Wednesday, May 22, 2024

ĐĂNG CAO - ĐỖ PHỦ


Đăng cao - Đỗ Phủ

Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.
Lên cao (Người dịch: Hải Đà)
Vượn hú, trời cao, gió thổi nhanh
Chim về qua bến cát sông xanh
Chơi vơi lá rụng, cành lay lắt
Cuồn cuộn sông trôi, nước dập dềnh
Ghé bến thu sầu đau dạ khách
Lên non tuổi hạc xót thương mình
Phơ phơ tóc trắng đời chao đảo
Lắm nỗi chua cay, rượu phải đình.


登高 - 杜甫

風急天高猿嘯哀
渚清沙白鳥飛回
無邊落木蕭蕭下
不盡長江滾滾來
萬里悲秋常作客
百年多病獨登臺
艱難苦恨繁霜鬢
潦倒新停濁酒杯


Lên cao (Người dịch: Hải Đà)

Vượn hú, trời cao, gió thổi nhanh
Chim về qua bến cát sông xanh
Chơi vơi lá rụng, cành lay lắt
Cuồn cuộn sông trôi, nước dập dềnh
Ghé bến thu sầu đau dạ khách
Lên non tuổi hạc xót thương mình
Phơ phơ tóc trắng đời chao đảo
Lắm nỗi chua cay, rượu phải đình.


Ghi chú:

Bài thơ này tác giả làm năm Đại Lịch thứ 2 (767) khi ở Biện Châu, chỉ trước khi mất khoảng 3 năm.

Nguồn: Thi Viện



LẠC LÊN CÙ LAO MẮM

Người Hoa gọi là lẩu, âm Hán-Việt là lô, nghĩa là bếp lò. Người Việt trước đây gọi là “cù lao”. Gọi theo kiểu trông mặt bắt hình dong. Cái lẩu của người Hoa gồm một cái bếp hình trụ miệng nhỏ đáy to nằm ở giữa như một cù lao nhỏ; chung quanh là cái nồi chứa nước.

Cù lao mắm có một phần mắm cà xỉu sẽ làm nước lèo ngọt tới bến, không cần phải nêm đường, bột ngọt gì cả. Ảnh: Ngữ Yên

Lẩu hay cù lao mắm là sự sinh thành fusion của ba tộc dân: Khmer, Hoa và Việt.

Hòa cùng với văn minh nhân loại, người Việt biết dùng muối để bảo quản sản vật hái lượm từ sớm. Mắm là một trong những sản phẩm như thế. Rồi người Việt xuôi Nam khẩn hoang, đem theo cái recipes mắm đó. Nước mắm ra đời muộn hơn mắm, nhưng không có bằng chứng cho biết từ lúc nào.

Vào Nam chung sống với người Khmer, mắm Khmer và mắm Việt fusion với nhau. Điều dễ thấy là mắm người Việt ở miền Trung chỉ là muối với cá. Dễ thấy hơn nữa là mắm nêm cá cơm do chỉ có muối với cá nên mau ngấu; con cá nhanh biến thành nước chỉ còn lại xương. Trong khi đó mắm của người trong Nam lâu ngấu hơn nhờ chao đường. Dùng đường bảo quản mắm, theo loại suy, có lẽ là công thức của người Khmer.

Người Hoa sang nước ta ở khu vực phía Nam muộn hơn người Việt ít nhiều. Họ ly hương đem theo cái cù lao học được từ người Mông Cổ đã lâu lắc. Ban đầu người Khmer có món mắm kho. Mắm cá được nấu với nhiều nước để chấm cho bằng hết cái mớ rau mọc hoang dã ở miệt sông nước này. Nào là rau nhút, kèo nèo, rau đắng đất, rau đắng ruộng, rau má, tược lục bình, rau chân vịt, cải trời, cải đất, bông so đũa, bông bí, bông súng, bông điên điển, bắp chuối, đậu rồng, ngó sen, khổ qua, nấm rơm, đậu bắp, mồng tơi, v.v. Có lẽ từ “rau tập tàng” phát sinh tại đây.

Cá lóc vẫn là đồ bổi kinh điển trong món cù lao mắm miền Tây. Ảnh: Ngữ Yên

Món mắm kho từ lúc nào chẳng ai ghi nhận biến thành cù lao/lẩu mắm. Xiển dương món này tràn khắp miền Tây có lẽ là những bữa nhậu của mấy ông người Việt, sắc dân chiếm đa số so với thổ dân Khmer. Có thể nói cù lao mắm là đặc sản của miệt sông nước. Mắm dùng nấu lẩu không đâu phong phú bằng. Rau ăn lẩu không đâu phong phú bằng. Đồ bổi cá tôm thịt cầm thịt súc ăn cù lao mắm không đâu phong phú bằng.

Một thời cái cù lao bị lãng quên do thiết bị điện xâm lấn. Người ta dùng đơn giản cái nồi nấu mắm trên bếp ga một thời gian dài. Ga lên giá, điện sản lượng nhiều hơn, bếp điện thông dụng. Rồi bếp hồng ngoại không làm nóng nồi. Thời may, đời nào cũng có những bà huyện Thanh Quan, cù lao đã quay lại bàn ăn, nhưng lần này là cồn làm nhiên liệu thay cho than, vì cồn từ bắp giá rẻ quá mà!

Nhiều người nghe đến từ mắm, trong đầu hình dung ra từ mặn và vô cùng ái ngại khi cầm đũa. Nhưng cù lao mắm mặn hay không do nguyên liệu quyết định. Thường là mẳn để có thể lua bằng thích nước cù lao và các loại rau, bông…

Cô Bé Bảy, linh hồn và tổ nghiệp của du lịch Cồn Sơn, Cần Thơ lại biến tấu cái cù lao bún mắm của cô bằng loại bún mắm chua do cô tuyển từ dưới Cà Mau. Mắm chua là loại mắm sử dụng tỷ lệ muối ít hơn bình thường. Mắm vừa trở chua là có thể ăn sống, nấu mắm. Nước nấu từ loại mắm này càng không mặn, vừa mẳn vừa thoảng vị chua.

Linh hồn của cái cù lao mắm là… mắm. Thường người ta nấu nước lèo với ba thứ mắm, như mắm trèn, mắm sặc và mắm pra-hok của người Khmer. Nếu bạn ghé sạp mắm của bà Hai Bông nằm ngay mặt tiền hông chợ Hồng Ngự bán mấy chục loại mắm, bạn sẽ thấy mắm trèn mắc nhứt. Ngay tại sạp cũng có bán mắm pra-hok nhập từ bên Pnom Penh. Nhưng nói chung, để lẩu mắm thơm ngất ngát, phải chọn loại mắm từ ngày muối đến lúc xuất lò phải trên tám tháng. Lúc đó các acid amin tạo hương mới bắt đầu sanh sôi.

Vai thứ hai trong cù lao mắm là rau. Lần đầu tiên xuống Cần Thơ, tôi sáng mắt sáng lòng cái lẩu mắm ở quán Dạ Lý. Một mẹt rau chà bá đựng tới 35 thứ rau. Ngoài rau còn phải kể đến đồ bổi thật phong phú. Miệt nào bổi nấy. Miệt người Hoa nhiều, chắc chắn phải có heo quay. Cá lóc theo lẩu mắm là loại kinh điển. Cá lóc xào nghệ bằm với ngãi bún là “trường phái” Châu Đốc, An Giang. Bì thính là pháp riêng có của Cà Mau.

Đồ bổi đi theo lẩu mắm tượng trưng cho sự tự do chọn lựa của từng người. Ảnh: Ngữ Yên

Một lần trong lúc viết bài mắm cà xỉu tôi có một phát hiện. Cà xỉu là một sinh vật huyền bí. Tại Việt Nam cà xỉu chỉ có ở biển Hà Tiên và Quảng Ninh. Dân Hà Tiên gọi là cà xỉu có lẽ từ tên tiếng Miên phiên âm ra. Quảng Ninh gọi là con giá bể vì nó có cái đuôi như cọng giá.

Cà xỉu được Darwin gọi là hóa thạch sống vì nó đi ngược lại luật tiến hóa do ông chế ra. Trong khi nghiên cứu bộ gen của sinh vật này, TS. Yi-Jyun Luo, Đại học KHKT Okinawa (OIST), đã kết luận Darwin tào lao. Theo ông, so với con người với gen mới là 2.383 và gen mất là 3.212, ở cà xỉu gen mới là 7.263, gen mất là 8.441 trong vòng 700 trăm triệu năm nay.

Cà xỉu có hai mảnh vỏ và một cái đuôi giúp nó cố định dưới đáy biển. Một mảnh vỏ là tay cục cựa được và mảnh phía dưới là chân không cục cựa, nên được xếp vào loài tay liền chân (brachiopod). Hai mảnh vỏ của nó, theo ông Luo, thay vì chứa calci carbonate, lại chứa calci phosphate như xương loài có vú. Nghĩa là nếu “hùn” vô lẩu mắm nó sẽ tăng độ ngọt umami lên thập phần. Tôi đã thử, đã nghiệm ra đúng. Tôi viết bài và kể chuyện cho ông bạn Bửu Việt quán Ven Sông ở Cần Thơ. Ông đã thử và công nhận. Vừa rồi ông Việt phải la làng vì có tin đồng đăng báo Việt Nam, cà xỉu còn làm sung hơn cả hàu, giá đã lên 250.000 đồng/ký.

Cuối tuần, làm một cái cù lao mắm – được kể là món dân chủ nhứt, vì chưng ai muốn bổi gì tùy thích, tự do chọn. Cay tới đâu đưa cũng tới.

Ngữ Yên / Theo: SGN

Monday, May 20, 2024

8 MÓN ĂN CÓ NGUỒN GỐC TỪ CHIẾN TRANH, MỘT SỐ MÓN CHÚNG TA VẪN ĂN ĐẾN NGÀY NAY

Một số thực phẩm chúng ta thường thấy hoặc rất thích ăn kỳ thực là có nguồn gốc từ những năm tháng chiến tranh, khi người ta phải trải qua bao thăng trầm, thậm chí là phải chịu đói.

Hạt socola M&M cho đến nay vẫn là món ăn vặt phổ biến của mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng từng bị quân đội Mỹ hạn chế khẩu phần. (Ảnh: Shutterstock)

Chiến tranh thường kích thích sự đổi mới kỹ thuật và thay đổi văn hóa. Kỹ thuật và văn hóa ẩm thực cũng là một phần trong đó. Thuận theo sự va chạm và hội nhập của các nền văn hóa cũng như sự xuất hiện của các kỹ thuật mới để bảo đảm nguồn cung lương thực, một số loại thực phẩm và món ăn mới đã xuất hiện, thậm chí đã dần trở nên phổ biến sau chiến tranh và còn trở thành món ăn hàng ngày hiện tại của chúng ta.

Sữa đặc

Thêm một chút sữa đặc khi pha cà phê hoặc làm món tráng miệng sẽ làm chúng có vị ngọt ngào và thơm nức mùi sữa. Loại thực phẩm này có thể khởi nguồn từ giữa thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, học giả Gail Borden nhìn thấy rất nhiều người bị bệnh do uống sữa hết hạn sử dụng, vậy nên ông muốn phát minh ra một loại chế phẩm sữa có thể sử dụng được lâu dài. Ông đã sử dụng các phương pháp khử nước, tinh chế và đóng lon để sản xuất ra sữa đặc. Vào năm 1856, ông đã thành lập công ty sữa đặc đầu tiên trong lịch sử “Eagle Brand.”

Sữa đặc, một loại thực phẩm phổ biến, đã bắt đầu trở nên phổ biến từ thời Nội chiến Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, hai nhà máy đầu tiên của ông Borden đều bị phá sản, sữa đặc của ông cũng không trở nên phổ biến. Mãi cho đến thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ vào những năm 1860, khi chính phủ Hoa Kỳ mua số lượng lớn sữa đặc để cung cấp cho các binh sĩ ở tiền tuyến, sản phẩm này mới bắt đầu được hàng ngàn hộ gia đình biết đến. Nestle, một công ty sữa đặc rất nổi tiếng sau Nội chiến, đã thành công nhờ lấy cảm hứng từ “Eagle Brand.”

Thực phẩm đóng hộp

Nói đến sữa đặc thì phải kể đến kỹ thuật cơ bản của nó là đóng lon. Kỹ thuật này được phát triển trong những năm hỗn loạn của Cách mạng Pháp.

Rất nhiều loại thực phẩm đóng hộp ngày nay đều có lịch sử từ thời Cách mạng Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Vào năm 1795, quân đội Pháp đã treo giải thưởng 12,000 Franc cho người tìm ra kỹ thuật giúp thực phẩm không bị hỏng trong thời gian dài. Đến năm 1806, Nicolas Appert, người được mệnh danh là “Cha đẻ của khoa học thực phẩm,” đã phát minh ra kỹ thuật đóng lon. Quy trình sản xuất cơ bản của nó là nung nóng lon ở nhiệt độ cao để thực phẩm không bị hư hỏng trước khi mở.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chính phủ Pháp đã không trao thưởng cho Appert. Mãi đến năm 1810, Bộ Nội vụ Pháp mới đồng ý thưởng 12,000 franc cho Appert, nhưng điều kiện là ông phải tiết lộ kỹ thuật này cho xã hội. Kết quả là cùng năm đó, Appert đã xuất bản cuốn sách với tựa đề “Nghệ thuật bảo quản thực phẩm làm từ động vật và thực vật.” Đây là cuốn sách đầu tiên về kỹ thuật bảo quản thực phẩm hiện đại.

Lẩu bộ đội (Budae Jjigae)

Lẩu bộ đội cổ điển thường có nước dùng cay, sền sệt và nhiều loại thịt đã qua chế biến cùng với rau và mì ống v.v. Phương thức nấu ăn này xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên. Vào thời điểm đó, những người lính thiếu lương thực thường cho giăm bông, thịt ăn trưa, xúc xích và các loại thịt khác được nhập lậu từ căn cứ quân sự Hoa Kỳ vào súp, sau đó thêm vào bất cứ thực phẩm nào hiện có để nấu.

Lẩu bộ đội Hàn Quốc là món ăn dùng giăm bông, thịt ăn trưa và các hàng viện trợ khác của Hoa Kỳ, thêm vào kim chi và mì ăn liền để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu trong Chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh: Dương Tiệp/ Epoch Times)

Do đó, chúng ta có thể thấy lẩu bộ đội thường bao gồm nhiều loại thịt chế biến sẵn của Hoa Kỳ, thậm chí cả đậu đóng hộp và phô mai Mỹ. Đồng thời, trong nồi lẩu cũng sẽ có nhiều món ăn Hàn Quốc đa dạng như kim chi, tương ớt Hàn Quốc, mì ramen, súp cá cơm, v.v.

Spam

Người ta thường cho rằng thịt hộp Spam được sản xuất bởi công ty Hormel vào năm 1937. Nó đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới sau khi quân đội Hoa Kỳ tham gia Đệ nhị Thế chiến.

Thịt hộp Spam là thịt hộp được chế biến từ thịt lợn, muối, đường, tinh bột và gia vị, có thể ăn ngay sau khi mở. Đây là bữa ăn khẩn cấp của quân đội Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến khi nguồn cung cấp thực phẩm khan hiếm. (Ảnh: Shutterstock)

Là thực phẩm tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ, thịt hộp Spam đã cùng quân đội đi đến rất nhiều khu vực ở châu Âu và châu Á. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp thực phẩm ở rất nhiều nơi đều bị chiến tranh tàn phá và thịt hộp Spam đã trở thành nguồn cung cấp thịt để binh sĩ sinh tồn.

Sau chiến tranh, thịt hộp Spam bắt đầu hòa nhập vào văn hóa ẩm thực của các vùng miền. Hàn Quốc có lẩu bộ đội, Singapore có cà ri Spam, Philippines có Spam sisig… Thịt hộp Spam đã trở thành nguyên liệu chính cho rất nhiều món ăn mỹ vị.

Thanh dinh dưỡng socola

Tiền thân của thanh dinh dưỡng socola hiện đại là thanh socola được gọi là “Logan bar.” Trong Đệ nhị Thế chiến, thanh năng lượng do Hershey sản xuất này là thực phẩm tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ. Chúng có lượng calo rất cao và có vị ngọt nên được binh lính ưa chuộng. Nhưng nó cũng có một nhược điểm, đó là socola rất dễ tan chảy, hơn nữa vì quá ngon nên dễ bị quân lính ăn trước. Sau đó, công ty Hershey cũng phát triển một loại thanh năng lượng mới dành riêng cho quân đội. Socola trong đó không dễ tan chảy và hương vị cũng không ngon lắm.
Những thanh socola của Hershey từng là mặt hàng thực phẩm tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Sản phẩm socola tương tự còn có hạt socola “M&M’s.” Loại kẹo này có lớp phủ bên ngoài cứng hơn, nên việc socola ở giữa có tan chảy hay không không thành vấn đề. Khi hạt socola này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1941, nó là thực phẩm khẩu phần chỉ dành cho quân đội Hoa Kỳ. Phải đến sau Đệ nhị Thế chiến, khi nhà sản xuất Forrest Mars đưa sản phẩm này ra thị trường thì nó mới dần trở nên phổ biến.

Bánh Woolton (Woolton Pie)

Bánh Woolton cũng là sản phẩm của Đệ nhị Thế chiến. Tên của nó xuất phát từ tên của ông Lord Woolton, Bộ trưởng Bộ Thực phẩm Anh vào thời điểm đó.

Woolton Pie là món ăn tiện lợi của người Anh trong Đệ nhị Thế chiến. (Ảnh: Shutterstock)

Bánh Woolton lúc đó không phải là một món ăn cầu kỳ mà chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên liệu thông thường. Nó được làm bằng cách nấu rau trong nước thịt đặc, sau đó thêm bột yến mạch để hút nước, cuối cùng phủ lên trên bằng bánh mì giòn hoặc khoai tây. Người ăn chay cũng có thể chọn bánh mì nướng với súp rau củ và dầu thực vật.

Trong những năm chiến tranh, khi việc phân chia khẩu phần lương thực được thực hiện, loại thực phẩm với nguyên liệu đơn giản và cách chế biến dễ dàng này đã giúp rất nhiều người có được những bữa ăn bổ dưỡng và hấp dẫn.

Bánh sừng bò (Croissant)

Bánh sừng bò còn được gọi là bánh mặt trăng, bánh mì sừng bò, bánh mì sừng cừu. Bánh sừng bò có thể có nguồn gốc từ thời chiến tranh nhưng vấn đề này cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi.

Có nhiều cách nói ​​​​khác nhau về nguồn gốc của bánh sừng bò. Một trong những cách nói phổ biến nhất là nó bắt nguồn từ Vienna vào năm 1683. (Ảnh: Pixabay)

Về nguồn gốc của bánh sừng bò, một trong những cách nói phổ biến nhất là vào năm 1683, người Áo đã làm ra một loại bánh mì hình trăng lưỡi liềm có tên là “kipfel” để ăn mừng việc đánh bại quân đội Đế chế Ottoman tấn công Vienna. Hình dạng của chiếc bánh mì này giống với hình trăng lưỡi liềm trên lá cờ Ottoman. Sau này, người Pháp đã phát minh ra phương pháp làm bánh ngọt và sử dụng phương pháp này để nướng bánh sừng bò, từ đó làm ra loại bánh mì mà chúng ta thấy ngày nay.

Chính bởi đoạn lịch sử này, bánh sừng bò đã bị một số lực lượng Hồi giáo coi là biểu tượng cho chiến thắng của người châu Âu trước người Hồi giáo. Trong cuộc nội chiến ở Syria năm 2013, phiến quân phản chính phủ thậm chí còn cấm bán loại bánh mì này ở Aleppo.

Nước sốt thịt cay (Chili con carne)

Nước sốt thịt cay có lẽ xuất hiện lần đầu tiên ở San Antonio, Texas. Vào đầu thế kỷ 19, khu vực này vẫn là lãnh thổ của Vương quốc Tây Ban Nha. Một nhóm phiến quân chủ yếu bao gồm người Tây Ban Nha-Mexico, người Mỹ gốc Pháp và hậu duệ của thực dân Anh, đã tấn công khu vực này. Phiến quân ban đầu hứa sẽ bảo vệ các quý tộc địa phương, nhưng sau đó đã sát hại họ. Động thái này đã khiến người dân địa phương phẫn nộ. Do đó, người dân từ chối cung cấp lương thực cho quân nổi dậy.

Nước sốt thịt cay có khẩu vị đậm đà. Đằng sau nó là một câu chuyện tình yêu trong thời kỳ chiến tranh. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, có một cô gái quý tộc và một người lính của phiến quân đã yêu nhau. Cả hai đã mở một nhà hàng Mexico ở San Antonio và nấu ăn cho quân nổi dậy. Một trong những món ăn nổi tiếng của họ là nước sốt thịt cay. Người phụ nữ quý tộc có tên Jesusita de la Torre này cũng trở thành “Nữ hoàng cay San Antonio” đầu tiên.

Những thực phẩm trên đều có nguồn gốc từ thời chiến tranh. Ngày nay, với những cải tiến trong kỹ thuật công nghiệp và kỹ thuật nấu nướng, chúng có thể đã thay đổi đáng kể so với những ngày đầu. Khi ăn những món ăn này và nghĩ đến những cuộc chiến tranh cách đây nhiều năm, chúng ta có lẽ sẽ cảm nhận được cảm giác đặc biệt về những thăng trầm của cuộc sống thời đó.

Lưu Cảnh Diệp thực hiện
Toàn Phong biên dịch / Theo: epochtimesviet



ĐỜI NGƯỜI PHIỀN NÃO BỞI: BUÔNG KHÔNG ĐƯỢC, NGHĨ CHẲNG THÔNG, NHÌN KHÔNG THẤU, QUÊN CHẲNG NỔI

Người ta thường vướng víu, quanh quẩn trong những điều nhỏ nhặt để rồi huỷ hoại cảm xúc bản thân. Nếu có thể buông bỏ những gánh nặng trong lòng, làm phong phú nội tâm, thì cuộc sống sẽ triển hiện cho ta những cảnh tượng khác.


Im lặng và mỉm cười là hai thứ lợi hại. Mỉm cười là cách để giải quyết nhiều vấn đề, im lặng là cách để tránh những vấn đề rắc rối xảy ra.

Trên đời không mấy ai hoàn mỹ, người có thể chấp nhận khuyết điểm của bạn là người yêu thương bạn thật sự. Và cha mẹ ta chính là người như vậy.

Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, cuộc sống là trân trọng hiện tại. Đôi khi, bạn thấy mệt mỏi, có lẽ bạn đang nuối tiếc quá khứ và nghĩ nhiều về tương lai.

Tín nhiệm giống như một mảnh giấy. Nếu làm mất lòng tin, thì mảnh giấy nhăn nheo và không thể khôi phục nguyên dạng. Vậy nên, làm người phải giữ chữ Tín.


Nếu không lòng tốt và tình thương, thế giới sẽ trở nên vô cảm và lạnh lùng. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Lòng tốt và tình thương, hai thứ đó vốn có sẵn trong mỗi người, vậy nên hãy thiện đãi người khác đồng thời cũng yêu quý chính mình.

Kiến thức càng rộng, so đo càng ít. Kinh nghiệm càng nhiều, phàn nàn càng ít. Càng nhàn rỗi, càng dễ sinh sự.

Dù bạn làm tốt đến đâu, vẫn có người không hài lòng, thậm chí chê trách. Vậy nên, ở đời không cần cố làm hài lòng người khác, chỉ cần không hổ thẹn với lương tri là được rồi.

Sinh ra trong nghèo khó không đáng sợ, vì nghèo khó mà mất đi tự tôn, chí khí và trái tim rộng lượng, trở nên ích kỷ nhỏ mọn thì mới đáng sợ.

Trên đời này không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người khó, có lòng thì sẽ hành động, có yêu thì sẽ bỏ ra, có ước mơ thì sẽ cất cao đôi cánh.


Những việc có thể nói thấu thì có thể giải thích rõ ràng. Khi có khúc mắc trong tâm, ta khó nói hơn lúc bình thường vì lúc đó ta nhìn sự việc vẫn chưa rõ. Gặp trường hợp đó, ta nên chia sẻ với người có nhiều kinh nghiệm để có thêm gợi ý.

Đôi khi, không phải đối phương không quan tâm đến bạn, mà là bạn quá coi trọng bên kia, và bạn cũng muốn họ đối xử với bạn nhiều như vậy. Muốn không đau khổ thì hãy quan tâm một cách vô tư, không cần phải truy cầu cảm tình của đối phương.

Trong lòng người đó đã không có ta, cũng không nên cưỡng cầu. Tình cảm nên xuất phát từ hai phía, trên thế giới này sẽ có người thích hợp với bạn thôi. Nếu tìm được người tri kỷ thì hãy trân quý họ, nhưng cũng đừng vì cảm giác mới lạ mà bỏ rơi đối phương.

Những phiền não trong cuộc đời có thể được gói gọn trong 12 chữ: Không buông được, nghĩ không thông, nhìn không thấu, quên không nổi.


Nếu trong cuộc sống xuất hiện những việc không vừa ý, không nên bất mãn hay oán hận. Đời người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Khi tức giận, ta dễ làm thương tổn người khác, tựa như cây đinh đóng vào khúc gỗ, nếu rút ra vẫn để lại dấu vết.

Sống trên đời phải có một trái tim biết hàm ơn, nhận được ơn nghĩa của người khác thì phải ghi nhớ. Người luôn biết ơn là một người tử tế; người luôn khiêm nhường là trong tâm luôn thanh thản vì không phải ganh đua với ai.

Theo: ĐKN

Sunday, May 19, 2024

THÁI LIÊN KHÚC KỲ 2 - VƯƠNG XƯƠNG LINH


Thái liên khúc kỳ 2 - Vương Xương Linh

Hà diệp la quần nhất sắc tài,
Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai.
Loạn nhập trì trung khan bất kiến,
Văn ca thuỷ giác hữu nhân lai.


採蓮曲其二 - 王昌齡

荷葉羅裙一色裁
芙蓉向臉兩邊開
亂入池中看不見
聞歌始覺有人來


Khúc hát hái sen kỳ 2
(Dịch thơ: Trần Trọng Kim)

Lá sen quần lụa một màu,
Mặt tươi hoa thắm như nhau mặn nồng.
Dưới ao trà trộn khôn trông,
Nghe ca mới biết là trong có người.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), đỗ tiến sĩ năm 727 đời Ðường Huyền Tông, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức uý tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù. Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.

Nguồn: Thi Viện



BỐN BÀI HỌC ĐẮT GIÁ TỪ CÂU CHUYỆN CỦA NHÀ HIỀN TRIẾT

Có những việc trên đời, tưởng chừng rất khó để giải quyết, nhưng thực tế, đôi khi là do chúng ta đang tự bó buộc chính mình vào một vấn đề nên không thể thoát ra được. Cách tốt nhất là hãy thay đổi quan niệm một chút, đặt mình vào người khác một chút, như vậy mọi việc sẽ suôn sẻ hơn.

Bốn bài học đắt giá từ câu chuyện của nhà hiền triết. (Ảnh qua bioraf)

Triết gia đưa bò vào chuồng

Có một triết gia muốn lùa bò vào chuồng, nhưng bất kể là ông kéo mạnh về phía trước hay quất mạnh vào phía sau, con bò sống chết cũng không chịu nghe lời ông mà đi vào chuồng.

Một người nông dân đi ngang qua thấy thế, bèn mỉm cười, đồng thời nhổ một nắm cỏ trên mặt đất, sau đó đặt trước miệng con bò. Không ngờ, con bò ngoan ngoãn đi theo người nông dân vào chuồng bò.

Có một triết gia muốn lùa bò vào chuồng, nhưng bất kể là ông kéo mạnh về phía trước hay quất mạnh vào phía sau, con bò sống chết cũng không chịu nghe lời. (Ảnh qua 2lua)

Sau nhiều lần suy nghĩ, nhà triết học đã tổng kết những triết lý sau từ câu chuyện này:

Mỗi người đều có sở trường phù hợp với riêng mình, ví như một triết gia không thể bằng một người nông dân trong vấn đề đối xử với gia súc.

Muốn người khác làm việc gì đó, thì cưỡng ép là không được, dù bạn có cố gắng hết sức cũng không thể được. Trên thực tế, tất cả những gì chúng ta cần làm, chính là cho người đó một chút ngọt ngào và hy vọng trong cuộc sống này.

Chuyện trên đời không thể muốn sao liền được vậy, hãy đặt mình vào vị trí của người khác mà suy nghĩ một chút, như vậy mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn.

Con đại bàng đá biết bay

Một nhà điêu khắc nọ, tạc được một con đại bàng trên đá, con đại bàng này trông rất sống động, như thể nó đang thực sự bay cao trên bầu trời.

Nhà triết học thấy vậy, bèn đến gặp người này và hỏi: “Làm thế nào mà anh có thể điêu khắc cho hòn đá giống như đang bay lên được vậy?”

Một nhà điêu khắc nọ, tạc được một con đại bàng trên đá, con đại bàng này trông rất sống động, như thể nó đang thực sự bay cao trên bầu trời. (Ảnh qua asiabateav)

Nhà điêu khắc trả lời: “Thực ra, tôi chỉ là loại bỏ đi những phần thừa thãi trên tảng đá mà thôi”.

Một hòn đá, chỉ cần loại bỏ đi những phần dư thừa, thì đã tạo ra được một con đại bàng sống động như đang bay. Điều này nhắc nhở triết gia một đạo lý rằng:

Dù con người có ngu ngốc như cục đá thì cũng có thể bay lên, miễn là bỏ được những thứ dư thừa!

Nói đơn giản là, những cám dỗ của cuộc đời cũng giống như những phần dư thừa trên hòn đá vậy, khi đối mặt với cám dỗ, nếu cái này muốn, cái kia cũng muốn, cái này không muốn từ bỏ, cái kia cũng không muốn từ bỏ, thì cuối cùng không từ bỏ được gì hết. Cuộc sống sẽ trở thành một tảng đá nặng, và chúng ta sẽ không bao giờ trở thành đại bàng giương cánh bay cao được.

Do đó, đời người nếu muốn bay cao lên được, thì chỉ cần buông bỏ đi những phần thừa thãi của bản thân mình là được.

Người chăn cừu và sợi dây vô hình

Có một người chăn cừu đang đi về phía trước, bước chân đều từ trái sang phải. Theo sau anh ta, có một con cừu lẽo đẽo đi theo, mặc dù nó không bị trói bằng dây, nhưng vẫn theo bước người chăn cừu như hình với bóng, cũng đi từ trái sang phải, không rời một bước.

Nhà triết học thấy vậy, cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi người chăn cừu: “Anh không dùng dây để dắt cừu, tại sao nó có thể theo sát anh không rời vậy?”

Người chăn cừu và sợi dây vô hình. (Ảnh qua piedmontchurch)

Người chăn cừu trả lời: “Thứ buộc bầy cừu không phải sợi dây, mà là sự quan tâm, yêu thương của bạn dành cho bầy cừu”.

Câu trả lời của người chăn cừu khiến nhà triết học phải suy nghĩ:

Để duy trì tình cảm giữa người với người, thì không phải chỉ dựa vào sợi “dây thừng” hữu hình để trông coi hay giới hạn họ, mà phải dựa vào sự quan tâm, chăm sóc của tình yêu thương.

Quả bầu của bác nông dân

Ngày xưa, có một bác nông dân trồng được một quả bầu lớn. Nhưng thay vì vui mừng, người nông dân lại lâm vào tình thế khó xử, vì chẳng biết phải làm gì với nó. Dùng để đựng rượu, thì sợ nó sẽ vỡ. Nếu cưa đôi và dùng làm gáo múc nước, thì không có cái lu nào to như vậy để múc.

Quả bầu của bác nông dân. (Ảnh qua stkieransrc)

Nhà triết học sau khi chứng kiến điều đó, ông đã nói như thế này. Người ta chỉ biết quả bầu dùng để đựng nước, nhưng không biết ngoài việc đựng nước ra, quả bầu còn dùng để làm thuyền trên mặt nước, đây không phải là rất tốt hay sao?

Nhiều người thường hay “giam cầm” tư duy của mình vào quả bầu, như thế sẽ khiến bản thân vĩnh viễn không thể tìm được đường ra. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ cần phá bỏ những thói quen, suy nghĩ cũ, thì chúng ta sẽ có thể tinh tế vượt qua nút thắt của tư duy, và khám phá một thế giới mới rộng lớn hơn.

Chúc Di / Theo: Tinh Hoa

Saturday, May 18, 2024

ĐỪNG NGỦ 3 GIẤC, ĐỪNG CẦU 3 NGƯỜI, NẾU KHÔNG, ĐỜI NÀY COI NHƯ LÃNG PHÍ

Đời người là một hành trình không ngừng học cách trưởng thành. Chỉ là, sự trưởng thành thường không liên quan đến tuổi tác, mà là ở kinh nghiệm sống. Trước 40 tuổi, bạn có thể vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống, hoặc bạn cho rằng cuộc sống này chỉ bao gồm gia đình và con cái mà thôi, do đó bạn thường bỏ qua bản thân mình. Vì thế, khi đến tuổi 40 bạn nên quan tâm bản thân mình nhiều hơn. Có câu: "Tuổi 40 muốn giàu có, đừng ngủ 3 giấc, đừng cầu 3 người", hiểu thấu để không sống hoài phí.


Đừng ngủ 3 giấc

1. Đừng đi ngủ khi đang tức giận

Ngủ là một việc làm bổ sung năng lượng, nếu ngủ mà mang theo cảm xúc nặng nề thì sẽ rất dễ gặp ác mộng, không những không được nghỉ ngơi tốt mà còn gây hại cho thể chất và tinh thần, lâu ngày tính tình sẽ trở nên cáu gắt, bất an, làm tổn hại đến mối quan hệ với những người xung quanh. Khi bước vào tuổi trung niên thì tâm nên tĩnh lặng như nước, đối với chuyện không vừa ý thì phải kịp thời giải quyết, không được mang theo cảm xúc tiêu cực đi ngủ.

2. Đừng đi ngủ khi vừa ăn no

Nếu dạ dày của một người không tốt thì sẽ khó tiêu, cho dù là ăn thức ăn bổ dưỡng đến cỡ nào thì cũng không thể hấp thụ được dưỡng chất như bình thường. Đồng thời khi thể lực giảm sút ở tuổi tứ tuần, bạn sẽ rất dễ bị ốm vì các vấn đề về đường tiêu hóa, điều này càng làm tổn hại đến sức khỏe nhiều hơn, vì vậy, bạn không được đi ngủ sau khi ăn no, nếu thực sự muốn ngủ, bạn có thể tản bộ ít phút, đợi cho cơn no lắng bớt rồi hẵng ngủ.

Đối với những người đã bước vào tuổi trung niên thì càng phải chú ý hơn, không nên ăn ngủ buông thả như hồi còn trẻ. Dù giàu hay nghèo, không ai có thể thoát được cái già, trong trường hợp thể chất đã suy giảm, chúng ta cần phải bảo vệ dạ dày nhiều hơn.


3. Đừng ngủ trái giờ, đảo lộn ngày đêm

Ở tuổi trung niên, thức khuya cũng là một việc rất đáng lưu ý, tác hại của việc thức khuya không phân biệt già trẻ, nhưng đối với người trung niên có sức khỏe giảm sút mà nói thì đó là một thói quen sinh hoạt không tốt cần phải sửa ngay lập tức. Ngày đêm đảo điên có nghĩa là làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn, không theo quy luật.

Khi còn trẻ, sức khỏe dồi dào, cả đêm không ngủ thì vẫn có năng lượng để làm việc vào buổi sáng. Nhưng khi bước vào tuổi trung niên, bạn sẽ thường cảm thấy mệt mỏi hơn, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị giảm sút, tinh thần cũng không được tốt như trước, lúc này bạn cần phải nuôi dưỡng thói quen ngủ nghỉ đúng giờ, như vậy mới có thể giữ được sức khỏe dẻo dai.


Đừng cầu 3 người

1. Đừng cầu người thấy lợi quên nghĩ

Khi đến tuổi trung niên, chắc chắn bạn sẽ tích lũy được một số của cải, và những của cải này sẽ thu hút một số hậu bối tiếp cận bạn dưới danh nghĩa bạn bè. Nếu bạn gặp nạn và muốn nhờ họ giúp một tay, họ có thể không những không giúp mà còn thừa cơ ném đá xuống giếng. Cho nên mới nói, thà gặp người bạc bẽo còn hơn là gặp kẻ thấy lợi quên nghĩa. Khi đến tuổi trung niên, nhất định phải tránh những người này càng xa càng tốt.

2. Đừng cầu người cao ngạo tự đại

Trong cuộc sống, chúng ta không thể lúc nào cũng một mình chống chọi, đôi khi khó khăn ập đến vẫn phải nhờ người giúp đỡ. Nhưng nhờ vả thì cũng có người nên nhờ, người không nên nhờ. Chẳng hạn, những người trước đây coi thường mình thì dù gặp khó khăn lớn đến đâu cũng không được cầu cứu những người đó.

Suy cho cùng, khi đến tuổi trung niên ai cũng sẽ có một nền tảng các mối quan hệ xã hội vững chắc, cho nên không cần cúi mình nhẹ giọng đi cầu cứu những người cao ngạo tự đại, ở độ tuổi này không có trở ngại nào là không thể vượt qua, không có tai họa nào là không thể giải quyết. Cho nên, không cần giao du với những người coi thường mình, như vậy mới có thể giữ được sự tôn nghiêm của bản thân.


3. Đừng cầu người chỉ giỏi nói mà không làm

Khi tìm kiếm sự giúp đỡ, hãy tìm những người bạn xem lời hứa là ngàn vàng, họ sẽ làm hết sức mình để thực hiện lời họ đã hứa với bạn. Đồng thời nên tránh xa loại người miệng mồm thì liên tu bất tận như tàu hỏa, tự vỗ ngực đảm bảo sẽ giúp bạn nhưng tới khi làm thì lại không thấy đâu, bạn vừa ra về thì họ đã quên hết sạch những gì họ đã hứa rồi. Đến cuối cùng, chỉ khiến công việc của bạn bị chậm trễ mà thôi.

Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Friday, May 17, 2024

TẠI SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI CÀNG CHĂM CHỈ, LẠI CÀNG TẦM THƯỜNG?

Nhóm nghiên cứu sinh học của Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã từng tiến hành một thí nghiệm. Họ theo dõi 3 đàn kiến ​​đen, mỗi đàn gồm 30 con kiến, để quan sát sự phân công lao động của chúng. Kết quả là họ phát hiện ra hầu hết các loài kiến ​​đều rất siêng năng dọn dẹp tổ, mang thức ăn và chăm sóc cho kiến ​​con, chúng hầu như không dừng lại. Tuy nhiên, có một số ít con kiến ​​có vẻ vô tích sự, suốt ngày nhìn quanh đàn và không bao giờ làm việc.


Các nhà sinh vật học đã đặt tên cho những con kiến này là “kiến lười biếng”, và đánh dấu trên thân của chúng.

Điều thú vị là khi nhóm nghiên cứu cắt đứt nguồn thức ăn của đàn kiến, những con kiến ​​siêng năng ngay lập tức trở nên hỗn loạn. Còn những “con kiến lười biếng” vẫn không chút vội vàng và dẫn đàn đến một nguồn thức ăn mới.

Hóa ra kiến ​​lười không phải lười mà chúng dành phần lớn thời gian cho việc trinh sát. Trông chúng có vẻ nhàn rỗi nhưng trong đầu vẫn không ngừng suy nghĩ, đây chính là “hiệu ứng kiến ​​lười biếng” nổi tiếng.

Những con kiến ​​lười không phải lười mà thực ra chúng vẫn không ngừng suy nghĩ. (Ảnh: Pixabay)

Câu chuyện thứ nhất

Một cư dân mạng đã kể một câu chuyện như thế này: Năm đầu tiên ra trường, anh và một người bạn cùng lớp vào cùng công ty xin thực tập. Để tạo ấn tượng tốt với sếp, hàng ngày anh ấy là người đầu tiên đến công ty và là người cuối cùng rời sở làm. Trong thời gian thực tập, hầu như ngày nào anh ấy cũng làm thêm đến 12 giờ. Còn cậu bạn cùng lớp của anh, mỗi ngày cứ đúng giờ đến và đúng giờ tan làm.

Hai tháng sau khi thực tập, công ty sát hạch để chọn nhân viên chính thức, và anh nghĩ rằng mình sẽ được tuyển. Kết quả là, anh ấy không được chọn chính thức, thế nhưng người bạn cùng lớp của anh ấy lại được chọn.

Anh ấy đã rất tức giận, và than vãn trên mạng rằng: “60 ngày nỗ lực làm việc chăm chỉ là một trò đùa!”

Người quản lý bộ phận sau khi vô tình đọc được những lời này, đã gửi cho anh hai báo cáo nghiệp vụ, một là của anh và một của cậu bạn học đó. Báo cáo của anh dày đặc hàng nghìn chữ với nội dung chung chung. Còn bản báo cáo của người bạn kia, tuy chỉ hơn nghìn chữ, nhưng logic rõ ràng, nêu rõ trọng điểm, khiến người đọc nhìn là hiểu.

Điều quan trọng là trong phần phân tích chiến lược, anh chỉ đề cập sơ sài qua, nhưng cậu bạn cùng lớp đã chỉ ra một cách rất chi tiết những thuận lợi và khó khăn của công ty, cũng như những cơ hội và rủi ro tiềm ẩn trên thị trường.

Hóa ra khi anh quá bận rộn với những chuyện vụn vặt, trong khi cậu bạn học của anh đã nghiên cứu kỹ lưỡng đến cấp chiến lược.

Khoảng cách lớn nhất giữa mỗi người không phải là khả năng nỗ lực, mà là chiều sâu của tư duy. Nếu không có tư duy sâu thì mọi sự siêng năng đều vô ích.

Khoảng cách lớn nhất giữa mỗi người không phải là khả năng nỗ lực, mà là chiều sâu của tư duy. Nếu không có tư duy sâu thì mọi sự siêng năng đều vô ích. (Ảnh: xframe)

Câu chuyện thứ hai

Có một câu chuyện như vậy trong cuốn sách “Tốc độ của tư duy”: Tại một thị trấn nhỏ ở California, có một chàng trai trẻ rất thích viết. Anh ấy không ngừng viết lách để mưu sinh và khao khát trở thành một tiểu thuyết gia xuất sắc. Nhưng những cuốn tiểu thuyết mà anh ấy viết đều rất khó bán, và không có người tán thưởng.

Anh ấy rất đau khổ nên đã đến nhà thờ và hỏi vị linh mục: “Xin Cha cho biết, tại sao con ngày đêm viết lách mà tác phẩm vẫn không có tiến bộ gì?”.

Vị linh mục không trả lời trực tiếp, mà thay vào đó hỏi: “Mỗi buổi sáng con làm gì?”

Anh hơi khó hiểu nói: “Con viết tiểu thuyết”.

Vị linh mục lại hỏi: “Thế còn buổi trưa?”.

Anh trả lời: “Con cũng viết tiểu thuyết”.

Vị linh mục tiếp tục hỏi: “Còn buổi chiều?”

Nghe vậy, người thanh niên có chút không kiên nhẫn: “Ngoài ăn ngủ ra, thời gian còn lại con đều dành để viết tiểu thuyết”.

“Vậy thì con suy nghĩ vào lúc nào?” vị linh mục hỏi.

Nhìn người thanh niên vẫn chưa hiểu ra vấn đề của bản thân, vị linh mục kiên nhẫn nói: “Cái mà con gọi là cố gắng chăm chỉ chẳng qua là những lịch trình bận rộn lặp đi lặp lại vô tận. Nó không có gì khó cả. Chỉ cần có đủ điều kiện thì hầu hết mọi người đều có thể làm được.

Cái khó là suy nghĩ, không có suy nghĩ thì cuốn tiểu thuyết của con sẽ không có linh hồn; không suy nghĩ thì sự siêng năng của con sẽ trở nên vô nghĩa”.


Đúng vậy, nếu chỉ biết coi vùi đầu cật lực viết là phương pháp sáng tạo duy nhất, mà không suy nghĩ tổng kết, làm sao có thể nâng cao khả năng, chất lượng được? Thoát khỏi sự siêng năng mang lại chất lượng thấp và hãy phát triển thói quen suy nghĩ là bước đầu tiên trong việc thăng hoa nhân sinh.

Chỉ bằng cách suy nghĩ, ta mới có thể lắng nghe được những âm thanh sâu thẳm trong tâm hồn và tìm ra con đường giá trị nhất. Mong rằng trong bận rộn chúng ta luôn có được khoảng trống dành cho suy xét, và hãy là những “con kiến ​​lười biếng” siêng năng suy nghĩ!

Minh An / Theo: NTDTV

CÁ BỐNG CÁT CHỢ CHIỀU QUÊ MẸ

Có hai thứ cá bống cho tới nay tôi loay hoay tìm hiểu là bống gì, vẫn mờ mịt như giữa đường thỉnh kinh của Đường tăng. Đó là cá bống cô Tấm nuôi dưới giếng và cá bống Vua Tàu bắt dân ta lặn bắt để cống nạp cho hoàng gia… cái gan. Chỉ biết một loại bống nước ngọt, một loại bống nước mặn.

Cá bống kho tiêu (file photo)

Cá bống cô Tấm nuôi chỉ cho ăn cơm là sự lạ đời, nhưng thuộc thế giới cổ tích. Cá bống lặn khổ lặn sở để bắt lên lấy cái gan cống nạp qua sử được học từ nhỏ còn lạ đời hơn. Hổng lẽ cống cái gan khô, hay gan xông khói, hay gan muối mắm? Nói chung, ở xứ này sử khó tin là chuyện thường tình. Sử cách đây vài năm đã trật (do cố ý), huống hồ cách đây vài trăm năm.

Thế giới cá bống ở Việt Nam khá là mông lung. Người dân đâu phải các nhà khoa học nên họ nhìn sao đó thì gọi là bống. Có nhiều loại bống xa lạ với chi cá bống của các nhà khoa học. Có thể kể một số cá bống ở sông biển Việt: Bống mú, bống cát, bống dừa, bống tượng, bống kèo, bống hoa (dễ nhầm với bống vân mây ăn ngộ độc), bống bớp, bống sao, bống thòi lòi, bống đục, bống trứng, v.v.

Cá bống sao được cù lao Dung, Sóc Trăng giành là món đặc sản của địa phương. Nhưng dân xã Đất Mũi, Cà Mau cho rằng không chỉ cù lao Dung, đất mũi cũng có. Cá bống sao kho chồn là món “tuyệt cú mèo” của cả hai xứ. Kho chồn là tên gọi địa phương về bí quyết kho kẹo với thật nhiều tiêu. Ngon nhất là cái gan cá, vì to trội hơn các loại bống khác nhiều. Hương vị nhẩn nhẩn, bùi bùi. Bống sao giống hệt bống thòi lòi, nhưng trên mình có đốm xanh là lấm tấm những đốm trắng giống như sao trời. Nhưng nếu cả hai tham dự môn nhảy xa ở các cuộc thi điền kinh, bống thòi lòi sẽ thắng.

Cá bống kho kẹo vừa dòn sừn sựt, vừa thơm mùi mỡ con cá, vừa hăng mùi tiêu (ảnh: bepxua)

Bống ngon nhất là bống mú. Có lần em ruột của ông bạn tôi ở nước ngoài về đi du lịch các đảo ở Kiên Giang – một trong những xứ nhiều đảo nhất Việt Nam, gặp một ngư dân câu được hai con bống mú. Ông bèn mua luôn cả hai, mặc dầu một con đã không tươi mấy. Hôm đó được ăn món bống mú tươi chấm mù-tạt, xì dầu và chanh. Thịt cá ngọt, dai có lẫn chút vị béo, không đủ tanh để cần phải chấm nhiều. Nhưng không thể thiếu hành trắng ngâm lạnh chấm mù-tạt. Món phụ ấy tôn cái ngon thêm đậm đà, nhờ chất tạo cay xộc lên tận mũi của mù-tạt [1]. Phải kể đó là con bống ngon nhất, nhưng khó chịu với túi tiền nhiều người.

Ngày xưa ở Nha Trang, tôi thường theo hai người bạn học đi săn loại cá này dưới bãi san hô nước sâu bên chân Hòn Chồng. Cá hay ở rút vào hang, nên phải đem theo poignard, phòng khi không kéo con mồi ra được, ngậm ngùi cắt dây mũi tên. Thuở ấy Hòn Chồng chỉ có vài ba lều quán bình dân. Thuở ấy chúng tôi thường phải đổi một phần cá, mực săn được lấy bia uống cho đã một bữa đi biển. Món gỏi cá biển lại càng thơm đậm các loại rau gia vị, nhất là rau gia vị miền Trung cằn cỗi. Tôi chỉ nhận ra điều này khi vào Sài Gòn ăn rau gia vị Hóc Môn, Gò Vấp, nơi đất đai phì nhiêu.

Nhưng không có gì nằm trong trí nhớ sâu đậm bằng cá bống chợ chiều quê mẹ. Gọi là chợ chiều, nhưng ở một góc đường xuống chợ Vạn Giã, chỉ có vài ba mớ cá mà người nhà của người bán vừa đi đánh buổi sáng và đem thành quả về lúc hai, ba giờ xế chiều. Lần nào về, tôi cũng chực mua mớ cá bống này. Mua đủ để làm hai món: Canh chua lá me non và kho keo thật nhiều tiêu. Canh chua đưa cay với bạn bè đến sần sần rồi lót dạ một hai chén cơm với cá kho.

Cá bống mú sashimi chấm mù tạt có thể nói là ngon nhứt trong thế giới cá bống (ảnh: file photo)

Thịt cá bống cát chợ chiều có lẽ do sống sát đáy cát nên trắng phau trong tô canh. Bảo rằng món này ngon tuyệt thì quá đáng. Thịt cá chấm với nước mắm nguyên chất của các nhà thùng thủ công Vạn Giã, ăn luôn cả xương, ngon. Nhưng cái ngon này còn được sinh thành bởi nhiều yếu tố: Món cá thời gia đình nghèo, món cá chợ chiều của những ngư dân nghèo không có phương tiện đi ra khơi xa. Có năm cuối năm đi mua cá, cá nhiều, người bán này nói với người kia: “Tết này chắc nhà tui ăn cá bống thôi.” Cái ngon còn do thỏa mãn một phần nỗi nhớ quê bằng những hình ảnh cụ thể. Tô canh lá me chua cá bống cát với thật nhiều giá. Trả cá kho kẹo, lua miếng cơm với con cá thịt săn lại. Thịt cá canh là nhu, là âm; thịt cá kho là cương, là dương.

Không biết con cá bống cát này có họ hàng gì với con cá bống cát Nhật hoàng Akihito. Con cá chính ông phát hiện ở Cần Thơ thời gian làm nghiên cứu sinh. Và, ông tặng phát hiện này cho Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng con cá bống cát miền Tây là của ai thì của, còn con cá bống cát chợ chiều quê mẹ là của tôi.

Lần này về quê tiễn biệt mẹ, tình cờ thay, được hạnh ngộ món canh chua cá bống cát và vài ly rượu với anh em. Được ăn cơm với món cá kho kẹo! Như vậy đủ để mẹ ở lại cùng thằng con suốt đời. Cũng như thương nhớ thằng con ở lại suốt đời nơi mẹ.

Ngữ Yên / Theo: SGN

Thursday, May 16, 2024

GIỮ THỂ DIỆN THÌ SỐNG CHỊU TRẬN: KHÔNG SĨ DIỆN CŨNG CẦN DŨNG KHÍ

Biết sĩ diện là điều tốt nhưng quá sĩ diện mới là điều ngu ngốc, ở đời thường có những người sống rất mệt mỏi vì quá sĩ diện! Họ sợ mắc sai lầm, sợ xấu hổ, sợ người khác bàn tán về mình, cố làm hài lòng tất cả mọi người, kết quả quá sĩ diện ngược lại càng dễ bị tổn thương.


Không biết xấu hổ

Mới sáng sớm đã thấy một nhóm các bà các mẹ đang nhảy múa trong khuôn viên quảng trường, nhìn kỹ thì thấy một ông chú vạm vỡ mặc quần soóc hòa vào nhóm các dì, ông nhảy hết mình, cũng không biết đến việc từ phía xa có người qua đường dừng lại chụp ảnh mình, không biết rằng khi chụp ảnh là người ta đang tán thưởng sự dũng cảm "không biết xấu hổ" của mình!

Một số cư dân mạng từng chia sẻ rằng, một cựu chủ tịch của một tập đoàn lớn đã nói thế này: "Thể diện là gì? Làm việc lớn chúng ta không bao giờ xấu hổ. Da mặt có thể bị xé ra ném xuống đất, đá mấy phát, và bỏ đi, không thèm quan tâm."

Khi tôi đọc đến bình luận này, tôi cảm thấy thực sự bị sốc! Câu nói này làm đảo lộn trí tưởng tượng của tôi, hóa ra "người không biết xấu hổ cũng có thể thành công?"

Một nhà tài phiệt Hồng Kông giàu có khác là Lý Gia Thành cũng đã nói một điều tương tự: "Khi bạn bỏ qua thể diện để kiếm tiền, nói thẳng ra bạn là người hiểu chuyện. Khi bạn vẫn ngồi đó để uống rượu và khoe khoang, cái gì cũng không biết và chỉ quan tâm đến cái gọi là sĩ diện, thì cả đời bạn chỉ có vậy mà thôi”.

Chứng kiến ​​những điều này, cuối cùng tôi rút ra một kết luận: Hóa ra người giàu không biết xấu hổ. Loại người da mặt mỏng, ưa sĩ diện như tôi ngược lại tỏ ra bủn xỉn, số mệnh không thể giàu sang phú quý, có lẽ phải cố gắng lấy hết can đảm để không biết xấu hổ thì mới thay đổi được cuộc đời.

Rất nhiều bất hạnh, nguyên nhân bắt nguồn từ giữ thể diện

Nhưng, chuyện từ xưa đến nay, những vĩ nhân vì thể diện mà bỏ mạng cũng không ít, trong đó, nổi tiếng nhất chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, người đã tự vẫn bên sông Ô Giang. Lúc đó, quân của Hạng Vũ đang bị mười mấy vạn đại quân của Lưu Bang bao vây, sau khi đại bại, ông cảm thấy mình “không còn mặt mũi nào mà nhìn các trưởng lão Giang Đông”, cuối cùng dùng dao tự sát mà chết. Người ta cũng không thể lý giải được, Hạng Vũ rõ ràng có khả năng vượt qua sông Ô Giang Tây Sơn mà làm lại, nhưng tại sao ông lại chọn con đường chết?

“Giữ thể diện thì sống chịu trận”. Biết sĩ diện là điều tốt nhưng quá sĩ diện mới là điều ngu ngốc, ở đời thường có những người sống rất mệt mỏi vì quá sĩ diện! Họ sợ mắc sai lầm, sợ xấu hổ, sợ người khác bàn tán về mình, cố làm hài lòng tất cả mọi người, kết quả quá sĩ diện ngược lại càng dễ bị tổn thương.

Cái gọi là "không biết xấu hổ" không phải để cho bạn thành kẻ du côn, mà là để dạy bạn không nên quá coi trọng bản thân, hãy cởi bỏ lớp mặt nạ phù phiếm và tâm lo lắng, đồng thời để suy nghĩ của bản thân trở nên cởi mở và sáng suốt hơn trước những vấn đề trong đời sống.

Như vậy, làm một người không biết xấu hổ có quá khó không? Đối với nhiều người, câu trả lời là có, bởi vì “cái tình” của chúng ta quá nặng! Dù là tình cảm con người, tình cảm gia đình, tình bạn hay tình yêu thì đều giống nhau, đối với cái tình này, chỉ cần bạn đừng quan tâm đến nó thì nó sẽ không làm cho bạn phải đau lòng.

Cho nên có người nói không biết xấu hổ cũng cần dũng khí! Da mặt bạn không chỉ cần dầy hơn một chút, mà còn phải gạt bỏ cảm giác xấu hổ sang một bên, phải chịu được những ánh nhìn vô tình của người khác, người có lòng tự trọng cao chắc chắn sẽ không thể chịu đựng được.

Nếu một người rất sĩ diện, nhưng lại có thể coi thường sĩ diện của mình mà thỏa hiệp vì lợi ích của người khác và lợi ích chung, thì loại người “vô liêm sỉ” này sẽ là đối tượng được mọi người tôn sùng, và sẽ được kính trọng hơn. (Ảnh pexels)

Trên thực tế trong rất nhiều trường hợp, khi bạn bỏ qua liêm sỉ, khi bạn trở nên không biết xấu hổ, có lẽ ngược lại sẽ mở ra một cuộc sống mà bạn thấy hài lòng. Ví dụ, nếu một người rất sĩ diện, nhưng lại có thể coi thường sĩ diện của mình mà thỏa hiệp vì lợi ích của người khác và lợi ích chung, thì loại người “vô liêm sỉ” này sẽ là đối tượng được mọi người tôn sùng, và sẽ được kính trọng hơn.

Nhưng có một kiểu người vô liêm sỉ không thể chấp nhận được, đó là người chỉ biết mình, tham lam và ngu dốt, không có đạo đức căn bản, vậy thì cái thứ mà kiểu người này thiếu không phải là dũng khí, mà là lương tâm.

Bạn không cần phải quan tâm quá nhiều đến mọi thứ trong cuộc sống, cũng không cần quan tâm quá nhiều đến tình cảm giữa người với người, bạn tự tìm lấy hạnh phúc cho mình, đừng để cuộc đời mình bị người khác điều khiển, đừng quan tâm quá nhiều đến cách nhìn và đánh giá của người khác, bạn có thể sống một cuộc sống dễ dàng, thoải mái, cởi mở hơn.

Giống như ông chú nhảy cùng các bà các mẹ trong khuôn viên quảng trường kia, không sợ ánh mắt của người khác, không sợ bị mất mặt, một chấm xanh trong vạn điểm đỏ hưởng trọn niềm vui.

Đức Nhã
Theo: ETViet

THƯƠNG TIẾN TỬU - LÝ BẠCH


Thương tiến tửu - Lý Bạch

Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Hựu bất kiến:
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty, mộ thành tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.
Sầm phu tử,
Đan Khâu sinh.
Thương tiến tửu,
Bôi mạc đình!
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:
“Chung cổ soạn ngọc hà túc quý,
Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Trần vương tích thời yến Bình Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.”
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.


將進酒 - 李白

君不見
黃 河之水天上來
奔流到海不復回
君不見
高堂明鏡悲白髮
朝如青絲暮成雪
人生得意須盡歡
莫使金樽空對月
天生我材必有用
千金散盡還復來
烹羊宰牛且為樂
會須一飲三百杯
岑夫子丹丘生
將進酒君莫停
與君歌一曲
請君為我側耳聽
鐘鼓饌玉不足貴
但願長醉不願醒
古來聖賢皆寂寞
惟有飲者留其名
陳王昔時宴平樂
斗酒十千恣讙謔
主人何為言少錢
徑須沽取對君酌
五花馬千金裘
呼兒將出換美酒
與爾同消萬古愁


Xin mời rượu - (Dịch thơ: TchyA)

Há chẳng thấy trên trời sa xuống,
Nước Hoàng Hà cuồn cuộn tung xuôi.
Một đi, đi mãi ra khơi,
Có bao giờ lại phản hồi nữa đâu?
Lại chẳng thấy trên lầu gương tỏ,
Mái tóc càng soi rõ mầu sương.
Sáng như tơ chửa nhuộm vàng,
Chiều đà như tuyết nghĩ thương thân già.
Cho nên gặp lúc ta đắc ý,
Phải chơi cho phỉ chí con người.
Chén vàng chớ để cho vơi,
Đáy không nhìn bóng trăng soi bẽ bàng.
Sinh ta có tài năng chí khí,
Ắt trời không bỏ phí không dùng.
Ngàn vàng không cũng là không,
Tiêu đi lại có, mất xong lại về.
Thì hãy mổ trâu dê mà khoái,
Tụ cho đông uống mãi cho say.
Rót ba trăm chén rượu đầy,
Một lần tu cạn một hơi mới đành.
Nào Sầm tử, Đan sinh đâu tá?
Chớ ngừng tay, rót nữa đừng thôi.
Vì mình ta hát khúc chơi,
Vì ta mình hãy lắng lời mà nghe.
Dẫu soạn ngọc chẳng gì đáng quý
Chỉ cầu cho tuý lý mà thôi,
Thánh hiền chết cũng lấp vùi
Còn tên để lại, hoạ người say sưa.
Yến Bình Lạc ngày xưa vui thú,
Trần Vương mời rượu hũ thập thiên.
Chủ nhân hãy uống chớ phiền,
Cớ sao than nỗi không tiền với ta?
Này đây ngựa năm hoa một cỗ,
Này ngàn vàng cả bộ áo lông.
Trẻ đâu! đổi lấy rượu nồng
Cùng người, cùng giải sầu trong vạn đời.


Ghi chú:

Bài này được sáng tác khoảng năm Thiên Bảo thứ 11 (752). Đề mục Thương tiến tửu vốn là tên một điệu Nhạc phủ đời Hán, thuộc Đoản tiêu nao ca có nội dung là lời phóng ngôn khi uống rượu, có sách chép là Tích tôn không 惜罇空.

Chữ 將 trong tên bài ở đây đọc âm “thương” (tương ứng âm “qiāng” trong tiếng Trung hiện đại) với nghĩa xin mời, hãy.

Nguồn: Thi Viện



THẾ GIAN CÓ 4 LOẠI NGỰA, CHÚNG SINH CÓ 4 LOẠI CĂN CƠ

Chúng sinh căn cơ bất đồng, đối với thế gian vô thường, có người có thể ngộ ra ngay, có người lại phải chịu đủ đau khổ rồi mới tỉnh mộng trần gian.


Thế gian có 4 loại ngựa

Một ngày nọ, Đức Phật Thích Ca đang ngồi ở trong tịnh xá Trúc Lâm của thành Vương Xá; các đệ tử đi khất thực lần lượt trở về tịnh xá, người nào cũng có vẻ uy nghiêm và an hòa.

Các đệ tử lặng lẽ đi đến bên bờ ao, rửa đi những bụi đất bám ở chân. Sau đó ngồi ngay ngắn ở trên đệm ngồi, chờ đợi sự chỉ dạy của Đức Phật.

Lúc này Đức Phật mới mỉm cười nói: “Thế gian có 4 loại ngựa: Loại thứ nhất là lương mã (ngựa hiền lành), chủ nhân quàng yên ngựa cho nó, đeo hàm thiếc và dây cương. Nó một ngày có thể đi được ngàn dặm, nhanh như sao băng. Điều đáng quý hơn nữa là ngay khi chủ nhân giơ cây roi da lên, nó vừa nhìn thấy bóng cây roi thì đã biết được tâm ý của chủ nhân; biết chạy nhanh hay chậm, biết thong thả hay cấp bách, biết tiến hay lùi; hành động chuẩn xác kịp lúc, không sai chút nào. Đây có thể nói là con ngựa bậc nhất.

Loại thứ hai là hảo mã (ngựa tốt), lúc chủ nhân vung cây roi da lên, nó nhìn thấy bóng roi, nhưng không thể lập tức cảnh giác. Chờ đến khi roi chạm vào lông đuôi thì nó mới có thể hiểu được ý của chủ nhân, lúc này mới chạy vọt lên. Đây cũng có thể coi là phản ứng nhanh nhẹn. Một con ngựa tốt mạnh mẽ chạy giỏi”.

Ngựa ngốc nghếch, phải ăn roi mới chịu cất bước chân

Đức Phật nói tiếp: “Loại thứ ba là dong mã (ngựa bình thường). Bất kể chủ nhân có giơ cây roi da lên bao nhiêu lần, nó nhìn thấy bóng roi nhưng cũng không phản ứng chút nào. Thậm chí roi quất vào da lông như mưa thì nó vẫn cứ thờ ơ, phản ứng chậm chạp. Đợi đến khi chủ nhân nổi giận lên, dùng roi quất mạnh vào da thịt, lúc này con ngựa mới nhận ra, thuận theo mệnh lệnh của chủ nhân mà chạy cho nhanh. Đây là một con ngựa bình thường khá chậm chạp.

Loại thứ tư là nô mã (ngựa tồi), lúc chủ nhân giơ roi lên, nó coi như là không thấy. Khi roi quất vào da thịt thì nó vẫn không cảm thấy gì. Đến lúc chủ nhân tức giận lên, hai chân kẹp chặt lấy thiết trùy ở hai bên của yên ngựa; thoáng chốc cơn đau thấu tận xương tủy. Con ngựa lúc này như tỉnh mộng, phóng chân chạy như bay. Đây là con ngựa tồi, ngốc nghếch, ngu si”.

Nô mã phải chịu đau thấu tận xương mới chịu cất bước chân (ảnh minh họa Adobestock)

Chúng sinh có 4 loại căn cơ bất đồng

Đức Phật nói đến đây đột nhiên dừng lại, khẽ nhìn qua các đệ tử rồi nói tiếp: “Các đệ tử! 4 loại ngựa này giống như là 4 loại chúng sinh với căn cơ bất đồng.

Loại người thứ nhất, biết được thế gian vô thường, có sinh ly tử biệt, liền có thể sợ hãi mà cảnh giác, phấn khởi tinh tấn; nỗ lực không ngừng để trở thành một sinh mệnh hoàn toàn mới. Cũng giống như là lương mã, nhìn thấy bóng roi là đã biết chạy về phía trước; không cần đợi đến khi roi quất vào người, đợi đến khi mất mạng rồi hối hận cũng không còn kịp nữa.

Loại người thứ hai, nhìn thấy thế gian hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết; nhìn thấy sinh mệnh vô thường, sinh sinh diệt diệt; cũng có thể kịp thời nghiêm khắc với bản thân, không dám lười biếng. Giống như là hảo mã, roi mới quất vào da lông thì đã biết phải nhanh chân mà chạy về phía trước”.

Chúng sinh nên sớm tỉnh mộng trần gian

Thế gian vô thường, chúng sinh nên sớm tỉnh mộng trần gian (ảnh minh họa medium)

Đức Phật tiếp tục giảng giải: “Loại người thứ ba nhìn thấy người thân bạn bè trải qua sự giày vò của cái chết, nhục thân thối rữa; thấy đời người nghèo khổ khốn đốn, mắt thấy sự thống khổ của chia ly; lúc này mới bắt đầu buồn bã và sợ hãi, mới đối xử tử tế với sinh mệnh của mình. Giống như là dong mã, nếu không phải là bị roi quất cho đau đớn thì cũng không tỉnh ngộ được.

Loại người thứ tư là khi bản thân đã bị bệnh tật xâm lấn, toàn thân đau đớn, thân như ngọn đèn trước gió. Lúc này mới hối hận vì ban đầu đã không chịu nỗ lực. Giống như là nô mã, bị đau thấu tận xương tủy mới chịu chạy nhanh. Thế nhưng lúc này cũng quá muộn rồi”.

Bạn muốn là lương mã hay nô mã? Sự việc thế gian bày ra trước mắt, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng ngộ như thế nào còn tùy vào căn cơ của mỗi người.

Đăng Dũng biên tập
Nguồn: nguyenuoc