Saturday, November 30, 2019

ÔI SÀI GÒN! ...VÀ BỌN PHẢN TRẮC

Ở Hà Nội chừng một hai tháng, vào lại Sài Gòn thấy nó như là Singapore, mà còn hơn thế nữa, cứ như là Sydney hay Melbourne ấy.

Công viên Tao Đàn, Quận 1

Khen SG nhiều rồi, hôm nay tui chỉ focus vào một nhân vật, ấy là anh giữ xe tại công viên Tao Đàn, cổng vào trên đường Huyền Trân Công Chúa mà tui gặp sáng nay.

Anh mặc đồng phục nhân viên bảo vệ Tao Đàn, phụ trách giữ xe. Lần đầu tiên tui vào cổng nầy nên là lần đầu tiên gặp anh, nhưng anh vui vẻ chào hỏi ân cần như tui là người thân trở về khi ghi thẻ cho tui. Tui hơi ngạc nhiên, nhưng nôn nao vào chụp chim nên cũng không để ý lắm.

Sau khi chụp chim đến trưa, trở ra lấy xe đi về thì anh lại ân cần hỏi han, sao về sớm vậy anh? tui trả lời, chụp chưa hết chim nhưng đói quá phải về, Anh hỏi, vậy anh chụp được nhiều chim không? Tui nói: Hôm nay vui quá, chim về rất nhiều và rất dễ chụp. Anh thu tiền tui xong còn nói: Hẹn gặp lại anh hôm khác nhé, rồi vội vã lo thu tiền và chào hỏi vị khách tiếp theo.

Công viên Tao Đàn, Quận 1

Tui ra về mà lòng cứ lâng lâng vui sướng, vui vì chụp được nhiều chim đẹp, vui vì lần đầu tiên trong đời gặp người giữ xe lịch sự, vui vẻ và ân cần với khách hàng. Anh đâu cần phải làm vui lòng khách, để cạnh tranh với ai, như nhân viên bán hàng của các công ty tư nhân nào đó. Khách gửi xe như tui luôn bị nạt nộ quát tháo ở khắp mọi nơi, không riêng chi ở Hà Nội, rất cần anh kia mà.

Anh nói tiếng Sài Gòn và nhỏ hơn tui chưa quá 10 tuổi nên tui tin chắc anh là dân SG, được thụ hưởng một nền giáo dục dân tộc khai phóng và nhân bản nên anh thành ra như vậy. Mà nếu như anh là dân miền Bắc vào thì lúc 75 ấy anh cũng chưa lớn lắm nên cũng thừa hưởng được cái mà bọn mất dạy gọi là “tàn dư văn hóa độc hại Mỹ Ngụy”. Và vì thế anh cũng trở thành con người lịch thiệp có văn hóa dù chỉ làm công việc giữ xe cho công viên.

Công viên Tao Đàn, Quận 1

Rồi bỗng dưng trong tui dâng lên lòng căm ghét vô hạn bọn phản trắc. Trước hết là cái tay nhạc sĩ sinh viên một thời. Y thụ hưởng như toàn bộ nền giáo dục nhân bản và khai phóng của VNCH khi học từ vỡ lòng lên tới đại học Văn Khoa để thành người. Vậy mà chỉ vì nịnh bợ để kiếm chút tiền, chút danh hảo, y đã sẵn sàng đạp đổ tất cả cái văn hóa đã nuôi y khôn lớn. Y là loài phản trắc.

Mới đây nhất lại rộ lên đám phản trắc miền Trung. Chúng dùng chính chữ quốc ngữ để viết kiến nghị báng bổ và ngăn cản việc đặt đường mang tên người khai sáng ra chữ quốc ngữ.

Dòng máu đấu tố bần cố nông vì lập công với đảng mà phản trắc lại người chủ, người ân và cả ông bà cha mẹ mình vẫn còn chảy trong huyết quản của lũ gọi là trí thức này.


Con chim tui đưa lên đây là con chim phường chèo trống, loại chim quý ở VN. Tui từng bám theo nó hơn ba năm nay, từ công viên Bách Thảo Hà Nội, đến Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã… vào đến Bidoup, Nam Cát Tiên, Mã Đà… mà vẫn không chụp được vì chúng sợ người nên thường đậu tít trên cao rất khó chụp. Vậy mà sáng nay tui vào Tao Đàn, thấy cả đôi vợ chồng chúng xuống đậu thật thấp cho chúng tui, những người chụp chim chụp thoải mái.

Cũng nên nói thêm, nếu Bách Thảo là công viên trung tâm của Hà Nội, được rào kín bưng và phải mua vé vào cổng thì Tao đàn là công viên mở, mọi người tự do ra vào. Tuy nhiên, tui vẫn thường gặp bọn bắn chim và bẫy chim tại Bách Thảo, còn Tao Đàn hầu như không có bọn khốn nạn nầy, ngược lại, nhiều người dân còn mang thóc gạo vào cho chim ăn, do vậy chim cu và sẻ lúc nào cũng bay đầy trong công viên.

Ngoài ra, các loại chim đẹp, chim quý hiếm thường xuyên về đây. Từ đầu năm đến giờ đã có các loài quý hiếm sau đây ghé về: Đuôi cụt Hogde, đuôi cụt Fairy, Thiên đường đuôi phướn, Mỏ rộng xanh, Khướu khoan cổ, Phường Chèo….


PS: Dưới đây là cặp vợ chồng phường chèo, con chồng màu đỏ, con vợ màu vàng, do màu mè như thế nên gọi là phường chèo.

HUỲNH NGỌC CHÊNH

AMEZAIKU - TÒ HE CỦA NGƯỜI NHẬT

Tò he từ lâu đã trở thành một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo ở nước ta, những sản phẩm được nhào nặn công phu vừa có thể ăn được mà còn có thể làm vật bày trí trong nhà.


“Tò he cụ bán mấy đồng, 
Con mua một chiếc cho chồng con chơi. 
Chồng con đánh hỏng thì thôi, 
Con mua chiếc khác con chơi một mình.”.

Song song ở đất nước bạn, tò he là một loại hình nghệ thuật và là biểu trưng cho ẩm thực đường phố nơi xứ sở Phù Tang được gọi là Amezaiku, có sức hấp dẫn kỳ lạ không chỉ đối với trẻ nhỏ mà còn rất nhiều người ở mọi lứa tuổi.


Amezaiku bắt đầu được biết đến từ thế kỷ thứ 8 và tiếp tục được bảo tồn và lưu truyền cho tới hiện đại. Shinri Tezuka, một nghệ nhân người Nhật Bản, đồng thời là chủ nhân của một cửa hàng bán tò he đã “tái sinh” môn nghệ thuật này lại một lần nữa.

Shinri Tezuka. Ảnh: Internet

Có lẽ nét riêng tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của tò he đó là chỉ cần ít bột màu với một que tre nhỏ, dài chừng 40 cm, dưới bàn tay tài hoa của người thợ những hình ảnh trong trí tưởng tượng của mọi người phút chốc đã trở thành hiện thực. Quá trình để thực hiện một chú tò he cần khoảng 3 – 5 phút và người nghệ nhân phải tập trung cao độ để tạo ra được tác phẩm ấn tượng nhất.

Ảnh:Internet

Ảnh:Internet

Ảnh:Internet

Theo dõi những động tác vê vê, nắn nắn khéo léo những mẩu bột đủ sắc màu của người thợ, mới thấy hết sức hấp dẫn của trò chơi này, người xem hồi hộp chứng kiến bàn tay như có phép thuật của người thợ khi tạo ra thành phẩm

Mỗi sản phẩm này có giá khoảng 1.500 yên.

Người bán sẽ tạo ra nhiều cây kẹo với đa dạng hình thù khác nhau và trẻ con có thể ăn những cây kẹo này. Nếu đến Nhật và mua về làm quà cho các bé thì các bé sẽ rất vui vẻ đón nhận nó.

Ảnh:Internet

Sau khi nhào nặn cho viên bột mềm ra và người bán đã sử dụng một cây kéo nhỏ để tạo hình dáng mà người mua đã chọn.

Cho dù là hình chú chó con đáng yêu, những chú chim cánh cụt tròn trĩnh, những chú sư tử “hiền lành”, hay bất kỳ hình dáng nào mà bạn thích bạn cũng có thể nói để các nghệ nhân làm cho bạn, điều này thu hút sự hào hứng của khách hàng.

Ảnh:Internet

Những cây kẹo này đều có thể ăn được, mùi vị của chúng rất ngon và dễ làm cho bạn muốn ăn thật nhiều đấy. Vì vậy chúng ta không nên lãng phí chút nào mà hãy đến ủng hộ những nghệ nhân này để giữ vững được làn nghề nghệ thuật này nhé.

Sau đây là đoạn clip nói về việc tạo ra những cây kẹo tò hè được quay thực tế tại Nhật Bản.

Tuy là một loại hình nghệ thuật tinh tế, Amezaiku đang bị mai một dần ở Nhật Bản, bởi ngày nay có rất ít người theo đuổi nó cũng như số lượng nghệ nhân về Amezaiku ngày càng ít đi, ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, vậy là thế hệ trẻ, chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ những làng nghề truyền thống đang dần bị mất đi??

Chisai Yuki

HỒ ĐỘNG ĐÌNH

Giai thoại Lý Bạch mai táng bạn và Thuỷ Thần hé lộ chuyện đời

Hồ Động Đình, có tên gọi bắt nguồn từ núi Động Đình. Theo ghi chép trong cuốn “Tương phi miếu ký lược”, núi Động Đình vốn là một trong những động phủ của Thần tiên, được lưu truyền trong các câu chuyện thần thoại.

Theo ghi chép, núi Động Đình vốn là một trong những động phủ của Thần tiên. (Ảnh qua wallpape)

Đình trong động phủ, được gọi là động đình, người xưa liền lấy tên “Động Đình” đặt cho vùng nước bao quanh ngọn núi, gọi là hồ Động Đình.

Theo truyền thuyết, Hoàng Đế – ông tổ của nền văn hoá Trung Hoa, đã từng ra lệnh cho người diễn tấu nhạc khúc “Hàm trì” tại Động Đình hoang vu để tế đất, khi diễn tấu đến lần thứ tám, thì đã triệu hồi Địa thần hiện thân.

Danh sĩ các thời đại, như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ… đều ca ngợi hồ Động Đình, và cũng để lại khá nhiều tác phẩm đặc sắc. Ngoài ra, trong lịch sử hồ Động Đình cũng lưu truyền vô số những giai thoại.

Theo ghi chép lịch sử Việt, hồ Động Đình chính là nơi khai sinh của Lạc Long Quân, khởi nguồn truyền thuyết con rồng cháu tiên.


Hồ Động Đình: Lý Bạch mai táng bạn

Tiên thơ Lý Bạch triều Đường trong “Thượng An châu Bùi trưởng sử thư” viết, ngày xưa, ông cùng bằng hữu Ngô Chỉ Nam đi du ngoạn đất Sở. Không ngờ, Ngô Chỉ Nam bệnh mà chết trên hồ Động Đình. Lý Bạch lúc cởi áo tang vẫn đau khổ khóc không ngừng, giống như bị mất đi người thân. Trong không khí nóng bức, ông ngồi phủ phục bên cạnh thân thể bạn, nước mắt đã cạn khô, sau cùng khóc ra máu.

Mọi người qua lại thấy cảnh đó, đều cảm thấy xót thương thay cho Lý Bạch. Có một con mãnh hổ tiến lại gần Lý Bạch, ông vẫn bất động không phản ứng. Lý Bạch chôn người bạn bên bờ hồ Động Đình, sau đó khởi hành đi Kim Lăng (Nam Kinh).

Vài năm sau, Lý Bạch trở lại tìm xương cốt của người bạn, sau đó cúng bái, khóc lóc đào xương cốt người bạn lên, sắp xếp bọc lại cẩn thận rồi đeo ở trên lưng, ngày đêm luôn giữ bên mình. Ông đi thẳng một mạch đến Ngạc thành, vay tiền mai táng chu đáo cho người bạn ở phía Đông Ngạc thành.

Lý Bạch không nhẫn tâm để người bạn chết nơi đất khách quê người, hồn phách không có chốn đi về, vì thế dựa theo tục lệ, ra sức giúp người bạn cải táng. Câu chuyện này đã chứng minh tình nghĩa của Lý Bạch dành cho người bạn, đến chuyện hậu sự của bạn cũng lo lắng sắp xếp một cách chu toàn.

Người bạn của Lý Bạch mất khiến ông rất thương xót. (Ảnh qua kuo8.cc)

Hiếu nghĩa giải nguy nan

Thư sinh người Long Dương tên là Tăng Thọ Quý đi thuyền qua Động Đình, mặt hồ nổi sóng to gió lớn, mấy người đi chung thuyền nơm nớp lo sợ, chỉ có Thọ Quý là cuộn tròn trong chăn, đánh giấc say nồng. Trong giấc mơ, Tăng Thọ Quý đến một đại điện lớn, vị vua trên lễ đường triệu kiến Thọ Quý và ban cho anh ta ngồi.

Vị vua nói với anh ta: “Sóng to gió lớn như vậy, một thư sinh trẻ tuổi như ngươi sao lại mạo hiểm đi lên con thuyền đó? Ngươi biết Hoàng Quyến Thông không? Nếu không phải là vì người này, thì cả con thuyền sớm đã vùi xác làm mồi cho cá rồi. Ta là Thuỷ phủ Thần Quân, ngươi có thể đem những lời này nói lại cho người trên nhân gian”.

Sau khi thư sinh tỉnh lại, đã thấy sóng yên bể lặng. Vì thế liền hỏi người đi cùng trên thuyền, ai là “Hoàng Quyến Thông”, mới biết đó là tên của một cậu thiếu niên. Mọi người đều nói, Hoàng Quyến Thông phụng dưỡng cha rất hiếu thuận, siêng năng chăm chỉ, chuyên tâm học hành. Mọi người trên thuyền đều nhờ sự hiếu đức của Hoàng Quyến Thông mà bình an vượt qua được Động Đình. Về sau Hoàng Quyến Thông cũng thi đỗ đăng khoa làm quan.


Thuỷ Quân Động Đình hé lộ chuyện đời

Theo ghi chép trong “Giang Hạ huyện chí”, Giang Tây có một thư sinh tên là Phàn Thượng. Một hôm, Phàn Thượng mơ thấy mình gặp một tiên nhân, mặc áo bào màu đỏ, tướng mạo đặc biệt kỳ lạ. Người đó nói với Phàn Thượng: “Ta là Thuỷ Quân Động Đình, sau này ngài sẽ đỗ tiến sĩ, cai quản thổ địa của ta”.

Cuối năm Vạn Lịch thời Minh Thần Tông Chu Dực Quân (1573- 1620), Phàn Thượng thi đỗ, triều đình liền phái Phàn Thượng đến nhậm chức ở Giang Hạ. Khi Phàm Thượng đi nhậm chức, vừa vặn gặp lúc hương dân tu sửa miếu Động Đình Thuỷ Quân, vậy là anh ta lấy ra nghìn lượng, đóng góp cùng hương dân tu sửa lại miếu này.

Phàn Thượng đi vào trong miếu kính cẩn lễ bái tượng thần, thấy tượng thần sinh động như còn sống, giống như vị Động Đình Thuỷ Quân đã gặp trong mơ. Phàn Thượng cảm thán trong lòng: “Thần anh minh có thể đoán được chuyện cuộc đời của ta”.


Qua đó có thể thấy, hồ Động Đình không chỉ có vẻ đẹp say đắm lòng người, mà còn có những truyền thuyết sâu xa ý vị, khiến cho tình yêu của các danh sĩ và sự che chở của các vị thần lưu mãi ngàn đời.

Theo “Động Đình hồ chí”
Tuệ Tâm, theo Epoch Times

TIỆM LẨU ĐẸP NHƯ CỔ TRẤN GIỮA LÒNG SYDNEY

Chắc hơn 10 năm rồi không đi Sydney nên không biết Sydney giờ này như thế nào. Hôm nay mới đọc được một bài viết về một quán ăn ở vùng Eastwood rất đẹp và ngon mà qua các báo Việt và Úc cũng đều khen ngợi. Đó là nhà hàng Yuxiang Mini Hotpot, tên tiếng Hoa là 余香火鍋 (Dư Hương Hỏa Oa , lẩu Dư Hương). Các bạn nào ở Sydney có đến thử nơi này chưa, có ngon và đẹp như diễn tả không? Dường như tập đoàn ẩm thực này còn mở nhiều căn khác ở Sydney. (LKH)

Yuxiang mini: Xiêu lòng trước tiệm lẩu đẹp tựa cổ trấn giữa lòng phương Tây


Thiết kế tựa như tửu lầu, hồ nước ngay chính giữa tạo cho bạn cảm giác như đang ngồi ăn lẩu tại một thủy trấn của Trung Quốc.

Không quảng bá rầm rộ, tiệm lẩu Yuxiang mini ở Eastwood khá nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa sống ở Úc lẫn du khách nước ngoài. Ở đây phục vụ ẩm thực dựa trên văn hóa Ba Thục (hay còn được gọi là văn hóa Trùng Khánh – Tứ Xuyên), trong đó nổi bật nhất là món lẩu Tứ Xuyên trứ danh.


Đặt chân vào bên trong, thực khách lạc vào không gian đậm chất Trung Hoa ngay giữa lòng Sydney.

Thiết kế của quán tựa như “tửu lầu” (quán rượu) xưa ở Trung Quốc, đèn lồng đỏ treo cao, bàn ghế gỗ kiểu đơn giản. Hồ nước ngay chính giữa tạo cho bạn cảm giác như đang ngồi ăn lẩu tại một thủy trấn.


Điểm đặc trưng nhất là trần nhà mô phỏng bầu trời khiến khách khó có thể phân biệt được ngày đêm. Theo một khảo sát, trung bình thực khách tốn ít nhất khoảng 2 tiếng đồng hồ cho một bữa ăn ở đây. Đôi khi họ ngồi lâu hơn vì quên mất khái niệm thời gian. Đây còn là nơi sống ảo yêu thích của các food blogger.


Các món ăn chú trọng phần trình bày, đẹp như một bức tranh, giá không rẻ. Thịt bò wagyu có giá khoảng 100 AUD/phần (khoảng 1,6 triệu đồng), khá nhỏ và chỉ người rủng rỉnh hầu bao mới đáp ứng nổi. Trung bình, một người tốn ít nhất 100 AUD cho một bữa ăn vừa đủ no.


Lẩu Tứ Xuyên được nhiều người lựa chọn dù cay tê lưỡi. Phần lớn thực khách gọi lẩu uyên ương (một bên cay, một bên không cay) cho dễ ăn. Tripadvisor đánh giá đây là một trong những quán lẩu Tứ Xuyên chuẩn vị tại Úc.


Giờ cao điểm, bạn phải xếp hàng khá lâu hoặc không được chọn vị trí ngồi đẹp nếu không đặt bàn trước. Đối với loại phòng riêng dành cho nhóm bạn hoặc gia đình có không gian tách biệt với bên ngoài, không bị làm phiền bởi người khác thì yêu cầu khách phải bỏ ra nhiều tiền hơn mới được đặt.


Đặc biệt, nếu muốn dùng bữa trong phòng VIP tích hợp phòng karaoke thì bạn phải chịu chi ít nhất 1.000 AUD (khoảng 16 triệu đồng) nhưng chưa chắc có thể đặt bàn được. Lý do là Châu Kiệt Luân hay chọn phòng ăn này để tổ chức tiệc mừng công sau khi lưu diễn tại Úc, khiến nó trở nên khá hot, thường xuyên trong tình trạng “cháy bàn”.

Theo Chợ Úc


Friday, November 29, 2019

NÓI VÀ IM LẶNG


Cổ nhân có câu, khi một người “thao thao bất tuyệt” thì suy nghĩ của người ấy đã bị chính cái miệng nhiều lời mưu sát một nửa rồi.Trầm tĩnh là cách xử sự thông minh nhất trong đối nhân xử thế và giải quyết sự việc. Nói chuyện xuất từ thiên tính, im lặng xuất từ trí tuệ.
Trầm tĩnh, im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì cả, mà là chỉ nên nói những lời hữu dụng và lời nên nói. Lời nói không có nội dung thì sẽ chỉ là thanh âm không có tư tưởng, suy nghĩ phát ra mà thôi.

Khi chúng ta nói chuyện “thao thao bất tuyệt” mà người nghe không nói lời nào, chỉ gật đầu cho qua thì chính là lúc chúng ta cần dừng lại.

Im lặng rất nhiều khi có sức mạnh vô cùng lớn, sức mạnh ấy giống như có thể tụ hợp được hết thảy màu sắc của ánh sáng vậy. Từ xưa đến nay, rất ít người bởi vì trầm tĩnh mà phải hối hận nhưng lại có rất nhiều người bởi vì nói nhiều mà hối hận không bù đắp nổi.
Trong cuộc sống, những người chân thành thì thường ít nói,Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, lời nói lỡ thì khó vãn hồi. Nói lời không phù hợp, không nên thì không bằng im lặng, Tiểu nhân nói hỗn tạp mà trống rỗng, người quân tử nói ngắn gọn mà chân thật.


Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú là vị Hoàng đế sáng lập nhà Đông Hán. Ông từng có lần nếm mùi thất bại. Trong một lần tuần tra vào ban đêm, ông muốn đến xem một chút trạng thái của binh lính sau cuộc bại trận như thế nào. Ông thấy trong một chiếc lều có một vài người đang khóc sướt mướt, thê thảm.

Lại đến chiếc lều bên cạnh, đi đến trước màn trướng, ông nhìn vào bên trong thì thấy một tướng quân trẻ tuổi đang cầm mảnh vải lau chùi vũ khí và mũ giáp sắt của mình. Điều khiến Lưu Tú ngạc nhiên hơn là vẻ mặt của tướng quân này không hề đau thương, cũng không uể oải chán nản, càng không bực tức phẫn nộ. Nhưng người này cũng không vui vẻ gì mà chỉ trầm mặc, không nói gì. Anh ta không ngừng lau chùi binh khí đang cầm trong tay, giống như đang chuẩn bị tư thế lập tức có thể đứng dậy chiến đấu tiếp.


Lưu Tú bất giác thấy kinh động, thầm nghĩ người này nhất định về sau nhất định sẽ làm được việc lớn. Vị tướng quân trẻ tuổi ấy chính là đại tướng quân Ngô Hán nhà Đông Hán sau này.

Trí giả nghĩ trước nói sau, kẻ vô minh nói trước nghĩ sau . Đối với một sự việc, người mà có thể hiểu rõ nhất, biết nhiều nhất thông thường không phải người nói “thao thao bất tuyệt” mà là người không dễ để lộ tiếng nói và nét mặt. họ hiểu nhiều mà nói ít. Họ suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới nói. Đó cũng là đức tính khiêm cung, không phô trương bản thân mình.Cổ nhân có câu, việc chưa tới không nên nói nhiều, việc tới rồi không cần động thanh sắc, việc đã xong không cần khoa trương tài năng.


sự trầm tĩnh, trầm mặc là sách lược của người thông minh. Một người sẽ dễ dàng bị nhiều lời nói của người khác làm tổn thương hơn là bị sự im lặng của một người làm tổn thương. Người xưa luôn dạy rằng, trí tuệ từ nghe mà có được, hối hận từ lời nói mà sinh ra. Cho nên, cũng có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi chân nhân” . Người chân chính có trí tuệ lấy phòng thủ để tấn công, lấy lặng lẽ để lên tiếng.

(Sưu tầm trên mạng)

Thursday, November 28, 2019

THỊT HEO 2 ĐẦU DA - ĐẶC SẢN ĐÀ NẴNG CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Cái tên ấn tượng và gây tò mò sẽ khiến bạn tự hỏi đây là món “cao lương” gì. Nhưng thực tế bạn có thể đã ăn qua món ăn này. Thịt heo 2 đầu da thực sự chính là thịt heo…luộc, hay nói chuẩn hơn là món gỏi cuốn thịt heo luộc; một đặc sản Đà Nẵng bạn không thể không thử.


Nhưng cũng không chỉ đơn giản là thịt heo luộc, cái chính yếu là miếng thịt giữ được một lớp da ở hai đầu. Ở đây, người làm bếp phải cắt sao cho thật khéo: Con heo lấy thịt nặng chỉ chừng 70kg. Phần thịt được lấy là thịt mông đùi sau của heo (người trong nam gọi là đùi gọ). Đầu bếp cắt phần thịt thành những miếng mỏng đến vài mi-li-mét, rộng chừng 3 – 5cm, dài chừng 10 – 15cm. Điều cốt yếu là miếng thịt phải còn miếng mỡ dọc theo thớ thịt, kèm miếng da ở hai đầu, và vậy thì ra cái tên


Khi nấu lên thì miếng thịt phải nổi đường gân mỡ ở giữa lúc chín, tạo hình bán nguyệt. Phần mỡ phải thật trong thì mới gọi là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thịt heo luộc có đặc biệt cỡ nào thì cũng không thể có hương vị xuất sắc một mình. Để thưởng thức món này, cần có những nguyên liệu khác. Để tạo nên hương vị của món ăn này, cần có mì lá (một loại bánh mỏng, làm từ bột gạo, tựa tựa như da bánh ướt), bánh đa nướng thơm lừng, và mắm nêm ngon. Cuốn kèm là đủ các loại rau xà lách, tía tô, húng lủi, húng cây, diếp cá…; khóm, chuối chát, dưa leo xắt lát để tạo khác biệt trong mùi vị.


Khi ăn, bạn cũng khéo chừng, cuốn thật chắc để các nguyên liệu không bị rớt ra khi cuốn. Trước hết người ta lót bánh tráng ngoài cùng, sau đó để mì lá lên. Kế đó là các loại rau, rồi bánh đa bóp từng miếng, rồi sau cùng mới là miếng thịt 2 đầu da. Cuốn lại thành cuốn thật chắc tay, chấm vào mắm nêm. Một miếng cắn của bánh cuốn là bạn đã cảm nhận được cái giòn của bánh tráng, bột mềm của mì lá, vị thanh mát của các loại rau, chất ngọt và béo của miếng thịt mỡ, vị mặn và cay nồng của mắm nêm, tạo nên một vũ điệu mùi vị đậm đà trên đầu lưỡi.


Để thưởng thức đúng điệu, người ta cắt thêm những trái ớt xanh, giòn, ngọt dịu, loại ớt chỉ có ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, để cắn ăn kèm hoặc dầm vào mắm nêm.

*Có thể bạn chưa biết: năm 2012, đầu bếp nổi tiếng Martin Yan (“Yan Can Cook”) đã đến Đà Nẵng để ghi hình và giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến món ăn này.

“…nước chấm thì miễn chê, nó quá ngon với khẩu vị của tôi! Nói chung, tất cả đều rất tuyệt.” Yan chia sẻ. (Ảnh: Internet)

Nghe chừng đơn giản nhưng thật sự rất khó để cắt được những miếng thịt được gọi là “2 đầu da”, huống chi là đẹp. Nhưng nếu yêu thích và quyết tâm, biết đâu bạn cũng có thể làm được và đãi cả nhà một bữa bánh tráng cuốn thịt luộc vô cùng độc lạ!

Nguyễn Phúc

Bật mí cách làm thịt heo 2 đầu da.

LÀM NGƯỜI: LƯƠNG THIỆN CẦN CÓ CHỪNG MỰC, HÀO PHÓNG CŨNG PHẢI CÓ NGUYÊN TẮC

Làm người lương thiện và hào phóng là rất đáng quý, xứng đáng được trân trọng. Nhưng nên nhớ lương thiện một cách mù quáng sẽ là kẻ ngốc, hào phóng một cách không có giới hạn sẽ là kẻ dại.


Lương thiện nhưng không mù quáng

Lương thiện chưa bao giờ là xấu nhưng làm người cũng đừng nên quá tốt. Chẳng phải có câu: “Nước trong thì không có cá người tốt quá thì không ai chơi”. Con người, ai cũng cần phải biết giận dữ, đừng để bản thân quá hiền lành để rồi trở nên nhu nhược khiến ai cũng coi thường bạn, đến cả đứa trẻ cũng sẵn sàng ức hiếp bạn.

Làm người không phải lúc nào cũng quá lương thiện, chỉ cần người ta rơi nước mắt là vội vàng xót thương, tha thứ mà quên mất lỗi lầm họ từng gây ra cho mình để bản thân gánh chịu chi chít những vết thương.

Lương thiện đến độ ngu ngốc, chỉ cần người khác yêu cầu giúp đỡ là sẵn sàng đáp ứng không cần lý do. Ai muốn gì cũng cho, ai nói gì cũng tin thì về lâu dài sẽ không còn ai quan tâm đến cảm nhận của bạn nữa.


Trong mối quan hệ giữa người với người, người tốt với bạn bạn hãy tốt lại, còn với kẻ ức hiếp bạn đừng ngần ngại lạnh lùng đáp trả. Mỗi người chỉ sống một lần trên đời, con người thì cần có tốt, có xấu, không cần phải lúc nào cũng có thể lương thiện.

Làm người ở đời lương thiện cũng cần có đầu óc. Người khôn ngoan họ nhớ rất kỹ: “Con ngựa tốt sẽ bị người khác cưỡi, người tốt sẽ bị người khác phụ”, lương thiện tất nhiên không phải là điều xấu, nhưng đừng lương thiện một cách mù quáng.

Hào phóng cũng phải có nguyên tắc

Làm người đừng quá keo kiệt, chi li, bủn xỉn. Con người cần phải biết hào phóng, rộng rãi trong chi tiêu, trong quan hệ đối xử với mọi người. Nhưng hào phóng không đồng nghĩa với việc bạn có thể làm mọi việc, đáp ứng mọi yêu cầu mà người khác đưa ra.


Có thể bản thân bạn kiếm được tiền, có điều kiện kinh tế nhưng không phải trong cuộc vui nào bạn cũng phải hào phóng đến độ dốc sạch túi để đáp ứng bạn bè, người thân. Hôm nay bạn có thể hào phóng với ai đó, nhưng không phải lúc nào bạn cũng hào phóng một cách ngu ngốc.

Bạn nên nhớ rằng tiền bạc, của cải chỉ là vật ngoài thân nhưng không phải tự dưng mà có. Để có được ngày hôm nay bạn đã phải đánh đổi sức khỏe, mồ hôi, nước mắt của mình.

Các hành động hào phóng của bạn là một món quà và việc tặng quà thì không cần phải nhận được yêu cầu mới thực hiện. Hào phóng cần phải được thoải mái, đó là một hành động xuất phát từ trái tim hào phóng và bản thân được tự do trong đạo đức khi làm điều đó.


Bạn có thể tử tế khi giúp đỡ người khác nhưng hãy giúp đỡ họ trong khả năng của mình, đừng vì hai chữ “hào phóng” mà sẵn sàng cho đi tất cả những gì bạn có. Bạn cũng cần sống, cần tiếp tục cuộc đời của mình, cho người khác tất thảy rồi khi ấy bạn lấy gì để sử dụng cho bản thân?

Làm người, có hào phóng cũng phải có nguyên tắc, đối với những việc khiến bạn vi phạm nguyên tắc của bản thân, thì hãy dám nói chữ KHÔNG. Nếu là người thực sự suy nghĩ cho bạn, thực sự quan tâm bạn thì chắc chắn sẽ suy nghĩ đến chuyện bạn cảm thấy thế nào trước lời đề nghị vô lý đó chứ không phải khăng khăng khẳng định rằng bạn cần hào phóng hơn thế.

Nắng Mai
Theo Trí Thức Trẻ

Wednesday, November 27, 2019

BÁT CANH LÁ RỪNG

Thượng nguồn sông Mã bát canh lá rừng

Thứ lá ấy tiếng Mường gọi là luống cuông, còn tiếng Kinh gọi là lá đắng. Cây lá đắng lớn như cây trứng gà, lá hình chân chim từa tựa lá cây cao su nhưng dài và mềm hơn.


Cây lá đắng chỉ mọc từ mạn Cẩm Thủy đổ lên Bá Thước, Cành Nàng, Điền Lư, La Hán,… Từ đồng bằng Thanh Hóa theo đường 17 ngược lên biên giới Việt – Lào, khi nào thấy núi dựng trập trùng, dòng sông Mã nhỏ thắt lại từng quãng ghềnh thác trắng xóa và réo ào ào bên đường, thì từ đó những bữa cơm đồng rừng có thêm bát canh lá đắng.


Thịt heo băm nhỏ, hoặc thịt gà xé tơi, cùng nấm hương và nấm mèo thái sợi đem “phi” hành mỡ, rồi thả lá đắng thái như thái thuốc lá vào. Khi các thứ chín kỹ mới đổ nước sôi vào nấu canh.

Canh lúp xúp sôi, đập thêm vài quả trứng vào, khoắng nhuyễn…

Canh lá đắng phải ăn lúc nóng bốc hơi nghi ngút mới ngon. Mỗi người húp lưng bát, thay cho bát súp “mở màn” bữa tiệc.

Bát canh quả thật là đắng, nhưng vị đắng rất đằm. Vị đắng vừa chạm đầu lưỡi mà nhuận khí như đã thấm tới cổ, tới ngực.

Có điều lạ kỳ là sau một ngày trèo đèo lội suối ruột gan khô bỏng, húp xong bát canh lá đắng tự nhiên thấy trong người thư thái hẳn lại. Và bữa ăn xong từ lâu mà cái dư vị “ngọt” đậm đà vẫn còn trong cổ.


Canh lá đắng ăn lần đầu đã thấy ngon, ăn dăm ba lần là bắt “nghiện”; bữa cơm thiếu nó thì dù thức ăn thịt cá ngon tới đâu cũng thành nhạt miệng khó ăn. Bởi thế, khách Hà Nội đi công tác thượng du Thanh Hóa thường mua từng bó lá đắng đem về nấu canh ăn dần.

Lá đắng có ưu điểm để khô nấu canh vẫn ngon (nhớ là trước khi nấu ngâm nước cho mềm), và mỗi nồi canh gia đình chỉ cần ba, bốn lá là đủ. Bà con ở địa phương cho biết lá đắng chính là một vị thuốc quý về tăng lực, bổ thận, nhuận gan,…


Cây quý nên hễ đem nó ra khỏi vùng núi đá thượng nguồn sông Mã, trồng ở nơi khác, là vị đắng của nó nhạt đi. Vật quý phải đứng ở đất quý. Trà Tân Cương (Bắc Thái), hồng Việt Trì (Vĩnh Phú), bưởi Đoan Hùng (Tuyên Quang), vịt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), v.v… đều là những sản vật quý hiếm không thể nhân rộng ra các nơi khác.


Nhớ một lần lên thượng nguồn sông Mã, về đến Cẩm Thủy, anh Quách Lê Thanh còn cố giữ tôi lại để chiêu đãi một bữa canh lá đắng rồi mới cho về xuôi. Thế có nghĩa canh lá đắng còn là một niềm tự hào của người xứ này.

Và nấu canh lá đắng “thật đúng sách” là việc khó, không phải ai cũng làm được.

Lê Hoàng Sâm
Nguồn: Người Đô Thị Online

ĐẶC SẢN THỊT KANGAROO NƯỚNG Ở ÚC

Khi kể tên những món ăn ngon nhất trong nền ẩm thực Úc, những người sành ăn chắc chắn không thể không kể tên món thịt Kangaroo nướng. Một món ăn độc đáo, ngon nhất và trọn vẹn nhất khi được phục vụ tại nước Úc – quê hương của loài kangaroo.


Đây là món đặc sản và là niềm tự hào của người đây nơi đây, đáng để bạn dành thời gian thưởng thức khi đặt chân đến đất nước xinh đẹp này.

Có thể nói một trong những điều thú vị khi du lịch Úc đó là thưởng thức món thịt kangaroo vừa thơm ngon, lạ miệng lại đặc biệt bổ dưỡng. Thực đơn chế biến thịt kangaroo vô cùng phong phú, từ luộc, xào, chiên tái, nấu canh, hầm, cà ri, thịt viên hoặc xúc xích…


Nhưng có lẽ đậm đà và hấp dẫn nhất đó là thịt kangaroo nướng. Thịt kangaroo được xắt thành từng viên hình vuông vừa miệng, tẩm ướp kỹ với các loại gia vị được tinh chế từ các loại thảo mộc của người Úc và chờ cho thật thấm.

Sau đó, thịt kangaroo được xiên thành từng que, xen kẽ với ớt chuông, cà chua bi hoặc các loại rau củ khác và nướng trên bếp than hồng cháy rực.

Thịt kangaroo nướng vừa chín tới có mùi thơm hấp dẫn bay xa, không ai có thể cưỡng lại sức quyến rũ của món thịt kangaroo nướng này. Đặc biệt, từng thớ thịt mềm nhưng vẫn còn dai chứ không bở, quyện với gia vị đậm đà mới chính là điểm cộng giúp món ăn này chinh phục hoàn toàn thực khách.


Còn gì bằng quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp, nhâm nhi những xiên thịt kangaroo nướng kèm với một ly bia mát lạnh. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua.

Thế Anh – Báo Alouc


TRĂM DÂU CỨ ĐỔ ĐẦU TẰM

Cảm Nghĩ về bài thơ "Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm"của Ngô Tịnh Yên


Tôi biết tên thi sĩ Ngô Tịnh Yên từ khi bài thơ Nếu có yêu tôi được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Trần Duy Đức và thịnh hành cả trong lẫn ngoài nước.Ở hải ngoại, nữ ca sĩ Khánh Ly đề nghị khán giả vỗ tay hưởng ứng “Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời”. Ở trong nước, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng gào lên: “Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ! Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời” Âm điệu vui tươi của bản nhạc làm người nghe thuộc lòng dễ dàng và lời thơ càng nghe càng thấy thấm ý. Tôi đã tự hỏi “Ngô Tịnh Yên là ai mà có sức thuyết phục kinh hồn như vậy?”

Google đã trả lời cho tôi: Ngô Tịnh Yên là Ngô Thị Tuyết Trinh, nguyên quán Gia Định, Sài Gòn và hiện đang định cư tại California. Ngô Tịnh Yên làm thơ từ lâu và chuyên làm thơ lục bát. Qua các bài thơ của Ngô Tịnh Yên, tôi nhận thấy Ngô Tịnh Yên đã dùng lời thơ hết sức đơn giản nhưng thâm thúy. Tài tình nhất là cách đối từ, đối vần và đối ý. Tuy nhiên, tôi ngưỡng mộ thi sĩ Ngô Tịnh Yên như nhiều thi sĩ nổi tiếng khác trong diễn đàn văn thơ, không khác.

Nhân chuyến đi xe cùng các chị trong diễn đàn thơ văn Phụ Nữ , tôi được đọc bài thơ Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm của Ngô Tịnh Yên trong Đặc San Phụ Nữ Hải Ngoại Xuân Tân Mão 2011 do Hoàng Dung tặng. Đáng lý khen tài trình bày sách và công tự đóng của chủ nhiệm Hoàng Dung, tôi mê mãi bài thơ Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm của Ngô Tịnh Yên.

Ngô Tịnh Yên

TRĂM DÂU CỨ ĐỔ ĐẦU TẰM
thơ: Ngô Tịnh Yên

Chỉ tại con mắt lá răm
Nên tằm mới chịu ăn nằm với dâu

Còn tôi có tại gì đâu
cũng đòi bắt chước theo dâu với tằm

Chỉ tại trường túc đôi chân
Nên ván mới chịu trao thân cho thuyền
Còn tôi ngó bộ rất hiền
cũng đòi bắt chước ván thuyền đẩy đưa

Chỉ tại cái nết không chừa
Thế nên trúc cứ lẳng lơ với mành
Còn tôi giả bộ vô tình
cũng đòi bắt chước trúc mành lăng nhăng

Chỉ tại lưng túi gió trăng
Cho nên người mới hiến dâng cho người
Còn tôi không biết chịu chơi
cũng đòi bắt chước ham vui hà rầm

Ghét tôi cũng chẳng ăn nhằm
Trăm dâu cứ đổ đầu tằm... là xong

( Trích Lục bát Khỏa thân Trăng mật)

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và càng đọc thì càng thích. Về nhà, sau khi đọc lớn cho chồng tôi nghe, tôi đã bình bài thơ này với những ý chính sau đây:

Trăm Dâu Đổ Đầu Tằm là một thành ngữ *. Thành ngữ này thường dùng cho những tựa đề để minh oan cho vấn đề gì đó với những lời phân tích và dẫn chứng trong bài viết. Đôi khi thành ngữ này được dùng như một động từ ví dụ như “ Đừng có trăm dâu đổ đầu tằm!” hay “ Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, bộ tính trăm dâu cứ đổ đầu tằm cho tui vậy sao?” Trăm có nghĩa là mọi chuyện hay rất nhiều thứ. Dâu là thức ăn của tằm, thực phẩm mà tằm ăn không ngớt để sản sinh ra tơ. Khả năng bẩm sinh của tằm là ăn dâu, vùi trong kén rồi nhả tơ. Nó không ý thức về chuyện “ăn như tằm ăn rỗi” và cũng không hề biết là đang “sản xuất ra loại tơ mịn những tấm lụa đắt giá hay những loại vải sợi thô.” Ý nghĩa của Trăm dâu đổ đầu tằm là mọi chuyện xấu đều trút hết lên, đổ thừa hay gieo tiếng oan cho người hay nhóm người cùng chung một khuôn kiểu.


Bài thơ lục bát với bốn khổ thơ có bốn câu sáu và tám với những chữ lập lại và hình thức giống nhau.

Từ lặp Chỉ tại bắt đầu cho các các khổ thơ bốn câu nhấn mạnh tự bào chữa đồng thời mở rộng tiêu đề Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm

Hai chữ còn tôi mở đầu cho câu sáu chữ trong câu thứ ba của khổ thơ bốn câu biểu lộ sự tự xét mình

Bốn chữ cũng đòi bắt chước biểu hiện trào phúng, và tự trào lộng về mình.

Đặc biệt nhất là những chữ đối vần và đối ý lá răm/ ăn/ ằm/ dâu/đâu hay chân/ thân, hiền /thuyền nêu sự tương phản nhưng phản ánh sự đồng điệu.

Mắt lá răm trường túc là những hình ảnh minh họa sự gợi cảm, quyến rũ, có khi thái quá đến mức trắc nết của những phụ nữ đa tình, không chính chuyên mà ông bà xưa thường phán xét tổng quát người phụ nữ qua tướng diện bên ngoài “ Mắt lá răm đa dâm,lẳng lơ đa tình” hay “ Trường túc bất tri lao”.

Ngoài ra, những danh từ đôi ván thuyền, trúc mành, gió trăng thể hiện sự quấn quít của trai gái và những động từ trao thân, lẳng lơ, hiến dâng gợi tả thêm hơn sự lãng mạn, lả lơi và phóng túng của phụ nữ.

Chữ dùng trong thơ hết sức giản dị đến mức bình dân nhằm mỉa mai chính mình và tự cười thói hư tật xấu của mình: theo, ngó bộ , giả bộ , đẩy đưa, lăng nhăng, chịu chơi hà rầm.

Kết thúc của bài thơ chỉ là hai câu lục bát với hình thức hoàn toàn khác với sự lập lại của bốn khổ thơ bốn câu đầu. Chữ Ghét bắt đầu câu thơ sáu chữ cho thấy tác giả đã quá hiểu rõ sự ác cảm và thành kiến theo lề thói từ xưa. Tuy nhiên điều đó không thành vấn đề cũng chẳng ăn nhằm bởi vì cuộc đời vốn dĩ là thế và muôn sự xấu cũng đã thường trút lên những người bị hàm oan huống hồ...con người vốn bẩm sinh như thế.


Bài thơ đã tự trào, phơi bày tật xấu của tác giả và của biết bao nhiêu phụ nữ khác. Là phụ nữ, ai chẳng phải một lần giả bộ vô tình, ngó bộ rất hiền, không biết chịu chơi,cũng đòi bắt chước, ăn nằm, trao thân, lẳng lơ,bắt chước, ham vui ...cho nên đây không là một vấn đề to tát để phải biện luận, thanh minh hay giải thích. Mọi suy nghĩ, đánh giá hay phán xét ra sao tùy ý mọi người. Chữ “cứ” thêm cho thành ngữ trăm dâu đổ đầu tằm như một lời nhắn gửi của thi sĩ “tiếp tục như thế đi!” bởi vì bất cứ những nhận định xấu tốt cũng “chẳng ăn nhằm gì”

Tôi không hiểu sao sau khi đọc Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm, tôi chợt nghĩ đến những bài thơ của Hồ Xuân Hương. Có lẽ tính trào phúng và lời thơ bất cần của Ngô Tịnh Yên đã cho tôi sự liên tưởng này. Tôi nhận ra là mình khâm phục nữ thi sĩ Ngô Tịnh Yên như đã từng khâm phục nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Điều mà tôi khâm phục nhất là sự thành thật bày tỏ trong thơ. Phải chăng bài thơ đã phán ánh phần nào những đánh giá không công bằng đối với phụ nữ?

Cung Thị Lan