Saturday, January 9, 2021

KHÔNG SO ĐO VỚI KẺ TIỂU NHÂN, CHẲNG VƯƠNG VẤN CHUYỆN TỪNG ĐỔ VỠ

Gậy trúc giầy rơm say chếnh choáng,
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh.


So đo tính toán là nhược điểm trong nhân tính của con người mà ai ai cũng biết. Thói quen hạn hẹp và nhỏ bé này kỳ thực lại có thể hạn chế tầm nhìn của một người rất nhiều. Có câu: “Áo tơi mưa khói mặc bình sinh”. Làm thế nào mới có thể khiến tính cách không so đo tính toán trở thành một phẩm chất của bản thân mình?

Nhân cách của một người quyết định vận mệnh của người ấy. Những ai muốn thành công đều cần có một tính cách tốt. So đo tính toán lại là một khuyết điểm trong tính cách con người, nó chính là hòn đá buộc chân chúng ta trong công việc, cuộc sống và cả sự nghiệp.

Cổ ngữ có câu: “Hạ trùng bất khả ngữ băng” (Tạm dịch: Chẳng thể đàm luận về băng giá với côn trùng mùa hạ), ý rằng chẳng thể đàm luận chuyện trời cao biển rộng với chú ếch ngồi nơi đáy giếng. Kẻ tiểu nhân khác với người bình thường, họ sẽ không từ thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, có thù tất báo, không màng đến bất kỳ nguyên tắc nào. Bởi vì họ không có phong độ, lại càng không có khí chất, nên cách tốt nhất chính là không so đo tính toán với họ.

Cổ nhân cũng dạy rằng: “Thân hiền nhân, viễn tiểu nhân”, nghĩa là hãy thân với người hiền mà tránh xa kẻ tiểu nhân. Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng tránh giao thiệp với kẻ tiểu nhân. Nếu chẳng thể tránh xa thì nhất định đừng quá để tâm đến họ, cũng nên cẩn thận khi giao thiệp với họ.

Quách Tử Nghi đời Đường một lần nọ lâm bệnh nằm ở nhà. Quan ngự sử Lư Kỷ tới nơi thăm hỏi, Quách Tử Nghi bèn cho toàn bộ nữ nhân trong nhà lui xuống, một mình tiếp đãi Lư Kỷ. Sau khi Lư Kỷ rời đi, rất nhiều người không hiểu, hỏi vì sao lại bảo họ rời đi.

Quách Tử Nghi nói rằng: “Lư Kỷ người này tướng mạo xấu xí, các ngươi gặp rồi sẽ không thể nhịn cười. Ông ta lòng dạ hẹp hòi, có thù tất báo. Nếu sau này ông ta nắm đại quyền, thì cả nhà chúng ta chắc chắn sẽ bị báo thù. Vậy nên không nên chiêu mời những điều bất hảo.”

Quả nhiên sau này Lư Kỷ lên ngôi đã báo thù khắp lượt những vị đại thần đã đắc tội với mình, chỉ duy có gia đình Quách Tử Nghi thoát nạn.

Danh tướng Quách Tử Nghi thời nhà Đường. (Tranh minh họa qua Sohu)

Không so đo với kẻ tiểu nhân, có phong thái cao đã đành rồi. Nhưng thực ra trong cuộc sống, gặp chuyện được mất thiệt hơn, dù là đối với ai, bản thân cũng không nên toan tính quá mức. Trong “Hậu Hán Thư” có một câu chuyện có tên “Đừng quan tâm tới cái nồi đất vỡ” như sau:

Một người tên Mạnh Mẫn đang đi trên đường thì bất cẩn đánh rơi cái nồi đất, nhưng ông cũng chẳng thèm ngoái đầu nhìn lại mà đi thẳng. Quách Thái thấy lạ, bèn hỏi ông vì sao nhìn mà như không thấy? Mạnh Mẫn nói rằng: “Đã rơi vỡ rồi, thì nhìn nó có ích gì, lẽ nào có thể dán lại hay sao?”

Trên thế gian này có rất nhiều chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, đau thương, hối hận cũng là điều vô ích, mãi khổ sở vấn vương, chẳng chịu buông tay chỉ đày ải bản thân mà thôi.

Chuyện với đồ vật đã là như vậy, mà chuyện với người cũng lại như thế. Chuyện đã xảy ra rồi thì còn tính toán thiệt hơn làm chi?

Chuyện xưa Tô Thức (Tô Đông Pha) nhiều lần bị Chương Đôn hãm hại, ông lần lượt bị giáng chức tới Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu, cả đời phiêu bạt nơi chân trời, góc bể. Thậm chí trước khi tới Đam Châu, ông còn chuẩn bị xong quan tài cho mình. Nhưng sau này Tô Thức được đại xá, hoàng thượng triệu ông hồi kinh.

Chương Đôn sợ ông báo thù, bèn cho con trai viết một bức thư, hy vọng Tô Thức có thể khai ân tha cho mình một con đường sống. Tô Thức chỉ nói một câu: “Nói nữa thì có ích chi, sự tình cũng đã qua rồi, đừng nhắc lại nữa.”

Tô Đông Pha. (Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Luôn so tính thiệt hơn với kẻ tiểu nhân thì bản thân cũng chỉ có thể trở thành kẻ tiểu nhân mà thôi. Trái tim có giới hạn, vậy nên có thể buông bỏ oán hận mới có thể dung chứa tình yêu. Không so đo tính toán thiệt hơn với kẻ tiểu nhân, kỳ thực chính là giải thoát cho chính mình.

Tô Thức nếu cứ mãi để bụng chuyện bị hãm hại thì có lẽ sẽ chết vì tức giận. Ấy vậy mà trong bài thơ “Định phong ba”, ông lại viết:

Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.

莫聽穿林打葉聲,
何妨吟嘯且徐行.
竹杖芒鞋輕勝馬,
誰怕!
一蓑煙雨任平生.

Dịch thơ:

Rừng động đừng nghe chuyển lá cành,
Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh.
Gậy trúc giầy rơm say chếnh choáng,
Nào ngán!
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh.

Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn,
NXB Văn hoá – Thông tin, 1996


Tô Thức buông bỏ những chuyện tranh giành đấu đá nơi quan trường, mà thưởng ngoạn cảnh vật đất Hoàng Châu, dạy học giáo hoá con người. Ông đã khai mở một vùng trời mới cho mảnh đất Hoàng Châu và chính bản thân mình.

Cổ nhân có câu: “Dịch định giả vô cảm, dịch cảm giả vô định” (Tạm dịch: Người dễ kiên định thường vô cảm, người dễ xúc cảm khó kiên định). Chỉ những người không so đo chuyện cũ mới có thể thực sự định được cái tâm. Tinh lực của mỗi người chúng ta đều hữu hạn, cứ mãi vấn vương, hối hận, nuối tiếc chi bằng tập trung tinh lực, làm tốt việc của mình thì hơn.

Một vài người khá thành công thường thích nhận sai trong những chuyện nhỏ. Nếu có thể nhẫn họ sẽ nhẫn, nếu có thể nhường họ sẽ nhường. Đây không phải là vì họ nhu nhược bất tài, mà là vì họ cảm thấy, sinh mệnh xứng đáng toả sáng trong những điều tốt đẹp hơn.

Theo Soundofhope
Thiên Cầm biên dịch