Wednesday, March 25, 2020

ĐẾM SAO


Đếm sao

thơ: Tạ Ký

(tặng Cam Duy Lễ)


Ngày suối biếc cười rằng nai ngớ ngẩn
Ngày hoa rừng nở lấp ánh sao đêm
Ngày chim hót, cỏ cây buồn vớ vẩn
Đó là ngày vừa mới được quen em

Hội thảo đã đủ đầy chim với suối
Cây nhìn trời, sao cúi xuống lưng nai
Nước trong vắt coi chừng đau sỏi cuội
Em của anh chừ, ai của ngày mai?

Trong tiếng gió, nghe chừng hoa trách móc:
"Hương dù bay, lòng gió vẫn vương hương"
Trong tiếng suối, nghe chừng hoa muốn khóc:
"Suối dù tuôn, hoa vẫn đẹp như thường!"

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa
Trông lên trời, đếm những điểm sao xa


Nguồn: Tạ Ký, Sầu ở lại, Quế Sơn - Võ Tánh xuất bản, 1971


Sơ lược tiểu sử tác giả:


Tạ Ký sinh năm 1928, người làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cùng quê với thi sĩ Bùi Giáng. Tạ Ký là một nhà thơ sáng tác rất sớm, ngay từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường, và vào giữa thập niên 50 thì được nhiều người biết đến khi thơ ông bắt đầu xuất hiện trên báo chí Sài Gòn như các tờ Đời mới, Văn nghệ tiền phong…

Năm 1952 nhà thơ bỏ vùng Việt Minh về Huế để học nốt những năm cuối của bậc trung học ở trường Khải Định. Sau khi đậu tú tài, năm 1956 ông vào Sài Gòn theo học Văn Khoa và Luật, rồi trở thành thầy giáo dạy văn chương tại trường Petrus Ký. Sau ngày 30/4/1975 ông đi tù cải tạo vì tội “giáo chức biệt phái”, ra khỏi tù hai năm sau. Cuối năm 1978, Tạ Ký từ Sài Gòn đi về sống ở An Giang, và đã qua đời trong cô độc tại đây vào ngày 19/3/1979. Hai mươi hai năm sau, vào ngày 5/4/2001, gia đình và bạn bè đã dời mộ ông từ Chợ Mới, An Giang về cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, bên cạnh mộ phần của Bùi Giáng, với ước mong đưa ông trở lại chỗ nằm và chỗ đứng xứng đáng cho ông, trong cuộc đời cũng như trong lòng người.


Làm thơ tử thuở còn học tiểu học cho mãi đến những năm cuối của đời mình, cuộc đời của Tạ Ký gắn liền với thơ, cũng như với việc dạy học. Cuối thập niên 60, Tạ Ký in tập thơ "Sầu ở lại", và được trao giải thưởng của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà vào đầu thập niên 70. Tập thơ thứ hai của ông, "Cô đơn còn mãi", xuất bản gần ngày sụp đổ miền Nam nên được ít người biết đến. Trong hai năm ở tù cải tạo, Tạ Ký cũng làm nhiều thơ, nhưng hiện chỉ còn một số ít trong trí nhớ của các bạn đồng tù.

Nguồn: Thi Viện

No comments: