Wednesday, July 31, 2019

TÌM BẠN KẾT GIAO

Một người có đáng kết giao hay không, hãy xem bộ dạng lúc họ mệt mỏi

Lúc tinh thần sảng khoái thì ai nấy đều sẵn lòng ra tay trợ giúp người khác, nhưng chỉ khi sức tàn lực kiệt mới có thể nhìn ra sự tu dưỡng của một người. Người tu dưỡng càng tốt thì càng có khả năng kiềm chế bản thân mình, rất đáng để chúng ta kết giao.

Chỉ khi người mệt mỏi và khó chịu, mà vẫn có thể thấu hiểu cho nỗi khổ của người khác, mới là sự lương thiện đã ngấm vào xương tủy. (Ảnh: Read01)

Tháng trước, tôi cùng một người bạn đi leo núi Thái Sơn, lúc này tôi mới lĩnh hội sâu sắc được câu “tỷ lệ nghịch giữa tuổi tác và ý chí” là như thế nào. Leo được nửa quãng đường, tôi đã cảm thấy đôi chân không phải là của mình nữa, bạn bè ban đầu còn quan tâm và giúp đỡ nhau, nhưng đến nửa quãng đường sau thì hầu như thân ai người nấy lo.

Một người bạn từng nói với tôi rằng, niềm vui của việc leo núi không phải ở phong cảnh thiên nhiên, mà là hình ảnh những người leo núi mỗi người một vẻ, muôn hình vạn trạng, đủ để viết thành một cuốn sách sinh động. Trước kia, tôi không tin lắm, nhưng lần này quả thực mới thấu hiểu sâu sắc.

Tu dưỡng của một người, phải xem bộ dạng của anh ta khi mệt mỏi

Suốt cả chặng đường, chúng tôi cùng đi với một tốp sinh viên đang dạt dào sức trẻ. Hình như các em là một đoàn thể xã hội đang tổ chức hoạt động.

Khi bắt đầu leo núi, ai nấy đều tràn trề sức sống, cười cười nói nói. Trong số đó, một cậu thanh niên nhiệt tình và hoạt bát đã thu hút sự chú ý của tôi. Cậu ấy đeo một cái ba lô to trên lưng, tay còn xách một túi nilon đựng đầy đồ ăn, trông rất nặng.

Nhưng suốt cả chặng đường cậu vẫn hô hào cổ vũ những bạn học đang rớt lại phía sau, giúp các bạn cầm đồ, rồi thỉnh thoảng còn hỏi mọi người có cần nghỉ ngơi không, trông bộ dạng cậu ta như một bậc phụ huynh đầy trách nhiệm.

Anh bạn đi cùng tôi cũng phải thốt lên khen ngợi: “Nhìn xem thế hệ 9X bây giờ này, đâu có ích kỷ nhỏ nhen như lời đồn thổi. Ngược lại những người bạn già khoe khoang khoác lác như chúng ta, thì thân ai người nấy leo. Ngẫm lại có chút xấu hổ”.

Khó khăn mới biết lòng người, khi leo núi lại càng sáng tỏ hơn. Thể lực và ý chí của mỗi người khác nhau rất nhiều, nên muốn cùng nhau đi tới đích không phải là một chuyện dễ dàng. Tôi từng nghĩ rằng nếu có một người nhiệt tình như cậu thanh niên ấy đồng hành, thì cuộc leo núi cũng sẽ trở nên dễ dàng biết mấy.

Nhưng, tôi đã sai! Đi được nửa quãng đường, thì câu chuyện hoàn toàn xoay ngược ngoài dự liệu. Khi đi trai tráng, giữa đường bủng beo, người nào người nấy mặt mày ủ dột, nặng nề lê bước về phía trước, chẳng ai buồn mở miệng nói một lời.

Lúc này, khuôn mặt của cậu thanh niên nhiệt tình ban nãy trở nên rất khó coi, ai bắt chuyện cậu cũng lơ đi như không nghe thấy, còn vừa đi vừa oán trách bạn nữ bên cạnh “sao mang nhiều đồ thế không biết!”.

Ý tốt ban đầu của cậu ta cuối cùng lại trở thành gánh nặng. Quẳng đồ đi thì sợ mất mặt, mà cầm thì lại thấy mệt, nên chỉ đành biết nổi lẩm bẩm cằn nhằn.

Lúc này, một cậu bạn trầm mặc ít nói lại đột nhiên bước tới, mỉm cười đưa cho cậu ấy một lon nước và đỡ lấy chiếc ba lô, vỗ vỗ vào vai cậu ta rồi nói: “Nhanh lên nào! Nhanh lên nào!”.

Nhìn thấy cậu ấy mồ hôi nhễ nhại, tôi không khỏi xúc động, muốn biết về sự tu dưỡng của một người chỉ cần xem bộ dạng của họ khi mệt mỏi.

Lúc thoải mái thì đa số mọi người đều thích làm việc tốt. Chỉ khi người mệt mỏi và khó chịu, mà vẫn có thể thấu hiểu cho nỗi khổ của người khác, mới là sự lương thiện đã ngấm vào xương tủy.

Điều quan trọng không chỉ là bạn có thể leo lên đỉnh với tốc độ nhanh thế nào, mà là bạn về đích với tâm thái ra sao. (Ảnh: Pinterest)

Cái gọi là “khả năng tự kiềm chế”, không phải là giận cá chém thớt, dùng cảm xúc khó chịu của mình đổ lên người khác

Có một số người, chỉ cần hơi mệt một chút là trong mắt, trong lòng người ấy chỉ còn lại mỗi bản thân mình. Với những người này, bạn không thể trông mong họ khích lệ bạn, mà còn phải nhanh chóng vỗ về họ.

Nhưng một số người, dù mệt mỏi như thế nào cũng đều thông cảm với những khó khăn của bạn. Dù họ không thể gánh vác cùng bạn, nhưng ít nhất cũng sẽ không mang thêm phiền phức cho bạn.

Trong cuộc sống hàng ngày, những người như vậy không hiếm. Khi dạo phố, lúc ăn cơm, hay lái xe, chúng ta thường gặp cảnh mọi người tranh cãi, những nơi càng tấp nập thì số người cãi vã lại càng nhiều.

Những nhân vật có địa vị bình thường nói năng thanh tao nhã nhặn, nhưng tới khi mệt mỏi lại bộc lộ bản chất tu dưỡng thấp kém của mình.

Hầu như mỗi lần đi máy bay đường dài, tôi đều gặp những hành khách khi không được như ý liền sinh sự với tiếp viên hàng không. Họ biết rõ tiếp viên hàng không có rất nhiều giới hạn không được vượt qua, có rất nhiều chỗ khó đành phải bất lực. Nhưng họ lại trút giận một cách vô cớ lên đầu các cô gái, còn tuyên bố lý do một cách đường hoàng là: “Tôi mệt rồi!”.

Đây không phải là tâm thái ấu trĩ của những ‘đứa trẻ to xác’ hay sao? Nói cho cùng, là do sự tu dưỡng thấp kém.

Lúc tinh thần sảng khoái thì ai nấy đều sẵn lòng ra tay trợ giúp, chỉ khi sức tàn lực kiệt mới có thể nhìn ra sự tu dưỡng của một người. Người tu dưỡng càng tốt thì càng có khả năng kiềm chế bản thân. Khả năng kiềm chế chính là đừng đem sự khó chịu của mình đổ lên đầu người khác để trừng phạt họ.

Sếp tôi có một quy định khuôn vàng thước ngọc là: đừng gửi email vào lúc nửa đêm, đừng gặp khách hàng vào lúc khó ngủ.

Cho nên, mỗi lần khách hàng yêu cầu tăng ca một cách không cần thiết thì ông đều từ chối. Sau đó, ông đuổi chúng tôi về nhà và dặn phải đi ngủ thật sớm. Ông thường nói, ngủ nghỉ không tốt dễ sinh cáu giận. Tôi thầm nghĩ có lẽ ông cũng biết khi mệt mỏi con người dễ bộc lộ những tính xấu nhiều hơn.

Nhân tính con người rất khó để nhận biết, trong vài năm lăn lộn nơi quan trường, tôi cũng học được không ít bài học đắt giá.

Nhiều đối tác thương mại từng hợp tác nhiều năm lại không chịu nhường một bước chỉ vì một chút lợi ích nhỏ nhoi. Những đồng nghiệp quen biết lâu năm, chỉ vì ý kiến bất đồng mà xả ra một tràng những lời dung tục.

Cũng có không ít người chăm chỉ cần mẫn làm việc biết bao năm lại thất bại chỉ vì một đêm mất ngủ mà sơ sểnh làm hỏng việc. Đa số những điều này xảy ra như một bi kịch! Chúng cứ chờ đợi đúng giây phút con người thấy mệt mỏi nhất mà xuất hiện.

Vậy nên, điều quan trọng không chỉ là bạn có thể leo lên đỉnh với tốc độ nhanh thế nào, mà là bạn về đích với tâm thái ra sao. 

Khi sức tàn lực kiệt thì hành vi và cử chỉ của họ sẽ không do đại não chi phối nữa, mà là cảm xúc đang lên ngôi. (Ảnh: Osegredo)

Điều quan trọng nhất là bạn về đích với tâm thái như thế nào

Lần nọ có một đồng nghiệp cũ thì thầm với tôi rằng: “Muốn biết một người có thích hợp để cho vào cùng một đội hay không, thì cứ quan sát họ vào buổi tối thứ 6”.

Thế là tôi cẩn thận quan sát biểu hiện của những người tăng ca vào tối thứ 6, quả nhiên là muôn hình vạn trạng.

Có người thì giận dữ quát tháo trong điện thoại với người nhà, có người lại cãi cọ liên hồi với mấy cậu bán hàng bên ngoài vì đồ ăn không như ý. Thậm chí có người còn oán trách đồng nghiệp lề mề chậm chạp, khiến cậu ấy cuối tuần vẫn phải tăng ca.

Trong khi những người này ban ngày đều là những người ưu tú, không hề so bì thiệt hơn, và làm việc rất cẩn trọng. Khi chứng kiến điều này ngồi ngẫm lại tôi cũng không khỏi ngậm ngùi.

Nhưng cũng có một số người rõ ràng là họ đã thức suốt mấy đêm liền, nhưng vẫn có thể mỉm cười đến bên bạn, hỏi xem bạn có cần giúp gì không. Nói thật, người như vậy mới là đồng đội tốt nhất của bạn.

Tôi từng hỏi một đồng nghiệp trong văn phòng mình rằng: “Nếu tôi mệt tới mức không thể kiềm chế nổi mà nổi điên lên thì phải làm thế nào?”. Anh ấy chỉ nói 4 chữ: “Tự mình dừng lại”.

Đương nhiên, những người tu dưỡng tốt không phải là thần, họ cũng sẽ mệt mỏi, cũng cần được an ủi. Nhưng họ hiểu rằng khi mệt mỏi thì phải tự xử lý tốt vết thương của mình, chứ không phải là tùy tiện mang bực tức, mệt mỏi của bản thân trút lên đầu người khác.

Có nhiều người nói rằng, khi sức tàn lực kiệt thì hành vi và cử chỉ của họ sẽ không do đại não chi phối nữa, mà là cảm xúc đang lên ngôi. Lúc ấy tình cảm, tâm trạng, thậm chí là thế giới quan của họ cũng trở nên tiêu cực, ảm đạm. Về điểm này, tôi đã được lĩnh hội sâu sắc.

Nếu phải thức trắng vài đêm để tăng ca, thì cả ngày hôm sau tôi sẽ rất nóng nảy. Bình thường nếu gặp cảnh hàng hoá thiếu hụt, giao cơm muộn, giao thông tắc nghẽn, người đi đường chạy xe loạn bát nháo, tôi cũng chẳng để tâm.

Nhưng khi trong người mệt mỏi đột nhiên tôi sẽ thấy khó chịu với chúng. Sau đó tôi sẽ không thể chịu đựng thêm được nữa và bắt đầu vô cớ trút giận lên người khác. Nhưng thường thì đúng vào những lúc gian nan như vậy mới đo được trình độ tu dưỡng tâm tính giữa người với người.

Cũng giống như leo núi: Trong nửa quãng đường đầu tiên ai nấy đều hừng hực khí thế. Chỉ tới khi sức tàn lực kiệt thì mới nhìn thấy sự chênh lệch.

Sự chênh lệch này không chỉ là bạn có thể leo lên tới đỉnh với tốc độ nhanh thế nào, mà quan trọng hơn mà là bạn về đích với tâm thái ra sao. Bởi vì trong tâm thái này chứa đựng sự tu dưỡng đã ngấm sâu vào tận xương tủy. Người như vậy mới thực sự đáng để kết giao.

Nhật Hạ biên dịch

AI XUÔI VẠN LÝ


Đời xưa đời xửa vua gì
Có nàng đứng ngóng chồng về đồi non.




Đời xưa đời xửa vua gì
Có nàng đứng ngóng chồng về đồi non.
Thế rồi mong mỏi mong mòn
Thế rồi hóa đá ôm con con đứng chờ.

Thế rồi vì chút duyên mơ
Có người đem đặt thành thơ để truyền…


Những câu thơ trên mở đầu cho bài hát số 2 tên AI XUÔI VẠN LÝ trong trường ca Hòn Vọng Phu gồm 3 bài của cố nhạc sỹ Lê Thương. Trường ca Hòn Vọng Phu là một tập hợp 3 bài hát kể về câu chuyện người phụ nữ đợi chồng trở về. Mỗi bài là một câu chuyện nhỏ được kể theo từng giai đoạn. Mượn chất liệu ban đầu từ câu chuyện cổ tích Hòn Vọng Phu kết hợp với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn, tác giả đã mở rộng nội hàm bài hát ra bằng cách vẽ nên chân dung hoàn hảo của người phụ nữ Việt Nam và kể về lịch sử yêu nước chống giặc của dân Việt ngàn đời nay.


Người Việt Nam từ thuở nằm nôi đến khi ngồi trên ghế nhà trường hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đến nỗi hóa đá Vọng Phu. Hình tượng Tô Thị là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, một hình mẫu thủy chung son sắt một lòng một dạ chính chuyên thờ chồng. Thời chiến thì mang phận chinh phụ đợi chồng, thời bình thì cũng là một hậu phương vững chắc để người đàn ông có thể thoải mái tung hoành ngoài xã hội.

Xuyên suốt bài hát là tâm trạng chờ đợi mỏi mòn của người chinh phụ. Nàng vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ người chồng đi đã bao năm chưa thấy về. Sự chờ đợi dài dằng dặc không còn được tính bằng năm tháng nữa mà được thể hiện qua câu hát:

“Khi tướng quân qua đồi kéo quân quân theo cờ,
đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ
cho đến bây giờ đã thành những đoàn cổ thụ già
mà chờ người đi mất từ ngàn xưa
nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa”.


Thử hỏi đời người có mấy mươi năm? Mấy ai đủ thời gian chứng kiến cây cỏ từ còn xanh non tới lúc thành cổ thụ già? Vậy mà vòng đời của cổ thụ còn không bằng thời gian người chinh phu ra đi. Mấy ai có sức mà đợi như vậy?


Hỏi xem có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý để thắp lên mà thương tiếc chàng. Trải qua bao ‘thương hải tang điền’, nàng ơi đứng đợi làm chi nữa? Câu hát đúc kết của tác giả như tặng nàng một sự thật phũ phàng vì “thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ những người mang mệnh biệt ly”. Trên đời này yêu nhau không được ở bên nhau là khổ, sinh ly tử biệt cũng là khổ, mà thời gian thì không có hứa hẹn điều gì cả vì tất cả gói gọn trong hai chữ ‘vô thường’.

Tấm lòng thủy chung son sắt của nàng cảm động cả đất trời núi non. Người nhạc sỹ tài hoa với thủ pháp nhân cách hóa để từ một nỗi nhớ thương của người chinh phụ mà vẽ nên cả địa đồ và giang sơn cẩm tú của nước Việt Nam bằng hình ảnh “núi non thương tình kéo nhau đi thăm nàng, nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước nam”. Như chưa đủ lay động tấm lòng người đàn bà nhỏ bé ấy, chúng còn “dâng cả lá hoa suối nguồn, với muông chim muôn vàn…” Rồi còn bày cảnh trời nam đất bắc đầy cỏ hoa như cố khuyên nàng trở về chớ đừng để xuân tàn. Nhiều đồi non còn kéo nhau đến tận đảo xa, ra tới khơi ngàn để giúp nàng xem chàng về hay chưa. Về hay chưa? Cả đất trời núi non hiện lên sống động, hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ của nước Việt sống dậy gây xúc động lòng người nhưng không lay động được một người đàn bà nhỏ bé chỉ vì đã lỡ mang kiếp vọng phu. Mà từ “thuở đất trời nổi cơn gió bụi” thì:


Khách má hồng đã nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này? 

(Chinh Phụ Ngâm)

Bài hát AI XUÔI VẠN LÝ đã được rất nhiều ca sỹ nổi tiếng của Việt Nam trình bày từ trước 1975. Có thể kể ra những cái tên như bà Thái Thanh, danh ca Hoàng Oanh, Thanh Lan, Duy Quang, Họa Mi. Tuy nhiên giọng hát gây xúc động mạnh cho tôi với cách hòa âm vừa hùng tráng vừa bi thương cộng với cách bè của dàn hợp xướng nhạc viện, phiên bản của cô Hương Lan là phiên bản khiến tôi cảm được sâu sắc và trọn vẹn nhất tinh thần của tác phẩm này.

15/4/2019
Triều Thiên


TƯỢNG TAM TÔN THỨC TRONG PHẬT GIÁO

Quán Âm Bồ Tát 观音菩萨 xuất hiện sớm nhất ở diện mạo “Tam tôn thức” 三尊式, mãi đến trước sau thế kỉ thứ 5 mới bắt đầu xuất hiện cách tạo tượng Đơn tôn 单尊 hình thái thường nhân. Gọi là “Tam tôn thức”, nhìn từ hình thức mà nói, chính là ba tôn tượng tổ hợp thành nhóm tượng, đây là hình thức tạo tượng thường thấy ở Phật giáo thời kì đầu, đa phần lấy Phật Đà 佛佗làm trung tâm, hai bên có tượng Bồ Tát hiệp trợ giáo hoá. Quy nạp lại, sự phát triển “Tam tôn thức” tổng cộng có 4 hình thức tổ hợp:


Loại hình 1: Thích Ca Mâu Ni Phật Tam tôn tượng 释迦牟尼佛三尊象.

Tam tôn tượng xuất hiện sớm nhất lấy Phật Đà Thích Ca Mâu Ni 佛陀释迦牟尼làm chủ tôn trung gian, Hiếp thị (1) hai bên là Di Lặc 弥勒 và Quán Âm 观音 hiệp trợ giáo hoá chúng sinh.

Tổng quan mà nói, cách tạo tượng thời kì này vẫn chưa xác định, chưa có quy định nghiêm cách, nhân đó mà vị trí hoặc trì vật (vật cầm trong tay) của hai vị Bồ Tát thường không cố định, phải dựa vào đề kí tạo tượng thuyết minh mới phân biệt được.

a- Di Lặc Bồ Tát bên phải, đỉnh đầu có Xá lợi tháp, tay cầm thuỷ bình. Quán Âm Bồ Tát bên trái, đỉnh đầu có Hoá Phật, tay cầm hoa sen.

Tạo tượng Quán Âm Kiền Đà La 犍陀罗 sớm nhất chưa có quy định nghiêm cách, thường cùng Di Lặc Bồ Tát đồng là Bồ Tát tuỳ thị của Thích Ca Mâu Ni, hình tượng cả hai rất gần giống nhau, nói chung Bồ Tát tay cầm thuỷ bình là Di Lặc, Bồ Tát ở đỉnh đầu có Hoá Phật là Quán Âm. Nhưng, đó cũng hoàn toàn không phải là nhất định, cũng có một số ít trường hợp ngược lại, có thể thích dụng ở khu vực Tây Tạng.

b- Quán Âm Bồ Tát bên phải. Di Lặc Bồ Tát bên trái

c- Di Lặc Bồ Tát bên phải, sắc da sậm, cầm bảo bình. Quán Âm Bồ Tát bên trái, sắc da nhạt hơn, cầm hoa sen.


Loại hình 2: A Di Đà Phật Tam tôn tượng 阿弥陀佛三尊象.

Lấy A Di Đà Phật 阿弥陀佛 làm chủ tôn trung gian, tại đất Hán và khu vực Tây Tạng, tuỳ thị Bồ Tát mỗi nơi khác nhau.

a- Đại Thế Chí Bồ Tát 大势至菩萨, đỉnh đầu có bảo bình. Quán Âm Bồ Tát 观音菩萨, đỉnh đầu có Hoá Phật.

b- Kim Cang Thủ Bồ Tát 金刚手菩萨, sắc da sậm, cầm hoa sen xanh, trên hoa sen có chày kim cang. Quán Âm Bồ Tát观音菩萨 sắc da trằng, cầm hoa sen.


Loại hình 3: Tam tộc tính tôn 三族姓尊.

“Tam tộc tính tôn” là Tam tôn thức thuộc Mật tông của Tây Tạng. Trong tranh trục cuốn của Mật tông, 3 vị Kim Cang Thủ Bồ Tát 金刚手菩萨, Quán Âm Bồ Tát 观音菩萨 và Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨 thường xuất hiện chung với nhau, chính là “Tam tộc tính tôn”, lần lượt đại biểu cho 3 thuộc tính “phục ác” 伏恶 “từ bi” 慈悲 và “trí huệ” 智慧. Nhưng Tam tộc tính tôn ở những thời kì khác nhau cũng có một số biến hoá nhỏ, trong đó Kim Cang Thủ đại biểu cho phục ác, trong tranh trục cuốn, từ “Bố Tát tướng” 菩萨相 ở đầu thế kỉ thứ 12 chuyển biến thành “phẫn nộ tướng” 忿怒相 sau thế kỉ thứ 13. Quán Âm đại biểu cho từ bi, từ “Liên hoa thủ” 莲华手 của thời kì đầu chuyển biến thành “Lục tự Quán Âm” 六字观音.


Loại hình 4: Tam Đại sĩ 三大士.

Cuối cùng là “Tam Đại sĩ” trong Hiển tông (2) thế giới 显宗世界. Bắt đầu từ thời Tống, Trung Quốc xuất hiện tam tôn thức, lấy 3 vị Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm 千手千眼观音, Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨, Phổ Hiền Bồ Tát 普贤菩萨cùng đứng ngang hàng nhau. Trong đó, Văn Thù và Quán Âm lần lượt đại biểu cho trí huệ và từ bi, còn Phổ Hiền thì chưa nói rõ thuộc tính. Tam Đại sĩ về sau diến biến thành “Hoa Nghiêm Tam Thánh” 华严三圣, chính là Tì Lô Giá Na Phật 毗卢遮那佛 (tức Đại Nhật Như Lai 大日如来), Văn Thù Bồ Tát文殊菩萨và Phổ Hiền Bồ Tát 普贤菩萨. Lúc này, Mật tông giáo chủ Đại Nhật Như Lai được nhập vào Hiển tông 显宗.


Chú của người dịch

1- Hiếp thị 脅侍.
Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn:

“Vị Hiếp sĩ 脅士. Lại kêu là Hiếp thị 脅侍. Hiệp trì 挾持, là vị Bồ Tát đứng hầu ở hai bên cạnh sườn Phật. Sĩ là Đại sĩ 大士, tiếng dịch chữ Bồ Tát, Hiếp 脅 là cạnh sườn, vì các vị Bố tát ấy thường theo hầu hai bên cạnh sườn Phật, tán trợ Phật giáo hoá chúng sinh, như Quan Âm, Thế Chí làm Hiếp sĩ đức Phật A di Đà; Nhựt Quang, Nguyệt Quang làm Hiếp sĩ đức Phật Dược Sư; Phổ Hiền, Văn Thù làm Hiếp sĩ đức Phật Thích Ca.

Mỗi đức Phật Trung tôn có hai vị Hiếp sĩ. Phật và hai vị Hiếp sĩ hiệp thành Tam tôn vậy.”
(Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, quyển nhì, trang 13.
Nxb Tp/ Hồ Chí Minh 1992)

2- Hiển tông 显宗: một trong những tông phái của Phật giáo, cũng gọi là “Hiển giáo” 显教.


Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002

Tuesday, July 30, 2019

VÌ SAO SINH VIÊN GIỎI KHÔNG HẲN SẼ LÀ NHÂN VIÊN TỐT?

Ở công ty, bạn thường hay nghe những lời than thở như: “Người này có vẻ không tệ mà sao chẳng được việc gì cả thế này?”,“Rõ ràng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ trường đại học danh tiếng, tại sao khi đi làm lại thể hiện kém như vậy? v.v…



Không chỉ có vậy, những sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp đôi khi còn đột nhiên lộ ra tật này tật nọ khiến bạn ‘sợ toát mồ hôi hột’. Từng có một sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học hàng đầu cảm thấy rất bất mãn khi bị cấp trên phê bình, người này đến nói chuyện thẳng với CEO: “Giáo viên, bố mẹ và bạn bè đều nói tôi rất giỏi, các người dựa vào cái gì mà chê tôi?”. Điều này khiến lãnh đạo rất tức giận.

“Sau khi vào công ty, các sinh viên ưu tú nhất định sẽ trở thành nhân viên giỏi” – suy nghĩ này đã sớm bị những người làm trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực phủ định. Sinh viên ưu tú và nhân viên giỏi là hai việc hoàn toàn khác nhau, giữa hai khái niệm này không nhất thiết là có liên quan với nhau.

Thứ nhất, nhà trường và công sở có tiêu chuẩn đánh giá khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá một con người giỏi hay dở của nhà trường là thái độ, kết quả học tập; còn công ty thì là thái độ, kết quả làm việc. Khi đi học, chỉ cần bạn nghe lời giáo viên, làm theo những gì thầy cô dạy là bạn có thể lấy được nhiều bằng khen, được đánh giá là sinh viên giỏi. Dù cho lần thi nào đó bạn thi không tốt, nhưng chỉ cần đủ cố gắng, giáo viên cũng sẽ an ủi bạn, kiên nhẫn chỉ dẫn cho bạn cho đến khi bạn lấy được điểm số cao hơn. Còn ở công ty thì khác, cấp trên chỉ muốn kết quả, họ muốn bạn “làm được việc”, cũng có nghĩa là hoàn thành nhiệm vụ đúng giờ, đủ chất và lượng. Những ai hoàn thành được thì là nhân viên tốt, làm không xong thì bị khiển trách, sa thải. Có rất nhiều sinh viên lần đầu đi làm sẽ không thích ứng được với điều này. Có những người khóc lóc nói: “Tôi đã rất cố gắng rồi, tại sao lại phê bình tôi?”. Ở công ty, lời giải thích “Tôi đã cố gắng rồi” là không có tác dụng, chỉ có “Tôi đã hoàn thành rồi” mới thể hiện được giá trị của bạn.

(Ảnh: shutterstock.com)

Thứ hai, năng lực mà nhà trường và công sở cần là không giống nhau. Nói một cách đơn giản, khi đi học dựa vào IQ, sau khi đi làm thì xem trọng EQ. Ở trường học, thi cử muốn đạt điểm cao, sinh viên ngành khoa học xã hội thì dựa vào trí nhớ, sinh viên ngành khoa học tự nhiên thì xem trọng khả năng suy luận và tính toán – những điều này đều thuộc về phạm vi IQ. Còn vào công ty, muốn trở thành nhân viên chuyên nghiệp, thành đạt nơi công sở thì cần quan hệ xã hội của bạn, khả năng giao tiếp đàm phán cũng như hợp tác tập thể – mà những điều này đều thuộc về EQ.

Đây là lý do vì sao chúng ta thường nhận thấy, có những “sinh viên kém” ở trường học nhưng lại phất lên như “diều gặp gió” khi vào công ty, không chỉ xuất sắc trong công việc mà còn được mọi người xung quanh đánh giá cao. Đây là bởi vì những sinh viên này tuy IQ không cao, nhưng họ biết đối nhân xử thế, có thể nhanh chóng hòa nhập vào tập thể và thuận lợi chuyển mình, hoàn thành công việc nhờ sự ủng hộ của các bậc tiền bối.

Điều này thường bị các sinh viên giỏi biện hộ là: “Họ đã lăn lộn trong xã hội, còn chúng tôi mới chỉ nghiên cứu học vấn”. Không sai, chúng ta đi học mười mấy hai mươi năm luôn chỉ học cách làm việc, mà rất ít môn học nào dạy chúng ta cách làm người. Còn trong cuộc sống hiện thực, khả năng hòa hợp cùng người khác, nhất là với nhiều người cùng lúc, điều chỉnh cân bằng các bên, cùng hoàn thành nghiệm vụ là quan trọng nhất nơi công sở và cũng là điều mà các sinh viên mới tốt nghiệp thiếu. Khả năng này cao hay thấp không chỉ quyết định một người liệu có thuận lợi khi đi làm hay không, mà còn quyết định họ có thể tiến được bao xa, làm được vị trí tốt đến đâu.

(Ảnh: shutterstock.com)

Thứ ba, chỉ tiêu đánh giá của nhà trường và công sở khác nhau. Vĩ độ của nhà trường rất đơn giản: một đường chính, điểm số càng cao càng tốt; một đường phụ: hoạt động xã hội càng nhiều càng tốt. Còn vĩ độ đánh giá ở công ty thì rất phong phú, chức vụ khác nhau có thể cần những năng lực hoàn toàn tương phản. Ví dụ như cùng là công ty quảng cáo, ở phòng kế hoạch, lãnh đạo hy vọng bạn có cái đầu linh hoạt, sáng kiến vô hạn, càng có nhiều ý tưởng lạ càng tốt. Còn nếu ở bộ phận khảo sát thị trường thì cần bạn cẩn thận tỉ mỉ, nghiêm túc, nhạy cảm với những con số, không được bỏ qua bất cứ chi tiết nào. Sự khác biệt về chức năng dẫn đến yêu cầu về năng lực của nhân tài cũng khác nhau. Một người làm công việc này có thể vô cùng thất bại, nhưng đổi một công việc khác thì có thể lập tức bật lên. Mục tiêu cao nhất khi tuyển dụng của công ty không phải là tuyển được người ưu tú nhất, mà là người phù hợp nhất.

Phân tích nhiều điều như vậy, có thể rất nhiều sinh viên giỏi sẽ hỏi ngược lại: “Vậy chẳng lẽ điểm cao là sai sao? Chẳng lẽ học lực tốt chẳng có chút ưu thế nào khi đi làm ư?”. Thật ra thì sau khi tốt nghiệp ra đi làm, mọi sinh viên đều đứng ở vạch xuất phát. Dù trước đó ở trường bạn giỏi hay không, trong môi trường mới, bạn đều cần phải hiểu và thích nghi với quy tắc ở đây, nhào nặn ra một “người mới” phù hợp với yêu cầu công việc, như vậy mới có thể thành công được ở cương vị mới. Còn đối với công ty mà nói, tuyển dụng sàng lọc, tăng cường đào tạo nhân viên mới có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ phán đoán một cá nhân theo thành tích học tập.

Đông Phương

Monday, July 29, 2019

ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH

Đôi điều về bài hát “Đắp Mộ Cuộc Tình” và nhạc sĩ sáng tác

Tác giả của bài Đắp Mộ Cuộc Tình gây ra cơn sốt trong giới yêu nhạc trong mấy năm qua là nhà văn – nhạc sĩ Vũ Thanh, cũng là cha của ca sĩ Quốc Khanh ở trung tâm Asia.


Bài hát này được ca sĩ Đan Nguyên hát từ năm 2013 và rất được yêu thích. Tuy nhiên thời điểm đó nhạc vàng chưa thật sự trở thành trào lưu ở trong nước như hiện nay. Chỉ khi bài Đắp Mộ Cuộc Tình được ca sĩ Quang Lập cover lại từ năm 2017 thì nó bất ngờ tạo thành một cơn sốt ở trong nước như chúng ta đã chứng kiến.

Lâu nay khi nói về nhạc vàng, ai cũng nghĩ ngay đến những tác giả nổi tiếng trước năm 75 như nhạc sĩ Trúc Phương, Lam Phương, Anh Bằng… vì sau năm 75 có ít người sáng tác thể loại nhạc này, nếu có thì cũng không mấy người biết. Khi Đắp Mộ Cuộc Tình được ra đời, nhiều người đã tò mò tìm nghe vì giai điệu bài hát gần gũi với dòng nhạc vàng trước năm 1975, ca từ bài hát thì như lời một bài thơ lãng mạn, một tuyệt tình thư của người con trai gửi người tình đã lỡ làng.


Say giấc mộng ban đầu,
yêu người thuở mới đôi mươi, em đang độ trăng tròn
Từng ngày qua phố, áo em trắng cả đường về,
Lá thư ướp mộng học trò, mối tình xanh như khúc hát

Ai đã hẹn với thề, để rồi lỡ mối duyên thơ
Ra đi chẳng giã từ
ngày em thay áo, áo hoa pháo đỏ rượu nồng,
có ai nát cả cõi lòng
Đứng nhìn em bước bên chồng.

Hai mươi năm cuộc mộng dở dang,
khắc sâu bóng nàng, lắng trong cung đàn,
em giờ ở đâu, hẳn vui duyên mới

Hai mươi năm, cuộc rượu còn đây uống qua tháng ngày
Cố quên đi người, say hoài sầu không vơi
Tình duyên ta tiếc, uống thêm ly này

Ôm giấc mộng lỡ làng, những chiều lắng tiếng mưa rơi
Đêm say chờ trăng tàn
từng thu thay lá, lá rơi đắp mộ cuộc tình
lá bay chất nặng tuổi đời
Nhớ người ta rót ly này.


Nội dung bài hát là đôi người có duyên gặp nhau nhưng không có phận để ở bên nhau. Sau hai mươi năm, người thanh niên lụy tình năm nào mỗi lần cầm ly rượu trên tay là Nhớ Người Ta Rót Ly Này. Anh say tình, say rượu hay tỉnh táo mà vẫn nghĩ mình say để cố nhớ, hay cố quên hình bóng một thời. Ai lớn lên cũng ít nhiều có những mối tình xanh như khúc hát như trong lời bài hát. Có những mối tình chợt đến chợt đi, có những mối tình hai mươi năm mà say hoài sầu không vơi.

Là một nhà văn, nhà thơ, từng câu chữ trong các tác phẩm âm nhạc của Vũ Thanh sử dụng rất chọn lọc, tinh tế và không lẫn vào đâu, vào ai được. Ca từ của Vũ Thanh tha thiết, nhẹ nhàng, trữ tình và thật sâu lắng. Nghe một lần là nhớ, nhớ rồi cứ lẩm nhẩm hát đi hát lại thành thuộc lòng. Vũ Thanh viết nhiều về kỷ niệm, về những mối tình không vẹn, những mơ ước chưa thành.

Nhạc sĩ Vũ Thanh

Nhạc sĩ Vũ Thanh tên thật là Võ Thanh Quang, sinh năm 1956 ở Quy Nhơn, đang sống tại Florida, Hoa Kỳ và có cuộc sống rất kín đáo. Các ca khúc của ông viết ra với mục đích là giúp cho con trai là ca sĩ Quốc Khanh, và con dâu là ca sĩ Hoàng Thục Linh có bài mới để diễn. Ông cũng không đăng ký bản quyền hết các tác phẩm nên lâu nay ai muốn hát, muốn làm video về những ca khúc của ông đều tự do thoải mái. Hiện tại trên YouTube có hàng ngàn video của các ca sĩ nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, trình diễn bài Đắp Mộ Cuộc Tình dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong nước, những công ty ca nhạc lớn và những ca sĩ tên tuổi cũng góp phần đưa ca khúc đã nóng lại càng nóng hơn, đến mọi nẻo đường đất nước trong một thời gian ngắn, như một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trong các tụ điểm Karaoke lớn trong nước đều có phiên bản bài hát này dành cho khách hát cho nhau nghe. Ngoài đường phố, từ những chiếc xe kẹo kéo, anh hát rong, những quán nhậu bên đường, trong nhà, đám ma, thậm chí đám cưới… đâu đâu, nơi đâu chúng ta cũng có thể nghe thấy ca khúc này vang lên.

Nhạc sĩ Vũ Thanh cho biết ông sáng tác bài Đắp Mộ Cuộc Tình năm 2006, phỏng theo một đoạn thơ của chính ông trong bản trường ca Quy Nhơn Đôi Mắt Người Xưa và đã đăng ký tác quyền ở Hoa Kỳ năm 2009 dưới tên “Cuộc Rượu Hai Mươi Năm”. Trong trường ca Quy Nhơn Đôi Mắt Người Xưa có tất cả 5 bản nhạc và 800 câu thơ. Vũ Thanh đã dựa vào những câu thơ như sau, để lấy ý viết thành ca khúc Đắp Mộ Cuộc Tình:


…Em ở đâu, em hỡi em ở đâu? 
Nghe chăng tiếng Thu sầu rơi mấy độ 
Thu nức nở khóc cho ngày tương ngộ 
Trải lá vàng đắp mộ cuộc tình xanh

Giờ cách biệt mới hay vì định mệnh 
Định mệnh khắc khe xô em rời bến 
Định mệnh đẩy đưa ta đến nơi đây 
Duyên lỡ làng còn lại những đêm say

Say chẳng phá sầu xây thành khói dựng 
Từng Thu thay lá, lá xanh, lá rụng 
Lá rụng quanh sân, lá rụng bên trời 
Có bao giờ em nhặt lá rơi 
Cho ta gởi những lời ca thống thiết


Năm 2013, ca nhạc sĩ Quốc Khanh viết hòa âm cho ca sĩ Đan Nguyên thu âm ca khúc này và xin phép tác giả đổi tên thành “Đắp Mộ Cuộc Tình” cho thích hợp với dòng nhạc “mùi” đang được ưa chuộng khắp nơi. Từ đó, Đắp Mộ Cuộc Tình trở thành một top hit, một hiện tượng trong làng nhạc Việt Nam, trong nước và cả hải ngoại.

Đông Kha
(Có sử dụng tư liệu của Nguyễn Lương)
Nguồn: nhacxua.vn


10 ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ ĐỒNG ĐÔ LA MỸ

Đồng xu được ngâm dung dịch hóa học, tờ tiền giấy bị làm giả nhiều nhất là 20 USD, hay tổng thống còn sống không được in hình lên tiền... là những điều ít biết về đồng đôla Mỹ.


1. Đồng xu được ngâm dung dịch hóa học trước khi đúc

Cũng giống như chân giò hay trứng ướp gia vị, đồng xu Mỹ được ngâm trước khi đem đi đúc. Tuy nhiên, không giống thức ăn, chúng được ngâm trong loại hỗn hợp dung dịch hóa học đặc biệt. Dung dịch này có tác dụng làm sạch và sáng bề mặt của đồng xu trống.


2. Hình kim tự tháp ở mặt sau đồng đô la biểu trưng cho sự phát triển của quốc gia

Nói về các biểu tượng và hình nghệ thuật trên đồng đôla Mỹ, nhiều thuyết ra đời. Một trong những thuyết này cho rằng, Hội tam điểm đã sử dụng những biểu tượng này để bí mật truyền tải thông điệp quyền lực. Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu tượng này được giải thích hợp lý hơn. Vì các biểu tượng này được tạo ra từ khi nước Mỹ ra đời, nên có thể lý giải rằng, họ tin đất nước sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng. Những nhà sáng lập nước Mỹ có niềm tin vào người dân, và niềm tin này được chất chứa trong hình kim tự tháp trên tờ tiền đôla.


3. Cơ quan mật vụ Mỹ ban đầu được thành lập để chống nạn làm tiền giả

Nhiều người tin rằng, Cơ quan mật vụ Mỹ được thành lập để bảo vệ tổng thống. Cơ quan bí ẩn này được thành lập 2 tuần sau khi tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát. Tuy nhiên, thực tế là cơ quan này được thành lập để chống nạn tiền giả. Vào những năm 1800, mỗi bang của Mỹ đều có tiền tệ riêng, nên làm tiền giả là việc vô cùng béo bở và dễ dàng. Thời tổng thống Lincoln tại vị, một phần ba tiền tệ của Mỹ được cho là giả. Bởi vậy, Sở mật vụ Hoa Kỳ được thành lập.


4. Sản xuất một đồng 5 xu tốn kém hơn một đồng 10 xu

Ban đầu, tiền xu Mỹ được làm từ đồng. Khi giá đồng bắt đầu tăng, người ta chuyển sang dùng kẽm, sau đó lại chuyển sang niken. 10 năm trước, chi phí để sản xuất một đồng 5 xu là 11,2 cent, trong khi đó chi phí sản xuất một đồng 10 xu và 25 cent lần lượt là 5 cent và 11 cent.


5. Tiền cực bẩn

Theo nghiên cứu, mặt tiền giấy chứa trung bình khoảng 3.000 loại vi khuẩn, đa số các loại này là vô hại nhưng cũng có chứa vi khuẩn gây mụn và vi khuẩn miệng. Nguyên nhân là tiền được qua tay hàng nghìn người và truyền vi khuẩn khắp nơi. Vì vậy, bạn nên rửa tay sau khi chạm vào tiền.


6. Hình tổng thống còn sống không được in trên tiền

Khi Washington trở thành tổng thống Mỹ, người ta muốn đưa mặt ông lên tiền đôla. Tuy nhiên, ông từ chối và cho rằng, thật không hay khi in mặt một thống thống còn sống trên tiền. Ngày nay, luật Mỹ quy định rằng, các thổng thống phải qua đời 2 năm trước khi được cân nhắc in mặt lên tiền đôla.


7. Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất từng được sản xuất là 100.000 USD

Đồng tiền mệnh giá 100.000 USD được phát hành bởi Cục Khắc dấu và In ấn (BEP), nhưng chỉ dùng thay thế cho vàng trong giao dịch giữa các ngân hàng dự trữ liên bang. Tờ tiền mệnh giá lớn nhất trong lịch sử này được in trong khoảng thời gian ngắn, từ ngày 18/12/1934 tới 9/1/1935, với hình tổng thống Wilson ở mặt trước.


8. Vòng đời của một tờ đô la tùy thuộc vào mệnh giá của nó

Tùy thuộc vào nhu cầu đối với từng mệnh giá, vòng đời của một tờ tiền ngắn dài khác nhau. Đồng 1 USD được dùng khá thường xuyên, vì vậy, vòng đời của nó kéo dài khoảng 18 tháng trước khi ngừng lưu thông. Những tờ tiền mệnh giá 50 hay 100 USDthường được lưu thông khoảng 9 năm, bởi chúng không được dùng nhiều như những tờ mệnh giá 1, 10 hay 20 USD.


9. Tiền USD thực chất được làm từ linen và cotton

Chất liệu làm tiền đô la Mỹ gồm 25% linen và 75% cotton chứ không phải bằng giấy như nhiều người lầm tưởng. Năm 2009, hơn 21.000 kiện bông được dùng để in tiền.


10. Đồng tiền bị làm giả nhiều nhất là 20 USD

Về mặt logic, nếu một người muốn làm tiền giả, họ sẽ làm giả những tờ có mệnh giá lớn. Tuy nhiên, trên thực tế những tên làm giả cho rằng, chúng có thể thành công hơn với tờ 20 USD. Việc dùng một đồng 20 USD để mua vé xem phim sẽ ít bị nghi ngờ hơn việc dùng một đồng 100 USD. Trên thực tế, nhiều người thường mang các đồng 20 USD trong ví. Hiếm người ra đường với một ví đầy tờ 100 USD.

The Richest

"HOA NGÔN XẢO NGỮ" KHÔNG PHẢI MỘT LOẠI TÀI NĂNG

Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít người “hoa ngôn xảo ngữ” (花言巧語) thường biết khéo lấy lòng người bằng những lời lẽ dễ nghe nhưng không thật. Người ngày nay cho rằng đó là những người giỏi ăn nói, nhưng người xưa lại không coi trọng những người có cách nói như vậy.


Trong xã hội ngày nay, người “hoa ngôn xảo ngữ”, bộ dạng giả tạo rất nhiều. Thậm chí, đó còn được xem là một loại kỹ năng sinh tồn, một kỹ năng để tranh danh đoạt lợi. Nhưng những người như vậy thật khó để có được sự tín nhiệm lâu dài của người khác. Thuận theo thời gian trôi qua, “cảnh còn người mất”, những người rồi sẽ có kết cục thế nào?

Những trường hợp như vậy trong lịch sử có rất nhiều, ví như nịnh thần Hòa Thân triều nhà Thanh. Hòa Thân được đánh giá là kiểu người có thủ đoạn “hoa ngôn xảo ngữ”, bộ dạng giả tạo. Những thủ đoạn này thực sự được Hòa Thân khai triển đến mức triệt để. Dựa vào sự tín nhiệm của Hoàng đế, Hòa Thân ra sức vơ vét của cải. Nhưng đến khi chỗ dựa vững chắc của ông ta – Hoàng đế Càn Long qua đời thì ông ta liền bị Hoàng đế Gia Khánh tuyên bố phạm hai mươi tội trạng, ban cho tự vẫn.

Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức” (巧言乱德), ý tứ chính là những lời hoa ngôn xảo ngữ, không chân thật sẽ làm bại hoại đạo đức của con người. Người mà Khổng Tử không tán đồng nhất là người thường hay nói những lời xảo ngôn, ngụy biện. Ông cho rằng đó là hạng người có phẩm chất đạo đức không tốt, không thiện.

Nguyên tắc nói chuyện mà Khổng Tử đưa ra là “tuân tuân, tiện tiện, khản khản”, tức là lời một khi đã nói ra phải là lời thành thật, đĩnh đạc, cung kính, hòa nhã và cương trực.

Trong “Luận ngữ” có ghi chép lại rằng, lúc Khổng Tử ở quê nhà thì thái độ vô cùng khiêm tốn, thận trọng, nói chuyện cung kính và có lễ. Lúc ở tông miếu hay trong triều đình, ông lại nói một cách lưu loát, dễ hiểu. Khi nói chuyện với quan lại cấp thấp, Khổng Tử giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa và vui vẻ. Lúc nói chuyện với quan lại cấp cao, ông thường bẩm báo ngay thẳng và giữ vẻ mặt hài hòa, không lo không sợ.


Một lần, học trò Tử Trương hỏi thầy Khổng Tử về hành vi chuẩn tắc. Khổng Tử trả lời ngắn gọn rằng: “Ngôn trung tín, hành đốc kính”, tức là nói chuyện nhất định phải thành thật, không giả dối, không nói lời qua loa lấy lệ để tránh cho việc bất công, thiên lệch bị khuyếch đại. Hành vi phải trung hậu nghiêm túc, để ngăn ngừa việc phóng túng tà ác, tùy tiện làm bậy. Tử Trương nghe lời dạy bảo của Khổng Tử, trong tâm phi thường tin phục. Sau đó, Tử Trương đã viết sáu chữ này lên đai lưng để thường xuyên nhìn thấy và nhắc nhở bản thân mình làm theo.

Khổng Tử còn giảng: “Người quân tử coi việc nói nhiều làm ít là điều đáng hổ thẹn”.

Học trò Tử Cống từng hỏi thầy Khổng Tử làm như thế nào mới là người quân tử. Khổng Tử đáp: “Trước khi nói thì thực hành trước, sau đó dựa theo thực hành mà nói”.

Ông còn giảng thêm rằng: “Người thời cổ đại không dễ dàng nói ra lời, bởi vì họ cho rằng nói rồi mà không làm được là điều sỉ nhục, đáng hổ thẹn”.

Người có đức hạnh khi cùng người khác nói chuyện sẽ luôn giữ được sự đúng mực, thỏa đáng, lấy thành thật làm chuẩn tắc. Họ chỉ dùng lời nói làm sao để biểu đạt được ra ý nghĩ của bản thân là được rồi, không tận lực thể hiện mình. Khổng Tử xếp kiểu người nói ít giống như trì độn chậm chạp nhưng trong lời nói lại rất cẩn thận là người có khí chất quân tử nhất.


Về những điều không nên nói, Khổng Tử viết: “Điều không hợp lễ thì không nói”. Ông cho rằng, lời nói là xuất ra từ miệng, nếu nói ra lời lẽ không hợp lễ nghi thì sẽ dẫn tới bị nhục nhã. Ông cũng giảng rộng hơn rằng: “Hà tất gì phải tranh biện? Người mà có thể ăn nói, luôn nói nhiều lời, tranh biện với người khác, thường thường khiến người khác bất mãn và chán ghét mà thôi!” Bởi vậy, cổ nhân rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Họ nhấn mạnh, khi nói chuyện phải cẩn thận, vì lời không thỏa đáng vừa thốt ra thì sẽ chuốc lấy hối hận, thậm chí mang đến tai ương.

Tục ngữ nói: “Họa từ miệng mà ra”. Một viên ngọc bị sứt mẻ còn có thể thông qua mài giũa mà trở nên trơn nhẵn, bằng phẳng. Ngôn ngữ của một người không thỏa đáng mà không qua tu dưỡng sửa chữa hàng ngày thì không có cách gì bổ cứu được nữa.

An Hòa

Sunday, July 28, 2019

NGUỒN GỐC CỦA DANH XƯNG "TÀI TỬ" TRONG "TÀI TỬ ĐIỆN ẢNH" VÀ "ĐỜN CA TÀI TỬ"

Từ lâu nay đa số thiên hạ đều nghĩ rằng danh từ “tài tử” là của chiếu bóng, là người đóng phim của nghệ thuật điện ảnh, chứ ít ai nghĩ rằng chữ tài tử là của cổ nhạc, của người đờn ca tài tử đã có từ thời thập niên 1920-1930. Rồi không hiểu sao đến khoảng 1956, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân xuất hiện đóng phim thì báo chí lại gọi những người đóng phim là “tài tử điện ảnh”, rồi xài luôn danh từ ấy cho đến bây giờ.

Tài tử điện ảnh Thẩm Thúy Hằng và La Thoại Tân

Khoảng 1958-1959 có một lần có dịp tiếp xúc với nhà báo Trần Tấn Quốc, tôi có hỏi ông tại sao người đóng phim cũng gọi là “tài tử” thì ông trả lời rằng, đó là do ông Năm Châu cộng tác với hãng phim Mỹ Vân viết kịch bản “Người Ðẹp Bình Dương” để quay phim, ông muốn lấy danh từ hoa mỹ để lăng xê Thẩm Thúy Hằng, nên thay vì dùng từ ngữ “đào chiếu bóng” để phân biệt với “đào cải lương” thì Năm Châu lại dùng từ ngữ “tài tử chiếu bóng” nghe hay hơn, sang cả hơn. Rồi dần dần giới này lại bỏ hẳn chữ “chiếu bóng” chỉ dùng chữ “tài tử” mà thôi!

Sau khi danh từ tài tử xuất hiện trên tờ program của phim “Người Ðẹp Bình Dương”, thì vài tháng sau đó ông Tống Ngọc Hạp cho quay cuốn phim màu “Lục Vân Tiên” để ông và Thu Trang (hoa hậu Thị Nghè) đóng vai chánh. Dĩ nhiên là dựa theo danh phẩm Lục Vân Tiên của thi hào Nguyễn Ðình Chiểu.

Tống Ngọc Hạp đã mượn đà sẵn có của phim “Người Ðẹp Bình Dương” để gọi Thu Trang là tài tử đóng vai Kiều Nguyệt Nga. Kể từ đó báo chí cứ gọi người đóng phim là tài tử rồi dần dà quen luôn.


Lịch sử “tài tử” là như vậy, nên ngày nay với nhiệm vụ gây lại phong trào đờn ca tài tử ở hải ngoại, đồng thời cũng là người phụ trách mục cổ nhạc của nhật báo Người Việt, nên tôi quyết định dùng từ ngữ “tài tử” mỗi khi đề cập đến người tham gia đờn ca tài tử hiện nay. Vả lại trước đây UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì mình phải dùng từ ngữ cho đúng.

Nhớ lại hồi năm 2002 lúc tôi cộng tác với đài truyền hình SBTN trụ sở ở Garden Grove, khi tôi giới thiệu ca sĩ lên ca thì thi sĩ Trúc Giang (thân phụ của nhạc sĩ Trúc Hồ) có đề nghị với tôi là nên giới thiệu các người lên ca là tài tử thì đúng hơn. Tôi trả lời rằng, tôi biết vấn đề đó từ lâu, nhưng giới thiệu như thế khán giả, thiên hạ hiểu lầm là “tài tử điện ảnh”, bây giờ chưa đúng lúc phải nêu lên vấn đề đó. Thế mà đến nay đã hơn 15 năm, tôi mới có dịp đưa “vấn đề tài tử” ra cho mọi người cùng biết để không còn thắc mắc. Coi như đã đúng lúc rồi vậy!

Với chức năng của một nhà báo phụ trách kịch trường, tôi xin xác nhận với độc giả, với bà con xa gần rằng: Từ ngữ “tài tử” là của cổ nhạc đã có từ lâu đời, người xưa dùng chữ tài tử để chỉ các người ca hát cổ nhạc ở các đám cưới. Thiên hạ từng nói: Tối nay ở đám cưới có tài tử, mình lo công chuyện cho xong để còn đi coi, đi nghe tài tử ca. Những danh ca như: Tài tử Tám Thưa, tài tử Thành Công, tài tử Hồng Châu, tài tử Năm Nghĩa; các nữ tài tử cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh, cô Ba Bến Tre, và rất nhiều tài tử ca ở đài Pháp Á đã được công chúng nhìn nhận từ xưa.

Đờn ca tài tử Nam Bộ năm 1911

Thế Chiến Thứ 2 chấm dứt, năm 1946 Pháp trở lại Ðông Dương thành lập đài phát thanh Pháp Á ở đường Boulevard de La Somme, Sài Gòn (đường Hàm Nghi sau này). Tiết mục nhiều thính giả của đài Pháp Á là ca cổ nhạc do các tài tử cộng tác như: Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Bạch Huệ, cô Năm Cần Thơ,Văn Chung, Thanh Hương… Nam tài tử Văn Chung gặp nữ tài tử Thanh Hương tại đài này, sau đó thành vợ chồng.

Ðó là những tài tử mà người lớn tuổi ai ai cũng biết, sách vở cũng có ghi và tôi cũng có một số tài liệu này.

Theo Ngành Mai (báo Người Việt)

Saturday, July 27, 2019

CHINA TOUR 2019 - NGÀY 9: MÂN NAM TRUYỀN KỲ (閩南傳奇)


Gần như trong kỳ đi chơi này, tỉnh Phúc Kiến (福建) là nơi chúng tôi ở nhiều ngày nhất. Đối với Phúc Kiến thì tôi chỉ biết là có một đặc sản là "mì Phúc Kiến" và tiếng Phúc Kiến thì na ná tiếng Triều Châu. Tới sau này đọc được một số tài liêu mới biết người Đài Loan đa số nói tiếng Mân Nam và tiếng Mân Nam tức là tiếng Phước Kiến. Tôi vẫn chưa được thuyết phục lắm vì khi tiếp xúc với người Phước Kiến hay người Đài Loan tiếng nói của họ vẫn không hoàn toàn giống nhau nhưng có nhiều âm na ná pha trộn, nên đại khái người gốc Triều Châu như tôi cũng hiểu một phần nào.



Sáng nay chúng tôi ra thăm một khu công viên có tên là Lộ Châu (鷺洲公園) nhưng chủ yếu là ngồi thuyền dạo chơi ngắm cảnh Hạ Môn những tòa nhà cao tầng mà trong đó có sự đầu tư rất nhiều của người Đài Loan. Đến Trung Quốc hiện nay, bạn đi tỉnh nào, thành phố nào cũng vậy, công viên và cây xanh là mục tiêu hàng đầu trong chính sách "lục hóa" Trung Quốc, họ ngăn cấm đốn hạ cây và cho trồng cây khắp nơi, có những công trình vì không muốn đốn cây họ phải xây ngầm dưới lòng đất.



Sau đó chúng tôi ngồi xe qua một trung tâm du lịch giải trí gọi là Hạ Môn Lão Viện Tử (廈門老院子). Ở đây rất rộng, chúng tôi được đưa vào một sân khấu nội thất với sức chứa trên 2000 người và cũng đặc biệt là sàn khán giả ngồi xem sẽ quay 360 độ trong suốt chương trình biễu diễn, sân khấu thay đổi liên tục không gián đoạn, pha trộn giữa phim chiếu, đèn led và người thật, cộng thêm âm thanh nên nó sôi động và rất hoành tráng.



Đây là show biểu diễn "Mân Nam Truyền Kỳ" (閩南傳奇) nói lên công cuộc xây dựng miền đất Mân Nam của người xưa để tạo dựng lên một Phúc Kiến thịnh vượng ngày nay. Nó cũng ca ngợi người hùng Trịnh Thành Công và sự kính bái bà Thiên Hậu, một vị thần mà người miền Nam Trung Hoa tôn thờ nhiều nhất. Ở Việt Nam gần như nơi nào có người Hoa sinh sống đều có đền Thiên Hậu là vậy. Lúc xem tôi có quay lại nên post phía dưới bài cho các bạn xem đở nhé.
Người Phúc Kiến hoặc người Mân Nam đề cập đến các cư dân của người Hán của tỉnh Phúc Kiến phía Nam tại Trung Hoa. Trong một thời gian dài, nhiều người Mân Nam đã trở thành những người du mục và sống ở nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở Đông Nam Á.                                                                 
Các thuật ngữ học thuật có xu hướng sử dụng thuật ngữ người từ Nam Phúc Kiến (閩南地區/Bân-lâm tē-khu) như người Mân Nam 閩南人/Bân-lâm-lâng Trong nhiều thế kỷ, người Min Nam đã lan sang các vùng khác của Trung Quốc và tạo ra một nhóm ngôn ngữ Min Nam ngày càng khác biệt, mặc dù họ vẫn được coi là một phần của gia đình người Mân Nam (民). Gia đình của Mân Nam không chỉ bao gồm người Nam Phúc Kiến, mà cả người Triều Châu (潮汕人), người Hai Phong (陸豐).                                                                                       
Tuyền Châu luôn là một trung tâm của các thương nhân và quý tộc người Hán. Nhiều người trong số họ đã vào Phúc Châu. Để kiểm soát thương mại quốc tế, một số thường dân và hải quân đã di chuyển đến bờ biển phía đông nam Trung Quốc để gặp buôn bán trên biển và bảo vệ chống lại cướp biển, những thương nhân, học giả. Khu vực ven biển Phúc Kiến vẫn là trung tâm cư trú. Do số lượng lớn người di chuyển đến bờ biển Phúc Kiến, đã có một tình trạng suy yếu và duy trì mạnh mẽ. Nhiều doanh nhân đã chuyển đến các khu vực xung quanh như Ôn Châu và Triều Châu. Người Mân Nam là một trong những nguồn gốc dân tộc của dân số dọc theo bờ biển Quảng Đông và Chiết Giang. Người di cư từ Trung ương Trung Quốc sau khi đồng bằng sông Dương Tử về phía nam bằng đường biển, vì Phúc Châu Phúc Kiến tỉnh lỵ, bởi các cổ hơn bằng việc trao đổi dân số bị ảnh hưởng từ phía nam [[sông Trường Giang, phương ngữ và hệ thống công là khác nhau, và cách bờ biển Quảng Đông, người đồng bằng Châu Giang và nhiều người trong số họ cũng hậu duệ của người Hakka đi về phía nam, do đó, cũng có câu nói rằng Quảng Đông và Châu thổ sông Châu Giang cũng có một số lượng lớn người nhập cư như Phúc Kiến và Giang Tây bị đồng hóa bởi quốc tịch Trung Quốc. Sau khi nhiều khu định cư được thành lập tại Trung Quốc, thủ đô của các thương nhân đã được đổi từ các tỉnh và thành phố của đại lục thành Hồng Kông và Singapore. Hoa Kỳ cũng có 600.000 người Trung Quốc.                                                                                                                                                                                        Người Phúc Kiến nói tiếng địa phương Tiếng Mân Tuyền Chương (tiếng Phúc Kiến) không thể hiểu lẫn nhau với các phương ngữ khác của Trung Quốc ngoại trừ phương ngữ Triều Châu ở một mức độ nhỏ. Người Mân Nam có thể được truy nguyên từ thời nhà Đường, và nó cũng có nguồn gốc từ các thời kỳ trước như các triều đại phía Bắc và phía Nam và cũng có một chút ảnh hưởng từ các phương ngữ khác.                                                                                                            Phúc Kiến có một trong những bản phát âm âm vị đa dạng nhất trong số các giống Trung Quốc, có nhiều phụ âm hơn tiếng phổ thông hoặc tiếng Quảng Đông. Nguyên âm ít nhiều giống với nguyên âm của tiếng phổ thông tiêu chuẩn. Các giống Phúc Kiến giữ lại nhiều cách phát âm không còn tìm thấy ở các giống Trung Quốc khác. Chúng bao gồm việc giữ lại /t/ là ban đầu, còn bây giờ là /tʂ/ (Pinyin 'zh') trong tiếng Quan thoại (e.g. 'bamboo' 竹 là tik, nhưng zhú trong tiếng Quan thoại) đã biến mất trước thế kỷ thứ 6 trong các giống khác của Trung Quốc. Phúc Kiến có 5 đến 7 âm hoặc 7 đến 9 âm theo ý nghĩa truyền thống, tùy thuộc vào sự đa dạng của tiếng nói tiếng Phúc Kiến như phương ngữ Amoy chẳng hạn có 7-8 âm. (Theo Wikipedia)


Khi show kết thúc chúng tôi đi ra ngoài và bước sang khu "Lão Viện Tử" (老院子), đây là một khu trưng bày các di tích của đất Mân Nam , cuộc sống và con người qua từng thời kỳ của lịch sử. Tới khu vực nào thì sẽ có nhân viên thuyết minh hoặc người dẫn đoàn giải thích. Khu này cũng rộng lắm, cứ đi nhìn lại rồi đi qua gian khác cũng gần 1 tiếng đồng hồ. Và cuối cùng chúng tôi qua khu vực biễu diễn màn "Thiên Hậu Hiển Thành" nhưng chưa đến giờ nên đi vòng tham quan khu vực này.



Chúng tôi đi vào một đền thờ, cứ nghĩ là đền Thiên Hậu nhưng không phải. Bên trong đền thờ có 2 tượng thờ Đại Vũ và Hoàng Đế phải nói là vĩ đại chứ không phải là to lớn. Chúng tôi trở ra ngoài vì có loa cho hay là show sẽ bắt đầu. Một cảnh quang đẹp với tượng bà Thiên Hậu 3 mặt từ dưới hồ sen từ từ trồi lên cao trên bầu trời và nước phun lên trông rất ấn tượng.


Chiều nay chúng tôi sẽ qua thành phố Chương Châu (漳州), ở đây chúng tôi sẽ ở trong một khách sạn lớn nhất Chương Châu trong đó có khu vực tắm nước suối nóng, gần 12 hồ nước nóng lộ thiên hoặc bên trong với đủ mùi vị tùy ý thích của khách vào tắm. Nước nóng đến 41 độ, chúng tôi qua hồ này tới hồ nọ thử nhưng cũng chỉ ngâm khoảng 15 phút rồi ai cũng về.

(LKH)


BILL GATES: "KHI KHÔNG 1 XU DÍNH TÚI, CẢ THẾ GIỚI SẼ QUÊN BẠN..."

“Khi nắm trong tay rất nhiều tiền, có thể chỉ bạn quên mất mình là ai. Nhưng, khi không 1 xu dính túi, cả thế giới sẽ lãng quên bạn. Cuộc sống là vậy…”.


William Henry Gates là người đàn ông giàu có nhất hành tinh. Tổng giá trị tài sản của ông thời điểm hiện tại ước tính lên tới hơn 80 tỷ USD, tức là lớn hơn GDP hàng năm của Ecuador và Croatia. Tuy nhiên, thật khó có thể tin được khi Bill Gates đang nỗ lực giải thoát bản thân mình khỏi tất cả số tiền này với hy vọng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người kém may mắn hơn mình.

Bản thân ông luôn coi trọng những gì mình đã đạt được ngày hôm nay và khuyến khích mọi người làm giàu. Trong một bài phát biểu cách đây đã lâu, Bill Gates từng chia sẻ rằng: “Khi nắm trong tay rất nhiều tiền, có thể chỉ bạn quên mất mình là ai. Nhưng, khi không 1 xu dính túi, cả thế giới sẽ lãng quên bạn. Cuộc sống là vậy…”.

Qua những bài phát biểu của mình, ông luôn khuyên thế hệ trẻ cần phải nỗ lực làm việc, cống hiến bản thân hết mình để đạt được thành công. Có như vậy, bạn mới làm nên một điều gì đó khiến thế giới nhớ đến bạn.

Nhìn lại cuộc đời Bill Gates có thể thấy, thành công đến với ông như ngày hôm nay cũng không hề dễ dàng. Bản thân ông luôn nỗ lực phấn đấu và không cho phép bản thân ngừng cố gắng.

Có thể kể đến một ví dụ là khi đang học trung học, Bill Gates nhận được điện thoại từ một công ty kinh doanh đồ dùng quốc phòng lớn nhất nước Mỹ với lời mời muốn ông xuống phía Nam để gặp mặt, ký hợp đồng thử việc. Để thực hiện ước mơ của mình, sau khi được sự đồng ý của nhà trường, Bill Gates đã tham gia công việc này trong 3 tháng.


Sau khi kết thúc quá trình thử việc, Bill Gates quay lại trường học. Vấn đề đặt ra là ông sẽ vừa phải học bổ sung tất cả những bài học trong 3 tháng trước đó, đồng thời tham gia kỳ thi cuối kỳ. Bằng nỗ lực của mình, ông đã bắt kịp các môn học khác một cách nhanh chóng nhưng lại lơ là với môn vi tính vì cho rằng mình đã thành thạo. Kết quả là môn vi tính thầy giáo chỉ cho ông điểm B. Điều đáng nói là nguyên nhân không phải vì điểm thi không tốt (ông đứng đầu trong kỳ thi), mà vì Bill Gates chưa tham dự một buổi học nào của môn này, ông đã bị mất điểm vì “thái độ học tập”.

Nhưng thay vì oán trách thầy giáo, Bill Gates tập trung mọi nguồn lực vào công việc mã hóa các số liệu và trở thành một lập trình viên nổi tiếng, xây dựng nên tập đoàn Microsoft khổng lồ như ngày nay.

Theo CafeF.

Friday, July 26, 2019

CÁ NGỪ VÂY XANH

Loài cá chỉ một lát nhỏ xíu cũng đã hơn 1,4 triệu đồng, nhà giàu muốn ăn cũng phải chùn tay

Những lát sushi nhỏ làm từ cá ngừ vây xanh được mua tại các cuộc đấu giá hàng năm ở chợ cá Tsukiji của Nhật Bản có mức giá lên tới 65 USD, tương đương 1,5 triệu đồng.

Kuro maguro

Một trong những món ăn đắt đỏ nhất thế giới

Sushi là một trong những món ăn truyền thống của Nhật Bản. Trong đó, sushi cá ngừ (thường được biết tới với tên gọi Kuro maguro) được xem là một trong những món đắt đỏ nhất. Tại cửa hàng bình thường, chúng có giá không dưới 1 USD, nếu làm từ những con cá ngừ đặc biệt, giá của nó có thể lên đến 65 USD (khoảng 1,5 triệu VND).

Trước đây, cá ngừ vây xanh được làm thức ăn cho chó mèo, nhưng về sau lại có giá cao ngất ngưỡng.

Đặc biệt, cá ngừ vây xanh là một thành phần chính của món sushi, được gọi là “Kuro maguro” (cá ngừ đen) ở Nhật Bản và được những người sành ăn sushi ưu ái đặt tên là “kim cương đen” vì độ quý hiếm của nó.

Một điều khá thú vị, vào thập niên 60, mọi người không quan tâm nhiều đến loại cá này. Mọi người cho rằng, loài cá này có quá nhiều chất béo, nhiều dầu, nấu lên vị nhạt nhẽo nên được dùng làm thức ăn cho chó, mèo.

Tuy nhiên, về sau, loài cá này được người Nhật Bản chế biến thành sushi thì lại được đẩy giá trị lên cao gấp bội. Thậm chí, cá ngừ vây xanh giờ đã trở thành một trong những nguyên liệu đắt giá hàng đầu thế giới. Có thời điểm, giá mỗi con cá này lên đến 1,76 triệu USD (tương đương gần 40 tỉ đồng).

Trong một phiên đấu giá tại chợ cá tấp nập Tsukiji ở Tokyo, con cá ngừ nặng 222 kg mắc câu ở ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản đã được bán ra với giá 155,4 triệu yen, tương đương 1,7 triệu USD.

Vì sao cá ngừ vây xanh lại có gái đắt đỏ như vậy?

Một trong những điều khiến cá ngừ vây xanh trở thành món ăn thượng hạng với mức giá đắt khủng khiếp đến từ quy trình đánh bắt, chế biến đặc biệt nghiêm ngặt.

Đầu tiên, tất cả những con cá đánh bắt lên đều bị giết một cách nhanh chóng. Vì sao ư? Vì nếu để cho cá quẫy quá mạnh, quá trình trao đổi sinh hóa bên trong cơ thể cá sẽ xảy ra, dẫn đến chuyện chất lượng thịt cá ngừ giảm đi.

Đó cũng là lý do khiến hàng chục nghìn tấn cá ngừ tại Việt Nam xuất khẩu sang Nhật, chỉ có một số ít là đủ tiêu chuẩn để làm sushi, vì ngư dân thường dùng chày gỗ để đập chết cá.

Mặt khác, theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa phân tích: "Nếu người Nhật chỉ mất 2-3 ngày cho một chuyến đi biển, thì chỉ riêng việc đến được ngư trường Trường Sa, thuyền câu của Việt Nam đã phải mất 3 ngày.

Cộng thêm bằng đó thời gian để quay về đất liền, con cá phải bảo quản trong đá suốt 1 tuần. Thế nên dễ hiểu vì sao cá ngừ Nhật lên bờ còn tươi rói, trong khi cá của Việt Nam đã giảm chất lượng đi nhiều".

Còn ở Nhật, để "xử lý" cá nhanh, các ngư dân sẽ dùng dao hoặc móc thọc thẳng vào não, khiến cá chết ngay tức thì.

Sau đó cá sẽ bị mổ bụng, moi ruột, hoặc các ngư dân sẽ để nguyên cả con cá tươi vào trong hầm đá lạnh. Đây chính là phương pháp bảo quản phổ biến nhất.

Loại đá sử dụng để ướp cá cũng phải là đá "sạch". "Sạch" ở đây không có nghĩa là như nước tinh khiết, mà không được phép chứa các tạp chất làm thay đổi mùi vị của cá.

Cá ngừ vây xanh được đánh bắt với quy trình hết sức nghiêm ngặt.

Hầu hết cá ngừ vây xanh đánh bắt sẽ được tập kết 3 khu chợ chính, trong đó nổi tiếng nhất là chợ Tsukiji - trung tâm giao dịch cá ngừ vây xanh lớn nhất thế giới.

Tại đây, những con cá ngừ đã bị cắt đuôi, mổ bụng được đem đấu giá. Trọng lượng và xuất xứ của cá cũng được viết thẳng lên thân bằng mực đỏ.

Từ đây, cá sẽ được chuyển thẳng tới các nhà hàng sushi tại Nhật Bản - nơi các đầu bếp cần những kỹ năng tinh tế để xử lý cá một cách chuyên nghiệp nhất.

Thịt cá ngừ được chia làm ba loại, lưng, lườn và bụng. Những miếng sushi làm từ thịt bụng bao giờ cũng có giá đắt nhất, trong đó đã từng có trường hợp một suất sushi cá ngừ có giá lên tới $375 (gần 8 triệu đồng).

Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng, cá ngừ trở thành mục tiêu của những chuyến đi biển dài ngày của các ngư dân khu vực Thái Bình Dương, Địa Trung Hải. Việc đánh bắt quá mức với niềm tin "đây là nguồn lợi không bao giờ cạn" đã đẩy trữ lượng cá ngừ toàn cầu giảm xuống chỉ còn 10% trong vòng 30 năm.

Cá ngừ vây xanh bị đánh bắt tận diệt khiến số lượng giảm xuống nhanh chóng

The Independent dẫn chứng, mỗi năm, người Nhật tiêu thụ khoảng 3/4 lượng cá ngừ vây xanh khai thác được trên thế giới, và 80% lượng cá ngừ đánh bắt từ Địa Trung Hải sẽ kết thúc số phận của chúng trên bàn ăn của người Nhật.

Trữ lượng giảm khiến ngư dân không còn cách nào khác ngoài việc khai thác những con cá có cân nặng ít, thậm chí chưa đến tuổi sinh sản. Nếu như thời kỳ đầu, cá ngừ vây xanh đánh bắt được có thể đạt kích thước 3m và cân nặng 450 kg, thì ngày nay, những con cá nặng tới 180 kg rất hiếm khi xuất hiện. Ngược lại, cá ngừ vây xanh trọng lượng dưới 36 kg (chưa đủ cân nặng trưởng thành) lại được bán rộng rãi hơn.

Cũng chính vì nhu cầu tiêu dùng cao của người dân mà hiện nay giá của chúng trở nên vô cùng giá đắt đỏ.

Lily (th)