Hỏi bất kỳ người Malaysia nào tại sao họ thích nasi lemak (có nghĩa là 'cơm thịnh soạn' trong tiếng Mã Lai) ngay lập tức bạn sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau.
Đậm đà hương vị Mã Lai
Nhiều người liên tưởng tới hương vị dễ chịu và mùi vị thời thơ ấu, trong khi những người khác đề cập đến sự pha trộn của hương vị và kết cấu vốn là điều căn bản tạo thành bữa ăn ngon của Malaysia: cay, mặn, béo, ngọt, mềm và giòn.
Bản thân người Malaysia thừa nhận rằng không có gì đoàn kết quốc gia đa văn hóa này cho bằng món ăn của họ - và điều này khiến cho nasi lemak không chỉ là một phần của nền ẩm thực mà còn là một phần bản sắc chung của người Malaysia.
"Đây là món ăn Mã Lai đầu tiên mẹ tôi vốn là dân nhập cư [từ Ấn Độ] đã học cách nấu," Nages Sieslack, người thuộc thế hệ nhập cư đầu tiên được sinh ra tại Malaysia, nói. "Nó đơn giản, nhưng độc đáo. Bạn có thể ăn hoặc phục vụ người khác món này bất cứ lúc nào trong ngày mà vẫn luôn hợp lý."
Nasi lemak bungkus (bungkus có nghĩa là 'gói') tinh túy của Malaysia có bán tại các quầy hàng hoặc xe thức ăn bên đường bao gồm cơm nấu với nước dừa và lá dứa, ăn kèm với sambal (ớt bằm) cay xé lưỡi, đậu phộng rang và cá cơm, dưa leo xắt lát, trứng luộc bổ làm đôi.
Tất cả được gói chặt thành hình chiếc bánh ít với hai lớp: một lớp lá chuối và một lớp giấy báo cũ hoặc giấy gói màu nâu.
Khách hàng cũng có thể chọn từ nhiều món ăn kèm như món rendang bò (bò nấu cà ri nước dừa), gà rán gia vị hoặc hải sản ăn kèm các loại.
Mặc dù thường dùng như bữa ăn sáng, nhưng sự sẵn có 24/7 của nasi lemak giúp nó trở thành vừa là bữa ăn trong ngày vừa có thể là bữa ăn nhẹ sau khi đi bar, và một số người cho rằng đó là cách giã rượu tốt.
Một cảnh tượng thường gặp ở hầu hết các thành thị là người Malaysia thuộc mọi tầng lớp ngồi bên những chiếc bàn gấp nhựa formica trên những lối đi có mái che trước các cửa hàng để lấy phần ăn nasi lemak của mình.
Nguồn gốc lâu đời
Mặc dù khó mà nói chính xác xuất xứ của nasi lemak, nhưng từ lâu nó đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực Mã Lai trên Bán đảo Malaysia, vốn được đề cập vào năm 1909 trong tác phẩm 'Những tình huống trong cuộc sống Mã Lai' do học giả và chuyên gia người Anh về bán đảo Malaya, Richard Olaf Winstedt, viết.
Ông đã ghi lại chi tiết cách nông dân và ngư dân Mã Lai nấu cơm với nước dừa cũng như các loại gia vị khác mà họ ăn cùng với cơm.
Theo thời gian, các nhóm sắc tộc khác đã đón nhận và điều chỉnh món ăn này: người Trung Quốc tạo ra phiên bản thịt heo, là thứ thịt mà người Hồi giáo không ăn, trong khi người Ấn Độ vốn đa phần theo Ấn giáo thì chế biến nó với thịt gà.
Nhưng nasi lemak chủ yếu vẫn được gắn với Malaysia (và Singapore theo mặc định, vì Singapore là một phần của Malaysia từ năm 1963 đến năm 1965), nơi nó đã phát triển thành một món ăn đường phố cổ điển, món ăn quốc hồn quốc túy được người dân địa phương yêu mến và cổ súy.
"Những thế hệ người Malaysia lớn tuổi không thể nhớ có lúc nào mà không có nasi lemak," nhà sử học ẩm thực Ahmad Najib Ariffin, nhà sáng lập Học viện Phát triển, Địa văn hóa và Ngôn ngữ học dân tộc Nusantara vốn tập trung vào văn hóa, truyền thống và di sản ở Đông Nam Á, cho biết.
"Gần như tất cả mọi người [ở Malaysia] nói rằng: 'Vâng, chúng tôi có nasi lemak từ đó giờ'. Và họ nói rằng ngay cả ông bà của họ cũng đã ăn nasi lemak."
Điều đó cho thấy rằng món ăn này là một phần của lịch sử ẩm thực Malaysia. Nó đã có mặt từ rất lâu rồi, đến nỗi nó lan tỏa khắp mọi nơi trên Bán đảo Malaysia.
Những năm gần đây, người ta đã chứng kiến món ăn được ưa chuộng này có một số cải biên kỳ lạ. Bánh phồng cà ri, kem, sô cô la và thậm chí cả bao cao su lấy cảm hứng từ nasi lemak đều được tung ra.
Phản ứng của những người muốn giữ gìn sự thuần khiết đối với những cải biên này là: "Không, dứt khoát là không".
Khước từ cải biên
Có lẽ những từ ngữ cay độc nhất là dành cho người Malaysia nào người mơ ước cải biên nasi lemak khá bất thường và dám chia sẻ nó trên Twitter: nasi lemak được phủ pho mát bào tan chảy. Có một câu trả lời ngắn gọn như sau: "Có một nơi đặc biệt trong địa ngục cho những người trộn nasi lemak với phô mai."
"Giới hạn duy nhất hiện nay là trí tưởng tượng," Ariffin nói.
"Tôi phải thừa nhận rằng một số cải biên là quái đản. Bạn không thể cho là kem hay sôcôla là nasi lemak theo nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, tôi trân trọng sự sáng tạo. Và bất cứ khi nào tôi thấy sự sáng tạo, tôi đều trả tiền đàng hoàng để nếm thử. Đó là lý do tại sao những cải biên đó thường là xu hướng nhất thời - chứ không phải sản phẩm lâu dài."
Tranh cãi ẩm thực Singapore – Malaysia
Nếu như hầu hết người dân địa phương nhìn vào những cải biên này với thái độ bối rối, thì họ lại phẫn nộ khi Singapore cũng tham gia vào việc cải biên nasi lemak.
Tranh cãi về ẩm thực gần như là một thú vui quốc gia của Singapore và Malaysia, hai nước yêu thích ẩm thực vốn từng là một thực thể chính trị đơn nhất.
Cuộc giằng co quanh các món cua xào ớt, cơm gà Hải Nam, bánh lọt hoặc rendang tức càri bò (với món rendang thì còn thêm Indonesia, thỉnh thoảng biến nó thành cuộc tranh chấp ba bên) đã xảy ra liên tục trong nhiều năm.
Và sự bực dọc âm ỉ từ lâu đối với việc Singapore đòi giành lấy hoặc được công nhận là nơi tạo ra cho các món ăn 'có nguồn gốc từ Malaysia' thỉnh thoảng lại sôi sục, dẫn đến tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội.
Nasi lemak là món ăn hiện đang trên tuyến đầu, với các biến tấu mới thường được tung ra vào lúc kỷ niệm quốc khánh của cả hai nước vào tháng Tám.
Vào năm 2017, để kỷ niệm ngày Quốc khánh Singapore vào hôm 9/8, McDonalds Singapore đã tung ra món burger Nasi Lemak.
Đó là một loại bánh kẹp mùi nước dừa với đùi gà, trứng chiên, hành tây caramen và dưa leo xắt lát trên cùng là tương ớt ăn cùng với bánh bao semolina, điều mà một số người Malaysia cho là 'chiếm đoạt' món ăn 'của họ'.
Được các đồng hương khích lệ, cửa hàng burger Malaysia là myBurgerLab đã tạo ra món burger Nasi Lemak Ayam Rendang để kỷ niệm Quốc khánh Malaysia vào ngày 31/8/2017.
Một dòng tweet đầy khiêu khích trước khi nó được tung ra có hình ảnh chiếc bánh burger trước lá cờ Malaysia với dòng chữ: "Singapore thân mến, có cố gắng đấy, nhưng…"
Một số người Singapore bật lại: 'Bắt chước', trong khi những người khác bình luận rằng vấn đề của Malaysia là do McDonalds chứ không phải Singapore.
Loại burger này đã trở thành được ưa chuộng đến nỗi cái ban đầu vốn chỉ là suất ăn đặc biệt tạm thời đã trở thành lựa chọn thường xuyên trên menu của myBurgerLab.
Sau đó, vào tháng 8/2018, khi Singapore đề cử văn hóa hàng rong của họ (bao gồm hơn 100 không gian ăn uống cộng đồng trong nhà, nơi các đầu bếp phục vụ các món ăn đa văn hóa - bao gồm cả nasi lemak) cho Unesco công nhận là di sản văn hóa, cả hai phía lại sừng sộ với việc đầu bếp Malaysia nổi tiếng Redzuawan Ismail (được biết đến nhiều hơn với tên gọi Đầu bếp Wan) gọi sự đề cử này là 'kiêu ngạo' và nói thêm rằng 'những người thiếu tự tin vào món ăn của họ sẽ làm mọi thứ để được công nhận.'
"Malaysia cần phải tăng cuộc đua marketing đối với Singapore"
Người Malaysia một lần nữa lại bị chọc tức trong năm nay với việc hãng phát trực tuyến khổng lồ Netflix đã bỏ qua ẩm thực của họ để thay vào đó giới thiệu Singapore trong loạt chương trình Ẩm thực Đường phố (Châu Á).
Đáp lại, một đài phát thanh địa phương của Malaysia đã kết hợp với Nazrudin Habibur Rahman, người dẫn chương trình ẩm thực Jalan-Jalan Cari Makan (Lùng sục Món ăn) đã phát sóng lâu nay. Sử dụng hashtag #BersatuForMakan (#đoànkếtvìẩmthực), họ vận động để video về món ăn đường phố do họ sản xuất - bao gồm quầy hàng Nasi Lemak Tanglin nổi tiếng ở Kuala Lumpur - được xuất hiện trên Netflix.
Ai thật sự sở hữu?
Najib lập luận rằng trong khi gạo nấu với nước dừa không phải chỉ có ở Malaysia, loại nasi lemak được phục vụ ở đất nước này, với tập hợp đặc biệt các loại gia vị, là chỉ có ở Malaysia mới có. "Ta không thấy loại nasi lemak này ở những nơi khác ở Đông Nam Á," ông nói.
Những người khác thì thận trọng hơn trong việc giành quyền sở hữu duy nhất cho một món ăn có nhiều phiên bản gần gũi - cho dù là biến tấu về nguyên liệu, gia vị và hương vị - trên khắp Đông Nam Á.
"Tôi không thể nói là nasi lemak có trong sách lịch sử của Malaysia hay không. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng ở bất cứ nơi nào có người Mã Lai, nasi lemak sẽ là món ăn phổ biến như ở Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore," ông Mohammad Nazri Samsuddin, người quản lý thế hệ thứ ba của nhà hàng Nasi Lemak Wanjo ở Kuala Lumpur, nói.
Mohammad phục vụ nasi lemak với các món ăn kèm như mực sa tế và vẫn gìn những truyền thống Mã Lai như nấu cơm trong những chiếc xửng bằng gỗ được sản xuất đặc biệt.
Thật vậy, các phiên bản của nasi lemak xuất hiện rải rác trong khu vực, từ phía bắc Sumatra - nơi nó được ăn kèm với serundeng (cơm dừa chiên cay), sambal udang (tôm và khoai tây nấu với sốt ớt) và telor balado (trứng luộc sốt ớt) - đến thị trấn Betong miền nam Thái Lan, nơi nó được ăn kèm với súp tom yam (canh chua cay thường nấu với tôm).
"Nasi lemak là món ăn yêu thích nhất của cộng đồng Nusantara. Rất nhiều tên gọi, rất nhiều biến thể theo địa lý và văn hóa, cho nên sẽ gần như là báng bổ để đòi sở hữu nó cho riêng Malaysia," Rahman nói.
Ariffin đồng ý. Bởi vì Quần đảo Mã Lai đã chứng kiến lịch sử ảnh hưởng chéo, di cư chéo và hôn nhân xuyên sắc tộc, ông tin rằng sẽ không thành thật nếu bất kỳ quốc gia nào đó tuyên bố họ có quyền đối với một món ăn vốn có trước khi biên giới quốc gia ra đời.
Di sản chung
"Chúng ta quên rằng Singapore và Malaysia giống như anh em vậy. Tôi vẫn luôn muốn nhắc rằng chúng tôi có chung cha mẹ. Nếu cha mẹ để lại cho con cái họ cùng một công thức thì không đứa con nào có thể nói rằng công thức này là của riêng tôi," Ariffin, người có gia đình ở cả hai nước, nói.
Có lẽ rốt cuộc thì vấn đề có thể không phải là về xuất xứ của món ăn mà là ai là người có thương hiệu tiếp thị tốt nhất.
"Phải thừa nhận là, điều mà chúng tôi chỉ xếp thứ hai là tận dụng nền văn hóa hòa nhập đa dạng của chúng tôi. Tiếp thị ngọt xớt là thắng lợi của người Singapore."
"Từ nắm bắt những cơ hội tốt trong sản xuất nội dung toàn cầu (ví dụ, Netflix) cho đến tận dụng cơ hội giới thiệu mình trên một nền tảng toàn cầu (chẳng hạn trong phim Crazy Rich Asians), tôi ngả mũ trước người láng giềng của chúng tôi. Đó là điều chúng ta có thể học hỏi từ họ," Rahman nói.
Tuy nhiên, Rahman nhận thấy có rất nhiều tiềm năng trong việc giúp ẩm thực Malaysia nhận được những lời tán thưởng tương xứng.
"Chúng tôi phải tạo ra và kể những câu chuyện của mình. Những câu chuyện hay phản ánh văn hóa của chúng tôi, thông qua ẩm thực của chúng tôi. Nếu chúng tôi không kể câu chuyện của mình, ai sẽ kể đây? Singapore à?" ông nói.
Vào dịp Quốc khánh vào ngày 31/8 năm nay, McDonalds Malaysia đã mang đến điều có thể là lời cuối cho cuộc tranh luận.
Một quảng cáo táo tợn được phát trên trên YouTube với dòng chữ "Không gì có thể chen vào giữa người Malaysia và nasi lemak của họ," ngụ ý rằng nasi lemak của McDonalds thậm chí còn ngon hơn phiên bản ngon nhất của Singapore.
Sau đó, để kỷ niệm Ngày Malaysia vào ngày 16/9, công ty này đã khởi xướng một kiến nghị trên Change.org để thu thập 100.000 chữ ký nhằm giúp nasi lemak được công nhận là món ăn quốc gia Malaysia. (Họ đã không đạt được mục tiêu này.)
"Đó là điều mà McDonald Malaysia muốn làm cho đồng bào mình, bởi vì, trong khi chúng tôi thừa nhận sự phổ biến của nasi lemak đối với người dân Malaysia, tại sao Malaysia vẫn chưa có món ăn quốc gia vẫn là điều bí ẩn," Melati Abdul Hai, phó chủ tịch và giám đốc tiếp thị của McDonald Malaysia, nói.
Bản thân người Malaysia thừa nhận rằng không có gì đoàn kết họ lại cho bằng nền ẩm thực phong phú của họ.
Có lẽ đó là vì ẩm thực có thể là một trong số ít các dấu hiệu định dạng bản sắc còn lại vẫn chưa bị vẩn đục trong xã hội đa dạng này, nơi mà bất hòa thường bị khuấy động bởi việc chính trị hóa những khác biệt sắc tộc và tôn giáo.
Cuối cùng, người ta có thể lập luận rằng nasi lemak không chỉ là một món cơm đơn giản. Đó là bản sắc dân tộc chung. Và đôi khi đó là lãnh địa mà tốt nhất là đừng đụng đến.
Brenda Benedict
BBC Travel
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment