Cơm cháy - Món ăn dân dã nhưng lại là linh hồn của ẩm thực Ninh Bình
Cơm cháy chắc chắn là thức quà nổi tiếng nhất của vùng đất cố đô trong lòng du khách thập phương. Món đặc sản này không giống phần cơm bị cháy, có mùi khét như chúng ta vẫn thường liên tưởng. Để làm ra phần cơm này, người Ninh Bình thường lấy phần cơm ở gần cuối đáy nồi phơi dưới nắng cho khô, hạt cơm săn lại. Kế đó chiên trong chảo lớn ngập dầu để cơm có độ giòn đặc trưng, màu vàng đẹp mắt.
Cơm cháy Ninh Bình có màu vàng rất đẹp mắt.
Dành cho thực khách sành ăn thì cơm cháy trong ẩm thực Ninh Bình phải ăn kèm với ruốc thịt heo. Ruốc cũng được rang cho khô, sợi mỏng, trắng, dài hơi dai đẹp mắt. Mỗi miếng cơm cháy ruốc có thể chấm với một số loại nước sốt, nước thịt hầm, xì dầu, nước mắm hoặc tương ớt tùy khẩu vị.
Thịt dê - Đặc sản núi đá vôi
Ninh Bình nổi tiếng là nơi có nhiều núi đá kỳ vĩ, hùng vĩ đến đáng kinh ngạc. Chính nơi đây cũng đồng thời sản sinh ra những lứa dê có vị thịt ngon nhất cả nước. Theo chia sẻ, thịt dê của Ninh Bình ngọt, chắc và dai hơn hẳn so với dê nuôi ở đồng bằng. Đặc biệt, loại dê này được chăn thả tự nhiên trên núi, chủ yếu ăn cây cỏ tự nhiên nên sạch, an toàn cho sức khỏe.
Dê nuôi tại núi đá cố đô dai, chắc thịt hơn hẳn nơi khác.
Nếu muốn hiểu rõ về ẩm thực Ninh Bình, du khách nhất định phải thử món thịt dê tại đây. Có rất nhiều món ăn được chế biến từ thịt dê mà chúng ta có thể thưởng thức như thịt dê xào tái, dê áp chảo, sườn dê rán, dê hầm thuốc bắc, lẩu dê,...
Gỏi cá nhệch - Một món ăn đến từ vùng đầm phá Ninh Bình
Kim Sơn, Ninh Bình là vùng có nhiều cửa sông, đầm phá ven biển và là nơi có loại cá nhệch nổi tiếng. Khi đến vùng đất này, chắc chắn chúng ta phải thưởng thức món gỏi cá nhệch nổi tiếng. Tuy nhiên không phải lúc nào thịt cá nhệch làm gỏi cũng ngon. Những người dân địa phương sẽ đi bắt loại cá này vào đúng mùa mưa ngâu thì thịt mới trắng, bớt tanh. Cá sẽ được sơ chế và tẩm ướp rồi ăn sống.
Gỏi cá nhệch ăn chung với khác nhiều loại rau gia vị.
Cá nhệch đúng điệu thường ăn chung với thính rang làm từ gạo nếp, cuộn vào lá sung, lá đinh lăng hoặc lá mơ, chấm nước mắm sả, tiêu, gừng đặc biệt. Cắn miếng đầu tiên chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được cái tươi của cá, sự thơm bùi đặc trưng của các nguyên liệu ăn kèm.
Xôi trứng kiến - Vừa thơm, vừa dẻo lại vừa bùi
Xôi trứng kiến trong ẩm thực Ninh Bình khác với xôi trứng kiến ở vùng Tây Bắc hoặc Tây Nguyên. Trứng kiến là đặc sản của núi đá Nho Quan và phải được thu hoạch bởi chính tay người dân bản xứ. Chỉ những người này mới biết được đâu là chỗ trứng non ăn thơm, bùi nhất để đưa về chế biến thành món ăn.
Xôi trứng kiến ăn bùi bùi lạ miệng.
Bún mọc Kim Sơn - Đơn giản mà khó quên
Bún mọc chính là món bún chan nước lèo ăn chung với mọc. Thế nhưng không phải tự nhiên mà món ăn này trở thành đại diện tiêu biểu cho ẩm thực Ninh Bình. Trên thực tế, tất cả các nguyên liệu nấu món ăn đều đã được tuyển lựa kỹ càng. Ví như gạo phải xay, sàng cho kỹ để ra màu bún trắng đẹp mắt, thịt làm mọc nhất thiết phải là thịt bắp, không còn chút gân mỡ nào,...
Bát bún mọc đơn giản, dân dã nguyên bản của Kim Sơn.
Bún mọc Kim Sơn có cách ăn khá khác bình thường. Thực khách sẽ được phục vụ một đĩa bún, một bát nước dùng nóng hổi với mọc và đĩa rau sống nhỏ. Ăn đến đâu chúng ta sẽ lấy bún đến đó và dùng luôn khi còn nóng.
Bánh trôi - Thức quà giản dị của cố đô
Bánh trôi cố đô ăn ngọt ngào, thanh mát và hơi bùi bùi vị lạc khô. Nếu như nơi khác chỉ luộc chín bánh bằng nước sôi thì người Ninh Bình làm chín bánh trong nước lá cúc mốc và hoa bưởi. Vì lý do này mà bánh trôi có mùi hương đặc trưng, vị ăn bắt miệng hơn hẳn bình thường.
Bánh trôi Ninh Bình có hương hoa bưởi và lá cúc mốc.
Diệu Trần / Theo: Tasty Kitchen