Vitaa & Slimane hát lại ca khúc Cánh Thuyền Trong Gió-Sous le Vent. AFP/Valery Hache
Từ giai điệu bất hủ ''Aline'' (Gọi tên người yêu) của Christophe cho tới bài ''Hélène'' của Roch Voisine, nhìn chung thế hệ nghệ sĩ thời nay đã tuyển chọn các nhạc phẩm từng tạo ra nhưng cột mốc quan trọng trong làng nhạc Pháp suốt nửa thế kỷ vừa qua, trong đó có những tình khúc mùa hè của phong trào nhạc trẻ những năm 1960 (kể cả France Gall và Hervé Vilard) cho tới những giai điệu thịnh hành đầu những năm 2010, chẳng hạn như ca khúc Formidable (2013) của danh ca Stromae, vừa xuất hiện trở lại dưới ánh đèn sân khấu sau 6 năm vắng bóng. Về phía hai nghệ sĩ Vitaa và Slimane, được xem như ban song ca thành công nhất trong hai năm vừa qua, hai ca sĩ này đã ghi âm lại bản "Sous le Vent'' (Cánh thuyền trong gió) từng ăn khách trước đây qua hai giọng hát thần tượng Céline Dion và Garou. Đây là cơ hội cho Vitaa & Slimane chứng minh một lần nữa sự ngưỡng mộ tuyệt đối của họ đối với hai nghệ sĩ người Canada.
Đây không phải là lần đầu tiên nền tảng âm nhạc trực tuyến Deezer của Pháp thực hiện các dự án ghi âm tập thể theo chuyên đề. Hồi mùa hè năm trước, Deezer đã phát hành ''Souvenirs d'Été'' (Những kỷ niệm mùa hè). Còn trong năm nay, có đến hai tập ''Souvenirs d'Enfance'' (Những kỷ niệm tuổi thơ) được cho xuất bản, tuyển tập đầu tiên vào mùa xuân, còn tập thứ nhì vừa được trình làng hồi trung tuần tháng 10/2021. Các dự án thu thanh này nằm trong chiến lược của Deezer, khai thác thế mạnh của mình là bộ sưu tập nhạc Pháp hầu phát hành những nội dung gốc, cạnh tranh lại với các nền tảng trực tuyến quan trọng khác (như Spotify, YouTube, Amazon Music, Tidal ….) Điều đó không có nghĩa là giới nghệ sĩ Pháp không thích hát nhạc pop Anh Mỹ. Trên danh sách playlist của Deezer, có hẳn những ca khúc thịnh hành những năm 1980 và 2000, chẳng hạn như ''Heart of Glass'' của Blondie hay ''Hung Up'' của Madonna, qua lối trình bày của ca sĩ Faouzia.
Souvenirs d’enfance: phát hành trên Deezer vào ngày 12 tháng 10 năm 2021
''Những kỷ niệm tuổi thơ'' cũng có ý muốn truyền đạt và tiếp nối một phần di sản nhạc Pháp cho các thanh niên mới lớn thời nay, rất nhiều bạn trẻ khám phá lại Piaf, Brel, Brassens, Ferré hay Dalida không phải qua các bản nguyên tác mà là qua lối trình bày hay diễn đạt lại của các nghệ sĩ đương thời. Bằng chứng là trong các bản hòa âm mới, các nghệ sĩ hip hop Pháp đã đưa một chút âm thanh thành thị (urban sound) vào trong các khúc nhạc tình ăn khách từ nhiều thập niên trước. Dù được phối lại theo thể điệu gì đi chăng nữa, để cho giới trẻ dễ tiếp cận, sáng tác trước hết cần có giai điệu nhẹ nhàng du dương, nhịp điệu lôi cuốn vấn vương.
Trong số các phiên bản ghi âm cho dự án ''Souvenirs d' Enfance'' (Những kỷ niệm tuổi thơ), đáng chú ý hơn cả là trường hợp của Kendji Girac với nhạc phẩm ''La Gitane'' (Cô gái du mục). Bài hát này lần đầu tiên lập kỷ lục số bán trên thị trường Pháp vào năm 1988, qua tiếng hát của Félix Gray ca sĩ người Pháp gốc Tunisie. Sau một thập niên ăn khách nhờ vào giọng hát của mình, Félix Gray (65 tuổi) sau đó thành công chủ yếu nhờ soạn nhạc kịch hay sáng tác bài hát cho các nghệ sĩ khác (chủ yếu là cho Patrick Bruel với ca khúc ''Le Café des Délices'').
Về phần Kendji Girac (25 tuổi), anh thành danh nhờ đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình The Voice năm 2014 (mùa thứ ba) và tính đến nay anh đã cho ra mắt 4 album phòng thu. Lần đầu tiên, Kendji được nghe bài hát ''La Gitane'' (Cô gái du mục) của Félix Gray năm anh mới 8 tuổi. Bản nhạc gây nhiều ấn tượng với cậu bé, phần lớn cũng vì anh sinh trưởng trong cộng đồng người du mục ở miền Nam nước Pháp, vào thời bấy giờ ngoại trừ nhóm Gipsy Kings, thì ít có ai thành công với thể loại rumba flamenco hòa trộn với nhịp điệu pop la tinh.
Tuy không xuất thân từ cộng đồng du mục, nhưng ca sĩ kiêm tác giả Félix Gray đã thành công trong việc sáng tác một trong những giai điệu tiếng Pháp trở nên cực kỳ quen thuộc với cộng đồng này. Đã từ lâu, Kendji hy vọng có dịp ghi âm lại bài hát này theo thể điệu sở trường của anh là ''gypsy pop''. Nhờ vào dự án ''Souvenirs d'Enfance'' (Những kỷ niệm tuổi thơ) của mạng âm nhạc Deezer, nhiều ca sĩ Pháp hiện thời đều có thêm cơ hội vinh danh các tác giả đàn anh, sân chơi âm nhạc cũng đủ rộng để cho giới nghệ sĩ thỏa mãn khát vọng.
Tuấn Thảo / RFI Tiếng Việt