Wednesday, June 9, 2021

THẤT BẠI TRONG ĐỜI LÀ CHỈ NHÌN THẤY LỖI SAI CỦA NGƯỜI KHÁC

Trong đời, ắt hẳn có lúc bạn không thể giữ nổi bình tĩnh trước lỗi lầm của người khác. Kiểu như thế này: “Ôi! Tại sao anh/cô ta lại có thể làm ra chuyện xấu xa đến thế cơ chứ!”. Nhưng khoan, hãy ngước nhìn lên trên đầu mình, có lẽ chính bạn cũng đang đội một “đống rác” đầy phiền phức, tồi tệ. Bạn vẫn không tin à?


Vậy tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện cười đầy thâm ý này. Một đôi vợ chồng trẻ dọn đến nhà mới. Đó là một khu phố đông đúc, xung quanh họ có rất nhiều hàng xóm, hạng người nào cũng có.

Một buổi sáng, khi anh chồng đang dùng bữa điểm tâm thì chị vợ bỗng đứng phắt dậy chạy ra chỗ cửa sổ nguýt một tiếng dài: “Gớm chết! Tấm vải bẩn thế kia mà vẫn mang đi phơi được!”. Hóa ra, người hàng xóm già đang lễ mễ bê chậu quần áo to sụ ra phơi trước hiên nhà. Người vợ nhìn chồng, giọng đay đả: “Bà ấy già quá rồi, giặt đồ cũng không được nữa. Có lẽ bà ấy nên thay loại xà phòng tốt hơn”. Người chồng dường như bỏ ngoài tai tất cả những lời vợ nói, vẫn điềm nhiên nhấm nháp cà phê và đọc báo sáng.

Thế là mỗi sáng cảnh tượng quen thuộc ấy lại diễn ra: người hàng xóm mang đồ ra phơi, cô vợ bình phẩm và anh chồng vẫn bình thản dùng bữa, chẳng nói chẳng rằng. Chừng một tháng sau, cũng vào một buổi sáng, người vợ tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy tấm vải của bà hàng xóm bỗng trở nên trắng sáng tinh tươm vô cùng. Cô kéo chồng mình ra nhìn, nói: “Anh nhìn kìa, cuối cùng bà ấy cũng giặt sạch được rồi. Không biết ai đã nói với bà ấy vậy?”.

Người chồng thở dài một tiếng, đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và mới vừa lau sạch cửa kính của nhà mình đấy!”.

Xin hãy thừa nhận một cách thành thực với nhau, trong đời mình có phải bạn cũng đã nhiều lần hành xử giống như người vợ kia chăng? Đôi khi, ta quá khắt khe với sai lầm của người khác nhưng lại dễ dãi đến ngờ nghệch trước tội lỗi của mình. Có phải là bởi nhìn ra thiếu sót của kẻ khác thì luôn dễ dàng hơn tự tìm cái sai ở bản thân mình? Tha thứ khó đến vậy sao, bao dung khó đến vậy sao?

Ảnh minh họa: Lovepik.

Trước đây, tôi có đọc được mẩu báo kể về một bộ lạc vô cùng đặc biệt ở châu Phi. Họ có cách hành xử vô cùng văn minh mà có lẽ người ở xã hội hiện đại chúng ta cũng còn phải chạy dài học theo. Khi trong bộ lạc có ai đó mắc lỗi, họ sẽ mang người đó ra giữa làng. Cả làng đứng xung quanh người ấy nhưng không phải để mắng mỏ, “đấu tố” mà là nhẹ nhàng kể những chuyện tốt đẹp mà người đó từng làm. Cứ như thế trong suốt 2 ngày, người ta nói những lời tốt đẹp về người đã mắc lỗi bằng một thái độ bao dung khó có thể tưởng tượng nổi. Họ tin rằng người ta dù tốt đến mấy cũng vẫn có lúc mắc lỗi lầm. Đó là khi người ấy cần được giúp đỡ. Cả bộ lạc sẽ cùng nhau giúp người ấy tìm lại con người thiện lương, tốt đẹp của mình.

Quả vậy, có ai dám tự tin khẳng định mình chưa bao giờ mắc sai lầm trong đời? Trong dòng đời đầy cạm bẫy, khúc khuỷu, quanh co, có những chuyện về cơ bản là người ta không thể tự làm chủ. Người mắc lỗi ấy, tự họ, đã cảm thấy đau đớn và hối hận quá đủ rồi. Điều họ cần không phải là ai đó tiếp tục “dạy khôn” họ, “rút kinh nghiệm” cho họ. Họ chỉ cần một người thấu hiểu họ và bao dung được họ. Chỉ khi đối đãi với những sai lầm bằng sự khoan thứ, người ta mới có thể vượt qua nó và tìm cách làm tốt hơn về sau này. Người mắc lỗi đương nhiên có lỗi nhưng chẳng phải người không thể bỏ qua lỗi lầm của người khác cũng đồng như có lỗi đó sao?

Lục tìm những câu chuyện cổ, ta thấy người xưa có một thái độ hành xử rất nhân văn đối với lỗi lầm của kẻ khác. Chuyện Sở Trang Vương giật đứt giải mũ có lẽ đã quá nổi tiếng nhưng dù kể đi kể lại bao nhiêu lần vẫn ngẫm ra được cái hay riêng.

Chuyện kể rằng, một hôm Sở Trang Vương cho bày yến tiệc thết đãi quần thần. Trong tiệc, gió lớn nổi lên bỗng thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một quan viên lợi dụng đêm tối kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy nhanh tay giật đứt giải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội. Nhưng Sở Trang Vương gạt đi và tuyên bố: “Hôm nay các khanh uống rượu cùng ta mà không say đến đứt giải mũ thì chưa phải là thực bụng vui vậy!”. Nói đoạn, tự tay ông cũng giật đứt giải mũ trên đầu làm gương. Thế là các đại thần văn võ đều giật đứt hết giải mũ của mình. Nhân thế, người trêu ghẹo cung nữ kia không bị lộ mặt nữa.

Ảnh minh họa: Kknews.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau to với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột, không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy thắng luôn. Sau này Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi ngọn ngành. Người ấy bèn thưa: “Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.

Lòng hào hiệp của Sở Trang Vương đã giúp ông nhận được đền đáp. Nếu năm xưa ông không bỏ qua lỗi lầm của Tưởng Hùng thì trong lúc nguy nan ai sẽ là người vào sinh ra tử vì ông đây? Sự khoan dung đôi khi chính là món quà tưởng thưởng cho bản thân mình là vậy.

Nhân sinh như mộng, cuộc đời quá ngắn, ta không thể quyết định được chiều dài của sinh mệnh nhưng có thể tuỳ ý sử dụng chiều sâu. Hãy dùng những năm tháng có được ở đời này một cách ý nghĩa nhất. Hãm mình trong những đố kỵ, buồn phiền, bực bội chỉ vì lỗi sai của người khác liệu có giúp bạn có được một đời thản đãng, thong dong? Điều này, bạn hãy tự thể nghiệm và tìm ra câu trả lời xác đáng nhất.

Tiểu Lý | ĐKN