Họa Sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao.
Trong những năm 30. 40 của thế kỷ 20, những nhà văn cùng thời với Nguyễn Tuân như Vũ Bằng, Thạch Lam từng nổi tiếng khi viết về ẩm thực. Nhưng chỉ đến Nguyễn Tuân, với văn phong tinh tế, kỹ càng trong hành trang viết đã đưa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao văn hóa.
Nhà văn Nguyễn Tuân là một người bạn thân thiết của Văn Cao - cha tôi. Hai người thân nhau và kính trọng nhau một cách chân tình, hơn cha tôi 13 tuổi nhưng không vì thế mà ông tỏ ra mình là người bề trên.
Tôi còn nhớ những năm tháng đầu của thập niên 60, khi đó một số văn nghệ sỹ nước nhà có liên quan vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, nhiều người bạn của cha tôi thân thiết một thời, ít đến thăm nhau. Đôi khi cha tôi lặng lẽ ngồi một mình bên li rượu trong căn gác nhỏ, nhìn trời qua ô cửa... Thi thoảng mới có một người bạn đến thăm. Thường là những người bạn cùng cảnh ngộ, trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhà ông gần nhà tôi, hai nhà cách nhau khoảng 500m nên ông thường xuyên chống ba-toong đến thăm cha tôi. Mỗi lần Nguyễn Tuân đến, bao giờ trong túi ông cũng có một ấm chè, một gói nem phùng hoặc một khoanh giò mỏng. Vào cái thời bao cấp đó, mọi sinh hoạt đều phải mua bằng tem phiếu, nên những thứ ông mang đến tuy ít ỏi nhưng thật ý nghĩa.
Ngày hôm đó, tôi đang chuẩn bị đi học thì Nguyễn Tuân đến. Buông mình xuống chiếc ghế mây, nhìn cha tôi qua đôi mục kỉnh, ánh mắt hóm hỉnh, ông hỏi cha tôi:
- Ăn uống gì chưa?
Cha tôi khẽ cười:
- Bà ấy đi mua quà sáng cho tôi từ sớm đến giờ đã thấy về đâu. Trông anh hôm nay có vẻ tươi hơn mọi hôm, vừa đi đâu về hả.
- Tớ vừa qua Hội Nhà văn, rồi đến đây.
Thấy tôi thập thò bên giá sách, Nguyễn Tuân hất hàm:
- Mang cho bác cái đĩa và con dao bài ra đây.
Buổi gặp gỡ của họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái), nhà văn Nguyễn Tuân (giữa) và nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu khoảng năm 1985 - 1986 tại nhà riêng của Nguyễn Tuân ở ngõ Vạn Kiếp (Hoàn Kiếm)
Tôi vội vào bếp lấy con dao và cái đĩa mang ra. Nhà văn Nguyễn Tuân móc trong túi ra một gói giấy được buộc cẩn thận, ở trong là một khoanh giò lụa mỏng cỡ 1 centimet. Nhà văn thong thả lấy khoanh giò đặt vào trong đĩa. Ông cẩn thận cầm dao cắt chia khoanh giò ra thành 12 miếng hình tam giác nhỏ bằng một đốt tay. Cha tôi với tay lấy cút rượu trên giá sách rót ra hai ly nhỏ. Nhà văn Nguyễn Tuân cầm ly rượu lên nói:
- Tớ mua của bà bán bánh giò người làng Ước Lễ ở ngõ Cấm Chỉ đấy. Mình là khách quen nên mới mua được khoanh giò chui này. Khổ thân bà cụ vừa bán vừa nhìn quanh trông chừng mấy tay thương nghiệp, không cẩn thận bị bắt là mất toi cả vốn lẫn lãi. Mua một miếng giò mà cả người mua lẫn kẻ bán mắt trước mắt sau như là buôn bạc giả.
Tôi xách cặp ra, miệng thì chào cha tôi và nhà văn Nguyễn Tuân, nhưng mắt lại hau háu nhìn đĩa giò lụa một cách thèm thuồng, nước dãi ứa ra. Nhà văn Nguyễn Tuân nhìn tôi ánh mắt hóm hỉnh qua đôi mục kỉnh, ông lấy cái tăm cắm vào một miếng giò lụa đưa cho tôi:
- Đây bác cho một miếng.
Cầm cái tăm có miếng giò bằng đốt tay tôi đút vội vào mồm, chưa kịp nhai, miếng giò đã trôi tuột qua cuống họng xuống dạ dày mà không kịp biết mùi vị của nó thế nào...
Mỗi lần đến nhà tôi, nhà văn Nguyễn Tuân thường xách theo chiếc túi, trong đó luôn có một tờ báo và một cuốn sách bằng tiếng Pháp. Ông ngồi đọc sách hoặc báo, mồm ngậm chiếc tẩu thuốc lá to, khói thuốc thơm tỏa ngát cả căn phòng. Cha tôi ngồi trầm ngâm bên ly rượu. Thỉnh thoảng tôi mới thấy họ trao đổi với nhau đôi câu. Thường là bàn về những vấn đề văn chương, nghệ thuật...
Hai người cứ ngồi với nhau như thế cả buổi khiến tôi không hiểu nổi. Mãi sau này khi đọc bài thơ của cha tôi viết tặng nhà văn Nguyễn Tuân, tôi mới cảm nhận được tình bạn chân thành của họ. Bài thơ với tựa đề “Đôi bạn”:
“Chúng tôi hai người
Thường gặp nhau hàng ngày
Buổi sáng trên một cái bàn
Thuộc từng lớp bụi
Một căn phòng không bao giờ dọn dẹp
Những đồ vật càng cũ nát hàng ngày
Chúng tôi nói như không nói
Im lặng nói nhiều hơn
Không ai nghe chuyện riêng của nhau
Mắt anh và mắt tôi
Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi
Như tơ nhện trong không gian đầy nước
Phủ các đồ vật cũ/ Phủ lên cả chúng ta
Đến lúc không còn trông thấy nhau nữa
Chúng tôi hai người
Một bóng”.
Tôi đi học về vẫn thấy nhà văn Nguyễn Tuân mồm ngậm tẩu, ngồi đọc sách trên chiếc ghế mây. Cha tôi ngồi trầm ngâm bên chai rượu đã cạn khô. Đĩa giò vẫn còn gần như nguyên. Hai cái tăm cắm vào hai miếng giò của hai người mới khuyết đi một mẩu nhỏ như bị chuột nhấm.
Thấy tôi về, nhà văn Nguyễn Tuân gấp sách bỏ vào túi rồi ông nhón cho tôi một miếng giò. Tôi há mồm, miếng giò chui tọt qua cái miệng rồi biến mất không để lại một chút gì trên bộ răng. Bắt tay cha tôi, ông buông một tiếng:
- Tớ về!
Tôi nhìn đĩa giò mới khuyết đi 2 miếng mà tôi đã nuốt chửng, vẫn còn lại 10 miếng. Tôi thắc mắc hỏi cha tôi:
- Có mỗi một khoanh giò mỏng dính mà sao suốt từ sáng tới giờ bố và bác vẫn không nhấm hết?
Cha tôi cười:
- Bố với bác ngồi với nhau chuyện trò là chính, “nhắm nhau” là đủ rồi. Khoanh giò này chỉ để trang điểm cho cái bàn rượu đỡ cô đơn mà thôi. Bố và bác nhấm hết thì tí nữa anh em chúng mày lấy gì mà ăn cơm.
Vào cái thời đó, đất nước đang có chiến tranh, mọi người dân đều phải sống bằng tem phiếu, chỉ những ngày giỗ hoặc những ngày tết mới được ăn một miếng giò. Đó là một món ăn xa xỉ được coi là của giới nhà giàu, của bọn tư sản bóc lột. Lũ trẻ chúng tôi lúc đó chỉ mong nhà mình luôn có giỗ để được ăn một bữa cỗ no nê có giò chả. Chả bù cho bây giờ, cỗ bàn bày ra, khoanh giò dày đến năm phân cắn ngập răng mà mọi người không ai ăn cho.
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn với văn phong độc đáo, tinh tế và cầu kỳ. Trong lĩnh vực ẩm thực ông là một người có tiếng sành ăn, sành uống, đàm đạo về lĩnh vực này có thể nói không ai bằng ông. Viết về ẩm thực không nhiều như Thạch Lam, Vũ Bằng... nhưng những áng văn của ông đã đưa những món ăn của Việt Nam lên tầm cao của văn hóa ẩm thực mà người đời đâu mấy người đã hiểu được hết cái hay, cái đẹp, cái tinh tế tạo nên hương vị đặc trưng trong từng món ăn.
Có thể kể một vài tùy bút của Nguyễn Tuân như: “Phở” (1957); “Cốm” (1973); “Giò lụa” (1973), đã gây ra một cơn “địa chấn” vào thời gian đó. Bạn đọc khắp nơi đón nhận món ăn tinh thần đó của Nguyễn Tuân, nó khiến cho những người chưa được ăn phở, ăn giò bao giờ phải quyết tìm ăn cho được để biết cái vị ngon của nó ra làm sao. Còn những người đã thường xuyên ăn thì lại càng thấm thía hơn, hiểu hơn, cái món ngon độc đáo chỉ Việt Nam mới có.
Tuy nhiên vào thời đó đất nước đang có chiến tranh, đời sống thiếu thốn, gạo không đủ ăn, phải độn ngô, độn sắn, độn bo bo, thịt cá càng khan hiếm, lấy đâu ra gạo để làm bánh phở, lấy đâu ra thịt để làm giò chả. Mọi người đều sống bằng tem phiếu do nhà nước quản lý, vậy mà Nguyễn Tuân lại bàn đến cái ngon của phở, của giò lụa để mọi người phải “nuốt nước bọt”... thế là một vị lãnh đạo văn nghệ thời đó liền chỉ thị mồm cho cấp dưới “ra đòn”. Nguyễn Tuân lập tức bị một trận đòn bút “lên bờ xuống ruộng”.
Nguyễn Tuân gặp cha tôi, ông cười, cặp kính gọng đồi mồi trễ xuống trên cái mũi to đùng của ông rung lên:
- Cái nghề của chúng mình vừa bị vạ mồm lại vừa bị vạ bút...
Văn Thao
(trích hồi ức “Văn Cao đời và nghiệp”)
No comments:
Post a Comment