Thursday, March 19, 2020

LÒNG TỐT

Có mấy người Úc đi du lịch VN về và than trên báo chí là họ sợ và chẳng bao giờ muốn quay lại VN lần nữa vì những gian lận và giựt dọc ở đây nhất là những đứa đánh giày. Xã hội Việt Nam khinh khi những người đánh giày, thật ra ở Úc đánh giày là một nghề nghiệp bình thường như những nghề khác. Khắp các thành phố lớn ở Úc đều có những người đánh giày và rất chuyên nghiệp. Tôi sẽ post thêm một clip video về nghề đánh giày ở Queensland phía dưới bài.

Nghề đánh giày không có gì xấu, chỉ có con người xấu. Các bạn hãy đọc câu chuyện sau đây để thấy rõ hơn:



LÒNG TỐT

Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại một gia đình nông dân ở Brazil. Nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, chú đã phải đi bán đậu phộng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn.

Sau khi lên tiểu học, lúc đó gia đình đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, tan học, chú bé thường đi với hai người bạn cùng lứa, đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như nhịn đói.

Năm 12 tuổi, vào một buổi xế chiều, có một người khách, là chủ tiệm giặt là và nhuộm áo quần đến chiếu cố, ba đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn ba cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: "Ai cần tiền nhất, thì tôi cho đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng".


Công đánh một đôi giầy chỉ có vậy nhưng 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn, ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: "Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!". Đứa khác nói: "Nhà cháu đã hết thức ăn từ ba ngày nay, mẹ cháu lại đang ốm, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn". Cậu Lula nhìn 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: "Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho hai bạn đó mỗi đứa 1 đồng!".

Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và hai đứa kia rất ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: "Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa có ăn được ít đậu phộng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng".

Cảm động trước câu nói của cậu bé, ông chủ tiệm đã trả cho nó 2 đồng bạc, sau khi nó đã đánh bóng đôi giầy. Và Lula giữ đúng lời, cậu đã đưa ngay cho hai đứa bạn mỗi đứa 1 đồng. Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến Lula, nhận cậu đến học nghề sau mỗi buổi tan trường ở tiệm giặt nhuộm của ông, thậm chí ông còn bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.


Chú bé hiểu rằng chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời. Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.

Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong một nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu tham gia vào công đoàn. Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng "Lao động". Năm 2002, khi ứng cử tổng thống, khẩu hiệu của ông là: "Ba bữa cơm no cho tất cả mọi người trong quốc gia này". Và ông đắc cử làm tổng thống Brazil. Năm 2006, ông đắc cử nhiệm kỳ hai.

Trong 8 năm tại chức, ông đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm: "Giúp đời!". Và nước Brazil dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở thành "con mãnh sư châu Mỹ", trở thành nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.


Luiz Inácio Lula da Silva đó là tên của tổng thống Brazil nhiệm kỳ 2002 - 2010.

(Sưu tầm trên mạng)