Sunday, June 13, 2021

TẾT ĐOAN NGỌ ĂN BÁNH BÁ TRẠNG, NGHE TRUYỀN THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC CỦA BÁNH

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương hay Tết diệt sâu bọ, đây là ngày Tết truyền thống của nhiều nước phương Đông, thường diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm. Đối với người Việt, nếu Tế Đoan Ngọ không thể thiếu bánh ú tro, thì với người Hoa lại không thể thiếu món bánh bá trạng.

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương hay Tết diệt sâu bọ, đây là ngày Tết truyền thống của nhiều nước phương Đông.

“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “ngọ” là khoảng thời gian từ 11-13 giờ trưa, nghĩa là cái Tết diễn ra vào buổi trưa, lúc mặt trời ở gần với trái đất nhất, trùng với ngày Hạ Chí.

Theo triết lý y học phương Đông, khi này khí dương của con người và trời đất đều rất tốt, thích hợp để chúng ta tiêu diệt sâu bọ và những mầm mống gây nên bệnh tật. Cũng theo quan niệm xưa, ngày này các loại ký sinh trong cơ thể sẽ ngoi lên, do đó người ta thường tranh thủ ăn cơm rượu, hay những thức ăn, hoa quả có vị chua để tiêu diệt chúng.

Trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ thông thường cũng sẽ có những món như cơm rượu, bánh ú tro, chè trôi nước, trái cây. Nhưng đối với riêng Sài Gòn, nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống thì còn có một món bánh không thể thiếu trong mâm cúng vào ngày Tết này, chính là bánh bá trạng.

Món bánh đặc trưng của người Hoa trong dịp Tết Đoan Ngọ

Bánh Bá Trạng có hình chóp như bánh Ú tro Việt Nam. Tuy nhiên, hương vị và nhân bánh lại khác hơn rất nhiều. Trong khi bánh Ú của Việt Nam thì phần nếp thường trong và không giữ được nguyên vẹn hạt nếp, thì bánh Bá Trạng hạt nếp vẫn giữ được tròn đầy.

Trong khi bánh Ú của Việt Nam thì phần nếp thường trong và không giữ được nguyên vẹn hạt nếp, thì bánh Bá Trạng hạt nếp vẫn giữ được tròn đầy.

Với bánh ú tro, nếp ra nếp, nhân ra nhân. Nhưng với bánh bá trạng thì nếp và đậu phộng (có khi là đậu xanh) sẽ được trộn với nhau làm vỏ bánh.

Phần nếp cũng như bao cách chế biến thông thường, sẽ được ngâm qua đêm cho mềm với nước, nhưng đặc biệt với bánh bá trạng sẽ được ngâm với nước thảo mộc, cho nên khi ăn bánh, sẽ cảm nhận được vị thơm của thuốc bắc và hương thảo dược khá rõ ràng.

Bánh bá trạng sẽ được ngâm với nước thảo mộc, cho nên khi ăn bánh, sẽ cảm nhận được vị thơm của thuốc bắc và hương thảo dược khá rõ ràng.

Nhân bánh lại càng đa dạng hơn và không phải nhà nào cũng làm giống nhau như một. Đây là một điểm khá đặc biệt của loại bánh này, vì bạn sẽ tha hồ được nếm thử các mùi vị khác nhau, 10 chỗ bán có khi là 10 vị khác biệt.

Vì bánh được làm sẽ tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi nhà, mà các loại nhân được biến tấu khác nhau. Tuy nhiên thông thường sẽ hay có thịt heo ba chỉ, nấm đông cô, trứng muối, tôm khô, thịt gà .v.v

Nếu có dịp đến Trung Hoa, bạn sẽ thấy bánh bá trạng có khi đến hơn trăm, nghìn loại nhân khác nhau. Như Bắc Kinh bánh thường nhồi với táo đỏ khô tẩm đường. Hay một vài nơi của tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, gạo nếp lại được ngâm trong nước muối để mềm hơn. 

Bánh có nhiều nhân đa dạng khác nhau.

Phía nam sông Dương Tử, không chỉ có nhân táo, người ta còn cho thêm thịt giăm bông, lòng đỏ trứng muối, hạt dẻ, nấm, thịt lợn nướng và đậu đỏ được quết nhuyễn.

Ở Tứ Xuyên vốn nổi tiếng với vị cay, thì bánh bá trạng sẽ có thêm bột ớt.

Ở các tỉnh Tô Châu, Giang Tô và xuôi về miền Nam, bánh bá trạng thường có một lát mỡ lợn trong nhân để phù hợp với khẩu vị người dân địa phương.

Tuy nhiên, nếu nói đúng hương vị chuẩn của người Hoa thì có lẽ là bánh bá trạng của Hồ Châu, Gia Hưng của tỉnh Chiết Giang là chuẩn nhất. Bánh mặn được làm từ thịt heo tươi ướp nước tương, còn bánh bá trạng ngọt lại làm từ táo đỏ jujube hay hỗn hợp đậu đỏ được quết nhuyễn.

Phần gói bánh cũng cực kỳ quan trọng, bánh sẽ được gói bằng lá tre, lá sen, hoặc lá chuối… mỗi loại lá sẽ mang đến hương thơm, mùi vị riêng cho chiếc bánh (nếu ai thích giữ hương vị nguyên vẹn của bánh thì nên dùng lá dong ở bên trong để gói).

Bánh sẽ có kích thước cỡ bàn tay xòe ra và nặng từ 250 – 500 gram tùy loại. Sau đó được buộc cho chặt lại thành hình chóp, đây cũng là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất, vì phải cột làm sao cho bánh có hình dáng u lên như kim tự tháp. Đây cũng là hình ảnh đại diện cho tư tưởng “nở hậu” của người Hoa.

Bánh hình chóp đại diện cho tư tưởng “nở hậu” của người Hoa.

Bánh ăn có mùi vị khá thơm và đậm đà, có vị bùi của đậu, vị béo của mỡ lợn, lại thoang thoảng hương thơm của thảo mộc. Đi đâu xa xa, chỉ cần mang theo một cái bánh để ăn là có thể no cả buổi.

Điều đặc biệt là bánh bá trạng thường chỉ xuất hiện vào dịp Tết Đoan Ngọ (giống như truyền thống bánh chưng, bánh tét của Việt Nam ngày Tết), nên ai muốn thưởng thức, thì nên tranh thủ để mua về trong dịp Tết Đoan Ngọ này.

Bánh bá trạng bán ra có thể sẽ khá mắc một chút, vì dĩ nhiên bánh toàn được làm từ nguyên liệu “xịn”, 1 cặp bánh có thể rơi vào khoảng 100.000 – 120.000 đồng (dành cho bánh loại lớn), và cũng tùy nơi mà có các mức giá cao thấp khác nhau.

Nguồn gốc của tập tục làm bánh Ú trong ngày Tết Đoan Ngọ

Nhưng ăn bánh ngon thôi chưa đủ, nếu chúng ta có thể biết thêm về những sự tích của chúng thì mới cảm nhận được đầy đủ nhất hương vị của ngày Tết Đoan Ngọ.

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ theo truyền thuyết của Việt Nam

Chuyện kể rằng, vào thời xa xưa, khi đó nông dân may mắn được mùa nên cây trái trĩu nặng. Tuy nhiên, vui mừng không được bao lâu thì đột nhiên có một đàn sâu bọ dày đặc không biết từ đâu kéo đến, tàn phá hết cây trái, rau mùa của người dân, khiến dân chúng lầm than, buồn khổ.

Trong lúc người dân đang ủ rũ không biết làm thế nào, thì từ đâu một ông lão tên Đôi Truân xuất hiện và hướng dẫn người dân lập đàn cúng. Ông dặn họ hãy làm một ít bánh ú tro và trái cây, sau khi cúng xong thì ra trước hiên nhà vận động cơ thể một chút là hoàn thành.

Chỉ đơn giản vậy thôi, thế mà sâu bọ lũ lượt bỏ đi không sót một con nào thật. Đôi Truân sau đó giải thích với dân làng rằng, đây chính là mùa sâu bọ mạnh và hung hăng nhất. Mỗi năm cứ làm y theo ông dặn thì sẽ diệt được hết sâu bọ. Đôi Truân nói xong người dân chưa kịp cảm ơn ông câu nào thì ông đã nhanh chóng biến đi mất.

Kể từ đó, dân chúng hễ đến mùa sâu bọ, là lại làm y như lời Đôi Truân căn dặn, và tập tục đó đã truyền lại cho đến tận ngày nay.

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ theo truyền thuyết của Trung Quốc

Truyền thuyết về Khuất Nguyên.

Vào năm 340-278 trước công nguyên, có một vị trung thần tên là Khuất Nguyên. Ông là một nhà thơ nổi tiếng thời đó, có tính tình chính trực, ngay thẳng, nên rất được lòng vua và cả người dân.

Cũng chính vì vậy, ông thường bị rất nhiều người ganh ghét, đố kị, muốn hãm hại sau lưng, cộng thêm nhiều lần khuyên ngăn vua nhưng bất thành. Đến cuối đời ông bị đưa đi lưu đày ra Giang Nam.

Chứng kiến đất nước dần đi xuống mà bản thân không thể làm gì, ông tuyệt vọng gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn.

Dân chúng khi ấy vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của ông, nên khi ông qua đời, vì không muốn cá tôm rỉa mất thi thể của Khuất Nguyên nên đã thả cơm ống trúc xuống sông cho ông.

Đến thời Đông Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, năm Kiến Vũ (25 – 55), địa phận Trường Sa có người tên Âu Hồi, nói rằng giữa ban ngày ban mặt hắn trông thấy một người tự xưng là Tam Lư đại phu Khuất Nguyên, đến chỗ hắn bảo rằng: “Các ngươi năm nào cũng cúng tế ta món cơm ống trúc, tất cả đều bị giao long ăn hết. Sau này, các ngươi có thể dùng lá ngải bịt miệng ống trúc rồi dùng dây ngũ sắc buộc chặt, bởi vì giao long rất sợ cái thứ này”. Nói rồi, người đó biến mất.

Về sau, Âu Hồi đem chuyện này kể lại cho mọi người, một truyền mười, mười đồn trăm, họ âm thầm làm theo, từ đó mà bánh ú, bánh chưng ra đời.

Cũng một truyền thuyết khác

Vào thời Đông Hán (202 trước công nguyên – 20 sau công nguyên), có một cô gái tên là Cao E sống cùng cha ở một làng chài nọ.

Một hôm, ông đi đánh bắt ở sông Thuận Giang thì gặp phải một sự cố rồi từ đó mất tích. Cao E đợi mãi không thấy cha về, bèn đi tìm cha ở khắp nơi nhưng vẫn không thấy. Cô đã khóc rất nhiều, rồi sau đó vì quá thương tiếc cha, cô gieo mình xuống sông tự vẫn vào đúng ngày 5/5 âm lịch.

Các vị thần chứng kiến sự hiếu thảo của Cao E, nên đã cảm động để Cao E và cha được đoàn tụ cùng nhau.

Dân làng từ đó cũng xây nên một ngôi đền để kỷ niệm ngày Cao E qua đời hàng năm để tưởng nhớ lòng hiếu thảo của cô.

Qua đó có thể hiểu được lý do vì sao Tết Đoan Ngọ lại quan trọng và phổ biến đối với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc như vậy.

Ở các nước khác nhau có các phong tục khác nhau, ví dụ ở Nhật, ngày Tết Đoan Ngọ còn là ngày của các bé trai, người ta thường treo cờ cá chép, mang ý nghĩa “cá vượt vũ môn” cầu mong phước lành, điều tốt nhất sẽ đến.

Còn Trung Hoa, người dân sẽ treo một bó lá thảo dược trước nhà để xua đuổi tà ma và đeo túi thơm chứa nhiều loại hương liệu có thể đuổi rắn rết, sâu bọ, phòng chống bệnh. Ngoài ra, họ còn tổ chức lễ hội đua thuyền rồng rất đông vui và náo nhiệt.

Chúc Di (t/h)


No comments: