Monday, February 28, 2022

STALIN TÌM CÁCH TIÊU DIỆT UKRAINA BẰNG NẠN ĐÓI: 4 TRIỆU NGƯỜI CHẾT

Từ năm 1932 đến 1933, một nạn đói khủng khiếp đã diễn ra tại Liên bang Xô viết. Gần 5 triệu người đã bị chết đói, trong đó có đến 4 triệu tại Ukraina. Được gọi là « holodomor » (diệt chủng bằng nạn đói), thảm trạng này không phải do thiên tai hay mất mùa, là mà hậu quả của chính sách cưỡng bức tập thể hóa ở nông thôn do đảng Cộng Sản đưa ra, buộc nông dân phải từ bỏ mảnh đất thân yêu của họ để vào nông trang hợp tác.

Người dân đặt vòng hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói Holodomor năm 1932-1933 tại Kiev, ngày 23/11/2019. Genya SAVILOV / AFP

Tại Ukraina, một loạt các chỉ thị trấn áp đã gây ra « nạn đói trong nạn đói, một thảm họa dành riêng cho người Ukraina ». Đó là danh sách đen các làng và nông trang cần phải trừng phạt vì không đạt chỉ tiêu về ngũ cốc, tịch thu tất cả những thứ gì có thể ăn được, kiểm soát biên giới không cho những người nông dân đói khổ ra khỏi làng…

Song song đó, là một chiến dịch đàn áp trí thức Ukraina : giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ, linh mục bị vu khống, đày ải, tàn sát, nhằm hủy hoại từ gốc rễ mọi ý định dân tộc vừa chớm nở - bị coi là thách thức cho sự « đoàn kết » của Liên bang Xô viết, được Stalin tưởng tượng ra.

« Diệt chủng bằng nạn đói » hoàn toàn bị che giấu trong thời Liên Xô cũ : về mặt chính thức, thì không hề có nạn đói. Các tài liệu lưu trữ bị hủy một cách có phương pháp, gây khó khăn cho mọi nghiên cứu về chủ đề này, ngoài những nhân chứng còn sống sót. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân bắt đầu lên tiếng và các bằng chứng xuất hiện.

Nhà sử học kiêm nhà báo Anne Applebaum, đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2004 với tác phẩm « Gu-lắc, một câu chuyện » lần này ra mắt cuốn sách gây chấn động « Nạn đói đỏ ». Tác phẩm kể lại một chương tang tóc trong quá khứ của Ukraina, nay đã trở thành một quốc gia độc lập nhưng luôn phải chiến đấu với nước láng giềng to lớn là Nga để bảo vệ chủ quyền. Tác giả đã trả lời phỏng vấn báo Libération số ra ngày 26/12/2019.


Điều gì đã thúc đẩy bà viết về chủ đề này ?

Cuốn sách là sự tiếp nối những cuốn trước, theo một cách nào đó. Tôi đã viết hai cuốn khác về chủ nghĩa Stalin, và nay có thể coi như một bộ ba cuốn. Từ lâu tôi đã muốn tìm hiểu về nạn đói này : tại sao nó xảy ra, tại sao Nhà nước lại để xảy ra, và vì sao người dân lại chấp nhận. Trong thập niên 80, nhà sử học tên tuổi Robert Conquest đã viết một tác phẩm nổi tiếng là « Mùa mưa đẫm máu ». Ngày nay khi chúng ta có thể tham khảo văn khố, thì thời kỳ này phải được mô tả cụ thể hơn, từ đầu cho đến cuối. Tôi muốn viết về lịch sử Liên Xô là vì vậy : chúng ta có thể tham khảo các tài liệu lưu trữ mới, các hồi ký, một điều không thể có được cách đây mười năm.

Phải chăng nạn đói không phải là không tránh được, nhưng Stalin vẫn để cho diễn ra ?

Còn hơn thế nữa ! Cuốn sách của tôi chứng minh rằng vào năm 1932, sự hỗn loạn, nạn đói ngự trị khắp nơi tại Liên bang Xô viết, và Stalin biết rằng Ukraina bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông ta đã có một loạt quyết định vào mùa thu 1932, nhằm làm trầm trọng thêm nạn đói ở Ukraina. Quota ngũ cốc phải nộp được tăng lên, kèm theo các đạo luật làm giảm đi khả năng sử dụng ngôn ngữ Ukraina. Nói cách khác, đây là sự tấn công vào bản sắc Ukraina. Có những vụ bắt bớ hàng loạt trí thức. Stalin muốn thông qua sự hỗn loạn từ nạn đói để tiêu diệt ý hướng xác lập chủ quyền Ukraina.

Một trong những khó khăn đối với việc xác lập trách nhiệm của Stalin, là không có tờ giấy nào mang chữ ký của ông ta, ra lệnh gây ra nạn đói…

Hẳn là như vậy, nhưng chúng tôi có những lá thư do Stalin viết vào mùa hè1932 cho Kaganovitch, một trong những tay sai của ông ta, trong đó Stalin tỏ ra giận dữ. Vào lúc tập thể hóa, khi Ukraina bắt đầu chịu đựng nạn đói, đã xảy ra các vụ nổi dậy và phản kháng, thậm chí nổi dậy vũ trang chống lại đảng, để chống chủ trương tịch thu ngũ cốc. Một số đảng viên cộng sản Ukraina bắt đầu đánh hơi thấy, họ từ chối tịch thu thực phẩm của nông dân, khiến Stalin nổi trận lôi đình. Ông ta viết trong thư, đây là lúc phải đàn áp.

Vài tuần sau, có các chỉ thị mật nhắm vào Ukraina. Nạn đói gia tăng, và đến mùa xuân 1933, tỉ lệ tử vong lên rất cao. Cần nhắc lại rằng đó không phải do hạn hán, mà trước hết là lúa mì rồi rau quả, khoai tây và gia súc lần lượt bị tịch biên. Tháng 12 rồi tháng Giêng, tháng Hai, các đội dân quân đi càn khắp Ukraina và tịch thu thực phẩm, tuy biết rằng người dân đang chết đói. Có rất nhiều bản báo cáo, kể cả của công an, về các vụ ăn thịt người. Như vậy có rất nhiều bằng chứng là Stalin đã biết.
Bà dành phần kết cho nạn « diệt chủng » khi nói về nạn đói này …

Từ này là của Raphael Lemkin, một luật sư Ba Lan gốc Do Thái, nay sống tại Ukraina. Theo định nghĩa ban đầu, đây không chỉ là sự tàn sát hàng loạt mà còn là mưu toan tiêu diệt một nền văn hóa khác, vốn đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử thế giới và đặc biệt tại khu vực này của châu Âu. Một sự chiếm đóng không chỉ đơn thuần chính trị mà đi kèm việc phá hủy các nhà thờ, cấm sử dụng ngôn ngữ…đó là hiện tượng mà Lemkin muốn định nghĩa.

Sau Đệ nhị Thế chiến, từ « diệt chủng » đã được quốc tế luật hóa, có hẳn một chương của Liên Hiệp Quốc. Rốt cuộc ý nghĩa được chấp nhận là điều tương tự như diệt chủng người Do Thái, tức là một quốc gia muốn sát hại toàn bộ cư dân của một quốc gia khác. Nạn đói ở Ukraina như vậy không nằm trong ý nghĩa này, nhưng là diệt chủng theo nghĩa nguyên thủy – mưu toan giết người vì nguồn gốc của họ, gây thiệt hại về văn hóa và hủy hoại chủ quyền Ukraina.

Tôi đưa chủ đề diệt chủng vào phần kết vì không muốn cuốn sách bị coi là tranh luận về diệt chủng – vốn mang tính pháp luật và đạo đức – trong khi tôi viết sách về lịch sử. Việc này làm nhiều người Ukraina thất vọng vì họ muốn holodomor phải được nhìn nhận là diệt chủng.

Có sự lặp lại trong quan hệ giữa Matxcơva và Kiev trong thập niên 30 và ngày nay ?

Cần chú ý, Putin không phải là Stalin, chúng ta đang trong một kỷ nguyên hoàn toàn khác. Nhưng lịch sử nạn đói cho thấy tư duy của Matxcơva về Ukraina. Điều làm Stalin lo sợ là khả năng nổ ra một phong trào quốc gia Ukraina, tách rời Ukraina ra khỏi Liên Xô, thách thức lý tưởng bôn-sê-vich. Stalin lo ngại chủ nghĩa dân tộc tự do phương Tây và ý hướng dân chủ, sợ Ukraina quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.

Putin ngày nay cũng nghi ngại Ukraina với cùng một lý do. Tất nhiên Ukraina không phải là mối đe dọa quân sự cho Nga, nhưng là vấn đề lớn về ý thức hệ. Khi những người biểu tình ở Kiev vẫy cờ châu Âu, kêu gọi chấm dứt tham nhũng và tổng thống phải bỏ trốn, đó chính là kịch bản mà Putin sợ hãi. Trong thập niên 30 cũng như bây giờ, phong trào quốc gia Ukraina luôn là thách thức đối với Kremlin. Trong quá khứ là chế độ toàn trị bôn-sê-vich, còn giờ đây là chế độ độc tài tham nhũng của Putin.


Ngược lại, nạn đói đã thay đổi cái nhìn của Ukraina về Nga như thế nào ?

Chính phủ Ukraina luôn rất thận trọng, nói về một tội ác do Nhà nước xô viết gây ra chứ không phải Nga. Đây không phải là xung đột quốc gia giữa Nga với Ukraina. Nhưng trong suốt thế kỷ 20, nạn đói là bí mật tại Liên Xô và chỉ được cộng đồng Ukraina lén lút đề cập đến. Đó là điều đã diễn ra khi người Ukraina không có chủ quyền và Nhà nước của chính mình : họ bị thảm sát.

Bà hy vọng cuốn sách của mình sẽ có tác động gì ngoài giới học thuật ?

Tôi viết cho một công chúng rộng hơn. Tôi muốn người đọc biết được lịch sử Ukraina, nhất là từ khi nước này trở thành vấn đề địa chính trị hết sức quan trọng. Nói thẳng ra là nếu bị Nga nuốt chửng, thì Nga sẽ trở thành một siêu cường châu Âu ; nhưng không có Ukraina, Nga không thể là đế quốc. Như vậy Ukraina độc lập, có chủ quyền và làm chủ định mệnh của mình chứ không phải chư hầu, là điều cốt lõi cho an ninh châu Âu, cho tất cả chúng ta.

Lịch sử ít được biết đến này ảnh hưởng đến dư luận phương Tây về cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước ?

Chắc chắn rồi. Người ta không biết về lịch sử Ukraina, không coi là một Nhà nước thực sự - điều này có thể hiểu được vì cho đến 1991 Ukraina mới có chủ quyền. Một trong những mục tiêu của tác phẩm là giới thiệu đất nước này, lý do của cuộc xung đột với Nga, những nguyên nhân sâu xa hơn trong lịch sử đương đại.


Liệu bà sẽ tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ xô viết ?

Tôi sẽ không viết thêm cuốn sách nào nữa về Stalin, « Nạn đói đỏ » quá đau lòng khi viết ra. Trận đói này là một trong những thảm họa tàn bạo nhất, câu chuyện của những nông dân mù chữ và các em bé chết vì đói. Những trí thức bị nhốt trong trại cải tạo thì còn có thể hiểu được, đằng này tai họa lại giáng xuống những con người nhỏ nhoi tội nghiệp không thể tự vệ…

Một số đoạn trong cuốn sách khó viết ra hơn là « Gu-lắc » - dù « Gu-lắc » nói về một chủ đề phức tạp hơn. Nhưng khi tôi kết thúc bằng màu sắc hết sức bi quan, và đưa cho một nhà sử học Ukraina trẻ đã giúp đỡ tôi xem qua, thì cô ấy nói : « Bà không thể kết như vậy được. Lịch sử của chúng tôi không dừng lại vào năm 1934. Stalin tìm cách tiêu diệt Ukraina nhưng thất bại. Ukraina đã sống sót và ngày nay là một quốc gia có chủ quyền, đó là hồi kết có hậu ». Cô ấy có lý, và tác phẩm của tôi đã kết thúc như thế. Chúng ta có thể vui mừng với sự độc lập của Ukraina ngày nay.

Thụy My / Theo: RFI
(Đăng ngày: 27/12/2019)



BÍ ẨN CÔ GÁI SỞ HỮU KHUÔN MẶT HOÀN MỸ NHẤT, MẬT MÃ CỦA THƯỢNG ĐẾ: 1.618

Florence Colgate, một nữ sinh 18 tuổi, cô gái xinh đẹp trong bức ảnh, đã vượt qua tất cả các thí sinh để trở thành người có khuôn mặt đẹp nhất trong cuộc thi của đài truyền hình nổi tiếng ITV của Anh, với rất nhiều kích thước đạt tỷ lệ vàng.


Tỷ lệ vàng trong cơ thể con người

Năm 2012, đài truyền hình nổi tiếng ITV của Anh đã tổ chức cuộc thi “Gương mặt hoàn hảo Anh quốc”. Yêu cầu của cuộc thi rất đơn giản, thí sinh chỉ cần cung cấp một bức ảnh tự nhiên, không phẫu thuật thẩm mỹ, trang điểm. Sau khi các bài dự thi được nhóm các chuyên gia lựa chọn, công chúng sẽ bình chọn ra quán quân. Cuộc thi đã thu hút hơn 8.000 người tham gia. Cuối cùng, Florence Colgate, một nữ sinh 18 tuổi, cô gái xinh đẹp trong bức ảnh, đã vượt qua tất cả các thí sinh để trở thành người đứng đầu.

Ngay sau kết quả cuộc thi, bức ảnh của nhà quán quân này đã nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới. Tất cả mọi người đều hết lời ca ngợi, đây chính là khuôn mẫu cho một khuôn mặt hoàn hảo. Ngay cả giới khoa học cũng tham gia vào nghiên cứu xem tại sao cô gái ấy lại trông xinh đẹp đến vậy.

Kết quả là, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, đó là một khuôn mặt rất phù hợp với tỷ lệ vàng, có tới 24 vị trí trên khuôn mặt của cô ấy đạt tỷ lệ vàng. Ví dụ, tỷ lệ chiều cao với chiều rộng của đầu, mắt, tỷ lệ từ giữa môi tới cằm, lông mày, tỷ lệ đường viền môi trên và cằm, v.v.

Tỷ lệ vàng còn được gọi là tỷ lệ chia cắt hoàng kim, chia một sợi dây thành hai đoạn, chiều dài là A và chiều ngắn hơn là B. Khi tỷ lệ của tổng chiều dài A + B với A bằng tỷ lệ của A với B thì tỷ lệ này là tỷ lệ vàng. Về mặt toán học, nó là căn bậc hai của 1 cộng với 5 chia cho 2. Nói chung, chúng ta thường lấy bốn chữ số đầu tiên là 1.618.

Nguồn gốc tỷ lệ vàng

Về tỷ lệ vàng bắt đầu có mối liên hệ với vẻ đẹp từ khi nào, hiện không có cách nào để xác minh. Tuy nhiên, người ta tin rằng con người từ thời Hy Lạp cổ đại đã biết và sử dụng tỷ lệ vàng. Trong đó, chứng cứ quan trọng nhất là đền Parthenon, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Không chỉ tỷ lệ bên ngoài của nó gần với tỷ lệ vàng, mà còn có thể thấy dấu vết của tỷ lệ vàng ở khắp mọi nơi trong các cấu trúc và chi tiết khác của ngôi đền. Sau đó, giới toán học đặt tên cho tỷ lệ vàng theo tên của nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư đương thời Phidias, người đã tham gia thiết kế bên trong ngôi đền, được gọi là Phi, chữ Hy Lạp là Φ.

Đền Parthenon, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Không chỉ tỷ lệ bên ngoài của nó gần với tỷ lệ vàng, mà còn có thể thấy dấu vết của tỷ lệ vàng ở khắp mọi nơi trong các cấu trúc và chi tiết khác của ngôi đền. (Steve Swayne/CC BY 2.0)

Trong hàng ngàn năm, tỷ lệ vàng đã được các nghệ sĩ vô cùng yêu thích, và nó đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm lưu danh ngàn năm. Nổi tiếng nhất trong số này là tác phẩm nổi tiếng Vitruvian Man của Leonardo da Vinci. Nếu như nói, bức ảnh của cô nữ sinh Colgate là thể hiện của khuôn mặt con người hoàn hảo nhất, thì bức tranh này của Leonardo da Vinci lại là hiện thân của cơ thể con người hoàn hảo nhất, với tỷ lệ vàng ở khắp mọi nơi. Ví dụ: lấy rốn làm điểm phân chia, tỷ lệ nửa trên và nửa dưới của cơ thể; lấy yết hầu làm điểm chia, tỷ lệ yết hầu với đỉnh đầu và yết hầu với rốn, tỷ lệ của bàn tay với cẳng tay, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng của lòng bàn tay, v.v.

Mặc dù đây là thân hình lý tưởng của con người, nhưng tỷ lệ cơ thể chúng ta nói chung là tương đương nhau. Không tin chúng ta cũng có thể tự đo, sẽ thấy không có sự chênh lệch nhiều. Ngay cả hàm răng của chúng ta cũng được cấu tạo theo tỷ lệ vàng, chẳng hạn như tỷ lệ chiều rộng và chiều cao của hai răng cửa với nhau, tỷ lệ giữa răng cửa và răng kế cận... đều gần với tỷ lệ vàng.

Vì vậy, người ta thường nói cơ thể con người là kiệt tác hoàn hảo nhất của Thượng đế, điều này dường như là có đạo lý.

Kim tự tháp, mặt trăng, trái đất

Tuy nhiên, sự tồn tại của tỷ lệ vàng không chỉ để định nghĩa cái đẹp, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng, sự tồn tại của nó còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn.

Ví dụ, cũng có một tỷ lệ vàng giữa mặt trăng và trái đất. Trái đất có bán kính 6.378 km và mặt trăng có bán kính 1.736 km. Tổng của cả hai là 8.114 km. Lấy chiều cao này làm chiều cao và bán kính trái đất làm cạnh đáy, để tạo thành một tam giác vuông, chiều dài cạnh huyền là 10.321 km. Chia cạnh huyền này cho cạnh đáy, là bán kính của Trái đất, và kết quả là 1.618, một tỷ lệ vàng hoàn hảo. Và chưa kể, khi chia bình phương của cạnh huyền cho bình phương của cạnh đáy cũng cho tỷ lệ vàng hoàn hảo: 1.618.

Cũng có một tỷ lệ vàng giữa mặt trăng và trái đất. (Ảnh: Pixabay)

Một tam giác như vậy có một cái tên đặc biệt là tam giác Kepler, được đặt theo tên của nhà thiên văn học thế kỷ 17 Johannes Kepler. Tỷ lệ cạnh đáy, chiều cao và cạnh huyền là 1: 1,27 (gốc của tỷ lệ vàng): 1,618 (tỷ lệ vàng).

Thật thần kỳ, cấu trúc tam giác tỷ lệ vàng này cũng xuất hiện trong kim tự tháp. Lấy Kim tự tháp Khufu làm ví dụ, đáy của nó là 215,5 mét và chiều cao là 136,4 mét. Một nửa của đáy là 107,8 mét và chiều cao của tháp là 136,4 mét tạo thành một tam giác vuông, và chiều dài của cạnh huyền là 173,8 mét. Một phép tính đơn giản có thể khẳng định đây cũng là một tam giác Kepler, và sai số chỉ trong khoảng 1 mét.

Hiện nay chúng ta vẫn chưa biết trái đất, mặt trăng, và các kim tự tháp có mối liên hệ với nhau kỳ diệu như thế nào. Điều thú vị là giới khảo cổ học thường nhận định rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy người Ai Cập cổ đại có kiến ​​thức toán học về tỷ lệ vàng. Do đó, tam giác Kepler trong kim tự tháp, đã trở thành một trong nhiều bằng chứng cho thấy, Kim tự tháp Khufu có thể là một kiệt tác của nền văn minh thời tiền sử.

Nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả, và những điều sau đây còn tuyệt vời hơn thế.

Tỷ lệ vàng trong DNA

Ông Gary Meisner, một chuyên gia về tỷ lệ vàng, đã viết rằng, các phân tử DNA đều dựa trên tỷ lệ vàng. Bởi vì cấu trúc hoàn chỉnh của chuỗi xoắn kép của mỗi phân tử DNA dài 34 angstrom và rộng 21 angstrom, một angstrom có ​​kích thước bằng 1/10 nanomet. Tỷ lệ của cả hai là 1.619, rất gần với tỷ lệ vàng là 1.618.

Một chuyên gia về tỷ lệ vàng, đã viết rằng, các phân tử DNA đều dựa trên tỷ lệ vàng. (Ảnh: Pixabay)

DNA trong tế bào xuất hiện dưới dạng một chuỗi xoắn kép, được gọi là B-DNA. Dạng DNA này có hai chỗ lõm trong chuỗi xoắn của nó. Chỗ lõm lớn có khoảng 21 angstrom và lõm nhỏ là 13 angstrom. Chia hai con số là 1.615, cũng rất gần với tỷ lệ vàng.

Tiến sĩ Robert Langridge, người tiên phong trong lĩnh vực đồ họa phân tử, đã nghiên cứu cấu trúc DNA từ năm 1957. Ông đã xuất bản bức ảnh này vào năm 1985:

Trong ảnh là hình ảnh một đoạn DNA cắt ngang, cho thấy một hình thập giác đều đặn rõ ràng. Nhưng một hình thập giác đều, thực sự được tạo thành từ hai hình ngũ giác đều, một trong đó quay 36 độ so với hình còn lại. Do đó, mỗi vòng xoắn của chuỗi xoắn kép DNA có dạng hình ngũ giác đều. Tỷ lệ giữa đường chéo và các cạnh của một ngũ giác đều chính xác là tỷ lệ vàng.

Vì vậy, Tiến sĩ Gary đã chỉ ra rằng, dù nhìn từ góc độ nào thì DNA cũng được tạo thành theo tỷ lệ vàng. Có lẽ điều này cũng giải thích tại sao cấu trúc tỷ lệ vàng có ở khắp mọi nơi trên cơ thể con người. Trên thực tế, tỷ lệ vàng có rất nhiều trong giới sinh vật. Ví dụ: khuôn mặt của hổ, tỷ lệ chiều dài và chiều rộng; và tỷ lệ giữa ngũ quan trên khuôn mặt; tỷ lệ giữa hai cặp cánh bướm; và tỷ lệ giữa mắt, mỏ, cánh và các dấu hiệu quan trọng khác trên cơ thể của một con chim cánh cụt đều xấp xỉ tỷ lệ vàng.

Tỷ lệ vàng trong lỗ đen

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là tỷ lệ vàng Phi (Φ) thậm chí còn xuất hiện trong các lỗ đen. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là tỷ lệ vàng Phi (Φ) thậm chí còn xuất hiện trong các lỗ đen. Ví dụ, Φ là điểm tới hạn, tại đó nhiệt lượng riêng biến đổi của lỗ đen chuyển từ dương sang âm, được mô tả bằng công thức sau:

M 4 / J 2 = Φ

Nó cũng là một phần của phương trình entropy dưới của lỗ đen:

8πSl 2P / ekA = Φ

Nó thậm chí còn có liên quan tới tham số hấp dẫn lượng tử vòng lặp với entropy lỗ đen:

2 πγ = Φ

Quả thực đáng ngạc nhiên! Cơ thể con người, sinh mệnh, vũ trụ, khắp nơi đều có thể thấy hình ảnh của Phi. Đó là lý do tại sao một số người nói rằng tỷ lệ vàng Phi là mật mã của Thượng Đế.

Chuỗi Fibonacci

Ngoài Phi, trong gia đình tỷ lệ vàng còn có một thành viên bí ẩn khác, đó chính là dãy Fibonacci, trông giống như sau:

0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610, 987…

Nó trông có vẻ lộn xộn và bất thường? Trên thực tế, quy luật rất đơn giản, đó là bắt đầu từ 0 và 1, mỗi số là tổng của hai số trước đó. Dãy số này được nhà toán học người Ý Leonardo Fibonacci giới thiệu với mọi người trong cuốn sách “Sách tính toán” xuất bản năm 1202, và được đặt theo tên của ông. Khi các số trên dãy số ngày càng lớn thì tỷ lệ của hai số trước sau sẽ ngày càng gần với tỷ lệ vàng. Do đó, dãy Fibonacci còn được gọi là dãy tỷ lệ vàng.

Xây dựng một hình vuông với các số trong dãy số là độ dài cạnh, ghép chúng lại với nhau như trong hình, sau đó vẽ một cung tròn với đường chéo làm chuẩn, sẽ vẽ được một hình xoắn ốc đẹp mắt. Đừng đánh giá thấp dãy số và hình xoắn ốc này, chúng cũng là một sự kết hợp rất kỳ diệu.

Đừng đánh giá thấp dãy số và hình xoắn ốc này, chúng cũng là một sự kết hợp rất kỳ diệu. (Ảnh: Pixabay)

Ví dụ, một thiết kế logo của hãng Apple đã được lưu truyền rất rộng rãi trên Internet. Đường cong quả táo bao gồm các vòng cung có kích thước khác nhau và những vòng tròn này có kích thước khác nhau, với đường kính 1, 3, 5, 8, 13, v.v., tất cả đều nằm trong dãy Fibonacci. Việc quả táo này vì sao trông đẹp mắt đến vậy, đằng sau nó có nguyên nhân.

Trong giới tự nhiên, dường như số lượng cánh hoa trong hầu hết các bông hoa, đều bắt nguồn từ một số trong dãy Fibonacci. Ví dụ, hoa loa kèn có 3 cánh, mận có 5 cánh, phi yến có 8 cánh, cúc vạn thọ có 13 cánh, hoa hướng dương có 21 hoặc 34 cánh, và hoa cúc có 34, 55 và 89 cánh.

Xoắn ốc Fibonacci, còn được gọi là xoắn ốc vàng, ứng dụng của nó còn rộng rãi hơn. Ví dụ, khi hoa rụng và kết trái, nhiều hạt thực vật được sắp xếp gần với đường xoắn ốc Fibonacci. Cách sắp xếp này cho phép các hạt có mật độ sắp xếp, phân tán hợp lý, không bị chen chúc quá nhiều ở tâm hình tròn và thưa thớt ở chu vi. Một ví dụ rất điển hình là hoa hướng dương. Một số người nói rằng đây là tác phẩm kỳ diệu của tự nhiên, mọi thứ lặng lẽ sinh trưởng một cách có trật tự.

Ngoài ra còn có cô gái Colgate với khuôn mặt hoàn mỹ, khuôn mặt của cô ấy ở trong hình xoắn ốc này nên có độ cong tuyệt đẹp.

Và hình dạng của đôi tai của chúng ta, cũng rất phù hợp với hình xoắn ốc này.

Điều bất ngờ hơn nữa là luồng khí xoáy hình thành bởi các cơn bão, cũng như các tinh vân đang quay trong Dải Ngân Hà, tất cả đều trùng khớp với hình xoắn ốc này.

Từ hoa hướng dương, đến tai người, bão lốc, đến tinh vân xa xôi, tất cả đều có hình dạng giống nhau, thật tuyệt kỳ diệu. Tất cả những điều này có thực sự chỉ là một sự trùng hợp? Hay tất cả đều là thiết kế tinh mỹ của Tạo hóa?

Tới ngày nay giới khoa học vẫn chưa có câu trả lời tại sao con số tưởng chừng như bình thường này lại kỳ diệu đến vậy. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng. Có rất nhiều cảnh đẹp kỳ diệu và tuyệt vời trên thế giới này, chúng ta chỉ cần tán thưởng nó là đủ rồi. Cuộc sống thực ra rất đơn giản phải không?

Minh An
Theo Epoch Times
Link tham khảo:




NHỮNG ĐIỂM ĐẾN TUYỆT ĐẸP Ở UKRAINE MÊ HOẶC MỌI DU KHÁCH

'Ukraine' theo tiếng bản địa có nghĩa là 'vùng đất biên giới'. Và đúng với tên gọi, từ những ngày đầu thành lập, quốc gia này luôn vướng vào cuộc tranh chấp của các cường quốc.


Nhưng bất chấp những bất ổn về chính trị, Ukraine vẫn được ví như một 'viên ngọc của Đông Âu' ẩn chứa vô vàn những điều thú vị mà nhiều tín đồ du lịch tìm kiếm.

1. Tham quan nhà thờ Thánh Sophia


Là một trong số 7 kỳ quan được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới của Ukraine, Nhà thờ Thánh Sophia (còn gọi là Nhà thờ Saint Sophia) là điểm đến yêu thích của nhiều du khách ở thủ đô Kiev. Mang phong cách Baroque, nhà thờ này nổi bật với 13 mái vòm bằng vàng được trạm trổ công phu.

Còn khi bước vào bên trong, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của những bức tranh tường, những bức khảm cổ và bích họa có tuổi đời hàng thế kỷ.

Được đặt tên theo thánh Hagia Sophia, nhà thờ này là một trong những địa danh được chú ý nhất của Kiev. Du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thủ đô của Ukraine từ tháp chuông của nhà thờ được xây dựng vào năm 1037 này.

Địa chỉ: Volodymyrska St, 24, Kiev

2. Trung tâm lịch sử L'viv


Một trong những điểm đến hấp dẫn và được bảo tồn tốt nhất cho tới ngày hôm nay của Ukraine là thành phố lịch sử L'viv. Toàn bộ trung tâm lịch sử của thành phố này, nơi du khách thường tản bộ trên những con đường rải sỏi thơ mộng, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Được mệnh dành là 'Paris của Ukraine', L'viv mang đậm nét của cổ điển của châu Âu nhưng vẫn đan xem những công trình hiện đại và nhiều nhà hàng ấn tượng. Với những tín đồ yêu thích cà phê, thành phố thời trung cổ này chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Ukraine. L'viv sở hữu hàng trăm quán cà phê ở khu phố cổ. Đây cũng là thành phố được cho là có nhiều quán cà phê nhất thế giới tính trên đầu người.

Để có được cái nhìn toàn cảnh về thành phố tuyệt đẹp này, hãy chịu khó leo lên hơn 1.000 bậc thang của tháp chuông khu trung tâm. Cảnh tượng sẽ khiến mọi du khách đều thấy hoàn toàn xứng đáng với công sức đã bỏ ra.

3. Ăn Borsht (súp củ dền)


Borscht là món ăn truyền thống của người Ukraine mà du khách có thể tìm thấy ở bất cứ nhà hàng nào trên khắp đất nước này. Với thành phần chính là củ dền đỏ, người Ukraine ăn súp Borscht cả dạng nóng và lạnh.

4. Ghé thăm những cánh đồng hoa Hướng Dương


Dầu hướng dương là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ukraine. Và quốc gia Đông Âu này cũng là nhà sản xuất dầu hướng dương lớn thứ hai trên thế giới. Du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn trên khắp đất nước.

5. Tham gia một lớp học làm bánh Vareniki


Nếu chịu khó nghiên cứu trước, du khách có thể tìm thấy cho mình những nhà hàng dạy làm vareniki, món bánh bao nổi tiếng của Ukraine. Với nguyên liệu đa dạng, bánh vareniki có cả phiên bản ngọt và mặn. Những tín đồ sành ăn có thể phát hiện ra thịt, khoai tây, bắp cải, trái ăn đào ngọt hay nhiều hương vị trái cây địa phương đặc sắc khác trong nhân bánh.

Ngoài ra, sau mỗi buổi học, nhà hàng sẽ chiêu đãi du khách những món ăn truyền thống đầy hấp dẫn khác của Ukraine.

6. Lâu đài Kamenets Podolsky


Nằm ở Kamianets-Podilskyi, cách khu phố cổ một đoạn đi bộ ngắn, Lâu đài Kamenets Podolsky là một pháo đài được xây dựng từ trước thế kỷ 14. Đây được xem là điểm đến hoàn hảo cho những du khách ưa khám phá vì nó nằm sâu trong hẻm núi.

Mặc dù, tòa lâu đài này đã có tuổi đời hàng thế kỷ nhưng vẫn có những tiện nghi hiện đại như phòng tắm hay quán cà phê khiến du khách sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi đến thăm. Kamenets Podolsky đặc biệt đẹp vào ban đêm khi toàn bộ lâu đài được chiếu sáng.

Sau khi dành cả ngày khám phá tại đây, du khách có thể thực hiện chuyến đi ngắn vào khu phố cổ và dùng bữa tại một trong nhiều nhà hàng địa phương hấp dẫn.

Địa chỉ: Zamkowa St, 1, Kam'yanets'-Podil's'kyi, Khmelnytskyi

7. Nhà hát opera và ba lê Odessa


Nhà hát Opera và Ba lê Odessa nằm trong một tòa nhà lịch sử ở trung tâm thị trấn và là nhà hát lâu đời nhất ở Odessa, mở cửa vào năm 1810. Du khách có thể tới đây thưởng thức những vở nhạc kịch nổi tiếng như Hồ thiên nga hay Madame Butterfly, với giá vé chỉ rẻ tương đương một tách cà phê. Hội trường hình móng ngựa độc đáo mang đến trọn vẹn âm thanh và cái nhìn tổng quan nhất cho khán giả về những diễn viên trên sân khấu.

Nếu lựa chọn các tour du lịch, du khách sẽ được tìm hiểu sâu về hậu trường của công trình kiến ​​trúc tráng lệ này. Đây cũng là điểm đến không nên bỏ qua khi tới Ukraine trong các dịp lễ, đặc biệt là lễ Giáng sinh.

Địa chỉ: Chaikovs'koho Ln, 1, Odesa, Odes'ka oblast

8. Pháo đài Tarakaniv ở Dubno


Nằm ngay bên ngoài làng Dubno và cách Lviv khoảng hai giờ, Tarakaniv là pháo đài nổi tiếng gần sông Ikva ở phía tây Ukraine. Ban đầu nó được xây dựng để bảo vệ tuyến đường sắt Lviv-Kiev và tham quan tàn tích này sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm 'có một không hai'.

Pháo đài Tarakaniv có niên đại từ thời Đế quốc Nga với những đường hầm và lối đi hàng thế kỷ để khám phá.

Du khách có thể dễ dàng tới đây bằng cách bắt taxi từ Dubno với rất nhiều tour du lịch đang chờ sẵn.

9. Đường hầm tình yêu ở Klevlan


Nằm ngay bên ngoài thị trấn Klevan, Đường hầm Tình yêu là một điểm tham quan nổi tiếng khác ở Ukraine. Đây là một tuyến đường sắt tư nhân kéo dài 3.2 km nhưng mang đến cho du khách 'ảo giác' về một đường hầm không bao giờ kết thúc. Một tán cây cây leo được trồng dọc suốt tuyến đường này.

Truyền thuyết Ukraine kể rằng đối với những cặp đôi hẹn ước ở đây, nếu tình yêu là có thật thì điều ước sẽ thành hiện thực. Đây cũng là một trong những điểm được chụp ảnh nhiều nhất ở quốc gia Đông Âu này.

10. Ga tàu điện ngầm Arsenalna


Arsenalna tại Kiev là ga tàu điện ngầm sâu thứ hai thế giới và sâu nhất châu Âu với độ sâu 105.5 m dưới mặt đất. Theo độ sâu này, nếu tạo một trục thẳng đứng từ mặt đất thì có thể đặt toàn bộ tượng Nữ thần Tự do vào nhà ga này và còn thừa hơn 12 m.

Chiều sâu bất thường của ga Arsenalna được cho là do địa lý của Kiev. Lối vào nhà ga nằm trên đỉnh của một thung lũng dốc bên cạnh sông Dnepr có bờ cao nhô lên so với phần còn lại của thành phố. Để bắt một chuyến tàu tại ga này, hành khách phải đi xuống 2 thang cuốn, mất khoảng 5 phút.

Đỗ An (t/h) / Theo: vietnamnet



"THẤT TUYỆT": LOẠI CÂY SỞ HỮU 7 ĐẶC TÍNH, ĐEM LẠI PHÚC KHÍ CHO GIA CHỦ

Thất Tuyệt là tên gọi bắt nguồn từ 'Tây Du Ký'.


Cây hồng là cây ăn trái thuộc chi Thị. Loại cây này được trồng phổ biến nhất ở Trung Quốc. Quả hồng còn có rất nhiều tác dụng. Quả hồng không chỉ bổ dưỡng, chứa nhiều chất bột đường, vitamin mà còn có giá trị dược liệu và giá trị kinh tế cao

Từ thời xa xưa, cây hồng được mệnh danh là cây Thất Tuyệt (tức 7 điều độc nhất vô nhị). Cái tên này được bắt nguồn trong ‘Tây Du Ký’. Trong khi bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Trên đường họ đi ngang qua khu rừng rừng hồng trải dài hàng trăm dặm. Họ hỏi một ông lão ở đó, ông nói rằng:

"Núi này gọi là Thất Sơn, trên núi có một loại hồng quý hiếm. Hồng ở đây có bảy đặc tính: Một là trường thọ, hai là bóng râm, ba là chim không làm tổ, bốn là không có côn trùng, năm là có thể thưởng ngoạn, sáu là trĩu quả, bảy là có cành lá sum suê."

Chính vì điều này mà người ta gọi cây hồng là cây Thất Tuyệt.


Ngoài ra, cây hồng còn có ý nghĩa là giàu tiền bạc. Người xưa có câu ‘Phía Đông trồng lựu là vàng, phía Tây trồng hồng là bạc’. Sở dĩ, nên trồng cây hồng ở hướng Tây nhà vì đây là loại cây có lá xum xuê nên mùa hè cây sẽ tạo bóng râm.

Còn vào mùa đông những quả hồng trĩu quả trên cây sẽ hứng trọn sương mai tạo lên những giọt lấp lánh. Điều này khiến người ta liên tưởng tới vàng bạc lấp lánh trên cành nên họ thường gọi là bạc hồng. Hình ảnh bạc hồng mang ý nghĩa gia đình có nhiều của cải, tiền bạc, giàu sang phú quý.

Hơn nữa, quả hồng có màu đỏ cam, nhất là vào mùa thu đông quả sai trĩu cành, nhìn từ xa trông rất đẹp. Chúng giống như những chiếc đèn lồng đỏ treo lơ lửng trên cao. Thời xưa khung cảnh đèn lồng là hình ảnh mang biểu tượng của những điều tốt lành. Người xưa thường thả đèn lồng lên trời cũng những mong ước tốt đẹp để mong cho điều ước của mình thành sự thật. Qua đó, những quả hồng trên cây mang ý nghĩa cầu may mắn, cát tường, an khang thịnh vượng.


Vì vậy, cây hồng được xem là loại cây đem lại phúc khí cho gia đình nên người xưa trồng cây hồng để mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình.

Thật đúng như tên gọi của cây - Thất Tuyệt. Mọi nhà thời xưa đều thích trồng loại cây này bởi bảy đặc tính và ý nghĩa sâu sắc của nó.

Theo: Soha



SWIFT LÀ GÌ?

Mấy ngày nay tin tức nói nhiều về việc Nga xâm lược Ukraine và các quốc gia Tây phương đang tìm biện pháp chế tài Nga qua việc đóng hệ thống Swift của các ngân hàng Nga. Nói thiệt nha, khi thấy chữ Swift xuất hiện trên truyền hình, tôi không biết nó là gì. Nãy giờ lên mạng tìm, có bạn nào chưa biết không? Có thì cùng tôi đọc và nhớ xem thêm video clip phía dưới nhé. (LKH)


SWIFT là gì?

SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế; được thành lập cách đây hơn 35 năm với 239 Ngân hàng trên 15 nước tham gia. Hiện nay, SWIFT đã liên kết hơn 9.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện nay, việc phát triển hoạt động thanh toán nói chung và TTQT nói riêng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Trung ương ở các nước trên thế giới do những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay; Việt Nam cũng không ngừng tìm các biện pháp thúc đẩy hoạt động này. Trong hoạt động TTQT, hầu hết các Ngân hàng thương mại ở nước ta đã tham gia vào SWIFT và liên tục được SWIFT củng cố, cập nhật những thay đổi liên quan đến hệ thống thanh toán của các thành viên SWIFT trên thế giới. Đối với các Ngân hàng thương mại; thuật ngữ SWIFT – gắn với hoạt động TTQT – được sử dụng rất phổ biến.

HỆ THỐNG SWIFT LÀ GÌ?

SWIFT là một hiệp hội mà thành viên là các Ngân hàng và các tổ chức tài chính, mỗi Ngân hàng tham gia là một cổ đông của SWIFT. SWIFT giúp các Ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Mỗi thành viên được cấp 1 mã giao dịch gọi là SWIFT code. Các thành viên trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message; là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch. SWIFT cung cấp các dịch vụ truyền thông an ninh và phần mềm giao diện cho các Ngân hàng và tổ chức tài chính.

Để trở thành thành viên của SWIFT, các ngân hàng và tổ chức tài chính phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện; bao gồm các văn bản theo yêu cầu của SWIFT và hệ thống kết nối phổ biến nhất.


PHƯƠNG CHÂM HOẠT ĐỘNG

Phương châm hoạt động của hiệp hội là phục vụ các ngân hàng chứ không phải là lợi nhuận. Tuy nhiên trên thực tế, sự phát triển trong kinh doanh của SWIFT là một con số rất lớn. Một bài toán nhỏ để có thể tính được doanh thu 1 ngày của SWIFT trung bình ít nhất là 200 triệu USD (60.000 định chế tài chính tham gia x trung bình 10.000 USD/tháng); giá một bức điện SWIFT trung bình là 0.25USD/điện; giá này tùy thuộc vào lượng điện giao dịch 1 ngày và hệ thống phiên bản ứng dụng SWIFT đang sử dụng.

Do tính chất là điều khiển luồng tiền của cả thế giới nên tính bảo mật của SWIFT rất cao; hacker chưa bao giờ tấn công được vào hệ thống này.

Trong hoạt động TTQT của các ngân hàng thương mại; các phương tiện truyền tin chủ yếu được sử dụng gồm: Thư tín, telex và SWIFT. Thư tín là phương tiện truyền tin từ khi mới hình thành nghiệp vụ TTQT. Đến nay, phương tiện này vẫn còn đang được sử dụng nhưng không phổ biến.

HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG HỆ THỐNG SWIFT TẠI VIỆT NAM

Ở Việt Nam, một số ngân hàng vẫn sử dụng phương tiện này trong những trường hợp đặc biệt như: không sử dụng Telex hoặc chưa được phép tham gia hệ thống SWIFT. Telex là phương tiện công cộng nên bản thân nó không an toàn; chưa có một chuẩn chung cho các giao dịch TTQT.

Hiện nay các ngân hàng ít sử dụng phương tiện này trong TTQT mà chỉ sử dụng như 1 phương tiện thay thế trong trường hợp trục trặc về đường truyền cáp quang. Trong khi đó, truyền thông tin qua SWIFT rất hiệu quả; hầu như khắc phục được những nhược điểm của hai phương tiện truyền thông trên. Đây là phương tiện đang được sử dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Phương tiện này không những áp dụng cho TTQT mà còn cho thanh toán trong nước: 1 số mẫu điện thanh toán như MT103, MT202…

ƯU ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG

Các ngân hàng trên thế giới đều sử dụng hệ thống SWIFT do những ưu điểm vượt trội của của nó:

  • Đây là một mạng truyền thông chỉ sử dụng trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính nên tính bảo mật cao và an toàn.
  • Tốc độ truyền thông tin nhanh cho phép có thể xử lý được số lượng lớn giao dịch.
  • Chi phí cho một điện giao dịch thấp so với Thư tín và Telex – vốn là phương tiện truyền thông truyền thống.
  • Sử dụng SWIFT sẽ tuân theo tiêu chuẩn thống nhất trên toàn thế giới. Đây là điểm chung của bất cứ ngân hàng nào tham gia SWIFT có thể hòa đồng vào với cộng đồng ngân hàng trên thế giới.

Tuy SWIFT là một trong các phương tiện truyền tin TTQT chính nhưng không phải là phương tiện duy nhất; Ngân hàng vẫn có thể sử dụng các phương tiện truyền tin khác. Trong trường hợp chuyển bộ chứng từ TTQT tới ngân hàng ở Myanma vẫn phải sử dụng thư tín mà không thể dùng SWIFT để chuyển được do ngân hàng đó chưa tham gia vào hệ thống SWIFT. Hoặc khi chuyển một bức điện tới ngân hàng ở đó cũng vậy; người ta vẫn phải sử dụng phương tiện truyền tin bằng thư tín.


ĐỊA CHỈ SWIFT

Mỗi ngân hàng tham gia vào SWIFT đều được xác định bởi một địa chỉ BIC (Bank Identifier Code – BIC) cụ thể. Thông qua địa chỉ này; các ngân hàng có thể trao đổi nghiệp vụ TTQT và các dịch vụ khác do SWIFT cung cấp. Địa chỉ BIC có hai loại, loại 8 ký tự dùng cho các ngân hàng độc lập; và loại 11 ký tự dùng cho các chi nhánh. Ngoài ra không có loại nào khác.
Kết cấu của địa chỉ SWIFT gồm hai loại:

Loại 8 ký tự:

XXXX XX XX

Bank Country area

Code Code Code

Ví dụ: Địa chỉ BIC của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình, Trụ sở chính, Hà Nội.

ABBK VN VX

Code Code Code

NH An Bình Việt Nam Hà nội

Loại 11 ký tự: Là địa chỉ SWIFT thường được dành cho các chi nhánh giống như loại 8 ký tự nhưng có thêm ba ký tự phía sau để phân biệt chi nhánh.

XXXX XX XX XXX

Bank Country Area Branch

Code Code Code Code


MỘT SỐ MÃ SWIFT CỦA CÁC NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Bank for Foreign Trade of Vietnam
  • Tên viết tắt: Vietcombank
  • Mã SWIFT Code: BFTVVNVX

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Bank for Agiculture and Rural Development
  • Tên viết tắt: Agribank
  • Mã SWIFT Code: VBAAVNVX

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – VietinBank

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade
  • Tên viết tắt: VietinBank
  • Mã SWIFT Code: ICBVVNVX

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam
  • Tên viết tắt: BIDV
  • Mã SWIFT Code: BIDVVNVX

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Sacombank

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Saigon Thuong Tin Commercial Joint Stock Bank
  • Tên viết tắt: Sacombank
  • Mã SWIFT Code: SGTTVNVX

Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Technology and Commercial Joint Stock Bank
  • Tên viết tắt: Techcombank
  • Mã SWIFT Code: VTCBVNVX

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội – MBBank

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Military Commercial Joint Stock Bank
  • Tên viết tắt: MBBank
  • Mã SWIFT Code: MSCBVNVX

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu – ACB

  • Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Asia Commercial Joint Stock Bank
  • Tên viết tắt: ACB
  • Mã SWIFT Code: ASCBVNVX

Mỗi ngân hàng đều có một mã SWIFT riêng, và bạn cần hiểu rõ cách nhận biết các mã SWIFT thông qua quy ước đặt tên này. Trên đây là những thông tin cơ bản về hệ thống SWIFT và mã SWIFT của một số Ngân hàng tại Việt Nam.

Nguồn: UB Academy



Sunday, February 27, 2022

ĐỘC ĐÁO THỊT BÒ NGÓ LÁ SƯNG

Đọt non có cái ngon của nó: mềm mại, thơm thoang thoảng, hương vị mỏng tang mà vương vấn lắm. Còn lá “thành niên” cho mùi thơm rất đậm đà. Chính những “cung bậc” hương vị ấy làm miếng thịt bò trở nên ngon một cách đặc biệt trong cảm giác mới mẻ của người lần đầu thưởng thức như tôi.


Lâu nay, trong “tâm hồn” ăn uống của tôi, món thịt bò xào với lá lốt hay lá hẳn đã là một “mặc định”, chưa thấy biến tấu nào khác. Hễ cứ thấy lá lốt, lá hẳn là tôi nghĩ tới thịt bò và ngược lại. Vậy mà có lần tại nhà người bạn ở một xã vùng cao Quảng Ngãi, tôi được thưởng thức món thịt bò xào với một thứ lá không quen mà ngon đến tuyệt vời.

Vợ anh bạn, “tác giả” món này, nháy chồng rồi đố tôi là lá gì? Tôi “nuốt” tới ba miếng, lắng nghe mùi hương tới ba lần mà vẫn không thể nhận ra là lá gì. Vốn liếng ẩm thực của tôi đành xếp xó. Bạn tôi nói thôi ông ơi, đợi ông có câu trả lời thì tui hổng có một miếng để gắp. Nè, ngưng đũa mà nghe: Đó là lá sưng, rõ chưa?

Tôi hỏi đi hỏi lại cách phát âm để khi cần thì viết cho đúng. Anh bạn toan đánh vần thì bị vợ nguýt, nói cái ông này, hở một tí là vần vèo, anh cứ nói “sưng” đây là sưng mặt sưng mày cho dễ hiểu. Tôi đùa, nói cái tên này tuy có âm hưởng… bạo lực, nhưng hương của nó thì rất thanh nhã: thơm dìu nhẹ, có vị chát khá ngưng đọng, nồng đượm mùi bạc hà.

Cây sưng có gai tua tủa, không những ở cành mà còn “phục” dưới mặt lá nên phải dùng dao chuốt nhẹ để loại bỏ gai trước khi chế biến - Ảnh: Trần Cao Duyên

Chị nói thứ lá này đem nấu canh với thịt bò thì cả ba thành phần: nước, cái và lá cùng nương tựa vào nhau mà ngon. Anh bạn cũng khoe tài nấu nướng, nói món xào bên... Lào cũng nghe thơm. Khi xào nên giữ nguyên những đọt lá non, và chỉ bỏ vào chảo đảo sơ sau khi đã nêm nếm xong. Còn với lá trưởng thành thì nên xắt thật nhỏ từng sợi mỏng xào cùng lúc với thịt bò. Đọt non có cái ngon của nó: mềm mại, thơm thoang thoảng, hương vị mỏng tang mà vương vấn lắm. Còn lá “thành niên” cho mùi thơm rất đậm đà. Chính những “cung bậc” hương vị ấy làm miếng thịt bò trở nên ngon một cách đặc biệt trong cảm giác mới mẻ của người lần đầu thưởng thức như tôi. Có lẽ vậy mà vợ chồng ông bạn đều nói “thịt bò hay ngó lá sưng”.

Nhai thử chút lá sưng tại thấy the the, thơm thơm, ngọt thanh dìu dịu. Nhấm khơi khơi vậy đã thấy ngon, gặp thịt bò thì chắc chắn lá sưng sẽ ngon thêm lần nữa - Ảnh: Trần Cao Duyên

Hỏi hái lá này ở đâu, anh bạn chỉ ra mé vườn. Có mục sở thị mới biết, còn hơn cả cây bông hồng, cây sưng có gai tua tủa, không những ở cành mà còn “phục” dưới mặt lá nên phải dùng dao chuốt nhẹ để loại bỏ gai trước khi chế biến.

Hái được một mớ, tay tôi xước tùm lum. Mặc kệ, dù sao thì lá sưng cũng dễ tìm hơn lá… diêu bông. Nhai thử chút lá sưng tại “hiện trường” thấy the the, thơm thơm, ngọt thanh dìu dịu. Nhấm khơi khơi vậy đã thấy ngon, gặp thịt bò thì chắc chắn lá sưng sẽ ngon thêm lần nữa.

Trần Cao Duyên

LÝ GIẢI CÂU THÀNH NGỮ "NGHÈO RỚT MỒNG TƠI"

Nhiều người than thở rằng mình đang trong tình trạng "nghèo rớt mồng tơi", thế nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu nhầm nghĩa của chữ "mồng tơi" trong câu này là rau mồng tơi. Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu đúng về câu thành ngữ này nhé.


Thành ngữ “nghèo rớt mồng tơi” đa phần người miền Bắc sẽ liên tưởng ngày đến giậu mồng tơi mà nếu ngắt lá, ngắt quả, cây sẽ đầy nhựa dớt (nhớt).

Nhưng, nhớt mồng tơi không có liên quan gì đến cái nghèo rớt mồng tơi cả. Bởi ở thành ngữ này, mồng tơi là chỉ cái áo tơi khoác ngoài mà người xưa thường mặc để che nắng chắn mưa.


Áo tơi được kết bằng lá cọ, phần xương lá ghép phía trên cổ áo được gọi là mồng tơi. Người trong thành ngữ ấy nghèo đến mức cái áo tơi đã rách, còn cái cổ áo (mồng tơi) cũng rớt xuống...

Cũng có ý kiến cho rằng, "Nghèo rớt mồng tơi" là đọc trại của "Nghèo rớt vành tơi", và "vành tơi" cũng có ý nghĩa là một bộ phận của áo tơi như đã giải thích ở trên.


Vì chữ "mồng tơi" trong chiếc áo là đồng âm đọc với rau mồng tơi, còn áo "Tơi" thì cũng đã rất lâu rồi không sử dụng nữa nên không được mấy người biết đến đặc biệt là các bạn trẻ thế nên mới có sự hiểu nhầm đó.

Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp

GIẢI MÃ BÍ ẨN TỤC LỆ THIÊN TÁNG KỲ LẠ CỦA NGƯỜI TÂY TẠNG

Vùng đất Tây Tạng có rất nhiều điều kỳ bí và tục lệ thiên táng được xem là một trong những ẩn số trong văn hóa phong tục nơi đây.


Coi trọng nghi thức

Theo truyền thống và văn hóa lâu đời ở Tây Tạng, người dân rất đề cao nghi thức tang lễ. Việc chăm sóc cần thận dành cho người qua đời.

Những truyền thống liên quan đến sự chết ở Tây Tạng phản ánh sự hội tụ của niềm tin và thực hành bản địa kết hợp với Phật giáo trong suốt thời gian hơn một ngàn năm qua. Nhiều nghi thức được diễn ra để đảm bảo người ra đi có một hành trình thuận lợi trong kiếp sống mới.

Người Tây Tạng rất đề cao nghi thức tang lễ. Ảnh: BBC

Thành ngữ Tây Tạng có câu: "Người nào ý thức được sự sống sẽ ý thức được cả sự chết". Câu hỏi đặt ra làm thế nào để ý thức được sự sống. Người Tây Tạng trả lời câu hỏi này qua thành ngữ: "Biết cách ý thức sự sống là một công phu, và nếu nó là một công phu, người ta có thể tập luyện được".

Người Tây Tạng rất coi trọng những nghi thức truyền thống. Ảnh: Tibetanreview

Nhiều sách vở truyền thống Tây Tạng đã đề cập đến công phu này. Nhiều người cho rằng cõi sống và cõi chết rất xa cách nhau, nhưng riêng người Tây Tạng lại cho rằng hai cõi này gần nhau trong gang tấc, đến độ có thể giơ tay ra nắm bắt lấy nhau.

Người Tây Tạng cho rằng phương pháp hiệu quả nhất để định hướng hành trình cho một người lúc lâm chung là thực hành phowa (tib. འཕོ་བ་; sa. saṃkrānti), tiếng Việt là "phép chuyển di tâm thức" . Đây là phương pháp giúp thần thức của người lâm chung rời khỏi cơ thể qua huyệt bách hội nằm ở đỉnh đầu.

Theo Phật giáo Kim Cương thừa, vào lúc chết thần thức sẽ thoát ra qua một trong 10 "lỗ mở" của thân (hậu môn, bộ phận sinh dục, miệng, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, hai con mắt, và huyệt bách hội trên đỉnh đầu).

Nếu thần thức của người chết thoát ra qua những lỗ ở phần trên cơ thể, thí dụ như qua huyệt bách hội, sẽ giúp người đó được tái sinh vào một cảnh giới cao hơn.

Quy định kỳ lạ

Theo truyền thống Tây Tạng, khi gia đình có người đang hấp hối, không ai được động vào xác chừng nào nghi thức phowa chưa được thực hiện.

Một Lạt-ma được xem là thành thạo về phowa sẽ được mời thực hiện tại chỗ nghi lễ này cho người hấp hối. Qua những lời chỉ dẫn và bằng một phương pháp xoa bóp đặc biệt, vị Lạt-ma này sẽ hướng dẫn thần thức người đang hấp hối di chuyển từ từ lên phía đỉnh đầu.

Khi thần thức đã chuyển hết được lên đầu thì vị Lạtma sẽ tập trung ý chí phát ra âm thanh "Hik-Phat" để mở lỗ mở trên đỉnh đầu cho thần thức thoát ra ngoài. Sau vài giờ mới được phép động vào xác chết, và người có nhiệm vụ đầu tiên sẽ chạm vào đỉnh đầu, một dấu hiệu nói lên sự rời đi của thần thức do phowa tạo ra.

Sau đó xác chết sẽ được tắm bằng nước thơm, bọc bằng vải sạch, miệng được nhét bơ. Xác còn được buộc bằng những sợi dây làm từ thớ cây để giữ cho nó bất động, phòng khi nó trở thành một thây ma sống lại (zombie).

Giải mã bí ẩn thiên táng

Trong hành trình cuối cùng, xác người chết sẽ rời khỏi nhà trước khi trời sáng. Ngoài các phương thức mai táng phổ biến là địa táng hay thủy táng, phương thức được ưa chuộng ở Tây Tạng là hỏa táng và thiên táng.

Thiên táng (tib. jhator བྱ་གཏོར་, eng. sky burial) là một thực hành tang lễ tại Tây Tạng, trong đó xác người chết được mang lên núi, để tự phân hủy khi tiếp xúc với thiên nhiên, hoặc bị ăn thịt bởi các động vật như chim kền kền, bởi vậy "thiên táng" còn có tên khác là "điểu táng".

Thiên táng được coi là một trong những hình thức mai táng kỳ dị và bí ẩn bậc nhất trên thế giới.

Thiên táng là hình thức mai táng người chết có từ rất lâu đời ở Tây Tạng. Ảnh: Rex Features

Có hai hình thức thiên táng: cơ bản long trọng. Những người dân du mục và dân làng ở vùng hẻo lánh thường sử dụng thiên táng cơ bản. Người chết đơn giản được mang lên núi để lũ kền kền tự tìm đến. Cách thứ hai phức tạp và mang tính nghi thức hơn.

Như đã nói, Lạt-ma sẽ cầu nguyện cho người quá cố được đặt ở tư thế ngồi suốt 24 giờ. Thi thể được cầu nguyện, tắm rửa sạch sẽ và bọc trong vải trắng. Người ta sẽ bẻ quặp hai đầu gối lên phía trên, phần đầu cho gập xuống ngực rồi bỏ vào bao vải.

Người Tây Tạng thường mang xác người thân đến một gò đất rộng hoặc nơi hẻo lánh để mai táng. Ảnh: Flickr

Xong đâu đó, họ buộc nó vào một đòn khiêng rồi đem đặt ở phòng trước nhà; đến ngày phát tang, họ khiêng xác chết đến một gò đất rộng hoặc đến một nơi hoang dã trên núi cao để mai táng. Hành trình đến nơi mai táng bắt đầu lúc sáng sớm.

Các thành viên trong gia đình đi cùng để tụng kinh và chơi nhạc đám ma, nhưng phải giữ một khoảng cách nhất định với người chết.

Thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống mặt đá, các "rogyapa" (người xử lý xác chết) sẽ đốt cây bách xù để tạo mùi thu hút đàn kền kền và bắt đầu công việc của mình với một con dao sắc bén.

Từ tóc đến nội tạng, cuối cùng là tay chân của người quá cố được bóc tách và ném cho đám kền kền đói xúm lại. Rogyapa tiếp tục đập dập bộ xương còn lại, sau đó trộn với bột lúa mạch để đàn chim dễ "tiêu thụ" hơn.

Sau đám tang, vị Lạt-ma sẽ tiếp tục cầu nguyện và hành lễ trong bảy tuần liên tiếp (49 ngày). Một hình nộm bằng rơm hay gỗ được mang đến tượng trưng cho xác chết. Vị Lạt-ma lấy một mảnh giấy vẽ mặt người chết dán lên hình nộm rồi ngồi đó tiếp tục hướng dẫn.

Sau 49 ngày, ông đốt tấm giấy phủ mặt hình nộm như một hình thức cho biết người chết đã cắt đứt mọi liên lạc với người sống. Trong nghi lễ cuối cùng này, mọi người trong gia đình xúm quanh lại và nói những câu đã soạn sẵn mà người châu Âu có thể cho là ngô nghê, giả dụ như:

"Này anh kia, anh đã chết rồi, đã đi thật xa rồi. Anh không còn dính dáng đến cái nhà này nữa. Hãy mau mau ăn bữa cơm chót rồi lên đường, từ nay đừng có trở về đây"…

49 ngày là quãng thời gian trùng với phong tục của rất nhiều truyền thống ở các nước phương Đông khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Cơ thể chỉ giống như chiếc xe để chuyên chở linh hồn trong quan niệm của người Tây Tạng. Ảnh: Everplans

Thiên táng có vẻ như một tập tục "man rợ". Tuy nhiên, người Tây Tạng lại cho rằng cơ thể con người chỉ là phương tiện, như chiếc xe để chuyên chở linh hồn.

Một khi chiếc xe đó đã quá rệu rạo và linh hồn đã rời bỏ nó, thì nó không còn giá trị gì nữa và nên bỏ đi, trong cách hào phóng nhất là dùng làm thức ăn cho các loài chúng sinh khác.

Tại sao người Tây Tạng chọn hình thức thiên táng cho người quá cố?

Trên thực tế, người Tây Tạng xem thiên táng như một nghi thức hết sức trang trọng, là thứ cúng dường cuối cùng và rốt ráo nhất mà một người có thể thực hiện: hy sinh chính xương thịt của mình cho những sinh linh bị đói, và những loài này sẽ đưa người quá cố về những cõi trời thanh tịnh.

Về mặt lịch sử địa chất, cao nguyên Tây Tạng là hệ sinh thái tồn tại ở nơi cao nhất trên thế giới. Đất đá ở đây cứng lạnh. Người Tây Tạng không thể tiến hành chôn cất dưới lớp đá cứng hay băng lạnh, còn đất thì đắt đỏ. Việc hỏa táng cũng rất khó khăn vì gỗ cây, nhiên liệu đốt rất khan hiếm.

Trong khi đó, những đàn kền kền đói lượn khắp bầu trời, và sói lang thang quanh vùng. Với những đặc điểm địa lý đó, thiên táng xem ra là hợp lý nhất với họ.

Dù nhìn nhận của mọi người về tục lệ thiên táng huyền bí có đôi phần "man rợ" nhưng đây vẫn là một trong những nét văn hóa truyền thống thấm nhuần trong đời sống của người dân Tây Tạng.

(Bài viết trên được trích từ cuốn sách "Tây Tạng huyền bí và nghệ thuật sinh tử" của tác giả Đặng Hoàng Xa.)

Theo: Trí Thức Trẻ


Saturday, February 26, 2022

KYIV QUA ỐNG KÍNH CỦA DU KHÁCH NƯỚC NGOÀI

Blogger Kelley Hudson (Mỹ) có chuyến du lịch đến thủ đô Kyiv (Ukraine) cách đây 3 năm.


Là một blogger du lịch kiêm nhiếp ảnh gia, Kelley Hudson đã lưu lại lịch trình những chuyến đi qua từng bức hình. Trong bài đăng trên trang Bored Panda, nữ blogger người Mỹ cho biết đã ghé thăm Ukraine vào mùa thu năm 2019 và có dịp trải nghiệm nhịp sống ở thủ đô đất nước Đông Âu này.


Vì dịch Covid-19, Kelly vẫn chưa có dịp trở lại châu Âu trong 2 năm qua. Chuyến du lịch Ukraine cách đây 2 năm để lại nhiều kỷ niệm cho nữ nhiếp ảnh gia. Không chỉ là chuyến đi thông thường, đó là lần Kelly ghé thăm người bạn thời thơ ấu đã chuyển tới Kyiv.


Ghé thăm thủ đô Ukraine vào đúng dịp đầu thu, Kelly được tận hưởng tiết trời dịu mát, cảnh quan lãng mạn và yên bình. Nữ blogger cho biết chỉ dành 3 ngày ở Kyiv nhưng thành phố này để lại trong cô nhiều ấn tượng.


Trước khi ghé thăm Kyiv, Kelly chỉ mường tượng về thành phố này qua lời kể của bạn. Qua lời chia sẻ trên Bored Panda, Kelly bị thu hút bởi nhiều công trình kiến trúc tại đây. Trong hình là bên ngoài cung điện Mariinskyi. Công trình này nằm bên bờ sông Dnipro, được xây dựng theo phong cách baroque thời Elizabeth. Hiện nơi này là Dinh Tổng thống.


Kelley Hudson cũng ghi lại những khung hình về nhịp sống đời thường ở Kyiv. Đây là khung cảnh bên trong chợ Bessarabska. Khu chợ nằm gần quảng trường Bessarabska, trung tâm thủ đô Kyiv. Chợ được xây dựng vào năm 1910-1912 và thiết kế bởi kiến trúc sư người Ba Lan - Henryk Julian Gay.


Thủ đô Kyiv trong ký ức Kelly Hudson vừa sống động vừa thanh bình, ngập tràn ánh đèn và sở hữu nhiều công trình kiến trúc ấn tượng.


Trong ảnh là nhà thờ Cơ đốc giáo St Andrew được xây năm 1747-1754, do kiến trúc sư Bartolomeo Rastrelli (Italy) thiết kế. Công trình nằm trên một ngọn đồi dốc, nhìn hướng xuống khu phố Podil.


Ghé thăm Pechersk Lavra, Kelly may mắn được chứng kiến một lễ cưới của cặp đôi người địa phương. Tu viện này nằm ở quận Pechersk, cách trung tâm Kyiv khoảng 4 km. Công trình này gần 1.000 tuổi, được xây dựng từ năm 1051. Năm 1990, tu viện được UNESCO công nhận là di sản thế giới.


Chia sẻ cảm nhận về thành phố Kyiv, Kelly nói: "Tôi yêu thành phố này. Kyiv là một điểm du lịch tuyệt đẹp. Mọi ngóc ngách đều yên bình, vừa sống động vừa cũ kỹ, đồ ăn ngon".


Nữ nhiếp ảnh gia cho biết thành phố trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Vết hằn thời gian hiện hữu ở từng góc phố, căn nhà.

Mai Phương / Theo: Bored Panda