Tôi đoán mình đã bị tương tư, bởi hai lần có dịp đến London vì công việc, tôi đều phải nán lại ít ngày chỉ vì muốn tới thăm Edinburgh, và lần thứ hai cũng chỉ để… quay lại Edinburgh.
Có lẽ bởi địa hình cao nguyên và đồi núi dung dưỡng thành phố này nên đã tạo ra những con đường quanh co, những ngõ hẻm tuy dốc lên dốc xuống nhưng lại duyên dáng và lạ lẫm đến bất ngờ.
Những ngõ hẻm tuy dốc lên dốc xuống nhưng lại duyên dáng và lạ lẫm bất ngờ
Những con đường nhỏ, những bậc thang ngẫu hứng ở đây khiến tôi liên tưởng đến một thành phố có nhiều nốt nhạc. Và tâm hồn tôi có lẽ vì thế mà lang thang tắm mình trong một bản nhạc cổ điển chưa từng được đặt tên chăng?
Hy vọng bạn sẽ cảm nhận giống như vậy khi đứng trước những bậc thang rêu xanh ngân lên âm điệu u hoài, dắt ta lên một con dốc mà ở cuối đường hẳn là chốn đông vui. Những bậc thang nối liền Royal Mile và Cockburn Street nhìn từ đường Cockburn Street có tên là hẻm Warriston Close có những mảng rêu xanh như từ miền hoang sơ nào bỏ lại.
Ở đây, một cô gái tóc vàng lặng lẽ bước lên các bậc thang ngàn năm tuổi. Ánh nắng đầu thu làm mái tóc cô bắt sáng như đốm lửa nổi bật trong một khuông nhạc của những cung trầm.
Những con hẻm đá xám được trang trí bằng xe đạp và hoa tươi đủ sắc màu
Rồi cũng một con dốc lát đá xám khác, bề ngang chắc chưa đầy hai mét, tên là Anchor Close, như nhát cắt rất ngọt chia đôi mấy tòa nhà cổ im lìm cũng nối liền Royal Mile và Cockburn Street lại đem đến cảm giác như thiên đường đã bị lãng quên.
Những ngõ hẻm đậm dấu thi ca
Edinburgh là thành phố của văn chương, thi ca và âm nhạc. Rất nhiều những áng văn thơ kinh điển của nhân loại đã sinh ra ở chốn này: trước đây là nhà văn, nhà thơ Walter Scott, rồi Conan Doyle với truyện trinh thám Sherlock Holmes, Robert Burns, Ian Rankin, Irvine Welsh và mới đây là nhà văn nữ đình đám J.K. Rowling với Harry Potter…
Tôi may mắn được ở trong con hẻm có tên là Advocate Close gần con đường hội hè The Royal Mile của thành phố di sản này. Có một tấm bảng đồng nhỏ xinh gắn ở đầu hẻm được rất nhiều người tới chụp hình. Mai, cô sinh viên Việt Nam đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh giải thích cho tôi rằng tấm bảng liệt kê danh sách những người nổi tiếng, có thể cho là danh nhân, đã sống ở ngõ Advocate.
Con hẻm có tên là Advocate Close
Ở hẻm này từng có ngài James Stewart, giữ chức Lord Advocate (tương đương viện trưởng viện công tố), cái tên ngõ này cũng xuất phát từ đó. Người thứ hai là Andrew Crosbie – một luật sư người Scotland, cũng là nhân vật nổi bật của Phong trào Khai sáng (văn hóa) của Scotland thế kỷ XVIII. Một công dân ưu tú của ngõ Advocate trước đó là họa sĩ của đức vua William III và nữ hoàng Mary, ông tên là John Scougal. Và dòng cuối cùng cho biết: bên phía tây là dinh thự của đức Giám mục Bothwell. Thầm cảm ơn Mai vì cô đã giải đáp thông suốt cái bảng rất “đau đầu” với một người có trình độ tiếng Anh như tôi.
Không chỉ con hẻm Advocate Close, trong thành phố của văn chương này còn nhiều con hẻm ghi danh những nghệ sĩ, luật sư, nhà quý tộc, nhà văn, nhà thơ… hay những câu nói nổi tiếng, những vần thơ bằng chữ Scotland để lưu dấu người xưa. Bảo tàng các nhà văn, thư viện, các cửa hàng bán sách lâu đời, tháp tưởng niệm Walter Scott, lễ hội hóa trang, tiếng kèn túi truyền thống của người Scotland… đã kéo du khách tới đây.
Từng con phố uốn lượn hồn nhiên
Ở thành phố lễ hội này, cũng có những con hẻm có vẻ thành thị hơn, cũng màu đá xám muôn đời nhưng được trang trí thêm những chậu hoa duyên dáng đủ màu, những chiếc xe đạp nhẫn nại đợi chủ nhân và cứ đi một lát lại có một chiếc ghế băng sơn đỏ rất duyên dường như được một người có đôi mắt tinh tế nào sắp sẵn.
Một nhân vật lịch sử người Scotland
Rồi lâu lâu, ở mỗi ngõ hẻm yên ắng thinh không (nếu không phải những ngày hội hè) lại được bày ra một bức tượng đồng. Một nhân vật lịch sử của người Scotland, một con vật dễ thương, một tĩnh vật… đủ lớn để người ta phải ngắm và tưởng tượng, nhưng lại đủ nhỏ để cư dân ở đó không cảm thấy bị làm phiền. Ví dụ như trên đại lộ vui vẻ Royal Mile có những bức tượng đồng của danh nhân nhưng trong một hẻm nhỏ không tên không xa đại lộ là những tượng con vật đáng yêu, hay tĩnh vật tạc bằng đồng đã lên nước xanh xưa.
Con đường hội hè Royal Mile
Tôi cứ thế lặng lẽ đi trên con đường Royal Mile cổ kính dẫn từ lâu đài Edinburgh rẽ qua bao nhiêu ngõ hẻm để lên đồi Calton, để lắng nghe những phố xá mà không ồn ào phố xá. Bạn vẫn có thể hưởng thụ sự tĩnh lặng một mình ở những góc phố với mấy chú chim chuyền cành lích chích ở một bụi cây, lắng nghe góc khuất nào đó trong hẻm nhỏ vọng lại tiếng bước chân lộc cộc mà chỉ tò mò chút nữa thôi là bạn sẽ cố lượn qua góc bờ tường kia ngó xem người ấy trông thế nào. Nhưng tất nhiên tôi hứa sẽ không làm như vậy, để người ta đi lên những đỉnh dốc của họ, nơi gần hơn bầu trời cao xanh trong veo, còn lại tôi với sự lắng yên của xứ người.
Ô cửa sổ kiểu đặc trưng của Edinburgh
Có thể bạn thấy, ờ thì cũng thường thôi, châu Âu khi nào chẳng cổ kính, cổ điển, chẳng phải là lục địa già sinh ra thi ca nhạc họa. Nhưng với tôi, những con đường nhỏ, hẻm nhỏ ở Scotland thực sự rất Scotland, bởi chúng cong cong mềm mại nương theo những con đường cổ từ nghìn năm mà người dân ở đây đã đi thành nếp. Và sau này, người ta đã không quy hoạch lại theo kiểu phá bỏ những bước chân xưa để tạo thành một thành phố gọn gàng như London với những ô bàn cờ hay góc cạnh như mọi đô thị khác.
Lịch sử và văn hóa cổ xưa của Edinburgh trên từng góc phố
Đường nương theo địa hình đồi núi nguyên thủy và uốn lượn một cách hồn nhiên như từ lúc sinh ra đã vậy. Kết hợp với sự rắn rỏi của đá ong xám lát đường, xây nhà… loại vật liệu đặc trưng phủ kín của cao nguyên này khiến những con hẻm vừa có nét cứng rắn của đá nhưng vừa có sự mềm mại rất cổ điển của hơi thở văn hóa xứ phù thủy, như những nhân vật trong Harry Potter bước ra từ ngòi bút của J.K. Rowling.
Góc tĩnh lặng của thành phố
Các bước đi của bạn, của tôi vì thế chẳng theo một công thức nào cả. Tôi dám “cá” rằng đó là điều bạn sẽ mãi mang theo khi rời xa chốn này.
Nguyễn Nguyễn / Theo: Doanh Nhân Online