Wednesday, June 30, 2021

BÁNH TIÊU SẮC MÀU

Xe bánh tiêu sắc màu nổi bật trên đường phố quận 8

Những chiếc bánh tiêu sắc màu chỉ với 15 ngàn đồng, tưởng như không có gì lạ ngoài lớp vỏ màu sắc nhưng thử rồi mới thấy thú vị.


Tại Việt Nam, bánh tiêu là thức ăn đường phố khá phổ biến. Từ bánh tiêu cơ bản ăn với bánh bò, đến bánh tiêu nhân sầu riêng và giờ đây, món bánh tiêu sắc màu xinh xắn, có phần nhân hấp dẫn đã "trở lại" vào mùa hè này.

Bánh tiêu sắc màu với các loại nhân cùng màu tạo điểm nhấn

Bánh tiêu hay còn được gọi là bánh hồ tiêu là một loại bánh bột mì nướng có nguồn gốc từ Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ở Việt Nam, bánh tiêu không chỉ là bữa ăn "lai rai" xế chiều mà còn là thứ lót dạ rẻ tiền, nhanh chóng mà vẫn "bắt vị", đặc biệt là khi ăn kèm bánh bò mềm mại, bông xốp.


Xe bánh tiêu sắc màu này xuất hiện tại quận 8, TP.HCM. Sau đó, xe bánh nhanh chóng chiếm được cảm tình của thực khách nhờ sắc màu bắt mắt so với bánh tiêu thông thường. Bánh tiêu sắc màu gồm 4 loại màu khác nhau, làm từ màu thực vật: đậu biếc, lá cẩm, lá dứa, sầu riêng.

Theo chia sẻ, bánh tiêu sắc màu có nhân phô mai béo ngậy, bánh có ruột mềm, vỏ giòn.

Bánh tiêu với màu đậu biếc xinh xắn

Một chiếc bánh có giá 15.000đ ban đầu khiến người ta e ngại vì khá cao so với bánh truyền thống, nhưng khi thưởng thức mới thấy "đáng đồng tiền bát gạo". Quán thường bán theo set 4 bánh đủ 4 sắc màu để thực khách có thể thưởng thức hết được vị ngon của từng loại.


Quán rất đông khách về chiều nhưng chị chủ vẫn luôn niềm nở đón khách và chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của từng thực khách. Bên cạnh bánh tiêu, chị chủ có bán thêm nước sâm lá dứa mà theo nhiều người, đây là combo "đỉnh của chóp".


Đây có lẽ sẽ là món ăn được liệt vào danh sách nên trải nghiệm của mùa hè này. Tuy vậy, bạn cần lưu ý tuân thủ quy định 5K của chính phủ khi ghé xe bánh để mua mang về.

Nguyễn Đức Long

CON NGƯỜI CẢ ĐỜI ĐẤU ĐÁ NHAU TRONG “TÌNH, DANH, LỢI” RỐT CUỘC LÀ VÌ ĐIỀU GÌ?

Kiếp người ngắn ngủi mấy chục năm, thoáng chốc đã chỉ là cát bụi. Con người đối với nhau lại thường xuyên ganh đua, đấu đá, trong “tình, danh, lợi” mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng mang theo được những gì?


Người xưa thường nói: Có lương thực ngàn gánh cũng chỉ ăn một ngày 3 bữa, có căn nhà lớn 10 tầng cũng chỉ ngủ ở một gian, báu vật trăm xe ngựa trong lòng vẫn có buồn phiền, quan to lộc hậu cũng là đi làm hàng ngày, vinh hoa phú quý cũng chỉ là thoảng qua như mây khói! Vậy, sống trên đời vì sao cứ phải tranh giành?

Con người “tranh giành” rốt cuộc là vì điều gì?

Trong thế giới ồn ào này, người ta lừa gạt, oán trách nhau, đố kỵ nhau đều là kết quả của sự tranh giành. Công khai tranh giành, âm thầm tranh giành, tranh giành lợi ích lớn, tranh giành lợi ích nhỏ, hôm qua tranh giành, hôm nay tranh giành. Rốt cuộc, suy cho cùng, “tranh giành” cũng chỉ để thỏa tâm ích kỷ mà thôi.

Khi tấm lòng rộng mở một chút sẽ không còn chỗ cho tranh giành tồn tại. Xem nhẹ “được và mất” một chút, tranh giành sẽ tan biến. Mục tiêu giảm bớt đi một chút, tranh giành sẽ không trỗi dậy. Xem nhẹ tâm danh lợi đi một chút, tranh giành sẽ không còn.


Trong cuộc sống, có thể có vô số lý do để không tranh giành, nhưng chính vì dục vọng đã khiến cho mỗi người trở thành một chú “sư tử” đói nằm trong bụi cỏ, kìm nén không được.

Một khi tranh giành được “quyền và tiền” trong tay thì hạnh phúc sẽ mất đi. Tranh giành được “thanh danh” thì niềm vui cũng sẽ không tồn tại. Những thứ không thuộc về bản thân mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an.

Nói cách khác, những thứ mà con người vắt óc để nghĩ cách tranh giành được, không phải là “hạnh phúc, niềm vui và an tâm”, mà chỉ là “phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi” về thể xác và tinh thần.

Không tranh giành chẳng lẽ là điều không tốt? Cho dù chỉ giảm tranh giành xuống một chút, coi nhẹ những thứ mà mình cho là quan trọng đi một chút, mọi người sẽ phát hiện rằng nhân tâm của mình thoáng chốc đã trở nên rộng rãi, thế giới thoáng chốc trở nên to lớn.


Cũng bởi vì không quá tranh giành, khuôn mặt người ta sẽ tươi cười nhiều hơn, nắm tay nhau nhiều hơn, nhường nhịn nhau nhiều hơn, chân thành nhiều hơn, nhiệt tình nhiều hơn, bạn bè sẽ nhiều hơn, tình cảm nồng đậm hơn, tâm nguyện sâu sắc hơn và tình yêu thương sẽ lớn hơn, thật hơn.

Để giảm bớt “tranh giành”, hãy quan niệm:

Người nhiều tiền hay ít tiền, đủ ăn là được rồi!
Người xấu hay đẹp, vừa mắt là được rồi!
Người già hay người trẻ, khỏe mạnh là được rồi!
Gia đình giàu có hay nghèo túng, hòa thuận là được rồi!
Chồng về sớm hay về muộn, có về là được rồi!
Người vợ phàn nàn nhiều hay ít, lo việc nhà là được rồi!
Con cái dù làm tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ cũng được, an tâm là được rồi!
Nhà to hay nhà nhỏ có thể ở được là được rồi!
Trang phục có thương hiệu hay không, có thể mặc được là được rồi!
Ông chủ không tốt, có thể chịu được là được rồi!
Hết thảy phiền não, có thể giải được là được rồi!
Cả đời người, bình an là được rồi!

Không phải có tiền nhiều mới là tốt, tâm tính lương thiện giúp đỡ người khác thì số mệnh có thể thay đổi được tốt.


Rất nhiều chuyện nghĩ thoáng ra sẽ tốt, mọi người đều tốt, vạn sự đều tốt! Người tốt, mình tốt, thế giới đều tốt. Nói ngắn gọn lại, biết đủ là tốt nhất!

Không tranh giành là cảnh giới cao của nhân sinh!

Theo ĐKN

NGUỒN GỐC CỦA THÀNH NGỮ "BÊN TÁM LẠNG NGƯỜI NỬA CÂN"

Chiếc cân 16 lạng của người xưa hàm chứa triết lý vô cùng uyên thâm. Nó không chỉ là một thiết bị dùng để cân đo đong đếm, mà còn là một lời nhắc nhở cho các thương nhân không nên cân gian bán lận cho khách hàng, bằng không họ sẽ tự hại chính mình mà thôi…

Chiếc cân 16 lạng của người xưa không chỉ dùng để cân mà còn hàm chứa trí tuệ vô cùng uyên thâm. (Ảnh qua The Epoch Times)

Ban đầu, chiếc cân người xưa sử dụng quy định một cân là 16 lạng, cho nên dân gian mới có câu “kẻ tám lạng người nửa cân” để chỉ 2 người ngang sức nhau. Vậy tại sao người xưa lại quy định một cân là 16 lạng? Phải chăng là do họ chưa hiểu biết nhiều?

Thực ra, chuyện này chứa đựng trí tuệ rất uyên thâm. Dân gian truyền rằng người xưa quan sát thấy Bắc Đẩu thất tinh, Nam Đẩu lục tinh, hơn nữa bên cạnh là tam tinh Phúc, Lộc, Thọ, vừa đúng là 16 tinh. Bắc Đẩu thất tinh chủ vong; Nam Đẩu lục tinh chủ sinh; tam tinh Phúc, Lộc, Thọ phân nhau chủ phúc, lộc, thọ của một đời người. Đó cũng là tương hợp với câu nói “Người đang làm, Thần đang nhìn”.

Tương truyền rằng, người buôn bán nếu cân đồ cho người ta mà thiếu lạng thì phải chịu trừng phạt. Bán đồ đưa thiếu người ta 1 lạng, Phúc tinh liền giảm bớt phúc của người này. Đưa thiếu 2 lạng, Lộc tinh liền giảm lộc của người này. Nếu đưa thiếu 3 lạng, Thọ tinh liền cho người này giảm thọ.

Dưới đây là 2 câu chuyện ẩn chứa bài học nhân sinh sâu sắc liên quan đến chiếc cân thời xưa.

Chuộc lỗi cho cha

Chuyện kể rằng, một người bán tạp phẩm ở Dương Châu thời nhà Minh có một cậu con trai và 2 đứa cháu nội. Gia đình có thể gọi là khá giả. Ngày sắp lâm chung nằm trên giường bệnh, ông lấy ra một cái cân cho người con trai xem và nói: “Đây là bí mật thành công của ta. Ta đã chèn thủy ngân vào tay đo ở đòn cân để cân gian cho khách hàng. Nhờ đó mà ta trở nên giàu có. Con hãy kiếm lời thật nhiều từ chiếc cân này”.

Đó là một cú sốc lớn cho người con trai. Dù có nằm mơ, anh cũng chưa bao giờ dám nghĩ cha mình sẽ bán đứng lòng trung thực để đổi lấy giàu sang như vậy. Anh đã đốt bỏ chiếc cân sau khi cha chết.

Để chuộc lại tội lỗi của cha mình, anh cố gắng hết sức giúp đỡ người nghèo và làm việc thiện. Chưa đầy 3 năm sau, hơn một nửa tài sản của gia đình anh đã được cho đi, nhưng anh chưa bao giờ phiền lòng về điều đó.


Tuy nhiên bất hạnh thay, 2 người con trai của anh đều lần lượt ra đi khi tuổi đời vẫn còn nhỏ. Chuyện này khiến anh suy sụp. Không thể tìm ra nguyên cớ cho nỗi bất hạnh của mình, anh đổ lỗi cho ông trời và cảm thấy thật bất công, tại sao lòng tốt của mình không được đền đáp?

Một ngày nọ, anh mơ thấy gặp Diêm Vương ở chốn địa phủ và được Ngài giải thích về tình cảnh của mình. Ngài phán: “Cha ngươi giàu có là nhờ phúc đức ông ta được hưởng do làm việc thiện ở kiếp trước. Tiền tài của con người ta vốn đã được định trước. Đòn cân chứa thủy ngân không hề giúp cha ngươi giàu có. Trên thực tế, vì đã lừa lọc và lấy tiền của khách hàng bằng cách thức gian dối, nên cha ngươi đã mang tội. Và giờ đây, ông ta đang phải đền tội ở chốn âm ty này.

Những tội lỗi của ông ta cũng ảnh hưởng đến ngươi. Thiên giới ban cho ngươi 2 đứa con trai rồi tước chúng đi là để ngươi phải trả tội. Ngươi sẽ kiếm được vài xu lẻ, rồi có lẽ ngươi cũng hết thọ mệnh sớm thôi.

Cha ngươi nghĩ rằng ông ta có thể đảm bảo một cuộc sống tốt cho con cháu bằng cách để lại tất cả của cải cho chúng. Nhưng ông ta không biết rằng vì tội lỗi của mình mà con trai sẽ phải chết sớm, các cháu nội cũng rồi cũng sẽ phung phí, phá hoại gia sản mà thôi.

Tuy nhiên, ngươi lại có một trái tim nhân hậu, đã hành thiện, giúp người để chuộc lại lỗi lầm của cha. Ta ở đây theo lệnh của Ngọc Đế lấy lại 2 đứa con trai bất kính của ngươi. Bù lại, ngươi sẽ sớm có thêm một người con trai hiếu thảo làm rạng danh gia tộc. Thọ mệnh của ngươi cũng được kéo dài thêm. Hãy tiếp tục hành thiện và đừng đổ lỗi cho ông Trời vì không công bằng với ngươi”.

Trời cao có mắt, người trung thực sẽ không phải chịu thiệt

Trong những năm đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, có hai cửa hàng gạo là Yong Chang và Feng Yu. Ông chủ của Feng Yu quyết định tận dụng tình hình hỗn loạn để kiếm tiền. Ông mời một người làm cân đến chỗ mình và nói chuyện riêng với người đó: “Hãy làm cho tôi một chiếc cân 15,5 lạng thay vì 16 lạng như bình thường. Tôi sẽ trả thêm tiền cho anh”.

Cô con dâu mới của ông đã tình cờ nghe được câu chuyện. Cô ngẫm nghĩ một lúc rồi sau khi cha chồng đi khỏi, cô bèn đến nói với người làm cân: “Cha chồng tôi già yếu rồi. Ông ấy có chút nhầm lẫn đó. Xin hãy làm một chiếc cân 16,5 lạng thay vì 16 lạng như bình thường. Tôi sẽ trả cho anh gấp đôi ông ấy. Nhưng anh phải giữ bí mật với cha chồng tôi”.

Chiếc cân 16,5 lạng chẳng mấy chốc đã được hoàn thành. Người làm cân đã giữ lời hứa với cô con dâu không nói với ông chủ tiệm sự thật về chiếc cân. Chủ tiệm tin tưởng vào kỹ năng của người làm cân và bắt đầu dùng chiếc cân ngay trong ngày hôm ấy.

Sau một thời gian, việc kinh doanh của Feng Yu bắt đầu trở nên thịnh vượng. Ngay cả những khách quen của Yong Chang cũng dần chuyển sang mua gạo ở Feng Yu. Thời gian trôi đi, cả những người sống ở xa cũng ghé đến Feng Yu để mua gạo. Tính đến cuối năm đó, Feng Yu đã thu được bộn tiền. Cuối cùng, Yong Chang đành nhượng lại cửa hàng của mình cho Feng Yu.

Luật Trời là công bằng, người trung thực sẽ không phải chịu thiệt. (Ảnh qua TheQLC.com)

Vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, cũng là khoảng thời gian dành cho bữa tối đoàn viên. Ông chủ tiệm gạo rất vui và đặt ra cho mọi người một câu hỏi: “Theo mọi người bí quyết thành công của chúng ta là gì nào?”. Ai nấy bắt đầu xôn xao tranh luận.

Chủ tiệm gạo cười thầm nói: “Câu trả lời chính là ở chiếc cân của chúng ta. Thực ra cái cân đó chỉ có 15,5 lạng. Cứ mỗi cân gạo bán ra, ta lại bớt được nửa lạng. Và chúng ta đã trở nên giàu có nhờ vậy đấy”. Ông cũng kể với gia đình chuyện mình đã mua chuộc người làm cân như thế nào.

Bỗng lúc đó, cô con dâu mới từ từ đứng lên và nói: “Có điều này con muốn thưa với cha. Nhưng xin cha hãy hứa sẽ tha thứ cho con”. Ông chủ tiệm đồng ý, thế rồi cô bắt đầu kể về việc chiếc cân thực ra đã được được làm với trọng lượng 16,5 lạng ra sao.

“Thưa cha, cha đã đúng. Sự giàu có của chúng ta đúng là nhờ chiếc cân này. Nhưng trên cân của nhà ta, mỗi cân ta không phải là 16 lạng, mà là 16,5 lạng. Dường như mỗi cân gạo chúng ta kiếm được ít tiền lời hơn, nhưng số lượng bán ra tăng lên đã khiến lợi nhuận thu về lớn hơn. Chính sự trung thực đã mang lại cho chúng ta cuộc sống khá giả này”.

Chủ tiệm gạo không thể tin lời cô con dâu nhưng khi đem chiếc cân đi kiểm tra, ông kinh ngạc khi thấy mỗi cân thực sự là 16,5 lạng. Vị chủ tiệm chết lặng. Ông không nói không rằng, cứ thế đi thẳng vào phòng.

Vào ngày hôm sau cũng là ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán, vị chủ tiệm tập hợp tất cả mọi người lại và nói: “Ta già rồi. Sau khi ngẫm nghĩ, ta quyết định giao việc kinh doanh lại cho con dâu mới, từ giờ trở đi nó sẽ phụ trách cửa hàng này thay ta”.

Bảo San biên dịch

TẨY NHI HÍ TÁC (洗兒戲作) - TÔ ĐÔNG PHA (蘇東坡)


Tẩy nhi hí tác - Tô Đông Pha

Nhân giai dưỡng tử vọng thông minh.
Ngã bị thông minh ngộ nhất sinh.
Duy nguyện hài nhi ngu thả lỗ,
Vô tai vô nạn đáo công khanh.


洗兒戲作 - 蘇東坡

人皆養子望聰明
我被聰明誤一生
惟愿孩兒愚且魯
無災無難到公卿


Tắm cho con (Dịch thơ: Trương Việt Linh)

Nuôi con ai cũng muốn thông minh
Đâu biết thông minh để luỵ mình
Chỉ ước con ta ngu lại ngốc
Thong dong an hưởng lộc công khanh

Nguồn: Thi Viện

Tuesday, June 29, 2021

RAU MUỐI

Mùa rau muối vắt từ trong năm ra ngoài Tết ta. Trong Tết đã thấy lác đác đôi mớ nơi góc chợ. Người thích đổi bữa tinh lắm, thấy rau muối là mua ngay. Có lẽ họ nhớ cái vị bùi của rau rất riêng mà những thứ rau của mùa Đông không sánh nổi, nên mua, cũng có khi là tìm thấy kí ức đồng đất quê nhà một thời trong mớ rau này. Mua về nhặt nhặt, ngắm ngắm từng ngọn rau, để thấy những câu chuyện xưa trở về, để nhớ, để nhắc lại như kỉ vật. Mua để hỏi thăm người bán rằng rau đi kiếm hay trồng, đất bãi hay đất vườn có đám rau này, chuyện xưa, chuyện nay tíu tít chán mới bán mua xong đôi mớ rau trong xảo.

Rau muối.

Giêng, Hai, vẫn còn rau muối. Xưa rau muối là thứ rau dại, mọc đầy nơi đất bãi hay cuối vườn, người đi làm đồng kiếm nắm rau về nấu vội cũng được bát canh ngon. Thứ rau mọc hoang nhưng rất đúng mùa, bền bỉ đợi mùa Xuân về là trổ mầm, lên lá. Người quê xưa không trồng thứ rau này, nhưng theo nhau ăn nên thành phổ biến, cứ đến mùa là nhớ. Trong khi rau muống chịu sương, sắt lại, nở hoa tím ruộng, rau cải, su hào và các loại rau khác phải theo lứa thì đương nhiên không phải tính cũng nhìn thấy rau muối trong bữa ăn hàng ngày của người quê.


Có nắng, có mưa là cây rau muối trổ ngọn non mấng, cuống pha hồng, lá xanh bạc vì phấn như muối phủ đầy. Có lẽ vậy nên người ta gọi là rau muối. Rau muối đầy bãi vào mùa là người ta đi kiếm. Vì mọc dại, nên người quê nói đi kiếm, chứ không nói đi hái như những thứ rau cấy trồng. Nhà đông người cũng chỉ kiếm hai chét tay chặt là đủ ăn, nhà vắng hơn chỉ chặt chét tay là có nồi canh. Xưa là thế, nay rau muối được người quê đem ra phố bán. Chiều chiều đi kiếm vạt rau nơi cuối bãi, hái chặt chét tay, bó rơm nếp thành bó, bó nọ bó kia xếp đầy xảo cũng là khi trời tối. Rau được phun nước, phủ tàu lá chuối lên giữ ẩm, sớm hôm sau là xếp sọt kĩu kịt đi phố cùng hành rau, cà chua, nải chuối hay thức gì đó mà vườn nhà, ruộng nhà đến lứa, đến độ. Có khi là cái hoa cau non, hay vài túm hoa bưởi, vài chục trứng gà…

Canh rau muối.

Rau muối, người biết, người không, đôi người hỏi rau gì, nấu thế nào, còn tần ngần chưa quyết mua. Người ta mua và kể cho nhau nghe để người phố biết hơn về thứ rau của mùa Đông, Xuân này. Rau muối nấu ngọt, ngọt như thể hương xuân viên mãn đọng lại trên tàu lá, ngọt như thể đất trời mùa Xuân đọng trên phấn muối. Rau ngọt lại bùi, đậm đà như tên gọi. Nấu ngon mà ăn lẩu cũng ngon. Bữa lẩu mà có rau muối câu chuyện bên bàn ăn như ấm cúng hơn nhiều. Người lớn kể cho đám trẻ nghe về quê nhà, về niềm vui khi xưa tìm thấy đám rau muối ăn được cả tháng mới hết. Trẻ con ăn thấy là lạ, nhưng ngon. Ăn rau rồi nhớ câu chuyện mẹ kể rằng bát cơm nguội chan bát canh rau muối nóng mùa cấy năm nào.

Rau muối trộn

Rau muối không đắt, tầm 4, 5 ngàn một mớ, rau muối nấu thịt bằm, nấu cua đồng, nấu tôm riu giã lọc đều ngon cả. Rau muối đem đến một hương vị ấm áp khiến câu chuyện trong bữa ăn như trở về ngày xa lắc.

Rau muối xào.

Nay, rau muối không còn dễ kiếm, nhiều vùng người ta trồng rau để bán. Có lẽ vậy nên rau tốt bời bời, mớ dài, to, nhiều nhánh. Những vùng đất trung du, có quốc lộ chạy qua, rau bán nơi quán hàng nghỉ chân cho khách du lịch, cùng với đặc sản vùng miền, rau muối cũng được bầy bán làm quà cho khách đem về phố. Thế mới thấy người canh nông mình nhanh nhạy, rau muối dễ trồng, khỏe, ít phải chăm bón, một vuông đất lúc nông nhàn, hay miếng thẹo đầu bờ, cuối bãi đã không còn hoang hóa mà cho ra tiền, ra của ngay.


Bao giờ người nông dân cũng bảo: Cha trời mẹ đất có lẽ vì sự diệu kì và ban tặng của mẹ đất cho con người những món quà bình dị mà quý báu như thế.

Nguyễn Minh Hoa/TC GĐ&TE



THUẾ NGỰC TẠI ẤN ĐỘ

Thuế ngực: Loại thuế tồi tệ nhất khiến phụ nữ phải để ngực trần và đóng tiền thuế theo kích cỡ của bộ ngực

Ảnh trong phim: Mulakaram - The Breast Tax

Vào đầu những năm 1800, phụ nữ ở Travancore không được phép che ngực và sẽ bị đánh thuế nặng nếu họ làm như vậy.

"Thuế ngực" được coi là một trong những loại thuế tồi tệ nhất trong hệ thống cai trị của Ấn Độ vào đầu những năm 1800.

Hệ thống thuế ngực được đưa ra bởi nhà vua của vương quốc Travancore, một trong 550 tiểu bang của Ấn Độ, hiện nay là bang Kerala. Theo đó, phụ nữ không được phép che ngực và sẽ bị đánh thuế nặng nếu họ làm như vậy.

Ảnh trong phim: Mulakaram - The Breast Tax

Các quan chức hoàng gia của nhà vua sẽ đi từ nhà này sang nhà khác, thu thuế này từ những người phụ nữ đã bước qua tuổi dậy thì. Số tiền thuế sẽ phụ thuộc vào kích thước của bộ ngực. Ngực càng lớn thì thuế sẽ càng lớn. Người thu thuế sẽ kiểm tra nó bằng cách chạm vào và đo kích cỡ bằng tay.

Mục đích của việc thu thuế này chỉ là để làm nhục những người phụ nữ ở tầng lớp thấp kém. Bởi thực tế, chỉ có những người phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu hoặc hạ lưu mới phải trả tiền cho loại thuế này. Phụ nữ ở tầng lớp thượng lưu được phép che ngực và không phải trả bất kì một khoản tiền nào. Loại thuế này được gọi là mulakkaram, nếu phụ nữ ở tầng lớp thấp không trả tiền, họ không thể che ngực ở nơi công cộng.

Tiến sĩ Sheeba KM, phó giáo sư tại Shri Shankaracharya Sanskrit Vishwavidyalaya ở Kerala, Ấn Độ nói rằng: "Mục đích của thuế ngực là duy trì cấu trúc đẳng cấp và không có gì khác. Quần áo được coi là một dấu hiệu của sự giàu có và thịnh thượng. Người nghèo và những người ở tầng lớp thấp không được hưởng nó."

Hình ảnh người phụ nữ để ngực trần cách đây hơn 200 năm

Cách đây 200 năm, phụ thuộc vào quần áo, trang phục mà một người mặc lên mình sẽ quyết định người đó thuộc về đẳng cấp nào trong xã hội.

Trong cuốn sách "Cuộc sống bản địa ở Travancore", tác giả Samuel Mateer nói rằng có khoảng 110 loại thuế chỉ áp dụng với những người ở tầng lớp thấp kém. Tác giả này cũng nói rằng thuế ngực là một trong những loại thuế tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Hình ảnh các cô gái tầng lớp thấp thời đó phải để ngực trần.

Cuộc nổi dậy của phụ nữ và sự hy sinh của Nangeli

Sự bất mãn tồn tại trong cộng đồng người Travancore khá lâu và nó đã đạt đến đỉnh cao vào năm 1859 khi hai người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp kém đã bị các quan chức Travancore lột trần vì mặc quần áo trên người mà không chịu đóng thuế. Hai người phụ nữ này sau đó bị treo lên cây trước mặt mọi người như để cảnh cáo những người khác dám chống lại quy định.

Một người phụ nữ dũng cảm có tên là Nangeli đã quyết định chấm dứt sự bất công này, một lần và mãi mãi. Nangeli là một trong những nạn nhân của việc thu thuế khủng khiếp này.

Hình ảnh Nangeli được họa sĩ Murali khắc họa lại

Trong một lần người thu thuế tìm đến nhà cô để thu tiền, thay vì đưa tiền, Nangeli đã cắt ngực của mình và đặt vào một chiếc lá chuối rồi đưa cho người thu thuế. Sau đó, do mất máu quá nhiều mà cô đã qua đời ngay trong ngày hôm đó. Người chồng quá quẫn trí nên cũng tự sát theo.

Cái chết của Nangeli đã thúc đẩy cuộc nổi dậy của người dân địa phương ở vương quốc Travancore. Một số lượng lớn những người phụ nữ đã đứng lên đòi quyền cho mình, đây được gọi là cuộc nổi dậy của Barkar. Cuộc biểu tình lớn đã khiến nhà vua lo sợ, và dưới áp lực của thống đốc Madras, vị vua này đã buộc phải trao quyền cho tất cả phụ nữ được mặc quần áo vào năm 1924.

Cái chết của Nangeli đã thúc đẩy cuộc nổi dậy của người dân địa phương ở vương quốc Travancore

Nơi ở của Nangeli về sau được đặt tên là Mulachhipuram, có nghĩa là vùng đất của những người phụ nữ có ngực, để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của Nangeli. Hành động của Nangeli đã kết thúc triều đại thu thuế tàn bạo của vương quốc
Travancore.

Maniyan Velu, con cháu của Nangeli nói rằng: "Hành động của cô là vô vị kỉ, một sự hy sinh để mang lại lợi ích cho tất cả phụ nữ ở Tranvancore."

Một hậu duệ khác của Nangeli nói rằng: "Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì chúng tôi là gia đình của cô ấy. Tất cả những gì chúng tôi muốn là nhiều người nên biết về sự hy sinh của cô ấy. Sẽ thật phù hợp nếu tên của cô ấy là một phần của lịch sử khu vực này."

Bức tượng Nangeli được người dân dựng nên để tưởng nhớ tới bà.

Nangeli trở thành một nữ anh hùng vô danh trong lịch sử. Cô là một trong những người phụ nữ đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền tảng cho sự bình đẳng. Thế nhưng, câu chuyện về Nangeli chỉ một lần nữa được sống lại nhờ một nghệ sĩ địa phương có tên là Murali.

Cách đây 5 năm, khi anh lướt qua tạp chí nội bộ của một ngân hàng địa phương, anh tình cờ thấy một bài báo nhỏ về Nangeli, được viết bởi người đến từ Kerala. Bị cuốn hút bởi câu chuyện, anh tìm đường đến thị trấn Mulachhipuram. Anh rất xúc động bởi câu chuyện của Nangeli và đã quyết định bất tử hóa cô bằng những bức tranh của mình.

Ba bức tranh về Nangeli của họa sĩ Murali

Ba bức tranh về Nangeli của anh hiện đã được xuất bản trong cuốn sách Amana - The Hidden Pictures of History và anh cũng đã tổ chức 15 cuộc triển lãm các bức tranh của mình trên khắp Kerala và các vùng khác của Ấn Độ.

Nghệ sĩ Murali nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Tôi không muốn mô tả nó như một sự kiện đẫm máu, thay vào đó, mục đích của tôi là tôn vinh hành động của cô ấy như một nguồn cảm hứng cho nhân loại."

(Theo: Medium, dailypakistan, Quora)
Theo Trí Thức Trẻ
Link tham khảo:





NHÂN SINH TỐI KỴ NHẤT LÀ KHÔNG MUỐN NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC SỐNG TỐT

Lá xanh chỉ mong hoa tàn, nhưng đâu biết rằng khi hoa rụng thì lá cũng tàn theo. Đêm cứ mong ngày trôi qua, nhưng đâu biết rằng ngày mai sẽ lại tới. Vạn vật kết giao, nương tựa lẫn nhau, hết thảy đều là ý trời. Vậy nên cái ngu ngốc lớn nhất của một người chính là ác tâm đối với người khác.

Nhân sinh tối kỵ nhất là không muốn người khác được sống tốt. (Ảnh: Shutter stock)

Không mong người khác sống tốt, là một loại bệnh

Có người nói rằng, điều xấu xa nhất trong bản tính con người là không mong nhìn thấy người khác sống tốt, đó là điều mà chúng ta thường gọi là tâm tật đố.

Bạn làm việc chăm chỉ và được thăng chức, vậy mà có người lại thầm mong ngày mai bạn sẽ bị sa thải. Bạn bận rộn cả năm trời mới làm ăn phát đạt, vậy mà lại có người mong ngày mai bạn sẽ gặp tai họa từ trời rơi xuống.

Luôn có những người chỉ mong người khác gặp chuyện xui xẻo. Nếu thấy ai đó không được may mắn, họ sẽ vui như thể được trúng giải thưởng lớn vậy.

Cái tâm không mong muốn điều tốt đẹp cho người khác, kỳ thực là một loại bệnh, và nguyên do không gì khác chính là đang ghen tị tật đố với người ta.

Vậy tại sao những người này luôn thấy đố kỵ với người khác? Đó là vì các dục vọng trong tâm người đó quá mạnh mẽ, và tâm lý thích so sánh với người khác.

Khổng Tử có câu: “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân”, nghĩa là: Không lo ít của, mà chỉ lo chia không đều. Mong cho người nghèo thì không bao giờ được tiến thân.

Thực ra, chỉ những người mà năng lực không tương xứng với tham vọng của họ, mới lo sợ người khác thể hiện năng lực vượt trội hơn mình. Nhiều khi càng là người thân cận của họ, họ lại càng không hy vọng người đó gặp được việc tốt.

“Không có vàng ròng, không ai là hoàn hảo”, mỗi người đều có cách sống của riêng mình. Nên nếu người khác có giỏi hơn chúng ta thì hãy vui cho họ, học cách đối mặt với những thiếu sót của bản thân mà nỗ lực làm việc chăm chỉ.

Hãy mở rộng tấm lòng, bởi thế gian không chỉ là một mẫu 3 tấc đất, nếu bạn cứ luôn không muốn người khác gặp chuyện tốt, thì chỉ có thể khiến bản thân không ngừng mất cân bằng và đi vào con đường sai lầm.

Chỉ có sống tốt cuộc sống của chính mình mới là con đường đúng đắn.

Càng khen ngợi, càng có thể sống tốt hơn

Nếu con người là một cái cây, thì lời khen ngợi chính là ánh sáng. (Ảnh qua fairygodboss)

Nếu con người là một cái cây, thì lời khen ngợi chính là ánh sáng, càng khen nhiều thì cuộc sống càng đẹp.

Việc không muốn nhìn thấy người khác sống tốt, không hẳn chỉ là những suy nghĩ trong tư tưởng, nó còn thể hiện qua những câu nói đả kích trong sinh hoạt thường ngày, và những việc làm phá hoại sau lưng.

Lời nói là con dao vô hình, có thể làm tổn thương người khác. Những người không muốn người khác sống tốt thường có xu hướng nói lời cay nghiệt và lấy đả kích người khác làm vui.

Nếu con người muốn sống hạnh phúc, đầu tiên họ phải có sự tự tin, nhưng để thành tựu sự tự tin lại cần có sự khen ngợi và tán dương từ người khác.

Vậy nên, nếu kết thân với những người mà không mong đợi người khác sống tốt. Trong một thời gian dài, dưới tác động của những lời đả kích, thì lòng tự tin của bạn có thể bị phá hủy, trở nên thiếu tự tin, làm việc gì cũng sợ hãi và cuộc sống của người đó cũng sẽ thay đổi đáng kể.

Vậy nên đừng tiếc lời khen ngợi người khác thật nhiều. Khi bạn dành cho người khác những lời khen ngợi, động viên, thì bạn cũng sẽ nhận được những khuôn mặt tươi cười và phản hồi thiện ý từ người khác. Trong một môi trường đầy thiện ý, may mắn cũng sẽ đến với bạn.

Hoàn thiện người khác cũng là hoàn thiện chính mình

Có một câu khẩu hiệu quảng cáo ghi thế này: “Mọi người tốt mới là thật sự tốt”. Suy nghĩ kỹ thì câu này thực sự có đạo lý.

Chẳng ai là một hòn đảo cô độc cả, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng thà đối tốt với người khác còn hơn là cản đường họ.

Nghĩa là cách đơn giản nhất để mong điều tốt đẹp đến với mình, chính là mong điều tốt đẹp đến với người khác. Khi những người xung quanh bạn sống tốt, thì toàn bộ hoàn cảnh quanh bạn cũng thay đổi và bạn sẽ được hưởng lợi từ điều đó.

Hoàn thiện người khác cũng là hoàn thiện chính mình; mong điều tốt đến cho người khác cũng là mong điều tốt đến cho chính mình.

Tặng ai đó một bông hồng, trên tay sẽ lưu lại hương thơm, nếu bạn làm người khác cảm thấy ngột ngạt thì đương nhiên họ sẽ ngăn trở bạn.

Tặng ai đó một bông hồng, trên tay sẽ lưu lại hương thơm. (Ảnh qua Phunutoday)

Khi đố kỵ, bạn sẽ luôn chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác và luôn thấy ưu điểm của chính mình; đến khi kiềm chế không vững, có thể sẽ nói ra những lời ác ý. Vậy nên hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, mà nghĩ cho cảm xúc của họ.

Hãy mở rộng tấm lòng của mình, vì bạn không phải là người duy nhất trên thế giới này. Khi ai đó không muốn nhìn thấy người khác sống tốt, đó chính là sự ngu ngốc lớn nhất của một người.

Căn bệnh đố kỵ này nói là dễ trị sẽ dễ trị, còn nói là khó trị sẽ rất khó trị, mấu chốt là phụ thuộc vào bản thân bạn có đối mặt được hay không.

Chúc Di (Tinh Hoa)

Monday, June 28, 2021

GIỮ GÌN KHOẢNG CÁCH

4 chữ vàng trong quan hệ giữa người với người: Giữ gìn khoảng cách

Tục ngữ có câu: “Khoảng cách tạo nên vẻ đẹp”. Cho nên quan hệ tốt nhất giữa người và người chính là bốn chữ: “Giữ gìn khoảng cách”.

Khoảng cách càng gần, khuyết điểm cũng sẽ càng rõ ràng, giữ một khoảng cách thích hợp mới có thể thu hút lẫn nhau. (Ảnh: Zhihu)

Khoảng cách tạo nên vẻ đẹp, đây là quy luật tự nhiên. Trời và đất có khoảng cách, cho nên mới tạo ra vẻ đẹp rộng lớn bao la; ngày và ngày có khoảng cách, cho nên có đêm tối và ngày sáng; tháng và tháng có khoảng cách. Vì vậy tạo ra trăng khuyết trăng tròn; người với người có khoảng cách, cho nên có lo lắng và nhớ nhung.

Người và người chung sống với nhau là cả một nghệ thuật, thực sự không hề dễ dàng. Khoảng cách quá xa, tình cảm sẽ phai nhạt; nhưng phụ thuộc quá nhiều vào nhau sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn. 

Chừa lại khoảng không gian riêng cho mình và người khác

Chung sống với người bạn đời của mình, chúng ta cũng nên giữ một khoảng cách thích hợp. Cảm giác mới mẻ là nền tảng ngọt ngào của vợ chồng son, rất nhiều cặp đôi bởi vì trong thời gian ấy không biết chừa lại một khoảng riêng cho nhau, cho nên đánh mất cảm giác mới mẻ, cuối cùng dẫn đến chia tay, mỗi người một ngả.

Khoảng cách thích hợp, hoàn toàn tin tưởng, tôn trọng nhau giúp cho cuộc sống trở nên thoải mái mỹ mãn, tình cảm sẽ trở nên ngọt ngào hạnh phúc.

Vợ chồng ở cùng nhau, cũng là phải biết giữ khoảng không gian riêng. Dù quan hệ giữa hai người rất thân mật, cũng không có nghĩa phải nói hết mọi bí mật cho nhau.

Đặc biệt giữa những cặp vợ chồng có thú vui và sở thích khác nhau, không thể ép buộc đối phương cũng phải có sở thích giống mình. Nên giữ một khoảng cách nhất định, chấp nhận thú vui của đối phương, cả hai cùng chung sống hòa thuận vui vẻ.

Đối với con cái, giữ khoảng cách “một chén canh”

Đối với con cái, có giới hạn, có khoảng cách, có gắn bó, có trông chừng, khoảng cách cao nhất chính là “một chén canh”. (Ảnh: Kenh14)

Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng nhiều cha mẹ hiểu được đối với con cái nên cho chúng một khoảng không nhất định. Nhưng khoảng cách cũng không nên quá xa để đôi bên vẫn có thể quan tâm chăm sóc lẫn nhau, đồng thời tránh được những mâu thuẫn và phiền phức.

Đối với con cái, có giới hạn, có khoảng cách, có gắn bó, có trông chừng, khoảng cách cao nhất chính là “một chén canh”. Giữ khoảng cách “một chén canh”, có thể thường xuyên thăm nom chúng, mang cho chúng “một chén canh”; nhưng trong lòng cũng giữ khoảng cách “một chén canh”, không để vì quá nóng mà làm bỏng chúng, cũng không để vì quá lạnh mà xa cách nhau.

Làm vậy cũng sẽ khiến trẻ có không gian trưởng thành và được là chính mình, sống theo đúng nguyện ý và dám chịu trách nhiệm với những gì mình lựa chọn. Cha mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân, hâm nóng lại tình cảm đôi lứa. Từ đó mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Giữa người thân với nhau, không thể thiếu sự tôn trọng

Tình thân là thứ tình cảm khó có thể dứt bỏ, và giữa người thân với nhau, không nên quá tùy tiện, nhất định phải có sự tôn trọng. Nhận được sự giúp đỡ phải biết cảm tạ, người thân gặp khó khăn cũng phải kịp thời giúp đỡ.

Chuyện trong nhà của người thân, nếu họ nguyện ý nói thì nên lắng nghe, nếu họ đã né tránh không muốn đề cập thì hãy ít hỏi đến, không nên can thiệp, đừng trở nên nhiều chuyện không biết kiêng dè.

Tuổi tác càng lớn bạn sẽ càng nhận ra, tình yêu, tình thân, tình bạn đều rất trân quý, cho nên đừng cố chấp làm phiền người khác, hãy chừa lại cho mình cũng như cho người ta một ít không gian riêng, đó cũng có thể chính là khoảng cách đẹp nhất. 

Khoảng cách quá xa, tình cảm sẽ phai nhạt; nhưng quá phụ thuộc vào nhau sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn. (Ảnh: Pinterest)

Đối với người xa lạ, nói chuyện chỉ nên nói ba phần

Quân tử kết giao nhạt như nước. Có vài người là lần đầu tiên gặp, có vài người một năm chỉ gặp một hai lần, khi ở cùng với những người này, dù cho ấn tượng đầu tiên rất tốt, nhưng cũng nên giữ chừng mực.

Đừng cố soi mói chuyện riêng tư của người khác, nói năng tùy hoàn cảnh, đừng làm người ta khó chịu, cũng đừng nói chuyện mà không để ý thời điểm có phù hợp hay không. Giữa người với người, biết giữ khoảng cách mới có thể cảm nhận được hết sự tốt đẹp.

Giữa bạn bè, quá thân mật đôi khi trong lời nói sẽ không chú ý, đối với tiền bạc lại không biết đúng mực, trong hành động lại không biết tôn trọng, thời gian lâu dài, ai cũng sẽ rời xa.

Giữa người thân, ngày ngày mặt đối mặt, hỏi thăm tất tần tật mọi chuyện trong nhà, bàn tán tin đồn, lâu ngày ai cũng chán ghét mà lánh xa.

Khoảng cách càng gần, khuyết điểm cũng sẽ càng rõ ràng, giữ một khoảng cách thích hợp mới có thể thu hút lẫn nhau. Bát gạo dưỡng ân nhân, đấu gạo nuôi cừu hận, một mực đối tốt với người khác, không hẳn họ sẽ cảm thấy biết ơn bạn.

Hãy cho nhau một khoảng cách thích hợp, vừa tạo nên cảm giác bí ẩn, cũng không gây cảm giác xa cách, đó mới là phương thức tốt đẹp khi kết giao và chung sống với người.

Nhật Hạ biên dịch

NẤM VÂN CHI (NẤM ĐUÔI GÀ TÂY): NẤM NGĂN NGỪA BỆNH, TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH

Khi nói đến thảo dược, nấm vân chi, hay được gọi là nấm đuôi gà tây (Coriolus versicolor), đứng đầu danh sách về tăng hệ miễn dịch. Được đặt tên cho bảng màu sọc giống như mùa thu đầy màu sắc, nó tô điểm cho chùm lông trên gà tây, nấm vân chi đã được người Trung Quốc sử dụng hàng ngàn năm như một loại trà dược liệu.


Nó được sử dụng từ rất lâu đời, vào thế kỷ 15 thời nhà Minh ở Trung Quốc. Người Nhật, người coi nó là nấm kawaritake hay nấm đám mây do hình dạng của nó trông giống như những đám mây xoáy. Nấm Vân chi được các nhà nghiên cứu chú ý đến lợi ích sức khỏe của nó, đặc biệt là trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Trên thực tế, hình ảnh giống như đám mây tượng trưng cho tuổi thọ và sức khỏe của người, sự hòa hợp về vật chất lẫn tinh thần.
 
Lợi ích của Nấm Vân chi (Nấm đuôi gà Tây) đối với sức khỏe

1. Nấm Vân chi giúp ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh thông thường

Nấm Vân chi từ lâu đã được biết đến có khả năng giúp ngăn chặn nhiễm trùng, bao gồm cả cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Nó giúp hệ thống miễn dịch trở nên dẻo dai hơn chống lại vi trùng và các tác nhân gây bệnh. Khi mùa cúm hoặc dịch bệnh đến, nên sử dụng Nấm Vân chi (Nấm đuôi gà Tây) như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống giúp ngăn ngừa bệnh.


Nấm Vân chi đã được chứng minh là giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch, qua đó giúp chống lại nhiễm trùng, bệnh tật.

2. Nấm Vân chi (nấm đuôi gà Tây) giúp hỗ trợ bệnh nhân hóa, xạ trị

Nấm Vân chi có thể giúp bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa, xạ trị. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng với việc nấm vân chi được sử dụng cho những bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt và bệnh nhân ung thư vú đang trải hóa xạ trị.

Vì hóa xạ trị ức chế hệ thống miễn dịch, nấm vân chi giúp xây dựng hệ thống miễn dịch để xử lý tốt hơn những hạn chế mà hóa xạ trị thường gây ra. Một hệ thống miễn dịch mạnh hơn có thể giúp chống lại các tế bào ung thư chết người, làm cho nấm vân chi (nấm đuôi gà Tây) trở thành một thực phẩm chống ung thư mạnh mẽ.


3. Nấm Vân chi trong ngăn ngừa ung thư

Trong hơn 30 năm, nấm vân chi đã được sử dụng làm thuốc bổ trợ cho các phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn ở Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng được sử dụng cho các loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Theo một đánh giá được thực hiện bởi Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu được lợi ích thực sự của nấm vân chi đối với bệnh ung thư. Tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể giúp cải thiện đáng kể trong việc kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư.

PSK, hoạt chất mạnh mẽ nhất được tìm thấy trong nấm vân chi (nấm đuôi gà tây) đã được nghiên cứu ở những bệnh nhân mắc một số loại ung thư ở Nhật Bản. Các nghiên cứu cho thấy PSK giúp sửa chữa tổn thương tế bào miễn dịch mà phần lớn gây ra bởi hóa trị và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Khi thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ở bệnh nhân ung thư phổi được tiến hành, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh nhân dùng PSK được cải thiện theo một hoặc nhiều cách, trong đó bao gồm cải thiện cân nặng, sức khỏe, chức năng miễn dịch, các triệu chứng liên quan đến khối u và kéo dài thời gian sống lâu hơn.


Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Global Advances in Health and Medicine, một phụ nữ 83 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú di căn tiến triển đã có một cuộc sống bình thường sau khi sử dụng nấm. Mặc dù cô tiếp tục sử dụng hóa trị liệu và dùng viên nang nấm Vân chi cùng một lúc. Các nhà khoa học tin rằng phản ứng miễn dịch của nấm Vân chi đã thúc đẩy hệ thống miễn dịch của người phụ nữ bằng cách nhận ra khối u, làm tăng hiệu quả của hóa trị.

4. Hỗ trợ trong tiêu hóa

Các hoạt chất trong nấm Vân chi giúp cơ thể cải thiện chức năng tiêu hóa vì trong nấm chứa prebiotic hoàn hảo hỗ trợ hệ vi khuẩn có lợi. Điều này có nghĩa là nó có thể giúp sự phát triển của các vi khuẩn tốt trong cơ thể, bao gồm acidophilus và bifidobacterium. Nó cũng giúp cho những người bị hội chứng rò rỉ ruột.

5. Nấm Vân chi (Nấm đuôi gà Tây) hỗ trợ giúp bệnh nhân nhiễm HIV / AIDS

Các nghiên cứu tiết lộ rằng việc sử dụng nấm Vân chi, kết hợp với các loại nấm hoang dã khác, có thể hữu ích trong điều trị bệnh nhân mắc Kaposi’s sarcoma. Kaposi’s sarcoma là một loại ung thư da thường ảnh hưởng đến những người nhiễm HIV / AIDS.


Nấm vân chi có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa. Chiết xuất này, được gọi là PSP, đã được nghiên cứu trong ống nghiệm, cho thấy rằng đây là một tác nhân chống vi-rút có thể ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút HIV.

Nấm Vân chi sử dụng trong y học Ấn Độ Ayurveda và cổ truyền Trung Quốc

Các nền văn hóa phương Đông đã tôn kính những lợi ích sức khỏe mạnh mẽ của nấm vân chi trong hàng ngàn năm.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, nấm Vân chi (Nấm đuôi gà Tây) được gọi là Tun Zi. Nó được các thầy thuốc sử dụng như một liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường chức năng miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. Khả năng này hỗ trợ cho cả một hệ thống miễn dịch hoạt động kém và quá mức.

Nó cũng được tôn sùng vì cơ chế chống ung thư tiềm năng và khả năng điều trị bệnh phổi. Ở Nhật Bản, dạng chiết xuất của nấm vân chi từ phương pháp chiết xuất nước nóng được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ trợ cho bệnh ung thư.


Sử dụng và liều lượng nấm Vân chi (Nấm đuôi gà tây)

Bổ sung nấm vân chi có sẵn ở dạng viên nang và nên thường được dùng để hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Các nghiên cứu lâm sàng không chỉ rõ một liều lượng cụ thể cho nấm Vân chi. Tuy nhiên, trên các nhãn sản phẩm , nhà sản xuất thường khuyến cáo uống một đến ba viên mỗi ngày với bữa ăn và một ly nước. Nấm vân chi cũng có sẵn ở dạng chiết xuất và dạng bột, có thể được thêm vào nước, nước trái cây hoặc sinh tố.

Polysacarit-K (được gọi là PSK hay Krestin) là một loại polysacarit gắn với protein được phân lập từ nấm vân chi. Nên được sử dụng như một chất bổ sung vào chế độ ăn uống. Nó rất phổ biến ở Nhật Bản vì đặc tính chống ung thư và được dùng bằng đường uống để cải thiện phản ứng hóa trị cho những người mắc các loại ung thư khác nhau. Trong nhiều thập kỷ PSK đã được sử dụng ở Nhật Bản cho các bệnh ung thư vú, phổi, dạ dày, thực quản, đại trực tràng, gan và mũi họng.

Nấm Vân chi thật và giả

Có một loại nấm được gọi là nấm vân chi giả hay còn gọi là vỏ nấm vàng vì chúng là loại nấm có hình dạng giống nấm đuôi gà tây. Tên khoa học của nấm gà tây giả là Stereum Ostrea, và nó là một loại nấm basidiomycete. Giống như nấm vân chi, nấm vân chi giả có các vòng tròn đồng tâm nhiều màu sắc, nhưng chúng được mô tả là có màu đỏ hơn Vân chi. Cái tên Ostrea thực sự có nghĩa là con hàu mai để mô tả hình dạng Nấm.


Nấm Vân chi và Stereum Ostrea đều chứa các hợp chất ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Nấm Vân chi giả đã được sử dụng trong các phương thuốc dân gian vì các hợp chất trị liệu của nó, bao gồm Sesquiterpen và các hợp chất kháng khuẩn khác.

Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng nấm Vân chi (Nấm đuôi gà Tây)

Tác dụng phụ của nấm Vân chi là gì? Dù rất hiếm gặp tuy nhiên vẫn có số ít bệnh nhân cho biết họ gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, phân sẫm màu, sắc tố móng tay bị tối. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác động tiêu cực hoặc khó chịu trong khi tiêu thụ nấm, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và kiểm tra với bác sĩ.

Theo: Teresa Herbs Viet Nam


CÂY CẦU "MA ÁM", HẦU HẾT NHỮNG CHÚ CHÓ ĐI NGANG QUA ĐỀU LAO XUỐNG TỰ SÁT

Việc hàng trăm con chó lao đầu xuống dưới tự tử khi đi ngang qua cây cầu này đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang.

Cầu Overtoun.

Đó là cây cầu Overtoun gần thị trấn Dumbarton, thành phố Milton, phía Tây Scotland, được xây dựng vào năm 1895 bởi lãnh chúa Overtoun, cao hơn 15m, bắc qua dòng suối Overturn Burn.

Kể từ những năm 1950 đến nay, đã có khoảng hơn 600 chú chó lao xuống cầu tự tử và hơn 50 con trong số này đã chết.

Ban đầu, không một ai rõ nguyên nhân là vì sao. Chính vì thế, nhiều người không khỏi hoang mang và cho rằng công trình xây dựng này bị… "ma ám".


Vào năm 1994, một người đàn ông tên Kevin Moy từng ném con mình xuống cầu và bản thân ông cũng nhảy xuống theo tự tử. Con của ông Moy đã chết, bản thân ông may mắn được vợ cứu sống.

Từ sau vụ việc trên, nơi đây liên tục ghi nhận hàng trăm trường hợp các chú chó mỗi lần chạy ngang qua cầu lại mất kiểm soát, lao xuống tự tử. Điều này càng khiến cho hiện tượng vốn gây hoang mang dư luận lại càng trở nên bí hiểm.

Người dân địa phương thậm chí đã dựng một tấm biển cảnh báo khá rùng rợn: "Xin hãy coi chừng chú chó của bạn".

Biển cảnh báo ở một bên cầu Overtoun.

Điều trùng hợp là hầu hết những chú chó lao xuống dưới đều thuộc giống Collie và Labrador Retriever, điểm xuất phát khi nhảy xuống đều là một thành cầu cố định và thời điểm chúng nhảy xuống đều là khi thời tiết quang đãng.

Vào một ngày nắng đẹp cách đây 10 năm, vợ chồng Donna Cooper đang cùng cậu con trai Ben 2 tuổi dẫn con chó giống Collie đi dạo qua cây cầu Overtoun thì bất ngờ, con chó lao về phía trước và nhảy xuống từ độ cao 15m.

Con chó chết ngay sau đó với vết thương nặng nhất ở chân. Điều khiến Donna cảm thấy tồi tệ nhất là 1 năm sau đó, Ben vẫn nhắc về con chó và hỏi mẹ, liệu con vật có được chữa khỏi chân khi ở trên thiên đường.

Chú chó 3 tuổi Cassie của cô Alice Trevorrow (một người dân địa phương) là một trong những chú chó may mắn sống sót sau khi nhảy xuống cầu. Khi Alice đang đi dạo cùng con trai của mình là Thomas, thì Cassie bất chợt nhảy xuống từ trên cây cầu cao hơn 15m mà không rõ lý do.

Cầu Overtoun.

Những người có chuyên môn vào cuộc điều tra

Sau hàng loạt những câu chuyện gây hoang mang dư luận mà vẫn chưa tìm ra lời giải, các nhà nghiên cứu về động vật đã không ít lần tìm đến cầu Overtoun với mong muốn làm rõ được nguồn gốc vấn đề.

Về câu chuyện khó hiểu của người đàn ông Kevin Moy, ông này sau đó đã được kết luận mắc chứng tâm thần và đã được đưa vào bệnh viện tâm thần thay vì phải ngồi tù vì tội giết con.

Còn để lý giải về hiện tượng lạ xảy ra với các con chó, tiến sĩ hàng đầu về nghiên cứu hành vi động vật David Sands cuối cùng đã giúp người dân quanh cầu Overtoun yên tâm mỗi lần đi qua cầu.

Ông đã tiến hành khảo sát, điều tra và phân tích đối với một con chó từng chết hụt có tên Hendrix, 19 tuổi. Khi đi qua cầu, con chó này có tâm trạng rất thoải mái cho đến điểm cuối cùng nơi nó từng nhảy xuống.

Thái độ của con chó đột ngột thay đổi và ở bên dưới dường như có thứ gì đó rất thu hút nó. Dù vậy, có lẽ vì quá già, nó không còn sức để vượt qua bức tường thành cầu khá cao để nhảy xuống.

Theo David, 1 trong 3 giác quan của con chó là khứu giác, thính giác và thị giác đã bị kích thích khi đi qua đây nhưng anh không biết chính xác đó là gì.

Thành cầu cao và dày là một trong những lý do cản tầm nhìn của những con chó, khiến chúng lao xuống dưới mà không biết đang lao đầu vào chỗ chết.

Một chuyên gia môi trường khác có tên David Sexton sau đó cũng vào cuộc. Và anh phát hiện ra rằng, 70% con chó được thử nghiệm muốn nhảy cầu có phản ứng mạnh mẽ với mùi chồn ở phía dưới cầu.

Vào những ngày có nắng, mùi này càng rõ và đó có thể là lý do các con chó đều lao xuống khi đi qua cầu chứ không phải chúng muốn tự tử.

Một yếu tố nữa khiến những con chó dễ dàng lao xuống dưới là vì tầm nhìn của chúng bị cản bởi thành cầu cao và dày đến 45cm làm bằng đá granite. Việc không nhận thấy ở dưới là vực thẳm đã khiến những con chó lao xuống một cách vô thức.

Theo: Trí Thức Trẻ
Link tham khảo: