Tuesday, November 30, 2021

VÌ SAO BẠN LUÔN DỄ NỔI NÓNG, KHÔNG THỂ NHẪN VỚI NGƯỜI THÂN CỦA MÌNH?

Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng rất cần được trân quý, vậy bạn đã thực sự trân trọng những mối quan hệ trong gia đình mình?


Con người sinh ra, lớn lên đều gắn bó với ngôi nhà và những người thân yêu trong gia đình mình. Gia đình là bến đỗ bình yên, là nơi che chắn sóng gió trong cuộc đời. Những người thân luôn sẵn sàng ở bên khi chúng ta mệt mỏi muốn nghỉ ngơi giữa dòng đời náo nhiệt hay gặp cảnh tai ương. Nhưng kỳ lạ là, lẽ ra cần trân trọng hơn mái ấm đó, cảm ơn những người thân yêu của mình thì không ít người lại thường vô tình hay cố ý làm tổn thương họ nhiều nhất.

Quý ông “thóc đãi gà rừng”, người dưng thì quý, người nhà thì ky

Nhà Vũ ở cạnh nhà tôi, thi thoảng tôi lại nghe thấy hai vợ chồng cậu tiếng bấc tiếng chì eo xèo trong căn nhà nhỏ. Trong giới bạn bè Vũ được coi là một người hào phóng, hết lòng vì bạn bè. Vũ cũng vô cùng tự hào với cái mác “sống thoáng” mà bạn bè dành tặng cho mình.

Hễ có tiền là Vũ “dựng lều ở trọ” ngay ở quán bia trước cổng làng. Gặp ai Vũ cũng xởi lởi mời vào làm cốc bia, hút điếu thuốc, và nhất quyết giành trả tiền. Vũ cảm thấy đó là cách thể hiện “bản lĩnh đàn ông của mình”. Những ông bạn “thân tình” của Vũ cũng thường vây quanh phỉnh nịnh Vũ. Vũ lại càng phổng mũi và hễ có tiền trong túi là Vũ lại a lô cho đám bạn của mình ra ngoài nhậu nhẹt.

Vũ có tiếng là “thảo” với bạn bè bao nhiêu, thì ở nhà lại “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” với vợ con bấy nhiêu. Nói chuyện với bạn bè thì Vũ hỉ hả ra mặt. Nhưng đặt chân về đến nhà là Vũ sầm mặt lại, cả ngày cạy răng cũng chẳng nói lấy vài lời. Vợ con Vũ sợ Vũ một phép. Ba mẹ con đang đùa ríu rít trong nhà mà nghe thấy tiếng bước chân Vũ bước vào là ai nấy đều lặng thinh, nín thở. Chỉ e chẳng may lỡ lời nói điều gì phật ý Vũ thì cả ngày hôm ấy “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng rất cần được trân quý, vậy bạn đã thực sự trân trọng những mối quan hệ trong gia đình mình? (Ảnh minh họa: shutterstock.com)

Vợ Vũ là một cô thôn nữ thật thà, chất phác, hay lam hay làm. Nhiều lần không chịu nổi cảnh chồng khi thì ghẻ lạnh, lúc lại nổi cơn thịnh nộ mắng mỏ, oán trách, so bì vợ người vợ ta, cô đã vài lần đưa đơn ly hôn. Đứng trước lá đơn xin ly hôn Vũ thoáng sợ hãi, không có vợ ai là người ngày 2 bữa cơm canh, lo liệu việc nhà. Vũ lại thề thốt, hứa hẹn, van nài vợ mình thương hai con mà nghĩ lại. Nhưng chẳng bao lâu thì đâu lại vào đó, Vũ lại trở về với con người lười nhác, cộc cằn, lạnh lùng ngày xưa.

Nhiều khi nghĩ đến số phận mình cô tự thấy cám cảnh thương thân. Nhưng nhìn hai đứa con thơ còn nhỏ dại, cô lại nén lòng, từ bỏ ý định ly hôn, chỉ mong hai đứa trẻ có thể trưởng thành một cách bình yên dưới mái nhà này. Cô thầm nghĩ âu cũng là cái số, chắc kiếp trước mình bạc đãi người ta, nên đời này thành vợ thành chồng mà trả nợ cho Vũ.

Cô đồng nghiệp dịu dàng ở công ty lại thường cáu bẳn với mẹ

Trong mắt mọi người Trang là một cô gái khá xinh xắn và nhã nhặn. Cô bạn đồng nghiệp làm cùng với cô suốt mấy năm trời, nhưng chưa một lần thấy Trang nhíu mày khó chịu với ai. Ngay cả khi bị người khác xét nét, chê trách Trang cũng chỉ lặng thinh và tự nhận lỗi về mình.

Thế nhưng khi ở nhà Trang như một người hoàn toàn khác. Cô rất dễ nổi nóng với mẹ mình. Mỗi lần Tết đến xuân về Trang lại về quê giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị sắm Tết. Hai mẹ con chỉ có thể trò chuyện vui vẻ dăm ba câu. Vì bất đồng quan điểm, Trang thường không thể kiềm chế nổi cơn nóng giận mà cãi lại mẹ vài câu. Đôi khi tình hình căng thẳng Trang hờn dỗi, cả ngày không buồn nói năng gì với mẹ.

Còn nhớ, hồi Trang học lớp 8 không biết Trang làm gì trái ý mẹ mà bị mẹ mắng té tát ngay trước mặt mọi người. Trang tự ái, không nói năng gì với mẹ suốt mấy ngày trời. Cuối tuần anh trai đi học xa, về nhà thấy cảnh cửa nhà lạnh ngắt cũng phải rơi nước mắt. Anh nghẹn ngào nói với Trang rằng: “Anh đi học ở xa nhưng trong lòng anh luôn nhớ về những người trong gia đình mình. Anh chẳng mong gì hơn là gia đình hòa thuận êm ấm. Em là con gái, sao em lại không chịu nhịn mẹ vài câu? Để nuôi hai anh em mình mẹ cũng phải vất vả lắm rồi, nên đôi khi nóng giận không kiềm chế được mà mắng mỏ em trước mặt người khác thì em hãy thông cảm cho mẹ”.

Trang yên lặng nhìn anh không nói câu nào. Trang cũng rất thương mẹ sớm khuya vất vả, nửa đêm nửa hôm, không quản trời nắng hay mưa cũng cặm cụi làm đồng làm bãi, đi chợ bán rau dưa củ quả nuôi hai anh em ăn học. Nhưng không hiểu sao khi lòng tự tôn của Trang bị động tới, Trang lại không kịp nhớ đến những vất vả, lo toan của mẹ, mà cứ làm theo phản xạ tự nhiên là hờn dỗi. Vậy nên mặc dù hai mẹ con vô cùng yêu thương nhau nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao.

Mặc dù hai mẹ con vô cùng yêu thương nhau nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Mâu thuẫn với người nhà không thể giải quyết được sao?

Thông thường chúng ta không dám yêu cầu người ngoài làm gì cho mình. Bởi lẽ họ không có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu của chúng ta. Nhưng chúng ta lại thường đòi hỏi sự quan tâm, thấu hiểu từ người nhà.

Khi chán nản thất vọng, chúng ta lại sẵn sàng làm tổn thương chính mình hay người nhà để trừng phạt họ. Vậy nên khi mâu thuẫn xảy ra trong tâm chúng ta thầm nghĩ: “Người nhà chẳng bao giờ hiểu mình cả”. Chúng ta có thể nhẫn nhịn trước người ngoài nhưng lại mất khả năng kiểm soát cảm xúc trước những người thân.

Dẫu người gây ra sai lầm là mình, chúng ta vẫn khó có thể vượt qua tự ngã quá lớn của bản thân để hạ mình nói lời xin lỗi. Dường như nói lời xin lỗi là điều gì đó thật mất mặt: “Mình phải xin lỗi ư? Thôi vậy, dẫu sao thì ngày tháng còn dài, sau này mình chú ý một chút là được”.

Kỳ thực, “Vạn sự tại tâm”, chìa khóa cho mọi vấn đề vẫn là sự tu dưỡng tâm tính của mỗi cá nhân. Hãy tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính. Bạn sẽ phát hiện ra tâm mình đang hướng thiện, biết yêu mến và trân trọng hơn hết thảy con người và vạn vật xung quanh.

Trước mặt người nhà là cái tôi chân thực của bạn

Những người hiếu thuận với mẹ cha, yêu thương, đùm bọc anh em, biết trân quý mối nhân duyên vợ chồng, con cái ắt là người biết giúp đỡ, chia sẻ, chở che và khích lệ người khác. (Ảnh minh họa: giadinh.net)

Người nhà cùng chung sống với nhau suốt thời gian dài. Vậy nên hết thảy những ưu khuyết điểm của chúng ta chẳng thể thoát khỏi ánh mắt của người thân. Nhiều người vì vậy mà thỏa sức bộc lộ bản tính của mình không buồn ước chế.

Một người thường tức giận trước mặt người nhà, nhất định sẽ khó có thể kiềm chế cơn nóng giận với người khác. Một người thờ ơ, lạnh nhạt với người nhà cũng khó lòng quan tâm, săn sóc tới người khác. Những người đối diện với sự quan tâm của người khác mà coi là điều đương nhiên thì trong cuộc sống chắc chắn họ là một kẻ vô ơn.

Ngược lại, những người hiếu thuận với mẹ cha, yêu thương, đùm bọc anh em, biết trân quý mối nhân duyên vợ chồng, con cái ắt là người biết giúp đỡ, chia sẻ, chở che và khích lệ người khác.

Người thân vĩnh viễn là bến đỗ bình yên, chẳng thể cách xa!

Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai”. Người thân cuối cùng vẫn là những người thân thiết nhất. Dẫu là anh hùng kiệt xuất, danh tiếng lẫy lừng hay kẻ thường dân áo vải vô danh thì đến thời khắc cuối cùng họ vẫn sẽ quay trở về bên cạnh người thân.

Khi đối diện với sóng gió cuộc đời, khi mọi người đều quay lưng lại với bạn thì người cuối cùng đứng bên cạnh an ủi bạn vẫn là người thân. Người thân là một nửa cuộc đời của bạn, xin hãy trân quý!

Người thân là một nửa cuộc đời của bạn, xin hãy trân quý!. (Ảnh minh họa: 2sao.vn)

Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng!”. Kiếp này được sống chung một nhà ắt hẳn duyên này đã gieo từ kiếp trước. Người thân có thể là thiện duyện đến báo đáp ân tình xưa kia, cũng có thể là ác duyên đến đòi lại món nợ từ kiếp trước. Nếu là thiện duyên thì hãy tận hưởng niềm vui cuộc sống quây quần bên gia đình. Nếu là ác duyên thì hãy dũng cảm gánh vác và nhẫn nhịn để ân oán sớm được thiện giải và tương lai hạnh phúc hơn.

Trong mỗi người đều luôn tồn tại cả mặt tốt và mặt xấu. Muốn làm được điều này mỗi người cần tu tâm dưỡng tính, khiến ưu điểm ngày càng nhiều hơn, nhược điểm ngày càng ít hơn. Chẳng ai biết kiếp sau liệu còn có duyên sống chung một nhà hay không? Người thân đời này đến để giúp chúng ta nhận ra thiếu sót từ đó hoàn thiện mình. Cớ chi không cảm ơn họ mà trân trọng hơn mối nhân duyên này.

Hiểu Mai

CÂU CHUYỆN CHÈ THƯNG


Chè thưng coi ngọt ngào vậy mà lại là món “khó ăn” nhứt cho tôi, trước do cái tên bí hiểm, sau vì quá khứ đầy bí ẩn của nó. Sau hơn hai tháng ăn không ngon ngủ không yên, nhờ anh Google và các vị tiền bối, thêm chút máu trinh thám, tôi cuối cùng cũng hoàn tất một câu chuyện tương đối hợp lý để trình làng.

Nghĩ tới chè Sài Gòn, tôi nhớ ngay đến câu rao hàng dài nhứt, tha thiết và mùi mẫn nhứt mà tôi từng được nghe:

“Ai ăn chè bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát…hôn…”

Thực ra vào thập niên 1980 và 1990 thưở tôi ở Sài Gòn, tiếng rao này đã vắng đi nhiều. Và khi bước sang thế kỷ 21, tiếng rao này không còn nữa. Cũng không thấy ai bán món chè có bột khoai – bún tàu – nước dừa nữa. Đó là lý do tôi chọn tiếng rao này để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm một món chè xưa đã mất (?) của Sài Gòn.

Nhờ anh Google và thùng sách quý giấu đầu giường, tôi khám phá ra bí ẩn đầu tiên: tên gốc ngắn gọn của món chè này chính là chè tào/ tàu thưng. Xin hầu quý vị vài câu chuyện từ các bậc tiền bối để chứng minh cho sự liên hệ giữa tiếng rao trên và cái tên này.


Trên trang nhà của Giáo sư Trần văn Khê, ông tả lại một buổi đi thuyền trên sông Sầm Giang với hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận vào năm 1939. Thuyền đi từ Vĩnh Kim ra Rạch Gầm.

“Đáp lời mời của thi sĩ Khổng Nghi, hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Huy Cận đến Sầm Giang để cùng chúng tôi thưởng thức một đêm trăng trên sông, có nhạc, có thơ, có người đẹp và có cả những thức ăn đặc sản. Đêm đó có cháo gà xé phay, tráng miệng ngoài trái cây còn có món “tào thưng” (chè thưng gồm có bột khoai, bún tàu, nước dừa, đường cát)… Chén “tào thưng” làm cho hai thi sĩ Miền Bắc tấm tắc khen ngon.” Sau này gặp lại, nhà thơ Xuân Diệu vẫn nhớ buổi du thuyền đêm đó và viết tặng Giáo sư một bài thơ, trong đó có câu:

Dưới trăng, mời chén tào thưng,
Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua
.” (1)

Trong khi đó ở Sài Gòn, nhà văn Minh Hương kể về tiếng rao hàng làm ông day dứt những đêm cô đơn trong tù (ông bị tù khoảng năm 1945-1954): “…khi thấy nửa vành trăng khuyết treo lơ lửng trên ngọn cây sao, cây dầu. Rồi có tiếng rao lảnh lót ngân vang ngoài đường “Ai ăn chè đậu xanh… bột báng… nước dừa… đường cát không?” (2)

Minh Hương cũng nhớ “những câu rao hàng rất dài trong đêm vắng” ở đất Sài Gòn những năm sau đó: “Hò …hò…ai ăn chè đậu xanh, bột báng, nấm mèo, bột khoai, đường cát, nước dừa …không?” (3)

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong bài “Thơm bàn tay nhỏ…” viết về hàng rong Sài Gòn, cũng nhắc tới tiếng rao này: “Ngày xưa khi Sài Gòn còn vắng, trưa nào cũng nghe tiếng rao lãnh lót ai bột khoai nước dừa bún tàu đường cát … hôn? Phải nói nghe riết thành ghiền. Trưa nào không nghe cũng cảm thấy bứt rứt không biết hôm nay chị bán chè tàu thưng đó có đau ốm gì chăng? “ (4)

Câu rao này còn rất có duyên với âm nhạc và thơ ca. Nhạc sĩ Thu An viết bài vọng cổ “Gánh chè khuya” sau khi cám cảnh cô gái nghèo mười lăm tuổi đi bán chè nuôi mẹ già. Danh ca Út Trà Ôn và Út Bạch Lan ca bài này hay hết chỗ chê, nhứt là giọng cô Út Bạch Lan rao câu “mở hàng” đến động lòng:“Ai ăn chè bột khoai bún tàu đậu xanh nước dừa đường cát hôn….” Văn sĩ kiêm thi sĩ Trúc Giang hồi năm 1950 có viết truyện thơ “Cô Sáu tào thưng”. Trong đó, tên tào thưng đã rút gọn lại thành “chè thưng”: “Em đi bán chè thưng. Nặng lo chữ hiếu cho tròn”.

Như vậy, chè bột khoai – bún tàu – nước dừa – đường cát, sau đó thêm đậu xanh – bột báng, có tên cúng cơm là tào/tàu thưng, rồi gọi rút gọn là chè thưng. Tới đây tôi tự hỏi: sao lại là tào/tàu thưng mà không phải một cái tên tiếng Việt?


Cụ Sơn Nam, khi nhắc đến các món ăn Nam bộ, đã nhân tiện giải thích cho tôi hai chữ tào/tàu thưng: “Nên kể thêm các loại chè, như chè khoai môn nước cốt dừa, chè hột sen, chè đậu xanh đường cát (gọi tàu thưng, đậu và đường, tiếng Quảng đông âm lại)” (5) Tôi vỡ lẽ: tào thưng hay tàu thưng, cũng có chữ tào/ tàu như trong tào phớ, hay tào/tàu hủ. Tào/tàu là đậu, và theo cụ Sơn Nam, thưng là đường. Nhưng chè đậu xanh chính cống của người Hoa chỉ có đậu xanh, không có bột khoai – bún tàu – nước dừa nên tôi lại đi tìm tiếp, nhứt là cái vụ bún tàu trong chè nghe nó kỳ kỳ.

Tôi viết email xin Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích cho hai chữ bún tàu trong chè thưng. Bác sĩ trả lời: “Con chịu khó nghe bài vọng cổ này của Út Trà Ôn nhé, trong đó có tiếng rao ngọt ngào của cô gái bán chè Tàu Thưng. Bác còn thiếu ”đậu xanh” nữa mới đầy đủ con ạ. Hình như cái gọi là ”bún tàu” trong chè ở đây không phải “miến” đâu. Nó to bản hơn, dai hơn, rời rạc chớ không cuộn thành tổ như tổ chim đâu. Hồi nhỏ bác cũng hay… ăn chè nên nhớ mang máng đó con ạ!” Tôi đoán cái Bác Ngọc tả là bột khoai, vậy lúc Bác Ngọc ăn chè (chắc khoảng những năm 60 khi Bác vào Sài Gòn học Y khoa), bún tàu đã…không còn trong chè thưng nữa. Vì sao tiếng rao vẫn còn “bún tàu” như xưa?

Giây phút “A ha!” xảy ra bất ngờ khi tôi đọc “Những bước lang thang” của nhà văn Bình-nguyên Lộc, một cây bút kỳ cựu của Sài Gòn xưa. Cụ Lộc, thua cụ Vương Hồng Sển một giáp và hơn cụ Sơn Nam cũng đúng một giáp, sống hơn 45 năm ở Sài gòn từ đầu những năm 1930. Trong tập “Những bước lang thang”, xuất bản lần đầu vào năm 1966, cụ Lộc tả món “bột khoai” bán rong trên thuyền trong bài “Quà đêm trên sông Ông Lãnh”: “Đó là thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món ăn dùng để nấu thức ăn mặn như là bún tàu (miến), nấm mèo (mộc nhĩ), vân vân…Đặc biệt nữa là khi rao quà, họ kể hết các món ấy ra: Ai…ăn bột khoai, bún tàu…đậu xanh, nước dừa, đường cát…hôn?” (6)

Tôi nghi cụ Lộc ở nhà thường xuyên nấu ăn, vì chỉ có cụ mới có cái nhận xét rất nghề của người hay nấu ăn là có những món mặn trong cái món chè vốn ngọt này. Cụ thật sự “gãi đúng chỗ ngứa” cho tôi khi xác nhận có bún tàu (miến) trong món chè này. Cái tinh tế thứ hai của cụ là nhận xét của một người quan sát bén nhạy: chè này đặc biệt vì khi rao, người bán kể hết các thức có trong chè ra, chứ không rao gói gọn. Cái tinh tế thứ ba, liên tưởng của một nhà văn hóa, rằng đây là món tượng trưng cho “hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới từ ba trăm năm nay”. Cụ dùng từ vô cùng chính xác: “hỗn hợp” vì là sự kết hợp giữa nguyên liệu của nhiều tộc dân khác nhau cư trú trên đất Sài Gòn – Gia Định khi đó, còn “hỗn độn” vì có nhiều thứ mặn ngọt xen lẫn. Có lẽ, chỉ có dân khai hoang mới dám thử và chế ra một món chè bạo gan như vậy!


Nhưng bạn có để ý không, cụ Lộc không gọi chè thưng mà gọi là món bột khoai. Một người kỹ tính, tinh tế như cụ chắc không gọi bừa tên một món ăn mà cụ nhắc tới với giọng điệu trân trọng như vậy. Cụ làm tôi phải giật mình: hóa ra ngoài cái tên chè thưng, món chè này còn có một cái tên Việt dễ thương chất phác như vậy – chè bột khoai.

Tôi bèn lôi sách ra tìm lần nữa. Theo các tác giả cuốn “Từ điển văn hóa ẩm thực Việt Nam”, chè thưng có dạng đặc mà chè bột khoai là dạng lỏng. Cả hai đều có đậu xanh và nước dừa, ngoài ra chè thưng có hạt sen – mộc nhĩ còn chè bột khoai có bột khoai – bột báng – đậu phụng. (7-8) Tôi nhờ anh Google tra coi bây giờ thiên hạ nấu chè thưng và chè bột khoai ra sao liền thấy xuất hiện thêm một cái tên – chè bà ba. Nhiều người giải thích một cách rất tự tin: chè thưng chính là chè bà ba. Và chè bà ba thì có thêm vô số kể các thứ mới như khoai lang, khoai mì, khoai môn…Tới đây tôi thật sự “tẩu hỏa nhập ma”: giờ biết tin ai? Trong thân tâm tôi vẫn thấy tin tưởng các vị tiền bối, các cụ đều là người đức cao trọng vọng, lời nói đáng tin. Vậy phải giải thích chuyện nguyên liệu một lần nữa “hỗn hợp” và “hỗn độn” như vầy ra sao?

Trước hết phải tìm ra xuất xứ chè bà ba. Theo Wikipedia tiếng Việt thì chè này “là món chè được chế biến lại từ chè bột khoai đường cát của bà Ba bán chè nổi tiếng ở chợ Bình Tây (thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cách đây khoảng một phần hai thế kỉ. Từ món chè bột khoai công thức chỉ có nước cốt dừa, đậu xanh cà, bột khoai, khoai lang… bà đã thêm vào đó phổ tai, táo tàu, hạt sen, mộc nhĩ… tổng cộng tất cả từ 9, 10 thứ nguyên liệu mới trong một chén chè tạo nên món chè bà ba.” Có người còn thêm cái tên bà ba là do “bởi món chè này ngon độc đáo, giống như người con gái đẹp miền Tây mặc chiếc áo bà ba mộc mạc mà hấp dẫn vô song”. Ý tưởng này nghe rất nịnh đầm nhưng sự thực chắc không nhiều lắm. Dù sao nó cũng làm tôi táy máy tra thử nguồn gốc “áo bà ba”.

Nhiều người dẫn lời nhà văn Sơn Nam rằng áo bà ba là từ áo truyền thống của người Baba – người Mã lai Hoa thay đổi mà thành. Tiếc thay, không ai nói rõ Sơn Nam viết như vậy trong cuốn sách nào của ông và trang bao nhiêu. “Trong nhà” chưa rõ, đành “ra ngõ” mà hỏi. Sách “Đông Nam Á bách khoa toàn thư” cho biết Baba Nyonya là tên nhóm hậu duệ Hoa – Mã lai (cha Hoa, mẹ Mã lai) cư ngụ nhiều nhất tại Melacca, Penang (Malaysia) và Singapore. Các gia đình thuộc tộc này đa phần khá giả và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại. Một số từ Melacca đã di cư đến Sài gòn mở các điểm chuyển tiền, cho vay và bao thầu nhiều tàu chở hàng giữa Sài Gòn và Singapore. (9)


Rồi tôi thấy món Bubur Cha-cha của người Baba Nyonya với nguyên liệu gần tương tự chè bà ba: khoai lang, khoai mì, khoai môn, bột báng, nước dừa, có khác là họ nấu với đường thốt nốt thay vì đường cát trắng. Cụ Bình-nguyên Lộc có viết trong cuốn “Lột trần Việt ngữ” rằng người Việt thời đó gọi người Mã Lai bằng một trong năm từ sau: Miền Dưới, Chà Và, Mã Lai, Bà Lai và Bà Ba. (10) Bà Ba có khả năng lớn là phiên âm của Baba Nyonya nhưng dân ta bỏ bớt chữ sau để gọi cho gọn. Dựa vào chuyện này, tôi mạnh dạn suy luận chè bà ba chính là chè của người Bà Ba do một người Hoa-Mã lai bán ở Sài Gòn. Người này có thể tên là Bà Ba, nhưng không ngẫu nhiên mà truyền thuyết nói bà này bán ở chợ Bình Tây. Đừng quên chợ Bình Tây còn được kêu là Chợ Lớn Mới do ông Quách Đàm, một thương gia người Hoa bỏ vốn xây cất vào năm 1928 và dĩ nhiên có rất nhiều người gốc Hoa buôn bán.

Rồi vì chè bột khoai, chè tào thưng và chè bà ba có nhiều nguyên liệu giống nhau, lại thêm lục tàu xá (chè sáu món của người Hoa, gồm đậu xanh, phổ tai, táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, hoa móng tay hay vỏ quýt), ngưòi Sài Gòn bắt đầu pha trộn theo khẩu vị của riêng mình. Kết quả, Sài Gòn có vô số phiên bản chè thưng và chè bà ba, còn chè bột khoai không hiểu sao ngày càng ít phổ biến.

Tới đây chắc sẽ có người cắc cớ hỏi tôi rằng sao lại đặt tên bài viết là Câu chuyện chè thưng. Xin thưa, bởi tôi nghĩ chè thưng thực sự là con đẻ của đất Sài Gòn đa văn hóa, mạnh mẽ và phóng khoáng, sẵn sàng tiếp nhận cái mới và biến nó thành đặc trưng của riêng mình. Chè thưng bây giờ, không phải là chè tào/tàu thưng ngày xưa, không hoàn toàn là chè bột khoai, cũng không là chè của người Bà Ba, mà là một món chè chính hiệu Sài Gòn. Vàng ươm khoai lang, trắng bóc khoai mì, tím hồng khoai môn, xanh non phổ tai, trong ngần bột báng, vàng nắng đậu xanh, hồng hồng đậu phụng. Mềm dẻo của khoai, dai dai phổ tai – bột khoai – bột báng, sần sật đậu phụng, mềm nhừ đậu xanh, ngọt béo nước dừa. Có món chè nào trên đời đa sắc và đa vị được như vậy không?


Tôi tin chè thưng có thể tự tin cùng bánh mì thịt, nước mắm, phở đại diện “tinh hoa ẩm thực Việt Nam” đi thi đấu trên trường thế giới. Tôi tin một ngày nào đó, đánh vào tự điển Oxford hay tự điển Ẩm thực Larousse hai chữ chè thưng, tôi sẽ vui mừng đọc thấy dòng chữ “Món chè của Việt Nam” và lịch sử đa văn hóa của chè thưng. Tôi tin ở một hội chợ ẩm thực thế giới trong tương lai, gian hàng Việt Nam sẽ có chị gái mặc áo bà ba bán chè thưng, ngồi bên đôi quang gánh cất tiếng rao:

“Ai ăn chè bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát…hôn…”

Mong lắm thay!

Minh Lê

Ghi chú:
(1) Trần văn Khê, Trên sông Sầm Giang đăng 5/6/2013, tranvankhevietnam.blogspot.com
(2) Minh Hương, Nhớ… Sài Gòn, NXB TP HCM 1994, tr. 247.
(3) Minh Hương, Nhớ… Sài Gòn, NXB TP HCM 1994, tr. 99.
(4) Đỗ Hồng Ngọc, Thơm bàn tay nhỏ…, dohongngoc.com
(5) Nhiều tác giả, Nam bộ xưa và nay, sách điện tử, tr. 387.
(6) Bình-nguyên Lộc, Những bước lang thang, sách điện tử, tr. 11-12.
(7) Huỳnh thị Dung et. al, Từ điển Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, NXB Văn Hóa Thông Tin 2001, tr. 349-350.
(8) Huỳnh thị Dung et. al, Từ điển Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, NXB Văn Hóa Thông Tin 2001, tr. 450.
(9) Ed. Ooi Keat Gin, Southeast Asia – A Historical Encyclopedia from Angkor Wat to East Timor, NXB ABC Clior 2004, tr. 199-200.
(10) Bình-nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, sách điện tử, tr. 100.


HOẢNG HỒN VỚI MÓN ẾCH CHỚP MẮT

Con ếch vẫn còn cử động trong đĩa, vậy mà họ vẫn nhai nó ngấu nghiến một cách ngon lành.


Nhật Bản từng gây sốc với món mỳ mực tươi sống 100%, giờ lại rộ lên kiểu ăn ếch sống. Người ta cắt từng miếng thịt ếch và làm sạch, rồi để bên cạnh đầu con ếch vẫn còn co giật và chớp mắt.

Một video quay lại cảnh tượng một cô gái thưởng thức món ếch sống trong một nhà hàng Nhật Bản đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Mặc dù là nữ nhi, nhưng có vẻ như thực khách này không mấy quan tâm tới cái đầu ếch vẫn còn thổn thức ngay trên đĩa, trong khi thưởng thức từng miếng thịt ếch tươi một cách ngon lành.


Con ếch được lột da khi vẫn còn sống, rồi bị cắt thành từng miếng thịt nhỏ, trong khi cái đầu vẫn được giữ nguyên để bày lên đĩa. Món thịt ếch sống chỉ đi kèm với vài loài rau thơm và mấy lát chanh.

Món ếch sống được gọi là sashimi. Trong khi con ếch vẫn còn nhìn vào vị khách một cách đáng thương, đôi mắt còn co giật, nữ khách hàng này dường như không quan tâm. Thậm chí, sau khi ăn một miếng thịt ếch sống, cô ấy còn ra hiệu như món ăn rất ngon.


Nhiều dân cư mạng cho rằng, chưa xét tới truyền thống ăn thịt sống của Nhật Bản, nhưng việc thản nhiên ăn thịt con ếch như vậy chẳng khác gì hành động tàn sát động vật. Hơn nữa, hương vị tanh nồng của loài ếch khiến nhiều người cảm thấy rùng rợn khi xem video này.

Theo ione
Link tham khảo:



ĐÀO HỒNG NHUNG

Trên đường đi chợ về, chị Mỹ Anh khá tò mò khi thấy có người bày bán lề đường loại trái cây màu đỏ thẫm, giới thiệu là đào hồng nhung. Ghé vào hỏi mua, chị bất ngờ khi loại đào này có giá đến 120.000 đồng/ký.


Chị Mỹ Anh cho biết, đây là lần đầu tiên chị nhìn thấy trái đào hồng nhung. Nghe người bán “hét” giá 120.000 đồng, khá cao nhưng vì chưa biết loại trái này mùi vị thế nào nên chị Mỹ Anh quyết định mua thử, định bụng nếu ngon thì sẽ lại mua tiếp lần sau.

“Trước khi mua mình cũng hỏi kỹ lắm. Thấy người bán khẳng định chắc nịch là ngon, mình mua hai trái hết 70.000 đồng. Đúng là nó có mùi thơm rất ngọt, để xa vài mét vẫn ngửi thấy thoang thoảng thơm”, chị Mỹ Anh cho hay.


Chị Anh đã mua khá nhiều trái cây để chuẩn bị cúng rằm tháng 7. Tuy nhiên, theo chị cho biết thì đào hồng nhung để lên mâm trái cây vừa đẹp, vừa thơm nên chị khá ưng ý.

"Giá tuy có hơi cao nhưng so với một số loại trái cây ngon khác là vẫn còn rẻ. Chưa kể ngày rằm người ta tăng giá trái cây ghê lắm. Mua được hàng lạ thế này hy vọng năm nay mình cũng sẽ gặp được nhiều may mắn”, chị Anh chia sẻ.


“Cửa hàng trái cây dã chiến” của anh T. khiến không ít người đi đường phải chú ý. Nhiều người bị thu hút bởi những trái đào có màu đỏ bắt mắt. Theo anh Tâm, đào hồng nhung anh bán có xuất xứ vùng Châu Đốc.

Trái có lớp lông tơ bao phủ bên ngoài, màu đỏ sẫm là quả đã chín, dậy mùi thơm. Trước khi ăn phải chà sạch lớp lông này, gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài.


Do số lượng cây đào loại này không có nhiều, hơn nữa trái ra cũng ít nên tầm thời gian tháng 7, 8 trong năm mới có hàng để bán. Vài ngày anh mới được người quen chuyển lên vài chục ký, bán hết lại gọi hàng chuyển từ quê lên chứ không có sẵn. Mỗi lần anh chỉ bán một mâm nhỏ, chừng vài ký nên một loáng là bán hết sạch.

“Nhiều khách mua ăn cho biết vì tôi bán vài ngày nữa là không còn hàng đâu. Trái này hiếm nên Sài Gòn có mấy ai bán đâu. Giá cao hơn mấy loại đào đang bán ở chợ là vì nó ngon hơn, ngọt hơn. Hàng độc mà...”, anh T. vui vẻ cho biết.


Chị Ngọc Lệ, ngụ quận 4 cho biết, nhà chị gần nơi bán đào hồng nhung nên chị tình cờ nhìn thấy và đã mua được một lần.


Khi bổ ra thì thịt có màu kem nhạt, hạt trông giống như trái vú sữa. Ăn vào cảm nhận có vị ngọt xen lẫn chát, mềm, dẻo.


Theo chị Lệ, loại trái này số lượng không có nhiều, lại không phải trong năm lúc nào cũng có, mua về cúng vừa đẹp lại vừa thơm. Tuy nhiên, từ lúc mua lần trước đến nay chị không còn nhìn thấy bán lại trái đào này nên cũng thấy hơi tiếc.

Khánh Vi / Theo: Phụ Nữ Online



Monday, November 29, 2021

NHÀ THỜ LÒNG SÔNG, CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CỔ Ở BÌNH ĐỊNH


Du khách từng đi du lịch nhà thờ Lòng Sông chắc không còn lạ lẫm với những dấu ấn còn lưu lại của chế độ Tây Sơn cũ hay những công trình kiến trúc Chăm Pa cổ đại như tháp Chăm hay những bức tượng thần Siva. Nhắc đến tiểu chủng viện Làng Sông, không ít du khách phương xa sẽ vẫn còn đó sự ngỡ ngàng bởi cái bóng quá lớn của những di tích nổi tiếng khác như: dấu ấn nền văn hoá Sa Huỳnh, tháp Đôi, tháp Bạc hay bảo tàng Quang Trung, thế nhưng đối với những con chiên ngoan đạo hay những giáo chúng trong khu vực thì không lạ lẫm gì nơi này.

Tổng quan quang cảnh Tiểu Chủng Viện Làng Sông (Ảnh sưu tầm)

Nhà thờ Lòng Sông là cái tên thân quen của nhân dân trong vùng đặt cho Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Nhà thờ được đặt tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, gọi là nhà thờ cũng không hẳn là chính xác, đây là tu viện dành cho tiểu chủng đến tầm đạo và tu dưỡng.

Những nét đặc trưng cho lối kiến trúc Gothic (Ảnh sưu tầm)

Được xây dựng vào năm 1864 theo lối kiến trúc cổ Gothic, với đặc trưng rõ nét nhất là những mái vòm cong nhọn, chứ không phải mái vòm cong tròn hay bán nguyệt như những công trình theo lối kiến trúc Á Đông hay kiến trúc Roman cổ.

Cổng vào đề chữ “TIỂU CHỦNG VIỆN” (ảnh sưu tầm)

Ngược dòng thời gian từ thuở xa xưa, khi những nhà truyền đạo phương Tây theo các thương nhân du nhập vào Việt Nam, từ đầm Thị Nại ngược lên sông Côn cho đến thượng nguồn con sông tại mảnh đất Quy Nhơn rồi xây dựng nên nhà thờ tại một vị trí có địa thế đẹp, cao ráo nhất vùng. Nhà thờ Lòng Sông được đặt giữa một gò đất cao, xung quanh 4 bề được đào những hào nước trong mát. Trong khuôn viên nhà thờ luôn luôn rợp bóng những cây sao xanh có tuổi đời hàng trăm năm.

Nhà thờ Lòng Sông đẹp lạ kì sau cơn mưa (Ảnh sưu tầm)

Từ đằng xa nhìn lại, nhà thờ uy nghiêm hiện lên giữa khung cảnh xanh mát mắt của cây cối, của đồng ruộng, có thể cảm nhận rõ nét nét kiến trúc Gothic hiển hiện trên những nét bên ngoài nhà thờ: những cột trụ xây chìm trong tường, được nối liền qua mỗi tầng, cấu trúc chung hình chóp, giảm dần quy mô từ dưới lên trên để trọng tâm toà nhà không rơi ra ngoài, chính điện có nhiều lối vào, đều có vòm cong tròn. Hai bên tả hữu chính điện là hai toà nhà làm nơi cư trú cho các tu sinh, được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc của Pháp.

Một bạn trẻ đang cầu nguyện (Ảnh sưu tầm)

Tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu chủng Viện mà nơi này còn có cả một cộng đồng giáo phủ của bộ phận giáo họ Đàng Trong. Trong đó, cực kì nổi bật là nhà in Làng Sông- nơi in ra những cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, do đức cha Eugene Chartbonnier Trí chủ trì khởi công, sau này, được cha Paul Maheu tiếp quản.

Nơi ở của các tu sinh (ảnh sưu tầm)

Cha Paul Maheu đã được đi khắp mọi nơi, là người đã tiếp thu công nghệ in ấn hiện đại từ Hồng Công, khi đó là một thuộc địa của Anh. Sau đó, cha đã đến Việt Nam, mang những hiểu biết của mình phục vụ cho sự nghiệp truyền đạo cũng như điều hành nhà máy in. Tuy nhiên, vì nhiều biến cố lịch sử, nhà máy in được di dời về Quy Nhơn, ngày nay đến với Làng Sông, du khách chỉ có thể thấy được chút dấu ấn và tài liệu được lưu lại từ nhà máy.

Nhà thờ Lòng Sông sau 1 lần trùng tu (Ảnh sưu tầm)

Cho dù đã trải qua được hơn trăm năm tuổi đời, du khách không hề thấy những dấu ấn của thời gian in đậm lên nét cổ kính, uy nghiêm của toà thánh. Trên phương diện tổng quan, tổ hợp kiến trúc cổ này vẫn giữ gần như nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, hơn nữa lại được sự chăm sóc nên rất gọn gàng, sạch sẽ mà hiếm có di tích cổ nào sánh được.

Bên trong chính điện (Ảnh sưu tầm)

Ngày nay, nhà thờ không còn hoạt động đúng như ban đầu nữa, hầu hết chỉ dành làm địa điểm cho khách thăm quan gần xa tới vãn cảnh và hành lễ, hoặc những ngày lễ, tết công giáo, nhân dân trong vùng tới cầu nguyện.

Nhà thờ Lòng Sông trước ngày lễ (Ảnh sưu tầm)

Đây là địa điểm tuyệt vời dành cho những bạn trẻ muốn trải nghiệm không gian cổ kính, những bức ảnh kỉ yếu độc đáo, cũng là địa điểm lý tưởng cho những cặp đôi muốn sở hữu những shoot hình đẹp lung linh cho bộ ảnh cưới

Đây là địa điểm khá lý tưởng để chụp ảnh cưới (Ảnh sưu tầm)

Nhà thờ Lòng Sông là một địa điểm du lịch ở Bình Định không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến đây. Nơi đây mang đậm ý nghĩa lịch sử văn hóa to lớn không thể phai mờ.

Luyến Nguyễn / Theo: vntrip



TỰ TÔN LÀ THỂ HIỆN BÊN NGOÀI. TỰ TIN PHẢI TỪ BÊN TRONG NỘI TÂM

Mọi người rất sợ bị người khác xem thường, vì vậy chỉ cần khi bản thân cảm thấy thấp kém hơn, liền đi chê bai hạ thấp người khác. Đó là một kiểu tâm lý bồi thường. Tự đưa mình lên cao ở trên người khác, để mà cảm thấy ưu việt hơn người ta, nhưng mà vì sao phải cần cảm thấy ưu việt? Chính là tự ti, phải không? Thì giống như đi mua về một tấm biển “cảm thấy ưu việt”, nhưng mà là cái thương hiệu ưu việt ấy đến từ lòng mặc cảm tự ti.


Người ta vì sao lại thích đi nói xấu người khác? Mỗi khi chúng ta đang chỉ trích, phê bình một ai đó, sẽ khiến bản thân cảm thấy cao hơn người ta một tầng. Điều này rất giống bơm hơi vào cái bánh xe cho căng phồng lên, khi chúng ta đang chỉ ra những khuyết điểm, những sai lầm hay tội ác của người khác, chính là ta đang tự bơm mình lên, tự đề cao chính mình, chỉ là qua không được bao lâu thì khí trong cái bánh xe ấy sẽ lại một lần tự tản mát bay đi, nguyên nhân vì nội tâm của chúng ta có cái lỗ hổng, mà vì để thổi phồng nó phình lên lần nữa thì lại một lần nữa phương hại, trọng thương người khác.

Người ta vì sao ưa thích nổi nóng? Cũng vì tự ti. Nóng giận là để có thể che giấu đi phía không có năng lực, chỉ cần nổi nóng, ai dám đụng bạn? Chỉ cần dùng lực vỗ xuống bàn, ai dám hoài nghi năng lực của bạn? Đó chính là lý do vì sao rất nhiều người thà rằng tức giận cũng không nguyện lòng nhận sai. Bởi vì để nhận sai cần có dũng khí, đó nhất định phải là người có tự tin mới có thể không nề hà gì.

Tự tôn là thể diện bên ngoài. Tự tin phải từ bên trong nội tâm. Người có lòng tự trọng thấp thường tỏ ra kiêu ngạo, tự cao tự đại, kỳ thực bên trong hư không, vô cùng yếu đuối, biểu hiện của cái vẻ tự phụ ấy chỉ là che giấu sự tự ti. Người càng tự ti càng chuộng sĩ diện, sợ mất mặt, và lại càng giỏi thổi phồng khuếch trương thanh thế.

Thường thì người mặc cảm tự ti tại phương diện nào nhất sẽ chú tâm ở phương diện ấy nhất.

Chuyện kể rằng:

Khỉ và Hồ ly đã mấy ngày liền bị nhịn đói chưa tìm được thứ gì vào bụng, trên đường đi chúng phát hiện ra một cái hang động, bên trong động có một tượng Phật và hai cái bình.

Hồ ly cầu xin tượng Phật: “Chúng con đã đói mấy ngày liền chưa ăn uống gì cả, nếu cứ thế này nữa thì sẽ đói mà chết mất……”


Tượng Phật nói: “Ở đây có hai cái bình, một cái bình bên trong đựng đầy đồ ăn, một cái bình là rỗng không, ngươi chỉ được phép dùng cách quan sát để chọn một trong chúng.”

Hồ ly liền quay về phía hai cái bình và nói: “Trong hai cái bình có một cái đựng đầy ắp đồ ăn, còn một cái là rỗng không, ta thấy xem ra hai cái bình này khẳng định đều là bình không.”

Nghe xong câu này, một cái bình mở miệng lên tiếng: “Ta mới không phải bình không..…..”

Hồ ly ta thoáng nghe xong, liền sải tay lấy ngay cái bình còn lại kia ôm đi. Nắp bình vừa mở ra, quả nhiên bên trong đều đầy ắp những đồ ăn.

Khỉ kia thấy khó hiểu mới thắc mắc hỏi: “Làm sao mà bạn biết bên trong cái bình này có đồ ăn?”

Hồ ly cười khoái trí nói: “Người mà trong lòng rỗng không, sợ nhất là người ta nói họ là cái bình không; người mà trong lòng có của, bạn nói cái gì họ cũng không bận tâm.”

Người thường mặc cảm tự ti tại phương diện nào nhất sẽ khiến họ chú tâm vào phương diện ấy nhất. Hãy suy nghĩ một chút, một người tự tin, cần chứng minh điều gì với người khác không? Không, nếu bạn là thái dương, bạn căn bản không cần phải đốt lên thật nhiều ngọn nến cho tăng thêm ánh sáng.

Một người mà có năng lực thật sự, cần biểu hiện sự cứng rắn không? Đương nhiên không cần. Bạn tuy không nhìn thấy gió, nhưng mà gió lại có thể thổi bật ngã cây đại thụ; nước nhìn tựa như nhu mềm nhất, nhưng có thể chảy xuyên thấu hòn đá cứng rắn kiên ngạnh (nước chẩy đá mòn). Trên sự thật thì nơi thế giới này người ôn nhu nhất cũng chính là người cường mạnh nhất, ví như Chúa Giêsu, Đức Phật, các bậc thánh hiền, …… Đúng thế, chỉ có người đủ cường mạnh mới có thể thua.


Hai người đang tranh cãi nhau, giữa chừng một bên nhún nhường trước, hỏi ai là có phong độ?

Hai người đang trách cứ oán giận nhau, giữa chừng một người nhận lỗi trước, hỏi ai là có phong thái và độ lượng?

Người có thực chất bên trong mới có thể đặt xuống thể diện, buông bỏ sĩ diện, người có tự tin mới có thể khom được cái lưng xuống, người có tự trọng mới đủ khả năng nhún nhường.

Lão Tử nói: “Dĩ kỳ bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dự chi tranh” (không tranh với ai cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình). Sông, biển không kén chọn dòng nhỏ mới có thể rộng lớn thành như thế. Núi cao không kén chọn đất mềm mới có thể cao thành nhường ấy. Cho nên “lùi” kỳ thực là “tiến” bởi vì bạn vĩnh viễn không cách nào đánh bại được một người mà họ vốn không muốn thắng.

Theo thoibaokynguyen

BINGSU: VỊ LẠNH THÚ VỊ GIỮA NGÀY ĐÔNG

Cái nắng oi của mùa hè thật sự có thể “hạ gục” bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh nhất. Giữa tiết trời khó chịu đó, sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn được thưởng thức một thứ gì mát lạnh, ngọt ngào đến tê tái. Và Bingsu cũng là một trải nghiệm ẩm thực thú vị trong những ngày lạnh rét.
 
BINGSU CÓ GÌ HẤP DẪN?


Bingsu hay PatBingsu có xuất thân từ nền ẩm thực xứ sở kim chi đa dạng, phong phú về cả hương vị, màu sắc lẫn trải nghiệm thú vị. Mang phong cách hiện đại là vậy nhưng bạn có biết, món Bingsu đầu tiên của người Hàn xuất hiện từ bao giờ không? Câu trả lời sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết chúng xuất phát từ thời Joseon (1392–1910) xa xưa. Thời ấy, món ăn này thực chất chỉ là phiên bản sáng tạo từ cháo đậu đỏ truyền thống, được cải tiến để phù hợp dưới tiết trời nắng nóng, oi bức của mùa hè. Lúc ấy, tuyết vụn sẽ được trộn cùng đậu đỏ tạo nên món ăn giải nhiệt hoàn hảo trong thời kỳ chẳng có tủ lạnh, có đá, có kem và được bán ngay tại gánh hàng rong bên đường.


Cứ vậy, Bingsu dần trở thành món ngọt hoàn hảo của người dân xứ củ sâm và vô vàn phiên bản đáng yêu kích thích từ vị giác tới thị giác đã được ra đời. Với sự đa dạng như vậy nên hầu như chẳng có công thức chung cho món ăn vặt này tuy nhiên, bạn vẫn tìm được vị đặc trưng của Bingsu. Cầu kỳ hơn các món ngọt khác khi cần đá bào mịn trắng như tuyết hòa cùng sữa, đường ngọt lịm kết hợp thêm đủ loại “topping” có xung quanh nào là trái cây, bánh, kẹo hay thậm chí cả thạch rồi trân châu… Biến tấu ngẫu hứng đó góp phần tạo nên sự khác biệt chỉ riêng Bingsu có được: ngọt, ngon, hấp dẫn và phức tạp hơn rất nhiều món ăn chơi trong giới ẩm thực tinh hoa. Rồi dần dần, món ăn mát lạnh của người Hàn đã lan dần sang các nước bạn như Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc… với những sáng tạo đầy mới mẻ, thu hút.


Những buổi trưa nóng đến mê man của mùa hè, sẽ thật tuyệt nếu trước mặt bạn có sự xuất hiện của một ly Bingsu lớn. Bingsu bắt mắt đầy ắp, hệt như “ngọn đồi nhỏ xinh” với đủ sắc màu nào đỏ, vàng, xanh, hồng, tím… đại diện cho nhiều hương vị khác nhau. Ngay khi nếm thử thìa đá bào đầu tiên, thực khách sẽ ngất ngây trước cảm giác lạnh buốt, ngọt ngào đang tan chảy trong khoang miệng. Tiếp đến, cảm giác hào hứng khi từng miếng “topping nhảy múa” càng khiến bạn hào hứng không thôi. Sử dụng nguyên liệu bình dị dễ kiếm tìm kết hợp cùng những sáng tạo không ngừng nghỉ của người đầu bếp đã biến Bingsu trở thành một món ăn của niềm vui trong thời tiết đổ lửa và cả khi tiết trời lạnh giá. Đặc biệt, mọi người thường nghĩ món ăn chơi ngọt ngào này chẳng có ích lợi cho sức khỏe nhưng thực chất, Bingsu trái cây như dưa lưới, xoài, dâu tây, kiwi… lại chứa nhiều vitamin cùng các chất dinh dưỡng.


SỰ KẾT HỢP TUYỆT VỜI

Một trong những nét thu hút của Bingsu chính là sự sáng tạo mỗi ngày một đổi thay lại khiến chúng ta bất ngờ. Kết hợp giữa đủ loại nguyên liệu hấp dẫn trên đời, Bingsu dần phổ biến và được ưa chuộng, trở thành món ăn đại diện của mùa hè, của sự tự do thử nghiệm cái mới. Yêu thích món tráng miệng này, hãy cùng điểm qua những loại Bingsu được ưa chuộng nhất nhé!

NẾM TRỌN HƯƠNG VỊ BINGSU TRUYỀN THỐNG


Nếu muốn cảm nhận trọn vẹn vị Bingsu truyền thống, thực khách nhất định chẳng thể bỏ qua đậu đỏ hấp dẫn. Kể từ ngày mới ra đời, món tráng miệng chỉ đơn giản gồm đá bào ngọt thơm phủ trên lớp đậu đỏ cùng sữa đặc cũng đủ khiến mọi người hào hứng thưởng thức. Đặc biệt, món Bingsu truyền thống này còn được nhấn nhá thêm chút misutgaru (gạo rang và ngũ cốc) hoặc miếng bánh gạo nhỏ cho thêm phần vui miệng. Dù có biết bao hương vị mới lạ, Bingsu đậu đỏ vẫn luôn được người Hàn Quốc yêu thích nhất.

HOA QUẢ – HƯƠNG VỊ HOÀN HẢO NGÀY HÈ


Mùa hè đến, hiếm có nguyên liệu nào vừa ngon miệng vừa đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như trái cây nên bạn còn chờ gì mà không gọi ngay ly Bingsu hoa quả mát lạnh. Thực khách sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau như xoài ngọt lịm, dưa lưới hút mắt, kiwi xanh mát, dâu tây ngọt yêu… hay thậm chí có thể chọn tất cả loại trái cây yêu thích, hội tụ cả trong ly Bingsu chứa hơi mát mùa hè và vitamin có lợi. Vị ngọt thanh kết hợp từ đá bào, hoa quả và cả sirô, mật ong sẽ đánh bay cái nóng chỉ giữ lại sự sảng khoái.

LÝ TƯỞNG BINGSU TRÀ XANH


Trái ngược với Bingsu truyền thống, hương vị trà xanh là sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày trào lưu trà xanh xuất hiện khắp mọi nơi từ kẹo, bánh thậm chí cả đồ ăn mặn, những người yêu thích Bingsu chẳng dễ dàng bỏ qua cơ hội thỏa sức sáng tạo. Màu xanh mướt của trà điểm thêm sắc riêng của đậu đỏ hài hòa chính là hương vị được săn đón nhất. Ngoài ra, thực khách có thể lựa chọn thêm viên kem trà xanh mát lạnh, vài lát dưa gang cùng chút bột trà rắc trên đã tạo nên kiệt tác nghệ thuật trong giới ẩm thực.

BINGSU BÁNH GẠO


Bánh gạo là nguyên liệu người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng, sử dụng trong vô số món ăn và trong đó phải nhắc đến Bingsu bánh gạo độc đáo. Đá bào mịn như tuyết, bánh gạo dai mềm kết hợp cùng bột đậu nành, hạnh nhân và sữa chắc chắn sẽ là cái tên những tín đồ Bingsu nhất định phải nếm thử. Không có vị ngọt dịu như Bingsu đậu đỏ truyền thống, không thanh mát như trái cây, những miếng bánh gạo hình vuông nhỏ vùi trong lớp đá bào trắng phủ ngoài là bột đậu sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm ẩm thực ngày hè hoàn toàn mới lạ.

BINGSU PHÔ MAI


Những ai mê mẩn phô mai sẽ có cơ hội cảm nhận vị béo ngậy theo một cách hoàn toàn khác lạ, đó là Bingsu phô mai. Món đá bào mát lạnh được phủ ngoài một lớp phô mai bào sợi ăn kèm với hạnh nhân, sữa tạo nên ly đồ tráng miệng đặc trưng của người Hàn Quốc được ưa chuộng khắp thế giới. Nếu đã nếm thử đủ loại Bingsu, lần tới bạn hãy thử gọi món có vị phô mai bùi béo tuyệt hảo để cảm nhận vị mát lạnh tê đầu lưỡi nhé!

Bên cạnh những ly Bingsu nổi tiếng phổ biến khắp mọi nơi, rất nhiều phiên bản với biến tấu độc lạ, thú vị cũng được ra đời không chỉ chinh phục thực khách nhờ vị ngọt ngào, cảm giác mát lạnh sảng khoái mà còn kích thích thị giác với hình thù dễ thương. Bạn sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp ly Bingsu hình chú cún dễ thương, một bãi biển mini hay cả quả dưa lưới lớn cùng khói bay ảo diệu… để mỗi lần thưởng thức ai nấy đều vui vẻ, hào hứng đến khó tả. Trong những ngày hè nóng nực hay thậm chí vào mùa đông lạnh lẽo, bạn bè hãy cùng nhau ghé tới quán Bingsu, cảm nhận sự ngọt ngào, mát lạnh tê đầu lưỡi và lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo nhé!

Wanderlust Tips | Thu Hà



KINH KIM CƯƠNG: CUỐN SÁCH IN LÂU ĐỜI NHẤT THẾ GIỚI

Kinh Kim Cương là một văn bản của Phật giáo Đại thừa ghi chép lại những lời giảng, giáo lý tôn giáo của Đức Phật. Một bản sao của nó được tìm thấy trong hang Mạc Cao ở Trung Quốc là cuốn sách in hoàn chỉnh lâu đời nhất thế giới, có niên đại năm 868.

Hình vẽ trên trang đầu tiên của Kinh Kim Cương. Ảnh: Wikipedia.

Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika prajnaparamita sutra) là một trong những văn bản được tôn kính nhất của Phật giáo Đại thừa [nhánh Phật giáo phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á]. Người ta thường gọi nó với tên ngắn gọn hơn là Kinh Kim Cương hay Kinh Kim Cang. Thuật ngữ “Kinh” (sutra) trong tiếng Phạn mang nghĩa một “bài thuyết giáo”, hay “bài thuyết pháp” của Đức Phật.

Kinh Kim Cương thuộc một bộ kinh sách lớn hơn của Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa, hay “Sự hoàn hảo của Trí tuệ”. Một tác phẩm nổi tiếng khác cũng thuộc bộ kinh sách này là Bát Nhã Tâm Kinh. Các bộ kinh đều do đệ tử ghi chép lại lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay Tất Đạt Đa Cồ Đàm. Nhiều học giả tin rằng, chúng được viết từ thế kỷ 1 trước Công nguyên và hoàn thành sau đó vài thế kỷ.

Vào đầu thế kỷ 20, một tu sĩ Đạo giáo tên Wang Yuanlu chịu trách nhiệm trông coi hang Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng, Trung Quốc. Tại đây, Wang tình cờ phát hiện một cánh cửa bí mật dẫn đến căn phòng kín chứa 40.000 tài liệu và đồ tạo tác cổ, trong đó có một bản sao của Kinh Kim Cương. Đây là cuốn sách in hoàn chỉnh cổ nhất thế giới từng được con người biết đến, và nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Khí hậu sa mạc khô cằn của Đôn Hoàng là điều kiện hoàn hảo giúp bảo quản các cuốn sách.

Nhờ một ghi chú ngắn ở cuối bản sao Kinh Kim Cương, chúng ta có thể biết rõ nguồn gốc và niên đại của nó. Nội dung cụ thể như sau: “Wang Jie thay mặt cha mẹ phân phát miễn phí cuốn sách này vào ngày 11 tháng 5 năm 868 [thuộc triều đại nhà Đường]”.

Aurel Stein, nhà khảo cổ học mang bản sao Kinh Kim Cương từ Trung Quốc tới nước Anh. Ảnh: History.

Năm 1907, Aurel Stein – nhà khảo cổ người Anh gốc Hungary – đến thăm hang Mạc Cao trong một chuyến thám hiểm trên Con đường tơ lụa và gặp Wang Yuanlu. Ông chi số tiền 130 bảng Anh để mua lại 24 thùng chứa đầy tài liệu [trong đó bao gồm Kinh Kim Cương, truyện dân gian, nhạc kịch, thơ, tiểu luận, tiểu thuyết,..], các bức tranh lụa, đồ thêu dệt, đồ tạo tác mang tính nghệ thuật cao. Sau đó, ông đem tất cả chúng về nước Anh.

Hiện nay, bản sao của Kinh Kim Cương lấy từ hang Mạc Cao đang được trưng bày tại Thư viện Anh ở London. Hang Mạc cao cũng trở thành một di sản văn hóa của thế giới. Nhà nước Trung Quốc thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu và tu bổ hang, nhưng chỉ có điều các báu vật “một đi không trở lại” thì chẳng tiền của nào có thể đánh đổi.

Bản sao Kinh Kim Cương được tạo ra bằng phương pháp in khối, hay in mộc bản. Người thợ khắc các nét chữ, hình vẽ lên một tấm gỗ. Phần có chữ sẽ nổi lên cao, phần không chữ được khoét lõm xuống. Khi in, người ta phủ một lớp mực mỏng trên bề mặt tấm gỗ, sau đó đặt tờ giấy lên và dùng một thanh gỗ đã mài nhẵn gạt nhẹ phía trên tờ giấy. Giấy in được ngâm trong một loại thuốc nhuộm màu vàng chiết xuất từ cây Hoàng bá mang đặc tính diệt sâu bọ và côn trùng. Bản khắc gỗ có nhược điểm là nếu hỏng một từ hoặc một ký tự thì phải làm lại cả khuôn in.

Kinh Kim Cương là văn bản khá ngắn ngọn, trong đó bao gồm một cuộc đàm luận giữa Đức Phật và tôn giả Tu Bồ Đề. Trang đầu tiên là một bức tranh mô tả đức Phật được bao quanh bởi các nhà sư, tín đồ và các vị thần. Ở góc dưới bên trái là đệ tử Tu Bồ Đề đang lắng nghe Đức Phật trình bày giáo lý trong Kinh Kim Cương.


Bản dịch tiếng Anh của Kinh Kim Cương thông thường chỉ khoảng 6.000 từ, và người đọc có thể hoàn thành nó trong vòng chưa đầy 40 phút. Cuốn sách chứa đựng thông điệp rất sâu sắc, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một trong những cách diễn giải cơ bản nhất về Kinh Kim Cương là lời khích lệ của Đức Phật đối với các đệ tử, kêu gọi họ “vượt qua những ảo tưởng về thực tại xung quanh để nhận thức rõ những điều có thật”.

Năm 401 sau Công nguyên, một tu sĩ Phật giáo tên là Cưu Ma La Thập lần đầu tiên dịch Kinh Kim Cương sang tiếng Trung Quốc. Phong cách dịch thuật của Cưu Ma La Thập khá mạch lạc, trôi chảy, tập trung chủ yếu vào việc truyền đạt ý nghĩa của cuốn kinh thay vì dịch chính xác theo nghĩa đen một cách rập khuôn. Nội dung bản sao Kinh Kim Cương tìm thấy ở Đôn Hoàng cũng là bản dịch của Cưu Ma La Thập. Trong thế kỷ tiếp theo, thái tử Chiêu Minh – con trai của Lương Vũ Đế – chia kinh sách thành 32 chương và đặt tiêu đề cho chúng [bản nguyên văn tiếng Phạn không chia chương mục]. Cách phân chia này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, mặc dù các dịch giả không phải lúc nào cũng dùng tên tiêu đề giống như của thái tử Chiêu Minh.

Đến cuối triều đại nhà Đường (năm 907), việc sao chép và tụng Kinh Kim Cương là một thực hành phổ biến của những người mộ đạo. Ước tính có hơn 80 tác phẩm diễn giải Kinh Kim Cương của các phật tử nổi tiếng ở Trung Quốc như Tăng Triệu, Tạ Linh Vận, Trí Nghĩ, Tông Mật,… Trong số đó, chỉ còn 32 tác phẩm tồn tại đến ngày nay.

Một câu chuyện thú vị về Kinh Kim Cương liên quan đến sự giác ngộ của Huệ Năng, vị tổ sư thứ sáu và cuối cùng của Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc. Theo cuốn tự truyện của nhà sư Huệ Năng, khi ông đi bán củi ở ngoài chợ lúc còn trẻ, ông tình cờ nghe người khác tụng Kinh Kim Cương và đạt được giác ngộ.

Năm 2004, bản sao Kinh Kim Cương có nguồn gốc ở Đôn Hoàng được trưng bày tại Triển lãm Con đường tơ lụa do Thư viện Anh tổ chức. Hiện nay, toàn bộ các trang của kinh sách có thể xem online, thông qua trang web của Thư viện Anh.

Quốc Hùng (Theo Ancient Origins, Live Science)
Link tham khảo:



Sunday, November 28, 2021

NHỮNG THƯ GIÁO HOÁNG JOHN PAUL II GỞI BẠN NỮ

Những lá thư từ triết gia người Mỹ gốc Ba Lan, bà Anna-Teresa Tymieniecka được giữ kín suốt nhiều năm ở Thư viện Quốc gia Ba Lan.

Hồng y Karol Wojtyla và bà Anna Teresa-Tymieniecka trong một lần đi trượt tuyết

Tài liệu cho thấy một khía cạnh khác của vị Đức Thánh Cha, qua đời năm 2005.

Tuy nhiên không có chứng cứ cho thấy ông phá lời nguyện trinh khiết.

Bà Tymieniecka và Hồng y Wojtyla trong một lần đi cắm trại năm 1978

Tình bạn giữa hai người bắt đầu từ năm 1973 khi bà Tymieniecka liên hệ với Hồng y Karol Wojtyla (sau này là Giáo hoàng John Paull II), lúc đó là Tổng giám mục Krakow, về một cuốn sách triết học mà ông từng viết.

Người phụ nữ lúc đó 50 tuổi, từ Hoa Kỳ đã bay tới Ba Lan để bàn về công việc.

Hình ảnh bà Anna-Teresa Tymieniecka thời gặp Hồng y năm 1973. Ảnh do Bill và Jadwiga Smith cung cấp

Không lâu sau đó, hai bên bắt đầu thư từ qua lại. Ban đầu, những lá thư của vị Hồng y rất khách sáo nhưng tình bạn càng phát triển thì lời lẽ cũng thân mật hơn.

Cả hai quyết định viết chung một cuốn sách mở rộng từ cuốn sách ban đầu của ông Karol Wojtyla, The Acting Person. Họ gặp nhau nhiều lần – đôi khi có sự hiện diện của thư ký riêng của Giáo hoàng, đôi khi gặp riêng – và thường xuyên trao đổi.

Năm 1974, ông viết rằng trong vòng một tháng ông đã đọc lại bốn lá thư của bà Tymieniecka bởi những lá thư ấy “thật ý nghĩa và riêng tư sâu sắc”.

Những tấm ảnh chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng cho thấy hình ảnh ông Karol Wojtyla trong những khoảnh khắc thoải mái nhất. Ông mời bà Tymieniecka cùng đi dạo ở đồng quê và trong các kỳ nghỉ trượt tuyết – bà thậm chí còn đi cùng một nhóm cắm trại với ông. Các bức ảnh cũng ghi lại lúc bà tới thăm ông ở Vatican.

“Đây là một số rất ít những nhân vật siêu việt có hình ảnh cuộc sống đời thường trong thế kỷ 20, người đứng đầu Giáo hội Công giáo, với mối quan hệ mãnh liệt với một phụ nữ quyến rũ," Eamon Duffy, Giáo sư Lịch sử Công giáo ở Đại học Cambridge nói.

Năm 1976, Hồng y Wojtyla tham dự một hội nghị Công giáo ở Hoa Kỳ. Bà Tymieniecka mời ông tới ở nhà nghỉ ở quê của họ ở New England.

Có vẻ như bà đã bày tỏ tình cảm sâu đậm với ông vì những lá thư của ông ngay sau đó cho thấy một người đàn ông cố gắng cắt nghĩa mối quan hệ của mình theo quan niệm của Công giáo.

Trong một lá thư đề tháng 9/1976, ông viết: “Teresa thân yêu của tôi, tôi đã nhận được cả ba lá thư. Bà viết về việc phải xa nhau nhưng tôi không thể nào tìm được câu trả lời cho những lời lẽ này.”

Ông gọi bà là “món quà từ Chúa”.

Bà Tymieniecka thăm Giáo hoàng John Paul II ở Vatican

BBC chưa được đọc bất kỳ lá thư nào của bà Tymieniecka. Chúng tôi tin rằng bản sao của những lá thư này cũng được giữ chung trong tài liệu lưu trữ do bà bán lại cho Thư viện Quốc gia Ba Lan năm 2008, sáu năm trước khi bà qua đời.

Tuy nhiên những lá thư này không nằm trong số thư của Giáo Hoàng được đưa ra cho BBC. Thư viện Quốc gia Ba Lan cũng không xác nhận liệu họ có thư của bà Tymieniecka hay không.

Marsha Malinowski, người chuyên kinh doanh bản thảo viết tay và đã giúp thương lượng vụ bán những lá thư trên, nói bà tin rằng Anna-Teresa Tymieniecka đã yêu vị Hồng y Wojtyla ngay từ những ngày đầu của mối quan hệ. “Tôi nghĩ những lá thư trao đổi hoàn toàn cho thấy điều này,” bà nói với BBC.

Những lá thư cũng hé lộ rằng ông Wojtyla tặng bà Tymieniecka một trong những đồ bất ly thân quý giá nhất của mình – scapular – loại vòng da viền cổ áo tu sỹ Công giáo, mang ảnh Đức mẹ.

Trong lá thư đề ngày 10/09/1976, ông viết: “Từ năm ngoái tôi đã đi tìm câu trả lời cho những từ này, ‘tôi thuộc về em,’ và cuối cùng, trước khi rời Ba Lan, tôi tìm ra một cách – scapular. Không gian mà tôi chấp nhận và cảm thấy em có ở khắp nơi trong mọi tình huống, khi em gần, và khi em xa.”

Chiếc vòng scapular - quà tặng của Hồng y Wojtyla dành cho bà Tymieniecka

Sau khi trở thành Giáo hoàng, ông viết: “Tôi viết sau khi sự kiện này xảy ra, để cho thấy trao đổi giữa chúng ta vẫn nên được tiếp tục. Tôi hứa sẽ ghi nhớ tất cả mọi thứ ngay cả ở giai đoạn mới này trong hành trình của tôi.”

Hồng y Wojtyla có nhiều bạn nữ, trong đó có Wanda Poltawska, một bác sỹ tâm thần, người ông cũng trao đổi thư từ trong nhiều thập kỷ.

Nhưng những lá thư của ông dành cho bà Tymieniecka đôi khi chứa đầy tình cảm cảm mạnh mẽ, đôi khi là cuộc tranh đấu trong việc lý giải ý nghĩa của mối quan hệ này.

Đức Giáo hoàng John Paul II qua đời năm 2005, sau gần 27 năm lãnh đạo. Năm 2014 ông được tuyên Thánh.

Quá trình phong thánh thường đắt đỏ và tốn nhiều thời gian, nhưng Đức Giáo hoàng John Paul II được nhanh chóng trao Thánh chỉ trong chín năm.

Bà Tymieniecka cùng chồng, Hendrik Houthakker

Thông thường, Vatican sẽ yêu cầu được xem toàn bộ tài liệu công và thư từ cá nhân khi xem xét phong thánh, nhưng BBC không thể kiểm chứng liệu những lá thư này đã được đọc hay chưa.

Bộ Tuyên Thánh nói tùy vào mỗi giáo hội Công giáo để quyết định xem có gửi những tài liệu này hay không.

“Toàn bộ trách nhiệm của chúng tôi đã được thực hiện,” Bộ nói với BBC trong một thông cáo. “Mọi tài liệu riêng, được gửi một cách trung thành để đáp lại sắc lệnh, và tài liệu được coi là thuộc những bộ lưu trữ quan trọng đã được xem xét.”

Thư viện Quốc gia Ba Lan tranh luận rằng đây là mối quan hệ đặc biệt, là một trong rất nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết mà Giáo hoàng có được trong suốt cuộc đời mình.

Theo: BBC NEWS Tiếng Việt (15/02/2016)