Saturday, April 27, 2024

TUẾ MỘ QUY NAM SƠN - MẠNH HẠO NHIÊN


Tuế mộ quy Nam Sơn - Mạnh Hạo Nhiên

Bắc khuyết hưu thướng thư,
Nam sơn quy tệ lư.
Bất tài minh chủ khí,
Đa bệnh cố nhân sơ.
Bạch phát thôi niên lão,
Thanh dương bức tuế trừ.
Vĩnh hoài sầu bất mị,
Tùng nguyệt dạ song hư.


歲暮歸南山 - 孟浩然

北闕休上書
南山歸敝廬
不才明主棄
多病故人疏
白髮催年老
青陽逼歲除
永懷愁不寐
松月夜窗虛


Tuổi già về núi Chung Nam
(Dịch thơ: Trần Trọng Kim)

Đền rồng thôi chớ dâng thư,
Nam Sơn miền ấy, thảo lư trở về.
Bất tài minh chúa dùng chi,
Bệnh nhiều, bạn cũ ai hề tới lui.
Tuổi già, đầu bạc đốc thôi,
Xuân xanh mấy chốc, năm đòi hết đi.
Nỗi sầu trằn trọc đêm khuya,
Cành thông bóng nguyệt lả kề trước song.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740) tên Hạo, tự Hạo Nhiên, hiệu Mạnh sơn nhân 孟山人, người Tương Dương (nay là huyện Tương Dương tỉnh Hồ Bắc), cùng thời với Trần Tử Ngang.

Ông từng làm quan, nhưng ông không thích hợp với đám quý tộc lạm quyền, nên rất thích nơi nhàn cư. Ông lui về ở ẩn, tìm lấy đời sống tao nhã ở Long Môn quê nhà và trong cuộc du ngoạn ở những nơi xa, khắp vùng đất. Ông đi nhiều, thấy nhiều, mạnh thơ đầy ắp những khí chất hồn hậu của thiên nhiên núi sông diễm lệ, hợp với tâm hồn trong sáng của mình.

Ông để lại 260 bài thơ. Có thể gọi thơ ông là thơ sơn thuỷ được. Thơ năm chữ của ông luật lệ nghiêm cách, phóng khoáng, hùng tráng, rất nổi tiếng. Bài Lâm Động Đình được nhiều người truyền tụng.

Nguồn: Thi Viện



CHIÊM NGƯỠNG BỨC TRANH TRÊN TRẦN CHÁNH ĐIỆN LỚN NHẤT VIỆT NAM

Chùa Diệu Đế với kiến trúc độc đáo, cùng bức tranh “Cửu long ẩn vân”. Đây là bức tranh vẽ trên trần chính điện xưa và lớn nhất Việt Nam.


Chùa Diệu Đế tọa lạc trên đường Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP Huế. Đây là một trong ba ngôi Quốc tự của triều Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay (cùng với chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên).


Chùa trước đây là nhà cũ của Phúc quốc công (ông ngoại của vua Thiệu Trị), nơi vua Thiệu Trị ra đời năm 1807. Sau khi lên ngôi, năm 1844, nhà vua đã cho xây dựng chùa và sắc phong làm Quốc tự.


Trải qua các biến cố lịch sử như vụ thất thủ kinh đô năm 1885, nhiều công trình kiến trúc xưa của chùa Diệu Đế bị phá hủy.


Ngôi chùa hiện nay có diện tích khoảng 2.500m2. Cửa chùa là cổng tam quan hai tầng, phía trên có lầu Hộ Pháp, hướng về sông Đông Ba và Kinh thành Huế.


Sau cổng tam quan là con đường dẫn vào chính điện. Công trình chính là điện Đại Giác 3 gian 2 chái, bên trái chánh điện là Cát Tường Từ Thất, bên phải là Trí Tuệ Tinh Xá.


Trước điện là gác Đạo Nguyên 2 tầng 3 gian, hai bên gác có lầu chuông, lầu trống. Gần cổng chính chùa là hai nhà lục giác, nhà bên trái để chuông, nhà bên phải dựng bia khắc thơ vua Thiệu Trị.


Đặc biệt, tại chánh điện có bức tranh Long vân khế hội (còn gọi là Cửu long ẩn vân). Đây là bức tranh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam”, vào tháng 3/2008.


Bức tranh vẽ 5 con rồng uốn lượn, ẩn hiện trong các tầng mây trên tầng điện Đại Giác và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn. Bức tranh có chiều dài khoảng 10m và chiều rộng khoảng 11m.


Hình tượng rồng được vẽ nhiều đường cong uốn lượn, đầu to và tròn, mắt to, mũi mở, miệng lớn, răng cửa nhọn, thân dài, có vảy nhiều màu và móng rất sắc, thể hiện sự uy nghiêm của bậc quyền uy.


Ngoài ra, bên trong chánh điện thờ tượng Tam Thế Phật ở giữa, xung quanh là các tượng A-Nan, Ca-Diếp, Di Lặc, Chuẩn Đề Phật và một số vị Thánh, Phật khác. Sát vách bên trái còn có khám thờ vua Thiệu Trị và một vài công chúa, hoàng tử.


Hoàng Hải / Theo: giaoducthoidai



VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc thực chất dài bao nhiêu km, ý nghĩa của nó là gì?


Nhiều người vẫn có quan niệm rằng: Vạn Lý Trường Thành là do Tần Thủy Hoàng xây dựng vào thời nhà Tần. Nhưng trên thực tế, những đoạn tường thành đầu tiên được xây dựng là vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc.

Các nước chư hầu nhà Chu đã tiến hành xây các bức tường thành lớn, độ cao ban đầu chỉ khoảng 3 mét, mục đích là để ngăn chặn các cuộc cướp phá của những bộ tộc du mục đến từ phương Bắc như Hung Nô, Khiết Đan...

Vạn Lý Trường Thành.

Những bộ tộc này nổi tiếng là tàn bạo, đặc biệt ngựa của họ rất khỏe, và các chiến binh thì thiện chiến. So với vùng đất của các bộ tộc du mục ở miền Bắc lạnh lẽo và nghèo nàn, thì vùng Trung Nguyên của người Hán sinh sống có nguồn tài nguyên trù phú, và lương thực dồi dào hơn rất nhiều.

Để tự bảo vệ mình thì các nước chư hầu ở phía Bắc vùng Trung Nguyên đã xây những công trình ngăn chặn họ với các tộc người khác.

Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Tàu, thì ông ta đã quyết định vừa xây dựng, vừa tăng cường các đoạn thành rời rạc lại với nhau nhằm tạo thành một bức trường thành thật dài và vững chãi, ngăn chặn các nguy cơ xâm lăng đến từ phương Bắc như Hung Nô.


Như vậy, có thể nói những viên gạch đầu tiên xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã bắt đầu đặt xuống từ trước khi Tần Thủy Hoàng nảy sinh ý định trên. Sau khi nhà Tần diệt vong, các triều đại kế tiếp của Tàu như Hán, Tùy, Tống, Minh đã tiếp tục xây dựng và củng cố Vạn Lý Trường Thành.

Mục đích không phải tạo nên kỳ quan gì mà đơn giản vẫn chỉ là chống lại nguy cơ ngoại xâm, đặc biệt là nhà Tống và nhà Minh. Vạn Lý Trường Thành mà chúng ta chiêm ngưỡng ngày nay chủ yếu được xây dựng vào thời nhà Minh.

Đây là thời đại mà các vị Hoàng đế vô cùng lo sợ để mất giang sơn vào tay những kẻ họ coi là ngoại bang như tộc Nữ Chân, nước Hậu Kim (do người Mãn thành lập) từ miền Bắc Tàu, nên dễ hiểu khi thời đại này cũng là lúc Vạn Lý Trường Thành được đầu tư xây dựng và trùng tu nhiều nhất.


Tuy nhiên, trớ trêu thay, người Hán vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận sự cai trị của người Mãn khi nhà Minh sụp đổ. Và họ đã lập ra một triều đại là nhà Thanh, cũng là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.

Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh còn từng chế giễu: "Dài Vạn lý đến tận biển cả, trùng trùng điệp điệp đầy phô trương, khiến dân chúng sức cùng lực kiệt, mà thiên hạ vẫn cứ thuộc về ta".

Hàm ý nói Vạn Lý Trường Thành tốn bao mồ hôi và máu của dân chúng, cao lớn và hùng vĩ như vậy nhưng vẫn cuối cùng không ngăn nổi người phương Bắc tiến xuống.

Rốt cuộc độ dài của Vạn Lý Trường Thành là bao nhiêu?

Bức tường hùng vĩ này chính là niềm tự hào của người Trung Hoa

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ tháng 10 năm 1987. Nhưng mãi tới năm 2009. Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc mới công bố những số liệu về chiều dài Vạn Lý Trường Thành.

Cụ thể bức tường tạo nên Vạn Lý Trường Thành liền mạch như ta thấy dài 8.851 km. Đây chủ yếu là đoạn tường thành được xây dựng vào thời nhà Minh.

Đến năm 2012 thì Cục Di sản Văn hóa Quốc gia lại công bố tổng chiều dài của di tích Vạn Lý Trường Thành là 21.196 km bao gồm cả các cửa ải, đoạn thành ngắn rời rạc, các chiến hào cũ... Sở dĩ có sự chênh lệch về số liệu như vậy vì cách hiểu danh xưng "Vạn Lý Trường Thành" có thể khác nhau.

Đa số chúng ta cho rằng: Vạn Lý Trường Thành phải là các đoạn thành trì nối với nhau vững chãi, đầy đủ, liền mạch, rõ ràng. Nếu như vậy thì các đoạn thành này chính xác là dài 8.851 km như Cục Di Sản Văn hóa công bố năm 2009. Còn nhiều Chuyên gia nghiên cứu và Học giả coi Vạn Lý Trường Thành không đơn giản chỉ như vậy, họ coi đây là một tổ hợp di tích như đã nói ở trên là bao gồm cả các cửa ải, chiến hào, vô số di tích nhỏ liên quan khác nằm rải rác ở Đông bắc tới Tây bắc Trung Quốc.

Thực tế, đến ngày nay các di tích như vậy cũng chưa được phát hiện hết, cứ sau một hoặc vài năm lại có thể phát hiện ra các đoạn thành hoặc cổng thành chưa lộ diện. Như vậy nên đến năm 2012 họ tính rằng độ dài toàn bộ di sản Vạn Lý Trường Thành là 21.196km trải dài qua 15 tỉnh, thành phố và khu tự trị.


Vạn Lý Trường Thành cho tới bây giờ tuy được xem là bảo vật vô giá của người Trung Quốc, nhưng tình trạng hư hại và nguy cơ bị bào mòn vẫn diễn ra thường xuyên bởi 3 nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, đầu tiên do Vạn Lý Trường Thành dài, lại nằm ở vùng núi cao, công tác quản lý nhà nước còn kém, nên người dân chưa có ý thức bảo vệ, họ thậm chí còn xâm hại bằng cách lấy gạch đá về để sửa nhà.

Thứ hai là do thiên tai, vùng núi cao khi có mưa lớn, sạt lở hay động đất cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công trình, trong đó các đoạn tường thành tuy nổi tiếng chắc chăn nhưng đã quá cũ và dễ bị sập. Tháng 8 năm 2012, 36 mét của một đoạn tường thành tại tỉnh Hà Bắc đã bị đổ sập sau khi hứng chịu một trận mưa lớn kéo dài.

Thứ ba, do trình độ nghiên cứu lẫn công nghệ bảo tồn ngày nay chưa đủ để có thể gìn giữ di sản này một cách hoàn toàn, nên các phương thức bảo tồn chủ yếu là cố gắng giữ cho sự bào mòn chỉ tác động ở mức tối thiểu mà thôi.

Theo các báo cáo thì chỉ có 8,2 % tường thành xây dựng là đang được bảo quản ở trạng thái tốt, còn có tới 74.1 % đang ở trong tình hình được bảo quản trung bình hoặc kém, phần còn lại thậm chí không có số liệu.

Danh xưng "Vạn Lý Trường Thành" xuất hiện từ bao giờ?

Một đoạn thành ở tỉnh Sơn Tây bị hư hại khá nặng (Ảnh: xinhuanet.com)

Tần Thủy Hoàng có lẽ là cá nhân nổi tiếng nhất có mối liên hệ với Vạn Lý Trường Thành. Bởi sự tàn bạo và những giai thoại đáng sợ trong quá trình xây dựng Vạn Lý Trường Thành đều bắt nguồn từ thời đại vị Hoàng đế này cai trị. Tuy nhiên, không phải ông ta là người đã đặt tên cho công trình này.

Người Trung Quốc qua các triều đại khác nhau cũng không phải lúc nào gọi danh xưng này. Theo các ghi chép lịch sử, cụ thể trong "Sử ký, phần Sở Thế vi gia" có chép: "Tề Tuyên Vương tìm cách tận dụng các đoạn núi cao, đắp Trường Thành, phía Đông dài đến tận biển, phía Tây dài đến sông Tế Thủy, dài cả nghìn dặm, cùng nước Sở phòng bị".

Như vậy, danh xưng Trường thành đã có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, trước cả khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Thậm chí, trong "Sử ký Tần bản ký" khi ghi chép về Vạn Lý Trường Thành cũng nói rằng vào năm Tề Giản Công trị vì thứ 6 (tức năm 409 trước Công nguyên) nước Tần men theo sông Lạc Hà xây dựng thành cao, cũng chỉ dùng hai chữ " Khiếm Lạc" (ý chỉ thành lũy ngăn sông) chứ chưa nhắc đến Trường Thành.

Vạn Lý Trường Thành cho người ta cảm giác nó là công trình vô tận.(Ảnh:xinhuanet.com)

Danh xưng Vạn Lý Trường Thành sẽ làm người ta liên tưởng rằng bức tường dài ít nhất 10.000 km. Nhưng như đã nói, các đoạn thành liền mạch và mới nhất vào thời Minh cũng chỉ dài hơn 8.000km.

"Vạn Lý" ở đây đơn thuần chỉ là một cách gọi để chỉ "sự vô tận". Hơn nữa, người xưa không có đủ công cụ để đo chính xác độ dài của Vạn Lý Trường Thành, nên sẽ không có chuyện tính toán chuẩn để đặt tên theo độ dài. "Vạn Lý Trường Thành" là cách gọi để ám chỉ đây là một bức tường thành dài vô tận, chưa thể đo được mà thôi.

Theo Soha.vn

Friday, April 26, 2024

11 CÂU NÓI "TRIẾT LÝ NHÂN SINH" KINH ĐIỂN NHẤT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Kim Dung mất đi nhưng những câu nói kinh điển này của ông thì vẫn còn mãi.


1. “Có nỗi khổ không nói ra được, đó mới là khổ thực sự”. (Thiên long bát bộ)

Nỗi khổ có thể nói ra được thì không được coi là khổ, nỗi khổ không nói ra được mới là khổ thực sự. Khi nỗi khổ đè nặng trong lòng, nếu như có người tâm đầu ý hợp, hay có người tri kỷ tri âm để nghe ta thổ lộ tâm tư, thì nỗi lòng ấy đã nguôi ngoai đi rất nhiều rồi.

Khổ nhất là không biết thổ lộ cùng ai, đó mới là khổ thực sự, lâu dài, dai dẳng. Không ai hiểu, chỉ mình ta hết lần này đến lần khác nếm trọn nỗi cay đắng trong lòng.

2. “Làm người có thể lơ mơ thì cứ lơ mơ, cuộc sống hãy buông lỏng hết cỡ”. (Lộc đỉnh ký)

Nhân thế hỗn độn, sự đời rối ren, lòng người đen trắng nào ai sáng tỏ? Nếu cầu toàn trách bị quá, truy cầu hoàn mỹ quá, hay xét nét người quá, thì sẽ chỉ thấy căng thẳng, bất hạnh và khổ đau.

Thế giới quá rộng lớn, sao cứ phải ngụp lặn mãi trong những chuyện thị thị phi phi? Cho nên, cứ lơ mơ một chút, buông xả một chút, rất có thể con đường phía trước sẽ là một chân trời bát ngát hương hoa.

3. “Thông minh quá ắt tổn thương, tình sâu quá ắt tổn thọ, mạnh mẽ quá ắt chịu nhục, vậy nên, hãy là người quân tử khiêm nhường, ấm áp như ngọc sáng”. (Thư kiếm ân cừu lục)

Thông minh quá sẽ có lúc bị trí tuệ làm cho thương tổn, si tình quá sẽ có lúc bị ái tình làm cho đau khổ, giàu có quá sẽ có lúc bị tiền bạc làm cho khánh kiệt, mà kiêu ngạo quá lại có lúc bị danh lợi làm cho ê chề…

Vì sao Phật gia giảng ‘Thủ Trung’, Nho gia giảng ‘Trung Dung’, Đạo gia giảng ‘Âm Dương cân bằng’? Bởi vì các bậc Thánh nhân, Giác Giả đã thấu hiểu một chân lý rằng “chỉ có ở giữa là Đại Đạo”, hễ vượt quá giới hạn đều bước sang cực đoan, mà xưa nay trạng thái cân bằng mới là bền vững nhất.


4. “Lửa thiêu thân xác, lửa thiêng rừng rực, sống có gì vui, chết có gì khổ? Hành thiện trừ ác, còn mãi sáng soi. Hoan lạc sầu bi, đều về cát bụi. Thương thay thế nhân, lo nghĩ ưu sầu”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Con người đến thế gian dạo chơi vùng vẫy một phen, rồi sau cùng tất cả lại rời đi. Khi đến là tấm thân trần trụi, khi đi là hai bàn tay trắng, dẫu cả đời phú quý vinh hoa thì cuối cùng lại chẳng thể mang theo được thứ gì.

Thế nên, người thấu hiểu đạo lý sẽ coi nhẹ danh vọng, coi thường tiền tài, coi khinh sắc dục; họ sống là để tu dưỡng bản thân, trở nên ngày càng chân thành, chất phác, giản đơn, thanh tịnh.

5. “Nam nhi đại trượng phu, thứ nhất luận nhân phẩm tấm lòng, thứ nhì luận tài năng sự nghiệp, thứ ba luận văn học võ công”. (Thiên long bát bộ)

Tự cổ chí kim, thiên thượng vẫn luôn coi trọng người có đức. Lịch sử nhân loại ghi nhận biết bao anh hùng hào kiệt, bao đấng quân vương minh chủ, bao danh sĩ lẫy lừng lưu danh thiên cổ… đều bởi một chữ “Đức” đứng đầu.

Thế nên người xưa tu đức, lại khuyên răn con cháu trước phải tu nhân tích đức, rồi sau mới là rèn rũa tài năng. Vì đức nâng đỡ tài năng, còn tài năng lại dựa vào đức mà thi triển. Hữu đức bất tài, dẫu không thể giúp đời thì vẫn là một tấm thân trong sạch. Hữu tài vô đức, càng thi triển tài năng thì chỉ càng gây họa cho xã hội mà thôi.


6. “Họ mạnh mặc họ mạnh, gió mát phẩy núi đồi. Họ ngang mặc họ ngang, trăng sáng soi sông lớn”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Những người có chí hướng sẽ chuyên tâm thành tựu bản thân, đâu để ý đến thành bại, tốt xấu, khen chê của người đời. Trong tâm có Đạo thì lúc nào cũng vui – Đó là điều mà Nho gia vẫn giảng: “An bần lạc Đạo” (yên lòng với cảnh nghèo mà vui với Đạo), hay: “Triêu văn Đạo tịch khả tử” (sáng nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng).

7. "Bậc đại trượng phu muốn làm thế nào thì cứ thế mà làm, tựa hồ nước chảy mây trôi muốn đi về phương nào thì đi. Hết thảy quy củ võ lâm, giáo điều môn phái vứt hết cả đi". (Nhân vật Phong Thanh Dương)

8. "Trước mặt cũng có mưa lớn, chạy đi đâu mà không ướt như nhau?", Quách Tĩnh – Anh Hùng Xạ Điêu.


Câu nói tưởng có phần ngô nghê của Quách Tĩnh nhưng trong đó lại hàm chứa một triết lý vô cùng sâu xa. Nếu là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh được.

Vì vậy, hãy bình thản và điềm tĩnh để đối đầu với mọi việc.

9. "Hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai", Nhậm Doanh Doanh – Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Một quan điểm tình yêu hết sức độc đáo và khúc triết của Nhậm Doanh Doanh (và có thể là của cả Kim Dung nữa).

Chính vì suy nghĩ như vậy nên Nhậm Doanh Doanh luôn có một lòng vị tha hết mực với Lệnh Hồ Xung (dẫu trong lòng anh ta luôn phảng phất hình bóng của người thanh mai trúc mã Nhạc Linh San).


10. "Đạo trời là lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, bởi vậy hư có thể thắng thực, không đủ thắng được có thừa", Cửu Âm Chân Kinh.

Quan điểm này là sự hòa trộn hoàn hảo giữa triết lý Phật gia và Đạo gia. Kim Dung luôn cho rằng không có gì là tuyệt đối cả. Mọi vật trên thế gian đều có điểm yếu và cách khắc trị.

11. "Ta không tin thứ lễ giáo ăn thịt người không nhả xương ấy thì người ta bảo ta là tà ma ngoại đạo", Hoàng Dược Sư – Anh Hùng Xạ Điêu.

Câu nói thể hiện sự căm phẫn của Hoàng đảo chủ với những thứ lễ giáo phong kiến lạc hậu.

Là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong tiểu thuyết Kim Dung, chất chính hay tà trong con người của Hoàng Dược Sư thật sự vẫn còn là điều bí ẩn.

PV / Theo: Phunutoday

NHẠC DƯƠNG LÂU: CHỐN DỪNG CHÂN CỦA MẶC KHÁCH VÀ TIÊN NHÂN

Từ xưa người Trung Hoa đã có câu: “Động Đình là hồ đứng đầu trong thiên hạ, Nhạc Dương là lầu đứng đầu trong thiên hạ”. Nằm ở nơi sơn linh thủy tú, với kiến trúc tinh xảo hùng vĩ, Nhạc Dương Lâu không chỉ là viên ngọc quý trong kiến trúc cổ mà còn là nơi tụ họp của các văn nhân mặc khách và tiên nhân.


Nhạc Dương Lâu tiếp giáp hồ Động Đình, nằm ở Hồ Nam, cùng với Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán và Đằng Vương Các ở Giang Tây được xưng là “Giang Nam tam đại danh lâu”. Danh tiếng của tòa lầu tháp này bắt đầu được truyền khai vào thời nhà Đường bởi một bài thơ của Lý Bạch.

Vào mùa thu năm Kiền Nguyên thứ 2 triều nhà Đường, Lý Bạch cùng bạn bè đi qua Nhạc Dương và dạo chơi ở hồ Động Đình. Ông đã sáng tác bài thơ “Dữ hạ thập nhị đăng Nhạc Dương Lâu”. Từ đó về sau, cái tên Nhạc Dương Lâu được truyền ra. Trải qua chiến tranh, Nhạc Dương Lâu bị hư hại nhiều. Đến thời Bắc Tống, Nhạc Dương Lâu được trùng tu và cũng được mở rộng thêm.

Nhạc Dương lâu và Hồ Động Đình. Hồ Động Đình là địa danh quan trọng trong huyền sử Việt. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nhạc Dương Lâu nổi tiếng còn là nhờ bài “Nhạc Dương Lâu ký” do danh thần thời Bắc Tống là Phạm Trọng Yêm sáng tác. Bài “Nhạc Dương lâu ký” tổng cộng chỉ có 360 chữ nhưng văn chương và tình cảm đều dạt dào, rất cảm động lòng người. Trong bài còn có câu đã trở thành cách ngôn xử thế của đời sau: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Về tổng thể, Nhạc Dương Lâu được chia làm ba tầng. Toàn bộ tòa lầu không sử dụng một xà ngang và một cây đinh nào. Bên trong lầu dùng bốn trụ lớn bằng gỗ để đỡ toàn bộ trọng lượng và 12 trụ tròn đỡ ở 2 lầu, phía ngoài dùng 12 trụ bằng gỗ cây tử làm trụ thềm. Bên ngoài lầu, bốn phía mái hiên vểnh lên như đang bay lượn. Mái nhà được lợp bằng ngói lưu ly màu vàng. Lầu cao khoảng 19.42 m, sâu 14.54 m, rộng 17.42 m. Cả toà lầu rất vững vàng chắc chắn, cũng rất đồ sộ.

Mặc dù trải qua các triều đại thay đổi, nhưng kiến trúc này không hề bị người đời quên lãng. Trái lại, ở các triều đại khác nhau đều có các văn nhân mặc khách vì mộ danh mà đến đây thưởng thức, lên lầu ngắm cảnh, ca hát và làm thơ. Thi thánh Đỗ Phủ từng tới đây và viết bài thơ “Đăng Nhạc Dương Lâu”: “Tích văn Động Đình thuỷ, kim thượng Nhạc Dương lâu”, xưa kia nghe nước Động Đình, nay lên Lầu Nhạc Dương.


Ngoài ra, các thi nhân nổi tiếng khác như Trương Cửu Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị, Lý Thương Ẩn cũng từng đến đây làm thơ trữ tình, lưu lại rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhờ vậy mà tòa lầu này cũng thêm phần nổi danh.

Nhạc Dương Lâu còn là địa danh gắn liền với những câu chuyện về tiên nhân. Theo “Nhạc Dương phong thổ ký”, Lã Động Tân từng ba lần say rượu ở đây và cũng lưu lại một bài thơ.

Truyền thuyết kể rằng Lã Động Tân chu du thiên hạ, một hôm đi qua hồ Động Đình thì kinh ngạc trước cảnh non sông tươi đẹp ở nơi đây. Ông phóng mắt nhìn xung quanh thấy đầm lớn Vân Mộng bị bao phủ trong sương mù, những dãy núi nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện, Nhạc Dương Lâu với mái hiên uốn lượn thật kỳ diệu và tráng lệ. Thế là tiên nhân hạ mây xuống, lấy ra bình hồ lô bên hông và uống.

Có câu: “Tiên hoa nhân dịch, nhân hoa tiên nan” (tiên tìm người dễ mà người tìm tiên thì khó), Lã Động Tân uống rượu, thường xuyên say bên hồ Động Đình. Một hôm, có một ông lão tráng kiện đi đến quỳ trước mặt Lã Động Tân nói: “Đại tiên, xin ngài hãy độ tôi thành tiên đi!”


Lã Động Tân nói: “Ta cũng là phàm nhân, sao ngươi gọi ta là thần tiên?’

Ông lão đáp: “Ngài là một trong bát tiên, người khác không biết nhưng tôi biết”.

Lã Động Tân sau khi nghe xong, cảm khái nói: “Tinh biết tiên, người không biết”. Nguyên lai, ông lão kia là một cây cổ thụ già thành tinh. Thế là Lã Động Tân để lại một bài thơ:

Độc tự hành lai độc tự tọa
Vô hạn thế nhân bất thức ngã
Chích hữu thành nam lão thụ tinh
Phân minh tri đạo thần tiên quá.

Tạm dịch:

Một mình đi đến một mình ngồi
Thế nhân vô hạn không biết ta
Chỉ có lão thụ tinh Thành Nam
Hiển nhiên biết rõ thần tiên qua.


Lã Động Tân từng ba lần say rượu ở Nhạc Dương Lâu. Dân chúng vì để tưởng nhớ tiên nhân nên đã dựng lên một ngôi đình, đặt tên là “Tam Túy Đình”. Trong đình có đề thơ của Lã Động Tân.

An Hòa biên tập
Theo: Vision Times

Bài hát "Nhạc Dương Lầu ký" 


CAO NHÂN PHONG THỦY GIÚP LÝ GIA THÀNH THÀNH TỶ PHÚ TIẾT LỘ BÍ MẬT CỦA PHÚ QUÝ

Lý Gia Thành, khi đó là một người vỡ nợ, không có thiện cảm với những thứ như phong thủy, toán mệnh, tại sao mọi việc đều nghe theo đại sư phong thủy Trần Bá, và sau này trở thành người giàu nhất Hong Kong?

Cao nhân chỉ bảo giúp Lý Gia Thành phát tài, trước khi qua đời để lại ‘bí quyết’ cho hậu thế. (Ảnh do NTDVN tổng hợp)

Năm 1958, Lý Gia Thành lúc đó 30 tuổi, chỉ là một doanh nhân nhỏ đang điều hành Công ty TNHH Công nghiệp Trường Giang. Nhà máy của công ty được chia thành hai phần, một bên vẫn sản xuất đồ chơi bằng nhựa đã hoạt động trong nhiều năm, bên còn lại đang nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm mới – hoa nhựa.

Tại sao Lý Gia Thành lại chọn hoa nhựa? Một ngày nọ, khi đang đọc một tạp chí tiếng Anh, ông phát hiện ra rằng một công ty của Ý đã phát triển công nghệ làm hoa nhựa và sắp sản xuất hàng loạt, đồng thời sẽ sớm tung ra thị trường Châu Âu.

Lý Gia Thành là một người có đầu óc kinh doanh, ngay lập tức ông nghĩ rằng người Âu – Mỹ đều thích trang trí hoa trong nhà và ngoài trời, nhưng nhịp sống hiện đại quá nhanh, khiến mọi người không có thời gian để chăm sóc những loại cây cần chăm bẵm cẩn thận, vừa hay hoa nhựa lại có thể giải quyết vấn đề này, nó chắc chắn sẽ bán chạy. Vào thời điểm đó, mọi thứ ở Hong Kong đều lấy Âu – Mỹ làm chuẩn, cho nên ông nghĩ loại hoa nhựa này nhất định sẽ phát triển rực rỡ ở Hong Kong.

Nói là làm, Lý Gia Thành đã nắm bắt cơ hội kinh doanh và quả nhiên, rất nhanh sau đó ông đã nếm được trái ngọt. Chẳng mấy chốc, những bông hoa nhựa của ông bán rất chạy và công việc kinh doanh trở nên phát đạt. Tuy nhiên, do nguồn cung sản phẩm khan hiếm nên nhà máy của Lý Gia Thành đã giảm chất lượng để đáp ứng đơn đặt hàng. Hậu quả của việc làm ăn gian dối, không thành tín cũng nhanh chóng xuất hiện, nhiều khách hàng đòi trả hàng, ngân hàng truy thu nợ, khách hàng đòi hoàn lại tiền, và nhà máy nhựa đứng trên bờ vực phá sản. Để trả nợ, vợ sau của Lý Gia Thành, bà Trang Nguyệt Minh, đã bán hết đồ trang sức của mình đi để cứu vớt.

Cảnh ngộ này đã khiến Lý Gia Thành nhận ra tầm quan trọng của sự trung thực, thành tín, nhưng việc gây dựng lại công ty đâu có dễ dàng như vậy. Lẽ nào bản thân sẽ thực sự giống như những gì thầy xem tướng nói năm ông 14 tuổi? Lý Gia Thành không cam lòng.

Vậy thầy tướng số khi đó đã nói những gì?

Hai lần toán mệnh khác biệt năm 14 tuổi và năm 30 tuổi

Lý Gia Thành sinh năm 1928, khi ông còn nhỏ, gia đình ông đã rời Quảng Châu đến Hong Kong để tránh chiến loạn, nhưng Hong Kong cũng bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng không lâu sau đó. Gia cảnh Lý Gia Thành vốn nghèo khó nên ông đã có một khoảng thời gian khó khăn. Vào thời điểm đó, Lý Gia Thành luôn tỏ ra chán nản.

Năm 1942, khi này Lý Gia Thành 14 tuổi, một thầy xem tướng nhìn thấy đôi mắt ông u tối, thân thể gầy gò, nên nói với mẹ ông rằng tương lai đứa trẻ này khó mà làm được việc gì lớn. Nếu an phận giữ thân thì cũng coi như làm ăn vừa đủ, muốn phất lên như diều gặp gió thì không có phúc phận này.

Kể từ đó, Lý Gia Thành không có thiện cảm với những thầy xem tướng.

Tuy nhiên, điều mà Lý Gia Thành không ngờ tới là trong một bữa tiệc năm 1958, ông lại gặp một thầy toán mệnh khác. Người này không chỉ mang đến một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông mà sau này còn trở thành thầy phong thủy được ông trọng dụng. Người này được gọi là Trần Bá.

Trần Bá tên thật là Trần Lãng, quê ở Tứ Xuyên, khi còn nhỏ gia đình ông rất giàu có. Lúc nhỏ, ông đi ngang qua một gian hàng toán mệnh, và cảm thấy vô cùng thích thú với thuật xem tướng đoán mệnh cũng như huyền học phong thủy. Vì vậy cha ông đã mời hai vị thầy đến dạy cho con trai. Sau đó, ông đã hết lòng tin theo Đạo giáo, thông thạo Kinh dịch Bát quái, đặc biệt giỏi về phong thủy và tướng thuật. Do gia cảnh tốt cộng với việc có tài xem tướng nên không lâu sau, Trần Bá đã trở nên khá nổi tiếng ở Hong Kong.

Lý Gia Thành, người vốn không quan tâm đến toán mệnh, cũng bằng lòng nghe ông Trần nói. Vì vậy, Trần Bá đã hỏi Lý Gia Thành, ông hy vọng kiếm được bao nhiêu tiền trong cuộc đời này? Lý Gia Thành trả lời: Ba mươi triệu là đủ. Trần Bá nói với ông, kho của cải trong số mệnh của ông sẽ không vơi, mà nó sẽ đầy tràn ra ngoài, trong tương lai ông nhất định sẽ trở thành người giàu nhất Hong Kong!

Những lời của Trần Bá chắc chắn là lời khích lệ to lớn đối với Lý Gia Thành, người lúc đó đang trong nghịch cảnh, đồng thời cũng tiếp thêm vài phần dũng khí cho ông. Cũng trong năm này, Lý Gia Thành bước vào lĩnh vực bất động sản, và Trần Bá là người đã chỉ bảo cho ông mua nên mua chỗ nào.

Thầy phong thủy Trần Bá. (Chụp video)

Sự nghiệp sau đó của Lý Gia Thành quả thực như Trần Bá dự đoán, ngày càng lớn mạnh. Trong một số cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi người khác thua lỗ thì ông lại kiếm được tiền và tích lũy được khối tài sản khổng lồ, thực sự trở thành người giàu nhất Hong Kong. Kể từ đó, Trần Bá luôn được Lý Gia Thành tôn kính và đón tiếp như một vị khách danh dự. Không chỉ văn phòng của Lý Gia Thành được bố trí theo ý kiến ​​của Trần Bá, mà căn biệt thự ở lưng chừng núi của ông cũng là mời Trần Bá đến xem phong thủy cho rồi mới chuyển tới ở.

Trong trận chiến phong thủy sau này ở trung tâm Hong Kong, cũng nhờ vào sự trợ giúp của Trần Bá mà Lý Gia Thành mới có thể an toàn vượt qua.

Trận chiến phong thủy ly kỳ

Ba tòa nhà cao tầng, từ trái sang phải, trong bức ảnh dưới đây lần lượt là Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc (BoC Tower), Tòa nhà Trung tâm Tập đoàn Trường Giang (Cheung Kong Center) và Ngân hàng HSBC.

Tòa nhà trụ sở tổng bộ của Tập đoàn Trường Giang năm giữa Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc (bên trái) và Ngân hàng HSBC (bên phải). (Nguồn wikipedia/ CC BY SA 2.5)

Tòa nhà của Ngân hàng HSBC được xây dựng đầu tiên, họ đã mời các cao nhân đến thiết kế phong thủy, làm ăn rất thuận lợi và tài lộc dồi dào. Sau đó, Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc xuất hiện với thiết kế hình con dao thép ở ba mặt, một mặt hướng thẳng vào HSBC. Kể từ đó, HSBC thực sự trở nên khó khăn, không chỉ hiệu suất giảm mạnh mà giá cổ phiếu cũng rớt sâu.

Vậy phải làm sao? Sau khi tham khảo ý kiến ​​của thầy phong thủy, HSBC đã nhanh chóng bố trí hai khẩu pháo thần công bằng thép dài 17 mét trên tầng cao nhất, nhắm thẳng vào Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc và tạo thành thế “pháo đấu dao”, hóa giải được nguy cơ. Còn có một tình tiết khác về khẩu pháo trên lầu của Ngân hàng HSBC. Chuyện kể rằng một năm nọ, một cơn bão đã thổi nghiêng hướng của khẩu đại bác trên tòa nhà Ngân hàng HSBC và nhằm vào Ngân hàng Standard Chartered. Đây không phải là chuyện nhỏ, Ngân hàng Standard Chartered đã gửi một lá thư của luật sư đến Ngân hàng HSBC, yêu cầu sửa chữa trong thời gian hạn định. Có vẻ như các công ty đều rất tin vào phong thủy.

Trận chiến phong thủy ly kỳ ở trung tâm Hong Kong rất nổi tiếng và được người dân xứ Cảng Thơm lưu truyền rộng rãi.

Vậy chuyện gì đã xảy ra với Tòa nhà Trung tâm Tập đoàn Trường Giang (Cheung Kong Center) nằm giữa hai tòa nhà này? Vào đầu những năm 1990, chính phủ Hong Kong đã phê chuẩn và cấp cho Lý Gia Thành một vùng “bảo địa phong thủy”, là nơi nằm giữa BoC Tower và HSBC, để xây Cheung Kong Center. Nhưng bị kẹt ở giữa, chẳng phải sẽ trở thành “bia đỡ đạn đỡ dao” hay sao? Sau đó, chính Trần Bá đã cho Lý Gia Thành lời khuyên để phá giải hình thế phong thủy này.

Khi lần đầu nhìn thấy Cheung Kong Center, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy nó không có gì đặc sắc và thiếu đi các đường nét. Nhưng ẩn sâu trong đó lại là huyền cơ. Kiến trúc sư César Pelli – bậc thầy về thiết kế những tòa nhà cao tầng cao nhất thế giới – từng nói: “Lý Gia Thành tin vào phong thủy. Ông ấy tin rằng một tòa nhà hình hộp vuông thành sắc cạnh có thể chống lại tà khí của Ngân hàng Trung Quốc”.

Kỳ thực, nó không chỉ là một hình chữ nhật, các cạnh và góc còn được làm nhẵn, một số thầy phong thủy nhận xét rằng điều này là để tránh sự “sắc bén” va chạm với Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc. Ngoài ra, toàn bộ kính bao quanh Cheung Kong Center đều là kính chống đạn để “đóng chặt” và “ngăn cản” tổn hại từ bên ngoài. Tòa nhà này giống như một pháo đài bằng sắt và thép.

Chiều cao 283 mét của Cheung Kong Center cũng rất đặc biệt. Bản thân ông Lý Gia Thành cũng từng nói: “Tôi đã làm theo gợi ý của thầy phong thủy của mình rằng Cheung Kong Center nên cao hơn Trụ sở chính của HSBC (179 mét) ở bên này, nhưng thấp hơn Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc (367 mét) ở phía bên kia. Nếu vẽ một đường chéo từ điểm cao nhất của Ngân hàng Trung Quốc tới điểm cao nhất của HSBC, tòa nhà Cheung Kong Center sẽ nằm ở dưới đường chéo này”. Theo cách giải thích của thầy phong thủy, làm như vậy để tránh giao điểm của con dao và nòng súng.

Quả nhiên, sau khi Cheung Kong Center xây dựng xong, nó đã không bị ảnh hưởng bởi các tòa nhà ở cả hai bên. Và sự nghiệp của Lý Gia Thành cũng cực kỳ hưng thịnh. Quả là mặc cho đao súng giao tranh, mình ta dạo chơi trong sân nhà.

Đọc tới đây, có thể có người sẽ nghĩ, thầy phong thủy tài như vậy? Hôm nào đó tôi cũng tìm thầy phong thủy tính toán cho tôi. Nhưng ngày nay để tìm được một cao nhân chân chính thì không phải chuyện dễ, nếu gặp phải kẻ lừa gạt thì đúng là tự chuốc lấy rắc rối. Vậy thì, còn cách nào khác cuộc sống sung túc hơn không? Chúng ta hãy thử nghe những lời đại sư phong thủy Trần Bá để lại.

Bí quyết của sự giàu có

Năm 2002, Trần Bá ẩn cư ở núi Thanh Thành, tỉnh Tứ Xuyên, ông bị bệnh nặng và được đưa đến Bệnh viện Dưỡng Hòa Hong Kong. Ông được ở trong phòng bệnh tốt nhất với các bác sĩ và dịch vụ tốt nhất. Lý Gia Thành cũng biết tin và đến thanh toán mọi chi phí y tế. Tuy nhiên, sau khi trải qua ba cuộc phẫu thuật, tiêu tốn hàng chục triệu đô-la Hong Kong phí y dược và chịu rất nhiều đau đớn, Trần Bá đã qua đời.

Trước khi qua đời, ông đã tiết lộ rằng lý do khiến bản thân phải trải qua ba cuộc phẫu thuật và chịu nhiều đau đớn như vậy là do đã tiết lộ quá nhiều Thiên cơ, bị Trời trừng phạt.

Vào những ngày cuối cùng của Trần Bá, có không ít người giàu có và nổi tiếng đã đến xin ông lời khuyên làm thế nào để giàu có lâu dài. Trên Internet cũng lan truyền những bí quyết làm giàu mà ông để lại, dưới đây là một số đoạn trích.

Trần Bá nói: “Làm ăn thì phải đi con đường ngay chính, đúng đắn, bản thân có gieo nhân (có phúc đức) thì thành công chỉ là vấn đề thời gian. Nếu gieo phúc dày thì duyên sẽ tự đến rất nhanh, có vội cũng không được. Đi con đường ngay chính (làm ăn đàng hoàng, có quy tắc) cũng là đang tạo phúc, làm gương tốt cho người khác học tập, loại phúc đức này còn hơn cả hàng trăm triệu. Ngàn vạn lần đừng nghĩ tới việc đi con đường bất chính, nếu không phúc phận sẽ bị tổn hại rất nhanh, trong số mệnh vốn có hàng nghìn tỷ phúc phận, nhưng đi con đường bất chính sẽ bị cắt hạ hàng tỷ phước lành, những tưởng rằng bản thân đã thành công, nhưng không ngờ rằng sau này sẽ phải chịu quả báo do làm việc ác, thực chất là được một mất mười”.

Ông cũng đề cập rằng: “Thế đạo, thói đời bây giờ rất tệ, mọi người đều không từ thủ đoạn để mưu cầu danh lợi. Vấn đề vẫn là ở chỗ không có Thánh giáo (giáo dục của bậc Thánh hiền), không còn liêm sỉ thì càng không có lòng nhân nghĩa và đạo đức. Các vị nếu muốn đời đời giữ được phú quý thì điều quan trọng nhất là phải đề xướng Thánh giáo. Ai ai cũng có liêm sỉ thì nhân họa sẽ ít đi, nhân họa ít đi thì thiên tai tự nhiên sẽ giảm bớt”.

Sau khi đại sư phong thủy Trần Bá qua đời tháng 11 năm 2003, thì đến năm 2006, Lý Gia Thành gặp một đại sư phong thủy khác là Thái Bá Lệ. Những câu chuyện truyền kỳ phong thủy của Lý Gia Thành từ năm 2006 trở đi đều liên quan đến vị đại sư phong thủy Thái Bá Lệ này.

Người xưa có câu “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy”, tức là: Thứ nhất là phúc phận, thứ nhì là vận mệnh, thứ ba là phong thủy; đồng thời cũng cho rằng “Nhà tích thiện thì của cải ắt dư thừa”.

Vì vậy, muốn phú quý an khang thì không phải chỉ bố trí phong thủy là xong, nếu trong số mệnh không có danh – lợi đó, đức của bản thân không tương xứng, thì cuối cùng cái danh – lợi đó cũng không thể bền lâu. Ví dụ, những người nổi tiếng nhờ bê bối, do làm điều bất chính thì danh tiếng đó cũng chỉ là nhất thời, hay có những quan chức thăng tiến vùn vụt nhưng vài năm sau lại ngồi tù bóc lịch. Do đó, chỉ có làm việc lương thiện, gieo trồng phúc đức thì con người mới thực sự có được “mệnh tốt”.

Nam Phương biên dịch / Nguồn: ntdvn

"KHI NẤU MÌ ĂN LIỀN BẠN CHO GÓI DẦU HAY GÓI MUỐI VÀO TRƯỚC?": RẤT NHIỀU NGƯỜI LÀM SAI BẢO SAO MÌ KÉM NGON

Thực tế cũng có nhiều người thắc mắc rằng: "Khi nấu mì nên cho gói dầu hay gói muối vào trước?". Chúng ta hãy cùng tìm lời giải đáp nhé!


Mì ăn liền (mì tôm) vốn là một trong những món đồ ăn quen thuộc, rẻ và tiện lợi. Phương pháp nấu mì ăn liền cũng nhanh gọn, chỉ mất khoảng 3 phút là có thể thưởng thức được. Với những người yêu thích mì ăn liền thì thưởng thức một tô mì cũng là một loại hưởng thụ.

Mặc dù về cơ bản ai cũng từng nấu mì ăn liền và cho rằng đó là việc "không gì dễ hơn". Chỉ cần xé lớp vỏ bọc ra, to vắt mì vào tô cùng với các loại nguyên liệu, đổ nước sôi vào và chờ 3 phút là xong. Tuy nhiên với những người sành ăn, họ sẽ luôn chú ý đến hương vị và trình tự nấu chúng. Thực tế cũng có nhiều người thắc mắc rằng: "Khi nấu mì nên cho gói dầu hay gói muối vào trước?".

Hầu hết mọi người đều thích nấu mì trước, sau đó cho gói dầu và muối vào. Bên cạnh đó họ cũng thường cho gói muối vào trước rồi mới đến gói dầu. Tuy nhiên đều này là sai và hầu như mọi người đều không biết. Bạn hãy lưu ý rằng, cũng giống như khi chúng ta nấu ăn, việc cho dầu vào trước là đúng. Hơn nữa, mì ăn liền rất dễ nấu nên bạn cần nêm gia vị trước rồi mới nấu. Làm như vậy, mì mới có thể chín đều và giữ được độ đàn hồi nhất định, khiến mì càng ngon hơn!

Cách nấu mì ăn liền ngon nhất

Bước 1: Đổ lượng nước vừa đủ vào nồi, đun sôi ở lửa lớn. Sau đó bạn cho vắt mì vào, đậy nắp rồi đun nhỏ lửa trong 10 giây, mở nắp ra dùng đũa khuấy đều mì và tiếp tục nấu trong 10 giây. Tiếp đó bạn đổ mì ra rây lọc lớn và xả mì dưới vòi nước lạnh để nguội. Phần nước vừa chần mì, bạn hãy bỏ đi.


Bước 2: Bạn đặt nồi lên bếp, cho một lượng nước thích hợp vào, đun cho tới khi nước nóng thì cho túi dầu vào trước, sau đó đổ túi rau củ vào. Khi nước sôi thì cho một lượng muối (gia vị của gói mì) thích hợp vào, nấu kỹ. Bạn hãy điều chỉnh lượng gia vị sao cho phù hợp với sở thích của bản thân, tuy nhiên cũng không nên cho quá nhiều. Sau khi nước sôi, bạn cho mì đã chần vào, rồi đun trên lửa lớn.


Bước 3: Dùng đũa khuấy mì trong khi nấu để mì thấm hương vị đồng đều hơn. Nấu mì cho đến khi mì mềm và hơi trong thì vớt mì ra tô. Nếu bạn muốn ăn mì cùng trứng gà hoặc thịt, tôm... thì hãy chế biến riêng rồi thêm vào. Lời khuyên cho bạn là tốt nhất hãy ăn mì cùng khoảng 150-200g rau xanh (rau cải, giá đỗ, súp lơ...). Bạn hãy cho rau xanh vào trước khi cho mì. Thêm rau xanh vào khi ăn cùng mì ăn liền sẽ giúp phần lớn các chất béo có trong mì sẽ được đảo thải theo rau ra ngoài cơ thể sau khi tiêu thụ. Sau khi cho mì và các nguyên liệu ăn kèm vào tô, bạn thêm phần nước vào là có thể thưởng thức,


Trên đây là cách nấu mì ăn liền chuẩn ngon mà bạn có thể áp dụng!

Huệ Lan / Theo: soha

Thursday, April 25, 2024

8 DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN ĐANG CỰC KỲ TỰ TI, THIẾU CẢM GIÁC AN TOÀN VÀ HAY LO LẮNG THÁI QUÁ

Nếu không sửa đổi ngay, cuộc đời của bạn sẽ mang một màu xám xịt cho mà xem.


Trên thế giới này luôn tồn tại một kiểu người lúc nào cũng cảm thấy lo sợ, rụt rè trước mọi thứ. Họ cảm thấy chùn bước ngay cả khi chưa bắt đầu. Họ tự ti và xem nhẹ chính mình. Họ cố gồng mình lên, đeo cho mình một lớp mặt nạ khác dù thực tâm không hề nghĩ thế. Họ gọi nôm na chính là tuýp người thiếu cảm giác an toàn, với chính mình và với cả thế giới.

Bạn cần nhớ một điều rằng các hành vi lo lắng hay thiếu an toàn thái quá này không hề tốt chút nào, nó sẽ khiến cuộc sống của bạn mệt mỏi và trì trệ. Nếu không thể đề cao sự tự tin, bạn có thể sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Rất may là vẫn có những dấu hiệu giúp bạn phát hiện chính mình có rơi vào tình trạng cảm thấy chưa đủ an toàn, an tâm hay không để kịp thời sửa đổi.

1. Bạn cố tỏ ra tích cực một cách thái quá và miễn cưỡng


Thể hiện sự tích cực ra bên ngoài là điều tốt thôi nhưng có đôi khi, có những người lại chọn giấu những cảm xúc tồi tệ của mình sau nụ cười. Họ coi đây như một cách để trốn tránh mọi thứ. Giống như khi bạn gọi cho bạn mình vì biết nó đã có một ngày tồi tệ, nếu nó đủ tự tin, nó sẽ mạnh dạn kể về những chuyện mình đã gặp. Còn không, nó sẽ cố tập trung vào những việc tốt đã xảy ra và ngó lơ các vấn đề dù có thể chúng chưa hề được giải quyết

2. Bạn luôn muốn mình phải làm tốt nhất, đòi hỏi những kết quả hoàn hảo nhất


Có thể bạn không biết nhưng sự cầu toàn có đôi khi cũng là kết quả của tật tự ti. Một người không bao giờ hài lòng với chính mình rất khó chấp nhận kết quả họ làm ra, và có thể họ sẽ mắc kẹt với nó trong một khoảng thời gian dài

3. Bạn không thích nhận những lời nhận xét, đánh giá


Khi bạn thiếu cảm giác an toàn, nếu một ai đó nhận xét, feedback lại những gì bạn đã làm, bạn sẽ nghĩ họ đang cố tình nhằm vào bạn. Và vậy là những lời nhận xét dù rất chân thành vẫn có thể bị từ chối.

4. Bạn bị ám ảnh với việc phải chia sẻ những thành tựu mình làm được hay những gì mình sở hữu


Sự chia sẻ là một cách giúp kết nối mọi người với nhau dễ hơn. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bạn buộc phải cố gắng show ra những gì mình đã làm tốt nhất, bởi lẽ những người thân thiết với bạn sẽ yêu mến bạn vì mọi lý do: các cảm xúc thất thường của bạn, gu thời trang, sở thích...

5. Bạn không thể nói "Không"


Kiểu người tự ti thường rất khó nói lời từ chối. Vì thiếu cảm giác an toàn nên họ luôn cố gắng làm hài lòng tất cả với hy vọng sẽ được công nhận, được yêu quý và đó là lý do họ sẽ không bao giờ nói "Không" mỗi khi được nhờ vả hay xin xỏ

6. Bạn cần tái xác nhận một thứ nhiều lần để có thể an tâm nhất


Những người thiếu tự tin luôn yêu cầu đi yêu cầu lại sự hỗ trợ, chấp nhận của người khác. Ví dụ như khi họ mua một chiếc áo mới, việc họ làm ngay lập tức chính là mặc nó và chụp ảnh lại để hỏi bạn bè, người thân xem trông họ có ổn không, có nên mua không

7. Bạn thường nghĩ đến những kết quả xấu nhất


Chúng ta ai cũng có một người bạn vừa bắt đầu (thậm chí chưa bắt đầu) làm việc gì đó nhưng đã tự nghĩ ra những viễn cảnh xấu nhất để rồi bắt đầu tự buồn khổ, hoang mang. Việc suy nghĩ tiêu cực này cực kì không hay, bởi nó sẽ phá hủy hết động lực của bạn, khiến bạn chìm trong sự mệt mỏi không đáng có

8. Bạn có xu hướng đổ lỗi cho người khác


Sự phê bình có đôi khi là rất cần thiết nhưng bạn cần đảm bảo rằng mình đang không dùng sự chỉ trích, phê bình đó để khiến bản thân mình tốt hơn. Việc hạ bệ, đổ lỗi cho người khác không làm bạn trở nên hoàn hảo hơn hay giúp vấn đề được giải quyết đâu nhé!

Tranh: Brightside