát ngôn viên chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng hành khách đã được nhắc nhở kiểm tra giấy tờ của họ trước chuyến đi.

"Trước khi bắt đầu tất cả các chuyến đi, hành khách du lịch trên Princess Cruises được yêu cầu kiểm tra với đại lý du lịch hoặc cơ quan chính phủ có liên quan để đảm bảo họ có các giấy tờ phù hợp cho từng cảng ghé thăm, bao gồm cả thị thực. Đây là thông lệ tiêu chuẩn trong toàn ngành của chúng tôi và đảm bảo chúng tôi tuân thủ tất cả các quy định của chính phủ tại nhiều khu vực pháp lý mà chúng tôi hoạt động".

Tuy nhiên, Jones cảm thấy thông tin liên lạc giữa công ty và hành khách chưa đủ rõ ràng.

"Ngụ ý rằng đó là lỗi của chúng tôi, lẽ ra chúng tôi phải biết, nhưng tất nhiên chúng tôi không biết vì không được Princess Cruises thông báo điều này", cô nói. "Tôi và những người bạn của mình đã đặt qua Princess Cruises và không có bất cứ thông tin nào trên website của họ thông báo rằng chúng tôi cần thị thực để nhập cảnh Chile", Jones tiếp tục cho biết.

Những hành khách khác trên du thuyền đã đặt qua các đại lý du lịch cũng nói với Jones rằng họ cũng không nhận được thông tin gì về việc này.

Sau khi nghe nói có thể mất 5 tuần để xử lý các vấn đề về thị thực, một số hành khách, bao gồm cả Jones, đã sắp xếp một chuyến bay về nhà từ Los Angeles.

Tàu Princess Cruises "Sapphire Princess"

“Một nhóm chúng tôi đã quyết định trở về nhà thay vì cố gắng đàm phán với Princess Cruise”. Jones tuyên bố cô đã chi gần 5.000 AUD cho chỗ ở tại Los Angeles và các chuyến bay về nhà, cũng như 15.000 AUD cho chuyến du ngoạn mà cô không thể thực hiện.

Theo hợp đồng thông hành của Princess Cruises được tìm thấy trên website của họ, câu hỏi về trách nhiệm pháp lý là rõ ràng. “Khi đặt một chuyến du ngoạn đến một cảng quốc tế, bạn có trách nhiệm đảm bảo sở hữu tất cả các thị thực, vaccine và giấy tờ du lịch cần thiết, bao gồm cả hộ chiếu có giá trị trong thời hạn tối thiểu được yêu cầu dựa trên các quốc gia bạn đến,” hợp đồng nêu rõ.

Trong đó cũng có những cảnh báo rằng nếu không có giấy tờ phù hợp, hành khách có thể bị từ chối lên du thuyền hoặc bị phạt hành chính. Mặc dù vậy, Princess Cruises cho biết họ đã liên lạc với hành khách về các giải pháp. Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với những khách bị ảnh hưởng để cung cấp thông tin đặt phòng thay thế trong từng trường hợp cụ thể".

Thu Ngân / Theo: Zingnews
Link tham khảo:
https://www.news.com.au/travel/travel-updates/travel-stories/australian-travellers-ditched-by-cruise-ship-in-la-after-failing-to-get-visas/news-story/fdf8daccf93796a3bb18bf71d6a682c4