Tuesday, November 23, 2021

YÊU NHAU NGHIÊNG GIẬU ĐỔ RÀO

Từ bao giờ người ta đã bớt làm những hàng rào cây quanh nhà? "Ăn theo thuở, ở theo thời", những ngôi nhà từ phố thị đến nông thôn ngày càng cổng kín, tường cao.


Đâu đâu cũng chỉ thấy những bức tường rào kín đặc, cao hun hút. Thỉnh thoảng may mắn lắm mới gặp những hàng rào hoa sắt uốn với những thiết kế mỹ thuật mô phỏng hoa lá cỏ cây. Hẳn chủ nhân ngôi nhà vẫn hoài niệm về bờ giậu bờ rào xanh mướt ấu thơ.

Nghĩ, người Việt mình yêu cỏ cây trời đất và mọi ranh giới đều mang tính tương đối mà thôi. Nên cái hàng rào cũng vậy, đâu hẳn để ngăn kẻ xấu nhòm ngó gì. Đôi khi chỉ để trâu bò xe cộ không húc bừa vào vườn nhà. Cái vách cây ấy làm dịu mắt nhọc nhằn những ngày nắng hạ. Nên mỗi đất mỗi kiểu, người quê mình làm hàng rào bằng cách trồng rất nhiều loại cây. Thậm chí thân cây sắn già người ta cũng làm hàng rào. Sau một trận mưa, rào, sắn nảy lên những đọt xanh nõn, trong vắt như pha lê…

Còn những bờ rào bằng những giống cây gì nữa nhỉ?

Phải rồi, hàng rào của Nguyễn Bính: 

"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi".


Ấy là tình làng nghĩa xóm. Hai nhà cạnh nhau, ăn chung cái giậu mồng tơi ấy. Trẻ con hai nhà vạch một lối sang nhà nhau chơi, đỡ phải chạy vòng. Chứ đang nấu cơm lại còn mải bổ quay, chuyền chắt để cơm khê không kịp chạy về thì thầy u cho ăn roi. Ai còn nhớ mực tím mùng tơi không nhỉ? Rồi người lớn cũng theo cái lối ngang ấy mà sang nhau uống nước chè, hút hơi thuốc, nói chuyện đất trời.

Cái tường rào giữa hai nhà ấy đôi khi lại là một luống chè uống chung. Nơi này là giàn mướp đắng. Chốn kia thì chỉ là một vạt thơm thảo húng quế, kinh giới, tía tô. Quê ngoại tôi ở Thái Bình. Cụ ngoại và cụ hàng xóm cùng chơi địa lan. Cụ xây một bậu tường hoa thâm thấp ở sân trước giữa hai nhà để các cụ bày chung, ngắm chung dãy chậu Mặc Lan quan giả ấy. Phía cuối là một luống rau ngót. Sau này tôi về quê, mọi thứ vẫn còn như xưa. Luống rau ngót vẫn còn và đã u sần như cổ thụ. Gốc to dễ bằng cổ chân.

Hình như trồng rào dễ đẹp nhất là cây duối thì phải. Cây duối lá cứng, cạnh lá có răng nhám, cứ xanh từ gốc lên đến ngọn. Các ông khéo tay thỏa sức xén tỉa những bức tường xanh phẳng lỳ hay những trang trí đẹp mắt khác. Hồi xưa, bọn con gái hay bẻ lá duối lấy nhựa tô vào móng tay cho bóng. Còn mấy anh mấy chú sắm được chiếc đồng hồ Ponjot cũ của Liên Xô cũng đánh bóng bằng nhựa duối này. Ấy là thời bao cấp.


Còn bây giờ, những hàng rào xanh vẫn còn nhiều nhất ở miền Trung. Ai về Tùng Ảnh, Hà Tĩnh mà xem… Những bức tường xanh hun hút. Những cổng cuốn vòm cũng lồng lộng xanh. Và những mái cây đua ra che mát đường xóm, dưới kê sẵn mấy cái ghế đá cho khách đi đường nghỉ chân. Hay mình về Phước Tích, mà mê mẩn đi giữa những hàng rào chè tàu xanh đằm duyên Huế. Mà ngắm mệ làm bánh cung đình. Mà nghe em hát Nam Bằng, Nam Ai. Rồi ngược ra xứ cây cảnh Nam Định với những rặng hàng rào rồng phượng mướt xanh. Lại xuôi miền Tây đầy nắng. Nắng như ngọc lung linh những vạt tường bằng bông giấy, bông trang rực rỡ.

Ấy là cầu kỳ. Nhưng thân thương thì nỗi nhớ quê không trật phát nào. Tôi nhớ hàng rào găng mình ạ. Chùm hoa tím như những bông bèo tây bé xíu. Chùm quả thì mọng chín màu cá vàng. Trẻ con chép miệng, nhìn ngon thế mà không ăn được rồi ước ao có thể bỏ mồm như quả duối quả mây. Rồi chặt ống tre lấy quả găng làm đạn bắn nhau.

Còn rào tre, rào trúc, rào hóp, rào tầm vông nhà ai? Những tay tre dây vươn dài, gai ơi là gai! Trung Thu, mấy chị em luộc nồi ốc, trải chiếu ra sân cho nhà "ăn ốc ngắm giăng". Mẹ bảo ra bờ rào cắt nắm gai tre nhể ốc. Cây bưởi sau nhà đã đổ mùa bão năm rồi. Bọn trẻ năm nay phải nhặt bưởi non nhà hàng xóm về đánh chuyền đánh chắt. Bộ que chuyền mẹ cũng vót từ tre bờ rào chơi thâu tối. Vằng vặc trăng quê.


Cũng trăng quê. Nhưng trăng trên xóm cát miền Trung thì khác. Trăng ánh li ti sáng trên rặng rào dương. Rào dương trên kín, dưới thưa. Ai phải lòng ai mà ghi vào nhật ký: 

"Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng? 
Không từ ân ái nhỡ nhàng,
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao!". 

Yêu mà nào đã ngỏ lời, nên chỉ ngắm từ xa. Em đi gánh nước đêm trăng, quần sắn quá gối về ngang qua nhà. Hắn nghiêng đầu xuống ngắm ra qua những gốc dương hàng rào. Trăng loang loáng sáng những nhịp bước ngà… "Đồ nhát gan, nói thì chẳng nói ngắm cái của nợ! O ấy đi lấy chồng rồi kìa!". Mẹ mắng rứa. Hắn thì… "Hôm nay mưa đã tạnh rồi/ Tơ không hong nữa, bướm lười không sang/ Bên hiên vẫn vắng bóng nàng/ Rưng rưng tôi gục xuống bàn… rưng rưng…". Sân đầy trăng buốt.

Bây giờ là mùa hoa mây nở. Bờ rào mây nhà ai ong bướm dập dìu. Những chùm hoa mây lấm tấm vàng tỏa một mùi hương dịu nhẹ riêng có. Quả mây xanh ăn chát xin xít. Chín già thì vẫn chát nhưng cho vị ngọt nên bọn trẻ con rất mê, đi học về là hè nhau tìm quả. Ăn xong thì cười phớ lớ vì mồm miệng đứa nào cũng xám xì xì. Bố khéo đan rổ rá nên quý bụi rào mây lắm. Ông thường vót lạt mây để cạp rổ rá nong nia. Vót lạt mây là phải vót lùi, tỉ mỉ lấn từng tí một, khác hẳn tước lạt tre. Xóm giềng ngắm rổ rá nong nia mà cứ nắc na nắc nỏm khen đẹp.


Ôi, còn những bờ rào cây khác nữa. Rào mâm xôi, lá như lá nho lá sồi phấn lông và mùa xuân thì quả quả đỏ chín dịu ngọt. Rào dứa dại tua tủa gai cho đất lắm trâu bò chạy. Rào xương rồng vùng cát, hoa trắng với đám quả vàng đỏ bằng ngón chân cái cho bọn trẻ Chăm tìm hái. Rào râm bụt đỏ thắp đèn lồng trước cửa nhà nho sinh. Mấy cô thiếu nữ mê "Anh bảo, hoa dáng như tim vỡ" của T.T.Kh thì ắt sẽ nao lòng trước những rào ti-gôn. Mà ti-gôn cũng lạ. Ai đã mê thì sẽ mê từ thiếu nữ đến lúc tóc bạc da mồi.

Ấy là yêu mơ yêu mộng. Chứ còn yêu nẫu yêu nồng thì phải "nghiêng rào đổ giậu" ấy cơ. Đêm trăng nào ai xô ai đổ cả rào bìm bìm hoa tím đêm "Tháo khoán" hội "Nõ Nường". Hôm sau đi qua nhìn cái rào đổ cứ tự ngượng đỏ mặt chứ ai biết đâu. Kìa, tủm tỉm cười một mình thế kia là hư lắm đấy! Hội "Lình tình phộc" ấy đã "dung túng" cho bao phận trai gái thương nhau mà do hoàn cảnh không cưới được mà se duyên nhau. Ông Nõ bà Nường phán, chúng mày cứ "chiến" đi, cố đẻ với nhau một đứa con rồi về ở với nhau, bao nhiêu tội vạ phong kiến bọn tao chịu hết! Có người ở đâu nhiều định kiến khuôn thức như người Việt mình? Và cũng có người ở đâu bao dung, lượng thứ cho nhau như người Việt mình?

Sau cái đêm "nghiêng rào đổ giậu" ấy, hắn bặt tăm mấy tháng. Rồi cứ thế thui lủi đến ngày nôn khan, thèm quả mây, thèm hoa ti-gôn, thèm quả mâm xôi, thèm quả duối. Rồi lại thèm "ông đầu rau", thèm bếp nhà, thèm mẹ, thèm cha, thèm người phải là chồng nữa. Ôi chao! Đố ai cắt nghĩa truân chuyên (?!)

Gái ốm nghén nằm liệt mấy ngày. Cha thương ra bờ rào mơ lông tía hái nắm lá về thái nhỏ rán với trứng gà cho ăn. Bảo: "Chờ thằng ấy về, tao cho mảnh đất cuối làng, dựng cái nhà mà ở với nhau. Mày thì tao cho không. Khỏi cưới!". Gái nhỏm dậy, khỏi ốm. Hắn trở về, dâng một lễ mọn lên ban thờ nhà gái. Thế thôi mà ăn đời ở kiếp với nhau. Ngày hắn đón gái về, bờ rào bìm bìm đương độ phơi phới hoa, tím biếc.


Rào cây nên thưa. Rào thưa, thế nên đôi khi có những con gà chạy lạc khắp xóm. Và cũng đôi khi gà đi không về. Con gà của nhà nào hiền lành nhường nhịn thì thôi. Chứ gà của nhà những bà "thần Đanh đỏ mỏ" thì "…Nó ở nhà bà nó là con loan con phượng, nó sang nhà mày nó là con quạ đậu đầu giường, con cú đậu đầu hồi, con diều hâu bay dọc tầu nóc…". "Bà chửi thằng ngồi chiếu ngang, thẳng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế bình hương…".

Tức là bà chửi cu ti củ tỉ, chửi nát tông môn dòng họ nhà nó đấy! "Thâm! Văn chửi xuất chúng!", ông hàng xóm nắc nỏm khen. Hôm sau ông hỏi vọng qua hàng rào: "Hôm nay bà không chửi nữa à? Bà ra hàng hiên, rõng rạc: "Hôm nay Chủ nhật, bà nghỉ, mai thứ Hai bà chửi tiếp", rồi nguây nguẩy bỏ vào nhà. Cả xóm cười ngả nghiêng. Bà cũng cười ngặt nghẽo, khoe hàm răng đen nhanh nhánh, bảo với con cháu: "Bà chửi là để khoe văn chửi chứ tiếc gì con gà. Chắc nhà đứa nào nó đói. Chúng mày hỏi dò xem rồi đem cho nó thúng gạo". Xóm giềng là thế. Thương nhau nghiêng giậu đổ rào…

Giá đừng có giậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng

Và ai còn chút thương, chút nhớ gì không?

Nguyễn Anh Vũ / Theo: A.N. Online



No comments: