Sunday, January 31, 2021

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGẪM VỀ CHẾ ĐỘ TRUYỀN NGÔI VUA Ở NHẬT BẢN

Lễ đăng quang của Thiên Hoàng đã được diễn ra ngày 22/10/2019, đánh dấu một niên hiệu mới ở Nhật Bản.


Đây là một sự kiện trọng đại của Nhật Bản, thế nhưng xoay quanh vấn đề này có rất nhiều thắc mắc. Một trong số đó là phụ nữ thuộc Hoàng tộc có được phép đăng quang ngôi Thiên hoàng hay không?

Hoàng thất bao gồm Thiên hoàng Bệ hạ và gia đình, được quy định trong Pháp luật Nhật Bản. Thế nhưng trong Hoàng tộc, chỉ có nam giới mới được phép lên làm Thiên hoàng.

Nếu tuân theo quy tắc này, Thiên hoàng tiếp theo có thể là 3 người sau đây.

Người đầu tiên là em trai của Thiên hoàng hiện tại, Thái tử Akishinonomiya. Người thứ hai là con trai của Thái tử Akishinonomiya, Hoàng tử Hisahito. Người cuối cùng (ở góc trên tay phải) là Thường Lục cung Thân vương Hitachi-no-miya, em trai của cựu Thiên hoàng Akihito.

Giả sử 30 năm sau sẽ có một lễ đăng quang tiếp theo, khi đó Thái tử Akishinonomiya 83 tuổi, Hoàng tử Hisahito 43 tuổi và Thân vương Hitachi-no-miya 113 tuổi. Chỉ dựa vào tuổi tác, người kế vị tiếp theo chỉ có một khả năng là Hoàng tử Hisahito.


Thế nhưng hãy nghĩ đến trường hợp này, nếu người trong Hoàng gia chỉ sinh con gái, vậy ngôi vị sẽ truyền cho ai?

Trong quá khứ cũng đã có xảy ra trường hợp này, thế nhưng nam giới thuộc Hoàng tộc, dù là họ hàng xa cũng có khả năng được lựa chọn để thay thế. Thế nhưng vì quân Đồng Minh đã loại bỏ Hoàng gia Nhật thời điểm Nhật thất bại trong cuộc chiến, về sau khi được thiết lập lại, việc lựa chọn Thiên hoàng bị thu hẹp. Nếu tiếp tục như thế, hệ thống Hoàng gia ở Nhật sẽ biến mất?

Vậy tại sao lại không thể để nữ giới lên ngôi, có phải vì phân biệt giới tính không?

Nói đúng ra, trong lịch sử Hoàng gia Nhật Bản đã từng có Thiên hoàng là nữ giới. Thế nhưng trường hợp này chỉ xuất hiện một lần duy nhất.

Nguyên nhân chính là do Gen di truyền. Nữ giới mang nhiễm sắc thể XX, nam giới mang nhiễm sắc thể XY. Tóm lại chỉ có nam giới mới có nhiễm sắc thể Y, và chỉ có thể truyền lại từ người cha mà thôi. Nói cách khác, đứa con của Thiên hoàng trong trường hợp Thiên hoàng là nữ không thể bảo toàn được nhiễm sắc thể ban đầu.

Gia đình Hoàng tộc là khái niệm xuất phát từ câu chuyện thần thoại, đó là gia đình mang dòng máu của Thần linh, chính vì vậy phải bảo vệ dòng máu thuần chủng này.

Bên cạnh Thần thoại, nhìn về mặt lịch sử, thời đại đầu tiên của Thiên hoàng Jinmuten, khoảng trên 500 năm trước Công nguyên, đã kéo dài gia phả này 2500 năm. So sánh với một gia đình Hoàng tộc khác, Hoàng gia Anh vẫn chưa kéo dài được 1000 năm, và Hoàng gia Nhật là gia đình Hoàng tộc có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Người Nhật chính là muốn bảo vệ truyền thống này.


Tại thời điểm ban đầu, những kiến thức về nhiễm sắc thể vẫn chưa được biết đến, nhưng Hoàng gia Nhật vẫn duy trì được truyền thống này trong thời gian dài. Tuy nhiên, kết luận lại, Nhật Bản đang lo lắng về việc duy trì chế độ truyền ngôi, đặc biệt từ sau thất bại trong chiến tranh.

Liệu rằng nên mở rộng việc chọn Thiên hoàng sang các mối quan hệ xa hơn, hoặc chấp nhận mất đi dòng máu thuần chủng, truyền ngôi cho con gái? Hoặc hy vọng Hoàng tử Hisahito sẽ có thật nhiều con trai?

Đó là vấn đề mà người Nhật cần phải suy nghĩ từ bây giờ.

Kengo Abe

BÁNH BAUMKUCHEN: TỪ NƯỚC ĐỨC XA XÔI TRỞ THÀNH BIỂU TRƯNG ẨM THỨC NHẬT

Dù không xuất phát từ Nhật Bản nhưng bánh Baumkuchen là một trong những loại bánh rất được yêu thích và được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.


Bánh Baumkuchen có nguồn gốc từ nước Đức xa xôi, tên của nó có nghĩa là “bánh cây”. Mặc dù vậy, kể từ khi xuất hiện tại Nhật, món bánh này đã từng bước chiếm được trái tim của hầu hết người dân nơi đây và trở thành món ăn phổ biến tượng trưng cho sự thịnh vượng của Nhật Bản.


Những lớp bánh mỏng mềm mại, tạo thành vòng tròn như một thân cây bị cắt ngang với hương vị hấp dẫn chắc chắn sẽ khiến cho bất cứ ai đã từng nếm thử đều không thể nào quên. Người dân Nhật Bản rất ưa chuộng món ăn này, đặc biệt luôn dùng trong các dịp lễ tết để cầu mong sự may mắn và thịnh vượng.


Nguyên liệu để làm chiếc bánh ngon tuyệt này bao gồm bột, đường, trứng, bơ, vani, muối như hầu hết các loại bánh thông thường khác. Tuy nhiên, để tăng thêm hương vị và độ quyến rũ, người ta thường thêm vào đó rượu, cafe, mật ong, các loại hạt đập nhỏ hay matcha… Các nguyên liệu được trộn lên với nhau trước khi phết từng lớp bột lên một khúc gỗ sồi tròn lớn.

Sau đó, bánh được nướng cho đến khi ngả màu vàng nâu. Rồi người ta lại tiếp tục phết thêm một lớp bánh nữa, nướng cho đến khi vàng ươm rồi lại phết tiếp bột. Cứ như thế, lặp đi lặp lại từ 15-20 lần để cho ra một chiếc bánh Baumkuchen hoàn chỉnh. Sau khi bánh chín, những người thợ làm bánh sẽ rút bánh ra khỏi khúc gỗ, và cắt bánh theo chiều ngang.


Một chiếc bánh Baumkuchen hoàn hảo thì bề ngoài phải đẹp mắt với các vòng tròn đồng tâm đều nhau kết hợp với hương vị thơm ngon, dai ở ngoài, mềm mịn bên trong. Khi đến Nhật Bản, bạn có thể tìm mua bánh Baumkuchen ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước xinh đẹp này.


Wanderlust Tips | Cinet


CHỈ CẦN NGHE TÊN NHỮNG LOẠI QUẢ NÀY THÔI, KÝ ỨC TUỔI THƠ BỖNG CHỢT ÙA VỀ

Hãy cùng “xin một vé về lại tuổi thơ” với những loại quả tuy rất mộc mạc dung dị nhưng đã một thời gắn liền với rất nhiều mảnh ký ức thời thơ ấu của biết bao người.

Dẫu cuộc sống hiện đại có mang đến bao của ngon vật lạ giúp cuộc sống con người tốt hơn, nhưng có những thứ gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao người thì vẫn khiến chúng ta cảm thấy bồi hồi xúc động khi nhìn lại. Với các bạn 10x, những loại trái cây này có thể vừa lạ vừa quen, nhưng với các bạn 7x, 8x… thì đây là cả một khoảng trời đầy thương nhớ chẳng tháng năm nào đẹp bằng. Hãy cùng tìm lại những loại quả gắn liền với rất nhiều mảnh ký ức thời thơ ấu, bạn nhé!

Quả sim


Quà sim có vị ngọt rất đặc trưng, mới cắn vào hơi chát chát nhưng đứa trẻ nào cũng "mê tít". Quả sim tím một thời đã từng gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ học trò. Dù không phải là món ngon nhưng với lũ trẻ quê ngày trước, đó là cả một ký ức đẹp không dễ gì phai nhạt.

Quả trứng cá


Ở quê, cây trứng cá thường được các ông bố trồng trước cửa nhà để lấy bóng mát là chính và quả chỉ để “ăn cho vui”. Chỉ là “ăn cho vui” thế thôi nhưng quả trứng cá cũng đi vào tiềm thức của biết bao thế hệ học trò. Nhớ nhất là những buổi trưa hè trốn ngủ ra gốc cây trứng cá để chơi đồ hàng và cùng nhau nhâm nhi thứ quả dân dã ấy.

Quả trâm


Ngày xưa, cứ mỗi lần đến mùa trâm chín là lũ trẻ con chúng tôi lại rủ nhau tụm năm tụm bảy quanh gốc rồi cứ thế phân việc cho nhau. Đứa trèo tít lên ngọn, đứa đứng dưới lấy rổ, thậm chí dùng cả áo để hứng trâm rồi sau đó cùng chia nhau ăn. Cả bọn ăn đến khi mồm miệng như bà lão nhuộm răng đen thì cùng nhau cười vang cả khúc sông vắng.

Quả chùm ruột


Trong số các loại quả của tuổi thơ này thì chùm ruột có lẽ vẫn còn “có giá” nhất! Vì so với cách ăn của lũ trẻ chúng tôi ngày trước – chỉ có muối và ớt thì bây giờ chùm ruột đã được “biến tấu” thành rất nhiều món khoái khẩu học trò.

Quả khế


Nhớ những ngày xưa cũ, mỗi khi đến mùa khế thì lũ trẻ con trong xóm chúng tôi lại nhấp nha nhấp nhổm không yên, chờ người lớn đi vắng là ùa ra, leo lên cây... vặt sạch để "mở tiệc" dù khế luôn chua lè chua loét chứ không như các giống khế được lai tạo bây giờ có quả ngọt dìu dịu.

Quả ổi sẻ


Những trái ổi sẻ tuy be bé, nhưng lại ngọt lịm và thơm lừng cả tuổi thơ của biết bao người. Ngày bé, anh em chúng tôi rất thích được ôm rổ cùng nhau hái ổi sẻ, nhất là được tự leo cây hái trái và gặm ngay những quả ổi sẻ chín thơm lừng trên cây, thích lắm!

Quả Lêkima


Trứng Lêkima (hay còn gọi là quả Trứng gà) cũng là thứ quả gắn liền với tuổi thơ của nhiều trẻ con dân quê ngày trước. Quả trứng gà khi chín có màu vàng tươi, ăn rất bùi và ngọt. Lũ trẻ con có khi không đủ kiên nhẫn chờ quả chín, thế rồi vặt luôn những quả còn xanh, gọt ra chấm muối ớt ăn ngon lành.

Quả hồng bì


Quả hồng bì có lẽ là loại quả “ruột” của nhiều thế hệ học trò mỗi độ hè về. Và có ai còn nhớ đến cảnh lũ học trò tranh nhau từng chùm quả chín rồi hò hét sung sướng không?

Quả cơm nguội


Cơm nguội có vị hơi ngọt, xốp. So với các loại quả ngon lành ngày nay thì chúng chẳng có “giá trị” gì, thế mà ngày ấy, mỗi đứa chúng tôi thường bẻ một nhành và nhấm nháp cả buổi trưa hè.

Quả dâu tằm


Cây dâu tằm thường có rất nhiều sâu, nhưng sức hấp dẫn của những quả dâu chua chua ngọt ngọt đã khiến cả bọn quên cả nỗi sợ tranh nhau ăn.

Quả mít non


Loại quả gây thương nhớ này còn có một tên gọi khác mà đến nay vẫn khiến nhiều người bật cười khi nhắc đến.

Quả me


“Me chua ai thấy cũng thèm…”. Với lũ trẻ con chúng tôi ngày bé, chẳng cần đợi me chín, khi me cứng trái là đã tranh nhau ăn rồi. Me hái xuống, chỉ cần chà chà cho tróc lớp vỏ nâu bên ngoài rồi chấm muối ớt cho vào miệng ngay. Chua và ngon là thế, nhưng quả me cũng là nguyên nhân gây nên những trận đòn xoắn đít của lũ trẻ con vì cả gan leo tót vót lên ngọn cây, rất nguy hiểm.

Tuổi thơ đi qua để lại bao ký ức đẹp đẽ trong lòng mỗi con người và khiến ta nhớ mãi. Những loại quả trên đây tuy dân dã nhưng luôn là một phần không thể thiếu của thời thơ ấu, nuôi ta lớn khôn mỗi ngày.

Anh Minh / Theo: Guu

CẦU BẮC BÀN GIANG (北盤江大橋)

Cầu Bắc Bàn Giang cao nhất thế giới của Trung Quốc trông ra sao?

Vượt qua kỉ lục của cầu Millau tại Pháp và cầu Tứ Độ Hà cũng tại Trung Quốc, cầu Bắc Bàn Giang bắc qua một khe núi nối hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu (Trung Quốc) hiện giữ kỷ lục cầu cao nhất thế giới, xét theo khoảng cách từ cầu đến bề mặt bên dưới (mặt sông Bắc Bàn).


Cầu Bắc Bàn Giang là cây cầu dây văng dài 1.341 m gần Lục Bàn Thủy ở Trung Quốc - nó chiếm kỉ lục cây cầu cao nhất trên thế giới từ năm 2016, với độ cao 565 mét so với sông Bắc Bàn. Ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cầu cao nhất thế giới từ dưới mặt sông, bạn không khỏi choáng ngợp bởi độ cao của nó.

Cụ thể, cầu chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, với chiều dài tổng cộng 1.341 mét, nhịp chính dài 720 mét, giúp giảm thời gian đi lại giữa huyện Tuyên Uy (Vân Nam) và huyện Lục Bàn Thủy (Quý Châu) từ 4 giờ xuống còn 1 giờ.
Cầu có chi phí xây dựng khoảng 140 triệu USD và sau khi khánh thành nó cũng cướp luôn kỉ lục cầu cao nhất thế giới của cầu Tứ Độ Hà (cũng ở Trung Quốc).


Xét về chiều cao của cầu Bắc Bàn Giang, công trình này đã vượt qua nhiều tên tuổi sừng sỏ khác. Ví dụ, so với kỉ lục cầu cao nhất thế giới Millau Viaduct (Pháp) - tồn tại trong thời gian dài - thì công nghệ xây cầu của Trung Quốc có sự tiến bộ đáng nể.

Cụ thể, cầu Millau Viaduct dài 2.460m, với điểm cao nhất của cây cầu đạt 342m (tương đương tháp Eiffel), khánh thành năm 2004 với chi phí xây dựng hơn 353 triệu USD. 10 năm sau, cầu Tứ Độ Hà (cũng tại Quý Châu) ra đời đã cướp mất danh hiệu cao nhất của nó.


Vài thông số của cầu Bắc Bàn Giang...

Đến năm 2016, cầu Bắc Bàn Giang được khánh thành tại khu vực có địa hình núi non hiểm trở, nhiều hẻm vực rất sâu tại Quý Châu - Vân Nam khiến nó phá vỡ nhiều kỉ lục không chỉ của Tứ Độ Hà hay Millau. Điều đáng ngạc nhiên, tỉnh Quý Châu cũng có đến 7 trong số 10 cây cầu cao nhất Trung Quốc.

Màu xanh của dầm cầu (như hình) là đang trong quá trình sơn dưỡng, sau đó cầu lại được phủ lên một màu tươi đỏ khi hoàn thành.

Cầu Bắc Bàn Giang trước ngày chuẩn bị hợp long.

Theo các chuyên gia cầu đường, cầu Bắc Bàn Giang là cây cầu dây văng có kiến trúc tương đối đẹp và hài hòa với cảnh quan khu vực.

Cầu Millau của Pháp trong ngày khánh thành hồi năm 2004.

Cầu Bắc Bàn Giang nhìn từ xa trong ngày khánh thành năm 2016.

Nam Phương (Tổng hợp)
Link tham khảo:


Saturday, January 30, 2021

ĐƯA "ÔNG TÁO LÊN TRỜI" VÌ SAO PHẢI THẢ CÁ CHÉP?

Ngày 23 tháng Chạp ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc… là ngày lễ cúng Táo Quân hay Ông Công Ông Táo lên trời.


Sự tích Ông Công Ông Táo ở các nơi có thể khác nhau đôi chút, cách cúng cũng khác nhau. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ bàn đến việc thả cá chép để làm vật cưỡi cho Táo Quân lên thiên đình. Tại sao lại là cá chép và nên thả cá chép như thế nào? Độc giả có thể xem đây là một gợi ý từ góc nhìn văn hóa.

Tại sao lại chọn cá chép?

Trong các loài vật trên cạn và dưới nước thì duy nhất cá chép có thể hóa rồng và bay lên trời được. Các con vật cưỡi khác như trâu, ngựa, voi… không thể bay lên trời. Có những linh vật của các vị Thần, Phật, Bồ Tát cũng có thể thăng thiên như trâu xanh của Đức Lão Tử, voi trắng của Phổ Hiển Bồ Tát, sư tử xanh của Văn Thù Bồ Tát… nhưng đó là cá biệt vì những con vật đó có uyên nguyên tức là có lai lịch sâu xa.

Vậy chẳng phải các vị Táo Quân cưỡi chim có thể bay lên trời nhanh hơn ư? Còn tùy vào cách hiểu thế nào là “Trời”. Trời ở đây không phải là khoảng cách tương đối với mặt đất, mà là một không gian khác mà nói chung chỉ có các linh vật như rồng mới có thể bay đến được. Thế nên phải là cá chép.

Cá chép hóa rồng như thế nào? Nó liên quan đến sự tích vua Đại Vũ trị thủy. Khi ấy, ngài có xẻ núi Long Môn để dòng Hoàng Hà hùng vĩ chảy xuyên qua đá tạo thành một ngọn thác sầm sập từ trên cao đổ xuống. Khi đối diện với ngọn thác cao vút hiểm trở này, chỉ có con cá chép phi thường mới có thể vượt qua được. Và khi qua được thì với phẩm chất ấy, nó có thể hóa rồng và bay lên trời.

Cho nên, các vị Táo Quân nhất định phải chọn cá chép, không phải là loài vật nào khác.

Cá Chép vượt Long Môn. (Ảnh minh họa: kitchendecor.club)

Cách thả cá chép

Bên cạnh ý nghĩa hiến vật cưỡi cho các Táo Quân, việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp có ý nghĩa phóng sinh, đó là lòng từ bi với chúng sinh của người Việt. Vì muôn vật có đức hiếu sinh, ông Trời cũng có đức hiếu sinh cho nên thả cá để phóng sinh thì chính là trên thuận ý Trời, dưới hợp lòng người. Thế thì, việc thả cá đã là mang ý nghĩa tâm linh quan trọng trong tâm thức bao đời người Việt chúng ta.

Đã là một nghi lễ tâm linh thì rõ ràng cách thả cá như thế nào cũng rất quan trọng. Cá cần phải được thả sớm khi còn khỏe. Thái độ khi thả cá cũng cần xét đến, ấy là sự cung kính với Trời Đất, với Thần. Người ta bảo: “Người đang làm, Thần đang nhìn” hay “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Khi đã làm thì hãy đặt tâm làm cho trọn vẹn, đấy mới là điều các Thần chứng giám.

Vậy thì không thể vứt tòm cá xuống nước cho xong việc, còn thì sống chết mặc bay. Thả cá vậy thì có thể đã tiễn cá về địa phủ, lên trời làm sao được? Cũng không được để cá trong túi ni lông rồi vứt cả túi xuống, cá cũng dễ chết, mà lại phá hoại môi trường. Thả cá đúng cách ấy là phải chọn chỗ nước lặng, nước trong, để cá trong hai lòng bàn tay mà nhẹ nhàng thả xuống nước.

Vì thả cá chép mang nhiều ý nghĩa như vậy, nên thả cá sống thì hay hơn là đốt cá giấy. Việc đốt cá giấy suy diễn từ tục đốt vàng mã, vốn là một thay thế cho vật sống trong nghi thức tuẫn táng xa xưa, không phải hình thức nguyên thủy của nghi lễ thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp.

Vì chỉ có ba vị Táo Quân (hai ông một bà) nên chỉ cần thả 3 con cá chép khỏe mạnh là đủ. Nếu thả ít hơn thì có lẽ các vị phải cưỡi chung chăng? Cũng không hợp lý.

Đáng lên án nhất là việc đầu này thả cá, đầu kia bắt lại đem bán cho người khác thả và cứ thế. Ấy là làm nên tội, tội với Thần và tội với sinh linh. Cản trở, đánh lừa các Thần là một tội rất lớn sẽ phải chịu hậu quả không nhỏ, mà cá chép bắt lên bắt xuống thì sống sao được? Còn gì ý nghĩa phóng sinh nữa? Bản thân việc biến thủ tục thả cá chép từ một nghi lễ linh thiêng thành một hành vi trục lợi chính là phá hoại văn hóa, truyền thống và lòng tin của con người với nhau, với xã hội.

Việc thả cá Chép mang ý nghĩa tâm linh trong tâm thức bao đời người Việt chúng ta. (Ảnh: laodong.vn)

Nên thả cá chép ở một nơi phù hợp nhất: sông

Có bạn đọc sẽ quan tâm rằng nên thả cá đi đâu? Theo thiển ý của chúng tôi thì phải thả ra sông. Ao hồ là miễn cưỡng. Lấy sự tích cá chép hóa rồng mà nói, chỉ có trên dòng chảy cuồn cuộn của dòng sông, nơi có những ghềnh thác hiểm trở thì cá chép mới có cơ hội để hóa rồng. Thả cá chép trong ao tù nước đọng thì cá chỉ quanh quẩn trong đó, hóa rồng sao được và bay đi đâu?

Hơn nữa, dòng sông không chỉ là dòng sông, nó còn là dòng chảy của thời gian. Người ta theo dòng sông mà ngược về quá khứ, xuôi đến tương lại, ấy là trong chuyện xưa tích cũ. Dòng sông còn là con đường dẫn đến một thế giới khác cõi trần. Trong văn hóa Tây phương, con người khi chết phải đi qua một dòng sông Styx (hay Argon) để xuống đến âm phủ – đấy là chuyện được ghi lại trong Thần thoại Hy Lạp.

Trong tuyệt tác Thần Khúc của đại thi hào Italia thời Trung Cổ là Dante Alighieri, Dante và nhà thơ Virgil phải dừng chân tại bờ sông Acheron, là các con sông mà các linh hồn phải vượt qua trước khi tiến vào địa ngục.

Ở văn hóa Á Đông thì có dòng Vong Xuyên Hà, người ta vượt dòng sông này thì đến thế giới địa phủ. Trong truyện Tây Du Ký, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân phải trở về dương gian qua đường sông Vị Thủy sau khi đi chơi âm giới ba ngày. Thầy trò Đường Tăng cũng phải vượt qua một con sông rồi mới đến đất Phật. Tại bến Lăng Vân có Tiếp Dẫn Phật Tổ đón đưa lên thuyền để vượt sông.

Nói chung, dòng chảy của sông chính là con đường để đến một thế giới khác, có thể là thiên đàng hay Địa Phủ hay cõi Cực Lạc… Do vậy, cá chép cần thả ra sông mới có thể đưa Ông Táo lên trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Nơi phù hợp nhất để thả cá chép là dòng sông. (Ảnh: hoinhacsi.vn)

Nét văn hóa đẹp cần trân trọng và lưu giữ

Tục lệ thả cá chép ngày 23 tháng Chạp trong lễ cúng Táo Quân là một truyền thống đẹp mang ý nghĩa nhân văn của người Việt. Nhưng có lẽ việc tìm hiểu ý nghĩa của tục lệ này là cần thiết để chúng ta thêm trân trọng những di sản tinh thần của cha ông và lưu lại nét đẹp ấy cho các thế hệ tương lai. Văn hóa dân gian vốn có ít ghi chép, phần lớn căn cứ vào truyền miệng nên chúng tôi không dám khẳng định cách hiểu này là tuyệt đối chính xác. Do vậy, bài viết này chỉ là một sự quan sát cá nhân có tính gợi mở, với kỳ vọng khiến độc giả thêm yêu quý truyền thống văn hóa của dân tộc Việt.

Ta hãy tạm biệt cá chép – loài cá thần, bằng bài thơ của “cá chép vượt đăng” của cụ nghè Nguyễn Khuyến:

“Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
Được nước, nào ai dám rỉ răng?
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,

Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng?”

Theo ĐKN

HÀNH BÁCH LÝ GIẢ BÁN VU CỬU THẬP (行百里者半於九十)

Vì sao lại nói: “Người đi trăm dặm, thì 90 dặm cũng chỉ là nửa chặng đường”?

Chúng ta thường nghe những người lớn nói câu: “Hành bách lý giả, bán vu cửu thập”, ý tứ của câu này chính là người đi trăm dặm, thì 90 dặm cũng chỉ là nửa đường. Điều này cũng tương tự với cách tiếp cận thành công, càng tới gần mục tiêu thì càng là thời điểm quan trọng, nhất định phải kiên trì.


Câu thành ngữ này bắt nguồn từ một điển cố rất nổi tiếng trong lịch sử như sau: Năm đó binh lực của Tần Vương vô cùng lớn mạnh, tuy rằng vẫn chưa hoàn thành được bá nghiệp thống nhất thiên hạ, nhưng ông đã cảm thấy việc thống nhất đã nằm ở trong tầm tay, liền bắt đầu buông lơi.

Một ngày nọ, có một ông lão khoảng 90 tuổi đi cả trăm dặm đường tới bái kiến Tần Vương. Tần Vương nói: “Ông đã đi cả trăm dặm, chắc hẳn là rất vất vả”.

Ông lão nói: “Đúng vậy, lão phu bắt đầu xuất phát từ quê nhà, đi 10 ngày được 90 dặm, sau lại đi thêm 10 ngày nữa mới qua được 10 dặm cuối, thật rất vất vả mới tới được kinh thành”.

Tần Vương nói: “Ông lão, ông tính toán sai rồi. Đoạn đường đầu tiên 90 dặm ông chỉ đi 10 ngày, đoạn đường sau chỉ có 10 dặm sao ông phải đi mất 10 ngày luôn vậy?”.

Ông lão nói: “Bởi vì đoạn đường trước đã dốc toàn lực để đi, nên 10 ngày có thể đi được 90 dặm, nhưng đoạn đường sau không còn sức nữa, nên càng đi càng chậm, mỗi bước đi đều cố hết sức, phải mất 10 ngày mới đi đến đây. Cho nên, 90 dặm phía trước ngẫm lại cũng chỉ có thể xem như đi nửa chặng đường mà thôi”.


Tần Vương thoáng chút đăm chiêu, ông lão nói tiếp: “Lão phu đến gặp đại vương, chính là muốn đem cái đạo lý đi đường này bẩm báo với ngài. Đại nghiệp thống nhất thiên hạ của nước Tần chúng ta giống như đã đi được 90 dặm đường, lão phu hy vọng đại vương hãy xem thành tựu trước mắt như thành công một nửa, nửa còn lại càng cần cố gắng để hoàn thành, nếu như lúc này buông lơi, con đường tương lai sẽ càng gian nan, thậm chí khó lòng đến được đích”.

Cuộc gặp gỡ với ông lão, đã khiến Tần Vương tỉnh ngộ, từ đó về sau ông thường xuyên nhắc nhở bản thân không được buông lơi, tập trung hoàn thành đại nghiệp.

***
Đôi khi chúng ta cảm giác mọi thứ đã ở trong tầm tay, nhưng kỳ thực còn cách mục tiêu rất xa. Vậy nên, dù cho sắp đạt tới mục tiêu, cũng cần cố gắng nhiều hơn trước, mới có thể đi tới đích cuối cùng.

Tuệ Tâm

MÓN THUỐC BÊN ĐƯỜNG


Dưới mắt du khách Sàigòn là thành phố có nhiều nét độc đáo. Một trong số đó là hình ảnh của xe nước rau má bên đường. Nhìn màu xanh của rau đã đủ mát cổ họng. Nhưng nếu chỉ dựa vào tính “mát” để xếp rau má vào nhóm thực phẩm hạ nhiệt thì đã xem thường rau má. Loại rau này đã từ cả chục thế kỷ đã có mặt trong dược điển của nhiều quốc gia, từ Đông sang Tây. Lâu hơn nữa, trước công nguyên, rau má đã được đề cập trong cổ y thư Trung Quốc, Hy Lạp, Ai Cập… với tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, trừ phù thủng… Rau má sở dĩ được ưa chuộng khắp nơi vì là tác dụng theo kiểu “sân nào cũng chơi”. Bằng chứng là thầy thuốc cổ truyền Ấn Độ dùng rau má để cải thiện chức năng tư duy và hưng phấn sinh dục sinh dục! Với nhiều bà ngoại ở phương Đông thì rau má giúp lợi sữa cho con gái vừa làm mẹ.


Từ kinh nghiệm của dân gian quen dùng rau má chống táo bón các nhà điều trị đã suy diễn tác dụng lợi mật của rau má để mạnh dạn áp dụng cây thuốc này trong các bệnh gan mật. Nhiều công trình nghiên cứu ở Nga đã xác minh khả năng bảo vệ nhu mô gan, hỗ trợ chức năng giải độc của gan và điều hòa biến dưỡng chất béo của rau má.

Với thầy thuốc ở Trung Âu thì rau má là thuốc quý cho phụ nữ giãn tĩnh mạch vì sinh nở. Nhờ làm loãng máu rau má là món ăn nên thuốc cho bệnh nhân cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, trĩ, cũng như cho người phải đứng nhiều giờ trong dây chuyền sản xuất.


Phái yếu ở châu Á đã từ nhiều ngàn năm biết ăn rau má để da lâu già. Đi xa hơn nữa, thầy thuốc ở Trung Quốc đã chứng minh rau má làm lành vết thương và tránh sẹo bằng cách gia tốc phản ứng tổng hợp lớp sợi keo dưới da. Không lạ gì khi rau má hiện có mặt trong vô số dược phẩm và mỹ phẩm với tác dụng kép, vừa thanh trùng vừa phục hồi mặt da.

Theo các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ, rau má cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não nên người thường ăn rau má không đãng trí, ít lẫn lộn, lại thêm dễ ngủ. Nhiều nhà điều trị thậm chí cổ động dùng rau má trong khẩu phần của người cao niên để chống bệnh Alzheimer.


Nếu tổng kết các công năng vừa kể, từ giải khát, chống bức rức, nhuận trường, hạ chất mỡ trong máu, thanh lọc cơ thể, giúp vết thương mau lành, bước qua cải thiện chức năng tư duy cho đến bảo vệ mạch máu… thì rau má rõ ràng là thức uống lý tưỡng cho người bị bệnh tiểu đường!, với điều kiện đừng pha đường vào ly nước rau má!

Từ kinh nghiệm dinh dưỡng rất giản dị, rau má đã trở thành dược liệu không chỉ hữu ích nhờ tác dụng đa dạng mà còn do tính kinh tế. Ly nước rau má bên vệ đường nếu đi ngược với tác dụng mong đợi chẳng qua vì thức uống không được bảo đảm vệ sinh. Đổ lỗi cho rau má là sai nếu từ nhà nông cho đến người bán hàng rong và viên chức ngành y tế không đồng lòng quán triệt một nguyên tắc tối quan trọng: “An toàn trên hết!”

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng


Friday, January 29, 2021

"BẤT KHẲNG KHỨ QUÁN ÂM" TẠI PHỔ ĐÀ SƠN

Ấn Độ có Phổ Đà Lạc Ca sơn 普陀洛迦山, Trung Quốc cũng có Phổ Đà sơn 普陀山. Đối với người Trung Quốc mà nói, Phổ Đà sơn Nam Hải tại quần đảo Chu Sơn 舟山 là đạo trường thù thắng thân cận Quán Âm.


Bất Khẳng Khứ Quán Âm 不肯去观音 (Quán Âm không chịu đi)

Phổ Đà sơn 普陀山 vốn tên là Mai Sầm 梅岑, tại quần đảo Chu Sơn 舟山 huyện Định Hải 定海 tỉnh Triết Giang 浙江, trên núi có đến hơn 80 tự viện, hàng năm cử hành Quán Âm hội rất long trọng, vô số tín đồ trong và ngoài nước đến dâng hương. Trên núi có Quán Âm viện “Bất Khẳng Khứ” 不肯去 rất nổi danh, là thuỷ tổ của các tự viện trên Phổ Đà sơn. Muốn biết vì sao Quán Âm lại ở Phổ Đà sơn này, phải bắt đầu nói từ ngôi chùa Quán Âm “Bất Khẳng Khứ”. Điển cố này được ghi chép trong Phổ Đà sơn chí 普陀山志:


Năm 916, nhà Hậu Lương năm thứ 2 thời Ngũ Đại, một vị cao tăng Nhật Bản tên là Tuệ Ngạc 慧锷 đến trung nguyên cầu pháp, tại Ngũ Đài sơn 五台山 Sơn Tây 山西 cao tăng thỉnh được một Thánh tượng Bồ Tát Quán Âm, quyết định đưa tượng về Nhật để thờ phụng. Từ Ninh Ba 宁波 Giang Nam 江南ông lên thuyền vượt biển, nào ngờ thuyền vừa mới rời Ninh Ba, đi đến quần đảo Chu Sơn gặp phải cuồng phong sóng dữ. Truyền thuyết kể rằng trên mặt biển lúc bấy giờ xuất hiện nhiều hoa sen sắt khiến thuyền không thể nào đi được. Cứ như vậy 3 ngày 3 đêm, thuyền đành phải vòng quanh Phổ Đà sơn. Cao tăng Tuệ Ngạc cho rằng Quán Âm không chịu đi đến Nhật Bản nên thắp hương khấu bái, thỉnh tượng Quán Âm lên một đảo nhỏ. Cư dân trên đảo mắt thấy cảnh tượng linh dị hoa sen trên biển tin rằng Quán Âm Bồ Tát hiển linh muốn ở lại trên đảo, liền cất một thảo am phụng thờ. Đây chính là nguồn gốc của Quán Âm “Bất Khẳng Khứ”. Nhân đó Cao Tăng Tuệ Ngạc cũng được xem là vị tổ khai sơn của đạo trường Quán Âm.


Năm Nguyên Phong 元丰 thứ 3 đời Tống Thần Tông 宋神宗 (năm 1080), triều thần Vương Thuấn 王舜 phụng mệnh đi sứ Cao Li 高丽, trên đường đi thuyền của ông gặp phải gió lớn, lại bị loài ba ba to lớn công kích, sinh mệnh gặp nguy. Đương lúc ngàn cân treo sợi tóc, Vương Thuấn bỗng nhìn thấy Quán Âm hiển linh, từ động Phổ Đà hiện ra bảo tướng thù thắng trang nghiêm cứu độ. Về sau, Vương Thuấn trình tấu sự việc đó với hoàng đế Thần Tông, Thần Tông bèn ban cho tấm biển đề bốn chữ “Quán Âm Bảo Đà” 观音宝陀. Năm Gia Định 嘉定 thứ 7 đời Tống Ninh Tông 宋宁宗 (năm 1214), ban chiếu khâm định núi này là đạo trường phụng thờ Quán Âm.


Đạo trường Quán Âm lớn nhất của Trung Quốc

Từ đó về sau, du khách đến từ các nước châu Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia v.v… khi đi ngang qua đây, gặp lúc khổ nạn đều hướng đến Quán Âm cầu khấn. Người đến triều bái dần đông lên, tự viện được kiến tạo thêm nhiều, về sau đổi tên là Phổ Đà (từ âm tiếng Phạn là Potala), trở thành một trong tứ đại danh sơn Phật giáo Trung Quốc, nổi tiếng cùng với Ngũ Đài sơn 五台山 phụng thờ Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨, Nga Mi sơn 峨嵋山 phụng thờ Phổ Hiền Bồ Tát 普贤菩萨, Cửu Hoa sơn 九华山 phụng thờ Địa Tạng Bồ Tát 地藏菩萨, được liệt vào đạo trường Phật giáo lớn nhất của Trung Quốc cận đại.

Thời Minh Thanh, toàn Phổ Đà sơn có 88 am viện, 128 thảo xá, tăng chúng hơn 3000 người, có thể nói:

Kiến xá thị am, ngộ nhân tức tăng
见舍是庵, 遇人即僧
(Thấy nhà đó là am, gặp người đó là tăng)


Trong đó, Phổ Tế 普济, Pháp Vũ 法雨, Tuệ Tế 慧济 là 3 chùa có quy mô lớn nhất, được gọi là “Phổ Đà tam đại tự”. Phổ Đà sơn là Thánh địa Quán Âm của người Trung Quốc, mỗi năm có ngày 3 lễ lớn:

- 19 tháng 2 ngày sinh của Quán Âm
- 19 tháng 6 ngày Quán Âm thành đạo
- 19 tháng 9 ngày Quán Âm nhập niết bàn

tại Phổ Đà sơn cử hành Đại pháp hội long trọng, tín chúng các nơi về triều bái đạt đến cả trăm vạn người, khói hương nghi ngút.

Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002


NHỮNG SỰ THẬT KHÓ TIN VỀ BỘ PHẬN CƠ THỂ AI CŨNG NGHĨ LÀ THỪA THÃI, VÔ TÁC DỤNG

Chúng ta đã quá quen thuộc với chiếc rốn ở giữa bụng và luôn cảm thấy nó là bộ phận thừa thãi, không có tác dụng gì cả. Vậy tại sao con người lại có bộ phận nhỏ bé này?


1. Một vài người không hề có rốn

Hãy nhìn vào bức hình người mẫu Victoria Secret Karolina Kurkova ở trên và bạn có thấy điều gì kì lạ không? Bạn có tự hỏi rằng rốn của cô ấy biến đi đâu rồi? Có thể bạn cho rằng đây là sản phẩm của photoshop nhưng thực sự đó hoàn toàn là bức ảnh có thật.


Nghe có vẻ kì lạ và hoang đường nhưng sự thật là một số ít người trên thế giới không có bộ phận này do mắc hội chứng gastroschisis (tạm dịch: phòi ruột bẩm sinh) hoặc thoát vị rốn khi mới sinh. Một phần ruột lồi ra ngoài cơ bụng nên bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật để cố định phần ruột này. Việc này khiến lỗ rốn bị méo và dần dần biến mất.

2. Một vài động vật có vú cũng không có rốn...


Sinh học đã chứng minh rằng tất cả các động vật có vú phải có rốn, nhưng đôi khi bản chất cũng phải được thay đổi để thích nghi với môi trường sống. Hai đại diện tiêu biểu nhất cho động vật có vú mà không có rốn chính là chuột túi và thú mỏ vịt.

3. ...nhưng cá heo thì có


Dù là một loại cá nhưng bạn đừng quên cá heo là động vật có vú nên chúng cũng có rốn nhé!

4. Rốn là vết sẹo đầu tiên của cuộc đời


Về mặt kĩ thuật, chiếc rốn chỉ là một vết sẹo trên cơ thể con người, được hình thành từ mô sẹo của dây rốn. Khi bác sĩ cắt dây, một gốc da nhỏ được giữ lại, khi gốc dây teo đi, rụng khỏi cơ thể bạn, chiếc rốn sẽ thành hình.

5. Rốn của mỗi người là "độc nhất vô nhị"


Trong một cái rốn có khoảng 2.400 loài vi khuẩn và những loại vi khuẩn này ở mỗi người lại không hề giống nhau. Người ta đã từng tìm thấy loài vi khuẩn chỉ xuất hiện tại các mẫu đất của Nhật Bản trong rốn của một người mà người đó… chưa đến Nhật bao giờ.

6. Hầu hết chúng ta đều có rốn lồi lúc mới sinh


Khi mới sinh rốn không được cắt sát ra nên hầu hết các em bé đều có rốn lồi. Nhưng khi lớn lên và cơ thể phát triển, rốn sẽ co lại vào trong, chỉ có khoảng 10% dân số thế giới tiếp tục trưởng thành với rốn lồi.

7. Mang thai sẽ khiến người mẹ lồi rốn



Trong thời kì mang thai, bụng của sản phụ sẽ to ra để có khoảng trống cho một bào thai đang phát triển. Do đó, rốn sẽ bị đẩy ra ngoài và xảy ra hiện tượng rốn lồi. Nhưng yên tâm, sinh con xong mọi thứ sẽ trở lại bình thường..

8. Rốn lồi bị coi là mất thẩm mĩ


Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số mọi người đều nghĩ rốn lồi rất mất thẩm mĩ, trong khi rốn chữ T hay rốn dọc được ưa thích hơn.

9. Phẫu thuật nâng ngực có thể thực hiện qua rốn


Các vết mổ bao gồm cả phẫu thuật nâng ngực đều được phẫu thuật tại rốn, bởi nó có thể che giấu được vết sẹo. Chính vì thế nên bạn đừng lo lắng khi bác sĩ phẫu thuật nâng ngực lại không mổ ở ngực.

10. Xỏ khuyên rốn rất lâu lành


Một cái khuyên rốn có thể trông hấp dẫn, nhưng trước khi quyết định xỏ, hãy nhớ rằng nó mất rất nhiều thời gian để lành lại. Trong khi xỏ tai chỉ mất từ 2 đến 4 tuần thì xỏ rốn sẽ mất từ 6 đến 12 tháng. Và nếu không được chăm sóc cẩn thận, nó có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

11. Những chất bẩn có trong rốn vô cùng nhiều


Xơ rốn có thể là một hỗn hợp gồm tóc mỏng, các tế bào da chết, sợi mỏng được liên kết bởi những chất bẩn trên cơ thể con người. Đàn ông có nhiều xơ rốn hơn phụ nữ.

12. Sở thích kì cục về rốn


Xơ rốn nếu không được vệ sinh có thể tạo thành một cục chất bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng cũng có những người coi việc thu thập “rác thải từ rốn” là một sở thích.

Graham Barker đến từ Australia đã có một bộ sưu tập đồ sộ về xơ rốn, giúp anh ta đạt được kỉ lục Guinness năm 2000.

Rachel Betty Case còn làm hẳn những con gấu nhỏ xinh bằng những chất bẩn này.

13. Rốn được dùng trong phương pháp thiền


Cách lấy rốn làm trọng tâm để nhìn khi ngồi thiền (Omphaloskepsis) cũng được coi là phương pháp khá phổ biến và hiệu quả của các linh mục Công giáo trên núi Athos (Hi Lạp). Những người theo phương pháp này tin rằng việc thiền định bằng cách định tâm vào rốn giúp họ có thể mở rộng "tuệ nhãn" của mình.

14. Rốn là khu vực kích thích dục cảm


Vùng xung quanh rốn là một khu vực khá nhạy cảm và vì thế nó có thể được coi là một điểm kích thích ham muốn tình ái.

Nhà tâm lí học Leon F. Seltzer nói: "Từ quan điểm của một người đàn ông dị tính, tôi thấy rốn phụ nữ rất hấp dẫn. Nó tạo điểm nhấn ở phần eo, làm rõ hơn các đường cong và giúp nổi bật vẻ đẹp cũng như khả năng sinh sản của cô ấy". Theo ông, chỉ cần nhìn vào rốn cũng có thể kích thích "chuyện ấy".

15. Rốn cũng từng bị cấm


Vì có khả năng kích thích ham muốn chuyện chăn gối nên vào những năm 1960, các nhà kiểm duyệt đã ngăn cấm phụ nữ để lộ tốn trên TV. Barbara Eden - người đóng vai Jeannie trong bộ phim sitcom nổi tiếng của Mỹ "I Dream of Jeannie" đã phải mặc một chiếc váy cạp cao để che rốn khi bộ phim được trình chiếu trên truyền hình.

Dưới đây là một trắc nghiệm vui, đoán tính cách qua rốn. Hãy chọn chiếc rốn giống của bạn nhất và đọc kết quả bên dưới.


1. Tính cách mạnh mẽ, tấm lòng yêu thương, kiên trì, trung thực trong các mối quan hệ

2.Hào phóng, thiên hướng lãnh đạo, thận trọng

3. Hay nghi ngờ, giỏi giữ bí mật

4. Thông minh, sáng tạo

5.Nhạy cảm, thiếu kiên nhẫn, hướng nội, tò mò

6. Thận trọng, trung thực, dũng cảm

7 vùng cấm trên cơ thể tuyệt đối không nên chạm vào.

Những sự thật về chiếc rốn có làm bạn ngạc nhiên không nào? Hẳn là từ bây giờ bạn sẽ có cái nhìn khác về bộ phận cơ thể tưởng thừa thãi này đấy!

Nguồn: Brightside
LeOna