Sunday, June 6, 2021

"PHƯỚC CHỦ MAY THẦY" ?

Cũng giống như hạnh phúc vậy, hạnh phúc là gì thì rất khó định nghĩa nhưng khi mất hạnh phúc thì ai cũng biết.


Loài người có lẽ đã biết về bệnh tật từ lâu, nhưng mãi đến năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới tìm ra được một định nghĩa cho sức khỏe: Đó là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (bien-être; well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật.

Như vậy là phải có sự sảng khoái về thể chất, về tâm thần và cả về xã hội nữa mới làm nên sức khỏe cho một con người. Các bác sĩ, bệnh viện chỉ có thể chữa trị bệnh tật cho ta, giúp ta phần nào thôi, ta không thể “phó thác” sức khỏe của ta cho… bác sĩ, cho bệnh viện được, mà phải tự tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của chính mình và cả của cộng đồng.

Trước kia người ta vẫn nghĩ rằng đầu tư thật nhiều tiền để xây thật nhiều bệnh viện thì lập tức sức khỏe của mọi người sẽ tốt hơn, xã hội sẽ phồn vinh hơn. Thật ra không phải vậy. Ngay cả với một người bệnh tật, thì cái sức khỏe mà họ có được cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào người thầy thuốc. Ta thường nghe nói “phước chủ may thầy” là vậy.


Ở đây, bên cạnh sự cải thiện cách chẩn đoán và điều trị của ngành Y tế nhằm sớm phát hiện các bệnh tật, can thiệp kịp thời, còn cần có sự hiểu biết, tham gia của người bệnh. Chẳng những thế còn cần thêm cả nghị lực, sự phấn đấu chủ quan của người bệnh. Gần đây thôi, người ta nhấn mạnh đến vai trò người bệnh, coi người bệnh cũng là một “chuyên gia sức khỏe” như người thầy thuốc.

Vai trò “chuyên gia sức khỏe” của người bệnh ngày càng được quan tâm nghiên cứu, với mục đích tìm hiểu xem sự đánh giá về sức khỏe của một con người qua hai “chuyên gia” – bác sĩ và bệnh nhân – có thống nhất với nhau hay không và nếu không thì tại sao? Một phía là sự đánh giá khách quan của thầy thuốc, được hỗ trợ bởi máy móc, xét nghiệm, còn một phía là sự đánh giá chủ quan của người bệnh – thường phóng đại, hoặc quá lạc quan hoặc quá bi quan về tình trạng sức khỏe của mình.

Kết quả những nghiên cứu cho thấy người bệnh thường lạc quan, đánh giá cao sức khỏe của mình gấp hai – ba lần bác sĩ và thường thì họ đúng. Còn ngược lại, khi họ tự đánh giá thấp hơn bác sĩ thì hoặc là họ cố tình để được nuông chiều, chăm sóc, hoặc họ không còn ý chí tự vươn lên. Và trong trường hợp này, việc điều trị thường không mấy khả quan.


Có những tình huống y học bó tay mà ý chí con người vượt thoát, như BS Nguyễn Khắc Viện thường kể về chính trường hợp của ông: chịu giải phẫu chín lần, cắt bỏ nguyên một lá phổi, cắt thêm 1/3 lá phổi khác, được các bác sĩ Pháp cho biết giỏi lắm chỉ sống thêm hai năm, vậy mà ông đã sống thêm… 50 năm (ông mới mất năm 1997, thọ 85 tuổi).

Tìm ra được một phương pháp dưỡng sinh rất kỳ diệu, không những sống, ông còn hoạt động mạnh trên nhiều lĩnh vực, hơn hẳn nhiều người bình thường khác. Dĩ nhiên là có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng như di truyền, hoàn cảnh, nhưng trước hết, tự bản thân ông phải có một ý chí sống rất vững mạnh, lạc quan, tin tưởng. Và chính cách sống có ích, sống vì đời, vì người, đã giúp ông vượt thoát số phận mà các chuyên gia y học khẳng định.

Nếu như có một nhóm bác sĩ thăm khám sức khỏe cho anh thương binh N.N.Q. ở quận 8, TP.HCM, người được báo chí Thành phố nhiều lần nhắc đến – cụt hai cánh tay, bể màng nhĩ, thân thể còn nhiều vết đạn – chắc chắn sẽ xếp anh vào hạng sức khỏe yếu nhất. Nhưng, xem truyền hình giới thiệu cách sống của anh, nụ cười rạng rỡ của anh khi anh bơi thuyền kéo cá, hàng ngày tập nghe, tập sinh hoạt với đôi tay giả, chèo thuyền bằng chân, sống với gia đình một vợ hai con đầm ấm, hạnh phúc, chắc hẳn các bác sĩ phải xem xét lại sự đánh giá đầy “chuyên môn” của mình.


Chuyên gia y học đánh giá sức khỏe trên những dữ kiện y học thuần túy như số lượng hồng cầu, bạch cầu, đường huyết… Còn “chuyên gia bệnh nhân” thì dựa trên những khía cạnh khác về thể chất, khả năng vận động, trạng thái sinh lý, tâm thần, cảm xúc, tình cảm, mối quan hệ gia đình, xã hội – bạn bè, hàng xóm – và cả tài nguyên di truyền của dòng tộc, để từ đó thích nghi, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Tóm lại, một chuyên gia (bác sĩ) đánh giá sức khỏe trên diện hẹp (sinh y học), còn chuyên gia kia (người bệnh) thì đánh giá sức khỏe trên diện rộng.

Chính vì thế ta không thể khoán trắng sức khỏe của ta cho bác sĩ, càng không thể nghĩ cứ phung phí sức khỏe để làm cho ra thật nhiều tiền để rồi sau này dùng tiền đó mà… phục hồi sức khỏe. Hẹn thư sau.

Thân mến!
BS. Đỗ Hồng Ngọc

No comments: