Monday, January 25, 2021

CÀ SAO CHO PHÊ?

Khỏi cần thống kê chi cho mất công cũng biết 10 golf-thủ hết chín là fan của cà-phê. Vì người da vàng đông hơn các chủng tộc khác nên cà-phê đành nhận hạng nhì sau trà. Cà-phê đi vào lòng người không chỉ vì khẩu vị. Cà phê đã được dùng như thuốc tăng lực, trị hen suyễn vào thế kỷ 12. Nhưng nếu muốn cà-phê thực sự nên thuốc, thay vì thành thuốc… độc!, cần hiểu cho đúng vài điểm quan trọng để có thể yên tâm thưởng thức cà-phê như người sành điệu.


Muốn tăng cường chức năng tư duy nên uống cà-phê nhiều lần trong ngày?

Sai!, cà-phê hầu như chỉ có tác dụng hưng phấn trí tuệ vào buổi sáng, uống càng sớm càng tốt, trước khi ăn sáng càng hay, vì khi đó tác dụng của cà-phê có thể kéo dài đến nửa ngày. Không cần uống thêm cà-phê trong giờ làm việc. Thói quen uống cà-phê nhiều lần trong ngày, cho dù pha loãng, không có lợi bao nhiêu, thậm chí có hại vì dễ gây lệ thuộc. Mặt khác, đừng uống cà-phê mà không ăn sáng vì vài giờ sau đó dễ tụt đường huyết kéo theo hạ canxi!

Dễ mất ngủ vì uống cà-phê quá trễ vào buổi chiều?

Đúng, dù là khoảng thời gian tác dụng của cà-phê thường không kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ. Nói chung, không nên uống cà-phê sau 6 giờ chiều, trừ khi cần thức đêm.Thường thì cà-phê không gây mất ngủ hẳn hòi, nhưng làm giảm độ sâu của giấc ngủ, làm mất giấc mơ và gây cảm giác mệt mỏi khi thức dậy. Theo chuyên gia về giấc ngủ, nhiều người mắt mở trao tráo sau khi uống cà-phê là vì pha cà-phê quá ngọt nên trung khu ngủ không chịu nghỉ việc do thừa năng lượng. Ngược lại, nhiều người ngủ chỉ ít giờ rồi thức luôn đến sáng là vì uống cà-phê đen quá gần giờ ngủ khiến đường huyết tụt thấp giữa đêm khuya và đánh thức não bộ.


Để tăng cường sức dẻo dai của bắp thịt nên uống cà-phê khoảng nửa giờ trước đó?

Chính xác vì cà-phê tăng sức chịu đựng và sự tinh tế khi cần phản xạ, chẳng hạn khi cần làm công việc khéo tay, lao động nặng, chơi golf…

Cà-phê gây hồi hộp?

Không hẳn như định kiến. Cà-phê chỉ bất lợi cho tim mạch ở người bị cường tuyến giáp hay rối loạn dẫn truyền thần kinh giao cảm, chẳng hạn ở người trong giai đoạn mãn kinh.

Một số đối tượng quá nhạy cảm có thể hồi hộp sau khi uống cà-phê, nhưng tác dụng đó chỉ có tính chất tạm thời ngắn hạn và không đủ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cà-phê làm tăng huyết áp?

Chỉ xảy ra với số đối tượng đã có vấn đề với bệnh mạch vành. Với người không quen uống cà-phê, hay dù uống thường nhưng gặp loại quá mạnh, thì tim có thể đập nhanh khiến hồi hộp trong thời gian ngắn, nhưng cà-phê không làm tăng huyết áp kéo dài. Chính xác hơn, cà-phê chỉ làm tăng huyết áp trên người nghiện thuốc lá. Tuy vậy, người đã thiếu máu cơ tim không nên uống cà-phê hơn 3 lần mỗi ngày nhằm tránh tình trạng căng thẳng thần kinh dẫn đến co thắt mạch vành.


Cà-phê tăng mỡ trong máu?

Đúng, nhưng tùy theo cách chế biến, cách pha và kiểu uống cà-phê. Người uống cà-phê lọc bằng giấy ít bị tăng cholesterol hơn người lược cà-phê bằng máy hay qua phin bằng kim loại. Lý do là vì hai tác chất trong cà-phê làm tăng mỡ trong máu, cafestol và caweol, lọt qua phin sắt nhiều hơn nếu so với giấy lược. Bên cạnh đó, cà-phê rang nguyên hạt dễ làm tăng mỡ trong máu hơn cà-phê dưới dạng hòa tan vì dạng sau ít chứa cafestol và caweol.Bên cạnh đó, cholesterol trong máu khó tăng nếu uống cà-phê cách khoảng vài giờ. Mặc dầu hoạt chất trong cà-phê không hẳn làm tăng chất mỡ trong máu theo kết quả thống kê của hàng chục công trình nghiên cứu ở nhiều quốc gia, nhiều thầy thuốc khuyên nên giảm hay ngưng hẳn cà-phê nếu đang uống thuốc hạ mỡ trong máu để thuốc đừng mất tác dụng.

Cà-phê gây viêm loét dạ dày?

Ít khi vì cà-phê tuy hưng phấn phản ứng bài tiết dịch vị nhưng không tự động gây viêm loét dạ dày. Chỉ người đã bị viêm loét dạ dày mới bị cồn cào, bào bọt, thậm chí đầy hơi hay ợ chua khi uống cà-phê lúc bụng đói. Cẩn tắc vô áy náy, người đang bị bệnh dạ dày hành hạ không nên uống cà-phê trong lúc bệnh đang bộc phát.

Nên cai cà-phê bằng cách ngưng cái một?

Không đúng vì ít khi hiệu quả! Người đã nghiện cà-phê nếu thiếu hay ngưng đột ngột dễ bị nhức đầu. Muốn cai cà-phê nên giảm dần liều lượng bằng cách giữ nguyên số lần uống nhưng mỗi lần uống pha loãng hơn để tránh đau đầu, cáu kỉnh, buồn chán, mất ngủ…


Muốn giảm tác dụng hưng phấn của cafein nên dùng dưới dạng cà-phê sữa?

Trật cả cây số! Uống cà-phê sữa không hề giảm tác dụng hưng phấn thần kinh của cà-phê. Uống như thế thậm chí còn có hại nếu người uống đã bị tăng mỡ trong máu. Theo các nhà nghiên cứu ở Đức uống cà-phê pha nhiều đường, như thói quen của nhiều người xứ mình, thậm chí còn tệ hơn, vì hỗn hợp “cafein + đường” gây co thắt mạch vành đột ngột ở người thiếu máu cơ tim!

Cà-phê hại thận?

Không chỉ riêng với cà-phê, với món ăn, thức uống nào cũng thế, hễ lạm dụng thì khổ cho trái thận. Theo kết quả nghiên cứu ở đại học Vienne, người uống một tách cà-phê phải mất khoảng hai tách nước qua đường tiểu. Nếu quên uống nước thì cơ thể đến lúc nào đó phải thiếu nước và rối loạn điện giải. Tình trạng này là điều kiện thuận tiện để nhiều loại muối khoáng như oxalat, urat kết tủa trong đường tiết niệu. Người uống cà-phê theo kiểu thay nước uống dễ bị sỏi thận là vì thế.

Cà-phê chẳng khác gì thuốc. Tốt xấu tùy liều lượng. Người uống cà-phê tuy không đến nỗi phải “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng” nhưng đôi khi cũng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, nhất là khi ẩm khách sành điệu đã là… bệnh nhân!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: