Trà Mã cổ đạo là một con đường mòn huyền thoại nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên, vận chuyển trà và ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng tới nay đã hàng nghìn năm tuổi. Đây cũng là con đường thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á. Nhiều năm trở lại đây, đã có du khách lựa chọn làm điểm đến tham quan. Tại sao? Bởi lẽ, Trà Mã cổ đạo cũng có nhiều điều hấp dẫn chờ bất kỳ ai đến khám phá.
Trà Mã cổ đạo nhiều điều hấp dẫn chờ bất kỳ ai đến khám phá
Tồn tại ở phía tây nam của Trung Quốc, Trà Mã cổ đạo xưa với đoàn lữ hành là phương tiện giao thông chính. Việc buôn bán ngựa và trà bắt nguồn từ biên giới phía tây nam và tây bắc cổ đại. Đó là một con đường mòn trải dài, dần đi vào lãng quên và chỉ còn tồn tại trong hồi tưởng của nhiều người dân bản địa.
Trà Mã cổ đạo xưa với đoàn lữ hành là phương tiện giao thông chính với việc buôn bán ngựa và trà
Cách đây khoảng hơn 1200 năm trước, triều đình nhà Tống đã bắt đầu trao đổi, buôn bán với người Tây Tạng qua con đường này. Họ đổi trà lấy những đoàn ngựa chiến để phục vụ chiến tranh ở đồng bằng. Các thương lái Trung Quốc cũng vận chuyển trà từ Vân Nam sang Tây Tạng. Ngược lại, họ sẽ nhận những chú ngựa của vùng đất thần bí này và đem về Trường An bán lại. Từ đó, người Trung Quốc đã hình thành nên con đường Trà - Mã.
Cũng theo nhiều ghi chép: Thời kì thịnh vượng nhất của con đường này thuộc triều Minh (1369 - 1644), thời ấy, trà quan trọng tới nỗi nhà Minh có thể dùng nó gây sức ép lên tộc người Tây Tạng. Trung bình mỗi năm, có hơn 15 triệu kí trà từ Vân Nam được đổi lấy 20.000 chiến mã Tây Tạng. Tới đời nhà Thanh, năm 1735, việc mua ngựa chiến ngừng lại nhưng một lượng lớn trà vẫn được đưa vào Tây Tạng để đổi lấy những mặt hàng khác như da, nhu yếu phẩm. Như vậy, Trà Mã cổ đạo trở thành một nhân chứng, ghi dấu những câu chuyện đầy gian khổ của giới Mã Phu Trà năm xưa.
Con đường cổ dài 4.000 km, có nhiều nhánh đường khác nhau và đích đến của chúng đều là các vùng đất thuộc Tây Tạng, nơi có nhu cầu rất lớn về trà. Trà Mã cổ đạo nối liền những tu viện cao nhất thế giới ở Tứ Xuyên, đồng thời cũng là địa điểm phân phối trà cho toàn khu vực.
.
Trà Mã cổ đạo trở thành một nhân chứng ghi dấu những câu chuyện đầy gian khổ của giới Mã Phu Trà năm xưa
Gần 8.000 tu sĩ ở đây ngày nào cũng uống trà hai lần - một nguồn cầu về trà vô cùng lớn. Con đường này đã in dấu những bước chân ngựa, chân người. Những đoàn vận chuyển trà tới đây được gọi là các đoàn “mabang” (lữ hành). Họ bao gồm những mã phu thông thạo rừng núi và đường đi nước bước nơi này, dẫn đường cho những chuyến hàng được suôn sẻ. Phần lớn những người khuân vác trà là nam, song nữ giới cũng tham gia vào công việc này. Thông thường, 1 ký trà sẽ đổi được 1 ký gạo và ai mang càng nhiều thì càng tốt.
Có thể nói, con đường Trà Mã cổ đạo dài, ngoằn ngoèo luôn là thách thức cho bất kì ai. Mưa, tuyết và bão xảy đến bất ngờ, sẵn sàng cướp đi mạng sống của con người. Nhiều mã phu và thương nhân đã nằm lại nơi này và ngày nay, ta vẫn có thể bắt gặp những nấm mộ dọc đường đi.
Con đường Trà Mã cổ đạo dài, ngoằn ngoèo luôn là thách thức cho bất kì ai
Đến với Trà Mã cổ đạo ngoài việc tìm hiểu về lịch sử của con đường, du khách còn có thể hành hương đến ngọn núi tuyết linh thiêng Mai Lý của người Tây Tạng. Ngọn núi với hơn 20 đỉnh núi với tuyết bao phủ vĩnh cửu, bao gồm sáu đỉnh cao trên 6.000 mét. Kawagebo là điểm cao nhất 6.700 mét và được xem như là ngôi nhà của các vị thần của Phật giáo ở Tây Tạng trú ngụ. Núi tuyết Mai Lý là ước mơ của các nhà leo núi mạo hiểm vì với họ, núi tuyết Mai Lý chưa ai chinh phục được. Hiện nay, chính quyền địa phương đã thông qua luật cấm leo núi tuyết Mai Lý vì tôn giáo và tín ngưỡng của người Tây Tạng không cho phép mạo phạm thần thánh của họ và nó quá nguy hiểm cho người leo núi.
Núi tuyết Mai Lý là ước mơ của các nhà leo núi mạo hiểm
Bên cạnh đó, hồ Ranwu (hay còn gọi là Rawok) còn là một chốn dừng chân lý tưởng khi đến với Trà Mã cổ đạo. Lấy tên của một thị trấn nhỏ ở tỉnh Nyingchi, Tây Tạng, có diện tích 22 Km2, cao 3.850 m. Tuy nhỏ nhưng hồ Ranwu là một thị trấn hiện đại, gần căn cứ quân sự, có khoảng 20 cửa hàng, khách sạn phục vụ cho khách du lịch và những đoàn người khai thác gỗ.
Hồ Ranwu còn là một chốn dừng chân lý tưởng khi đến với Trà Mã cổ đạo
Hãy dậy sớm khi áng nắng mặt trời chưa kịp làm tan đi những đám mây đang bao phủ những ngọn núi tuyết và sương mù đọng lại trên mặt hồ Ranwu, cảnh đẹp lúc ấy sẽ khiến du khách bỗng chốc lặng người đi, chỉ sợ một tiếng thở mạnh thôi cũng đủ làm cho cảnh đẹp trước mắt tan biến. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương, những ngọn núi tuyết, những làn mây lãng đãng tha hồ soi bóng mình trên mặt gương. Màu xanh trong kết hợp cùng tuyết trắng soi xuống làn nước trong vắt, đẹp đến nao lòng.
Ngoài những khúc cua hiểm trở, những cảnh đẹp có thể nhìn thấy trên cung đường, Lễ hội Horse Nagqu do người Tây Tạng tổ chức nhằm thể hiện sự tự hào của mình về con đường cổ về trà và ngựa chiến quê hương, cũng là một trải nghiệm thú vị cho du khách. Qua hàng ngàn năm, những con ngựa tốt nhất được gọi là các Nangchen. Chúng là giống nhỏ người nhưng cứng cáp, thiện chiến, thích nghi tốt với tình trạng thiếu oxy trên cao và là dòng ngựa mơ ước thời xưa khi đổi trà của người Trung Quốc.
Lễ hội Horse Nagqu do người Tây Tạng tổ chức nhằm thể hiện sự tự hào của mình về con đường cổ về trà và ngựa
Theo thời gian, giờ đây Trà Mã cổ đạo không còn vị thế độc tôn của mình nữa. Con đường cổ thật sự giờ chỉ còn là dấu tích. Nhưng nó vẫn là một minh chứng lịch sử quan trọng, một địa điểm du lịch thú vị cho những ai đam mê khám phá. Và nơi đây vẫn mãi là điều hấp dẫn chờ bất kỳ ai đến thưởng lãm, du ngoạn.
Theo: VYC Travel