Tuesday, March 31, 2020

TRUYỀN THUYẾT VỀ LOÀI HOA CẨM TÚ CẦU

Khi những cơn mưa mùa hè Nhật Bản bắt đầu rơi, cũng chính là lúc báo hiệu cho sự nở rộ của một loại hoa kiều diễm đa sắc màu. Đó là hoa Cẩm Tú Cầu, loại hoa tượng trưng cho sự chân thành trong tâm thức của người Nhật.

Khi những cơn mưa của mùa hè Nhật Bản bắt đầu rơi xuống cũng là lúc loài hoa Cẩm Tú Cầu khoe sắc

Hoa Cẩm Tú Cầu bắt đầu nở rộ vào tháng 6. Hoa nở khắp nơi từ khu vườn nhỏ phía sau nhà, cho đến công viên ngay trước cửa, thậm chí khắp dọc lối của đường ray tàu lửa hay những khu vực đền chùa linh thiêng. Hương sắc của hoa bao trùm cả không gian khiến ai nấy đều choáng ngợp, tuy nhiên với việc trồng hoa có kế hoạch và theo khuôn mẫu nên những khóm hoa này nở theo hàng rất trật tự, tạo nên một lối đi thơ mộng. Cộng thêm sự đổi màu đầy ấn tượng đã khiến cho loài hoa này trở nên cuốn hút hơn trong mắt du khách.

Hoa nở khắp nơi từ khu vườn nhỏ phía sau nhà, cho đến công viên ngay trước cửa 

Lý giải cho hiện tượng này là về yếu tố sinh học, màu sắc của hoa cẩm tú cầu phụ thuộc vào độ pH của đất, mà từ đó có các gam màu hồng, xanh, tím, trắng khác nhau. Đấy là một nét đặc trưng mà không phải loài hoa nào có được.

Tùy thuộc vào độ pH của đất, mà hoa cẩm tú cầu có các gam màu hồng, xanh, tím, trắng khác nhau

Ngoài được biết đến là loài hoa tượng trưng cho mùa hè ở Nhật Bản thì hoa cẩm tú cầu còn là đại diện cho sự chân thành. Điều này được bắt nguồn từ một truyền thuyết của người Nhật Bản. Thuở xa xưa có một vị thiên hoàng đã sử dụng một bó hoa cẩm tú cầu gửi đến gia đình người con gái ông yêu như một lời xin lỗi. Cũng từ đó, người dân xem những bông hoa này đại diện cho một tình cảm chân thành, dù đó là một niềm vui hay nỗi buồn.

Hoa cẩm tú cầu là sự gắn kết giữa những bông hoa nhỏ, từng bông gộp lại với nhau thành chùm hoa to, tròn, xòe đều cánh. Với những màu sắc tươi mát làm dịu đi hẳn sự ảm đạm của mùa mưa mang đến.

Từng bông gộp lại với nhau thành chùm hoa to, tròn, xòe đều cánh

Trong tiếng Nhật, hoa cẩm tú cầu có tên gọi là Ajisai. Dù có mặt ở nhiều nơi nhưng loài hoa này được trồng nhiều nhất là tại các khu vườn ở các ngôi đền của Nhật Bản. Trong số đó, ngôi đền Meigetsuin (Minh Nguyệt Viên) ở thành phố Kamakura (tỉnh Kanagawa) được đánh giá là nơi thưởng hoa Ajisai tuyệt nhất vào mùa mưa. Cũng chính vì điều này mà Meigetsuin còn được biết đến với cái tên là "Ajisaidera", nghĩa là "đền tú cầu".

Ngôi đền Meigetsuin ở thành phố Kamakura được đánh giá là nơi thưởng hoa Ajisai tuyệt nhất

Khi mùa hoa cẩm tú cầu đến, từ khu vực phía xa khắp dọc hai bên đường cho đến khu vực gần hơn là các bậc đá dẫn lên đền bao quanh đều là hoa tú cầu. Những dải hoa trải dài khoe sắc thắm tạo một lối đi tuyệt hảo, dù ở bất cứ góc độ nào cảnh sắc hoa cẩm tú cầu nơi đây cũng có thể giúp du khách để lại cho mình một kiệt tác nghệ thuật.

Những dải hoa trải dài khoe sắc thắm tạo một lối đi tuyệt hảo

Hoa cẩm tú cầu có rất nhiều màu sắc, nhưng phần lớn hoa cẩm tú cầu ở đây có màu xanh dương nhạt, màu tượng trưng cho giống hoa “Hime Ajisai”. Những cánh hoa này có màu đậm hơn khi mưa nhiều rồi phai dần và rụng khi bước sang tháng 7. Sự cổ kính đầy huyền bí của ngôi đền Meigetsuin kết hợp với màu xanh biếc, lẫn chút sắc trắng tinh khôi hòa cùng chút gió nhè nhẹ từ đất trời khiến cho tâm hồn của những ai dạo bước nơi này đều trở nên thư thái và tươi tỉnh hẳn.

Sự cổ kính đầy huyền bí của ngôi đền Meigetsuin kết hợp với màu xanh biếc tạo thành khung cảnh như trong câu chuyện cổ tích 

Một trải nghiệm ngắm hoa cẩm tú cầu vô cùng đặc sắc mà du khách không thể bỏ lỡ vào mùa này, chính là ngồi tàu điện cáp treo qua núi tại Hakone, chuyến tàu có tên gọi là Ajisai Densha, nghĩa là “tàu điện hoa cẩm tú cầu” thuộc bộ phận quản lý của công ty đường sắt Hakone Tozan.

Từ trên tàu, du khách có thể chiêm ngưỡng những khóm hoa cẩm tú cầu đang nở dọc hai bên đường, rồi theo từng độ cao mà hoa có sự chuyển đổi màu sắc vô cùng ngoạn mục

Từ trên tàu du khách có thể thỏa sức chiêm ngưỡng những khóm hoa cẩm tú cầu đang nở dọc hai bên đường, rồi theo từng độ cao mà hoa có sự chuyển đổi màu sắc vô cùng ngoạn mục. Trong khoảng thời gian này, tuyến đường sắt còn trang trí thêm đèn để phục vụ sự thưởng lãm hoa cẩm tú cầu về đêm của du khách.

Một địa điểm ngắm hoa cẩm tú cầu nổi tiếng khác mà du khách không thể bỏ lỡ chính là Kyodo no Mori. Đến với đây du khách sẽ chìm đắm trong hương sắc của 10.000 cây hoa cẩm tú cầu đang thi nhau bung nở. Thêm vào đó, vẻ đẹp từ những công trình cổ kính như nhà ở, trường học, bảo tàng thì càng tôn lên thêm sức hút, sự quyến rũ cho hoa cẩm tú cầu.

Chìm đắm trong hương sắc của 10.000 cây hoa cẩm tú cầu đang thi nhau bung nở

Ngoài các địa điểm đã được kể trên, để ngắm hoa cẩm tú cầu, du khách còn có thể ghé thăm những địa điểm nổi tiếng khác như: Vườn thực vật thành phố Kobe, với hơn 50.000 khóm hoa cẩm tú cầu thuộc 350 chủng loại tha hồ cho du khách tìm hiểu. Công viên Toshimaen nơi diễn ra lễ hội hoa cẩm tú cầu Nhật Bản với hơn 150 loại khác nhau được lai tạo đầy màu sắc. Đền thần Hakusan và công viên Hakusan,....

Nhật Bản luôn là điểm đến cho những ai yêu thích giá trị truyền thống cổ xưa thông qua các đền chùa và làm đắm say lòng người qua những mùa hoa. Hãy cùng khám phá hành trình đầy thú vị và đặc sắc này vào mùa hoa cẩm tú cầu, mùa của những loài hoa bung tỏa tại xứ sở Phù Tang.

Theo: VYC Travel



TRẦM MẶC MỘC THÁP CHIỀU MƯA CÔ LIÊU

Gió mưa tơi bời. Tháp xưa u tịch. Leo lên tháp cao dõi tìm Hằng Sơn nhưng có gì đâu ngoài màn nước trắng trời. Trong gió mưa vần vũ, ngỡ như vẳng tiếng vó ngựa chàng Tiêu Phong xưa vọng về…


Chùa Huyền Không trên núi Hằng Sơn, ngọn núi được nhiều người biết đến trong tưởng tượng qua Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Ảnh: TL

Tôi xuống Đại Đồng bữa từ Mông Cổ về.Từ miền nắng trong veo, thảo nguyên khoáng đạt, chùng lòng với bên này trời xám xịt vần vũ mây. Đích đến chính là Vân Cương Thạch Động, Huyền Không Tự… danh tiếng, nhưng chưa đi vì “save the best for the last”. Không phải học đòi theo cao ý ông Obama khi trả lời phỏng vấn về chuyến thăm nước Việt trễ tràng, thường trên đường lang bạt tôi hay ghé mấy chỗ tiếng tăm sau cuối vì sợ sẽ ơ hờ với mấy nơi kém cạnh sắc hương – vì đã từng. Nên nhảy buýt đi Mộc Tháp trước, cũng không trông mong gì vì rất ít thông tin trên mạng.Để ngỡ ngàng, lần khân miết chốn xa ngái vắng tanh lạnh teo… mãi chẳng muốn rời.


Phút hiếm hoi nước ngưng đổ, Mộc Tháp chợt bừng sáng, với sự hỗ trợ của phướn cờ và đám cây lá mùa đông đang chuyển sắc.

Rủi xui chìm lỉm ở miền lắm danh thắng

Xa ngái miền Hoa Bắc giáp với Nội Mông, thành Đại Đồng (Datong), tỉnh Sơn Tây (Shanxi) ít người Việt biết tới lại khá nổi tiếng với các nhà khoa học, khảo cổ. Phố thị Bình Thành đã ra đời từ thời Hán, cuối thế kỷ 3 Tr.CN. Chiến bại lừng danh của Hán Cao Tổ trước người Hung Nô trong trận Bạch Đăng đi vào chính sử xảy ra ở chính Bình Thành trong năm 200 Tr.CN. Miền cửa ngõ có thành Vạn lý ngang qua, điểm dừng quan trọng các đoàn lữ hành trên cung thương mại Trung Nguyên – Mông Cổ, nhiều dấu ấn quan trọng văn hoá lịch sử được lưu giữ lại đây. Trong đó, Vân Cương với các kiệt tác cổ điển kiến trúc Phật giáo đã được xếp vào nhóm bốn hang động nổi tiếng nhất đất Trung Nguyên, bên cạnh Đôn Hoàng, Long Môn, Mạch Tích.

Ngoài danh động lừng lẫy, Đại Đồng còn kha khá địa danh nổi tiếng. Như núi Hằng cùng ngôi chùa treo cổ có thực Huyền Không Tự được Kim Dung thi vị hoá tài tình trong pho Tiếu ngạo giang hồ một thời khuấy đảo võ lâm… Ngay cả Mộc Tháp, dù ít được nghe nhưng bữa đó gió mưa bời bời tôi vẫn lần mò tìm tới chỉ vì tình cờ đọc biết người xây nên, Liêu Đạo Tông. Thoạt nghe lạ hoắc, nhưng khi biết đó là niên hiệu vị huynh đài kết nghĩa Gia Luật Hồng Cơ của chàng Tiêu Phong kiêu bạc người Khiết Đan, là lật đật dò đường đi nước bước. Hai chuyến xe buýt, một quãng dài lội bộ, mưa bay gió cuốn mù trời mới tới được với danh tháp trầm mặc vắng yên, mà có lẽ tôi là du khách duy nhất buổi chiều sũng ướt đó.


Một trong những danh động nổi tiếng của thành Đại Đồng. Ảnh: TL.

Trầm mặc tháp xưa bữa gió mưa mịt mù

Hơi trúc trắc khi tìm thông tin về Mộc Tháp (Muta) nguồn cơn từ việc chăm chăm dò guidebook, web tiếng Anh. Vì tháp chỉ là phần nhỏ của một ngôi chùa lớn nhưng tài liệu Anh ngữ lại ít đề cập.Tới khi biết được tên chùa, lại lớ ngớ tiếp vì đã mấy bận đổi tên. Lúc mới xây là Bảo Cung Tự, rồi đổi thành Phật Cung Tự… Còn tháp thì khi Mộc Tháp khi Thích Ca Tháp… Cả địa danh tháp toạ lạc.Dù dễ đến hơn từ Đại Đồng, tháp lại không thuộc Đại Đồng, mà thuộc về huyện Ứng, thành phố Sóc Châu.Rắc rối thiệt.

Lần mò, té ra tháp được nhắc kha khá trong sách vở Phật giáo Việt. Xây dựng năm 1056 thời nhà Liêu với tuyền thiết mộc, kiến trúc gỗ cổ xưa nhất, cao lớn nhất Trung Nguyên suốt thời gian dài này cho tới nay vẫn sừng sững là mô hình nhiều đền chùa phỏng theo, kể cả bên mình. Toà tháp bát giác thanh thoát nhìn thoáng chỉ thấy năm tầng do chỉ năm mái, nhưng thực tế đến chín tầng, cao 67,3m đã đứng vững qua nhiều trận động đất, có đợt kéo suốt bảy ngày, nhờ vào kết cấu đặc biệt của lớp cột trụ kép cả trong lẫn ngoài, với các rầm chia tán lực, giá đỡ… vừa chắc chắn vừa linh động. Là biểu tượng của sự kết hợp tài tình giữa kết cấu kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc, ngôi tháp gỗ cao lớn được làm mềm bởi chạm khắc, hoạ trổ chi li, xảo diệu. Không chỉ vậy, những pho tượng, bích hoạ tinh tế, đẹp đẽ bên trong càng tôn thêm giá trị cho bảo tháp. Nhất là pho tượng Thích ca Mâu ni cao 11m ở chánh điện tầng trệt, là lý do chùa được thay tên Phật Cung Tự, được phụ hoạ bởi nhiều chư Phật, Bồ tát, Phi thiên dáng thanh nhã nét cao quý…


Thú đau thương một chiều đông lạnh gió mưa giá rét, độc ẩm, độc thực chỉ những chén ly buốt ngọt vơi đầy là bạn đường.

Tôi rị mọ tới trúng bữa gió mưa tơi bời. Tháp ngàn năm tuổi đậm màu thời gian càng trầm mặc cô tịch. Một mình lang thang Phật Cung Tự thênh thang, leo lên Mộc Tháp mong thấy Hằng Sơn như đọc được, nhưng có gì đâu ngoài một màn nước trắng trời. Tụt xuống băng mưa qua quán vắng tanh độc ẩm, độc thực chờ ngơn ngớt nước để lội ra đường lớn đón buýt. Trong cái lạnh buốt cả trong lẫn ngoài – có công sức của mấy chai Thanh Đảo (Tsingtao) buốt ngọt, nhìn Mộc Tháp u tịch loáng thoáng bên kia màn mưa càng cô liêu. Trong tiếng gió mưa vần vũ, tưởng nghe đâu đây vó ngựa chàng Tiêu Phong cùng nghĩa huynh quốc vương nước Liêu xưa vọng thời gian về.Ra đi lòng khá bùi ngùi.Có còn duyên nào còn gặp lại nhau không Mộc Tháp?

Thái Hoãn

Monday, March 30, 2020

LĂNG MỘ BỊ LÃNG QUÊN Ở ĐÀ LẠT

Hôm nay xem "Challenge Me" mới biết ở Đà Lạt có một khu lăng mộ bề thế rộng lớn nhưng bị bỏ hoang xuống cấp trầm trọng, lăng mộ của Long Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào cha của Nam Phương Hoàng Hậu. Dường như người ta biết nhiều về khu "Đồi Thông Hai Mộ" hơn là khu di tích này. Tôi sẽ post clip video của Challenge Me phía dưới, còn bây giờ mời các bạn đọc một bài viết về nhân vật và khu lăng mộ này.(LKH)


Bí Ẩn Lăng Mộ Quận Công Nguyễn Hữu Hào

Ngay cả những người đã sống lâu năm ở Đà Lạt, cũng mấy ai biết rằng phía Tây Nam của thành phố này, có một quần thể lăng mộ tráng lệ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, cha ruột Nam phương Hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan, tức quốc trượng Hoàng đế Bảo Đại – Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.


Ông Nguyễn Hữu Hào quê huyện Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, vốn sinh ra trong một gia đình khá giả. Từ nhỏ ông đã được cha mẹ nuôi cho ăn học tử tế ở các trường Tây và có bằng Tú tài. Ông được xem là người nhạy bén với thời cuộc, có kiến thức sâu rộng về hoạt động kinh doanh và chí làm giàu. Cuộc đời ông chỉ thực sự đổi thay sau khi lấy vợ. Đến tuổi lập gia đình, ông Hào cưới bà Lê Thị Bính về làm vợ. Gia đình bà Bính thuộc diện giàu nhất đất Nam kỳ, là con gái diệu của đại điền chủ huyện sĩ Lê Phát Đạt. Theo các tài liệu còn lưu lại, chỉ tính riêng quận Long Mỹ, tỉnh Lạch Giá (nay thuộc Cần Thơ), vào năm 1928 gia đình ông Nguyễn Hữu Hào đã có hơn 1.000 mẫu ruộng. Sau khi lập gia đình, được sự hậu thuẫn từ phía nhà vợ, ông Nguyễn Hữu Hào không ngừng mở rộng đất đai, đồn điền trồng lúa, cao su… ở các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên, trong đó có Đà Lạt. Vợ chồng ông Hào sinh được hai người con gái, là Agnès Nguyễn Hữu Hào và cô em là Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan. Trưởng nữ Agnès Nguyễn Hữu Hào sau đó được gã cho Nam tước Pierre Didelol, bấy giờ đang giữ chức Khâm mạng Hoàng triều cương thổ (thuộc các tỉnh Tây Nguyên ngày nay). Thứ nữ Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan là người có nhan sắc hơn người, thông minh, học rộng, có bằng Tú tài toàn phần năm 18 tuổi, thuộc diện nữ giới học cao bậc nhất đất Nam kỳ bấy giờ. Trước tài sắc toàn diện của Nguyễn Hữu Thị Lan, cô được một số viên chức người Pháp thân cận với hoàng đế Bảo Đại chọn để cho tiếp cận, làm quen với nhà vua.


Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, vị Hoàng đế trẻ tuổi này đã “say nắng” trước nhan sắc và tài hành lễ theo nghi thức cung đình của Nguyễn Hữu Thị Lan. Bảo Đại nhanh chóng mê mẫn trước sắc đẹp thùy mị của Nguyễn Hữu Thị Lan. Thậm chí, trước khi nhận lời cưới Hoàng đế, Nguyễn Hữu Thị Lan còn ra 4 “điều kiện” với Bảo Đại, trong đó có việc phải phong Hoàng hậu cho cô ngay sau lễ cưới. Đây là điều mà trong các vị vua trước đó dưới triều đại nhà Nguyễn chưa từng có tiền lệ. Thông thường, việc phong Hoàng hậu chỉ được thực hiện sau khi người đó đã qua đời. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Thị Lan đề nghị được giữ nguyên đạo Thiên chúa, Bảo Đại vẫn theo đạo Phật và được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau, giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai được bắt buộc ai về tôn giáo. Đây cũng là điều chưa từng có tiền lệ. Ngày 6-2-1934, tại điện Kiến Trung trong Hoàng thành Huế, đã diễn ra lễ cưới của Nguyễn Hữu Thị Lan và vị Hoàng đế cuối cùng của xã hội phong kiến Việt Nam. Sau khi phong Nguyễn Hữu Thị Lan là Nam phương Hoàng hậu, 3 năm sau, ngày 30-7-1937, Bảo Đại phong tước quốc trượng Nguyễn Hữu Hào là Long Mỹ Quận công. Nửa tháng sau ông Nguyễn Hữu Hào qua đời ở Đà Lạt. Bà Lê Thị Bính cũng được nhà vua phong tước Nhị phẩm phu nhân.


Sinh thời, ông Nguyễn Hữu Hào rất yêu mến vùng đất này, gia đình ông cũng đã cho người làm khai khẩn hàng trăm hecta đất, lập nên những trang trại cà phê, chè, rộng lớn tại vùng Xuân Trường, Trạm Hành và trung tâm TP Đà Lạt ngày nay. Nhiều dinh thự có vị trí đẹp tại Đà Lạt cũng đã được Bảo Đại mua lại từ các quan chức năng Pháp, trong đó nổi tiếng nhất là dinh I, II và III (nay trở thành điểm tham quan). Ông Nguyễn Hữu Hào thể hiện sự giàu có bằng việc mua lại hoặc cho xây dựng những căn biệt thự tráng lệ tại Đà Lạt. Tiêu biểu bậc nhất là căn biệt thự sang trọng, uy nghi trên một quả đồi thông hướng về phía hồ Xuân Hương, nay thuộc đường Hùng Vương, TP Đà Lạt. Sau đó, căn biệt thự này được vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào tặng con gái Nguyễn Hữu Thị Lan với tên gọi là Cung Nam phương Hoàng hậu. Bây giờ cung biệt thự này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lâm Đồng và vẫn còn nhiều đồn đại về một đường hầm thoát hiểm từ căn biệt thự dẫn ra rừng thông phía sau.


Lại nói về Quận công Nguyễn Hữu Hào, những tháng năm cuối đời, vợ chồng ông hầu như chỉ sinh sống ở Đà Lạt mà ít khi trở về quê nhà Gò Công. Mặc dù quê gốc ở Nam bộ nhưng quốc trượng của vua Bảo Đại lại có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt. Bởi vậy, sau một thời gian ông Nguyễn Hữu Hào lâm bệnh, biết khó có thể qua khỏi, ngoài việc gấp rút phong tước Long Mỹ Quận công, Hoàng đế Bảo Đại và Nam phương Hoàng hậu đã mời nhiều cao nhân phong thủy tìm vị trí đặt lăng mộ cho quốc trượng sau khi qua đời. Đỉnh một quả đồi cao phía Tây Nam, đối diện với thác Cam Ly, nay thuộc phường 5, TP Đà Lạt được Nhà vua và Hoàng hậu lựa chọn. Ngày 13-9-1937, ông Nguyễn Hữu Hào mất và được Bảo Đại cho an táng theo nghi thức tước Quận công. Tổng thể khu lăng mộ được xây dựng liên tục trong 4 năm, đến ngày 10-9-1941 thì hoàn thành. Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào là công trình kiến trúc tráng lệ, uy nghi, tọa lạc tại một vị trí được coi là đắc địa, cao điểm long mạch, cổng trước hướng về trung tâm TP Đà Lạt.


Ngày nay, khu lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào vẫn là điều bí ẩn, thậm chí xa lạ đối với nhiều người, ngay cả những người đã từng sống lâu năm ở Đà Lạt. Một phần vì khu lăng mộ bị bao phủ, che khuất bởi rừng thông, phần vì nhà chức trách địa phương chưa thực sự quan tâm tới khu di tích lịch sử, văn hóa này. Hằng ngày, khu lăng mộ đìu hiu lạnh tanh không hương hỏa và có những dấu hiệu bị xuống cấp. Chuyện kể rằng, sau năm 1975, nhiều người dân sinh sống trong vùng đã vào gỡ lớp đá lát quanh lăng đem về làm đường. Bia đá được cho là của Nam Phương Hoàng hậu tạc để ghi nhớ công ơn Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào cũng bị đào tung. Tuy nhiên, do bia đá quá lớn và nặng nên chỉ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu vài chục mét rồi bỏ đó đến mấy chục năm sau. Thậm chí, có tin đồn đại rằng đã có người cạy phá lăng Long Mỹ Quận Công để tìm, trộm cắp châu báu? Khoảng sau năm 1990, một doanh nghiệp du lịch, đơn vị được nhà chức trách giao trông coi, quan lý khu khu di tích này đã tiến hành cải tạo, trùng tu và di chuyển tấm bia đá cố định về chỗ cũ.


Tổng thể khu lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào được xây dựng khá bề thế, uy nghi trên đỉnh một quả đồi thông với diện tích khoảng 4ha. Trước cổng lăng, dưới chân đồi thông được dựng 4 trụ biểu cao, trên đỉnh gắn hình bông sen và hai con chó ngao cách điệu. Lối lên lăng được xây dựng thành đường thẳng, có độ dốc thoai thoải vừa phải, bao gồm 158 bậc. Trước khi vào chính lăng, nơi đặt mộ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào và Nhị phẩm phu nhân Lê Thị Bính, phải qua một sân tế, sau đó dẫn lên sân chầu bằng 13 bậc và xuống bằng một lối khác cũng có 13 bậc. Để vào chính lăng phải tiếp tục qua 20 bậc nữa, đây cũng là lối lên xuống duy nhất. Mộ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính được tạc bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn thể hiện sự quyền uy, giàu có. Hai ngôi mộ được đặt song song, cao hơn mặt nền khoảng 30cm trong một tòa lăng được xây dựng theo lối kiến trúc phản phất dấu ấn cung đình Huế, có mái vòm và cây thánh giá trên đỉnh. Chính giữa hai ngôi mộ là một bàn cúng cũng được tạc bằng đá xanh. Đáng tiếc, sau năm 1975, một số người đã kéo tới cạy gỡ, lấy mất bặt bàn bằng đá mà chỉ còn lại hai chân. Sau khi trùng tu, đơn vị chủ quản buộc phải đúc một mặt bàn bằng xi măng để thay thế. Trên khu lăng mộ của ông Nguyễn Hữu Hào hiện còn hai văn bia được tạc trên đá xanh do hai người con gái của ông tạo lập nhằm truy niệm công đức sinh thành của đấng thân sinh.


Bia thứ nhất đặt phía sau lăng, trong nhà bia hình tháp có bốn mái. Bia có chiều cao 2,45m, chiều rộng 1,43m, trán bia dày 26cm, thân bia dày 20cm. Trên văn bia có tất cả 215 chữ. Theo tác giả Hà Đình Nguyên, trên mặt bia này có 5 từ khắc đài là “Hiền khảo”, “Tiên nghiêm”, “Thiên tử”, “Thiên chúa” và “Bảo Đại”. Hai chữ “Thiên tử” được khắc đài cao hơn các chữ khác. Bia thứ hai có chiều cao 2m, trán bia rộng 1m, dày 26cm, thân bia rộng 80cm, dày 20cm. Nội dung cũng giống như văn bia thứ nhất nhưng khắc theo thể Khải thư, có một vài chữ theo thể Lệ thư, được dựng ở trước sân chầu của lăng mộ. Văn bia này cũng có 215 chữ, khắc theo hàng dọc từ phải sang trái nhưng được phân thành 16 hàng, khắc đài bốn chữ “Hiền khảo”, “Thiên tử”, “Bảo Đại”, “Thiên chúa”. Cũng theo ông Hà Đình Nguyên, nội dung của hai văn bia này chia làm bốn phần: Phần đầu nói về nơi phát tích của dòng họ ông bà Nguyễn Hữu Hào; Phần thứ hai ghi về phẩm chất đạo đức của ông Nguyễn Hữu Hào và sự vinh hiển vẻ vang của dòng họ Nguyễn; Phần thứ ba nói về sự kiện vua Bảo Đại ban cho Nguyễn Hữu Hào “Công tước”, ca ngợi vẻ đẹp núi non - nơi xây dựng lăng mộ, ca ngợi nước Chúa là nơi tìm về của trăm đời con cháu họ Nguyễn và tấm lòng ngậm ngùi tiếc thương của con cháu đối với người quá vãng. Phần cuối của hai văn bia đều có ghi rõ ngày, tháng, năm Âm lịch và năm Dương lịch lấy từ năm Thiên Chúa giáng sinh, người lập bia là hai cô con gái của ông Nguyễn Hữu Hào.


Đáng tiếc thay, quần thể lăng mộ Quận Công Nguyễn Hữu Hào ngày nay lạnh tanh hương khói, hoang vắng đìu hiu!...

Nguồn: Viet Challenge


NGƯỜI TÌNH (Duras)

Nhiều người đã đọc tiểu thuyết “Người tình” (L’Amant, tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras) và xem bộ phim cùng tên được chuyển thể từ chính cuốn tiểu thuyết “Người tình” bởi đạo diễn nổi tiếng Jean-Jacques Annaud. Nhưng còn ít người biết rằng, đó không chỉ là chuyện tình Pháp – Hoa trên đất Việt, mà là chuyện tình Việt – Pháp – Hoa, và hiện tại câu chuyện tình này đang trở thành giá trị văn hóa lịch sử lớn, góp phần phát triển du lịch ở vùng đất miền Tây Nam bộ, trên cả huyền thoại Công tử Bạc Liêu.


Thị xã Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) nằm hai bên bờ sông Tiền, cách nhau khoảng 70 cây số. Gia đình chàng trai Huỳnh Thủy Lê “anh ở đầu sông” nơi thị xã Sa Đéc đã kết thông gia với gia đình cô Nguyễn Thĩ Mỹ “em ở cuối sông” bên bờ sông Tiền thành phố Mỹ Tho. Thế nhưng, trong khi gia đình hai bên chuẩn bị cho cuộc hôn nhân, thì bất ngờ một cô gái người Pháp (là tác giả của tiểu thuyết “Người tình”) xuất hiện. Sự xuất hiện của cô gái Pháp tuy có làm chao đảo, nhưng vẫn không làm tổn hại đến cuộc hôn nhân đã hẹn ước ở hai bên sông Tiền, mà sự xuất hiện đó đã là cơ duyên cho sự ra đời sau này một tác phẩm văn học lừng danh trong thế giới Pháp ngữ và trở thành giá trị lớn của vùng đất Tây Nam bộ cho đời sau.

Sự ra đời của một cuốn tiểu thuyết lừng danh 

Một ngày cuối năm 1971 giữa thủ đô Paris tráng lệ của nước Pháp. Nữ văn sĩ đang được độc giả nước Pháp và cả thế giới Pháp ngữ yêu mến Marguerite Duras soạn lại các tác phẩm trong một đời viết văn của mình.
 
Bà Duras thời còn trẻ.

Nữ văn sĩ 57 tuổi này có thói quen sống lại với các tác phẩm của mình mỗi lần năm cũ sắp kết thúc, năm mới sắp đến. Trước mặt bà là những cuốn tiểu thuyết mà bà đã rút ruột viết ra trong gần 30 cầm bút.

Bà Duras dừng lại hồi lâu với cuốn tiểu thuyết L’Amant, bởi nó mang hơi thở của mối tình rất đẹp của bà với một chàng trai người Pháp cũng trong một chiều cuối năm. Bỗng chuông điện thoại nhà bà reo vang, chiếc điện thoại giả cổ theo kiểu Tướng Charles De Gaulle từng sử dụng phát lên những tiếng chuông như tha thiết, như giục giả. Bà Duras chợt thấy hồi hộp, tim đập mạnh, bà cũng không hiểu lý do tại sao, có lẽ tiếng chuông điện thoại trong một chiều cuối năm vang lên giữa tĩnh lặng đã làm rung động trái tim của người phụ nữ nổi danh là đa cảm này. Nhấc điện thoại, bà Duras vẫn còn hồi hộp chờ nghe thông điệp từ bên kia đầu dây. Giọng người đàn ông có vẽ đã lớn tuổi, phát âm không thuật chuẩn giọng Pháp, có thể là người nước ngoài, cụ thể là vùng Đông Á bởi đặc thù của cách phát âm theo lối ngôn ngữ đơn âm. Người đàn ông bên kia đầu dây cũng lịch sự hỏi thăm có phải bà là nữ văn sĩ Marguerite Duras, là câu hỏi mà bà rất thường nghe mỗi khi nhấc điện thoại. Sau khi biết chắc là bà Duras, giọng nói trong điện thoại bỗng trở nên thổn thức hỏi bà: “Bà có nhận ra ai đang nói chuyện điện thoại với bà không?”. Tất nhiên là bà Duras không thể nhận ra, vì đã hơn 40 năm có hơn bà không nghe lại giọng nói ấy, ngày trước là giọng sang sảng của một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, giờ là giọng khàn đặc của một cụ già, thỉnh thoảng chen vào tiếng ho sù sụ.
Bà Duras khi đã già.

Bà Duras bỗng thấy chân tay run rẩy, đứng không còn vững, khi từ đầu dây bên kia nói rành mạch: “Anh là Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc – Việt Nam 42 năm trước nè, em còn nhớ không?”. Là một nữ văn sĩ rất nhanh nhạy với từ ngữ, tế nhị trong ứng xử, nhưng trước tình huống quá bất ngờ và xúc động, bà Duras không biết phải nói gì, miệng chỉ ấp úng những lời thừa thải: “Ôi, anh Thủy Lê, làm sao anh biết số điện thoại của tôi…”. Ông Thủy Lê trả lời: “Em là nhà văn nổi tiếng, có khó gì chuyện tìm xin số điện thoại của em”. “Thế anh đang ở đâu, anh từ Trung Hoa gọi cho em phải không?”, bà Duras hỏi. Khi ông Huỳnh Thủy Lê trả lời rằng, ông đang gọi điện thoại ngay tại Paris, bà Duras chỉ còn biết thốt lên: “Ôi chúa ơi, cảm ơn chúa đã cho đời con còn có được ngày này, con còn có thể gặp được người đàn ông này”.

Họ lặng lẽ đi bên nhau bên bờ sông Seine. Dòng sông thơ mộng chảy ngang qua Paris này thường dành làm nơi hẹn hò của những đôi tình nhân trẻ, còn người lớn tuổi ở Paris thường đi dạo trong những công viên dưới chân tháp Effel. Thế nhưng, bà Duras lại hẹn gặp ông Thủy Lê bên bờ sông Seine tình tứ, tất nhiên là có lý do của bà. Ngay khi vừa gặp nhau, ông Thủy Lê đã rưng rưng đôi mắt mờ đục của tuổi già và nói: “Anh vẫn yêu em, trọn cuộc đời anh vẫn yêu em”. Bà Duras cũng bất chợt thốt lên những câu nói tương tự. Họ đứng tựa vào nhau, hai mái đầu đã trắng màu sương tuyết nhưng hai trái tim thì vẫn nóng hổi, thổn thức. 

Dòng sông Seine mùa đông mặt nước lặng lờ trôi, không một gợn sóng, nhưng trong tâm tưởng của đôi tình nhân già đứng trên bờ sông lại ào ạt sóng nước sông Cửu Long, sóng nước đập vào mạn phà Mỹ Thuận chạy ngang dòng sông Tiền, trong một ngày cuối năm nước đổ như thác từ phía thượng nguồn… Cô nữ sinh Marguerite Duras tuổi 15 rời chiếc xe đò Sa Đéc – Sài Gòn, bước xuống phà, đứng tựa vào lan can phà nhìn nước sông Cửu Long chảy siết mang theo những đám lục bình trôi tản mạn. Chàng trai Huỳnh Thủy Lê cũng bước ra khỏi chiếc Limuosine màu đen sang trọng tiến đến mạn phà nơi cô gái Tây đang đứng…Để rồi một mối tình dữ dội và lãng mạn đã đến với chàng thương gia người Hoa và cô nữ sinh người Pháp…

Nữ văn sĩ Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê.

Chia tay với ông Thủy Lê trên bờ sông Seine, bà Duras trở về nhà cả đêm không thể ngủ, hình ảnh mối tình đầu của bà nơi xứ thuộc địa Đông Dương xa xôi cứ ào ạt tràn về như nước sông Cửu Long năm nào. Đối với những người cầm viết, nhất là những nhà văn nữ, những khoảnh khắt cảm xúc cao độ như thế thường cho ra những tác phẩm hay, và bà Duras cũng không bỏ qua cơ hội tuyệt vời này. Quyển tiểu thuyết “Người tình” (L’Amant, Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit năm 1984) đã ra đời trong hoàn cảnh như thế và nhanh chóng chinh phục độc giả Pháp vốn rất tinh tế với văn chương, ngay sau khi xuất bản nó đả trở thành cuốn sách “best seller” (bán chạy nhất) với 2,4 triệu bản, đoạt giải Goncourt - một giải thưởng danh giá của văn học Pháp. 

Quyển tiểu thuyết cũng nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong thế giới Pháp ngữ và trên toàn thế giới, nó đã được dịch ra 43 thứ tiếng, tất nhiên là có cả tiếng Việt, và được dựng thành phim cũng rất nổi tiếng.Tiếng sét ái tình trên sông Tiền Phà Mỹ Thuận một ngày cuối năm năm 1929. Con đường thiên lý từ Sài Gòn đi về vùng sông nước miền Tây Nam bộ phải qua rất nhiều sông rạch, hầu hết đều đã được bắc cầu, duy chỉ có hai nhánh sông Tiền và sông Hậu của dòng sông Cửu Long rộng mênh mông là vẫn phải “lụy phà”. Mãi cho đến năm 2000 chiếc phà Mỹ Thuận mới kết thúc vài trò lịch sử của nó khi chiếc cầu Mỹ Thuận – cầu dây văng hiện đại đầu tiên của Việt Nam – nối liền hai bờ sông Tiền. Sau đó 10 năm, phà Cần Thơ cũng kết thúc sứ mạng lịch sử kéo dài gần 100 năm của nó khi cây cầu Cần Thơ lớn nhất nước thông xe. Ngày ấy, vào cuối thập niên 1920, xe đò “lục tỉnh” phải đợi qua phà Mỹ Thuận trung bình 1 giờ/chuyến. 

Trên chuyến xe đò Sa Đéc – Sài Gòn ngày hôm ấy, giữa những “anh Hai”, “chị Ba” đậm chất nông dân miền Tây đi Sài Gòn vì một chuyện gì đó, người ta thấy có một cô gái Tây ra dáng nữ sinh với chiếc cặp bên người, mái tóc buộc hai nhánh, đội chiếc nón rộng vành. Xe đò xuống phà Mỹ Thuận, phà rời bến, trên xe tiếng gà vịt lao xao, từng giỏ trái cây chất đầy trên nóc xe. Cô gái Tây rời khỏi xe, đến đứng tựa vào lan can phà, hít thở không khí trong lành, cặp mắt mơ màng nhìn dòng sông Cửu Long “sông dài cá lội biệt tăm”. Cô tên Marguerite Duras, con gái của một bà giáo là hiệu trưởng trường tiểu học ở Sa Đéc. Đó là bà Marie Donnadieu, Hiệu trưởng trường L’ecole Primaire De Jeunes Filles De Sadec, nay là Trường Tiểu học Trưng Vương thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là ngôi trường cổ nhất Đồng Tháp. 

Ngôi nhà của ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.

Quê cô ở tận Paris nước Pháp, sau khi cha mẹ cô chia tay, mẹ cô đã dắt 3 đứa con nhỏ qua xứ thuộc địa Đông Dương để dạy học theo chủ trương truyền bá văn hóa Pháp sang các nước thuộc địa. Đến Sài Gòn, mẹ cô tình nguyện về một tỉnh miền Tây xa xôi để dạy học và bà đã dắt các con đến thị xã Sa Đéc, nơi đó có một ngôi trường tiểu học xập xệ, thiếu thốn mọi bề để dạy học. Thuở ấy ở Sa Đéc mới có trường tiểu học, muốn học cao hơn phải đến Mỹ Tho, Cần Thơ hoặc lên Sài Gòn. Học hết tiểu học, Duras được người mẹ là giáo viên nghèo gửi lên học trung học ở Sài Gòn, nơi bà có người bạn thân làm hiệu trưởng. Duras có 2 người anh, không ai chịu học hành gì nhiều, trong đó có một người bị nghiện hút, là nỗi khổ tâm của mẹ cô, vì vậy người mẹ khắc khổ đã quyết tâm cho đứa con gái út học hành đàng hoàng. 

Hậu thế phải mang ơn bà Marie Donnadieu rất nhiều, vì nhờ sự quyết tâm của bà cho cô con gái Duras học hành đàng hoàng mà sau này thế giới có một nữ văn sĩ tài năng, đóng góp vảo kho tàng văn học của nhân loại nhiều tác phẩm có giá trị. Trên chiếc phà Mỹ Thuận chạy ngang sông Tiền vào cái ngày cuối năm 1929 tiền định ấy, ngoài chiếc xe đò chạy bằng than đá cổ lỗ nói trên, còn có chiếc xe hơi sang trọng hiệu Limuosine. Thời ấy, vào cuối thập niên 1920, xe hơi nhãn hiệu Limuosine nổi tiếng của Mỹ mới nhập vào Đông Dương chưa tới 10 chiếc, ở miền Tây Nam bộ chỉ có vài chiếc, trong đó công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng tậu một chiếc ngay từ đợt đầu tiên. 


Chiếc Limuosine màu đen trên chiếc phà Mỹ Thuận qua sông Tiền ngày hôm ấy không phải của công tử Bạc Liêu đang nổi tiếng về ăn chơi trên đất Nam kỳ, mà là của một “công tử” khác cũng trên đất “Nam kỳ lục tỉnh”, nhưng ít giàu có và không nổi tiếng bằng, đó là ông Huỳnh Thủy Lê, con trai út của ông chủ chành gạo Huỳnh Thuận giàu có nhất nhì tỉnh Sa Đéc. Là người gốc Hoa, ông Huỳnh Thuận không khởi nghiệp làm giàu bằng ruộng lúa như những đại điền chủ khác ở miển Tây Nam bộ, ông đã tận dụng lợi thế của người Hoa trong kinh doanh thương mại để kinh doanh lúa gạo, cả mua bán trong nước và xuất khẩu. Ông có chành gạo lớn nhất Sa Đéc, nơi tập trung lúa gạo để chuyển đi bán ở Bắc kỳ và Trung kỳ, cũng như đưa về cảng Nhà Rồng để xuất khẩu ra nước ngoài. Phất lên với nghề kinh doanh, xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Thuận xây dựng nên những dãy phố sầm uất ở thị xã Sa Đéc để cho thuê, rồi ông về khu người Hoa ở Chợ Lớn xây dãy phố cũng với mục đích cho thuê. Chỉ riêng ở Sa Đéc, ông Huỳnh Thuận đã có hàng trăm căn phố, ông trở thành người giàu có nhất nhì tỉnh Sa Đéc thời đó. Cậu con trai út Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Thuận chọn nối nghiệp trao cho toàn bộ gia sản. Vì vậy mà ông Thủy Lê thường xuyên đi lại giữa Sa Đéc và Sài Gòn để quán xuyến chuyện làm ăn của gia đình bằng chiếc xe Limuosine màu đen sang trọng. 

Năm ấy ông Huỳnh Thủy Lê đã 27 tuổi, nhưng vẫn chưa lập gia đình, thời đó như thế là quá đứng tuổi, là hiện tượng lạ của một đàn ông thuộc gia đình giàu có. Ông Thủy Lê lập gia đình trễ là có nguyên nhân của nó, cách đó gần 10 năm gia đình ông đã hứa hôn cho ông với 1 cô gái trẻ, nổi tiếng xinh đẹp ở Mỹ Tho, tên là Nguyễn Thị Mỹ. Bà Mỹ nhỏ hơn ông gần 10 tuổi, vì vậy ông phải đợi cho vị hôn thê “đủ lớn” để làm đám cưới. Trong chuyến đi từ Sa Đéc đến Sài Gòn ngày hôm ấy, ông Thủy Lê cũng dự định ghé qua Mỹ Tho để thăm gia đình nhạc gia và nhìn mặt người vợ chưa cưới. Đang ngồi nghĩ ngợi về những thương vụ làm ăn đang chờ đợi ở Sài Gòn và nghĩ cách chào hỏi gia đình nhạc gia ở Mỹ Tho sau vài giờ nữa, bất ngờ ông Thủy Lê nhìn thấy một bóng sắc giai nhân nổi bật lên trong đám đông người bộ hành nghèo khó trên phà. Cô gái có nước da trắng, tóc nâu vàng, dáng người cao ráo, có thể cô không phải là người Việt hay người Hoa, mà là người Pháp. Cô gái mặc chiếc đầm màu sáng, đội chiếc nón rộng vành, mặt hướng theo dòng sông, không quan tâm gì đến cảnh xô bồ trên phà.


Là người nổi tiếng đứng đắn, không thuộc loại “mèo mả gà đồng”, nhưng hình ảnh cô gái đứng tựa lan can phà nhìn dòng nước chảy xuôi chợt làm trái tim ông Thủy Lê rung động. Ông như bị tiếng sét ái tình, như bị thôi miên, đã lặng lẽ mở cửa xe đến đứng bên cô gái. Không nhiều lời, chỉ vài câu “tán tỉnh” của ông Thủy Lê, họ bỗng thấy như thân quen từ thuở nào, nhất là khi chợt nhận ra họ cùng ở thị xã Sa Đéc, sống gần nhau “hai nhà cuối phố”. Ông Thủy Lê đề nghị và cô gái Duras chấp nhận, cô trở về chiếc xe đò lấy chiếc va li nhỏ và chiếc cặp học trò mang qua chiếc Limuosine màu đen để đi cùng người đàn ông mới quen về Sài Gòn. Tất nhiên là trên quảng đường từ Mỹ Thuận về Sài Gòn, ông Thủy Lê cũng đã “quên” ghé lại Mỹ Tho thăm nhạc gia và người vợ chưa cưới như đã dự tính. Sau đó, tình yêu lãng mạn và dữ dội giữa cô nữ sinh trường dòng người Pháp mới 15 tuổi rưởi và chàng thương gia giàu có người Hoa lớn hơn 12 tuổi đã kéo dài gần 2 năm trong bí mật. Dù yêu nhau đắm đuối, thường xuyên chìm đắm trong sự hòa điệu của đôi trái tim và trong những cơn mê thể xác, nhưng họ không thể công khai mối quan hệ của mình, mà luôn sống trong lo lắng, ngờ vực, sợ hãi... bởi những mâu thuẫn xã hội sâu sắc, giữa sự ngăn cách về chủng tộc và thứ tầng xã hội. Còn có một nguyên nhân quan trọng khác làm ông Thủy Lê không thể vượt qua những rào cản vô hình để sống trọn vẹn với tình yêu, đó là cuộc hôn đã hứa hẹn gần 10 năm với 1 cô gái Việt ở thành phố Mỹ Tho. 
 
Có thể đối với Marguerite Duras, mọi rào cản đều có thể bị san bằng, bởi cá tính mạnh mẽ và sự “nổi loạn” của tuổi trẻ, nhưng với Huỳnh Thủy Lê thì lại khác, nền giáo dục Nho học hàng ngàn đời đã không cho phép chàng vì tình yêu mà vượt qua tất cả những định chế của gia đình, dòng tộc, xã hội. Sau khoảng một năm rưỡi, cuộc tình của họ đã kết thúc trong nước mắt khi ông Thủy Lê phải đi đến cuộc hôn nhân đã được an bày từ gần 10 năm trước, còn Duras cùng gia đình lên tàu trở về cố hương bên trời Tây xa xôi. 
 
Trước ngày rời Sài Gòn, Duras đã đến ngôi nhà nơi cô từng sống những tháng ngày em đềm bên người tình, nhưng ông Thủy Lê đang bận lo đám cưới ở tận miền Tây. Sau này khi viết tiểu thuyết “Người tình”, bà Duras đã kể lại khoảnh khắc này bằng những trang sách đẫm nước mắt:“Khóc mà không để cho mẹ nàng và người anh kế của nàng nhìn thấy nàng đang buồn, không để cho họ nhìn thấy gì hết, là thói quen giữa họ với nhau”. 

Ngày hôm sau, khi ra bến tàu, Duras cố nấn ná, kiếm tìm trong vô vọng hình bóng người đàn ông đã mang đến cho cô cả niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau, cô ước mong được nhìn thấy ông 1 lần cuối cùng trong đời. Duras đâu ngờ rằng, ông Thủy Lê đã ra bến tàu tiễn cô, để nhìn thấy cô 1 lần cuối cùng trong đời, nhưng ông không để cô biết, mà đứng lặng lẽ trong con đường nhỏ cạnh bến tàu để làm 1 cuộc chia ly. Thật kỳ diệu, khi chiếc tàu nhổ neo rời bến, Duras cũng đứng tựa vào lan can tàu như đã đứng trên phà Mỹ Thuận ngày nào, mắt hướng vào bờ, nhờ vậy mà cô đã nhận ra ông Thủy Lê đứng nép bên chiếc Limuosine màu đen quen thuộc trong con đường khuất để dõi theo bóng tàu. Chỉ vài giây ngắn ngũi, họ thậm chí còn không kịp đưa tay chào nhau, chiếc tàu đã khuất bóng. Ông Thủy Lê phải vội vã quay về lo đám cưới, còn Duras lênh đênh trong cuộc hành trình dài 1 tháng rưởi, với những cơn vật vã do say sóng và với nỗi buồn thiên cổ vì yêu! Bà Duras đã kể lại trong cuốn tiểu thuyết “Người tình”: “Chiếc xe to lớn của chàng ở đó, dài và đen với người tài xế mặc chế phục trắng đàng trước. Chỗ đó chỉ cách chỗ đậu xe của hãng tàu thủy Messageries Martimes một con đường nhỏ, riêng biệt. Đó là điều mà nàng đã nhận ra. Đó chính là chàng ở phía sau, chỉ đủ trông thấy hình dáng, bất động, kiệt sức. Nàng tựa người vào lan can tàu, giống như lần đầu tiên, trên phà. Nàng biết chàng đang nhìn nàng, nàng cũng đang nhìn chàng, nàng không thể nhìn thấy chàng nữa nhưng nàng vẫn nhìn về phía cái hình dáng của chiếc xe đen. Rồi sau cùng thì nàng không thể nhìn thấy nó nữa. Bến cảng nhòa đi, rồi đến đất liền”.

Rơi vào quên lãng 

Ông Huỳnh Thủy Lê trở về Sa Đéc để chuẩn bị cho 1 đám cưới lớn nhất từ trước đến giờ trong cái thị xã nhỏ bên bờ sông Tiền này. Đám cưới giữa ông với cô gái vùng đất “miệt vườn” cây lành trái ngọt Mỹ Tho kéo dài suốt 3 ngày, trở thành ngày hội của người dân Sa Đéc, nhưng trong lòng của chú rể thì như “một nửa hồn tôi chết”. Ngày ông rước cô dâu trẻ đẹp Nguyễn Thị Mỹ từ Mỹ Tho về Sa Đéc ngang qua phà Mỹ Thuận, cô dâu luôn tươi vui trong bộ áo dài vải gấm và bó hoa cưới rực rở, còn chú rể cố giữ nét mặt không biểu hiện cảm xúc. Tình cờ, cô dâu bước xuống xe, cũng đến đứng tựa vào lan can phà để khuây khỏa sau đoạn đường dài tù túng trong chiếc Limuosine, ở ngay tại nơi mà cô nữ sinh Marguerite Duras đã đứng ngày trước… Trong tiệc cưới của mình, ông Thủy Lê uống thật nhiều rượu, uống như chưa bao giờ ông được uống, mọi người cho rằng vì ông quá vui trong ngày vui của mình, nhưng có lẽ chỉ một mình ông biết là trong những chén rượu chảy tràn có chứa những hương vị gì: hạnh phúc hôn nhân, tình yêu, nỗi buồn, đau khổ…? Không biết bên trời Tây người con gái có tên Duras có đau buồn kéo dài hay không, còn ở trời Nam, chú rể mới là thương gia Thủy Lê đã sớm nguôi ngoai chuyện tình buồn để trở về với công việc quán xuyến toàn bộ sản nghiệp và cơ ngơi làm ăn do cha là ông Huỳnh Thuận giao lại cho đứa con trai út sau khi nó đã thành gia thất. Rồi “chim quyên quen trái nhản lồng”, ông Huỳnh Thủy Lê và bà Nguyễn Thị Mỹ đã trở thành đôi vợ chồng đầm ấm, hạnh phúc hơn người, là hình ảnh mơ ước của bao người dân Sa Đéc và khu người Hoa ở Chợ Lớn. Bà Mỹ đã sinh cho ông Thủy Lê tổng cộng 5 đứa con, 3 gái, 2 trai. Họ sinh ra trên nhung lụa, lại được nền giáo dục nề nếp của gia đình, nên tất cả đều thành đạt. 

Bến phà Mỹ Thuận ngày nay

Cô con gái giữa Huỳnh Thủy Anh của họ từng là hoa khôi của một trường trung học ở Chợ Lớn, cô về làm dâu của ông Trần Văn Hương, nguyên thủ tướng của chính quyền Sài Gòn cũ, từng có 1 tuần lễ làm tổng thống chế độ Sài Gòn cũ sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Hiện tại, các con của ông Lê đều sống ở nước ngoài, trong đó Huỳnh Thủy Tiên là GS.TS - Giám đốc Bệnh viện Nhi ở bang Califonia (Mỹ), Huỳnh Thủy Hà là giảng viên trường ĐH Sorbonne (Pháp). Năm 1972 ông Trần Thủy Lê qua đời ở tuổi 70, đám ma của ông có ông thông gia là Trần Văn Hương đáp máy bay từ Sài Gòn về đưa tang. 

Chuyện tình, chuyện cuộc đời của người đàn ông nổi tiếng trên đất Sa Đéc tên Huỳnh Thủy Lê tưởng như đã đi vào quên lãng, nếu như 1 năm trước ngày qua đời ông không có chuyến đi Pháp để gặp lại người con gái trên phà Mỹ Thuận năm nào. Cuộc gặp ở Paris, bên bờ sông Siene đã giúp cho tiểu thuyết, sau đó là bộ phim “Người tình” ra đời. Để rồi từ đó, thị xã Sa Đéc, nơi ông Huỳnh Thủy Lê và bà Marguerite Duras từng sống và từng yêu nhau, như được phủi lớp bụi thời gian, trở nên lung linh sống động, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trên khắp thể giới. 
 
Theo: Phunutoday

THÁNG 3, TRONG TÂM BÃO

Bữa giờ rất nhiều người hỏi thăm tình hình ở New York City thế nào. Và thật tình là, với một đứa từng viết báo như mình, cũng không thể nào giải thích hay diễn tả bằng lời được hết những gì đang diễn ra trong bệnh viện bây giờ.


Những ngày qua muốn viết cũng không viết nổi vì cảm xúc như đã chai sạn đi. Chỉ trong vòng 1 tháng, NYC của mình đã thay đổi đến chóng mặt, và hiện tại, ngay trong tâm dịch, mỗi ngày đi làm trong bệnh viện là lại cảm thấy như đang đi ra chiến trường, và ai cũng có chung một nỗi niềm, lo lắng và bất lực.

Đầu tháng 3, hai vợ chồng được nghỉ và vẫn còn kéo nhau road trip xuyên bang. NYC và nước Mỹ lúc này vẫn còn hoạt động bình thường. Dịch bệnh lúc này hầu hết chỉ ở Seattle. Ngay trong bệnh viện mọi người cũng chỉ nói về Covid-19 như thể nó ở tận đâu xa lắm và không liên quan đến mình, chỉ là những ai đi du lịch từ những nước vùng dịch về thì phải cách ly 14 ngày.

Hai đứa mình may mắn không lên kế hoạch đi chơi xa như mọi lần, vì cần ở lại đi ăn đám cưới bạn thân. Ngày xuất hành đi chơi, cả hai còn đùa với nhau là nếu có ai đi dự đám cưới này mà bị nhiễm bệnh cũng chả sao, vì hết phân nửa khách mời là bác sĩ. Vậy mà chỉ trong vòng 10 ngày đi chơi mà mọi sự đã thay đổi đến chóng mặt.

Ngày thứ nhất, ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở New York. Bệnh viện của hai đứa đều gửi email nhắc nhở mọi người cẩn thận, chú ý rửa tay thường xuyên.

Ngày thứ hai, email từ bệnh viện nhắc lại từng bước mặc dụng cụ bảo hộ (PPE) trong trường hợp có bệnh nhân nghi mắc Covid-19.

Ngày thứ ba, ca bệnh thứ hai xuất hiện, dù không phải ở trong NYC mà là ở vùng ngoại ô New Rochelle, đây lại là ca siêu lây nhiễm khi bệnh nhân này đã nhập viện từ cách đó mấy ngày với chẩn đoán viêm phổi và hoàn toàn không được cách ly. Khi đọc tin này, mình đã bắt đầu thấy rùng mình khi nghĩ đến những người thân và nhân viên trong bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân này và hoàn toàn không mặc đồ bảo hộ, và nghi là trong vài ngày tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca lây nhiễm từ bệnh nhân này.


Ngày thứ tư, có 9 ca bệnh mới và đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Bệnh viện bọn mình tiếp tục gửi email nhắc nhở nên hạn chế đi du lịch đến các quốc gia có dịch, và nếu không có gì cần thiết thì đừng nên đi đâu cả. Lúc này dịch đã bùng phát mạnh mẽ tại Ý.

Ngày thứ năm, bệnh viện email nhắc lúc nào nên dùng khẩu trang N95 và lúc nào dùng khẩu trang thường. Trong email họ cũng cấm không được lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng. Lúc đọc email này mình thấy buồn cười, vì nước rửa tay khô bình thường để đầy trong kho, còn phát miễn phí cho bệnh nhân nữa, cớ gì phải cấm như vậy. Nhắn tin hỏi bạn thì mới biết là do mọi người bắt đầu mua sạch sản phẩm này trong siêu thị, và bệnh nhân và người đi thăm bệnh bữa giờ đã “chôm” hết trong bệnh viện, nên bây giờ nó lại là hàng hiếm, và không được dùng thoải mái như xưa nữa.

Ngày thứ sáu, NY có 44 ca bệnh, hầu hết đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Email từ bệnh viện thông báo tất cả những buổi họp hay bài giảng nào có nhiều hơn 25 bác sĩ đều phải bị huỷ bỏ. Họ bắt đầu lo sợ nếu nhiều bác sĩ bị bệnh cùng lúc thì sẽ không có ai chăm bệnh nhân.

Ngày thứ bảy, New York có 89 ca. Bệnh viện thông báo tất cả những bác sĩ và nhân viên đang làm việc ở nước ngoài đều phải quay về ngay lập tức. Bạn bè nội trú của mình đang thực tập 1 tháng ở châu Phi cũng bị bắt quay về. Bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ đang được nghỉ phép phải khai báo là đã đi đâu và định đi đâu. Cả hai đứa mình đều phải đưa ra lịch trình đi chơi, lúc này chỉ mong về nhà ngay vì cảm thấy tình hình khá căng thẳng.

Ngày thứ tám, số ca tăng lên 106. Bệnh viên yêu cầu nhân viên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đều phải ở nhà, không được đi làm, để tránh lây nhiễm.

Ngày thứ chín, 142 ca. Nước Ý thông báo giới nghiêm toàn quốc. Bệnh viện NY nhìn bệnh viện Ý bị quá tải, bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra ở đây. Bệnh viện của mình thông báo PPE bắt đầu bị thiếu hụt và yêu cầu hạn chế số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm đồ bảo hộ.

Ngày thứ mười, 173 ca. Hai đứa mình về lại NYC, chuẩn bị đi làm lại, và bước thẳng vào tâm bão.


Từ ngày thứ 10 đến hôm nay, mọi thứ hoàn toàn bị mất kiểm soát, và đây cũng là hiện thực cuộc sống trong tâm dịch:

Là tất cả bệnh viện ở NYC hiện giờ đang hoàn toàn quá tải. Số ca bệnh cứ tăng lên gấp đôi mỗi 3 ngày. Số lượng bệnh nhân bị nặng và cần đặt nội khí quản khá cao, và số máy thở đang vơi dần. Khi mình viết những dòng này, thì bệnh viện của mình và của Ian chỉ còn khoảng 100 máy thở mỗi nơi. Và vấn đề không phải chỉ ở số máy thở, mà còn là thiếu hụt số phòng và số nhân viên có thể chăm sóc bệnh nhân. Hiện giờ cả khoa nhi của bệnh viện mình đã phải dọn qua bệnh viện khác để dành phòng cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến đang được dựng lên khắp nơi, và chính phủ đang kêu gọi các bác sĩ đã về hưu quay lại làm việc vì không đủ bác sĩ.

Là số đồ bảo hộ (PPE) cứ vơi dần đều. Ban đầu quy định là tất cả mọi người phải mang N95 khi khám bệnh nhân nghi nhiễm, và phải thay khẩu trang giữa các bệnh nhân. Khi số lượng N95 giảm mạnh, thì quy định mới là được phép dùng lại N95 trong một ngày, rồi lại đổi thành chỉ được dùng N95 khi đặt nội khí quản, còn lại phải đeo khẩu trang thường. Và hiện tại bây giờ, khi số lượng khan hiếm cùng cực, thì mỗi bác sĩ chỉ được phát một khẩu trang (loại dùng 1 lần) và phải dùng đúng cái khẩu trang đó đến khi nào có hàng mới về, ngày này qua ngày khác.

Bình thường, chuyện dùng lại khẩu trang là chuyện không tưởng, và nếu bị bắt gặp thì sẽ bị phạt ngay, nhưng thời điểm này thì bao nhiêu quy định đều không còn tác dụng gì nữa hết.

Là hiện thực đau lòng là hầu hết bệnh nhân Covid-19 khi mất đều ra đi một mình. Để ngăn lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không còn được vào thăm nữa. Rất nhiều gia đình đã phải nhìn người thân của mình ra đi qua facetime, và rất nhiều gia đình còn không hay biết người thân của mình đã mất vì bệnh viện không liên lạc với họ được. Và mất vì bệnh này, nếu không được tiêm morphine, là cảm giác như đang chết ngạt, khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Đó là cái chết đau đớn và cô độc nhất.

Là hầu hết nhà xác đều đã quá tải, không còn chỗ để thêm, nên bây giờ thành phố phải đem xe tải đông lạnh tới để chở xác. Và vì lệnh cấm tập trung đông người, nên người mất cũng không được có đám tang. Người nhà tới giờ vẫn không thể gặp họ lần cuối.

Là sản phụ bây giờ phải đi sinh một mình, không được có chồng hay người nhà vào thăm để tránh lây nhiễm. Là bao nhiêu ông bố lỡ dịp không được nhìn thấy con mình ra đời.

Là các nội trú sinh các ngành khác nhau đều được điều động đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu, khi họ hoàn toàn kiệt quệ về sức lực và quá nhiều bác sĩ đã mắc bệnh và phải ở nhà. Là quyết định cho sinh viên năm cuối trường Y tốt nghiệp sớm để có thêm một lượng bác sĩ mới để giúp bệnh viện trong cơn đại dịch này.


Là khi mình và bạn bè trong ngành đều không dám về nhà hay gặp người nhà, vì bọn mình đã mặc định là chắc chắn đã bị hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, chỉ là sớm hay muộn, và không đứa nào muốn để lây cho ba mẹ và ông bà. Cả tuần nay mẹ chồng mình đều tới nhà, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách vài mét và chỉ được nhìn và nói chuyện với hai đứa mình qua cửa sổ.

Hôm qua bà lại đòi vào nhà, và Ian phải nói, “Mẹ không được để bị lây bây giờ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, thì mẹ phải vào một mình, và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, thì chắc chắn bác sĩ sẽ đưa máy thở cho người kia, vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được”. Thế là bà lại phải quay ra.

Là khi bọn mình phải sống trong nỗi sợ là sẽ lây bệnh cho chồng/vợ/người yêu, những người đang sống ngay trong nhà. Bạn bè mình có người phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, có người phải ra thuê khách sạn hoặc Airbnb ở, đứa nào có con thì phải gửi con về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp con. Hay đứa mình vì cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát, và cứ mặc định là đứa nào bị trước cũng sẽ lây cho đứa kia thôi.

Là khi dịch bệnh khiến người ta phải lường trước tình huống xấu nhất. Các bác sĩ đều đang hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con. Vợ chồng phải dặn nhau trước là nếu đến lúc hoàn toàn hôn mê thì có nên đặt nội khí quản không, hay là cứ để cho ra đi thanh thản. Lời nói đùa mọi khi “Nếu em có chuyện gì thì anh cứ đi lấy vợ mới đi” trong thời điểm này lại thành ra nói thật.

Là các ông bố bà mẹ có con đi làm trong bệnh viện là cứ như đang ngồi trên đống lửa. Mẹ chồng mình thì mua đủ thứ thuốc bổ khác nhau, bắt hai đứa uống, và mỗi ngày đều tiếp tế lương thực, nhưng chỉ dám để trước cửa vì không được vào nhà gặp mặt. Mẹ đứa bạn mình, mỗi khi nó trực đêm là bà thức nguyên đêm nói chuyện cùng nó vì bà lo đến không ngủ được. Ba đứa khác thì năn nỉ nó xin nghỉ làm đến khi nào hết dịch rồi quay lại. Nhưng thời điểm này không ai nỡ xin nghỉ, vì trách nhiệm với bệnh nhân và cả trách nhiệm với đồng nghiệp nữa.

Nhưng trong thời điểm khó khăn này, lại làm mình thêm trân quý những gì mà gia đình, bạn bè, và cộng đồng đang chung tay góp sức giúp bọn mình chống dịch:

Là khi nhận được tin từ bệnh viện là chỉ còn đủ 1 khẩu trang cho mỗi bác sĩ, mình đã gửi tin nhắn cầu cứu đến một loạt bạn bè, hỏi xin nếu đứa nào còn khẩu trang thì cho mình mua lại. Vậy mà chỉ trong vòng mấy ngày, bọn bạn mình đã hỏi dò người quen và bằng cách nào đó mỗi đứa đều kiếm ra được vài chục khẩu trang gửi về cho mình. Ba mẹ cũng chạy khắp thành phố kiếm chỗ bán khẩu trang để gửi lên. Giờ vậy mà mình đã có đủ khẩu trang ít nhất đến khi có hàng mới về bệnh viện.


Là khi hàng loạt các nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn đều quyết định tặng phần ăn cho bác sĩ và y tá để bọn mình tập trung làm việc. Từ UberEats, Sweet Greens, rồi bao nhiêu tiệm bánh nổi tiếng, chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện ra là sẽ được ăn miễn phí, mà còn được giao tới tận bệnh viện nữa. Rồi thì nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho nhân viên y tế. Cả thành phố bây giờ đều dồn lực và hi vọng về các bệnh viện.

Là khi cả thành phố hẹn nhau chiều nay đúng 7h cùng nhau vỗ tay cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện. Tới đúng giờ, ngồi trong bệnh viện nhìn ra là thấy một loạt người dân đứng ở ban công vỗ tay náo nhiệt, và vẫn giữ đúng luật không đi ra đường và không đứng gần nhau, lại cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Và vì tất cả những điều đó, mình tin là NYC sẽ qua được đại dịch này. Cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu nữa thì không ai biết được, nhưng Covid-19 sẽ qua đi, và thành phố này sẽ trở lại như xưa, vì ở đây có những con người luôn hết mình vì nó và luôn có một niềm tin bất diệt vào thành phố không bao giờ ngủ.

Bài viết cho một tháng 3 đầy bão táp.

B.S. Trinh Trang Yarett (Trang Phương Trinh)
28/03/2020

MAY MÀ CÓ CÚM

Ở HK bị cúm gà, dân chết cũng khá nhiều nên ai nấy đều sợ hãi, ở VN chưa bị nặng như HK nhưng cũng biết cảnh giác. Đó là một điều hay nên khuyến khích, tự đề phòng mà (?).


MAY MÀ CÓ CÚM

Hôm nay ở Cõi trên, thần thánh sơ kết lễ hội tháng Giêng. Thiếu toàn bộ chư Phật các chùa lớn, hỏi ra thì các ngài đang tắm cho sạch mùi tiền lẻ nhưng kỳ cọ cả tuần rồi vẫn không hết mùi. Mọi năm ghế chủ toạ dành cho chư Phật, vì thế ai nấy bối rối không biết cử vị nào làm chủ toạ.

Một thành hoàng nảy ra ý kiến:

- Trần gian bây giờ thường lấy số fan để bầu sao, theo tôi các vua Trần xứng đáng chủ toạ vì số người dự hội đền Trần là đông đảo nhất!

Các vua Trần lắc đầu quầy quậy:

- Không thể! Hôm khai ấn chúng tôi hết hồn vì con cháu ngày nay hung hãn quá, dẫm đạp lên nhau chỉ vì cái ấn vớ vẩn! Fan kiểu đó không ham! Thôi, ưu tiên phụ nữ, cử bà chúa Kho đi.

Bà chúa Kho lập tức từ chối:

- Tha cho tôi, sắp phá sản còn ham chi ghế chủ toạ!

- Ủa, bao đời nay bà chúa cho thiên hạ vay hoài không hết, nay sao bỗng dưng phá sản?




- Các vị không theo dõi thời sự nên chẳng biết luật vay trả của thế gian thay đổi rồi. Đã có án lệ rằng ngân hàng không có trách nhiệm với tài khoản người gửi nên từ giờ trở đi nếu người ta vay rồi không trả, tôi có kiện ra toà cũng chẳng làm gì được! Cho vay mà không ai trả phá sản mấy hồi!

- Bà chúa chê chúng ta lạc hậu với thời sự cũng đúng. Thế thì phải cử thần làng nào có lễ hội mang tính thời sự nhất làm chủ toạ vậy! A, thành hoàng lễ hội Minh thề đâu?

Thành hoàng xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng mặt mày buồn so:

- Thôi, cho tôi xin. Nói thêm xấu hổ, lễ hội dành cho quan chức thề không tham nhũng mà có quan nào dự đâu!

Tất cả ngạc nhiên:

- Nhưng tại sao họ không dám tới hội để thề trời tru đất diệt? Chẳng lẽ...



Ai nấy đang buồn bã với câu trả lời đã quá rõ ràng thì một tiểu thần vỗ đùi:

- Biết rồi! Các quan chức không dự chẳng qua vì sợ uống tiết gà ăn thề sẽ bị... nhiễm cúm!

Các vua Trần thở phào nhẹ nhõm:

- Có thế, chứ lẽ nào tất cả các quan đều... tham nhũng!


Người Già Chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online


Sunday, March 29, 2020

NEM CHUA CÁI RĂNG

Từ lâu đồng bằng sông Cửu Long đã vang danh nem Lai Vung (Đồng Tháp). Nhưng những người dân cố cựu miền Tây sông Hậu chẳng ai không biết tới một “tên tuổi” lớn khác: nem Cái Răng (TP Cần Thơ)


Từ trung tâm TP Cần Thơ chạy về phía Nam chừng 3km, qua cầu Cái Răng là chúng ta đến thị trấn Cái Răng - một đô thị nhỏ, lâu đời và khá “lạ”: sông nước bao quanh, ruộng vườn trù phú, tôm cá dồi dào, hoạt động thương mại - dịch vụ sớm phát triển và có nhiều làng nghề truyền thống nhất trong “hàng quận” của TP Cần Thơ, trong đó có “làng nem”. Nói là “làng” nhưng những “lò” nem nổi tiếng đều tập trung quanh phố chợ. Cái Răng có những “lò” nem nổi tiếng như “Minh Thu”, “Bà Năm”, “Cô Hương”, “Cô Phúc”... nằm dọc theo Quốc lộ 1.

Người sành ăn nem không bao giờ lẫn lộn giữa 2 loại nem Lai Vung và nem Cái Răng. Nem Lai Vung nhiều bì, vị ngọt ngọt chua chua, màu đỏ hồng, khi làm món nem nướng thì miếng nem “nở” ra.


Nem Cái Răng nhiều thịt hơn bì, vị chua thanh, màu hồng, khi làm món nem nướng thì miếng nem bóng lên, co lại, óng ánh mỡ. Cho đến bây giờ, nem Cái Răng chính thống cũng không bao giờ gói bằng bọc ni lông rồi mới bao ngoài bằng lá vông nem, lá chuối mà dứt khoát phải gói trực tiếp bằng lá vông nem và bao lá chuối ngoài cùng.

Gói kiểu này lâu chua, đã chua là thơm phức mùi lá vông nem, lá chuối tươi. Từng chiếc nem Cái Răng do bà nội trợ tao nhã bày lên dĩa đãi khách phải luôn e ấp nằm trong lớp lá non xanh chứ không bị “lột trần” suồng sã. Do lá vông nem được rửa, lau sạch nên khi ăn nem là ăn luôn cả lá vông mới ngon, mới cảm nhận hết hương vị chua, béo, bùi… tuyệt diệu.


Khách quý đến nhà, người Cần Thơ bày ra mâm dĩa cá chạch khô nướng xé nhỏ, dĩa xoài sống bằm nhỏ sợi, vài đọt chùm ruột non và – tất nhiên - dĩa nem chua Cái Răng. Tất cả “vây” quanh chén mắm ớt làm thật “kẹo” với “công thức”: 1 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng canh đường cát + 1 trái ớt sừng trâu bằm nhuyễn. Một thực đơn hảo hạng mà đến Hoàng đế cũng phải thèm!

TRƯỜNG THI

Ghi chú: Qua clip video dưới đây thì bây giờ nem Cái Răng cũng dùng ni lông bọc cục nem bên trong. (LKH)


LẦM LỖI LÀ CHUYỆN THƯỜNG


George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Con người đã có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh ấy nổi tiếng là người nóng nảy, nhưng luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã tỏ ra là người đơn thành và sẵn sàng nhận lỗi của mình...

Ngày kia, cậu bé George được trao cho một con dao để ra vườn làm cỏ. Trong vườn có một cây anh đào nhỏ mà cha mẹ cậu rất quý. Chưa phân biệt được thế nào là cỏ dại thế nào là cây trái, George đã chặt đứt cây anh đào vô cùng qúy giá của cha mẹ mình.

Cha của George đau lòng nhìn thấy cây anh đào đổ xuống mặt đất. Ông đã thoáng nghi George là thủ phạm, nên mới hỏi cậu: "Con có biết ai là người đốn hạ cây anh đào không? Cha không muốn thấy điều đó lập lại một lần nữa...". George suy nghĩ một lúc và trả lời: "Chính con là người đã đốn cây anh đào. Cha cứ phạt con đi".


Và George ngạc nhiên vô cùng khi nghe cha cậu trả lời: "Ðiều con vừa làm là một điều sai trái.Nhưng con đã chữa được điều sai trái đó khi dám nói lên sự thật. Cha đánh giá lòng can đảm và sự thành thật của con cao hơn là trăm nghìn những cây đẹp như thế...".

Không ai trong chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ, mà lại không sống với hy vọng tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng phải thành thật mà nói thì cuộc đời không phải lúc nào cũng là con đường trải hoa, vì nhiều lần chúng ta gặp hoàn cảnh vô cùng tệ hại. Ðố với nhiều người, dường như hy vọng về những điều tốt đẹp chỉ thành tựu trong mơ mộng mà thôi và thực tế rất phũ phàng.

Tuổi trẻ đi qua rất nhanh. Ngày tháng trôi qua, chúng ta chẳng mấy chốc già đi. Tóc trên đầu chúng ta mỗi lúc một điểm thêm nhiều muối tiêu. Sau khoảng 45, mỗi lần nhìn vào trong gương, chúng ta giật mình thấy mình già mau quá. nhìn lại tập ảnh của gia đình, lắm khi chúng ta không có can đảm ngắm lâu hơn. Chẳng những gương mặt, mái tóc bên ngoài, mà tuổi già còn gặp nhiều hạn chế hơn tuổi trẻ. Những môn thể thao trước kia ưa thích, nay không còn đủ sức để chơi nữa. Cặp mắt sắc sảo đã phải đeo thêm kính mới đọc được sách. Khi bước vào lớp tuổi 60 trở lên, bước đi của chúng ta trở nên chậm chạp hơn. Trí nhớ mỗi lúc một ra kém cỏi...


Tuổi trẻ là một chuỗi những vấp ngã, tuổi già là những tháng ngày để ân hận và hối tiếc khi chợt nhận ra giới hạn của mình. Cuộc đời là thế. Chúng ta có nên bi quan không?

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để sống hy vọng. Ðổ vỡ, thất bại không phải là những ngõ cụt trong cuốc sống, nhưng phải là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Cuộc đời không phải là một chuỗi ngày giữa chiếc nôi và ngôi mộ. Cuộc đời là một hành trình đi từ chỗ hữu hạn đến chỗ vô hạn, từ chỗ tuyệt vọng đến chỗ đầy hy vọng. Và cuối cùng cánh cửa của sự chết mà chúng ta rồi đây sẽ bước qua chỉ là một khúc quanh của cuộc hành trình này mà thôi...

(Sưu tầm trên mạng)

Saturday, March 28, 2020

RÔ BĂM, NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI KHMER

Từ trước đến nay tôi cứ tưởng điệu múa Lâm Thôn của người Campuchia là điệu múa tiêu biểu và sau này biết thêm nghệ thuật Dù Kê. Lúc trước còn nhà hàng Miên ở Springvale thì họ cũng hay mở nhạc Miên cho khách lên nhảy và họ nói đó là nhảy Lâm Thôn. Hôm nay xem "Ai là triệu phú" phát sóng 24/03/2020 có một câu hỏi mà cho tôi thêm một kiến thức về nghệ thuật Rô Băm của người Miên. Tôi chắc chắn là có xem qua rồi nhưng tới bây giờ mới biết tên của nó.


Rô băm, nghệ thuật sân khấu điển hình của người Khmer

Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa. Trong các loại hình sân khấu của người Khmer, Rô băm được cho là đã đạt đến trình độ nghệ thuật rực rỡ. Với những giá trị riêng có, người Khmer đang nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Múa Rô-băm trên sân khấu (Ảnh: quehuongonline.vn) 

Sân khấu Rô băm dùng ngôn ngữ múa để diễn tả “chuyện xưa tích cũ”, xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, lịch sử. Các tích cũ khai thác từ đề tài đạo Phật, đạo giáo Bà-la-môn, quen thuộc nhất là sử thi Ramayana của Ấn Độ. Những triết lý giáo dục và đạo lý của đồng bào Khmer xưa đều gói gọn trong nội dung và hình thức của loại hình sân khấu đặc sắc này. Giáo sư tiến sỹ Lê Ngọc Canh, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa Việt nam, cho biết: "Khi nói về văn hóa của người Khmer thì nhất thiết phải nói đến sân khấu Rô băm. Sân khấu Rô băm là sản phẩm trí tuệ, là điểm nhấn của văn hóa người Khmer. Sân khấu Rô băm là nghệ thuật tổng hợp gồm có múa, có hát, có trang phục...".

Hướng dẫn múa Rô-băm cho lớp trẻ (Ảnh: quehuongonline.vn)

Do xuất xứ từ cung đình nên phục trang, hành động, lời thoại… của nhân vật trong sân khấu Rô băm thuộc về tầng lớp vua chúa, quan lại quý tộc. Sân khấu Rô băm được bố trí quy cách, bài bản, chặt chẽ và mang tính ước lệ. Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật.Tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện là vua, hoàng tử, công chúa… thường không mang mặt nạ. Tuyến nhân vật đại diện cho cái ác thường đeo mặt nạ và gồm nhiều loại, nổi bật nhất là vai chằn –còn gọi là Yeak. Người ta yêu thích Rô băm bởi nét đặc sắc ẩn trong các điệu múa và những chiếc mặt nạ.

Các nhân vật trên sân khấu Rô băm múa các động tác chân, tay theo một quy ước chung cho từng loại nhân vật.Theo thống kê, trong Rô băm có 33 điệu múa, thể múa; trong đó, thể tay cơ bản có 8 điệu. Riêng múa chằn được quy định trong 12 điệu, mỗi điệu có những ý nghĩa và tạo hình khác nhau. Mặt nạ Rô băm có sự tiếp thu văn hóa Ấn Độ nên rất hài hòa giữa mỹ thuật và tạo hình. Có nhiều loại mặt nạ được sử dụng trong các vở Rô băm như: mặt nạ mô phỏng chằn (thể hiện hành vi, tâm địa độc ác); mặt nạ vua khỉ Ha-nu-man, ngựa Ma-no-ni, chim thần Kơ-rích, phượng hoàng, rùa, rắn… Mặt nạ trên sân khấu Rô băm sinh động, giàu biểu cảm và đều được nhân cách hóa gây hứng thú cho người xem.

Những mặt nạ và mũ được sử dụng trong nghệ thuật Rô băm (Ảnh: quehuongonline.vn)

Ngoài các điệu múa và mặt nạ, trang phục trên sân khấu Rô băm cũng có quy ước riêng. Bộ trang phục thông thường gồm yếm cổ, khăn nịt ngực, yếm trước bụng, yếm sau lưng, bao buộc chân, bao tay rất độc đáo.

Cùng với hai tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện và cái ác, trong vở diễn Rô băm còn xuất hiện vai hề để gây cười, làm vui nhộn sân khấu. Nhạc cụ của Rô băm chủ yếu là trống vỗ, trống dùi, chiêng và hèn Slayrom. Trống có tác dụng thúc giục mạnh mẽ những màn chiến đấu. Kèn thì được cất lên khi ai oán khóc than.

Biểu diễn múa Rô-băm đường phố (Ảnh: Báo Bạc Liêu)

Rô băm phát triển mạnh và rộng khắp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng, dưới sự bảo trợ của các chùa Khmer . Nhưng mức độ thịnh hành của loại hình nghệ thuật này đang bị thu hẹp dần. Anh Sơn Đel, thành viên của Đoàn nghệ thuật múa Rô-băm Basắc Bưng Chông, duy nhất ở Sóc Trăng, cho biết: "Rô băm có từ thời ông cha, vì vậy mình cứ cố gắng giữ gìn, để bà con mình cần diễn phục vụ thì mình đi diễn chứ tiền bạc thì không được bao nhiêu cả. Quan trọng là mình bảo tồn được loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer, nếu không đi đâu diễn thì mình diễn vào các dịp lễ Dâng Y cũng được".

Nghệ thuật sân khấu Rô băm là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung. Sân khấu Rô băm lâu nay đã quay lại trên những cánh đồng sau thu hoạch, hay trong các lễ hội truyền thống của người Khmer. Giờ đây Rô băm đang được bảo tồn và gìn giữ, góp phần phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Khmer.

Hồng Hạnh Chi


BỘ KHỈ TAM KHÔNG

Hiện nay, ở một số chùa có trưng-bày tượng ba con khỉ trong sân chùa. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn-gốc cũng như hiểu đầy-đủ ý-nghĩa sâu-xa! Mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế-hệ sau qua bức tượng, tưởng chừng như vô-tri đó!


Thoạt đầu, khi mới nhìn qua bức tượng này có lẽ ai trong chúng ta cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó! Đó là: “không nói, không thấy, không nghe”. Nhiều người cho rằng bức tượng ấy muốn dạy chúng ta hãy ở yên và sống cuộc sống của mình, đừng quan tâm đến chuyện của người khác! Hay những gì đang xảy ra xung quanh!!! Nhưng nếu hiểu như vậy thì thiếu chính xác và chưa đầy đủ.

Thực ra, nguồn gốc xuất xứ của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn-Độ vài ngàn năm về trước! Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần, là thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng!!! Theo đó bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người: Không được nói bậy! Không nhìn bậy! Và không nghe bậy!!! 
 
Tư tưởng “ba không” đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Hoa không rõ vào thời kì nào? Sau đó, vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm Phật sự ở Trung Hoa đã mang theo về Nhật tư tưởng này!


Tại Nhật Bản, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng có tám bức khác nhau) có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru: bịt tai, bịt mắt và bịt miệng bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỉ XVII.

Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này.

Bức tượng cũng mang đậm tư tưởng của Đức Khổng-Tử trong Luận Ngữ. Khi Nhan-Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng-Tử đã đáp: “Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là "Không nhìn điều sai! Không nghe điều tầm bậy! Không nói điều trái! Không làm điều quay!”.

Người Nhật còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều khi họ muốn: “Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn! Bịt tai để dùng tâm mà nghe! Bịt miệng để dùng tâm mà nói!”. Khi tâm ở trạng thái tịnh Không bị quay-rầy bởi những điều xấu! Thì từ tâm mới phát-sinh những điều thiện!


Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của “Tâm viên ý mã” trong phép thiền. Chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng. “Tâm viên là vượn tâm, là tâm tán-loạn như vượn khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy-nhót, khọt-khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành này sang cành cây khác, lại hay phá-phách, bắt-chước nên người đời có câu 'liếng khỉ!'". 

Tâm người ta cũng thế! Không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là tâm viên! Tâm này sẽ đưa con nguời đến loạn động! Phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế!!! Bởi vậy tâm chúng sinh bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác nhiều hơn thiện!”

Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết! Bởi mỗi người đều đang tự làm khổ chính mình! Khổ vì nghe chuyện thiên-hạ! Khổ vì nói chuyện thế-gian! và khổ vì nhìn lỗi người khác!


Bởi vậy, nếu biết tu sửa thân tâm, nhìn lỗi của người khác như lời nhắc nhở để ta không phạm phải những sai lầm đó! Lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân, tất cả mọi người quanh ta đều là Bồ-tát chỉ có ta là kẻ phàm phu nên còn rất nhiều lỗi cần phải sửa chữa!!! Cũng như vậy, tai nghe thấy những việc phiền não cũng đừng giữ trong long! Nên nghĩ đó là lúc Đức Phật đang dạy ta chữ “Nhẫn”! Không được sân hận trước những lời nói của người khác, lúc nào cũng giữ cho mình tâm bình-lặng trước mọi việc!

“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng!
Lùi một bước biển rộng trời cao!”

Từng bước, từng bước như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện được con người của mình! Không phải nhờ năng lực siêu nhiên nào khiến bản thân mình thay đổi, mà chính sự nhận thức sâu sắc từ trong tâm sẽ giúp ta quán chiếu được mọi vấn đề một cách vẹn toàn nhất!!! Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” tưởng như đơn-giản, mà lại mang những giáo-lý vô cùng sâu- sắc!


Lúc nào đó, khi đi dạo trong khuôn-viên của chùa, nhìn thấy hình-ảnh những chú khỉ ấy ta vừa thấy thích-thú trước một hình-ảnh ngộ-nghĩnh, vừa là một lời nhắc-nhở nhẹ-nhàng! Mà thâm -húy của các bậc thiện tri- thức muốn truyền-đạt lại cho thế-hệ mai sau!

(Sưu tầm trên mạng)