Thursday, May 2, 2024

VIẾNG CHÙA PHÙ DUNG, NHỚ “ÁO CƯỚI TRƯỚC CỔNG CHÙA”

Nếu các bạn muốn tìm kiếm một ngôi chùa có quy mô lớn, hoành tráng, hoặc có kiến trúc đẹp và độc đáo, thì không nên đến Phù Dung cổ tự. Vì xét về qui mô thì Phù Dung chỉ là một ngôi chùa nhỏ, kiến trúc rất bình thường như những ngôi chùa quê khác, rất cũ kỹ, nhưng giá trị của Phù Dung chính là chùa cổ, xây dựng từ năm 1750, và nét nổi bậc nhất chính là nó gắn liền với truyền thuyết về Mạc Thiên Tích, vị Tổng trấn tài hoa và lãng mạn của đất Hà Tiên. Ông là con trai của Mạc Cửu người đã khai phá đất Hà Tiên, và ông cũng là vị Tổng trấn thứ 2 của Hà Tiên, là Vua của xứ Hà Tiên thời đó.


Người dân Hà Tiên không ai là không biết về mối tình của Tổng trấn Mạc Thiên Tích dành cho nàng Phù Dung – Nguyễn Thị Xuân, cũng là vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa này. Nếu bạn không phải là dân Hà Tiên, nhưng đã từng đọc tác phẩm “Nàng ái cơ trong chậu úp” của nữ sĩ Mộng Tuyết hoặc xem “Áo cưới trước cổng chùa” của soạn giả Kiên Giang thì cũng sẽ biết về câu chuyện này. Các tác giả đã dựa vào chuyện tình đã có thật trong lịch sử để làm nên tác phẩm để đời.

Theo tích trong “Áo cưới trước cổng chùa”, mà soạn giả Kiên Giang viết từ năm 1959 đã miêu tả một chuyện tình đã xảy ra hàng mấy thế kỷ trước:

Ở xứ Hà Tiên dưới thời Tổng trấn Mạc Thiên Tích, có một thiếu nữ tài sắc và rất hiền dịu là Xuân Tự (chính là bà Phù Dung – Nguyễn Thị Xuân). Xuân Tự đã được gia đình hứa hôn với Tô Châu. Và trong một dịp đi lễ chùa vào Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Xuân Tự đã gặp Tổng trấn Mạc Thiên Tích, khi đó ông cũng đang đi lễ chùa để cầu tự. Cuộc hội ngộ này đã khiến Tổng trấn đem lòng sủng ái người con gái xinh đẹp, chân chất, đang lấy lá sen che đầu là nón, ông không chỉ họa hình nàng vào tranh mà còn quyết định chọn nàng làm ái thiếp. Sau đó, ông cho người tìm kiếm và đưa Xuân Tự về dinh Tổng trấn, nàng phải bỏ dở lại phiên chợ chiều, bỏ lại người chồng hứa hôn đau khổ đứng trông theo, chỉ kịp cầm theo tà áo dài cưới màu xanh nước biển mà lên võng hoa.

Khi đón được Xuân Tự về đến dinh Tổng trấn, chưa kịp làm lễ cưới với nàng, thì Mạc Thiên Tích phải cấp tốc ra trận để diệt bọn hải tặc đến quấy phá. Trước khi gặp Xuân Tự, Thiên Tích đã có một người vợ chính thất, nhưng không có con. Người vợ lớn này vốn đã rất hờn ghen với tình cảm của Tổng trấn dành cho Xuân Tự, nên nhân lúc ông vắng nhà, bà đã đầu độc Xuân Tự đến bại liệt và vô sinh, sau đó nhốt vào 1 cái lu chứa nước ở Ngọc Hồ Trang.

Phải nói rõ là đất Hà Tiên rất hiếm nước ngọt, nên nhà nào cũng có những cái lu to để chứa nước mưa, riêng ở dinh Tổng trấn có cả một khu vực chứa nước ngọt với vô số lu lớn nhỏ, gọi là Ngọc Hồ Trang, nơi đó có lính canh phòng cẩn thận, người ta thường gọi họ là lính lu.

Sau khi Tổng trấn thắng trận trở về, mong muốn gặp lại Xuân Tự, nhưng khi nghe người nhà nói là nàng đã mất, khiến cho ông rất đau khổ. Và trong 1 lần đang thẩn thờ đi dạo quanh dinh, tình cờ đến khu vực chứa nước ngọt, ông đã nhìn thấy một dãi lụa trắng ghi hàng chữ ” nhất phiến băng tâm tại Ngọc Hồ” (1 mảnh tình trong trắng tại Ngọc Hồ). Chưa kịp tìm hiểu về mảnh lụa đó, thì trời đang nắng chang chang, bất thình lình đổ cơn mưa lớn, ông liền ra lệnh cho lính chuẩn bị lu cho việc hứng nước mưa, thì phát hiện được một phụ nữ bị nhốt trong lu, đến gần thì Tổng trấn nhận ra ngay đó là Xuân Tự. Dãi lụa trắng ông đã thấy cũng là do Xuân Tự đã nhờ một người lính lu tốt bụng canh chừng khi Tổng trấn có dịp đến khu vực Ngọc Hồ này thì treo lên, với mong muốn là ông sẽ phát hiện và giải thoát cho nàng.

Sau khi được cứu thoát, dù vẫn được Tổng trấn sủng ái, nhưng vì mặc cảm là người tàn phế, và vì giữ lễ nghĩa của một người đã được hứa hôn nên Xuân Tự đã 1 mực từ chối tình cảm của Tổng trấn và quyết định xuất gia để tìm đến cuộc sống tĩnh lặng nơi cửa thiền, và nàng cũng muốn giữ trọn chữ tình với người chồng hứa hôn là Tô Châu và tròn nghĩa với Mạc Thiên Tích.

Với tài diễn xuất và giọng ca trời phú của mình, nghệ sĩ Lệ Thủy đã lột tả được cách ứng xử thật trong sáng của Xuân Tự, 1 quyết định thật trọn tình vẹn nghĩa giữa một bên là người chồng đã hứa hôn và một bên là một Tổng trấn đã dành cho nàng một sự sủng ái hết mình, đã lấy đi biết bao là nước mắt của người đời. Xem Lệ Thủy diễn khi cô đã có tuổi mà vẫn đã cảm nhận được nét hay và cái hồn của vở diễn, huống chi là vai diễn của cô Thanh Nga ngày xưa. Sinh sau đẻ muộn, tôi không có cơ hội để xem Thanh Nga diễn, nhưng nghe nhiều người khen nức nở, thì tôi cũng phần nào hình dung được, với một sắc đẹp mảnh mai, một giọng ca buồn buồn như xoáy vào nội tâm người ta, thì ngày xưa cô Thanh Nga đã tạo nên một hình tượng Xuân Tự để đời trong lòng khán giả là đúng rồi. Đã trót là “fan” của Áo cưới trước cổng chùa” rồi, cho nên dù đã trãi qua thời gian gần 20 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in những câu hát của lớp diễn này:

“Cho tôi trọn nghĩa,
Cho Ngài trọn tình,
Xem tôi như một bóng hình thoáng qua,
Rồi ngày tháng sẽ phôi pha…”.

Cuối cùng không thể thay đổi quyết định của Xuân Tự, Tổng trấn đã cho xây dựng ngôi chùa và đặt tên PHÙ DUNG theo đúng ý nguyện của Xuân Tự để nàng yên tâm tu hành.

“Phù dung sớm nở tối tàn.
Thương thay một kiếp hồng nhan luân trầm”.


Khi nhìn bảng tên chùa Phù Dung, tôi cứ nghe văng vẳng đâu đây, câu hát của nghệ sĩ Thanh Tòng (vai Mạc Thiên Tích):

“Từ đây người đất Hà Tiên sẽ nhớ mãi
Một chuyện tình “nhất phiến băng tâm”
Hà Tiên kế tích Phù Dung tự,
Ta sẽ đề tên một ngôi chùa …

Tay ta run nên giọt mực rưng rưng,
Hay máu tim ta đã hòa theo cảm xúc.
Phù Dung tự đề đây chùa Phù Dung…”

Hay những lời thoại đầy tình nghĩa: “Ta sẽ giúp cho nàng thêm cương nghị, cho trọn nghĩa tình trước cũng như sau…”.

Yêu như vậy mới đúng là tình yêu chân thật, chứ trên đời này không ít người đã nói lời thương yêu nồng nàn lắm, nhưng khi không thành công, tình yêu không được đáp trả, họ đã quay ngoắt 180 độ, đi tìm tình yêu khác ngay. Cái đó phải gọi là yêu mình, yêu bản thân thì đúng hơn.

Xuân Tự xuất gia, và nhờ Phương Thành người chị em kết nghĩa sống cùng nhà, và cũng là người bạn thân nhất của nàng thay mình thành hôn với Tô Châu. Gần ngày cưới, Tô Châu không cam tâm nên đã lên chùa tìm Xuân Tự, và chỉ nhận được sự từ chối, và hình ảnh chiếc áo cưới đã treo trước cổng chùa, để gửi trả lại cho người xưa.

Đừng nói yêu đương trước cổng chùa
Nhắc làm chi nữa mối tình xưa…

Áo cưới em treo trước cổng chùa
Tình đầu trao trả lại người xưa
Đời em như cánh phù dung
Rụng trước cổng chùa tầm tả gió mưa…

Xuân tự quay lưng vào cửa Phật
Tô Châu trở bước xuống Đông Hồ
Áo cưới vẫn treo trước cổng chùa
Gió bay phất phới chuông chùa ngân vang…

Hết duyên hết nợ đành thôi thế!
Dù có ly tan chẳng phụ tình!…

Cô dâu đi tu mà đám cưới vẫn phải cử hành, vì mọi người vẫn dấu chuyện của Xuân Tự với mẹ nàng, bà bị mù nên không biết chuyện đã xảy ra với con mình, và cũng nhờ Phương Thành khéo léo nên đã đánh lạc hướng được bà. Nhưng cuối cùng vẫn không dấu được trái tim của người mẹ, bà cũng biết chuyện nhưng vẫn chịu đựng và đứng vững nhờ biết được cách cư xử hợp tình nghĩa, đúng đạo lý của con mình.

Ngày cưới của Tô Châu và Phương Thành, sư cô Xuân Tự đã về thăm nhà, và đem áo cưới về mặc cho Phương Thành. Tổng trấn Mạc Thiên Tích cũng đến dự lễ cưới này. Kết thúc vở diễn là hình ảnh sư cô Xuân Tự quay gót trở về chùa, mọi người hối tiếc nhìn tiễn đưa, trong đó có lẽ thẩn thờ nhất là Thiên Tích, ông áp sát vào cửa sổ nhà và nhìn theo cho đến khi sư cô khuất bóng.

Nhân vật nam chính trong vở diễn này là Tô Châu, hôn phu của Xuân Tự, nhưng không hiểu sao vẫn không ấn tượng bằng Mạc Thiên Tích, tôi vẫn cảm thấy thích ông này hơn, dù ông bị kết tội là kẻ vô tình gây chia rẽ tình yêu của người khác. Nhưng xét về tình yêu ông dành cho Xuân Tự chẳng kém gì Tô Châu. Mặc dù đang khóc hết nước mắt, nhưng tôi vẫn phải phì cười với lời lẽ của ông khi “dụ dỗ” Xuân Tự “đi tu không phải là yếm thế… Yêu đi rồi 5, 10 năm nữa đi tu cũng chưa muộn”. Ngay cả khi Xuân Tự xuất gia rồi mà ông vẫn hằng ngày đến ao sen gần chùa để câu cá, chỉ mong được thấy hình bóng của sư cô chùa Phù Dung, hoặc hình ảnh thẩn thờ đứng tiễn đưa sư cô về chùa ở cuối vở diễn…. Ôi! Sao mà si tình đến thế!

Tình yêu thì lúc nào cũng đẹp cả, nhất là những tình yêu đẹp nhưng dở dang thì càng khiến người trong cuộc cũng như ngoài cuộc nhớ hoài, nhớ rất lâu.


Ngày nay, Hà Tiên vẫn còn đó một Phù Dung cổ tự, chứng tích của một thiên tình sử có thật đã từng xảy ra cách đây hàng trăm năm về trước.


Chùa Phù Dung có diện tích nhỏ, được xây dựng theo bố cục sắp xếp thẳng từ trước ra sau (chữ Đinh). Trước cổng chùa là phần sân, có thờ tượng của Ngài Quán Thế Âm. Sau đó là đến phần chùa, lợp mái ngói âm dương. Gian trước của chùa là chánh diện thờ Tam Bảo. Gian sau là bàn thờ Tổ Đạt Ma và các vị Tổ, trụ trì đời trước.


Ở đây còn có bàn thờ bà Phù Dung – Nguyễn Thị Xuân. Đây chỉ là bàn thờ của bà thôi, còn phần lăng mộ thì được an táng trên ngọn đồi ở phía sau chùa, nơi này cũng rất gần với khu lăng mộ của dòng họ Mạc.

Cũng ngay trong gian thờ Tổ này, chúng ta còn thấy người ta vẫn lưu giữ lại những cột đá và 2 cái ghế đá từ khi mới xây dựng, vào năm 1750.

Bàn thờ sư cô Phù Dung – Cột đá chùa xưa xây dưng từ năm 1750 – Ghế đá

Tôi vào chùa lễ Phật, lễ Tổ, thắp 1 nén nhang cho sư cô chùa Phù Dung, rồi đi một vòng quanh chùa, ngắm lại những di tích ngày xưa và nhớ lại câu chuyện tình yêu của những bậc tiền bối thưở nào. Thời nào cũng vậy, tình yêu bao giờ cũng là một đề tài bất tận, bất tử và lấy đi biết bao là nước mắt của người đời.

Mây Phiêu Lãng – 2009

No comments: