Wednesday, November 27, 2019

TRĂM DÂU CỨ ĐỔ ĐẦU TẰM

Cảm Nghĩ về bài thơ "Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm"của Ngô Tịnh Yên


Tôi biết tên thi sĩ Ngô Tịnh Yên từ khi bài thơ Nếu có yêu tôi được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Trần Duy Đức và thịnh hành cả trong lẫn ngoài nước.Ở hải ngoại, nữ ca sĩ Khánh Ly đề nghị khán giả vỗ tay hưởng ứng “Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời”. Ở trong nước, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng gào lên: “Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ! Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời” Âm điệu vui tươi của bản nhạc làm người nghe thuộc lòng dễ dàng và lời thơ càng nghe càng thấy thấm ý. Tôi đã tự hỏi “Ngô Tịnh Yên là ai mà có sức thuyết phục kinh hồn như vậy?”

Google đã trả lời cho tôi: Ngô Tịnh Yên là Ngô Thị Tuyết Trinh, nguyên quán Gia Định, Sài Gòn và hiện đang định cư tại California. Ngô Tịnh Yên làm thơ từ lâu và chuyên làm thơ lục bát. Qua các bài thơ của Ngô Tịnh Yên, tôi nhận thấy Ngô Tịnh Yên đã dùng lời thơ hết sức đơn giản nhưng thâm thúy. Tài tình nhất là cách đối từ, đối vần và đối ý. Tuy nhiên, tôi ngưỡng mộ thi sĩ Ngô Tịnh Yên như nhiều thi sĩ nổi tiếng khác trong diễn đàn văn thơ, không khác.

Nhân chuyến đi xe cùng các chị trong diễn đàn thơ văn Phụ Nữ , tôi được đọc bài thơ Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm của Ngô Tịnh Yên trong Đặc San Phụ Nữ Hải Ngoại Xuân Tân Mão 2011 do Hoàng Dung tặng. Đáng lý khen tài trình bày sách và công tự đóng của chủ nhiệm Hoàng Dung, tôi mê mãi bài thơ Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm của Ngô Tịnh Yên.

Ngô Tịnh Yên

TRĂM DÂU CỨ ĐỔ ĐẦU TẰM
thơ: Ngô Tịnh Yên

Chỉ tại con mắt lá răm
Nên tằm mới chịu ăn nằm với dâu

Còn tôi có tại gì đâu
cũng đòi bắt chước theo dâu với tằm

Chỉ tại trường túc đôi chân
Nên ván mới chịu trao thân cho thuyền
Còn tôi ngó bộ rất hiền
cũng đòi bắt chước ván thuyền đẩy đưa

Chỉ tại cái nết không chừa
Thế nên trúc cứ lẳng lơ với mành
Còn tôi giả bộ vô tình
cũng đòi bắt chước trúc mành lăng nhăng

Chỉ tại lưng túi gió trăng
Cho nên người mới hiến dâng cho người
Còn tôi không biết chịu chơi
cũng đòi bắt chước ham vui hà rầm

Ghét tôi cũng chẳng ăn nhằm
Trăm dâu cứ đổ đầu tằm... là xong

( Trích Lục bát Khỏa thân Trăng mật)

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và càng đọc thì càng thích. Về nhà, sau khi đọc lớn cho chồng tôi nghe, tôi đã bình bài thơ này với những ý chính sau đây:

Trăm Dâu Đổ Đầu Tằm là một thành ngữ *. Thành ngữ này thường dùng cho những tựa đề để minh oan cho vấn đề gì đó với những lời phân tích và dẫn chứng trong bài viết. Đôi khi thành ngữ này được dùng như một động từ ví dụ như “ Đừng có trăm dâu đổ đầu tằm!” hay “ Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, bộ tính trăm dâu cứ đổ đầu tằm cho tui vậy sao?” Trăm có nghĩa là mọi chuyện hay rất nhiều thứ. Dâu là thức ăn của tằm, thực phẩm mà tằm ăn không ngớt để sản sinh ra tơ. Khả năng bẩm sinh của tằm là ăn dâu, vùi trong kén rồi nhả tơ. Nó không ý thức về chuyện “ăn như tằm ăn rỗi” và cũng không hề biết là đang “sản xuất ra loại tơ mịn những tấm lụa đắt giá hay những loại vải sợi thô.” Ý nghĩa của Trăm dâu đổ đầu tằm là mọi chuyện xấu đều trút hết lên, đổ thừa hay gieo tiếng oan cho người hay nhóm người cùng chung một khuôn kiểu.


Bài thơ lục bát với bốn khổ thơ có bốn câu sáu và tám với những chữ lập lại và hình thức giống nhau.

Từ lặp Chỉ tại bắt đầu cho các các khổ thơ bốn câu nhấn mạnh tự bào chữa đồng thời mở rộng tiêu đề Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm

Hai chữ còn tôi mở đầu cho câu sáu chữ trong câu thứ ba của khổ thơ bốn câu biểu lộ sự tự xét mình

Bốn chữ cũng đòi bắt chước biểu hiện trào phúng, và tự trào lộng về mình.

Đặc biệt nhất là những chữ đối vần và đối ý lá răm/ ăn/ ằm/ dâu/đâu hay chân/ thân, hiền /thuyền nêu sự tương phản nhưng phản ánh sự đồng điệu.

Mắt lá răm trường túc là những hình ảnh minh họa sự gợi cảm, quyến rũ, có khi thái quá đến mức trắc nết của những phụ nữ đa tình, không chính chuyên mà ông bà xưa thường phán xét tổng quát người phụ nữ qua tướng diện bên ngoài “ Mắt lá răm đa dâm,lẳng lơ đa tình” hay “ Trường túc bất tri lao”.

Ngoài ra, những danh từ đôi ván thuyền, trúc mành, gió trăng thể hiện sự quấn quít của trai gái và những động từ trao thân, lẳng lơ, hiến dâng gợi tả thêm hơn sự lãng mạn, lả lơi và phóng túng của phụ nữ.

Chữ dùng trong thơ hết sức giản dị đến mức bình dân nhằm mỉa mai chính mình và tự cười thói hư tật xấu của mình: theo, ngó bộ , giả bộ , đẩy đưa, lăng nhăng, chịu chơi hà rầm.

Kết thúc của bài thơ chỉ là hai câu lục bát với hình thức hoàn toàn khác với sự lập lại của bốn khổ thơ bốn câu đầu. Chữ Ghét bắt đầu câu thơ sáu chữ cho thấy tác giả đã quá hiểu rõ sự ác cảm và thành kiến theo lề thói từ xưa. Tuy nhiên điều đó không thành vấn đề cũng chẳng ăn nhằm bởi vì cuộc đời vốn dĩ là thế và muôn sự xấu cũng đã thường trút lên những người bị hàm oan huống hồ...con người vốn bẩm sinh như thế.


Bài thơ đã tự trào, phơi bày tật xấu của tác giả và của biết bao nhiêu phụ nữ khác. Là phụ nữ, ai chẳng phải một lần giả bộ vô tình, ngó bộ rất hiền, không biết chịu chơi,cũng đòi bắt chước, ăn nằm, trao thân, lẳng lơ,bắt chước, ham vui ...cho nên đây không là một vấn đề to tát để phải biện luận, thanh minh hay giải thích. Mọi suy nghĩ, đánh giá hay phán xét ra sao tùy ý mọi người. Chữ “cứ” thêm cho thành ngữ trăm dâu đổ đầu tằm như một lời nhắn gửi của thi sĩ “tiếp tục như thế đi!” bởi vì bất cứ những nhận định xấu tốt cũng “chẳng ăn nhằm gì”

Tôi không hiểu sao sau khi đọc Trăm Dâu Cứ Đổ Đầu Tằm, tôi chợt nghĩ đến những bài thơ của Hồ Xuân Hương. Có lẽ tính trào phúng và lời thơ bất cần của Ngô Tịnh Yên đã cho tôi sự liên tưởng này. Tôi nhận ra là mình khâm phục nữ thi sĩ Ngô Tịnh Yên như đã từng khâm phục nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Điều mà tôi khâm phục nhất là sự thành thật bày tỏ trong thơ. Phải chăng bài thơ đã phán ánh phần nào những đánh giá không công bằng đối với phụ nữ?

Cung Thị Lan

No comments: