Tuesday, November 9, 2021

CUỘC CÁCH MẠNG TÔN GIÁO Ở CHÂU ÂU ĐÃ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Ngày 31.10 năm 1517, mục sư trẻ Martin Luther, là giáo sư môn thần học thuộc đại học Wittenberg, đóng lên cửa chính nhà thờ Schlosskirche một bản cáo trạng [11] bao gồm 95 luận đề chống lại đợt vận động của giáo phận Mainz – được hỗ trợ bởi sắc dụ Giáo Hoàng La Mã – nhằm bán Chứng chỉ Ân xá [12] cho giáo dân. Trong vòng hai tuần, 95 luận đề đó được lan truyền ra khắp nơi ở Đức, và sau hai tháng đã lan rộng khắp châu Âu.

Martin Luther treo 95 luận đề trên cửa nhà thờ Schlosskirche. Họa sĩ: Ferdinand Powels. Nguồn: Wikipedia, vùng công cộng.

Lúc đó, chưa ai nghĩ rằng, hành động của mục sư Martin Luther đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng vĩ đại nhất so với các cuộc cách mạng trước đó và cả sau này. Về mặt tôn giáo, nó vĩnh viễn thay đổi thế giới Kitô [13], phân hóa cộng đồng tôn giáo thành nhiều tông phái khác nhau cùng tôn thờ một Đức Chúa Trời, thay đổi cách nhìn của giáo dân về nội dung Thánh Kinh; đấy là chưa kể, danh hiệu cao quí Giáo hội Kitô không còn ý nghĩa để tồn tại, dần dần không ai dùng mà thay vào đó, người ta chỉ còn gọi là giáo hội Thiên Chúa, hoặc quen thuộc hơn là giáo hội La Mã, tức là đại diện cho cộng đồng Thiên Chúa giáo (Catholic), chỉ chiếm một phần trong toàn bộ giáo dân Kitô.

Trước đó hai năm, vào ngày 31.3 năm 1515 Giáo hoàng Leo X ban hành sắc dụ ân xá (Papal Bull of Indulgence) nhằm mục đích tìm phương tiện tài chính cho việc xây dựng Thánh đường St. Peter hoành tráng ở Rome. Sắc dụ này cho phép Tổng Giám mục địa phận Mainz ở Đức, trong vòng tám năm, được phép bán các chứng chỉ ân xá cho giáo dân để kiếm tiền, một nửa trả nợ cho ngân hàng Fugger và nửa kia chuyển về Rome để trang trải phí tổn xây dựng thánh đường. Theo qui định trong sắc dụ Giáo hoàng, người sở hữu chứng chỉ ân xá khi chết và sau khi xưng tội trên giường bệnh sẽ được Chúa ban ơn, lúc trở về thế giới bên kia, khỏi phải đi qua tầng sám hối [14] cực khổ gian nan. Nói theo phong cách ẩn dụ, mua chứng chỉ ân xá là mua vé vào cửa để bước thẳng lên Thiên Đường – một cách làm tiền trên lòng mê tín của giáo dân.

Pope Leo X

Martin Luther, từ nhiều năm trước đã có nhiều mâu thuẫn về tư tưởng với giòng chính thức trong giáo hội về việc lý giải Thánh Kinh, nhân dịp này phát động một làn sóng phản kháng chống lại chiến dịch của giáo phận Mainz về việc bán chứng chỉ ân xá cho giáo dân. Martin Luther cho rằng, tội lỗi con người chỉ có thể được ân xá thông qua sự sám hối chân thành trong niềm tin vào Chúa, chứ không cần một thánh lễ làm môi giới, lại càng không thể nhờ vào các chứng chỉ ân xá để chứng minh. Tất cả đều phải được xuất phát từ niềm tin vào Chúa và công lý chỉ tồn tại với niềm tin đó. Tất cả mọi lập luận của Luther đều dựa trên một nền tảng duy nhất là những lời Chúa dạy được ghi chép trong Thánh Kinh.

Sự hưởng ứng nồng nhiệt của giáo dân khắp lục địa đối với bản cáo trạng của Martin Luther giống như một giọt nước tràn ly, biểu lộ sự bất mãn của giáo dân thuộc mọi giới vốn đã ngấm ngầm từ lâu, chỉ chờ cơ hội bộc phát. Nguyên do sâu xa là tình trạng tha hóa của hàng giáo phẩm từ thấp đến cao, và đặc biệt hết sức tồi tệ kể từ thế kỷ 14. Để bán được nhiều chứng chỉ ân xá, vị quản lý đề án của Tổng giám mục địa phận Mainz, mục sư Johann Tetzel quảng cáo không dấu diếm với khẩu hiệu bằng thơ: “khi đồng tiền vào trong két bạc, linh hồn sẽ thoát khỏi tầng sám hối”[15].


Theo bản báo cáo của hội đồng quốc gia Đức năm 1524, Giáo hội Đức chiếm giữ một nửa tổng tài sản quốc gia. Ở Ý, một phần ba đất đai thuộc quyền sở hữu của giáo hội. Cơ sở vật chất của nhà thờ nói chung khắp châu Âu thì vô cùng vĩ đại và tốn kém để chăm lo, được trang trải bằng thuế và các nghĩa vụ khác của giáo dân. Không có gì ngạc nhiên khi khắp nơi và khắp các tầng lớp giáo dân đều nổi lên lời oán than về tình trạng sa đọa tham nhũng của giáo hội. Công chức giáo hội thì sẵn sàng làm giấy chứng nhận giả mạo để kiếm tiền. Tất cả mọi chuyện xấu xa nhất đều có thể tìm thấy ở Rome. Mua chức bán tước là chuyện xảy ra hàng ngày. Và để trang trải phí tổn cho đời sống xa hoa phung phí và những công trình xây dựng hoành tráng, hàng giáo phẩm địa phương cũng như Giáo Hoàng ở Rome không chừa một biện pháp nào, kể cả việc treo giá để bán chức tước, từ giám mục lên đến tận hồng y [16].

Khắp nơi trên lục địa nổi lên sự phản kháng chống lại chế độ nghĩa vụ tài chính để chuyển về Rome, chống lại hàng giáo phẩm thiếu kiến thức và đạo đức luân lý, chống lại sự can thiệp của Giáo Hoàng vào các quyết định chính trị tại các quốc gia, nhưng giáo hội vẫn làm ngơ không đếm xỉa đến nỗi bất bình cực độ của giáo dân. Giáo hội chỉ có phản ứng chiếu lệ khi đã có nguy cơ bộc lộ sự hoài nghi của giáo dân về vấn đề niềm tin [17].

Trong bối cảnh đó, làn sóng phản kháng của Martin Luther nhanh chóng lan ra khắp lục địa, được sự ủng hộ nồng hậu của giáo dân cũng như giới học giả và một bộ phận thuộc hàng giáo phẩm trong sạch khắp nơi, vốn dĩ từ lâu bất mãn với giáo hội nhưng còn thụ động hoặc sợ bị trừng phạt. Sự phản kháng này nhanh chóng biến thành một phong trào rộng lớn, một cuộc cách mạng mà chúng ta thường gọi bằng thuật ngữ quen thuộc Reformation (cải cách tôn giáo). Phong trào kéo dài hơn 150 năm và để lại hậu quả vô cùng to lớn trên nhiều phương diện.

Về mặt tôn giáo, thế giới Kitô bị phân hóa thành nhiều tông phái khác nhau. Ngoài hai tông phái lớn là Thiên Chúa (Catholic) và Tin Lành (Protestant), còn có hàng chục tông phái khác được thành lập, thí dụ ở Anh có Anglican Church, Church of Scotland, ở Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, mỗi nước có một tông phái riêng, ở Anh và sau đó lan truyền sang Mỹ có Baptist Church, Anglican Church, Quaker, v.v… Sự phân hóa này là trạng thái vĩnh viễn, Kitô sẽ không bao giờ thống nhất trở lại như thuở nào.


Về chính trị, thảm họa chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia hoặc các lãnh địa có thủ lãnh theo những tông phái đối kháng nhau. Khốc liệt nhất là cuộc-chiến-30-năm (1618-1648) giữa các vương triều ủng hộ giáo phái Tin Lành và Thiên Chúa. Người ta phỏng đoán rằng trên vùng đất của Đức và Áo hiện nay, khoảng 30% đến 40% dân số bị tiêu vong vì cuộc chiến tranh đó. Trên toàn châu Âu, số người chết không kém trận đại dịch ở giữa thế kỷ 14 mà chúng ta quen gọi là cái chết đen [18].

Nhưng bên cạnh những hậu quả xấu, cuộc cách mạng tôn giáo đã tạo điều kiện cho những tiến bộ mang tầm vóc thế kỷ có cơ hội phát triển. Rõ rệt nhất là, xu hướng tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị nhân dịp này bộc phát mạnh mẽ bởi những đòi hỏi cải cách cực đoan. Xu hướng này tất nhiên được các thế lực vương triều ủng hộ, vì bản thân họ trước sau vẫn là thế lực cạnh tranh với giáo hội. Dưới sức ép của giáo dân và nhất là sau khi các giáo phái mới đã được thiết lập khắp nơi, thế lực thần quyền dần dần lùi bước trước các vương triều. Đặc biệt ở những nước mà chế độ chính trị dân chủ đã được thiết lập kể từ cuối thế kỷ 18, ảnh hưởng còn lại của giáo hội lên nhà nước coi như không đáng kể. Có lẽ điều đó cũng là may mắn lịch sử cho giáo hội để chấp nhận việc dần dần từ bỏ quyền lực, trở lại nắm giữ vai trò chăm sóc đời sống tinh thần cho giáo dân, nhờ thế mà giáo hội còn tồn tại đến hôm nay và được giáo dân trọng vọng.

Nhìn một cách tổng thể, cuộc cách mạng tôn giáo thế kỷ 16 có thể xem là một cuộc cách mạng có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại. Về chính trị, tác động của nó lên xã hội châu Âu còn sâu sắc hơn cả cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Về văn hóa, nó tác động lên đời sống tinh thần người dân hơn bất kỳ một biến cố văn hóa nào khác trong lịch sử châu Âu trên bước đường tiến vào thời kỳ hiện đại. Động cơ của phong trào cải cách không phải là muốn đặt giáo hội lên ghế bị cáo để đòi hỏi thay đổi tình trạng đã cực kỳ tha hóa, hoặc để khoác cho tôn giáo một nội dung mới, mà quan trọng hơn, đó là sự biểu hiện của nỗi bất bình xã hội, mà đa số giáo dân kể từ thế kỷ 14 đã chịu đựng dưới gánh nặng của tình trạng bất công tột độ do các định chế của giáo hội gây ra [19].

Nhà sử học người Pháp, François Guizot có một kết luận gãy gọn nhưng súc tích rằng, trong thời kỳ cách mạng tôn giáo, “các biến cố lịch sử xảy ra trong những khung thời gian hạn chế, nhưng tác động của chúng thì kéo dài đến vô tận [20]”. Cuộc cách mạng tôn giáo chắc hẳn là xung lực mạnh mẽ nhất để tạo ra những chuyển hóa lớn lao trong xã hội, phát những tín hiệu đầu tiên để bắt đầu một thế giới mới hiện đại.

Tác giả: Tôn Thất Thông
Trích từ loạt bài: Thời đại KHAI SÁNG ở châu Âu
Đăng trên Diễn đàn khai phóng (diendankhaiphong.org)

Tài liệu tham khảo trong trích đoạn:

Durant, Will: Das Zeitalter der Reformation (Thời đại cải cách). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 9. ISBN 3-548-36109-9. (Eduard Thorsch và Margrit Lang dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. VI).

Samhaber, Ernst: Geschichte Europas (Lịch sử châu Âu). ISBN 3-771-30169-6.

Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.

Chú thích trong trích đoạn:

[11] Bản cáo trạng trước hết được viết bắng tiếng la-tinh, sau đó Luther đồng ý cho dịch ra tiếng Đức để tiếp cận giáo dân.

[12] Tạm dịch từ tiếng Đức: Ablassbrief, tiếng Anh: Indulgence.

[13] Trước đây, người dân vùng châu Âu tự xưng là „người Kitô“ để chỉ nhóm dân có cùng một văn hóa đồng nhất. Kể từ cuối thế kỷ 16, khi Kitô đã bị phân hóa thành nhiều giáo phái, người ta hoang mang đi tìm một khái niệm mới đủ sức thuyết phục để chỉ tính đồng nhất văn hóa. Có lẽ từ đó, cụm từ „người châu Âu“ dần dần thay thế thuật ngữ „người Kitô“ ngày càng đi vào quên lãng.

[14] Theo ghi chép của Thánh Kinh, tầng sám hối (Fegefeuer, Purgatory) là nơi mà người chết vốn còn nhiều tội lỗi phải đi qua và tu luyện sám hối thêm để được ân xá trước khi được lên Thiên Đường.

[15] Xem D. Pertsch trang 54 (nguyên văn: Sobald das Geld im Kasten klingt, die Seele aus dem Fegefeuer springt).

[16] Xem W. Durant (1), trang 32-41 (Die Kirche auf der Anklagebank). Ghi chú thêm: Độc giả Việt Nam nhìn vào tình trạng tham nhũng tha hóa của tầng lớp lãnh đạo hiện nay cũng có thể hình dung được phần nào tình trạng giáo hội ở thế kỷ 16.

[17] Xem E. Samhaber trang 339-340.

[18] Schwarzer Tod (Black Death) dùng để chỉ trận đại dịch lớn nhất lịch sử, kéo dài từ 1346-1353 với khoảng 20-25 triệu người chết, tức 1/4 dân số châu Âu lúc đó.

[19] Xem W. Durant (1) & Hans Dollinger, trang 5.