Nói ngắn gọn, fake news là tin giả, tin vịt, tin chưa kiểm chứng. Nếu một ngày, bạn thấy trên Newsfeed của mình xuất hiện những tin giật gân rẻ tiền kiểu như "2 nữ sinh bắt cóc cưỡng hiếp thanh niên cho đến chết" (https://goo.gl/piJiFe), hay video clip quay cảnh “Cô hàng nước lấy nước rửa chân bán trà đá” (https://goo.gl/931Az4), thì đó chính là fake news. Những hình ảnh đau xót thương tâm, những phương pháp trị bệnh nan y dễ dàng mà không dùng thuốc, những câu chuyện chính trị mang tính kích động.v.v...là những chủ đề ưa thích của fake news. Đơn giản là bởi vì nó đánh vào cảm xúc bồng bột của người xem, dễ được Like/Share dễ câu tương tác. Nói ngắn gọn theo ngôn ngữ Marketing thì có nghĩa là dễ “Go viral”.
2. Fake news có xấu không?
Có. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên bùng nổ của fake news, khi mà sự sa sút của báo chí truyền thống phải nhường sân chơi cho mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc, vì những mục tiêu hết sức cá nhân (câu Like/view, bán hàng, kiếm fame.v.v…) mà người ta sẵn sàng bịa ra bất cứ chuyện gì có thể. Rồi cũng chính từ những thứ hoang đường bịa đặt đó, những thảm kịch của thế giới thật có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhanh đến chóng mặt. Ở Việt Nam, đó là cả một làng xông vào đánh đập, đốt cháy xe ô tô của một người vô tội, chỉ vì nghi anh ta biết “thôi miên, bắt cóc”. (xem ảnh 1).
Ở Mỹ, đó là một người đàn ông từ bang North Carolina, phóng xe tới tận một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C với một khẩu súng trường, để tự điều tra về vụ “đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton”. (Xem ảnh 2). Chưa hết, nhờ đọc nhầm fake news, một bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel. Cho đến tận ngày hôm nay, 2 năm sau khi Trump nhậm chức, nhiều người Mỹ vẫn còn cay cú về việc “vì fake news mà nước Mỹ đã chọn nhầm tổng thống”.
3. Facebook, A.I, và câu chuyện fake news
Khi Mark Zuckerberg tạo ra Facebook từ ký túc xá của ĐH Havard, ông ấy có tham vọng “dân chủ hóa” báo chí, cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành phóng viên và đưa tin trung thực, khách quan theo đúng góc nhìn của mình.
Nhưng ông ấy đã không lường trước được chuyện vì những tư lợi cá nhân, người ta sẽ tạo ra hàng tỉ những tin tức bịa đặt nhảm nhí, và khiến mạng xã hội Facebook yêu quí của Mark bị gọi trại đi một cách châm biếm thành “FAKEbook” (“cái ổ của fake news”). Trong một nỗ lực lấy lại lòng tin cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Mark Zuckerberg đang cố gắng phát triển những con A.I (trí tuệ nhân tạo) có khả năng phân biệt fake news và thanh lọc nó khỏi mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là nếu chính bản thân chúng ta đã thụt lùi đến mức không còn khả năng để suy xét phân biệt đúng sai, và phải nhờ đến máy móc để làm việc đó, thì có phải chúng ta đang đánh mất chính mình, với tư cách là một giống loài có trí khôn và lương tri hay không?
Ngay cả khi nếu chúng ta giao hoàn toàn việc đó cho các cty công nghệ và các thuật toán máy tính, nếu chúng ta tự đánh mất đi khả năng suy xét đúng sai của mình, điều gì sẽ đảm bảo rằng A.I và các ông chủ của nó sẽ không sử dụng quyền lực đó để điều khiển chúng ta? Bởi vì trên thực tế thì từ năm 2014, Facebook đã thử nghiệm khả năng kiểm soát cảm xúc của người dùng bằng thuật toán rồi (Nguồn: https://www.theguardian.com/…/facebook-users-emotions-news-…).
Và đó là lý do tại sao tôi muốn trao đổi về việc “Làm thế nào để phân biệt fake news?”
4. Tư duy phản biện (Critical Thinking) là gì?
Critical Thinking là khả năng "Phân tích, lập luận, phản biện một cách rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ khách quan và công bằng, để có thể đánh giá thông tin theo các góc nhìn khác, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề". Nói một cách khác, nếu bạn là một Critical thinker, bạn nghi ngờ gần như tất cả mọi thứ. Và một khi bạn đã tin vào một điều gì đó, thì đó là vì bạn đã lật đi lật lại vấn đề đó rất kỹ, chứ không phải bởi vì nhiều người bảo thế, hay bởi vì ông bà/bố mẹ/thầy cô bảo thế, càng không phải do xã hội/truyền thống/Chúa/Phật bảo thế.
- Một critical thinker giỏi sẽ biết phân biệt sự kiện (facts-mang tính khách quan) với quan điểm (opinions-mang tính chủ quan). Họ biết cách nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, đưa ra các kết luận hợp lý, và kìm lại những thành kiến, cũng như cảm xúc cá nhân của mình.
- Một critical thinker giỏi chính là tiếng nói bình tĩnh và hợp lý của lý tính, trong những thời điểm điên cuồng hay hoảng loạn của đám đông cảm tính. Họ là người có thể sáng suốt đánh giá mọi giải pháp và chọn ra lựa chọn hợp lý nhất có thể giải quyết được vấn đề.
- Một critical thinker giỏi luôn giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt, họ hiểu rõ khi nào họ đúng, và vì vậy, rất khó để bị sập bẫy bởi những trò gian lận hoặc lừa đảo. Lý do là vì họ luôn tiếp cận mọi thứ với một thái độ hoài nghi cần thiết. Những người thiếu critical thinking thường cho rằng mọi thứ họ đọc/nghe là đúng, dễ bị lòng tham dẫn dắt, và vì vậy, thường trở thành đối tượng nhắm đến của bọn lừa đảo.
Đó là lý do tại sao ngoài các lĩnh vực Khoa Học, Critical Thinking còn được xem là nền tảng của Thể Chế Tự Do và Xã Hội Dân Chủ.
Một xã hội dân chủ đòi hỏi những công dân của nó khả năng suy nghĩ nghiêm túc và thấu đáo về các vấn đề xã hội, để từ đó có thể gây ảnh hưởng lên chính quyền quản lý một cách đúng đắn, tránh được những bẫy rập của thành kiến, cảm tính, và mưu toan dẫn dắt. Một XH tự do dân chủ nhưng dân trí thấp, và không được trang bị Critical Thinking, thực sự sẽ là một thảm họa.
5. Sử dụng Critical Thinking để phát hiện fake news như thế nào?
a) Hãy học cách phát hiện ra các quan điểm cá nhân:
Như trên đã nói, “sự kiện”(facts) là khách quan, còn “quan điểm”(opinions) là chủ quan. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, “quan điểm” là thứ ít giá trị nhất. Cái mà bạn thực sự cần, đó là sự thật khách quan. Bởi vì “quan điểm” thường tìm cách lôi kéo bạn nghĩ theo cách mà họ muốn, còn “sự kiện” cho phép bạn tự đánh giá và rút ra kết luận. “Quan điểm” thường mang tính kích động, “sự kiện” thường mang tính tường thuật/miêu tả, và fake news thường nhắm vào cái đầu tiên. Ví dụ: một bài viết có câu “Đám đông biểu tình là cực lớn” - câu đó là thuần túy chủ quan và không chứa bất kỳ một tí thông tin có ích nào, chỉ đơn thuần là ý kiến của người viết ("cực lớn" là lớn bao nhiêu, 1000, 5000 hay 50000 người?) → có chất “fake news”. Ngược lại, nếu bài đó viết “Đám đông biểu tình lên đến khoảng 20 nghìn người” → cung cấp thông tin cho người đọc tự đánh giá → đáng tin hơn.
b) Tra soát lại thông tin:
Tại sao fake news thường nhắm đến việc lôi kéo, kích động, thay vì cung cấp thông tin và sự kiện? Vì cung cấp thông tin thật là cách dễ dàng nhất để bị phát hiện. Cho nên bất cứ khi nào bạn nhặt được một thông tin gì đó trong bài viết, hãy tra soát lại. Đó có thể là một con số (ví dụ “20 nghìn người”), hay một cái tên (VD “Hardin B. Jones”), một địa điểm (“Đại học California, Berkeley”).v.v...bất cứ thứ gì bạn nhặt được, hãy dùng chuột tô đậm, nhấp chuột phải, và chọn “Tìm kiếm trên Google cho cụm từ….”.Với thời đại hiện nay, việc tra soát lại thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả những gì bạn cần, chỉ là 2 lần nhấp chuột.
Cho nên vấn đề thật ra không phải là công cụ, vấn đề thật ra nằm ở chính bản thân chúng ta.
Chúng ta thường chỉ thích nghe những gì giống với những gì chúng ta đã tin, bởi vì nếu không, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã sai, trong suốt những năm qua. Đó là một cảm giác rất khó chịu, vì cái Tôi của chúng ta bị thương tổn. Cho nên trước tiên, bạn cần học cách bỏ “cái Tôi” cảm xúc sang một bên, để có thể “nhìn thế giới như nó vốn là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là”.
c) Kiểm tra nguồn:
Bạn có biết chỉ với ~$100 để mua tên miền và thuê host, bất cứ ai cũng có thể tạo ra một website. Và với các công cụ hiện có (ví dụ các con bot chuyên đi thu thập tin tức các nơi về xào nấu rồi đăng lại), một website tin tức điện tử đôi khi chỉ cần có 1 người điều hành thôi là đủ. Bạn có biết mục đích cuối cùng của các trang tin tức .com/.net/.info đó thường chỉ đơn thuần là lôi kéo nhiều người xem vào để bán quảng cáo. Và đăng tin vịt giật gân, gây sốc là cách đơn giản và hiệu quả nhất để đạt được điều đó.
Và vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm luôn là kiểm tra nguồn. Một bài viết được đăng trên báo điên tử có đuôi .vn thường là đáng tin hơn so với các web tin tức có đuôi .com/.info hay .net. Đơn giản là bởi vì đó là các tòa soạn báo chính danh, có trụ sở, có giấy phép và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thứ mà họ đăng tải. Cho nên họ thường đáng tin hơn những tờ báo vô danh được điều hành bởi những cá nhân giấu mặt, tồn tại với mục đích duy nhất là câu view.
Trên facebook thì fake news chủ yếu được tạo ra bởi giới bán hàng online, và chỉ cần kiểm tra nguồn, bạn có thể hiểu ra ngay tại sao tin vịt về ung thư thường xuất phát từ các bạn bán thực phẩm chức năng và detox. Cuối cùng là một bài báo về ung thư hay sức khỏe đăng trên những trang nhảm nhí như newviewaboutcancer.net bao giờ cũng kém độ tin cậy hơn các nguồn tin uy tín như WHO, báo Nature hay Science.
d) Và cuối cùng, đừng TIN, mà hãy luôn KIỂM TRA.
Trong kỷ nguyên hiện nay, khi mà cứ mỗi 2 năm, chúng ta lại tạo ra một lượng thông tin lớn bằng với những gì tổ tiên của chúng ta đã tạo ra trong suốt hàng nghìn năm, thì phần lớn những thứ đó là bullshịt. Và vì vậy, việc tiếp nhận tin tức đòi hỏi nhiều thứ hơn so với trước kia. Hãy đọc CHẬM, thay vì đọc nhanh, và TƯ DUY, thay vì chỉ nghe và ghi nhớ.
Lê Anh Tuấn
Nguồn: Facebook cá nhân