Thursday, November 30, 2017

SỰ "THỐNG TRỊ" CỦA QUAN VÂN TRƯỜNG TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN

Tôi nhớ là có kể cho các bạn về miếu Quan Công đầu tiên ở Úc khi có những cu li TQ được đưa vào Úc đề lao động trong những mỏ vàng ở Ballarat và Bendigo thuộc tiều bang Victoria Úc châu.

Chùa Quan Công ở Bendigo (致公堂)
Miếu Quan Thánh được xây dựng năm1860 ở Bendigo mà người Úc hay gọi là Bendigo Joss House Temple, đây cũng được công nhận là di tích lịch sử trong nước. Điều đặc biệt là người Á châu vào đây tham quan sẽ không phải trả tiền vào cửa.
Gần như trên khắp thế giới nơi nào có người Hoa dường như nơi đó phải có đền thờ Quan Công, đền thờ Quan Công và Thiên Hậu có lẽ còn nhiều hơn cả Văn miếu thờ Khổng Tử để cho thấy sự tin tưởng vào tín ngưỡng tâm linh mà không chỉ người Hoa mà phải nói chung cả dân Á châu đều tin tưởng. Các bạn có tin không trong tất cà các đồn cảnh sát ở Hong Kong đều có lập bàn thờ Quan Công và sáng nào vào làm việc ai cũng phải thắp nhang và ngay cả những băng đảng xã hội đen cũng thờ như vậy.
Hôm qua tôi có post một bài về con ngựa Xích Thố của Già Lam Cổ Tự và có nói đến Quan Công là Già Lam Bồ tát. Có người biết có người chưa biết tại sao nên ai chưa biết tại sao xin hãy đọc bài sau đây để biết thêm. (LKH)

SỰ "THỐNG TRỊ" CỦA QUAN VÂN TRƯỜNG TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN


Quan Vân Trường vừa là Võ Thánh, bồ tát và cả Thần Tài, cho thấy địa vị tuyệt đối của ông trong tổng thể tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc nói riêng và Á Đông nói chung.
Quan Vũ (160 - 219), tự Vân Trường, người Giải Lương Hà Đông (nay là Vận Thành, Sơn Tây), là danh tướng cuối thời Đông Hán, được xếp vào nhóm "ngũ hổ thượng tướng" triều Thục Hán.
Hình tượng Quan Công được văn hóa dân gian Trung Quốc mô tả "nghiêm nghị, vũ dũng tuyệt luân".


Những điển tích gắn liền với tên tuổi Quan Vũ qua tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" thời Minh như đào viên kết nghĩa, ôn tửu trảm Hoa Hùng... đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người hâm mộ Tam Quốc.
Tại miếu Quan đế ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có một câu đối về ông - "Hán phong Hầu, Tống phong Vương, Thanh phong Đại đế. Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên tôn".
Bên cạnh việc được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, Quan Vân Trường là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Nho gia: Võ Thánh 
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Công được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".
Sự sùng bái của người dân Trung Quốc đối với Quan Công được đẩy lên cực điểm vào triều Thanh, khi Quan Vũ trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo.


Nói cách khác, ông chính thức trở thành Võ Thánh của Nho gia, có địa vị ngang hàng với ông tổ của đạo này là Văn Thánh Khổng Tử.
Thậm chí, những phường hội kinh doanh, buôn bán còn sùng bái Quan Công hơn nhiều so với Khổng Tử.
Phật giáo: Già Lam bồ tát
Trong Phật giáo Trung Quốc, Quan Công được xưng là Già Lam thần.
Truyền thuyết Trung Quốc kể lại, người sáng lập ra thiền phái Thiên Đài là Trí Giả đại sư, triều Tùy.
Tương truyền ông từng "nhập định" tại núi Ngọc Tuyền, Kinh Châu và nghe được "tiếng gọi của Quan Vân Trường" - "Trả đầu cho ta!".
Trí Giả đại sư hỏi lại - "Ngài qua năm cửa trảm sáu tướng, giết người vô số, vậy ai trả đầu cho bọn họ?".
Vị đại sư này sau đó đã giảng giải Phật pháp cho Quan Vũ, khiến Quan Công hổ thẹn mà xin được truyền thụ "tam quy ngũ giới", trở thành đệ tử Phật môn và thề nguyện làm Hộ pháp cho Phật giáo.
Về sau, nhân vật anh hùng được người dân Trung Quốc kính ngưỡng Quan Vân Trường trở thành Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà bồ tát là hai đại Hộ pháp của Phật giáo.
Trong các chùa miếu thờ Phật, Già Lam là Hữu hộ pháp, Vi Đà là Tả hộ pháp.


Đạo giáo: Quan thánh Đế quân
"Quan thánh Đế quân", hay còn gọi là "Quan đế", vốn là một trong "Hộ pháp tứ soái" của Đạo giáo. Tín ngưỡng Đạo giáo ngày nay chủ yếu thờ phụng Quan Công như một Thần Tài.
Theo tín ngưỡng của đạo này, Quan đế là vị thần "trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ".
Việc Quan đế được xưng là Thần Tài xuất phát từ hình tượng trung nghĩa của ông trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc.
Thương nhân Trung Quốc nhiều thế hệ cho rằng, Quan Công sinh thời rất giỏi về quản lý tài chính, phát minh ra "nhật thanh bạ" ghi lại nguồn, thu, chi, tồn hàng ngày rất rõ ràng. Hậu thế công nhận ông là "kỳ tài kế toán", nên phong làm "thần thương nghiệp".
Một nguyên nhân khác là thương nhân kinh doanh coi trọng "nghĩa khí và tín dụng", được cho là những phẩm chất của Quan Công.
Nguyên nhân thứ ba là truyền thuyết về "chiến thần" Quan Vân Trường, nói rằng sau khi Quan Công mất đã trở thành thần linh, quân đội bên nào được ông "trợ chiến" ắt sẽ giành được thắng lợi.
Các thương gia cũng hy vọng việc kinh doanh được Quan đế "trợ lực", làm ăn phát đạt.


Tại Đài Loan, Quan Công còn được các tín đồ xưng là "ân chủ", tức là "Chúa cứu thế".
Ở Nhật, Singapore, Malaysia, Philippines và thậm chí tại các khu người Hoa ở Anh Mỹ, tín ngưỡng thờ phụng Quan Vân Trường đều rất thịnh hành.
Do thương nhân Hoa kiều ở hại ngoại rất đông, nên tín ngưỡng thờ Thần Tài Võ Quan Công trở nên nổi bật.
Có học giả Trung Quốc đúc kết, nguyên nhân Quan Vũ được sùng bái đến vậy, chính là do sự tôn sùng của quan niệm dân gian đối với "nhân cách hoàn mỹ" trung - nghĩa - vũ - dũng.

Theo Trí Thức Trẻ

"ĐIÊN" VÌ NGHỆ THUẬT

Ẩm thực phân tử: “Điên” vì nghệ thuật

Tuy ẩm thực phân tử rất dị, một số người còn "hãi" vì lắm thứ phức tạp, lại không tuân theo các tiêu chuẩn nấu ăn thông thường, nhưng vẫn là nấu ăn, vẫn có chất nghệ thuật trong đó, vẫn có những nét đặc sắc của riêng nó. Và cái độ quái đó, dù có lố thì...vẫn là nghệ thuật.


Molecular gastronomy, dịch nôm na là ẩm thực phân tử, là một nhánh phụ trong ngành khoa học thực phẩm, nghiên cứu về ảnh hưởng của vật lí và hóa học đến sự biến đổi của đồ ăn, rồi từ đó tạo thêm kết cấu, hương vị. Cái ngành này thực ra mới chỉ có khoảng những năm 70-80s, rồi đến năm 1988, nó mới có tên gọi. Ban đầu nhà hóa học Hervé This, cùng với nhà vật lí học Nicholas Kurti gọi là molecular & physical gastronomy (ẩm thực phân tử và vật lí?), sau dài dòng quá thì mới rút gọn thành tên ngày nay.

Hervé This, cha đẻ của ẩm thực phân tử. Ông chủ yếu nghiên cứu về cách khoa học ảnh hưởng đến thực phẩm, phát hiện ra trứng được nấu hoàn hảo nhất ở nhiệt độ 65o C, rồi đánh lòng trắng sau khi cho một lượng nước lạnh vào sẽ bông hơn,… (Ảnh trong toàn bài là từ nhiều nguồn trên internet)

Trứng chần lâu (khoảng 45 phút) trong nước 65o C, lòng trắng vừa mới kết dính, đặc lại, bên trong vẫn lỏng. Các nhà hàng xịn toàn làm trứng kiểu này, dùng loại nồi điện có nhiệt kế để nấu chứ đem cho khách quả trứng luộc kĩ, lòng đỏ khô queo thì có mà toi.

Tận dụng sự phát triển của công nghệ, mấy ông đầu bếp bắt đầu nghiên cứu và chế ra đủ thứ. Tuy ẩm thực phân tử luôn làm điên đầu bao đầu bếp, nhưng độ sáng tạo của nó là vô hạn, thành ra ai cũng muốn “điên” theo nó. Kể ra các phương pháp thì cho đến cả ngày cũng không hết, vì mỗi ông một kiểu riêng, nhưng chung quy lại thì bao gồm như sau:

Spherification: cô đặc chất lỏng thành các dạng hình cầu, tạo kết cấu dẻo nhưng vẫn chứa chất lỏng bên trong, mục đích khi ăn thì chúng sẽ “nổ” trong miệng. Caviars cũng là một dạng của spherification.

Gelification: dùng gelatine, pectin hay rau câu,… tạo kết cấu dạng thạch. Thường thì spherification hay đi cùng với cái này

Foam: tạo bọt bóng từ các loại sốt, nước hầm hay dung dịch khác

Emulsification & infusion: dùng nhũ tương (các dung dịch không tan vào nhau), hoặc chiết xuất từ mùi hương, thảo mộc,… để tạo mùi cho món ăn

Flavor pairing: kết hợp các hương vị vào nhau để tạo vị khác

Smoking: tạo khói cho món ăn (khói gỗ sồi, khói mùi sả,…)

Ice cream: nghe hơi kì nhưng mấy ông đầu bếp làm kem từ đủ nguyên liệu, hầu hết là từ vị mặn. Ví dụ: kem phô mai, kem thịt hun khói,…

Sous vide: cho nguyên liệu vào túi nilon, hút chân không rồi đem nấu lâu trong nước nóng, mục đích để cho nguyên liệu nấu xong vẫn giữ được nước, không bị khô

Molecular mixology: pha chế đồ uống, cocktail từ các kĩ thuật molecular gastronomy

Từ các phương pháp cơ bản này, ta có chế được thêm đủ thứ:

Trong hình là kem vị trứng khuấy của nhà hàng The Fat Duck (cái này là tráng miệng). Đầu bếp chuẩn bị kem vị trứng, rồi mang nguyên cả chảo kem ra khuấy bông với nitơ lỏng, xong xếp ra đĩa cho khách ăn kèm với thịt ba xông khói và bánh mì chiên.

Bánh khoai lang chiên giòn với đường nâu và rượu bourbon, ở nhà hàng Alinea. Trước khi phục vụ, bồi bàn đốt đầu trên thanh quế để tạo khói. Khách vừa ăn, vừa được ngửi mùi quế… cháy. 

Menu… ăn được của nhà hàng Moto. Phần giấy được làm từ tinh bột khoai tây với đậu tương, in bằng “mực” làm rau củ, rồi đem đính lên bánh mì tỏi chiên giòn. Menu trong hình được ăn kèm với giấm đỏ, bơ và tỏi tây.

Sandwich thịt heo kiểu Cuba, cũng của Moto, cái này nhìn không khác gì điếu xì-gà. Truyền thống thì món này làm từ thịt heo (nướng và thịt nguội), dưa chua, phô mai với mù tạt, đầu bếp cải tiến bằng cách quay mềm thịt heo, cuộn trong bánh mì với dưa hành muối, phô mai, cuộn trong cải xanh với giấy (ăn được). Cái này thì dùng kèm với sốt ớt chuông đỏ (phần đầu cháy) với “tro” vừng đen trắng.

Tuy có đủ trăm ngàn cách khác nhau để ứng dụng, rồi cộng thêm vô số sáng tạo khác, nhưng ẩm thực phân tử vẫn có nguyên tắc chung: về sự kiểm soát nhiệt độ, kết cấu chung, hương vị khi kết hợp với nhau có phù hợp không,… Chỉ cần nắm bắt được điều này, cộng thêm sự sáng tạo, các kiến thức hóa học, vật lí gì đó (để khách khi ăn không nhằm phải mấy chất độc) là nắm bắt được ẩm thực phân tử.

“Flaming sorbet” của Heston Blumenthal. Chính giữa nồi là kem táo với quế, táo rim bơ đường, táo tươi, và rượu whiskey. Trong kem ông có cho các chất phụ gia (chả biết là gì) để kem không chảy được, dưới nồi là đá khô để thêm khói với để kiểm soát nhiệt độ.

Trứng Benedict của wd-50, bao gồm lòng đỏ trứng nấu kiểu sous vide, sốt Hollandaise tẩm vụn bánh muffin… chiên giòn, thịt hun khói lát mỏng.

Tuy ẩm thực phân tử rất dị, một số người còn hãi nó vì lắm thứ phức tạp, lại không tuân theo các tiêu chuẩn nấu ăn thông thường, nhưng nó vẫn là nấu ăn, vẫn có chất nghệ trong đó, vẫn có những nét đặc sắc chỉ nó mới có. Cái độ quái của nó, dù có lố quá, vẫn là nghệ thuật.

“Chocolate finale” của Alinea. Đầu bếp trải tấm silicon ra bàn, trét vẽ đủ kiểu, màu mè hoa hoét , phóng art tới bến cho khách ngắm rồi đưa thìa cho khách xơi luôn trên đó. Hổ lốn, nhưng đẹp hơn tranh.

Ẩm thực phân tử, tuy còn mới nhưng đã được ứng dụng rất nhiều, một số nhà hàng nấu kiểu này còn có sao Michelin. Tiếc là ở Việt Nam, tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy, vì nó quá phức tạp, chẳng ai dám cho khách mình xơi chất này chất nọ, rồi cũng vì… lười. Nếu muốn ăn thì đành đặt vé máy bay đi Sing hay Nhật một chuyến vậy, đặt bàn trước khoảng 1-2 tháng gì đó. Ai chưa học qua ngành này thì cũng đừng nên thử, vừa rắc rối mà cũng mất thời giờ, mà vô nhà hàng cũng chẳng xong, vì đâu có chỗ nào có, đành ngồi nhà ngắm vậy. Vừa ngắm, vừa cảm thấy nghệ thuật thấm sâu trong đó, cùng với tính lập dị của nó, cũng vừa… thèm.


Minh Quang

WHITSUNDAY ISLANDS

Khám phá thiên đường Whitsunday siêu lãng mạn


Nhắc đến châu Úc, bạn nghĩ ngay đến nhà hát kịch Opera (Sydney) nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo của một kiến trúc sư người Đan Mạch, thành phố Melbourne thuộc bang Victoria với nhịp sống hiện đại, sôi động, hay vẻ đẹp hoang dã pha chút bí hiểm của ngọn núi thiêng Urulu,… Nhưng sau cả một dài thời gian làm việc mệt mỏi, bạn đang tìm kiếm chút bình yên, hay chỉ đơn giản muốn nằm dài thư giãn và ngắm nhìn mẹ thiên nhiên xinh đẹp. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, xách balo ngay lên và bloganchoi sẽ giới thiệu cho bạn một “thiên đường” mang tên Whitsunday trên xứ sở chuột túi này.

Nằm cách Mackay 150km về phía Bắc và cách Townsilve 300km về phía nam, quần đảo Whitsunday chính xác là một “thiên đường” được mẹ thiên nhiên nhào nặn một cách thần kỳ.

Quần đảo Whitsunday xinh đẹp (Ảnh: Internet)

Quần đảo Whitsunday bao gồm 74 hòn đảo lớn nhỏ và các vùng nước ẩn khuất được bao bọc bởi Biển San Hô. Thời tiết ở đây vô cùng lí tưởng, nắng đẹp quanh năm, khí hậu mát mẻ trong lành càng làm tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng của làn nước trong xanh đang mềm mại ôm lấy những bãi cát trắng. Nơi đây như bản thu nhỏ của một thiên đường nhiệt đới.

Thiên đường nhiệt đới Whitsunday (Ảnh: Internet)

Hòn đảo lớn nhất mà bạn không thể bỏ qua khi tham quan quần đảo Whitsunday là Whitehaven. Đúng như tên gọi “thiên đường trắng”, bạn sẽ vô cùng thích thú khi dạo chơi trên bãi cát trải trắng trải dài 7km, lấp lánh. Đừng ngạc nhiên tại sao bãi cát này lại trắng đến như vậy, vì nó bao gồm đến 98% sillic tinh khiết, một ưu ái mà tạo hóa đã ban tặng. Bạn có thể leo lên đồi hoặc thuê trực thăng để có thể thỏa thích ngắm nhìn vẻ đẹp của bãi biển Whitehaven. Đây cũng là địa điểm tuyệt vời để bạn có được những tấm hình cực chất để khoe với bạn bè.

“Thiên đường trắng” Whitehaven (Ảnh: Internet)

Whitehaven là địa điểm lý tưởng cho các cặp đôi (Ảnh: Internet)

Khoe những shoot hình ấn tượng cùng bạn bè tại Whitehaven (Ảnh: Internet)

Và thật thiếu sót khi đã đặt chân lên thiên đường nhiệt đới Whitsunday rồi mà bạn lại không khám phá Rạn San Hô tuyệt đẹp. Có rất nhiều cách để bạn có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của san hô. Nhìn từ trên cao, cảnh quan sẽ huyền bí khiến bạn rất tò mò dưới lòng biển sâu đó đang ẩn chứa điều gì thú vị.

Cảnh quan huyền bí từ trên cao khiến bạn tò mò (Ảnh: Internet)

Đơn giản thôi! Chỉ với đôi chân chèo và bộ lặn, bạn có thể thoả thích ngắm nhìn cuộc sống đầy màu sắc dưới lòng đại dương bao la kia. Không chỉ có san hô, bạn có thể làm quen với những sinh vật biển xinh xắn nữa đó. Bạn cũng có thể tham quan bằng thuyền buồm. Bằng cách này, bạn sẽ đi được nhiều nơi trên quần đảo Whitsunday hơn.

Du khách khám phá rạn san hô quần đảo Whitsunday (Ảnh: Internet)

Rạn san hô tuyệt đẹp dưới lòng Whitsunday (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, ở đây còn có rạn san hô hình trái tim vô cùng lãng mạn. Đây là nơi chứng kiến tình yêu của rất nhiều các cặp đôi. Nếu bạn đang băn khoăn về địa điểm lý tưởng cho bộ ảnh cưới của mình thì đây chính là nơi mà bạn cần tìm.

Khám phá điều ngọt ngào của Whitsunday (Ảnh: Internet)

Rạn san hô hình trái tim siêu lãng mạn (Ảnh: Internet)

Bạn còn chần chừ gì nữa? Hãy lập kế hoạch để tận hưởng “thiên đường” ngay trước mắt thôi nào.

Thảo Nguyên
Nguồn: BlogAnChoi


Wednesday, November 29, 2017

CHỬI BẬY LÀ RẤT XẤU NHƯNG CŨNG CÓ NHỮNG LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ

Những người hay nói tục chửi bậy hóa ra có một đức tính cực kỳ tốt


Có một dạng người lúc nào cũng phải chêm những từ nói tục vào trong câu nói của mình. Và thỉnh thoảng khi "lên tăng xông" thì ... cứ thế mà chửi thôi. Xã hội coi việc nói tục là một việc xấu, do đó khi thấy một người thường xuyên nói tục, ta thường liên tưởng ngay họ là người xấu.

Sự thật thì đúng là nói tục chửi bậy cũng không tốt thật. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây tại 4 trường ĐH Cambridge, Maastricht, Hong Kong và Stanford, những người hay nói tục hóa ra có một đức tính rất tốt: họ rất thành thật.

Mối liên hệ giữa nói tục và thành thật

Nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên 276 người, trong đó đánh giá mức độ thành thật của người tham gia qua một bài kiểm tra.

Trong đó, những người này được yêu cầu liệt kê ra danh sách những từ nói tục yêu thích nhất của mình, đồng thời trả lời các câu hỏi liên quan đến sự thành thật.

Những người hay nói tục thường rất thành thật

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Social Psychological và tạp chí Personality Science. Kết quả cho thấy: Có một mối quan hệ tích cực bền vững giữa nói tục và sự thành thật. Người hay nói tục có mức độ thành thật cao hơn.

Vì sao có một số người lại thích văng tục như vậy?


David Stilwell, đồng tác giả của nghiên cứu và là một giáo sư đến từ ĐH Cambridge chia sẻ với tờ The Independent: "Điều quan trọng là khi bạn cố trau chuốt câu từ khi nói, cũng có nghĩa là bạn đang cố che giấu những gì bạn nghĩ và chỉ muốn nói những gì bạn nghĩ rằng người khác muốn nghe."

"Một người không trau chuốt ngôn ngữ và hay văng tục, thường là người có xu hướng nói những điều mà họ cho là sự thật. Đó là những điều thể hiện cái họ nghĩ."


Câu từ trau chuốt chưa chắc đã là thật

Trong phòng thí nghiệm, khi những người tham gia được hỏi nguyên nhân nào khiến họ nói những từ... chợ búa, phần lớn cho biết họ muốn thể hiện những cảm xúc tiêu cực và thể hiện chính con người thật của họ chứ không phải để hạ nhục người khác.

Thậm chí một số người còn cho biết, theo kinh nghiệm của họ, nói tục là công cụ giúp họ thể hiện chân thật cảm xúc của mình.

Họ chỉ muốn thể hiện những cảm xúc tiêu cực thôi, không có ý xấu đâu

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác trong quá khứ cũng cho thấy văng tục thường xuyên không phải là một dấu hiệu xấu. Những người như thế thường có chỉ số IQ cao hơn bình thường.

Nhưng nhìn chung, nói tục chửi bậy cũng là không tốt. Tuỳ theo tình huống, hãy cư xử một cách văn hóa bạn nhé.

Thiên Dung
Nguồn: Independent, Daily Mail

SỨC MẠNH VÔ HÌNH CỦA LỜI NÓI

Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một người đang trong cơn tuyệt vọng.


SỨC MẠNH VÔ HÌNH CỦA LỜI NÓI

Một hôm trời hửng nắng, đàn ếch rủ nhau vào rừng ngắm cảnh. Phong cảnh hữu tình làm chúng rất khoái chí, nhưng đang đi thì đột nhiên có 2 con trong đoàn trượt chân, rơi thẳng xuống một cái hố rất sâu. Cả bầy ếch bèn xúm lại, tìm mọi cách để kéo 2 chú ếch đó lên nhưng làm thế nào cũng không đưa chúng lên được. Cuối cùng cả bầy liền dừng lại và nói với 2 con ếch kia rằng chúng chỉ còn nước chờ chết mà thôi.
Mặc dù vậy, 2 con ếch đáng thương này vẫn cố gắng hết sức để nhảy ra khỏi cái hố. Nhưng dù nhảy thế nào thì chúng cũng không thoát khỏi cái hố đó. Một con tỏ ra rất thất vọng và ngã lăn ra chết trong sự uất ức.


Con ếch còn lại không vì thế mà nản chí, nó lại tiếp tục cố gắng nhảy. Bầy ếch liền hò hét khuyên chú ếch đó hãy thôi đi. Nhưng điều kỳ lạ là bầy ếch càng cố hò hét thì con ếch kia lại nhảy càng hăng. Cuối cùng thì nó cũng nhảy được lên bờ sau rất nhiều nỗ lực.
Lúc này cả bầy vây quanh nó và hỏi: Lúc nãy anh có nghe thấy chúng tôi nói gì không?
Con ếch bảo, nó bị nặng tai và nó tưởng cả bầy động viên nó suốt thời gian qua.


Bạn thấy đấy, một lời nói đúng lúc có thể cứu sống một mạng người nhưng có những lời nói lại đẩy người khác đến chỗ chết. Do đó, hãy cẩn thận với những gì mình nói. Đừng hủy diệt tinh thần của một người đang trong hoàn cảnh khốn khó bởi những lời nói tiêu cực của mình. Thay vào đó, hãy biết dành thời giờ để động viên và khích lệ họ. Cuộc sống của chúng ta và mọi người xung quanh trở nên như thế nào tuỳ thuộc vào chính thái độ và những lời nói của chúng ta.


Vì vậy tất cả mọi người chúng ta hãy cẩn thận với lời nói của mình. Hãy nói những lời mang đến niềm tin và sức sống cho những ai đi ngang qua cuộc đời bạn.

(Sưu tầm trên mạng)

ĐẶC SẢN HUẾ: BÁNH MĂNG - BÁNH MẬN

Về Huế Thưởng Thức Bánh Măng Và Bánh Mận

Thuở còn thơ, mỗi lần được bà nội cho cùng đi ăn giỗ ở nhà bà con tôi vô cùng sung sướng, ngồi xe xích lô ngắm phố phường, nhìn xe cộ ngược xuôi mà lòng tràn đầy niềm vui.

Ngày trước, mỗi dịp được mời dự kỵ giỗ thì khách mời hay mang lễ vật đến, và thường là những gói bánh đủ loại được làm thủ công, trong đó có cả bánh măng, bánh mận.

Bánh măng, bánh mận Huế - Ảnh: sưu tầm

Như nhiều món ăn khác của xứ Huế, nguyên liệu để làm hai loại bánh này thật đơn giản nhưng giá trị của chúng lại nằm ở sự tỉ mỉ, công phu trong chế biến và cách bày biện.

Sự tỉ mẩn của người làm bánh măng thể hiện ở những sợi măng thật mảnh màu vàng nhạt, chỉ nhỉnh hơn sợi tóc một chút mà người làm bánh phải dùng một cái lược dày để chải vào một khúc măng non mới thành từng sợi, xong đem luộc trong nồi nước có chút phèn chua khoảng 20 phút để không còn mùi và vị hăng, sau đó vớt ra xả sạch phèn, vắt khô rồi rim với đường rim theo tỷ lệ 1/1 (1 chén măng/1 chén đường).

Đặc sản thu hút du khách bốn phương - Ảnh: sưu tầm

Bột sau khi nhồi được vo viên cỡ quả trứng gà, đem luộc chín rồi vớt ra nhồi tiếp cho thật dẻo. Nước đường và măng đã rim được cho vào bột, quấy luôn tay trên bếp lửa riu riu, đến khi bột đặc lại thì đem áo với đường trắng, cắt hình khối vuông, phủ một lớp mè và được gói trong hộp giấy, bên ngoài là một lớp giấy bóng kính nữa (bánh măng và bánh mận thường đi một cặp, giấy bóng kính phủ ngoài hộp có màu vàng và màu hồng).

Đến với Huế bạn nên thưởng thức món bánh măng, bánh mận một lần - Ảnh: sưu tầm

Bánh măng được làm bằng bột nếp dẻo, nhìn từ bên ngoài láng bóng và ăn vào thì mát rượi nơi đầu lưỡi, ngọt vừa phải, những sợi măng màu vàng mảnh mềm mà giòn, lại thơm thơm. Cái ngon của bánh măng đến từ sự đơn giản và thật thà của nguyên liệu gốc, mùi vị tinh tế và không pha tạp.

Nét hấp dẫn của bánh măng, bánh mận - Ảnh: sưu tầm

Bánh mận thì cũng được làm tương tự, chỉ có khác là thay măng bằng những sợi dừa thơm, giòn và béo.

Điều đáng nói là hiện tại, hai loại bánh này vẫn được bán kèm với nhau với hai màu sắc đặc trưng, và cả người bán lẫn người mua vẫn gọi bằng cái tên mặc định một cặp là bánh măng - bánh mận.

Thế nhưng, tiếng là hai loại bánh thật ra chúng hoàn toàn giống nhau, chỉ là một thứ bánh mận nhân dừa sợi. Có lẽ cái tỉ mỉ trong chế biến những sợi măng khiến người ta ngại làm chúng.

Bánh măng, bánh mận món ngon ngày tết - Ảnh: sưu tầm

Và đó chính là điều đáng báo động. Có lẽ dần dà bánh măng sẽ chỉ còn trong ký ức của những thế hệ lớn tuổi ở Huế. Nếu điều đó trở thành sự thật thì quả đáng buồn.

Mytour.vn - Nguồn: Tổng hợp

CẬU BÉ ĐA NGHI

Sáng nay Thánh Phê rô vừa mở cổng thiên đàng đã thấy một bé chừng sáu – bảy tuổi đứng đợi tự bao giờ.


Nhưng dù Thánh đã mở rộng cánh cổng, cậu bé vẫn tỏ vẻ nghi ngại không bước vào, mà hỏi đi hỏi lại: “Đây có phải thiên đàng không?”. Thánh ân cần:

- Đúng rồi đó con. Con lên đây hồi nào và vì sao?

Cậu bé ôm cổ thều thào:

- Dạ con lên đây chiều qua, con bị một bảo vệ dân phố cắt cổ!

Thánh Phê rô kêu lên:

- Chúa ơi! Sao bảo vệ lại giết trẻ con?

- Bảo vệ ấy bị bệnh tâm thần, có giấy chứng nhận hẳn hoi!

- Chúa ơi! Sao người ta lại cho bệnh nhân tâm thần làm bảo vệ? Xứ sở của con thật kỳ lạ! Thôi con vào đi...



Cậu bé không chịu bước vào mà lại hỏi:

- Thế ở đây ô sin có “tung hứng” trẻ sơ sinh không?

- Chúa ơi! Không hề!

- Thế bảo mẫu có hành hạ trẻ mầm non không?

- Chúa ơi! Không hề!

- Còn mẹ kế có nung sắt tra tấn con chồng không?

Dù Thánh Phê rô lại “Chúa ơi! Không hề”, cậu bé vẫn dáo dác nhìn quanh như tìm kiếm thứ gì.


Thánh gãi đầu một hồi thì chợt hiểu, chạy vào trong khoảng mươi phút rồi xuất hiện trở lại với một mớ băng rôn, biểu ngữ trên tay: nào là “Tất cả vì tương lai con em chúng ta!”, “Trẻ em là tương lai của đất nước!”, rồi thì “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai!”, “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em hôm nay!”, “Chấm dứt bạo lực để vun đắp yêu thương!”...


Sau khi tất cả khẩu hiệu được Thánh Phê rô giăng la liệt khắp nơi, cậu bé liền vỗ tay reo:

- A! Giờ mới giống cái thiên đàng mà người lớn vẽ ra cho con xem!

Người già chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online


CÁI TƯỞNG TẠO NÊN BÓNG DÁNG CỦA HẠNH PHÚC


Kinh Samiddhi là Kinh dạy về niềm hạnh phúc chân thật mà ta có thể kiểm soát được, có thể thừa hưởng được. Người Việt có câu ca dao:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.


Nếu lấy nhau được thì ta sẽ không thương nhau đến ngàn năm, đôi khi chỉ thương được có một năm thôi. Chính vì không lấy nhau được nên ta mới thương một ngàn năm! Thương như vậy là thương cái ý niệm về người kia, thương cái hình bóng đẹp mà ta đã tạo ra từ người kia. Còn nếu lấy người kia thì ta bắt buộc phải sống với cái thực tại của người kia. Mà sống với thực tại thì cố nhiên là ý niệm mơ hồ và đẹp tuyệt vời về người kia sẽ dần dần tan biến. Câu ca dao đó là một câu ca dao chỉ nói về chuyện tình mà thôi. Cố nhiên khi một người thương một người khác thì bóng dáng của người con trai hay của người con gái kia là bóng dáng tuyệt vời mà ta mơ mộng. Một sợi tóc mai đủ để cột ý chí của một đấng anh hùng. Ngưòi Việt hay dùng tiếng kép tóc tơ. Tơ là những sợi rất mỏng, nhưng cột thì rất chắc.

Có một ông gọi là ông Tơ. Ông này chuyên đi cột người ta và làm người ta khổ suốt đời. Khi cạo đầu đi tu, trên hình thức ta không còn tóc để trói, nhưng sự thực, trên nội dung ta phải không có tơ nữa mới được. Tất cả những sợi tơ lòng kia phải cắt hết thì ta mới có tự do, mới có hạnh phúc, vì hạnh phúc không có thể có được nếu không có tự do.

Chúng ta thấy trong Áo Nghĩa Thư, chữ Neti thường được lặp lại hai lần: Neti, Neti, nghĩa là không phải, không phải, tại vì nói một lần chưa chắc người ta đã thấm.




Hình ảnh tuyệt vời của người yêu "tóc mai sợi vắn sợi dài" là một cái tưởng, mọi tri giác. Mình yêu là yêu cái bóng dáng đó, cái ý niệm đó, cái tri giác đó chứ không phải là yêu cái thực tại của con người kia. Giữa ý niệm về người yêu và cái thực tại của người yêu, có thể có sự xa cách một trời một vực, Vì vậy nếu muốn giữa lại cái hình ảnh đẹp tuyệt vời đó, tốt hơn là đừng cưới. Nếu cưới thì có thể trong vòng nửa năm hay một năm hình ảnh đó sẽ tan vỡ và mình sẽ phải va chạm với thực tế. Những người không biết tu có thể làm tan vỡ hạnh phúc của họ rất mau chóng, dầu buổi ban đầu rất đẹp. Đẹp vì hình ảnh lý tưởng của người yêu tan vỡ. Nếu không tu, đến khi hình ảnh lý tưởng đó tan vỡ rồi, chỉ còn lại đau khổ mà thôi. Không tu thì không biết cách xây dựng cho mình và cho người ấy.

Tạp chí Pháp có đăng một chuyện hài hước như sau: "Sau đám cưới của một cặp vợ chồng trẻ, sáu tháng đầu chàng nói và nàng nghe. Sáu tháng sau nàng nói và chàng nghe. Sáu năm sau thì chàng và nàng cùng nói, và lần này thì hàng xóm nghe!" Nói mà nói lớn đến độ hàng xóm nghe tức là hai người đang cãi lộn và làm khổ nhau. Lúc đó thì chân tướng của cả chàng lẫn nàng đều hiện ra, và cái hình ảnh đẹp tuyệt vời của "tóc mài sợi ngắn sợi dài" đã tan biến. Đó là trường hợp của những người không biết tu.

Với người biết tu, khi cái hình ảnh lý tưởng tan vỡ, ta biết cách để làm cho nó chuyển hóa, vì nếu hình ảnh tuyệt đẹp của người kia tan biến nơi ta thì hình ảnh tuyệt đẹp của ta cũng tan biến nơi tâm của người kia. Vậy cho nên năm đầu của hôn nhân là năm học tập cải tạo. Chúng ta biết được sự thật, chung sống 24 giờ đồng hồ và bắt đầu thấy được sự thật, thực tại không còn những cái tưởng nữa.



Chàng Trương sở dĩ đau khổ cùng cực như vậy là vì chàng quá tin ở tri giác của mình. Nhưng cũng vì trong con người chàng còn có những yếu đuối khác, như tự hào và tự ái. Người kia là vợ mình, người kia là người thân yêu nhất trong đời mình, vậy mà mình đã để cho tự ái chen vào giữa mình và người kia để gây thành ngăn cách. Tại sao chàng Trương không hỏi ngay người vợ về điều đang làm cho mình đau khổ? Trong tình thương chân thật không có chỗ đứng cho sự tự ái. Nếu tự ái có mặt thì tình chưa phải là chân tình, chưa phải là "true love". Điều này không những đúng trong trường hợp vợ chồng, mà còn đúng trong trường hợp bạn bè. Nếu bạn bè thương nhau chân thật thì đừng để cho lòng tự ái chia rẽ. Có những đau khổ nào, mình nói cho người kia biết, đừng vì tự ái mà nín thinh. Chàng Trưong vì tự ái nên trở thành một tảng băng sơn, không có khả năng tới với vợ để chia xẻ cái đau khổ của mình. Phải nói cho người mình thương những khổ đau của mình, và người ấy cũng cần nói những đau khổ của người đó cho mình nghe. Tình thương là ở chỗ mình phải có mặt trong khi người kia đau khổ. Cái đó mới gọi là Bi (Karuna). Khi người kia đau khổ mà mình có mặt một bên, mình nói: "Anh ơi, em biết anh dang đau khổ nên em đang có mặt với anh đây", "I know you are suffering, therefore I am here for you". Đôi khi không cần nói lên mà câu đó vẫn có thể được nghe, được thấy, được chấp nhận khi mình thực sự có mặt. Cách mình ngồi, cách mình nhìn cũng đủ chứng tỏ cho người kia biết rằng mình đang có mặt với họ, đang có mặt cho họ vì họ đang đau khổ, nhờ vậy tự nhiên họ bớt khổ. Đó là tình thương đích thực.

Có nhiều khi đau khổ của ta là do người ta thương tạo ra, hoặc ta nghĩ do người ta thương tạo ra! Khi mình nghĩ rằng chính người mình thương đã làm cho mình có thương tích trong lòng, mình lại có khuynh hướng lạnh lùng, không nhìn người đó, không nói với người đó và lánh trốn người đó. Đó là sự dại dột lớn. Theo nguyên tắc thương yêu mà chúng ta học được trong đạo Bụt, khi nghĩ rằng nỗi khổ của ta là do chính người mà ta thương gây ra, ta phải tới với người đó và nói rằng "Chị ơi em khổ quá, chị giúp em với, em cần chị". Dầu người kia đã tạo ra cái khổ cho mình, khi mình nói câu đó, người kia sẽ không thể nào mà không có mặt cho được. Khi có mặt, người đó sẽ hỏi "Em có thể nói cho chị nghe được không?". Lúc đó mình có thể nói "Hôm qua cách nói của chị làm em khổ lắm. Em không biết làm sao cho nên phải tới hỏi lại".



Khi mình làm được như vậy thì niềm đau nỗi khổ của mình không còn kéo dài và hạnh phúc có thể trở về một cách rất mau chóng. Chúng ta đừng bắt chước chàng Trương, cũng đừng bắt chước thiếu phụ Nam Xương. Đáng lý nàng nên tới với chàng và hỏi:"Anh ơi, tại sao ba ngày ba đêm nay anh thèm nhìn mặt em? Tại sao anh không nói với em lời nào hết? Em đã làm những gì để anh đối xử với em như vậy?" Nếu nàng hỏi được một câu như vậy thì chàng sẽ nói: "Tại sao? tại vì ..., tại vì ...". Khi đó vợ chàng Trường sẽ có cơ hội minh oan và nhờ đó mà hai người sẽ tìm lại được hạnh phúc sau bao năm xa cách.

Những bi kịch xảy ra hàng ngày, lớn hay không lớn bằng bi kịch của chàng Trương, đều do chúng ta quá tin chắc ở tri giác của mình. Nó làm khổ bản thân ta và làm khổ người ta thương. Người ta thương có thể là thầy ta, có thể là học trò ta, có thể là sư anh, sư chị, sư em ta, hoặc người bạn tu của ta. Ta đừng để cho bi kịch ấy xảy ra trong đời sống hàng ngày. Thầy đã trao truyền truyền cho ta những tám kính để chiếu soi. Đó là "Are You Sure?". Đó là "Anh có chắc như vậy không?". Đó là "Neti, Neti". Nếu biết rằng "Sunyata", "Neti, Neti", "Are you sure", là những tấm kính chiếu soi có thể giúp ta thoát khổ đau, vưọt thoát tri giác sai lầm, thì ngày đêm ta phải mang những tấm kinh đó theo, phải sử dụng chúng để soi chiếu, để nhận ra cái tính chất sai lầm của nhận thức. Được như vậy ta sẽ có an ninh, ta sẽ không tạo ra những bi kịch trong và quanh ta. Nếu có đọc cuốn Cửa tùng đôi cánh ngài, quí vị chắc còn nhớ câu chuyện của một chàng tráng sĩ. Trước khi người tráng sĩ xuống núi, thầy đã trao cho một cái kính. Nhưng người tráng sĩ chỉ dùng kính trong mấy tháng đầu, sau đó thì không dùng nữa. Vì vậy sáu năm sau, người tráng sĩ trở thành một ác ma mà cứ tưởng mình là người tráng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Cho đến khi về tới núi, người sư đệ hỏi "Cái kính thầy cho anh đâu?, tráng sĩ đưa kính ra soi, mới nhận ra rằng mình không còn là người tráng sĩ của cuộc đời nữa mà là một con ác quỷ. Do đó cho nên kính của Bụt trao, mình phải lau chùi hàng ngày để soi sáng tất cả mọi tâm ý của mình, mỗi nhận thức, mỗi cảm giác của mình. Nếu biết soi chiếu, mình sẽ mỉm cười với nhận thức mình, nhờ đó mình sẽ có tự do và giải thoát.



Khi một người bạn tới than thở với mình là người ấy đang đau khổ, đang buồn phiền vì người này nói câu này, vì người kia nói điều nọ, mình phải ngồi yên và lắng nghe với tất cả chánh niệm của mình. Nếu lỡ bạn mình quên câu thần chú thì mình phải nhắc "Chị có chắc như vậy không? Chị có chắc là người đó đã nói như vậy hay làm như vậy không? Có thể nhận thức của mình sai lầm, mình đến để hỏi lại". Tuyệt đối đừng thêm dầu vào lửa. Bổn phận của mình là phải lắng nghe. Sau khi lắng nghe, phải tìm cách giúp người kia nhớ lại những câu thần chú. Nếu chị khổ như vậy tại sao chị không tới với người kia để hỏi lại? Nếu chị không muốn đi một mình, em sẽ đi với chị. Đây là những điều thực dụng mà mình phải áp dụng trong đời sống hàng ngày, vì đó là hạnh phúc của bản thân mà cũng là hạnh phúc của người mình thương và hạnh phúc của cả đại chúng.

Nói tóm lại, ta có thể hiểu của bài kệ này như sau: "Nếu có được nhận thức chính xác đối với danh, với sắc, và thấy được tính cách sai lạc, tính cách không có thật của chúng, thì ta được gọi là những người biết đi theo con đường của Bụt dạy, vĩnh viễn xa lìa được những nẻo về tối tăm".

Nguồn: Thư viện Thích Nhất Hạnh


Tuesday, November 28, 2017

CẦN THƠ XƯA QUA TIỂU THUYẾT CỦA HỒ BIỂU CHÁNH

Hiểu hơn về Cần Thơ xưa là mong muốn của những người yêu mến mảnh đất này. Chúng tôi đã lần tìm trong hàng chục tiểu thuyết của nhà văn Nam bộ Hồ Biểu Chánh với mong muốn phác họa một chút về Cần Thơ xưa qua những dòng văn của ông. Thật nhiều điều thú vị!


Hẳn nhiều người đặt vấn đề: tiểu thuyết- một thể loại văn học- chắc sẽ có điều hư cấu. Song, chúng tôi tìm hiểu Cần Thơ xưa ở khía cạnh này vì mấy lẽ. Trước đây, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Gò Công, Sài Gòn xưa qua tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh bởi tính xác thực của những thông tin mà ông miêu tả trong truyện. Cốt truyện, nhân vật ông có thể hư cấu nhưng bối cảnh, sự kiện thì hầu như có thật. Vậy, một người Gò Công, sống chủ yếu ở Sài Gòn như Hồ Biểu Chánh thì hiểu gì về Cần Thơ? Lần giở tiểu sử của ông mới hay, sau thời gian dài làm Ký lục hành chánh khắp Lục tỉnh Nam kỳ, ông thi đậu Tri huyện, được bổ nhiệm về làm Chủ Quận Càng Long (Trà Vinh); năm 1932 về làm Chủ Quận Ô Môn và đến năm 1934 thì làm Chủ Quận Phụng Hiệp (Cần Thơ). Chính những năm tháng làm việc nơi mảnh đất Cần Thơ đã mang lại cho nhà văn Hồ Biểu Chánh sự thông hiểu và cảm tình.

Mặt khác, chúng tôi tin vào lời nhận xét sau đây của cố nhà văn Sơn Nam: “Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là sử liệu về hoạt động miền đồng bằng, xa xôi tận Long Xuyên, Cà Mau: khung cảnh vườn tược, cách trang hoàng trong nhà điền chủ, nhà nông dân, đống rơm, bầy heo, sông rạch, lời ăn tiếng nói…” (“Đồng bằng sông Cửu Long- nét sinh hoạt xưa”, NXB TP Hồ Chí Minh, 1985, trang 160). Cần Thơ xưa mà chúng tôi muốn nói đến là bối cảnh khoảng những năm 1930 của thế kỷ XX.

Khung cảnh Cần Thơ


Đặc sắc nhất về khung cảnh Cần Thơ thời bấy giờ có lẽ là trong tiểu thuyết “Cư kỉnh”, được nhà văn Hồ Biểu Chánh viết ở Vĩnh Hội- Sài Gòn hồi năm 1941. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành bộ phim “Tình án” khá hay. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng Châu Thành Ô Môn. Nhà văn Hồ Biểu Chánh mở đầu câu chuyện bằng việc miêu tả rạch Cái Tắc Ô Môn: “Tại Châu Thành Ô Môn, có một cái rạch nhỏ bắt đầu chỗ góc nhà thương tẻ vô làng Ô Môn, rồi chạy thẳng qua miền Ba Se đụng ngọn rạch Cần Thơ quanh co lò lên tới đó. Con rạch nhỏ này người ta kêu là rạch Cái Tắc”. Nhà văn còn lý giải thêm rằng, có lẽ là tại người ở Ô Môn nhờ con rạch này để đi tắt qua Ba Se, Cầu Nhiếm, Phong Điền khỏi phải đi vòng ngã Cần Thơ xa xôi nên gọi “Cái Tắc”.


Tiểu thuyết “Cư kỉnh” của nhà văn Hồ Biểu Chánh với bối cảnh là miệt vườn Ô Môn.
Đem những thông tin này đi hỏi người dân cố cựu ở Ô Môn thì được biết, rạch Cái Tắc đó chính là Tắc Ông Thục ngày nay, nối từ ngọn sông Cần Thơ ở Phong Điền đổ ra sông Hậu phía Ô Môn. Sở dĩ sau này có địa danh Tắc Ông Thục vì con rạch này đi tắt ngang qua nhà ông Thục- một người dân bổn xứ rồi ra sông Hậu, không phải qua vàm Ô Môn nên bà con gọi vậy. Đọc “Cư kỉnh” mới hay, Tắc Ông Thục thuở xưa “đã tiện lợi cho sự giao thông mà lại đẹp đẽ về phong cảnh nữa”. Nhà văn Hồ Biểu Chánh tả: “Hai bên rạch vườn tược thạch mậu, nhà cửa liên tiếp, hễ đến lúc nước lớn đầy thì những thảo mộc nhờ nước mà được sum sê, rồi phải hiệp nhau che tàn mà đậy mặt nước, nên vẻ ra cái bức tranh tốt tươi vui vẻ, gây nên cái không khí mát mẻ u nhàn”.

Rồi ông lại khoái trá như đưa người đọc vào thế giới của miệt vườn cây trái khi viết rằng, bên mé rạch, phía tay mặt, có đắp một con đường làng rộng rãi cao ráo, dọc theo đường trồng hai hàng dừa bị, gốc hai hàng mà ngọn de ra rạch, mấy khoảng lại trồng xen những mít, dâu, nhất là trồng đu đủ, cây nào cũng lùn thấp mà có trái đeo đầy cổ, với tay hái được, chẳng cần phải trèo leo. Một khung cảnh đẹp về sự trù phú của miệt vườn Cần Thơ qua ngòi bút văn sĩ từng là Chủ Quận nơi đây.

Tiểu thuyết "bỏ Vợ" của Hồ Biểu Chánh
Ở tiểu thuyết “Bỏ vợ”, được nhà văn Hồ Biểu Chánh viết xong năm 1938, kể chuyện thầy Vũ Như Bình thi đậu Ký Lục Sài Gòn, có lệnh bổ nhiệm tùng sự tại Tòa bố Cần Thơ. Sau này, ông lui tới miệt vườn Bình Thủy và có vợ là cô Hương, con bà chủ Phận ở Bình Thủy. Sau đây là đoạn thầy Bình nói với thân nhân về đường đi xuống Cần Thơ: “Ở Sài Gòn mình đi tàu Lục Tỉnh, nó chạy qua Mỹ Tho, lên Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, rồi đổ xuống Long Xuyên, Cần Thơ hay là mình đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi đi tàu nhỏ qua Cần Thơ cũng được”. Để giải tỏa nỗi lo của thầy Bình khi tùng sự ở đất Cần Thơ, ông Hương Thân Đáng nói rằng: “Ở đây khá lắm. Tỉnh giàu, hương chức biết ơn nghĩa, mà dân cũng dễ chịu”. Ắt hẳn đây là cá tính của người Cần Thơ được khái quát. Qua những đoạn đối thoại, biết thêm rằng, từ Cần Thơ lên Bình Thủy thì khoảng 3-4 ngàn thước, đi xe ngựa không mấy hồi thì tới.

Cũng trong tác phẩm “Bỏ vợ”, thầy Bình và vợ mua căn nhà ở rạch Cái Khế với giá 5 ngàn đồng. Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, 5 ngàn đồng thời đó có thể mua đến 5 ngàn giạ lúa. Lại thêm chi tiết mà Hồ Biểu Chánh miêu tả: “Xe chạy vòng vô rạch Cái Khế. Cô Huyền thấy nhà dài theo mé cái rạch cái nào cũng đẹp đẽ, trước sân bông hoa đua nở, sau vườn cây trái sum sê”. “Miêu tả vậy thật hợp với tình cảnh rạch Cái Khế lúc bấy giờ. Nhiều tài liệu cho biết, con đường ven rạch Cái Khế (giờ là đường Hoàng Văn Thụ- NV) có tên là Emery, nhà cửa sung túc, khang trang y như vậy”- ông Nhâm Hùng nói.

Rạch Cái Khế
Nét sinh hoạt miệt vườn

Tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh được đánh giá là bậc thầy trong văn tả cảnh. Sự chi li, tinh tế và am hiểu văn hóa địa phương khiến người đọc mường tượng như cảnh thật. Một vài đoạn văn Hồ Biểu Chánh miêu tả về những ngôi nhà của người thời xưa ở Cần Thơ khá thú vị. Đó là nhà Huyện Hàm Tân ở Ô Môn trong “Cư kỉnh”: “Cách Châu Thành Ô Môn chừng vài trăm thuớc, có một tòa nhà nguy nga, nền đúc đá, cửa cuốn gạch, tường trắng toát, nóc đỏ lòm, trước nhà có một cái sân lớn chứa kiểng vật tốt tươi, bông hoa đủ sắc còn hai bên và phía sau nhà, thì vườn tược sởn sơ rậm rạp”. Còn đây là đoạn ông miêu tả cảnh lịch xinh tươi của những ngôi nhà ở làng Bình Thủy: “Xe lên tới Bình Thủy, đậu trước nhà Xã trưởng Tồn. Mấy tòa nhà ngói đồ sộ, ngoài có hàng rào xây gạch, sân có để kiểng vật đủ thứ. Mặt trời vừa mới lặn mà trong nhà đèn đốt sáng trưng” (“Bỏ vợ”).

Trong tiểu thuyết “Cư kỉnh”, thông qua lời kể của nhân chứng về cái chết của văn sĩ Chí Cao, ta lại hình dung một nếp sống sôi động ở Ô Môn thuở trước. Qua lời cô Túy với Chí Cao được biết, thời đó, ở chợ Ô Môn người ta đọc sách, tiểu thuyết khá nhiều và còn chọn cho mình những tác giả yêu thích để đọc. Khi Chí Cao bị đâm chết, ngay lập tức xóm làng lao xao, ông Hương quản làng Thới Thạnh và thầy đội đồn Ô Môn đều có mặt để xử trí.

Sông Ô Môn
Thú vị nhất là chi tiết để chứng tỏ mình không có mặt ở hiện trường vụ án, tên Quận là người ở bồi (giúp việc) cho Chí Cao kể rằng, tối đêm đó anh đi coi hát Tiều ở ngoài vàm Ba Rích. Từ chỗ rạch Cái Tắc tới Ba Rích đi xuồng chừng nửa tiếng đồng hồ thì tới. Chúng tôi suy luận rằng, việc hát Tiều chỉ có thể có ở chùa Hoa mà tại vàm Ba Rích ngày nay có một ngôi chùa Hoa là Cảm Thiên Đại Đế đã hơn 100 tuổi, phải chăng tên Quận đã đi coi hát ở đây? Cũng qua lời tên Quận và bạn bè của y, phác họa được một bức tranh đi coi hát của người Cần Thơ xưa, đông vui và thâu đêm suốt sáng. Tên Quận khai: “Vì hát (Tiều) hay, lại có anh em cầm ở coi nên tôi coi hát tới hừng đông tôi mới về”. Theo lời nhận định của quan Chủ Quận thì coi hát là dịp quy tụ đông đảo, con người ta đông nghẹt. Tên Canh là bạn của tên Quận thì khai như vầy: “Lối 3 giờ khuya hai anh em tôi mới gặp tên Quận lại. Tên Quận rủ anh em tôi đi ăn cháo. Ba đứa tôi đi ăn uống chơi cho tới vãn hát rồi kiếm ghe qua sông mà về”. Một không khí thật náo nhiệt khi mà 2-3 giờ sáng quán xá vẫn buôn bán như thường, minh chứng cho sự phát triển của vùng đất Ô Môn thuở trước.

Miệt vườn sông nước Cần Thơ được nhà văn Hồ Biểu Chánh miêu tả khá nhiều trong các tiểu thuyết.
Cố nhà văn Sơn Nam từng nói về tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: “Tất cả nhân vật sống trong đồng quê bát ngát, dọc theo những con sông mà người nhà quê bơi những chiếc xuồng ba lá”. Trong khung cảnh yên ả đó, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã dành không ít trang viết để phác họa hương sắc Cần Thơ.


Đăng Huỳnh
Nguồn: Báo Cần Thơ Online