Monday, August 31, 2020

ĐẢO SÍP Ở ĐÂU?

Mấy ngày qua báo mạng có tin về mấy ông quan chức và đại gia Việt Nam mua quốc tịch "Síp", tôi đọc chơi chứ không biết đảo Síp" là nước nào, ở đâu...tới hôm nay rảnh nên lên mạng tìm xem. Trên mạng có bài của Kornova sẽ giới thiệu và tư vấn cho các bạn nếu muốn di dân sang đảo Síp. (LKH)


CUỘC SỐNG TẠI ĐẢO SÍP (CYPRUS )

Trong vài năm qua tại Việt Nam đã có rất nhiều gia đình chọn lựa các quốc gia Châu Âu làm nơi đến sinh sống, học tập và làm việc thông qua các chương trình định cư rất hấp dẫn với các tiêu chí chương trình vượt trội khi so sánh với các chương trình định cư truyền thống khác. Trong số các quốc gia được chọn lựa làm điểm đến cư trú thì Cyprus (hay còn được gọi là đảo Síp) là quốc gia được rất nhiều người Việt Nam quan tâm và tìm hiểu về mọi mặt cuộc sống tại đây.

Kornova sẽ mang đến cho quý anh/ chị nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu thông tin và đảo quốc xinh đẹp này bức tranh khái quát sơ lược về cuộc sống người Việt tại đảo Síp và con người ở đảo Síp thông qua loạt bài giới thiệu về đất nước được mệnh danh là ” quốc gia đáng sống nhất Châu Âu” hiện nay.

Đảo Síp ở đâu?

“Đảo Síp ở đâu?” Là câu hỏi được nhiều người tìm kiếm nhất hiện nay khi lần đầu nghe tên quốc gia đặc biệt này.

Cộng hoà Síp là một đảo quốc thuộc vùng Địa Trung Hải có vị trí trung tâm giữa 3 châu lục: Á, Âu, Phi. Síp còn trên con đường tơ lụa nối liền giữa Châu Á và Châu Âu trước đây, đống thời Síp cũng là quốc gia có vị trí địa lý gần Châu Âu và Châu Á nhất.

Síp là thành viên EU từ năm 2004, có nền kinh tế và xã hội phát triển và ổn định thuộc Liên Minh Châu Âu (EU) vào năm 2004. Đến đầu năm 2008, Síp tham gia khối Eurozone ( khu vực đồng tiền chung Châu Âu).

Síp là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại vùng Địa Trung Hải. Síp cũng là quốc gia có nền kinh tế phát triển tiên tiến, thu nhập bình quân đầu người cao và là quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao.

Síp còn trên con đường tơ lụa nối liền giữa Châu Á và Châu Âu trước đây, đống thời Síp cũng là quốc gia có vị trí địa lý gần Châu Âu và Châu Á nhất

Diện tích và dân số Cyprus (Đảo Síp)

Diện tích của đảo Síp sắp xỉ 10.000 Km vuông gấp 5 lần Singapore, một diện tích vừa phải dễ dàng quản lý và tốt cho việc phát triển kinh tế. Dân số là 1,1 triệu dân trong đó có 20% là người nước ngoài, dấn số của Síp tương đương với 1 tỉnh Việt Nam nhưng GDP đầu người ở đây cao rất nhiều nên nền kinh tế cơ sở hạ tầng họ rất phát triển. Ngày xưa đảo Síp là một phần của nước Anh và đến 1960 đảo Síp tách ra trở thành một quốc gia độc lập, người bản địa ở đây là gốc Hy Lạp, họ nói tiếng Hy Lạp là tiếng mẹ đẻ tuy nhiên tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong kinh doanh cũng như các vấn đề liên quan đến luật pháp và các hoạt động hằng ngày, đây là một tin vui mừng cho người Việt khi bắt đầu cuộc sống ở Síp.

Kinh tế và các thành phố lớn của đảo Síp

Đảo Síp có hơn 10 thành phố tiêu biểu trong đó thủ đô Nicosa nằm ở giữa và các thành phố về du lịch như Paphos, thương mại kinh tế như Limassol thì đều nằm ở dọc bờ biển.

Síp thực hiện nền kinh tế thị trường tự do dựa chủ yếu vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch và khách sạn. Trước đây, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất tại đây, thu hút 1/3 lực lượng lao động, lượng nông sản xuất khẩu chiếm 1/3 giá trị xuất khẩu của Síp. Tuy nhiên, những năm gần đây, du lịch và dịch vụ dần chiếm vị trí quan trọng hơn, đóng góp đến 78% GDP và thu hút hơn 70% lực lượng lao động.

Nền công nghiệp Síp không lớn, chủ yếu là công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng như dệt, giày dép, may mặc xuất khẩu, chế biến nông lâm sản…Theo thống kê gần đây, trong năm 2016 & 2017:
  • Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Síp là 19.931 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế là 3,6%,
  • Thu nhập tính theo đầu người là 35,750 USD ( số liệu năm 2016).
  • Tỷ lệ lạm phát là 5,1% (2008).
  • Tỷ lệ thất nghiệp là 3.8% (2008)
  • Nợ nước ngoài 26,12 tỷ USD (31/12/2007).

Bến cảng Arton nổi tiếng tại Síp

Kinh tế tại đảo quốc này khá thịnh vượng và đa dạng hoá trong những năm gần đây. Theo ước tính mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Síp được lựa chọn là cơ sở cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài bởi cơ sở hạ tầng phát triển cao. Chính sách kinh tế của Chính phủ Síp chú trọng tới việc đạt các tiêu chí cho việc gia nhập Liên Minh Châu Âu. Síp có quan hệ kinh tế – thương mại chủ yếu với các nước EU, Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản). Dầu mỏ gần đây đã được phát hiện trên thềm lục địa giữa Síp và Ai Cập gần đây (năm 2017), và những cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Liban và Ai Cập để đạt tới một thoả thuận khai thác các nguồn tài nguyên này.

Một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của quốc đảo Síp chính là vận tải. Thành phố lớn thứ hai của Síp – Limassol – có cảng biển lớn với lượng tàu thuyền đi lại tại đây nhiều xếp thứ 2 Châu Âu và thuộc top 10 trên toàn cầu.

Ngành mũi nhọn thứ 2 của đảo Síp là du lịch, hòn đảo xinh đẹp ngày càng trở nên thịnh vượng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp du lịch phát triển trong nhiều năm. Mặc dù dân số Síp chỉ khoảng 1,1 triệu dân nhưng mỗi năm hòn đảo này đón khoảng 4 triệu lượt du khách quốc tế tương đương với việc cứ 1 người dân sẽ tiếp đón 4 khách du lịch. Síp được coi là đảo nghỉ dưỡng thiên đường dành cho người dân các quốc gia Châu Âu và Nga những nơi có thời tiết giá lạnh.

Một bãi biển du lịch ở Larnaca, Síp

Con người và ngôn ngữ tại đảo Síp

Người dân Síp rất hiếu khách, họ rất cởi mở, thân thiện, chân thật. Người Síp là một trong số những cư dân hiếu khách nhất trên trái đất. Hơn nữa, Síp là đất nước an toàn với tỷ lệ tội phạm thấp so với các nước miền Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và Pháp.

Ngôn ngữ chính của Síp là tiếng Hy Lạp và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tiếng Anh là ngoại ngữ được sử dụng nhiều nhất; 80% dân số nói tiếng Anh. Tiếng Anh có ở khắp các cửa hiệu, biển chỉ dẫn… Các chương trình truyền hình, phát thanh,một số tạp chí đều sử dụng tiếng Anh.

Một xe bán bánh mỳ Hamburrger trên đường phố ở Síp

Đời sống sinh hoạt tại đảo Síp

So với các quốc gia của Liên Minh Châu Âu, Síp có chi phí sinh hoạt tương đối phù hợp cho người Việt Nam. Là quốc đảo nhưng Síp có thể tự cung – tự cấp các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống như: rau, củ, quả, thịt và cá do nền nông nghiệp rất phát triển tại Síp. Nhờ vậy mà chi phí sinh hoạt ở đảo Síp khá rẻ . Điểm quan trọng là dù giá cả tại Síp khá rẻ nhưng chất lượng lại vô cùng đảm bảo và tất cả đều được kiểm định theo chuẩn Châu Âu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

GDP bình quân đầu người ở Síp thuộc top đầu các nước khu vực Địa Trung Hải, trên 25.000 USD trong năm 2017 nhưng các mặt hàng nhu yếu phẩm dùng hàng ngày ở Síp có xu hướng rẻ hơn ở Anh, Pháp.. đặc biệt là: trái cây, thịt, bia, thuốc lá, sữa dê, ô liu, phô mai, rau xanh, các loại hạt/ ngũ cốc …

Halloumi: Món ăn Phô mai truyền thống trứ danh từ sữa dê và thịt cừu của đảo Síp

Theo số liệu năm 2018, mức thu nhập trung bình của người lao động tại Síp là 2.222 EUR / tháng. Các gia đình người Việt định cư Cyprus (hay còn gọi đảo Síp) đa số đều nhận xét về chi phí sinh hoạt ở Síp như ăn ở, cước viễn thông, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đều khá thấp nhưng chất lượng lại vượt ngoài mong đợi.

Chi phí ăn uống cho một bữa ăn tại nhà hàng bình dân khoảng 12EUR, và 40 EUR cho bữa ăn 3 món được phục vụ cho 2 người tại nhà hàng tầm trung. Bình quân chi phí cho thực phẩm dao động từ 400 – 600 EUR/tháng cho một gia đình với 05 thành viên. Như vậy, tình trung bình chi phí sinh hoạt tại Síp so với mức chi phí sinh hoạt tại Việt Nam là cao hơn 53,14%. Riêng giá thuê nhà tại Síp cao hơn 57,32% so với giá thuê nhà tại Việt Nam.


Dưới đây là bảng giá một số sản phẩm được cập nhật vào tháng 08/2019:

Giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tại Cộng Hòa Síp:
  • Trứng gà: 2,50 EUR/12 quả
  • Sữa: 1,35 EUR/lít
  • Gạo: 1,60 EUR/kg
  • Bánh mì trắng: 1,40 EUR/ ổ
  • Thịt gà (ức gà): 7,50 EUR/kg
  • Thịt bò: 9,07 EUR/kg
  • Táo: 1,86 EUR/kg
  • Chuối: 1,35 EUR/kg
  • Rượu vang: 6 EUR/chai
  • Bia bản địa : 1,04 EUR/chai 0,5 lít
  • Bia nhập khẩu : 1,54 EUR/chai 0.33 lít
  • Thuốc lá (Marlboro): 4,70 EUR/gói
  • Đồ ăn nhanh ( Hamburger Big Mac) 6 EUR
  • Nước ngọt Coca-Cola (330ml): 1,45 EUR/ chai 330ml
  • Cà phê Cappuccino: 3 EUR
  • Chi phí bữa ăn tại nhà hàng tầm trung ở Síp: 40 EUR/ 3 món cho 2 người.

Mua đồ nông sản tại siêu thị ở Síp

Các dịch vụ tiện ích viễn thông
  • Cước gọi di động: 0,16 EUR/phút
  • Cước phí mạng Internet ( ADSL không dây hoặc cáp): 42 EUR/tháng
  • Tiện ích cơ bản (ga, điện nước…): 128 EUR
Các dịch vụ giao thông đi lại tại đảo Síp

Síp không có hệ thống đường sắt, các cách di chuyển phổ biến ở đây là đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Hệ thống giao thông công cộng ở Síp được giới hạn với các dịch vụ xe bus tư nhân (trừ Nicosia có chương trình chia sẻ xe đạp công cộng), taxi, và các dịch vụ taxi liên tỉnh. Giá Xăng/Ga khoảng 1.25 EUR/lít.

-Xe bus: Chi phí vận chuyển ở Síp, đặc biệt là phương tiện công cộng như xe buýt rất rẻ chỉ 1,50 EUR/vé di chuyển trong trung tâm thành phố. Có bốn loại xe buýt có thể giúp mọi người di chuyển khắp nơi tại Síp:
  • Xe bus liên thành phố, chạy hàng ngày, liên kết tất cả các thành phố trên các tuyến đường thường xuyên.
  • Xe bus nông thôn, liên kết hầu hết các ngôi làng với thành phố gần nhất, nhưng có số chuyến chạy hạn chế một hay hai lần mỗi ngày, trừ các ngày chủ nhật.
  • Xe bus nội đô, liên kết các khu vực khác nhau trong các thành phố và chạy thường xuyên vào ban ngày.
  • Xe bus sân bay.
-Xe taxi: Giá cước Taxi khoảng 25 EUR/km, Síp có ba loại dịch vụ taxi hoạt động trên khắp đảo:
  • Dịch vụ liên thành phố/liên tỉnh, 4- 7 hành khách khác nhau có thể chia sẻ chung cùng trong một xe taxi. Dịch vụ này cung cấp kết nối giữa tất cả những thành phố lớn tại Síp, cứ nửa giờ có một chuyến, từ thứ hai đến thứ sáu, bắt đầu từ 6:00 sáng đến 6:00 tối. Vào các thứ bảy và chủ nhật, dịch vụ này hoạt động đến 5:00 chiều.
  • Dịch vụ nông thôn hoạt động tại các khu vực làng mạc. Những xe taxi này không được trang bị công tơ mét taxi và tính tiền dựa theo km/cước phí.
  • Dịch vụ nội đô là dịch vụ hoạt động 24/ 24 tại tất cả các thành phố. Xe taxi có thể gọi trước hay vẫy xe trên đường. Những xe taxi nội đô này bắt buộc phải trang bị công tơ mét taxi và bắt đầu tính phí khi hành khách lên taxi.

Xe bus tại Síp (Cyprus)

Hệ thống giáo dục – Trường học tại Cộng Hòa Síp

Cộng hòa Síp (Cyprus) là một trong 10 quốc gia nhỏ nhất Châu Âu nhưng lại có nền kinh tế thịnh vượng và đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ. Síp có mức học phí, chi phí sinh hoạt thấp và thủ tục đơn giản. Chương trình giáo dục đào tạo tại Síp theo tiêu chuẩn Châu Âu và dạy bằng tiếng Anh; Học sinh được học chuyển tiếp và nhận bằng các trường danh giá tại Anh, Australia, Mỹ, Canada… học phí và chi phí ăn ở … đều rất hợp lý so với mức chung ở Châu Âu

Síp có hệ thống giáo dục tiểu học và trung học phát triển cao với cả hệ thống giáo dụng công và tư nhân. Chất lượng cao của nền giáo dục có được nhờ trình độ trên mức trung bình của các giáo viên & nhờ vào gần 7% GDP được dùng chi cho giáo dục. Điều này giúp cho Síp là một trong ba nước chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục trong khối EU (cùng với Đan Mạch và Thuỵ Điển). Các trường công nói chung được xem có cùng chất lượng như các cơ sở giáo dục tư nhân.

Đa số người Síp theo học trung học tại Hy Lạp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, các trường đại học ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Cần lưu ý rằng hiện tại Síp có tỷ lệ phần trăm công dân ở tuổi lao động có trình độ trung học khá cao ở EU ( tỉ lệ là 30%), tỉ lệ này vượt hơn cả Phần Lan (29.5%). Ngoài ra 47% dân số Síp trong độ tuổi 25–34 có bằng cấp ba, tỉ lệ này thuộc hàng cao nhất tại EU.

Các trường ĐH lớn đều có khu ký túc xá nằm luôn trong khuôn viên của trường, sinh viên có thể ở KTX hoặc thuê phòng ở ngoài gần trường. Chi phí ăn ở, sinh hoạt có thể khác nhau trung bình từ 1000- 3000EUR/ năm

Trường Đại Học Larcana tại Síp

Đại học Síp: thành lập năm 1989. Một số trường Đại học tiêu biểu tại Síp:
  • Đại học Kỹ thuật Síp: bắt đầu năm 2007
  • Đại học Châu Âu – Síp: thành lập năm 1961 với tên gọi Trường cao đẳng Síp và đổi tên năm 2007
  • Đại học Nicosia: thành lập năm 1981 trước kia gọi là Intercollege; nó đổi thành tên hiện tại năm 2007. Tổng cộng có 5,000 sinh viên tại các cơ sở ở Nicosia, Limassol và Larnaca
  • Đại học Frederick
  • Viện hàn lâm nghệ thuật Síp: thành lập năm 1995.
  • Cao đẳng nghệ thuật Síp: thành lập năm 1969.
Học phí trung bình cho cấp bậc Cao Đẳng & Đại Học Tại Síp
  • Tiếng Anh: 3,000 Euro – 5,000 Euro/năm
  • Cao đẳng: 4,000 Euro – 5,000 Euro/năm
  • Đại học: 4,500 Euro – 8,000 Euro/1 năm
  • Thạc sĩ: 7,000 Euro – 13,500 Euro/1 năm
  • Học phí trên chưa bao gồm phí nghi danh và các chi phí hành chính khác của trường
  • Sinh hoạt phí: 2,500 Euro – 3,000 Euro /1 năm
Nếu bạn đang có ý định đến Síp để định cư cho cả gia đình thì nhanh chóng tham khảo chương trình định cư đảo Síp tại đây để được tư vấn nhanh chóng hoàn tất thủ tục, rút ngắn thời gian cho gia đình: Định cư đảo Síp

Như vậy, dựa vào bảng giá các mặt hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt, học tập như trên, về cơ bản chúng ta có thể thấy cuộc sống người Việt tại đảo Síp với chi phí sinh hoạt ở Síp không quá đắt đỏ mà rất hợp lý. Đồng thời các dịch vụ nhận được lại có chất lượng vượt trội với tiêu chuẩn Châu Âu.

Có thể nói, chính nhờ vào khí hậu ôn hoà, môi trường sống an toàn, hệ thống giáo dục chất lượng và những cơ hội đầu tư kinh doanh kinh doanh tiềm năng được hưởng ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài mà hiện nay đảo Síp là một lựa chọn thích hợp để cho các nhà đầu tư Việt Nam chọn lựa làm nơi cư trú ổn định và xây dựng cuộc sống lâu dài cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

(Cre: Kornova – Tư Vấn Định Cư Châu Âu)


3 HỘI KÍN NỔI TIẾNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Chúng là những hội kín bí ẩn, luôn bị bao phủ bởi bức màn bí mật liên quan tới tôn giáo, từng gây ra biết bao tranh cãi trên toàn thế giới…


1. Hội Tam Điểm

Lâu đời, bí ẩn và quy mô vào dạng bậc nhất thế giới, đó chính là hội Tam Điểm (tiếng Anh: Freemasonry) . Đây là hội kín nổi danh bởi sự phân cấp, các nghi lễ chặt chẽ và vô cùng quy củ.

Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về sự ra đời của hội kín này. Phần đông ủng hộ rằng, Hội Tam Điểm xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI tại Scotland, sau đó lan sang Anh và các nước châu Âu khác. Cho tới năm 1717, nó chính thức trở thành một hội phái tại London, tự xưng là “Hiệp hội những người thông thái và bác ái”. Biểu tượng của hội là chiếc compa kết hợp với thước vuông và có chữ G ở giữa, đề cao trí tuệ, kiến thức của con người.


Hội Tam Điểm được phân chia thứ bậc rất rõ ràng: 3 cấp khác nhau gồm mới gia nhập (entered apprentice), trung cấp (fellow craft), cao cấp (master mason).Ở cấp độ cuối cùng, hội viên trở thành một pháp sư, có thể điều khiển các nghi lễ khác nhau của hội. Các thành viên nhận ra cấp bậc của nhau dựa vào những nghi thức bắt tay, trình độ kiến thức…

Để trở thành hội viên Tam Điểm, người đó phải có sự tiến cử của một Master Mason đi trước, tối thiểu ba lần trước khi gia nhập. Đồng thời, người muốn gia nhập cũng phải trên 18 tuổi và trải qua những thử thách để chứng minh kiến thức và trí tuệ của bản thân.

2. Illuminati


So với hội Tam Điểm thì sự nổi danh của Illuminati không hề kém cạnh. Xung quanh hội kín này có vô vàn những tin đồn và ngộ nhận sai lệch. Nhiều người thường nhầm lẫn Illuminati và hội Tam Điểm là một, hay từng có thời gian, người ta quy kết Illuminati chống lại các tôn giáo…

Trên thực tế, Illuminati là tập hợp những người vô thần tự gọi mình là các Perfectibilists (tín đồ của sự hoàn hảo). Tên Illuminati cũng có nghĩa trong tiếng Latin là giác ngộ, khai sáng. Tổ chức do thầy dòng Adam Weishaupt lập nên 01/05/1776 tại Bavaria.


Đã có lúc, hội phát triển rực rỡ gồm hơn 2.000 hội viên. Nhưng vào cuối thể kỷ XVIII, hội suy yếu bởi những tranh chấp nội bộ để giành quyền lãnh đạo tối cao cũng như sự ngăn cấm của lãnh chúa Karl Theodor. Với luật cấm 1784, Illuminati đã bị giải thể.

Illuminati nổi tiếng thế giới bởi biểu tượng kim tự tháp cũng như dòng chữ tên hiệu có thể viết xuôi và ngược tùy ý. Những câu chuyện huyền thoại được thêu dệt nên về hội này gây ra sự lầm lẫn với hội Tam Điểm.Người ta còn đồn rằng, Illuminati chưa thực sự bị tiêu diệt. Một nhánh nhỏ của hội này vẫn tồn tại ngầm cho tới ngày nay, âm mưu thống trị toàn thế giới cũng như Skull and Bones – một hội kín nổi tiếng khác chính là chi nhánh của Illuminati tại Mỹ.

Ca sĩ Beyoncé

Nhiều người nổi tiếng bị cho là thành viên của tổ chức này như Winston Churchill và gần đây nhất là ca sĩ Beyoncé. Tuy nhiên, sự thật về hội kín này vẫn là một bí ẩn chưa lời giải đáp.

3. Tu viện Sion

Tu viện Sion (tiếng Pháp: Prieuré de Sion, tiếng Anh: Priory of Sion) là một hội kín nổi tiếng ra đời từ năm 1099. Hội kín này được thành lập bởi Godfrey de Bouillon trên núi Zion trong thành Jerusalem. Tôn chỉ của hội là bảo vệ con cháu hoàng gia thuộc dòng dõi của vua David và hậu duệ của Chúa Jesus.


Tu viện Sion được điều hành bởi các nhân vật được phong làm “đại pháp sư”, trong đó có những người nổi tiếng như Leonardo Da Vinci, Isaac Newton, Victor Hugo…Hội này luôn mong muốn thành lập một đế chế Holy thống nhất châu Âu, mở ra một trật tự thế giới mới, hòa bình và thịnh vượng hơn.

Tất cả những điều vừa được nhắc đến ở trên tồn tại trong suy nghĩ của nhiều các thế hệ khác nhau, song sự thực nó chỉ là một trò lừa bịp. Tu viện Sion không hề có thật. Nó là sự hư cấu của một người Pháp tên Pierre Plantard. Cái tên tu viện Sion thực chất ra chỉ là tên một tổ chức đăng kí hoạt động tại thị trấn Annemasse, miền Đông Pháp từ tháng 6/1956 và tan rã chỉ 6 tháng sau đó.

Thế nhưng, để nổi tiếng, Plantard đã tiến hành những chiêu trò lừa bịp nhiều người tin vào huyền thoại tu viện Sion như trà trộn sách vào thư viện Paris, công bố các bức thư giả mạo, danh sách đại pháp sư… Đích thân Plantard đã thú nhận điều này khi bị điều tra năm 1993.

Mật mã Da Vinci đã nhắc đến tu viện huyền bí Sion

Theo Mystown

ĐỜI NGƯỜI NHƯ CHIẾC LÁ THU VÀNG

Cây phong trước cửa nhà tôi đã bắt đầu sơ sác, lá trên cành đã ngả màu vàng, cam và trên thảm cỏ xanh lá đã rụng khô quăn keo lốm đốm nằm rải rác làm cho tôi phải đứng lặng người ngắm nhìn.


Thiên nhiên chợt trở mình thay xiêm y một cách lạ kỳ. Không còn cơn nóng nhớt nhãi mồ hôi thay vào đó là những đợt gió mát rượt và những hạt mưa réo rắt bên thềm nhà báo hiệu mùa thu đang từ từ đến miền đất Minnesota. Tiểu bang này có bốn mùa phân biệt và mùa thu có lẽ là mùa tôi thích nhất và nghĩ rằng đời mình biến thành chiếc lá mùa thu mầu quyến rũ rung rinh trong gió không biết bao giờ rơi rụng khi gió đông về.

Vâng, đời người thật ngắn ngủi nên mùa thu của tôi cũng như là mùa hưu trí dưỡng già. Sau bao nhiêu năm hăng say dậy dỗ đàn con trẻ tôi đã bỏ bảng trắng, bút chì đen về nhà vui thú điền viên. Một ngày như mọi ngày mà ngày nào cũng là ngày cuối tuần! Giờ ăn, giờ ngủ không bị ràng buộc vào thời gian.

Hồi xưa tôi tưởng tượng về hưu chắc là vui lắm vì sẽ có con cháu đầy nhà nhưng sự thật bây giờ chỉ còn hai vợ chồng già chơ vơ nhìn nhau. Ba đứa con đã trưởng thành đủ lông đủ cánh bay xa. Đứa con gái lớn theo chồng, đứa con trai kế mua nhà sống với hôn thê và thằng út đi làm tiểu bang khác. Nhà có hai con chó được cưng chiều thì hai đứa lớn cũng chia nhau mang đi. Cô con gái lớn trước đi lấy chồng còn nói với bà má, "Khi nào có con mẹ babysit dùm con nhé!"

Tôi quay lại với sở thích mà tôi ham mê nhất là múa may với cọ vẽ sơn phết cho đẹp cuộc đời. Khi đi dạy học thì ít khi có thời gian quí báu này. Tôi dạy Anh văn cho học sinh ESL nên nhiều chữ khó định nghĩa nên tôi vẽ phác nhanh trên bảng làm mấy đứa bé mở tròn xoe mắt nhìn thích thú. Có đứa bảo tôi. "Sao thầy không là thầy dạy vẽ?"

Trước đó tôi thích vẽ tranh sơn dầu nhưng vẽ loại này lích kích vì phải dùng dầu khó rửa, lâu khô mà nhiều khi mùi dầu bay lên họa sĩ hít phải bị "say" mê man quên cả thời gian. Nay tôi dùng sơn acrylic với nước nên dễ dàng hơn, nhưng thật ra sơn dầu lên khung vải đẹp hơn nhiều.. Đề tài tôi vẽ thích nhất là các cô gái Việt Nam mặc áo dài tha thướt mỹ miều mà tôi kiếm trong internet. Bà xã có lúc cũng hơi ghen ghen," Anh lại vẽ gái rồi!" nhưng cũng có lúc tôi vẽ tĩnh vật với hoa lá cành hái trong vườn hay tranh trừu tượng. Tranh vẽ, khung hình đầy nhà, phòng nào cũng có hình triển lãm. Tôi cũng vẽ vài bức cho trường học lấy tí tiền còm.


Sở thích thứ hai là nấu nướng. Hồi còn ở Việt Nam con trai chúng tôi ai lại vào bếp làm chi trong khi nhà có mẹ, chị hay người làm lo việc này. Nhưng khi sang Mỹ con trai ai cũng phải lăn vào bếp. Khi còn sinh viên ở một mình tôi bắt đầu làm ông bếp bất đắc dĩ. Lâu lâu phải gọi điện thoại viễn liên hỏi mẹ cách nấu thịt kho, xào nấu ra sao. Bây giờ mẹ không còn nữa để mà chỉ dậy. Và từ đó nấu ăn trở thành một ham mê nhất là khi có thêm bà bếp trong nhà và hai người đều thích khoe tài của mình.

Nhiều khi đang nấu ăn mà bà xã lại nhón cho thêm gia vị hay làm bánh xong bà đưa tay bóp mạnh bánh xem có mềm không cũng hơi đau lòng. Nhưng bà xã có món bánh cuốn Hà nội tráng tay thơm mềm, ai đến nhà cũng được nếm món lừng danh này. Xuất thân là gái Hà nội có khác! Nhờ tôi xem cuốn sách gia chánh chép tay của bà và viết ra món thịt bò nướng xả ớt và trúng giải hạng nhì trong kỳ thi nấu ăn của nhật báo địa phương.

Kho tàng về cách nấu nướng nằm trong google nên muốn món nào, món Việt, Mỹ, Pháp... là coi trong internet. Không cần phải mua sách dạy nấu ăn làm chi. Nào là bánh tôm Hồ Tây, cupcakes, boeuf bourguignon (bò nấu rượu vang)... tha hồ chọn. Tôi thích nhất là các món ăn của bà Martha Stewarts, bà này sao mà khéo quá nhưng tôi nghĩ bà có nhiều người cộng tác giúp bà có tiếng.

Lão Tử có nói,"Con đường xa vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân" sao ngài nói đúng qúa. Bây giờ chính là thời gian lý tưởng cho chúng tôi sắp sẵn hành trang bước đi khám phá thế giới. Con cái đã trưởng thành, hưu trí dài dài và gân cốt còn hoạt động thì hãy làm một cuộc viễn du đi cho biết đó biết đây trước khi phải ngồi xe lăn trong viện dưỡng lão.

Chúng tôi đã về lại Á Châu ngay sau khi tôi về hưu thăm Hà nội là nơi chôn nhau cắt rốn của hai chúng tôi và Saigon nơi chúng tôi lớn lên. Chúng tôi là dân bắc kỳ di cư nhưng khi vê Hà nộì dân địa phương cứ cho tôi là người ngoại quốc. Anh lơ xe đò giới thiệu với khách tôi là dân Đại hàn dù tôi nói tiếng bắc rành rẽ. Theo như trong ngôn ngữ học, giọng nói tôi là của những người xa xứ vẫn giữ nguyên, chỉ có giọng dân địa phương là bị lai với thời gian. Dân Hà nội chính gốc không còn nhiều nữa mà thêm dân tứ xứ lên Hà nội sinh sống làm cho giọng Hà nội nguyên thủy đã mất dần.

Chúng tôi cũng viếng thăm ngôi nhà cũ của tôi gần hồ Thiền Quang (Halais) mà lòng quặn đau. Dáng nhà xưa với mầu vôi quét cũ xì vẫn còn đó nhưng trước cửa nhà biến thành hai tiệm rửa xe rầm rộ. Cái sân thượng mà u Được hay bế tôi nhìn xuống đường vẫn còn chơ chơ. Nhưng người Hà nội thật sự nay còn đâu?

Nhân dịp về Việt Nam chúng tôi còn ghé các nước khác như Đại Hàn, Nhật Bản hay Hong Kong mà không bị tăng giá vé. Dân Việt gọi chúng tôi là dân tây ba lô cũng có phần nào đúng vì chúng tôi không phung phí tiêu pha. Chúng tôi không ở khách sạn mà đặt phòng với hãng Airbnb giống như phòng cho share. Bnb viết tắt là bed and breakfast- giường và bữa ăn sáng. Giá cả nhẹ nhàng hơn và kh´ách hòa mình sống với dân địa phương. Có khi ở chung nhà với phòng riêng hay ở nhà riêng không bị ai quấy nhiễu. Chúng tôi nấu nướng hay giặt giũ mà không thêm lệ phí nào. Có nơi bà chủ còn cho ăn sáng hậu hĩnh như ở Seoul hay ông chủ dẫn đi sắm đồ tại Narita, Nhật bản. Chúng tôi cũng có lần thuê phòng Airbnb của hai vợ chồng người Pháp ở gần Hồ Tây mà không dám trở lại vì họ muốn chúng tôi ngồi nói chuyện Việt Kiều cà kê dê ngỗng mà không cho một ly nước trà trong khi mỗi sáng chúng tôi xuống chào trước khi đi chơi trong khi họ đang ăn sáng.


Trước khi đặt phòng hay đặt nhà chúng tôi phải coi kỹ nơi chốn, các tiện nghi, các dịch vụ chuyên chở công cộng và nhất là đọc những lời phê bình trên mạng lưới “Airbnb” của các kh´ách cũ viết. Chủ nhà cũng coi những lời phê bình của chủ nhà khác viết về người mướn trước khi họ chấp nhận giao phòng. Hãng Airbnb đang thịnh hành và làm cho chủ kh´ách sạn lo lắng vì bị mất khách. Cũng như hãng Uber, taxi tư nhân, hiện đang bành trướng làm cho ngành taxi kêu trời.

Ngoài ra chúng tôi dùng các dịch vụ chuyên chở công cộng như xe buýt, xe lửa còn xe ôm tại Việt Nam thì họa hoằn lắm mới dám ôm. Thích nhất là xe lửa tốc hành Shinkansen nhanh như viên đạn và sạch sẽ tại Nhật bản. Căn nhà mướn ở Nhật bản nhỏ nhưng ấm cúng, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi. Có nơi còn có TV trong phòng tắm. Thường chúng tôi ăn uống tại các tiệm ăn nhỏ tại Nhật hay Đại hàn có giá bình dân và các món dân địa phương thích. Thường các chủ nhà Airbnb có danh sách các tiệm ăn họ đề nghị.

Vui thú điền viên là cái thú cho người Việt chúng ta khi về hưu. Nhà tôi có ba cái vườn, hai cái bên hông và một cái đằng sau nhà. Mùa nào thì có việc đó. Mùa xuân trồng cây, mùa hè cắt cỏ, mùa thu hốt lá và mùa đông cào tuyết. Hai vợ chồng cùng thích trồng cây nên chồng trồng cây bà vợ tưởng cây dại hay không thích lại vất đi cho vào xọt rác. Thế là lại to tiếng. Bà vợ ham mua cây rẻ đại hạ giá 75% cuối thu lạnh lẽo mới đi mua. Cây nào có phước lắm mới sống qua mùa đông Minnesota zone 4. Chắc là tôi sẽ giao toàn quyền việc vườn tược cho bà xã cho êm cửa êm nhà!

Nói tới mùa đông Minnesota thì dân Cali nghe chắc rùng mình. Vâng, cái miền này lạnh lẽo lắm. Tủ lạnh có ngăn đông đá phải không ạ? Thời tiết mùa đông còn lạnh hơn ngăn này nữa. Thiên hạ phải ăn mặc chùm kín mít như dân Eskimo khi đi ra ngoài. Da thịt hở ra dễ bị đông đá. Nhiều khi không biết nhưng khi vào trong nhà chỗ` da thịt hở sẽ bị đỏ hồng và đau điếng người. Muốn thử cái độ lạnh như thế nào tôi đã thí nghiệm khi trời lạnh khoảng -50 độ F tôi mang một chậu nước sôi hất lên trời thấy nước biến thành bông trắng nhỏ li ti như pháo bông rất đẹp. Nhưng sống ở đâu quen đấy. Chúng tôi có dịp dọn nhà sang miền Nam Cali ở hai năm. Sang mùa thu mà cứ thấy nóng dài dài, nắng ấm hây hây làm chúng tôi nhớ đến Minnesota có bốn mùa khác biệt.

Hoạt động cho giãn gân cốt cho người hưu trí như chúng tôi là rất quan trọng. Chúng tôi có thẻ medicare và đóng thêm tiền bảo hiểm sức khoẻ của Health Partners nên chúng tôi thường hay đi gym của Lifetime Fitness mà không phải đóng lệ phí. Chúng tôi dự định tham gia các lớp như yoga, zumba, hay bơi lội tại đây Vào mùa đông các ông bà già lại hay thích đi bộ trong các trung tâm sắm đồ, nhất là tại Mall of America rộng rãi và sạch sẽ.

Nghề giáo sư của tôi cần phải viết lách nhiều cho nên đây cũng là một ham thích của tôi. Thầy giáo cần phải viết những bài soạn cho học sinh, bài luận mẫu, viết báo cho trường, hay thư liên lạc với phụ huynh. Nhưng có lẽ tôi thích nhất là viết các dự án xin trợ cấp ngân khoản dành cho giáo cải tiến nghề nghiệp trong mùa hè qua chương trình Fund for Teachers. Tôi là người độc nhất trong khu học chính được chọn ba lần du lịch về Việt nam dùng khoản trợ cấp này.

Mới đây một ông anh họ của tôi mà tôi chưa gặp bao giờ sau 1975 viết điện thư nhờ tôi cập nhật cuốn gia phả của họ ngoại tôi. Chú tôi đã qua đời nên đã giao cho ông này giữ tài liệu quan trọng của lịch sử dòng họ. Anh họ này cũng đã hơn chín bó nên tôi sẵn sàng giúp ông ta. Việt Nam trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử từ cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954 người đi người ở lại rồi đến ngày Saigon thất thủ mùa xuân 1975 nên họ hàng tôi ly tán bốn phương trời, người còn người mất cho nên việc lập và lưu truyền gia phả là một điều đáng quí cho con cháu biết được tông chi họ hàng và gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc. Đây là một công việc đáng làm cho những người hưu trí như chúng tôi.


Dù là nhà giáo đã về hưu nhưng cái nghiệp này vẫn còn theo bám theo nên tôi dành một ngày trong tuần đi làm trợ giáo cho một lớp ESL tráng niên thuộc khu học chính của điạ phương. Đây vừa là một cách chia xẻ kinh nghiệm và trả ơn khu học chính đã rèn luyện các con tôi thành người hữu dụng cho xã hội. Hơn nữa việc làm này giúp tôi tự tin và minh mẫn hơn. Các học viên lớp này đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài Việt Nam còn có Lào, Căm Bốt, Iraq, Somalia, Liberia, Mexico... họ có cùng cảnh ngộ với tôi là người rời bỏ quê hương nên chúng tôi thông cảm với nhau. Tôi vừa dạy vừa được học những văn hoá khác nhau làm cho thế giới của tôi thu nhỏ lại.

Bây giờ về hưu thì tôi thích viết bài cho mục Viết Về Nước Mỹ trong Việt Báo. Đây là một cách cho tôi diễn đạt tư tưởng, cảm xúc và chia xẻ với người đọc bằng tiếng mẹ đẻ. Sang Mỹ đã lâu nên nhiều khi tiếng Việt của tôi bị hao mòn với thời gian. Ngồi rảnh gõ phím viết bằng máy vi tính làm cho tôi có tinh thần thoải mái, hồi tưởng ký ức và viết lại ngôn ngữ quen thuộc giao tiếp với bạn đọc xa gần.

Theo tôi, ngôn ngữ nào trên thế giới cũng có thêm danh từ mới theo thời gian. Tiếng Việt Nam cũng vậy. Nhiều khi tôi ngỡ ngàng khi nghe dân địa phương nói chuyện tại Việt Nam với nhiều từ ngữ nghe lạ tai. Dù thế nào tôi vẫn yêu chuộng tiếng Việt nguyên thủy mà gia đình, thầy cô, cộng đồng... đã rèn luyện cho tôi từ khi lúc nằm nôi.

"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi". Giọng ca Thái Thanh với bài Tình Ca của Phạm Duy hãy còn nghe phảng phất đâu đây. Hoan hô mục Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo có mục đích duy trì và bảo tồn tiếng Việt cho cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Hy vọng ngôn ngữ Việt Nam yêu dấu sẽ tồn tại mãi cho đến ngàn sau.

Nắng sớm mùa thu đang lung linh trên cây xào xạc theo cơn gió thoảng hứa hẹn một ngày đẹp trời. Tôi chỉ mong có những ngày thu như hôm nay, làm những gì mà mình ham thích và có ý nghĩa, tham gia các hoạt động mới, làm việc thiện nguyện, giữ gìn sức khoẻ và cố gắng biến những giấc mơ thành sự thật, dù cao niên nhưng có trái tim trẻ trung. Sau cùng khi gió đông thổi tới tôi sẵn sàng lìa cành bay theo chiều gió với nụ cười mãn nguyện trên môi.

Đặng Hà Nội

VỀ PHONG ĐIỀN, CẦN THƠ, NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ NHỮNG MÓN NGON NÀY

Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ với những vườn cây đầy hoa thơm, trái ngọt làm say lòng du khách khi ghé thăm. Ẩm thực ở vùng đất này cũng vô cùng phong phú khi du khách hoàn toàn có thể ăn đẫy bụng những món đặc sản trứ danh.

Bánh hỏi mặt võng thịt kim tiền

Bánh hỏi mặt võng độc đáo từ khâu làm bánh cho đến hương vị khó quên- Ảnh: Internet

Sau khi dạo hết những vườn trái cây, thăm thú khắp nơi, bụng cồn cào đói du khách có thể ghé ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái để thưởng thức miếng bánh hỏi mặt võng còn ấm với thịt kim tiền nóng hổi vừa mới nướng xong và khó ai có thể cưỡng lại được món ăn ngon này.

Bánh hỏi mặt võng là món ăn độc quyền của nhà vườn du lịch Út Dzách. bánh hỏi mặt võng là nghề truyền thống lâu đời của hộ gia đình này và đã có cách nay hơn 50 năm. Bánh hỏi mặt võng khác hẳn với bánh hỏi khác do có vị ngọt, mặn, miếng bánh trong, dai và không dùng chất phụ gia. Bánh có hoa văn mặt võng, nhìn rất bắt mắt do sự khéo tay của người làm ra chúng.

Chủ nhân của món ăn này cho biết, hàng chục năm trước món bánh này được làm làm ra với mục đích phục vụ trong gia đình và giúp đỡ hàng xóm khi có giỗ, tiệc chứ không để kinh doanh. Đến sau này, khi bánh hỏi mặt võng trở thành một món ăn quen thuộc, được đông đảo người dân ưa thích gia đình mới gia công bánh để bán. Và dần dần gia đình phát triển thành điểm du lịch thu hút khách. Để có được những mẻ bánh hỏi mặt võng, người làm phải qua làm qua nhiều công đoạn công phu. Nhất là công đoạn khuấy bột trên bếp lửa trong nhiều giờ liền.Ngoài món bánh hỏi mặt võng ăn cùng với thịt kim tiền và các loại rau sống. Thịt kim tiền là thịt heo bằm nhỏ, trộn cùng các loại gia vị vừa ăn và được nặn thành từng viên nhỏ, xiên vào que để nướng. Khi thịt vừa chín, dậy mùi thơm là có thể dọn ra ăn cùng bánh hỏi. Đây là món ăn được rất nhiều du khách đánh giá cao khi ghé đến Phong Điền.

Gà hấp củ lùn

Gà hấp củ lùn sẽ khiến du khách gắp hết miếng này đến miếng khác- Ảnh: Hoàng Việt

Đây là món ăn trứ danh của Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu ở xã Nhơn Nghĩa. Củ lùn hay còn được gọi là củ năn tàu, cây mọc thành bụi cao chừng 1 mét, lá xanh dài như lá cây nghệ. Củ lùn có dạng tròn, kết thành từng chùm, vỏ màu vàng có rể con mọc tua tủa. Đây là món ăn chơi của người dân miền Tây. Nhưng khi kết hợp với gà vườn, sẽ ra đời một món ăn khó quên.

Gà vườn chọn con vừa ăn, để nguyên con rồi ướp sơ gia vị. Củ lùn gọt vỏ, bổ đôi cho vào nồi hấp. Khi gà chín, dùng tay xé nhỏ thịt gà vừa ăn. Lúc này, vị thịt gà và củ lùn quyện vào nhau, ăn cảm nhận vị bùi bùi của củ lùn, vị thơm ngon của thịt gà.

Lẩu bần

Vị chua thanh nhẹ của trái bần được dùng nấu lẩu hoặc canh sẽ là món ăn không thể thiếu trong bàn tiệc của du khách khi đến với H.Phong Điền, TP.Cần Thơ - Ảnh: Hoàng Việt

Cây bần là loại cây phổ biến và rất quen thuộc với người miền Tây. Loại cây này thường được trồng bên bờ sông, góp phần chống sạt lở. Chính từ sự quen thuộc đó, cây bần ngoài tác dụng chữa một số bệnh, từ lâu cũng đã đi vào ẩm thực của vùng đất này. Trái bần thường dùng để nấu canh chua hoặc nấu lẩu cùng với các loại cá da trơn. Cách nấu cũng khá đơn giản, miễn sao làm bật lên vị chua nhẹ, thanh dịu của trái bần.

Khi nấu, đầu bếp lựa trái bần chín luộc trong nước sôi đến chín rồi dằm nhuyễn ra lấy nước cốt. Chính nước cốt này là hương vị chủ đạo cho món lẩu. Lưu ý, trái bần dùng nấu lẩu hay canh chua phải là trái bần chín, nếu chọn trái bần sống, nước sẽ có vị chát. Sau khi có nước cốt bần, đầu bếp sẽ nấu cùng các loại rau đặc trưng và cá da trơn như những loại lẩu, canh thông thường.

Gà um dâu hạ châu

Gà um dâu hạ châu, món ăn mới nhưng dễ dàng thuyết phục được những vị khách khó tính - Ảnh: Internet

Dâu hạ châu là loại trái cây đã mang lại thương hiệu cho du lịch H.Phong Điền với vị chua chua, ngọt ngọt khiến du khách không thể chỉ ăn vài trái cho biết. Ngoài cách ăn trực tiếp, dâu hạ châu còn dùng để chế biến món ăn, một trong những món ăn nổi tiếng là món gà um dâu hạ châu.

Đây là món ăn được một chủ quán ăn ở thị trấn Phong Điền sáng tạo mà thành. Để chế biến món ăn này, gà sau khi được làm sạch, ướp gia vị sẽ được chiên trong chảo dầu cho đến chín. Sau đó, gà sẽ được xé nhỏ, hoặc chặt từng miếng vừa ăn. Dâu hạ châu bỏ vỏ lấy phần thịt bên trong rồi sên với nước đường để tạo màu. Khi phần sốt dâu sền sệt thì trộn với thịt gà rồi bắc lên bếp rim trên lửa nhỏ cho thấm gia vị. Ăn miếng thịt gà thấm nước sốt dâu hạ châu, chua chua, hăng hăng là một trải nghiệm mà du khách nên thử.

Bánh ít trần nhân vịt xiêm

Đến với H.Phong Điền, du khách nên tìm ăn thử món bánh ít trần nhân vịt xiêm này - Ảnh: Internet

Nếu không muốn no bụng với những món ăn chính, du khách có thể tìm đến một số món ăn vặt. Một trong số đó là bánh ít trần nhân vịt xiêm của Vườn trái cây Chín Hồng ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh. Món ăn này cũng từng dành được thứ hạng cao trong các cuộc thi bánh dân gian được tổ chức ở Cần Thơ.

Bánh ít trần được làm từ bột nếp, chữ “trần” là chỉ loại bánh không gói trong lá chuối, lá gai như thường thấy. Không như những loại nhân bánh thông thường được làm bằng tôm, thịt hay đậu xanh, bánh ít trần nhân vịt xiêm có hương vị độc đáo riêng. Và khi ăn không thể thiếu nước cốt dừa cùng các loại rau sống, nước mắm chua ngọt.

Tại vườn trái cây Chín Hồng, du khách còn có thể thưởng thức nhiều loại bánh dân gian khác như bánh xèo, bánh bò, bánh đúc…

Thanh Nguyên
Theo: Một Thế Giới


Sunday, August 30, 2020

HÀNH TRÌNH TỪ BỤI CÂY DẠI ĐẾN SIÊU PHẨM "MÂM XÔI CON GÀ"

Nổi tiếng là siêu cây với định giá lên đến hàng triệu USD nhưng ít ai biết rằng, cây cảnh “mâm xôi con gà” vốn xuất phát từ một bụi cây dại.


“Mâm xôi con gà” nổi tiếng từ năm 2010, trong một triển lãm sinh vật cảnh chào mừng 1000 năm Thăng Long. Sau lần “chào sân” đầu tiên, cây cảnh đã được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật.


Cây có chiều cao 1m65, chiều ngang 2m, trọng lượng cả đá khoảng 1 tấn, có tán xòe rộng như mâm xôi, gốc và thân cây nằm trên khối đá nhỏ tạo thành hình gà. Phía trên ngọn cây uốn lượn tạo thành hình “rồng bay phượng múa”. Tháng 4/2012, siêu cây này đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, “mâm xôi con gà” được định giá 6 triệu USD, tương đương với 120 tỷ đồng. Với định giá này, siêu cây chính thức thuộc top những cây cảnh có giá “khủng” nhất hiện nay.


“Mâm xôi con gà” sở hữu vẻ đẹp “vạn người mê” song ít ai biết hành trình trở thành siêu cây của tác phẩm này.


Tháng 8/1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường “họa sĩ”) đã phát hiện và “rinh” cây cảnh này từ một người họ Phạm ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.


Chia sẻ về ngày đầu tiên chiêm ngưỡng “mâm xôi con gà”, họa sĩ Cường cho biết: “Hôm đó, tôi tình cờ được một người bạn rủ cùng nhau đi thăm cây “mâm xôi con gà”. Thói tò mò khiến tôi quyết định cùng bạn đến nhà anh Tình để xem cây cảnh có cái tên đặc biệt này. Lúc này, cây cảnh được đặt trong một chậu nước, có hiện tượng bị thối rễ do bùn lắng đọng, phía trên ngọn cây có hình một con gà”


Khi đem “mâm xôi con gà” về nhà, anh Cường cho biết bản thân có những lúc cảm thấy rất hoang mang bởi lúc đó cây cảnh này đang bị hỏng. Tuy nhiên, với sự độc lập, sáng tạo cùng cảm quan về cái đẹp, họa sĩ Đặng Xuân Cường đã tự tay cắt, sửa và tạo dáng cho cây có tạo hình như ngày hôm nay. So với hình dáng cây ban đầu, anh Cường chỉ giữ lại phần gốc và một số cành quan trọng.


Tuổi đời cây “Mâm xôi con gà” chưa phải là già. Tuy nhiên, qua bàn tay tài hoa của họa sĩ Đặng Xuân Cường, chỉ sau 8 năm (1996 -2004), “mâm xôi con gà” từ một bụi cây dại đã trở thành siêu cây nổi tiếng và đáng giá hàng triệu đô. Năm 2004, Cường “họa sĩ” quyết định bán “mâm xôi con gà” cho một nghệ nhân chơi cây cảnh tên là Quý. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.


Ngày này, sau 23 năm, siêu cây “mâm xôi con gà” vẫn giữ được nét đẹp vốn có và trở thành tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh nổi tiếng hiện nay.

Bích Ngọc


GÁC TRỊNH, ĐIỂM DỪNG CHÂN THÚ VỊ KHI ĐẾN HUẾ

Gác Trịnh mở của từ 1/4/2013 và đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế, không gian quán gợi nhớ tới người nhạc sĩ đại tài của nền tân nhạc Việt Nam.

Gác Trịnh nằm ở tầng 2, số nhà 203/19, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ. Căn gác nhỏ từng là “một chốn đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Tại đây ông đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình.

Nơi đây còn lưu giữ lại những kỷ vật của ông, cùng tranh ảnh lưu niệm bạn bè, gia đình ông tặng lại. Chính những kỷ vật ấy đã làm nên một “không gian văn hóa Trịnh” có một không hai. Trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay lá thư tình ông viết cho Dao Ánh…

Căn gác ở cuối nhà, nơi khung cửa sổ nhỏ là bộ bàn ghế ông từng ngồi để sáng tác những tình khúc bất hủ. Khách ghé có thể ngồi uống cafe ngay tại đây.

Gian nhà giữa quán là nơi treo nhiều tranh ảnh kỷ niệm của ông. Căn gác nhỏ không chỉ là kỷ niệm, đó còn là nỗi nhớ, niềm thương về một cố nhạc sĩ tài hoa một thời.

Trịnh Công Sơn như vẫn còn ở đâu đó, trong không gian nhỏ, đậm chất Huế này, hay trong ca từ giản dị của những bài hát mà người quản lý vẫn mở mỗi khi khách ghé thăm.

Lá thư tình ông viết cho “Ánh-tuổi-nhỏ” được bà Dao Ánh tặng lại cho Gác Trịnh. Từ ngữ mượt mà năm xưa từng làm rung động trái tim cô nữ sinh Huế :“Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.”

Đúng vậy, ngôn từ của ông chật hẹp, căn gác cũng không mấy rộng rãi. Nhưng trái tim ông rộng lớn vô cùng.

Trịnh Công Sơn từng nói “cái chết chẳng qua chỉ là sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống”. Sau sự đùa đợt cuối cùng ông ra đi, nhưng tình yêu mà người nghe nhạc và nhóm nghệ sĩ Huế dành cho ông vẫn ở đấy, nơi căn Gác nhỏ.

Lan can bên ngoài bày hai bộ bàn ghế, khách đến có thể ngồi trên đây ngắm xuống phố Nguyễn Trọng Tộ. Đây cũng là nơi mà Trịnh Công Sơn ngồi ngắm hình bóng “Diễm” dưới hàng cây long não, mỗi lần “Diễm” tan học về.

Trần Việt Anh


VỀ GIỌNG NÓI Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ XE LAM

Giọng Quảng với những nét riêng đã tạo nên một bản sắc độc đáo nhưng lại không hề dễ nghe, dễ hiểu đối với những người ngoài xứ Quảng. Đôi lúc chắc họ còn tự hỏi: “Sao người Quảng phát âm sai chính tả nhiều đến thế?” Tuy vậy, đối với những người con đất Quảng, nhất là những người xa xứ, đây chính là nét không lẫn vào đâu được của quê hương.


Về giọng nói ở một nơi không có xe lam

1. Xưa nay Quảng Nam có lẽ là địa phương mà giọng nói bị đem ra trêu ghẹo nhiều nhất nước. Nói cho công bằng, so với một số vùng miền Bắc và miền Nam, người Quảng phát âm rất chuẩn xác các phụ âm đầu.

Giọng Quảng phân biệt một cách rõ ràng giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G... Nhưng âm giữa và âm cuối, người Quảng thường phát âm chệch.

“En không en tét đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) có lẽ là câu nói phổ biến nhất nhằm giễu cợt cách phát âm của người Quảng. Người ta còn bảo ở Quảng Nam không có xe lam, xe đạp. Hỏi tại sao, đáp: Tại Quảng Nam chỉ có xe “lôm”, xe “độp”. Liên quan đến chiếc xe đạp, còn có câu chuyện hài: Người Quảng Nam đi vào một cửa hàng bán phụ tùng xe ở Sài Gòn, cố uốn giọng để phát âm cho chuẩn, oái ăm sao rốt cuộc lại thành: “Bán cho tôi một cái... láp xe độp”. Người bán sau một hồi gặng hỏi, bực mình: “Lốp xe đạp” thì nói đại là “lốp xe đạp” ngay từ đầu, còn bày đặt... nói lái là “láp xe độp”. Nào có cố tình lái liếc gì đâu, thật oan còn hơn oan Thị Kính! Những câu chuyện như thế, ngẫm ra còn rất nhiều.

2. Nhà thơ Tường Linh sáng tác nguyên một bài thơ theo giọng Quảng, trong đó mọi âm “ô” ở cuối câu đều biến thành âm “ơ”:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm
Mùa đông tơi lá che mưa bấc
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Nhà thơ trào phúng Tú Rua cũng có một bài tương tự, nhưng trong bài thất ngôn bát cú này “a” biến thành “ô”:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm
Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Cả hai bài đều hay.


3. Trong tác phẩm Quán Gò đi lên của tôi, nhân vật chính là một cô gái xứ Quảng: con Cúc “nước mắm Nam Ô”. Con Cúc phục vụ trong quán Đo Đo “chuyên bán các món ăn xứ Quảng”, nói giọng Quảng đặc sệt. Lúc con Cúc mới vô làm ở quán, xảy ra câu chuyện sau đây:

“Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:

- Chị kiếm cho em cái “bô”!

Chữ “cái bao” qua cái giọng nguyên chất của con Cúc biến thành “cái bô” khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toa lét cầm cái bô đem ra:

- Nè.

Con Cúc ré lên:

- Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”


Như vậy, giọng Quảng Nam không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện tiếu lâm dân dã, mà còn đi vào cả văn thơ. Ở đây, không thể không để ý đến một điểm đặc biệt: nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Tú Rua và tôi đều là... người Quảng Nam. Và tôi e rằng những mẩu chuyện cười về giọng Quảng đa phần đều do người Quảng Nam sáng tác.

4. Người Quảng Nam sao lại đem cái giọng của quê mình ra giễu cợt? Hỏi vậy là chưa hiểu đúng cốt cách người Quảng. Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới không ngại “tự trào” về mình. Ở đây có điều gì đó tương tự thái độ của người dân xứ Gabrovo (Bulgaria): họ sáng tác những câu chuyện cười về tính keo kiệt của mình, thậm chí còn thành lập cả một nhà bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo để lưu giữ và tìm cách quảng bá những giai thoại cười ra nước mắt đó ra thế giới.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong những bàn trà, cuộc rượu, chính dân Quảng Nam là những người kể một cách sảng khoái nhất những mẩu chuyện cười về giọng Quảng chứ không ai khác. Những người dân của xứ “xe lôm”, “xe độp” đó cũng là những độc giả đón nhận những vần thơ “tự trào” của Tường Linh, Tú Rua một cách vô cùng nồng nhiệt.

5. “Tự trào” là xét về phương diện thái độ. Nhưng nếu chỉ thuần đề cao khía cạnh tinh thần, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ cuốn truyện nói về giọng Quảng đã không được dân Quảng tâm đắc đến vậy. Bên cạnh sự thích thú, còn có sự thân thương. Nhất là những người Quảng tha hương, đã bao nhiều năm không được sống trong khung cảnh quê nhà, bây giờ bỗng đọc thấy, bỗng nghe nói chữ “con tơm” thay vì “con tôm”, “cái bô” thay vì “cái bao”, “thôm lôm” thay vì “tham lam” tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về.

Cái giọng nói mộc mạc, quê kiểng đó là giọng nói của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng mà mình đã quen tai từ nhỏ, ngay từ lúc còn nằm u ơ trong chiếc nôi ru. Chất giọng đó đã ngấm qua bao mưa nắng, trải qua bao bão giông của thiên nhiên và cuộc đời mà hình thành và trụ lại cho đến hôm nay. Nó gợi lên những vùng đất, những mặt người, những ký ức mà người Quảng xa xứ nào cũng chất chứa trong lòng như một hành trang vô hình. Nó là một giá trị phi vật thể, không phải để tổ chức UNESCO công nhận mà để những người Quảng tự hào như một tấm “căn cước tinh thần” mà mình mang theo suốt cả đời người. Có thể nói, giọng Quảng là một phần của văn hóa Quảng.

6. Giọng Quảng như vậy đã đi vào văn vào thơ, vào những giai thoại dân gian. Bây giờ với Ánh Tuyết, một ca sĩ Quảng Nam, nó đi vào nhạc. u cũng là một lẽ tự nhiên.

Mưa Chiều Kỷ Niệm - Giọng hát cô gái Quảng Nam, Ánh Tuyết

Khi nhà thơ Lý Đợi (cũng người Quảng Nam) gửi cho tôi qua email bài Mưa chiều kỷ niệm được hát bằng giọng Quảng, tôi nghe, thoạt đầu thì bật cười, nhưng càng nghe càng xúc động, cuối cùng là rưng rưng nước mắt. Lúc đó tôi chưa biết người hát là Ánh Tuyết. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần, mường tượng đó là giọng của người chị họ yêu dấu năm xưa, của cô bạn gái ngây thơ thời trung học. Càng nghe càng thấy nhớ và bồi hồi nhận ra cái chân chất trong giọng hát, trong tâm tình người Quảng chân quê.

Ánh Tuyết chưa ra album, những bài hát demo kia đã phát tán trên mạng nhanh như gió. Và tôi đọc thấy biết bao lời chia sẻ đượm thương yêu, trìu mến của người Quảng đang lưu lạc ở khắp nơi trên thế giới. Họ cảm ơn Ánh Tuyết, cảm ơn những ca khúc hát bằng giọng Quảng đã giúp những người Quảng tha hương được một lần thổn thức hoài vọng quê nhà.

Hiển nhiên, giọng Quảng không phải là giọng để chinh phục và phổ biến những ca khúc một cách chính thức, đại trà. Bên cạnh giọng Quảng, những ca khúc trong album Duyên kiếp còn được Ánh Tuyết trình bày bằng giọng Bắc - dành cho những thính giả chưa có “bằng B tiếng Quảng”.

Rõ ràng, Ánh Tuyết thực hiện album này như là một cuộc chơi của người con xứ Quảng. Như các nhà thơ Tường Linh, Tú Rua đã từng chơi những cuộc chơi của mình.

Những cuộc chơi nghiêm túc. Và giàu ý nghĩa, ít ra là với người Quảng Nam!

Nguyễn Nhật Ánh

Nỗi Buồn Hoa Phượng - Giọng hát cô gái Quảng Nam Ánh Tuyết

QUỐC CA MỸ ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Vào một đêm mưa ngày 13/9/1814, một luật sư người Mỹ 35 tuổi có tên là Frances Scott Key nhìn quân Anh nã pháo liên hồi vào pháo đài McHenry ở Cảng Baltimore. Cuộc chiến năm 1812 đã kéo dài suốt 18 tháng và luật sư Key đang đàm phán để phóng thích một tù binh Mỹ.


Lo ngại rằng ông đã biết quá nhiều, quân Anh đã giữ ông trên tàu nằm cách bờ biển tám dặm. Khi màn đêm buông xuống, ông nhìn thấy bầu trời chuyển sang màu đỏ và trước quy mô của cuộc tấn công, ông tin rằng quân Anh sẽ chiến thắng.

“Dường như lòng đất mở ra để thổi đi những loạt đạn pháo trong màn lửa và lưu huỳnh,” ông kể lại. Nhưng khi khói tan vào lúc những tia nắng đầu tiên của bình minh ló dạng, trong sự sững sờ và thở phào nhẹ nhõm, Key thấy lá cờ Mỹ, chứ không phải cờ Anh giương lên trên pháo đài.

Ngập tràn cảm xúc

Theo Viện Smithsonian, nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử vô giá, thì trong lòng Key tràn ngập cảm xúc trước những gì ông chứng kiến nên ông đã viết thành thơ.

Ông đã đưa bài thơ ông viết cho anh rể, Joseph H Nicholson, tư lệnh một đơn vị dân quân ở Fort McHenry, xem, và ông này đã nhận xét rằng lời thơ hài hòa hoàn hảo với một giai điệu ngắn rất được ưa chuộng của nước Anh do nhạc sỹ John Stafford Smith sáng tác vào năm 1775.

Bài hát Anacreontic Song, hay còn gọi là Anacreon in Heaven, được viết cho một câu lạc bộ của giới thượng lưu ở London nhưng vào đầu thế kỷ 19 nó đã vượt Đại Tây Dương và trở nên nổi tiếng ở Mỹ.

Ấn tượng mạnh mẽ với bài thơ của Key, Nicholson đã đem nó đến một nhà in ở Baltimore và phát hành dưới tên Đơn vị phòng vệ Fort M’Henry và ghi giai điệu mà lời thơ này nên được phổ nhạc hát theo.


Báo The Baltimore Patriot cho in lại và chỉ trong vòng có vài tuần, bài hát The Star-Spangled Banner (tạm dịch "Lá cờ chói lọi ánh sao"), cái tên mà nó nhanh chóng được biết đến, đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm trên khắp đất nước và khiến lời hát của Key cũng như lá cờ mà lời thơ tôn vinh vốn không lâu sau đã trở thành lịch sử đã trở nên bất tử.

Lời ca lay động tâm hồn

Được hải quân sử dụng vào năm 1889, bài hát đã được Puccini trích lại trong vở opera của ông có tựa đề Madame Butterfly.

Vào đầu thế kỷ 20, sức hút của bài hát dường như không gì có thể cưỡng lại được. Nó được ưa thích đến mức cho đến năm 1916 đã có hàng chục bản khác nhau và Tổng thống Woodrow Wilson đã yêu cầu Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đưa ra bản chính thức.

Cơ quan này đã nhờ sự giúp đỡ của năm nhạc sỹ: Walter Damrosch, Will Earheart, Arnold J Gantvoort, Oscar Sonneck và John Philip Sousa. Buổi trình diễn đầu tiên của bản đã được chuẩn hóa diễn ra ở Carnegie Hall vào tháng 12/1917.

Tuy nhiên, phải cho đến ngày 3/2/1931 bài hát The Star-Spangled Banner mới chính thức trở thành quốc ca của Hoa Kỳ, theo một đạo luật của Quốc hội do Tổng thống Herbert Hoover ký.

Thời gian ra đời chính thức của Quốc ca Mỹ tương đối muộn có lẽ là ngạc nhiên đối với những ai nghĩ rằng nó có từ rất lâu trong lịch sử, nhưng sự thiếu hiểu hiểu biết này thể hiện một xu thế lớn hơn.

“Nhiều người Mỹ không biết rằng có rất nhiều những thứ mà chúng ta cho là nền tảng của Hoa Kỳ thật ra bắt nguồn từ những năm 1920 và thời kỳ Đại Suy thoái,” Sarah Churchwell, giáo sư văn chương Mỹ tại Đại học Đông Anglia và là tác giả của cuốn sách được ca ngợi rộng rãi Careless People, nói.

“Khi F Scott Fitzgerald – một người họ hàng xa của Frances Scott Key – đang bắt đầu nghĩ về cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby vào năm 1922, năm mà ông lấy bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết này thì nước Mỹ vẫn đang tranh luận có nên có một bài quốc ca hay không”.


Giấc mơ Mỹ

Mặc dù The Star-Spangled Banner là ứng cử viên hàng đầu, Churchwell chỉ ra rằng nó đã bị một số người phản đối dữ dội.

Vào ngày 11/6 năm 1922, nhà khoa học Augusta Emma Stetson, người xây dựng nhà thờ First Christian Science tại Công viên Trung tâm New York đã đăng một quảng cáo lớn ấn tượng trên tờ New York Tribune với tiêu đề: “The Star-Spangled Banner không bao giờ trở thành Quốc ca của chúng ta”.

Đoạn quảng cáo này đã nói về ‘những giai điệu bạo lực, không thể hát được vốn không bao giờ diễn đạt được những lý tưởng nền tảng của đất nước chúng ta’. (Không chỉ bởi phần nhạc không phải do người Mỹ sáng tác mà tệ hơn nữa nó là giai điệu của một bài hát thô tục, đầy nhục dục của những người uống rượu, Churchwell cho biết).

“Sẽ không bao giờ Quốc hội hợp pháp hóa một bản quốc ca vốn xuất phát từ những phẩm chất thấp nhất của tình cảm con người,” đoạn quảng cáo nói.

Quốc hội lại nghĩ khác. “The Star-Spangled Banner đã trở thành quốc ca Mỹ vào năm 1931, hai năm sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ, khi người Mỹ cần sự khôi phục niềm tin,” Churchwell nói.


Bà cũng chỉ ra rằng chính trong năm này khẩu hiệu ‘Giấc mơ Mỹ’ đã trở thành câu cửa miệng nổi tiếng của nước Mỹ nhờ vào một cuốn sách có tựa đề Epic of America của James Truslow Adams.

“Nhìn chung, tôi nghĩ người Mỹ được khuyến khích nghĩ rằng tất cả những gì về đất nước chúng tôi kéo dài từ rất lâu và vượt qua cả lịch sử. Đó là khía cạnh chính của Giấc mơ Mỹ và chính là điều mà Fitzgerald muốn nhắc đến trong Gatsby – ý tưởng rằng chúng tôi luôn bị lôi cuốn về lịch sử của mình mà chúng tôi không hiểu được nó.”

Clemency Burton-Hill
Theo: BBC Culture
Link tham khảo:


Saturday, August 29, 2020

TÁC GIẢ BÀI TỪ “MÃN GIANG HỒNG” LÀ AI?

Cách nói truyền thống, bài từ theo điệu Mãn giang hồng 满江红 với câu đầu Nộ phát xung quan 怒发冲冠, xuất xứ từ Nhạc Phi 岳飞 vị anh hùng dân tộc đời Tống, nhưng một số học giả cận đại lại đề xuất ý kiến khác, đồng thời trường kỳ tranh luận trong giới học thuật. 


Căn cứ chủ yếu cho Nhạc Phi là tác giả của bài từ Mãn giang hồng đó là trong Tàng Nhất thoại du 藏一话腴 của Trần Úc 陈郁 đời Tống có đề cập thời của Nhạc Phi, ghi rằng Vũ Mục 武穆

Hựu tác “Mãn giang hồng”, trung phẫn khả kiến
又作 “满江红”, 忠愤可见
(Lại sáng tác bài “Mãn giang hồng”, có thể thấy lòng trung trinh và căm phẫn)

Câu này nói rõ trong những trước tác thời bấy giờ đã có ghi chép về Mãn giang hồng. Thêm vào đó, trong bi lâm 碑林 nơi miếu Nhạc Phi tại huyện Thang Âm 汤阴 tỉnh Hồ Nam 湖南 có một tấm bia, bên trên có khắc toàn bài Mãn giang hồng. Bia được khắc vào năm Thiên Thuận 天顺 thứ 2 triều Minh, tức năm 1458, do Vương Hi 王熙, người cùng huyện với Nhạc Phi soạn. Gia tộc Vương Hi nối đời cư trú tại Thang Âm, nên có lẽ không dám nguỵ tạo.


Ngoài ra một ở số câu cụ thể trong bài từ, một số học giả cũng hồi đáp những nghi vấn mà những người phủ định nêu ra. Như học giả Đài Loan Lý An 李安 trong bài viết năm 1980, căn cứ vào những khảo chứng sử thực với những từ trong bài Mãn giang hồng đã đưa ra kết luận: với bài Mãn giang hồng, Nhạc Phi đã “biểu đạt cảm thụ chân thực của con người mình, sáng tác vào hạ tuần tháng 9 năm 1133 tại Cửu Giang 九江.”

Nghi điểm về bài Mãn giang hồng

Căn cứ chủ yếu cho rằng bài từ Mãn giang hồng không phải do Nhạc Phi sáng tác mà do người khác nguỵ tác là:

Trong những trước tác của hai triều Tống – Nguyên không có ghi chép về bài từ này, mà nó được thấy sớm nhất là vào năm Hoằng Trị 弘治 thứ 15 triều Minh, tức năm 1536; hơn nữa, trong tập Kim Đà tuý biên 金陀粹编 của cháu Nhạc Phi là Nhạc Kha 岳珂 cũng không chép bài từ này. Ngoài ra, nhìn từ nội dung của bài cũng khiến người ta hoài nghi. Sinh tiền, địa điểm mà Nhạc Phi đối kháng với quân Kim là tại vùng lưỡng Hồ, Hà Nam. Chí hướng của ông ở nơi đó, đánh phủ Hoàng Long 黄龙, trong địa phận tỉnh Cát Lâm phía đông bắc, còn Hạ Lan sơn 贺兰山 mà bài từ nói đến:


Giá trường xa đạp phá Hạ Lan sơn khuyết
驾长车踏破贺兰山阙
(Cưỡi chiến xa vung roi thẳng tiến, đạp bằng từng cửa khẩu ở Hạ Lan sơn)

thì ở tại vùng Cam Túc, Ninh Hạ phía tây bắc. Chỉ đến thời Minh mới có mâu thuẫn kịch liệt với Thát Đát 鞑靼 ở tây bắc, đồng thời có chiến tranh tại vùng Hạ Lan sơn. Cho nên một số người căn cứ vào đó cho rằng, bài từ này xuất xứ từ một vị tướng lĩnh nào đó ở đời Minh. Đồng thời, học giả Đài Loan Tôn Thuật Vũ 孙述宇 trong bài Nhạc Phi đích ‘Mãn giang hồng’ – nhất cá văn học đích chất nghi 岳飞的 ‘满江红’ - 一个文学的质疑 đề xuất, những điều mà bài từ miêu tả là sự tích và điển cố về Nhạc Phi, dùng sự tích và điển cố tự thân để viết bài từ, dường như không thể tưởng tượng được; hơn nữa phong cách của bài từ khác xa bài Tiểu trùng sơn 小重山 của Nhạc Phi.


Từ hai điểm này kết luận, bài Mãn giang hồng không thể do Nhạc Phi sáng tác mà là nguỵ tác của người đời sau.

Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng

Nguyên tác Trung văn
“MÃN GIANG HỒNG” TỪ TÁC GIẢ THỊ THUỲ
“满江红” 词作者是谁
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Biên soạn: nhiều tác giả
Chu Hải xuất bản xã, 2007.