Sunday, March 8, 2020

NGƯỜI CÓ VĂN HÓA CAO KHÔNG NHẤT ĐỊNH PHẢI TRANG BỊ NHIỀU BẰNG CẤP

Người đọc sách nhiều không nhất định là có hiểu biết sâu, người kiến thức rộng cũng không nhất định là có văn hóa. Như thế nào mới đáng gọi là người có hàm dưỡng, tu dưỡng đây?
 

Câu trả lời là, chỉ khi một người có thể tự giác, hiểu đạo tu thân, có lòng thiện lương, tôn trọng sự tự do, họ mới xứng được gọi là người có văn hóa.

Biết tu thân dưỡng tính

Một người tâm bình khí hòa, làm việc thỏa đáng, làm người lễ phép, đó chính là tu dưỡng. Thời xưa, người ta thường ví người quân tử với ngọc thạch, cho rằng quân tử ôn hòa, tâm sáng như ngọc quý.

Người đọc sách xưa đều hiểu đạo tu thân. Chỉ sau khi tu thân vững chắc rồi mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Như vậy, tu thân là cái gốc của mọi sự trong đời. Không biết tu thân thì chớ mong làm nên sự nghiệp.

Tu dưỡng chính như một sự lắng đọng của tâm linh giữa dòng đời xuôi ngược, cũng là cảnh giới tinh thần chính mình luyện được. Nhưng chỉ khi người ta có thể xem nhẹ được mất, tự kiềm chế, biết hạn độ thì mới trở thành một người có tu dưỡng, hàm dưỡng được.

Tu luyện cũng không phải là khái niệm xa vời, không có nghĩa là bỏ nhà vào chùa xuất gia hay chui vào thâm sơn cùng cốc thanh tĩnh vô vi. Tu luyện chính là ngay giữa cõi hồng trần cuồn cuộn này làm sao có thể giữ vững tâm tính, đề cao cảnh giới tinh thần, khoan dung đối đãi với người và hiểu được chân lý của vũ trụ. Đó mới chính là đạo tu luyện, tu dưỡng thực sự vậy.

Biết tự giác

Một người có văn hóa ắt là một người tự giác. Lúc đi xe tự giác xếp hàng, mua cơm tự giác không chen lấn, nhìn thấy người già, trẻ nhỏ thì tự giác nhường chỗ… đều là những biểu hiện tuy nhỏ nhưng rất cụ thể của một người văn minh.

Khổng Tử nói “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, chớ làm cho người). Tự giác chính là hiểu được điều gì lợi hại cho người khác mà cân nhắc làm hay không, có thể lấy lòng đo lòng, đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ cho họ.

Tự giác là không cần ai phải ước thúc, nhắc nhở, tự mình làm tốt bổn phận cá nhân, không chây lười, ỷ lại. Một xã hội có càng nhiều người tự giác thì có khi cũng chẳng cần có nhiều cảnh sát, người ta cũng không cần nghĩ ra đủ thứ pháp luật nữa.

Ngoài ra, nếu có thể tự giác dùng cái tâm thiện lương đối đãi với mọi người thì mọi thứ lễ nghi, lễ phép nghiêm ngặt cũng không còn là vấn đề cần nhắc nhở nữa. Khi ấy, quan hệ giữa người với người sẽ tự khắc tốt đẹp hơn, chính là như nước chảy chỗ trũng, tự nhiên và tùy duyên.

Biết tôn trọng tự do

Ở bến xe, tàu điện ngầm, bệnh viện, sân bay, bạn có thể tự do nói chuyện, nghe nhạc, ăn uống… Đó đều thuộc về quyền tự do cá nhân của mỗi người. Nhưng nếu sự thoải mái, tự do của bạn ảnh hưởng đến người khác thì mọi chuyện đã khác hẳn, ranh giới đã bị vượt qua rồi.

Ở nơi công cộng, người có văn hóa, hàm dưỡng đều là nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ đoan trang, chỉ e ảnh hưởng đến người khác. Ngay cả trong những tình huống giao tiếp cá nhân, khi chỉ có hai người, họ cũng đều nhất mực tôn trọng suy nghĩ, tình cảm của đối phương.

Người có văn hóa biết ở đâu là điểm dừng, biết chuyện gì là riêng tư không thể động đến. Tôn trọng tự do cá nhân nên họ cũng sẽ không bàn tán thị phi, xen vào đời sống riêng tư của người khác. Vì tôn trọng người khác, họ cũng luôn được người khác tôn trọng lại. 

Vì tôn trọng người khác, họ cũng luôn được người khác tôn trọng lại. Ảnh minh họa (theo ru.wikipedia.org)

Họ hiểu được làm sao để nhường lại một con đường cho bản thân và người khác, để hai bên đều có lối đi, chứ không đến nỗi phải chạm mặt oan gia ngõ hẹp, rồi cả hai đều rơi tõm xuống nước.

Biết ôm giữ lòng lương thiện
Người có lòng lương thiện luôn biết nghĩ cho người khác. Người khác ở gần họ cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Thiện lương cũng chính là giương cao chính nghĩa, trừng trị cái ác. Thiện lương là cứu giúp người đang gặp khó khăn, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

Người có lòng thiện luôn muốn cảm nhận người khác, lúc nào cũng mang đến cho người khác một sự tín nhiệm, quan tâm. Bởi thiện, từ bi là một loại tình cảm mềm dẻo nhất nhưng cũng lại có sức mạnh nhất.

Người có văn hóa, có hàm dưỡng chính là không kể gian nan thế nào cũng luôn giữ vững bản tính lương thiện trời ban của mình. Họ không sợ lạc lõng giữa thói đời đen bạc, mà luôn giữ được sự cao thượng trong nhân cách. Nói như một câu của Khuất Nguyên thì chính là: “Đời đục cả một mình ta trong. Đời say cả một mình ta tỉnh”.

Trong tâm gieo xuống hạt giống thiện lương, có một ngày sẽ đơm hoa kết trái thiện lành. Người có thiện niệm, ắt sẽ được trời xanh phù hộ, Thần Phật chở che, không bao giờ sợ hãi trước kiếp nạn.

Đời người chỉ có kinh qua mới hiểu được, chỉ có hiểu được mới biết trân quý. Chuyện xưa hãy coi như một giấc mộng tàn, để yêu hận trở thành cánh hoa trôi theo dòng nước. Xem nhẹ hết thảy, coi mọi được mất trong đời chỉ là mây khói thoảng qua, thì chính là thêm một phần bình an, thêm một phần hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Thiện Sinh