Monday, November 8, 2021

5 KIỂU NGƯỜI KHÓ CÓ THỂ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI

Nhân tài có thể được bồi dưỡng, nhưng nhân tài mà thiếu phẩm chất đạo đức, thì lại còn có thể gây họa lớn hơn những kẻ bất tài. Do vậy khi một công ty tuyển dụng nhân sự, thì một người dẫu có tài hoa đến mấy mà không có đạo đức thì cũng sẽ bị loại… ngay từ vòng gửi xe.


Vậy nên, có gặp phải 5 kiểu người dưới đây thì ngay cả các “sếp bự” cũng phải lắc đầu xua tay không dám nhận.

1. Người phẩm chất đạo đức khiếm khuyết: không thể dùng

Từ xưa đến nay, trong bất kể xã hội nào, thì tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một người tốt hay xấu, đầu tiên phải dựa vào sự tu dưỡng đạo đức của người đó. Phương diện này sẽ quyết định bản chất của người ấy. Một người không có phẩm chất đạo đức hay nhân cách thấp kém, chúng ta thường gọi chung là ‘tiểu nhân’.

Bản chất của tiểu nhân thường biểu hiện ra như tự tư, tự lợi, lòng dạ cay độc, nham hiểm, khoe khoang khoác lác, nói lời sáo rỗng, gió chiều nào theo chiều đấy, nói dối quen miệng… Những người như vậy thường không thể làm những việc ngay chính.

Có câu cổ ngữ rằng: “Thức đêm mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”, người có phẩm đức thấp kém sớm muộn gì cũng sẽ trở thành ‘trái táo thối’ của doanh nghiệp. Họ sẽ đưa cả đội ngũ của mình xuống vực sâu, khó có thể quay đầu.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

2. Người không biết cảm ơn: không thể bồi dưỡng thành tài

Chỉ sau vài lần quan sát thái độ khi họ xử lý những việc quan trọng là bạn hiểu được bản chất của những người ‘vong ơn bội nghĩa’.

Người không biết cảm ơn, chắc chắn sẽ không cảm ơn doanh nghiệp của mình. Họ cũng chẳng biết ơn bất cứ người nào đã từng ủng hộ và giúp đỡ họ.

Vậy nên những người này sẽ không thể trở thành một viên “ngọc quý”. Kiểu người như vậy thường cho rằng mình vốn rất có tài năng, bản lĩnh hơn người. Họ khá tự phụ, tự cho rằng tất cả những gì mình có được là điều đương nhiên. Họ coi hết thảy thành tích của mình đều do sự nỗ lực của chính bản thân họ mang lại.

Họ sẽ quên mất rằng trong suốt chặng đường đời của mình còn có sự dẫn dắt, khổ tâm dạy dỗ của biết bao người. Vậy nên, như là lẽ tự nhiên họ cũng sẽ không có sự biết ơn trong tâm!

Một người ‘vong ơn phụ nghĩa’ như vậy, dẫu năng lực có giỏi đến mấy thì chắc chắn rằng sẽ luôn đứng núi này trông núi nọ mà thôi.

Người không biết cảm ơn không thể bồi dưỡng thành tài (Ảnh minh hoạ: Shuttterstock).

3. Năng lực bản thân không cao, nhưng lại không muốn tiếp nhận sự chỉ bảo của người khác

Đối với một người vốn không có mấy năng lực, thì những tố chất và năng lực này về sau đều có thể học hỏi và bồi dưỡng, tích lũy dần qua năm tháng. Nhưng nếu người ấy không thể nhận thức một cách sâu sắc sự thiếu sót của bản thân, cũng không khiêm tốn tiếp nhận và tự nguyện thay đổi, thì cũng rất đáng e ngại. Vì kiểu người bảo thủ cố chấp như vậy, khó có thể mang về thành công cho một tập thể.

4. Người có khả năng tiếp nhận và khả năng lĩnh hội không cao

Có câu nói rằng: “Tha sơn chi thạch, khả dĩ công ngọc”. Đá từ ngọn núi khác lại có thể dùng để đánh bóng ngọc bích, ý kiến của người khác có thể giúp mình sửa đổi chỗ sai.

Tuy nhiên, một miếng ngọc thạch tốt mới có thể khắc thành viên ngọc quý. Và gỗ mục thì khó thành đồ tốt!

Một nhân viên không đủ tài đức thì rất khó có thể đảm nhận trọng trách. Khi dẫn theo một nhân viên như vậy sẽ chỉ khiến cấp trên thân tâm càng thêm mệt mỏi. Kiểu người này, thường thì họ làm sai nhưng vẫn cảm thấy mình vô tội. Vậy nên, họ chỉ thích hợp làm những việc đơn giản và lặp đi lặp lại và cấp trên phải để mắt đến họ rất nhiều.

Một nhân viên không đủ tài đức thì rất khó có thể đảm nhận trọng trách (Ảnh minh hoạ: Shuttterstock).

5. Một người không trung thành thì không nên trọng dụng

Đứng ở góc độ của các ông chủ mà nói thì nhân viên phải trung thành, không được làm tổn hại tới lợi ích chung của công ty. Vậy nên họ không thể chấp nhận những nhân viên bội tín bội nghĩa với mình.

Kiểu người này, ngày hôm nay có thể vì lợi ích của mình mà làm việc cho bạn, nhưng ngày mai họ cũng có thể vì lợi ích của mình mà đi theo người khác. Vậy nên, rất không đáng để trọng dụng.

Làm một người nhân viên tốt, chính là một người có phẩm hạnh, biết đặt lợi ích của tập thể, của người khác lên trên lợi ích của chính mình. Những người như vậy, họ làm việc bằng niềm đam mê và sự cống hiến nhiệt thành, chứ không phải qua loa lấy lệ vừa ý thượng cấp, hay chỉ vì chút lợi nhỏ trước mắt mình. Cũng bởi phẩm chất tốt đẹp này mà họ luôn được mọi người yêu mến và tin cậy.

Nhân viên tốt là dù làm ở bộ phận nào cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình (Ảnh minh hoạ: Shuttterstock).

Và nên nhớ, để trở thành một người nhân viên tốt, bạn hãy luôn nhắc nhở mình tránh xa 5 kiểu người như đã nói ở trên nhé!

Hiểu Mai / Theo: ĐKN